The secret of getting ahead is getting started. The secret of getting started is breaking your complex overwhelming tasks into small manageable tasks, and then starting on the first one.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ông tử Hà Đông nhấn nút linh tử xem lại vài cảnh bỏ nước chạy lấy người thê thảm hai mươi mốt mùa cô hồn tháng Bảy năm xưa. Phải nói là ngày ấy, tháng ấy, năm ấy Công tử gà què kẹt giỏ chạy không kịp chứ không phải là không muốn chạy. Từ trưa ngày 29 tháng Tư trực thăng Mẽo bay vần vũ trên trời Sàigòn, tiếng máy bay quần thảo suốt đêm. Tảng sáng Ba Mươi, trực thăng Mẽo vắng bóng trên thành phố đầu hàng. 11 giờ trưa "Toỏng Thoóng" Dương Văn Minh đọc lệnh buông súng trên ra-dzô, những người lính Việt Nam Cộng Hòa bại trận, buông súng, vừa đi vừa khóc trên hè phố. Đường phố Sàigòn náo loạn, người ta chạy lên, chạy xuống như kiến vỡ tổ. Bốn giờ chiều có anh nào đó tên là Tòng - Nguyễn hay Lê Văn Tòng - cùng vài anh nữa hát bài "Nối Vòng Tay Lớn" chào mừng Việt cộng trên đài phát thanh.
Năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười ngày sau một số ký giả nhanh chân chạy đến "trình diện" ở Câu Lạc Bộ Báo Chí đường Lê Lợi. Ở đây có một anh cán bộ nào đó tên là Kỳ Nhân cấp cho đám ký giả Sàigòn nhanh chân chạy đến với chủ mới những giấy chứng nhận "có đến trình diện" ký tên Kỳ Nhân. Ít ngày sau, anh Kỳ Nhân này mất tích. Nhiều ký giả nói với nhau: "Không biết thằng Kỳ Nhân là thằng nào. Có lẽ tên nó là Kỳ Nhông thì đúng hơn…"
Bọn Văn Nghệ Giải Phóng Miền Nam chiếm tòa Đại sứ Đại Hàn ở đường Nguyễn Du - nghe nói nhà này nguyên là nhà của ông Nguyễn Hữu Hào, ông Quốc cữu thời vua Bảo Đại - văn nghệ sĩ Sàigòn kẹt giỏ bảo nhau đến đó "trình diện cách mạng". Thực ra Việt cộng nó chỉ ra lệnh và kêu gọi các sĩ quan, công chức và đặc biệt là quý ông phú lít, bác sĩ, giáo viên, nhân viên bệnh viện v.v… đi trình diện thôi. Mới vào được Sàigòn Việt cộng đang có quá nhiều việc rối tinh, rối mù. Họ không ngờ họ chiếm được Sàigòn đẹp quá Sàigòn ơi dễ và nhanh ngon lành đến thế, hai là họ chẳng thèm để ý, để tứ, để mắt, để mũi gì đến đám văn nghệ sĩ Sàigòn nên họ hổng có kêu gọi mấy anh đi "trình diện, trình mạo" chi ráo trọi. Mấy ảnh sợ và mấy ảnh tưởng bở, mấy anh nghĩ "đi trình diện là tốt", nên mấy ảnh lơ láo đến Tòa Đại sứ Đại Hàn nay đã đổi chủ. Công tử Hà Đông cũng đến đấy.
Đến đấy mấy ảnh gặp ký giả Thái Bịch. Bộ mặt Thái Bịch những ngày Việt Nam Cộng Hòa còn hùng mạnh trông đã khó thương rồi, nay cờ đỏ sao vàng đầy thành phố bộ mặt ấy trông lại càng ghê rợn. Ký giả nhà ta lúc thì mặt lạnh như tiền, lúc thì hòa nhã với cái vẻ cố ý để cho những kẻ đến gặp anh biết anh muốn nói với họ: "Bi giờ ngươi đã biết Thái Bịch này chưa?"
Để chứng tỏ mình không phải là thường dân, mình là chiến sĩ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mấy anh cách mạng Ba mươi chạy cờ, chạy hiệu, chạy bàn thường đeo cái băng đỏ ở cánh tay. Đặc biệt Ký giả Thái Bịch đeo sề sệ một khẩu Côn Đui bên hông.
Ký giả Thái Bịch nhờ ơn Bác, Đảng, được hạnh phúc đeo Côn Đui- hay Côn Bạt, súng Mỹ -liên tục dễ đến hơn cả tháng. Ít lâu sau, Việt cộng tổ chức lại, đem cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng về tòa nhà Tình báo Việt Nam Cộng Hòa đường Trương Minh Giảng-Tú Xương. Bộ mặt hãm tài của ký giả Thái Bịch không còn xuất hiện nữa.
Trở lại với Sàigòn ngày tan hàng. Nhiều anh em tù cải tạo gọi là Ngày Đứt Phim. Lấy ý như là mình đang ngồi trong rạp Rex xem đào E-Li-Za-Bét Tê-Lo mần tình với kép Rốc-Hất-sân. Đang cụp lạc bỗng màn ảnh tối om rồi đèn bật sáng. Những cặp tình nhân ngồi nghiêm chỉnh lại, tay chân, miệng lưỡi không còn dính nhau, những trinh nữ sửa lại y phục. Đèn sáng trong một lúc. Nhân tiện kháng giả đi đé. Đứt phim. Khi phim nối lại, cuộc sống sẽ trở lại như trước.
Saigon ngày tan hàng. Nhìn lên trời thấy những chiếc trực thăng bay ra biển Công tử Hà Đông cảm khái lẩy Kiều:
Ào ào gió dục mây vần
Trực thăng trong cõi hồng trần như bay…
Mai Thảo là văn nghệ sĩ Sàigòn duy nhất công an Việt cộng muốn bắt mà không bắt được. Đúng là con người có số. Số ông Mai Thảo, số ông Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều - những ông ba chân bốn cẳng vắt giò lên cổ chạy thoát được trước Ngày Ba Mươi Tháng Tư không nói làm chi - hai ông Mai Thảo, Lê Trọng Nguyễn sống ở Thành Hồ cả mấy năm mà vẫn không bị Việt Cộng bắt - Số hai ông là số không ở tù nên hai ông không bị ở tù. Giản dị và trong sáng, dễ hiểu như vậy thôi. Hai ông chẳng giỏi giang gì cả.
Công an Việt cộng, nhất là anh Huỳnh Bá Thành họa sĩ Ớt nhật báo Đồng Nai của Thượng nghị sĩ Hồng Sơn Đông, rất lấy làm cay cú vì không bắt được Mai Thảo. Chúng lại càng ức hơn khi chúng biết Mai Thảo vẫn sống giữa lòng Thành Hồ, vẫn gặp anh em. Cuối năm 1977 sau khi vác mặt mo đi dự cái khóa Bồi dưỡng chính chị, chính em ruồi bâu kiến đậu Công tử Hà Đông được nhà văn lớn Bảng Đường cho người đến nhà đưa thư.
Thư nhà văn lớn viết đại ý: "Tưởng mày cũng bị bắt nên tao không liên lạc. Người cầm thư này là người thân của tao. Đưa nó mang về cho tao mấy quyển truyện trinh thám Pháp. Tao suốt ngày nằm đọc sách. Tao là kẻ thù của mặt trời…"
Công tử học hành dốt nát, tiếng Tây, tiếng Mẽo tiếng nào cũng ăn đong nhưng tiểu thuyết tiếng Tây, tiếng Mẽo lại có khá nhiều. Toàn là loại sách bìa mềm rẻ tiền. Đọc thư nhà văn lớn, Công tử bèn xếp, không phải mười quyển mà là hai mươi quyển liền một khi, đưa anh mang thư đem về cho nhà văn đọc. Đồng thời một thư cũng được gửi Công tử gửi cho nhà văn lớn: "Hôm nào mày đến nhà tao chơi…"
Người giao liên của Mai Thảo là anh cháu con bà chị của ổng. Anh và gia đình hiện ở San José, Cali. Lần sau trở lại, anh cho biết Mai Thảo chỉ ra khỏi nhà lúc sáng sớm và trở về nhà lúc tối mịt, anh sẽ đưa ông cậu anh đến nhà tôi sớm, để ông ở nhà tôi, tối anh đến đón về…
Một sáng Mai Thảo đến nhà tôi. Ông đội mũ phớt, để hàng ria mép. Vợ tôi nấu cơm. Tôi đi mời bà dì tôi ở gần nhà sang chơi. Bà dì tôi, vợ tôi, cậu, cháu Mai Thảo là bốn tay đánh chắn cừ khôi. Tôi chắn cạ A B C nhưng phải ngồi dzô cho đủ năm tay. Tôi sinh trưởng trong một gia đình tổ tôm, tài bàn, chắn cạ, bất, đố mười gia truyền. Những tờ giấy bạc lương thiện do sức lao động đầu tiên tôi kiếm được trong đời tôi là tiền chia bài. Những năm 40 với việc chia bài mỗi canh chắn khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ tôi kiếm được hai ba đồng tiền công chia bài. Tôi chi số tiền này vào việc đớp bò khô thoải mái. Năm ấy thịt bò khô Hà Đông - Sàigòn là gỏi đu đủ - một đĩa là một hào. Một đồng bạc Đông Dương đớp được những mười đĩa. Ở số tuổi một bó, một bó hai ba que tôi đớp liền tù tì bẩy tám dĩa thịt bò khô giấm chua trinh nữ són đé mà vẫn tỉnh queo không xót ruột, sót gan gì cả.
Vậy mà khi lớn lên, tôi lại không ưa cờ bịch một ly Cửu Sừng, Ông Cụ nào cả. Về bộ môn cờ bịch có thể nói tôi biết đủ thứ. Nhưng vì tôi không thích nên dù biết bí kíp mà không tập luyện nên võ công của tôi không cao. Chắn cạ, mạt chược, cờ tướng tôi chơi thấp hơn vịt… Vì thiếu chân nên tôi phải ngồi vào bàn chắn cho Mai Thảo tiêu thì giờ trong một ngày quanh quẩn ở nhà tôi từ sáng đến tối.
Trước sau Mai Thảo đến nhà tôi chừng ba lần. Thế rồi tình cờ khi gặp anh em ký giả ở đâu đó nghe họ nói:
- Mai Thảo bị bắt rồi
Tôi hỏi:
- Bị bắt hồi nào? Cách đây bao lâu rồi?
Với vẻ thản nhiên đầy quan trọng tôi nói:
- Bậy. Mới tuần trước Mai Thảo đến nhà tôi.
"Tin Mai Thảo đến nhà Hoàng Hải Thủy…" dần dần được chuyền đến tai bọn công an muốn bắt Mai Thảo. Tôi tuy ngu nhưng không đến nỗi không biết là tin ấy sẽ được truyền đến tai bọn công an Việt cộng, tôi chỉ ngu si - vì lúc đó tôi chưa bị bắt - khi nghĩ tôi không có tội gì khi tôi biết Mai Thảo bị lùng bắt mà tôi không báo cáo cho công an đến bắt Mai Thảo, là công dân tốt, theo nghĩa tốt của Việt cộng - tôi phải báo cáo với công an Việt cộng để họ giăng bẫy bắt Mai Thảo. Nếu tôi vì tính chất phản động không chịu làm việc ấy thì vợ tôi phải sáng mắt, sáng lòng đi khai báo mà không cho tôi biết.
Vì vậy, khi tôi bị bắt lần thứ nhất - lần bị bắt này của tôi không được hai anh Nam Thi - Minh Kiên nhắc đến, dù chỉ nhắc sơ nửa dòng trong quyển Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - người phụ trách thẩm vấn tôi là Huỳnh Bá Thành. Lần thứ nhất gặp tôi trong phòng thẩm vấn của Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Huỳnh Bá Thành tự giới thiệu:
- Tôi là Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Ớt báo Đồng Nai. Anh gặp những anh chị bị bắt và đã được thả chắc cũng có nghe nói đến tên tôi.
Khi tôi vào Số 4 Phan Đăng Lưu một số văn nghệ sĩ bị bắt tháng Ba, tháng Tư năm 1976 đã được thả về: Hồng Dương, Minh Đăng Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, Sao Biển, Hoàng Anh Tuấn, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca, Xuyên Sơn, Minh Vồ, Hồ Nam, Lê Xuyên, Trần Việt Sơn v.v… Tôi có nghe anh em kể vài mẩu chuyện trong tù nhưng thực sự tôi chưa một lần nghe nói đến tên anh Huỳnh Bá Thành.
Trước mắt tôi, Huỳnh Bá Thành gầy, đen, tóc chải sang bên trái cho tôi biết anh thuận tay trái. Anh cho tôi biết bí danh anh là Ba Trung. Anh cũng tự giới thiệu anh là tác giả quyển Vụ án Hồ Con Rùa.
Tôi không nói cho anh biết là tôi chưa nghe ai nói đến tên anh lần nào, tôi không biết họa sĩ Ớt và tôi cũng chưa từng để mắt đọc nửa trang truyện Vụ Án Hồ Con Rùa.
Tôi bị bắt chiều thứ Bảy - công an đến nhà tôi lúc 11 giờ trưa, khám xét, tìm tang vật mãi đến khoảng 5 giờ chiều tôi mới vào đến Biệt giam 15 khu B, Số 4 Phan Đăng Lưu - 10 giờ sáng Chủ nhật hôm sau Huỳnh Bá Thành đã gọi tôi ra phòng thẩm vấn.
Mỗi lần Ba Trung thẩm vấn tôi rất lâu. Ngoài phần hỏi đáp còn có phần nói chuyện linh tinh, lang tang về văn nghệ, văn gừng, chính em, chính chị. Ba Trung thường gọi tôi ra thẩm vấn vào buổi chiều, ngồi mãi đến chín, mười giờ tối mới thả tôi về biệt giam. Tôi không lấy gì làm phiền nhiễu vì những lần hỏi cung dài lòng thòng này. Mới bị bắt nằm xà lim một mình buồn thấy mồ đi. Được ra ngoài ngồi thoải mái, được có người nói chuyện qua lại - dù người đó là Vixi - cũng đỡ buồn hơn là cứ nằm đến mỏi nhừ cả người trên nền xi măng xà lim. Tôi phải nói rằng Huỳnh Bá Thành đối xử với tôi rất nhã nhặn, lịch sự. Anh ta không nói nặng tôi nửa câu, không tỏ ra khinh bỉ hay vô lễ với tôi, cũng không đe dọa tôi nửa lời. Anh có thể đe dọa tôi, nhưng anh đã không làm. Anh cũng không nói lời gì để tôi thêm buồn, thêm sợ. Anh có đọc tập thơ của tôi - Sau ngày oan nghiệt, tôi có làm một số bài thơ vẩn vương, chép vào một tập để ngay trên bàn. Bọn công an xét nhà vồ được tập thơ này của tôi. Giờ này tập thơ vẫn nằm yên trong kho Lưu trữ tang vật của Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong tập có bài thơ tả cảnh Chợ Trời Saigòn sau ngày ta mất nước:
Chợ Trời
Trời chiều đi dạo Chợ Trời
Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây?
Chợ bầy những đọa cùng đầy
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa
Bán đồ toàn những người ta
Mua đồ thì rặt những ma cùng Mường
Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường
Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây!
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút