Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
oàng Trinh - nghe nói là sui gia với Trường Chinh - lên bục nói về "Sự bế tắc văn học nghệ thuật tư bản" nói chung và nói riêng về tình trạng tắc tị trong lãnh vực tiểu thuyết ở các nước Âu Mỹ.
Hoàng Trinh nói dễ thôi. Các đàn anh lý thuyết văn nghệ Liên Xô ăn lương tháng viết vung xích chó cả ngàn bài nghiên cứu về văn học nghệ thuật tư sản - tư bản, các đàn em chỉ việc dịch và đọc. Tất nhiên là văn học nghệ thuật tư bản đồi trụy, thối nát, tắc nghẽn, cuồng dâm, ca tụng bạo lực, ăn bám, thối nát, đang rẫy chết và chết đến đít rồi. Chuyện tất nhiên khỏi cần nói thêm. Hoàng Trinh kể một tác phẩm kịch điển hình làm bằng chứng là "văn học nghệ thuật tư sản thối nát quá cỡ…"
Vở kịch Hoàng Trinh đưa ra là vở Le Balcon của Jean Genet. Việc dùng kịch Le Balcon để đả kích văn nghệ tư sản cũng chẳng phải là sáng kiến của Hoàng Trinh, đàn anh Nga Cộng viết, Hoàng Trinh chỉ việc nhai lại.
Jean Genet là văn sĩ thuộc loại "thiên tài hắc ám, quỷ ám" của Pháp. Người Pháp có tiếng "maudit" chỉ loại người này. Ra đời năm 1911 ở Paris, bị mẹ bỏ rơi, được nuôi trong Viện Cô Nhi, năm 13 tuổi Jean Genet bị đưa đến Trại Trừng Giới, bỏ trốn, đi bụi đời, bị bắt nhiều lần vì những tội trộm cướp; năm 1948 phạm trọng tội bị án tù chung thân. Nhiều văn sĩ Pháp, trong đó có Jean-Paul Sartre, người vận động tích cực nhất, gửi kiến nghị thư lên Tổng thống Pháp xin ân xá cho Jean Genet, tác giả những tác phẩm Notre Dames Les Fleurs, Journal d’un voleur, Querelle, Miracle de la rose v.v… Jean Genet được ân xá, Jean Paul Sartre phong thánh cho Jean Genet, gọi Jean Genet là một thiên tài văn nghệ. Jean Genet qua đời năm 1986.
Đây là lời Hoàng Trinh kể kịch Le Balcon:
- Kịch xẩy ra trong một nhà ăn chơi ở thủ đô một quốc gia Âu châu. Nhà ăn chơi này do một phụ nữ làm chủ. Khách chơi là bọn đàn ông giàu tiền có ẩn ức sinh lý, những anh muốn được làm đại tướng, chánh án, giáo chủ. Chị chủ nhà tổ chức những phiên tòa cho chánh án rởm xử, những trận đánh cho đại tướng rởm chỉ huy, những thánh lễ cho giáo chủ rởm hành lễ. Đêm ấy có cuộc nổi loạn nổ ra trong thủ đô.
Anh Tổng Giám đốc Cảnh sát là tình nhân của chị Chủ Chứa. Anh đến cho mọi người trong nhà biết với lực lượng cảnh sát anh có thể dẹp được đám nổi loạn nhưng phiền một nỗi là Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Chưởng lý, Đại tướng, Giáo chủ v.v… nghe tiếng súng nổ và biết có loạn đã bỏ thủ đô phú lỉnh ra nước ngoài hết. Anh Xếp Phú lít than thở: "Phải chi bây giờ có Nữ hoàng, Chủ tịch Quốc hội, Giáo chủ, Đại tướng v.v… xuất hiện trên ban-công Hoàng cung cho nhân dân thấy thì nhân dân bỏ bọn nổi loạn ngay.
Chị Chủ nẩy ra sáng kiến:
- Khó gì? Ở đây mình có đủ triều đình. Mình có ông Đuy Quốc Tô đây là Đại tướng, ông mần vai đại tướng quen rồi, ông còn oai phong hơn cả đại tướng thứ thiệt. Mình có ông Đờ Cốc Si Cốc đây là Chủ tịt Quốc hội, có ông Lơ Poan vẫn mần Giáo chủ hành lễ trang trọng. Ông Pip Pơ Lô đây đóng vai Chánh án đẹp lão nhất thế giới. Còn em. Em đóng vai Nữ hoàng? Được hông? Ai cũng nói trông em giống Nữ hoàng lắm. Người ta còn khen em đẹp hơn Nữ hoàng năm bẩy thành…
Và thế là - xin bạn đọc nhớ đây là lời kể của kép Hoàng Trinh ở Nhà Hát Thành Hồ tháng Bẩy năm 1976 - kế hoạch được chấp thuận. Triều đình Nhà Thổ đủ mặt Nữ hoàng, văn võ bá quan, lãnh đạo tôn giáo, tư pháp, lập pháp, quân đội, cảnh sát đàng hoàng xuất hiện. Nhân dân thấy triều đình vẫn vững như chum vại bèn bỏ rơi đám nổi loạn, tan hàng trở về nhà. Cuộc nổi loạn bị diệt thê thảm.
- Đây chỉ là chuyện kịch thôi - lời Hoàng Trinh - nhưng xin quý bạn nhớ rằng bọn văn sĩ tư sản đồi trụy đã khinh khi tất cả những giá trị của xã hội. Nữ hoàng của họ là chị chủ chứa, những nhà cầm quyền của họ là những tên đàn ông bệnh hoạn tâm-sinh lý. Không những bọn văn sĩ tư sản chỉ miệt thị những giá trị tư sản mà thôi, họ còn miệt thị cả nhân dân nữa. Nhân dân trong kịch Le Balcon được trình bày như một lớp người ngu đần chuyên bị đánh lừa và chỉ bị lợi dụng.
Lý luận gia Mác-xít ăn theo Hoàng Trinh nhận "nhân dân" thuộc phe anh, bọn văn sĩ tư sản đồi trụy phỉ báng những nhân vật lãnh đạo tư sản thì anh cho là đúng, là được, nhưng khi văn sĩ tư sản miệt thị "nhân dân" thì anh phẫn nộ. Anh hằn học:
- Jean Genet chửi cả "nhân dân"…
Tất cả những gì xấu xa trên cõi đời này đều của phe tư sản, tất cả những gì tốt đẹp trên cõi đời này đều của phe cộng sản. Thái độ nhận vơ lố bịch ấy của những người cộng sản - thường được gọi là "vơ vào" - đã làm họ bị kê tủ đứng vào miệng khi Liên Xô, thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, phơi bầy những tội ác ghê rợn của cộng sản đối với loài người. Chuyện ấy ta chẳng cần phải nói nhiều hơn.
Chi tiết cần ghi lại về buổi nói chuyện của Hoàng Trinh là khi anh ta nói:
- Thưa quý bạn, Le Balcon kết thúc bằng câu nói của chị chủ nhà thổ. Khi cuộc nổi loạn đã bị dẹp, chị nói với cử tọa: "Kịch đến đây là hết. Trời sắp sáng. Mời quý vị trở về nhà. Xin quý vị nhớ cho rằng chẳng phải chỉ ở đây quý vị mới thấy kịch, mói đóng kịch. Ở bất cứ đâu cũng kịch mà thôi. Ở những nơi khác còn kịch cợm, còn giả dối hơn ở đây nữa".
Hoàng Trinh vừa nói đến câu trên - "Ở đây kịch, ở đâu cũng kịch, kịch cả mà thôi" - thì khựng lại vì tiếng vỗ tay ồ ạt nổi lên.
Quý anh văn nghệ sĩ bộ môn Cải lương ngồi trên lầu Nhà hát vỗ tay trước. Bọn chúng tôi vỗ theo. Tôi - thú thực vẫn không coi trọng lắm quý anh cải lương - nhưng tôi thán phục quý anh quá cỡ thợ mộc khi tôi dự Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai cùng với quý anh và được thấy quý anh biểu diễn phản ứng tuyệt vời hai lần bằng những cái vỗ tay điệu nghệ thần sầu, quỷ khốc, nhân kinh, cán cộng ngẩn ngơ của quý anh.
Quý anh vỗ tay đây là vỗ tay hoan hô Jean Genet. Hổng phải quý anh vỗ tay hoan hô Kép Cộng Hoàng Trinh. Tất nhiên Jean Genet viết đã hay, quý anh sử dụng Jean Genet cũng tuyệt chiêu, bằng những tràng pháo tay ấy quý anh nói với bọn cán cộng:
- Đúng. Kịch cả mà thôi. Chúng tôi đến đây xem các anh đóng kịch. Chúng tôi cũng đóng kịch với các anh.
Nhưng quý anh nào là người đã nghĩ ra cách nói ấy đầu tiên? Quý anh bộ môn cải lương nào là người thứ nhất đã vỗ tay để cả nhà kịch chúng tôi bắt chước hôm ấy?
Trong Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị tháng Bẩy năm 1976, quý anh cải lương không chỉ phát biểu bằng cách vỗ tay một lần, các anh vỗ tay hai lần. Lần nào tôi cũng thấy thán phục sự linh động, óc thông minh của quý anh.
Hai mươi mốt ngày học xong, ngày bế mạc cũng được tổ chức linh đình ở Nhà Hát Lớn. Mỗi tổ cử một đại diện lên phát biểu cảm tưởng sau khóa học. Ông Nguyễn Hữu Ba đại diện tổ Cổ Nhạc lên máy.
Tội nghiệp ông già Nguyễn Hữu Ba. Ông lên nói láp nháp vài câu là được rồi. Không ai, kể cả cán cộng, muốn ông nhiều lời. Ông nói dai quá. Đã nói dai, ông còn ngắc ngứ, vô duyên.
Khi ông nói:
- Đã bao nhiêu năm chúng ta ôm người đàn bà Phi Luật Tân và gọi bà ta bằng mẹ… Bi giờ đã đến lúc chúng ta trở về với bà mẹ Việt Nam đích thật của chúng ta…
Ý ông Nguyễn Hữu Ba muốn nói bao nhiêu năm nay bọn đàn địch Sègoòng vẫn ôm cây đàn ghi-ta ét-ba-nhon mà coi đó là đàn của mình, nay nhờ Bác và Đảng cho sáng mắt, sáng lòng, hãy trở về với cây đàn cò…
Một lần nữa phải nói "Tội nghiệp…" bọn đàn địch Sègoòng có bao giờ nhận những cây đàn ghi-ta ét-ba-nhon, ha-uây-iên, vi-ô-lông là đàn Việt Nam đâu. Bọn đàn đúm cũng chẳng bao giờ ôm một người đàn bà Phi Luật Tân mà gọi là mẹ. Khi ông Nguyễn Hữu Ba nói đến bà mẹ Việt Nam bị các con yêu bỏ rơi, bỏ quên, bỏ xó, có vẻ xúc động ông ngừng lại.
Ông Ba vừa ngừng lại thì tiếng vỗ tay nổi lên từ trên lầu Nhà Hát. Một lần nữa, lại quý anh cải lương Sègoòng vỗ tay… đuổi. Ông Ba ngẩn người, ông chờ tiếng vỗ tay ngừng để tiếp tục nói. Nhưng những người vỗ tay không chịu ngừng. Ông Nguyễn Hữu Ba còn đứng đó, họ còn vỗ tay. Cuối cùng đương sự phải chịu nhận mình bị đuổi và cúi đầu đi xuống.
Quân tử Tầu có câu: "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn"
Người viết bài này cảm khái thêm câu: "Tiểu nhân ca tụng hai mươi năm chưa muộn"
Tháng Bẩy năm 1976, tháng Mười năm 1995… Hai mươi mùa lá rụng đã rơi trên đường đời của chúng ta. Sáng nay bình yên ngồi viết ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, Virginia Đất Tình Nhân, tôi ca tụng quý anh nghệ sĩ cải lương Sàigòn ta. Tôi thán phục hai lần vỗ tay tuyệt vời của quý anh tháng ấy, năm ấy.
Chúng ta đã thấy những trò, những cảnh ruồi bâu kiến đậu trong cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị chúng ta tham dự ở Thành Hồ. Nhiều anh em ta bắt buộc phải lên micro phát biểu đã tránh né, đàng hoàng, rất khéo như Ngọc Chánh, Bạch Tuyết. Nhiều anh chị em ta lên nhận mình "mắt mù, tai điếc, nay may mắn được Đảng cho sáng mắt sáng lòng" làm chúng ta tủi hổ. Nhưng thôi, chúng ta nên quên. Tết đến, ngày xuân, năm mới. Ở xứ người chúng ta nên vui vẻ, thương yêu nhau. Tôi không bới móc tội lỗi của người khác để tội lỗi của tôi không bị người khác bới móc.
Vở tuồng nhạt nhẽo màn chưa hạ
Vai kép tuồng kia vẫn diễu hoài
Thơ Thanh Nam, Bài Hành Đón Tuổi Bốn Mươi, làm ở Saigon năm1970. Và đây là thơ Francis Quarles:
Ôi hồn ta… ngồi yên mà coi
Vở tuồng đời
Đừng phê phán trước khi tuồng hết
Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười
Thi sĩ khuyên ta ngồi yên mà coi. Nhưng làm sao ta ngồi yên mà coi được? Ta không phải là khán giả ngồi xem cái vở tuồng đời. Ta là một nhân vật trong vở tuồng ấy, ta bị quay cuồng, ta khóc, ta cười trên sân khấu Đời ấy.
Nếu nói được như chị chủ Le Balcon: "Kịch cả mà thôi. Giả hết", chắc ta có thể thản nhiên sống trong vở tuồng đời. Khổ nỗi, đôi khi ta không thể đóng kịch, ta không giả dối được. Vì không đóng kịch được nên đôi khi ta bị roi đời quất hằn trên mặt. Song cuối cùng tôi thấy khi ta bị hổ nhục ta thấy hổ nhục, còn khá hơn là khi ta bị hổ nhục mà ta vẫn nhơn nhơn mặt trơ, trán bóng cho là ta không có gì để phải nhục nhã.
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút