Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hời gian qua, những ngày như lá, tháng như mây - Thơ Thanh Nam Si-a-tồ -khi tuổi đời sáu bó lẻ mấy que tôi mới thấy những lời người ta nói như thế về những nàng Kiều là không đúng. Bằng chứng rõ ràng không thể cãi cọ được là cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nữ minh tinh Kiều Trang. Tên nàng cũng là Kiều đấy nhưng đời nàng vẫn sáng choang như gương Tàu. Thử hỏi có em Ngọc Côn, Kim Lệ, Huỳnh Hoa nào có cuộc đời an nhàn mọi mặt như nàng Kiều Trang được công an Việt cộng nhắc đến một cách kính nể đầy tính nâng bi trong quyển NTBKCB? Hai nữa, cần gì cứ tên Kiều Nọ, Kiều Kia mới vất vả năm bẩy đời chồng, ba bốn chục đời nhân tình, lúc thì áo xanh, lúc thì áo hồng. Số em có nhiều đàn ông là em có nhiều đàn ông, không phải là vì cái tên Kiều của em. Vô tư mà nói cuộc đời em Kiều Thúy nhiều lúc đoạn trường thật nhưng cũng có nhiều lúc sáng giá đền bù đã lắm đấy chứ? Sao chỉ nhắc đến những lúc nàng bị Mã Giám Sinh xơi tái, Sở Khanh bỏ rơi, Tú Bà đánh đòn, Hoạn Thư bắt hầu rượu, gảy đàn kìm, Hồ Tôn Hiến gỡ gạc mà không nói đến lúc nàng đường đường ngồi ghế Chánh án phu nhân. Khi ấy nàng vinh quang biết chừng bao? Nàng ơn đền, oán trả nặng nề, thẳng tay, Hoạn Thư quỳ mọp dưới sân, Thúc Kỳ Tâm người cũ không những chỉ run như cầy sấy mà còn sợ đến són đé ra quần. Lại còn Tú Bà rập đầu lậy côm cốp như chày giã gạo. Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh nhìn thấy Tử thần vác lưỡi hái lù lù ngay trước mặt. Ba anh này lúc cuối đời mới ăn năn thì sự đã rồi, rất có thể lúc ấy ba anh nghĩ; " Mèn ơi.. Biết sự đời như thế này thì lúc ấy bà có cho em cũng chẳng để vào làm chi…" Về mặt giá trị tính theo vàng Kiều Thúy có giá nhất không những chỉ trong cõi đời Gia Tĩnh triều Minh mà là ở mọi cõi đời, nhất là ở cõi đời này hôm nay.. Đằng nào cũng mất, chẳng mất trước thì mất sau, mất mà có 400 lượng vẫn hơn là mất mà hổng có lượng nào, hoặc bán mà giá chỉ có năm chỉ.
Vì không phải là những văn nghệ sĩ chân chính nên hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên - dù có là đại tá đi nữa - tác giả "Những tên biệt kích cầm bút" đã cho nhân vật Hoàng Hải nói:
- …Tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình?
Vật bất kỳ bình tắc minh. Khi đau khổ chúng ta kêu, rên, khóc ti tỉ. Khi sung sướng chúng ta kêu, rên, cười toe toét. Văn nghệ sĩ cũng là người nên khi đau khổ, sung sướng văn nghệ sĩ cũng kêu, rên, khóc cười như bất cứ ai. Song vì văn nghệ sĩ là… văn nghệ sĩ nên khi buồn đau, vui sướng văn nghệ sĩ còn sáng tác ra những cái gọi là tác phẩm văn nghệ. Chẳng hạn các thi sĩ mần thơ, nhạc sĩ mần bài ca, văn sĩ viết truyện ngắn, truyện dài. Nói cách khác người thường khi đau buồn chỉ khóc, vui sướng chỉ cười, văn nghệ sĩ ngoài khóc cười như đã nói còn có sự cần thiết bức bách phải cho ra đời tác phẩm văn chương. Sự cần thiết ấy là bắt buộc, không mần không được. Nó như nhu cầu về sinh lý: ăn dzô thì phải tống ra. Chỉ có đầu dzô mà không có đầu ra là chết năm bẩy cửa tứ. Vì vậy văn nghệ sĩ nào nói: "… Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết cho ai…?" là văn nghệ sĩ rởm. Bất bình tắc minh. Không bình thường thì kêu lên. Khi xúc động đập vào trái tim người nghệ sĩ, anh ta bắt buộc phải mần thơ nếu anh ta là thi sĩ, mần nhạc nếu anh ta là nhạc sĩ, viết truyện nếu anh ta là văn sĩ. Không mần thì anh sẽ mặt mũi bần thần, ngẩn ngơ, ăn nói vô duyên. Nói rõ hơn và hình tượng dễ hiểu hơn là nếu không sáng tác văn nghệ sĩ sẽ bị táo bón tinh thần rất nặng.
Vì vậy nếu là văn sĩ anh bắt buộc phải viết lên giấy những xúc động trong tim anh, trong hồn anh. Anh không thể dửng dưng, lửng lơ con cá vàng nói: "Viết làm chó gì? Viết cho ai đọc? Không lẽ viết để mình đọc ư?" Anh có thể nghĩ: "Viết ra nó tóm được là bỏ mẹ. Không cần chửi chúng nó hay kêu gọi ai thủ dao phay đứng chờ ở đầu ngõ thấy thằng công an Việt Cộng nào đi qua là chém cho nó năm bẩy nhát. Chỉ cần mình than buồn, than khổ thôi là đủ để nó đem mình đi cất năm bẩy niên. Xa vòng tay gầy lạnh của vợ hiền. Chán lắm…" Anh có thể tự khuyên những câu đầy tính minh triết xanh rờn: "Chịu đi. Đừng có dại mà viết. Bút sa gà chết. Với Việt cộng thì bút sa người chết. Quanh quẩn trong xó nhà như vầy năm bữa, nửa tháng may ra cũng có tô phở chợ, lâu lâu được vợ an ủi, khuyến khích một lần. Thơ mí phú làm ký gì. Vạ vào thân…." Anh nghĩ thì quá khôn, nhưng anh nghĩ dzậy mà anh thường không mần như dzậy.
Những văn nghệ sĩ trong cõi đời này còn có cái tật nữa là ngoài việc mấy ổng dùng buồn vui của mấy ổng làm thành tác phẩm, mấy ổng còn buồn vui vì những buồn vui của người khác. Và mấy ổng cũng có thể vì buồn vui của người khác mà làm thành tác phẩm nghệ thuật. Mấy ổng được người đời yêu mến vì cái tài ấy.
Năm 1994 ở Thành Hồ, tôi xem cuộn băng Vidéo Văn Phụng - Châu Hà, thấy MC Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi Văn Phụng trong trường hợp nào nhạc sĩ sáng tác bản "Tạ Từ Đêm Mưa"? Văn Phụng trả lời:
- Đêm ấy chơi nhạc ở Đăng-xinh Văn Cảnh. Khi ra về tôi thấy một cặp tình nhân chia tay nhau. Cảnh họ quyến luyến nhau trong đêm mưa gợi hứng cho tôi làm nhạc…
MC Nguyễn Ngọc Ngạn:
- Như vậy là anh giả vờ buồn…
Nhạc sĩ Văn Phụng không nói gì.
Khi gặp Văn Phụng ở thành phố Arlington, nơi có Rừng Phong thu vẫn nhuốm mầu quan san của Công tử Hà Đông, tôi hỏi anh:
- Anh nhớ trong Vidéo của anh Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi anh về bản Tạ Từ Đêm Mưa chứ? Khi Nguyễn Ngọc Ngạn nói "anh giả vờ buồn…" sao anh không nói gì cả? Anh thấy người khác chia ly nhau người ta buồn. Anh không chia ly ai cả nhưng anh buồn cái buồn của những người phải xa nhau, anh làm bản Tạ Từ…. Làm sao anh có thể giả vờ buồn mà làm được bản nhạc buồn đến thế…?
Tôi suốt một đời đi ở nhà thuê. Bi giờ về già hết lộc rồi nghĩ lại thật xấu hổ. Chẳng gì cũng mang danh ký giả, văn sĩ, có mấy chục bộ truyện được in, nhân viên Sở Mẽo! Mà nếu vợ bị tra tấn tàn nhẫn sống dở chết dở bẩy ngày cũng không xì ra được nửa chỉ vàng nào để hối lộ, kim cang, hột xoàn lại càng không có. May mắn cho vợ chồng tôi là mẹ tôi có một cái nhà nhỏ vẫn bỏ không trong cái gọi là cư xá Tự Do ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bảy Hiền. Ba tháng sau ngày oan nghiệt vợ chồng tôi về căn nhà đó ở. Không có căn nhà này thì chúng tôi còn vất vả nhiều. Và chúng tôi đã sống lúi cúi với nhau, đã yêu thương, nhớ thương và chờ đợi nhau trong căn nhà nhỏ ấy đúng mười chín mùa lá rụng lẻ sáu tháng mây bay. Hai lần Công An Thành Hồ cho xe bông đến trước cửa căn nhà ấy rước tôi đi, hai lần tôi từ nhà tù cộng sản sống sót trở về đó.
Cư xá Tự Do có hai khu do Gia Cư Liêm Giá Cuộc xây lên bán trả góp cho dân. Khu ngoài là khu vi-la song lập đắt tiền. Khu trong là khu nhà có gác lửng rẻ tiền. Sau những trận mưa đầu mùa con đường trong khu nhà tôi nước ngập đến đầu gối. Trong căn nhà tối ấy những chiều buồn quá không có việc gì làm, không biết đi đâu, đến nhà ai, tôi đứng sau khung cửa sổ nhìn vẩn vương ra con đường nhỏ. Xế cửa nhà tôi có một thiếu phụ tuổi trạc ba mươi, ông chồng là đại úy đi cải tạo, nàng thường bồng đứa con nhỏ đứng trong khung cửa sổ nhà nàng nhìn vơ vẩn ra đường. Tôi biết nàng buồn. Tôi cảm được nỗi buồn của nàng. Thêm vào đó là nỗi buồn của tôi. Bên nhà tôi - năm ấy tôi bốn bó lẻ hai, ba que - tôi cũng buồn quá. Không thể chịu được tôi mần thơ:
Buồn
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp, đường đông.
Nhà em, nhà anh cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn đời qua chấn song.
Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con đợi trông.
Anh đứng trông mây, em đứng trông chồng
Vắng chồng con bế, con bồng em mang.
Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ…
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường
Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha
Buồn từ trong cửa buồn ra
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về
Ta đang sống, ta đang mê
Hay ta đang chết não nề, em ơi…!
Những tháng cuối 1975 đầu 1976 ngẩn ngơ giữa mấy rừng cờ đỏ, quá buồn tôi làm thơ. Tôi chép những bài thơ này vào một tập. Tháng 10 năm 1977, công an Thành Hồ đến nhà bắt tôi, vớ được tập thơ này. Khi thẩm vấn tôi, Ba Trung. tức Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, nhật báo Đồng Nai Chủ nhiệm Hồng Sơn Đông, hỏi mỉa tôi:
- Bây giờ anh đã được làm người tù nhìn trời qua chấn song, anh không còn phải tưởng tượng nữa, anh thấy sao?
Và Ba Trung nói về bài thơ Buồn của tôi:
- Các anh sĩ quan Ngụy phải đi cải tạo là cần thiết. Cứ để mấy ảnh ở nhà sao được. Vợ mấy ảnh có mong chồng thì cũng phải chịu thôi. Trong khi nhân dân cả nước đang phấn khởi hồ hởi tiến lên xã hội chủ nghĩa, một mình anh kêu than buồn khổ đâu có được. Bài thơ buồn của anh có thể ảnh hưởng xấu đến người khác, làm người khác buồn lây, có hại đến việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Ba Trung, họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, tác giả truyện Vụ Án Hồ Con Rùa có hai ba tiểu thuyết được làm thành phim. Từ năm 1990 Ba Trung giữ chức vụ quyền Tổng biên tập Tuần báo Công An Thành Hồ. Loại báo này đúng ra chỉ là báo phổ biến tin tức nội bộ cơ quan công an, nhưng bọn cớm cộng làm thành báo bán để kiếm lời. Cớm cộng có đặc quyền khai thác hồ sơ những vụ giết người, hiếp dâm, ăn cắp, ăn cướp v.v… - đặc quyền và toàn quyền - nhiều người dân mua, đọc Tuần báo Công An, trong số này có cả tôi, chỉ để đọc những vụ hiếp dâm tàn bạo, những vụ giết người kinh khiếp, những vụ đảng viên ăn cắp công khai, làm bậy bất chấp Đảng với Nhà Nước, đọc tin về những ổ mãi dâm, ma túy, hàng giả, hàng lậu, vidéo sex v.v… Có thể nói tờ tuần báo Công An Thành Hồ là tờ báo bới móc, phơi bầy những cái xấu của xã hội XHCN một cách ác ôn nhất.
Trong một xã hội mà những tờ báo chuyên đăng những tin tức hiếp dâm, giết người, cướp trộm, sa đọa bán chạy, có nhiều người đọc chứng tỏ cái xã hội đó thối nát tàn tệ, bẩn thỉu quá đỗi. Bọn Tuần báo Công An Thành Hồ không chút hổ thẹn vì báo của chúng chỉ bán được nhờ đăng những vụ hiếp dâm, giết người. Không những không biết hổ thẹn chúng còn vênh váo khoe khoang là báo của chúng bán chạy nhất.
Ba Trung là cán bộ công an thẩm vấn tôi trong lần tôi bị bắt lần thứ nhất - 1977-1979 - Lần ấy tôi chưa "phạm tội" gì nhiều, tôi chỉ viết một số bài kiểu Tạp ghi Văn Nghệ Văn Gừng gửi cho một nữ độc giả của tôi bỏ nước chạy lấy người sang Xê Kỳ - một số bài viết có thể gọi là vô thưởng vô phạt về những ngày sống u buồn của tôi ở Thành Hồ, tả cảnh nón cối, dép râu, tóc bím, mông đít to như cái thúng, lính cụ Hồ đực rựa hai mươi nhăm, ba mươi tuổi nắm tay nhau đi rung răng, rung rẻ ngay trên đường Lê Lợi, Tự Do, cùng một số bài thơ than thân, trách phận, thương khóc kẻ ở, người đi kiếp sau chắc mí gặp nhau não nùng, ai oán. Người độc giả của tôi gửi những bài viết của tôi đến các báo Việt ở hải ngoại. Trong số những báo đăng loạt bài ấy của tôi có Tạp chí Đất Mới ở Seattle, tạp chí Thời Tập của Viên Linh, Nhất Việt của Du Tử Lê.. vv..
Cộng sản thù ghét nhất những người sống dưới chế độ chúng mà dám viết những bài tả cuộc sống khốn khổ, khốn nạn của mình và của nhân dân gửi ra nước ngoài. Với cộng sản "cứ viết gửi ra nước ngoài" là có tội rồi, bất kể bài viết có nội dung ra sao. Có lần thẩm vấn tôi Ba Trung nói với tôi:
- Anh biết viết bài gửi ra nước ngoài là nguy hiểm nhưng anh cứ viết, cứ gửi…
Và Ba Trung nói đến chuyện tôi được "mời cộng tác"
- Khi các văn nghệ sĩ Sàigòn phải đi cải tạo, chúng tôi đã để cho anh được yên ở nhà. Không những chỉ để anh yên, chúng tôi còn mời anh cộng tác. Anh không làm thì thôi, anh ở yên đi. Anh còn chống chúng tôi nữa. Chúng tôi bắt buộc phải bắt anh thôi. Tiếc cho anh. Chúng tôi có đối xử gì nặng tay với anh đâu? Anh vẫn còn được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh…
Trước hết việc "được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh" làm tôi xấu hổ. "Ngồi ngang hàng" đây là việc sau khi một số văn nghệ sĩ Sàigòn được công an Thành Hồ ưu ái cho xe bông đến tận nhà rước đem đi cất kỹ vào tháng Ba, tháng Tư năm 1976. Quần hùng đi tù thật đông, không sao nhớ hết và cũng không thể kể hết. Sau đợt bắt tập thể ấy cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố HCM tổ chức hai khóa bồi dưỡng chính trị cho những anh chị chưa bị bắt. Tôi đi dự Khóa Bồi Dưỡng Hai như tôi đã kể. Ý Ba Trung muốn nói là trong những cuộc hội họp như thế tôi vẫn được ngồi ngang hàng với Vũ Hạnh. Khi nghe Ba Trung nói như thế tôi ngồi yên, tôi không nói cho anh ta biết là tôi xấu hổ, tôi cay đắng mỗi lần tôi phải vác cái mặt mo của tôi đến ngồi nghe bọn cán cộng ưu ái lên lớp.
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút