Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ài anh tù lỡ lời gọi cai tù là "đồng chí" liền bị các "đồng chí" cự:
- Anh nói ký gì? Ai "đồng chí" mí anh? Bậy bạ…
Nội quy nhà tù Xã hội chủ nghĩa có điều bắt buộc người tù phải gọi cai tù bằng cái tên chung là "Cán Bộ", không có ông, anh, nhất là không có "đồng chí", "đồng rận" gì ráo trọi. Ngược lại cai tù cộng sản gọi tất cả những người dân bị chúng bỏ tù là anh, chị, dù cho anh, chị có bẩy bó, tám bó bằng tuổi ông bà nội ngoại chúng.
Nhưng Hà Huy Giáp, một trong số những cán bộ lãnh đạo văn nghệ Đảng những năm 1975-1985 lại ưu ái gọi một số văn nghệ sĩ Sàigòn lơ láo đi dự cái gọi là "Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị" năm 1976 ở Nhà Hát thành phố HCM là "đồng chí". Số là Việt cộng vào được Sàigòn từ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, nhưng mãi một niên sau - Tháng 5 năm 1976 - họ mới nhân dịp cho cái gọi là Chánh phủ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đi chỗ khác chơi không xơi nước, phát động chiến dịch hỏi thăm sức khỏe văn nghệ sĩ Sàigòn VNCH. Nhiều văn nghệ sĩ, ký giả VNCH lớn nhỏ được xe bông công an thành phố HCM đến tận nhà rước đi liền tù tì trong mấy ngày đêm đầu tháng Ba năm 1976.
Xin kể tên những người bị bắt theo trí nhớ của tôi: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Lý Đại Nguyên, Trần Việt Sơn, Nguyễn Hải Chí tức họa sĩ Chóe, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Duyên Anh, Đằng Giao, Trịnh Viết Thành, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Thu, Thái Thủy, Hồ Nam, Cao Sơn, Minh Vồ chủ nhiệm Con Ong, Hoàng Vĩnh Lộc, Hồng Dương, Minh Đăng Khánh, Thân Trọng Kỳ, Lê Xuyên Chú Tư Cầu, Anh Quân, Tú Kếu Trần Đức Uyển, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Hồ Văn Đồng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Hữu Hiệu, Sao Biển, Hoàng Anh Tuấn đạo diễn "Hai chuyến xe bông" v.v… Nhiều không nhớ xiết.
Chiến dịch bắt bớ rầm rộ mấy ngày đêm đầu tháng, lai rai kéo dài mãi đến cuối tháng Ba năm 1976 mới chấm dứt. Không phải tất cả văn nghệ sĩ Sàigòn đều bị bắt hết. Những người chưa bị mặt mũi xanh xám không biết xe bông công an đến rước mình lúc nào. Tháng Năm năm 1976, cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố HCM tổ chức cái gọi là "Khóa Bồi dưỡng Chính trị" cho văn nghệ sĩ Sàigòn "kẹt giỏ" hàng dân lơ láo ở Thành Hồ. Khóa Bồi Dưỡng Một có những văn nghệ sĩ thượng thặng của giới văn nghệ Sàigòn đi dự: Thái Thanh, Hoài Bắc, Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều, Thẩm Thúy Hằng, Lệ Hằng Bản Tango Cuối Cùng, Nguyễn Thụy Long Loan Mắt Nhung, Phạm Thiên Thư Động Hoa Vàng v.v… Ông Mai Thảo may mắn trốn thoát cuộc bắt bớ, ở ẩn đến hơn hai năm cho đến đêm ông xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Tử vi ông này không có Sao Quả Tạ nên ổng không bị ở tù.
Khóa Bồi Dưỡng Một không được tổ chức linh đình, không nhiều người tham dự bằng Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai Tháng Bẩy năm 1976. Khóa Hai có trên năm trăm khóa viên hăng hái và rầu rĩ đăng ký tham gia. Giới nghệ sĩ cải lương đông người nhất. Tất cả những anh em kéo màn, chạy đề co - tức bầy dọn ngai vàng, bàn thờ Phật, bàn ghế, giường tủ trên sân khấu - những người bà con xa gần với bà Bầu, cô Đào v.v… đều là nghệ sĩ và đều tự thấy có quyền được dự khóa bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sĩ. Trong số 500 khóa viên có trên 300 mạng là nghệ sĩ cải lương, số 200 ngoe còn lại chia đều cho các tổ Thơ Văn, Điện ảnh, Tân nhạc, Cổ nhạc….
Cái gọi là tổ Thơ Văn - tức tổ chấy của các anh ký giả, văn nghệ sĩ viết tiểu thuyết kiểu "phơi-ơ-tông" - là tổ "được" Cán Cộng chú ý nhất. Cán Cộng coi bộ môn sáng tác gồm những người tự mình chống cộng bằng tư tưởng, bằng tác phẩm của mình, không mượn tác phẩm hay ý tưởng của người khác. Cán Cộng không coi quan trọng lắm những người thuộc bộ môn trình diễn, tức là những người khi được giao vai trò chống Cộng thì chửi Cộng ra rít theo lời người khác, khi được giao đóng vai chửi Quốc gia thì lại mặt trơ, trán bóng chửi bới Việt Nam Cộng Hòa ra trò.
Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai được khai mạc ở Nhà Hát Thành Phố. Người khai mạc là Hà Huy Giáp. Người lãnh đạo văn nghệ của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa có nhiều người dân không đến chết đói mà chỉ đói đến chết, lại có thể hình béo tốt, hồng hào, mặt mũi, da dẻ láng bóng quá cỡ thợ mộc. Khi ban huấn từ "Lãnh đạo" nói một câu xanh rờn:
- Tôi gọi các bạn là "đồng chí" vì tất cả chúng ta đều chung một chí nguyện: làm cho nước Việt Nam được giầu đẹp, làm cho nhân dân Việt Nam được ấm no…
"Lãnh đạo" nói tiếp:
- Khóa này được gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị vì những người tổ chức thấy các văn nghệ sĩ Sàigòn có thành kiến, có ác cảm với hai tiếng "cải tạo". Thực ra cải tạo chẳng có gì đáng sợ. Chúng ta phải tự cải tạo mỗi ngày để trở thành người tốt…
Khóa học trong 21 ngày, khóa viên được bồi dưỡng sinh hoạt phí 1 đồng tiền Hồ mỗi ngày, được một lần cấp "nhu yếu phẩm": nửa ký đường, hai hộp sữa, hai gói thuốc lá, một lạng bột ngọt. Được đớp hai bữa trưa ở Nhà Hát: bánh mì mỗi mạng một ổ, nước ngọt, bia gọi là bia hơi được đựng trong thùng phuy. Khóa nào muốn uống phải mang theo ca hoặc mượn ca của khóa khác.
Những anh ký giả Sè Goòng trước đó một niên đã làm Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày để bỉ mặt Tổng Thiệu, nay được dịp "ăn mày" thật sự. Ký giả là những người đói nhất trong giới văn nghệ sĩ bỏ nước chạy lấy người không kịp. Không phải anh em ký giả, văn nghệ sĩ Sàigòn ta ngày xưa không kiếm được tiền, anh em kiếm được nhưng tuyệt đại đa số anh em ăn chơi, tiêu hoang, kiếm được năm thì tiêu mười. Việt Cộng vào Sàigòn, anh em đói đến không có cơm mà ăn, không phải chỉ đói phở, đói cơm sườn, đói giả cầy quán Bà Cả Đọi. Cùng dự khóa bồi dưỡng với kẻ viết bài này có Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang dịch giả Bố Già The Godfather của Mario Puzzo. Hôm được phát "nhu yếu phẩm" như vừa kể người ta thấy vắng bóng Ngọc Thứ Lang ngay lập tức, rồi vắng bóng chàng suốt ngày hôm sau. Khóa viên không đến lớp vì còn bận tự "bồi dưỡng" bằng hai hộp sữa, nửa ký đường, hai gói thuốc, lạng bột ngọt. Chàng phát mại ngay những thứ không nhu yếu gì với đời sống của chàng để lấy tiền "choác."
Và Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai có Cô Khóa Mộng Tuyền. Tháng Bẩy năm 1976 ở Thành Hồ, Mộng Tuyền còn trẻ, đẹp. Ký giả đói, nhưng các em đào cải lương vẫn đông vàng, đông kim cang. Các em như Mộng Tuyền - bận bà ba phin nõn, quần đen, đi guốc - phây phây đến lớp. Các em không đi xế hộp, nhưng các em cũng không đi xế đạp, các em đi học bằng xe xích lô.
Sau Hà Huy Giáp ban huấn từ khai mạc, khóa bồi dưỡng có từng này vị lên lớp, mỗi vị một ngày:
- Huy Cận nói về Thơ.
- Chế Lan Viên nói về Người Nghệ Sĩ đi theo Đảng
- Hoàng Trinh, lý thuyết gia văn nghệ nói về "Sự bế tắc văn học - nghệ thuật của xã hội tư bản"
- Vũ Khiêu nói về văn nghệ chung chung…
- Bẩy Lý, Tổng biên tập báo Sàigòn Giải Phóng lên lớp về "Chủ nghĩa Mác-Lê-nin"
Huy Cận mập khỏe, nước da bánh mật, trông không có qua một vẻ gì là người làm được những câu "Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…" Huy Cận nói đúng là nói vung xích chó, nói văng bọt mép. Ngoài việc khoe anh sung sướng, thoải mái mần thơ trong chế độ xã hội chủ nghĩa, anh còn khoe anh vẫn mần thơ tình, anh quả quyết chế độ xã hội chủ nghĩa không tiêu diệt thơ tình v.v… Chế Lan Viên yếu hơn Huy Cận về mọi mặt. Buổi nói chuyện của Chế Lan Viên được tổ chức ở rạp Olympic đường Hồng Thập Tự. Rạp không đủ đèn sáng. Chế Lan Viên ngồi bàn nói chuyện, đặt ly bia trên bàn. Mỗi lần diễn giả ghé mồm uống bia, micro bắt tiếng động làm người ta nghe thấy những tiếng "chụp choạp" rất xã hội chủ nghĩa.
Vũ Khiêu - nghe nói tên thật là Đặng Vũ Khiêu - là anh nói dở nhất trong cả bọn. Vốn liếng học thức của anh chỉ đủ cho anh nói láp nháp được trong một giờ. Buổi lên lớp của anh kéo dài cả ngày. Buổi sáng anh nói được hai tiếng thì tạm nghỉ để đi giải lao và đi đé, Ngọc Thứ Lang nói ngay:
- Thằng cha Vũ Khiêu này… hay chữ lỏng…
Thành ngữ Bắc kỳ gọi những anh chữ nghĩa đựng không đầy cái lá mít nhưng thích ba hoa nói những chuyện văn học, nghệ thuật là những anh hay chữ lỏng. Vũ Khiêu thuộc loại "Bắc Kít Hay Chữ Lỏng" điển hình. Anh nói ba lăng nhăng về Kiều, ca tụng Từ Hải như đại anh hùng dân tộc. Người nghe dốt nát nhất cõi đời này cũng biết anh quên, hay anh cố tình quên, ông cố, bà sơ anh có câu dặn con cháu:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều
Văn học lý luận gia Mác-xít Vũ Khiêu tỏ ra "hay chữ lỏng" rõ ràng nhất ở câu chuyện anh kể về cái gọi là "tình đoàn kết thân thương cố hữu" của dân tộc Việt. Anh đưa chuyện ngày xưa có nhà kia năm đời sống chung một nhà đoàn tụ gia đình hòa hợp với nhau. Vua nghe tiếng tốt bèn đến thăm và ban cho gia đình một trái lê với ẩn ý thử xem gia đình này chia nhau ơn Vua ra sao. Nhà đông tới hai, ba trăm miệng ăn. Làm sao chia cho mỗi người một miếng lê nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng? Trưởng gia bèn nẩy ra sáng kiến bỏ trái lê vua ban vào nồi ba mươi nước sôi, pha như pha trà, mỗi mạng uống một ly nước. Thế là cả nhà ai cũng được hưởng lộc vua.
Câu chuyện thuộc loại quân tử Tây gọi là "a-nết-đốt" - chuyện truyền khẩu, chuyện ngoài lề nghe chơi rồi bỏ - trái lê nấu nước chia nhau uống xưa như trái đất. Đó là chuyện xẩy ra dưới một đời vua nào đó bên Tầu - nếu người viết không lầm thì là đời vua Đường, vua Mật chi đó - nhưng người văn nghệ Mác-xít lại nói là chuyện xẩy ra đời vua Trần nước Việt.
Các đàn anh dzăng nghệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên lớp chung cho 500 đàn em dzăng nghệ, dzăng gừng, dzăng bút, dzăng báo, dzăng cơm, dzăng đủ thứ ở Thành Hồ tại Nhà Hát. Hôm sau, các khóa sinh trở về tổ mình thảo luận về đề tài đàn anh lên lớp hôm qua. Hướng dẫn viên Tổ Một Thi Văn Vũ Hạnh gọi việc này là "đèo seo…", tức "đào sâu" vào đề tài. Thảo luận thêm, tham gia ý kiến của mình, thường là ca tụng: "… Hay quá, giúp cho người nghe có tư liệu chất lượng tốt để hiểu thêm về dân tộc, về dzăng nghệ v.v…". Những cuộc thảo luận "đèo seo" học hỏi này có biên bản để nộp các lãnh đạo dzăng nghệ.
Khi ấy, người viết bài này đã có ý định phát biểu mấy nhận xét để ghi vào biên bản gửi đến ông Vũ Khiêu Hay Chữ Lỏng. Đại khái:
- Chuyện trái lê nấu nước chia nhau uống là chuyện người Tầu đời Đường, không phải chuyện xẩy ra đời nhà Trần nước ta. Nhận vơ không hay hướm gì và tôi nghĩ ta không cần nhận vơ. Khi ông nói trước cả trăm người Sàigòn chúng tôi về chuyện đó, tôi thấy:
- Nếu ông không biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu thì ông ngu quá.
- Nếu ông biết chuyện trái lê nấu nước là chuyện Tàu mà ông cho chúng tôi hổng biết, ông có nói đó là chuyện đời nhà Trần chúng tôi cũng mù tịt thì ông cũng… quá ngu.
- Nếu ông biết chúng tôi cho việc ông nói chuyện trái lê nấu nước là chuyện người Việt là nói bậy mà ông vẫn cứ nói thì ông mặt trơ, trán bóng quá đỗi. Chúng tôi không có lời gì để đánh giá con người dzăng nghệ Mác-xít như ông.
Nhưng… nghĩ vậy người viết bài này đã không nói ra. Tâm trạng anh Khóa bất đắc dĩ Tháng Bẩy năm 1976 đang đen hơn mõm chó mực. Các bạn anh đang ngồi rù trong tù, anh không bị bắt như anh em, vợ con anh không khổ nhục như vợ con anh em, anh vác bản mặt nhẵn hơn cái đũng quần lĩnh cô đầu đi dự "Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị", anh ngồi tễu mặt nghe Việt cộng nó dậy dỗ nó chỉ bảo, anh không câm miệng, cúi mặt xuống, anh còn ọ ẹ bắt bẻ Việt cộng nỗi gì.
Nghe nói có lần nói chuyện xong Vũ Khiêu hỏi Đoàn Phú Tứ:
- Anh thấy tôi nói ra sao?
Đoàn Phú Tứ trả lời:
- Anh nói thì con rắn ở trong lỗ nó cũng phải bò ra nó nghe, nó bò ra nó nghe nhưng không thấy gì cả nó lại bò vào lỗ.
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút