That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
uý vị vừa đọc bản dịch bài báo của nữ ký giả Catherine Monfazon, Nhật báo Le Parisien, ấn hành ở Paris. Năm 1988, nữ phóng viên Monfazon đi Bắc Kinh, Trung Quốc, rồi đến Hà Nội và thành phố HCM. Vì nhật báo Le Parisien nhận bảo trợ và đòi trả tự do cho người viết Hoàng Hải Thủy, cô Monfazon tìm đường đến gặp vợ con Hoàng Hải Thủy. Khi cô thất vọng hoàn toàn và sắp lên phi cơ về Paris tình cờ cô gặp một người bạn của Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy cô đến được căn nhà nhỏ của vợ chồng Công Tử Hà Đông trong Cư xá Tự Do giữa Ngã ba Ông Tạ và Ngã tư Bảy Hiền.
Đây là bài báo nữ ký giả Monfazon viết về vợ con Hoàng Hải Thủy đăng cùng trên trang báo Le Parisien với bài báo trên.
Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu ông ấy
Hoàng Hải Thủy và cả gia đình ông phải trả giá đắt vì niềm khao khát tự do của họ. Nhưng họ vẫn sát cánh với nhau và họ hy vọng.
Đêm đen như mực ở thành phố HCM. Cô con gái của Hoàng Hải Thủy, Giang, ba mươi hai tuổi, di chuyển vòng vèo giữa rừng xe đạp và xe xích lô trên chiếc xe gắn máy mua trả góp. Cô dừng xe trong một xóm đông dân cư. Con đường trở nên sình lầy. Im lặng. Giang dựng xe trước cửa vào nhà, cạnh mấy chuồng gà. Anh con và bà vợ Thủy chờ đón chúng tôi. Vài cái ghế, hai cái giường không nệm, một tủ lạnh rỉ sét, sân nhà lát gạch bông đỏ trắng rất sạch: tất cả toát lên một sự nghèo túng được che dấu cẩn thận.
Mái tóc bạc được chải tươm tất, xanh xao, rất gầy, rất đường hoàng, bà vợ của Thủy nói tiếng Pháp lần thứ nhất từ hơn hai mươi năm nay.
Một bức ảnh rất đẹp của ông chồng trang hoàng bức tường lở vôi, bên cạnh hai tờ thông cáo tuyên truyền của cộng sản mà nhà nào cũng phải dán. Đỗ Thị Thủy không được gặp mặt chồng từ hai tháng nay. "Ông bố tôi mạnh khỏe, bà mẹ tôi mới chịu không nổi. Bà mất mười ký lô," anh con trai hai mươi tám tuổi nói nhỏ.
Họ nói đến ông bố và ông chồng của họ với niềm kiêu hãnh, họ nhắc đến những bài ông đã viết, những bài này đều bị công an tịch thu, những gì ghi lại nỗi tuyệt vọng, sự đau khổ và cái đói của nhân dân. "Ông ấy nói ít, viết nhiều". Bà Đỗ nói. Tôi hỏi: "Có bao giờ bà yêu cầu ông ấy đừng viết để cả nhà được an ninh không?" "Không bao giờ…" bà trả lời ngay, gần như bà giận dữ vì câu hỏi ấy. Bỗng bà mỉm cười dịu dàng, xúc động: "Chúng tôi đói, chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi chấp nhận tất cả những cái đó. Chúng tôi mạnh vì chúng tôi yêu thương ông ấy, chúng tôi kiêu hãnh vì sự can đảm của ông ấy".
Cái giá của sự tự do tư tưởng của Thủy là một giá đắt. Để có thể sống, họ phải bán hết. Nữ trang, đồ đạc, quần áo. Đến cả ba ngàn quyển sách của Thủy, từ tủ sách lớn ấy, họ còn giữ được khoảng trăm quyển cất kỹ trong một ngăn tủ nhỏ. Camus, Nabokov, Nietzche, Zola, Sacha Guitry… Những sách này đều được những người con của Thủy đọc đi, đọc lại. Từ nhiều năm nay các con của Thủy bán bánh ngoài đường. Tất cả việc học của họ đều bị cấm. Hiện nay họ đang muốn tin vào việc Thủy sắp được thả tự do. Rồi sau sẽ ra sao? Họ lo âu. "Ông ấy lại sẽ bị kiểm soát, bị theo dõi khắp nơi. Lại có sợ hãi. Ông ấy có thể lại bị bắt. Chính phủ phải để cho chúng tôi ra đi. Không có tờ báo nào ở đây nhận cho ông ấy làm việc. Với cái tên ấy, ông ấy sẽ bị từ chối ở khắp nơi. Chúng tôi chỉ có thể có tự do ở một miền đất khác. Cô có thể làm gì được không? Ở đây người ta chỉ cho phép chúng tôi im lặng…"
Xin viết cho rõ: Người dịch The Gulag Archipelago của Alexandre Sozhenytsin ra bản Việt ngữ "Quần đảo Ngục tù" là Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú. Anh đã từ trần trong trại cải tạo Phú Khánh khoảng năm 1980. Tôi dịch The First Circle của A. Sozhenytsin, "Tầng đầu Địa ngục" ấn hành ở Sàigòn năm 1973.
Năm 1977 đến năm 1979, thời gian là hai mươi ba tháng tôi bị bắt lần thứ nhất ở trại giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Bị bắt lần thứ hai năm 1984 tôi sống bốn mùa lá rụng ngoài song sắt trong Thánh thất Chí Hòa. Nữ ký giả Monfazon viết nguyên văn trong bài "…la presse muselée vietnamienne…" tạm dịch: "… nền báo chí Việt Nam bị rọ mõm…
Năm 1994 nữ phóng viên Catherine Monfazon lại đến thành phố HCM, lần này tôi được gặp cô, được ăn với cô một bữa tối trong nhà hàng Mini của bà Nguyễn Phước Đại đường Nguyễn Du. Từ năm 1990 tình hình kinh tế tài chánh của những Anh Con Trai Bà Cả Đọi kẹt giỏ ở thành Hồ có vẻ khá hơn, tôi vẫn dùng xế đạp đi lại loanh quanh khu Ông Tạ, nhưng tôi đã có cái Honda 91. Tôi dùng Honda đến khách sạn đón cô Monfazon, chở cô trở lại căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, nơi cô đã đến năm năm trước. Cô kém Kiều Giang con gái tôi hai tuổi, nói thông thạo tiếng Anh. Catherine Monfazon là một trong những người đã đối xử ân cần và giúp đỡ vợ chồng tôi trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng tôi vẫn nhớ ơn cô.
Chúng tôi như những người sắp chết đuối vớ được cái phao - được ấm lòng và có thêm hy vọng để không chết nhờ rất nhiều người, những người bạn ở nước ngoài. Trong khi bọn Việt cộng thù hận chúng tôi, chỉ muốn chúng tôi khóc mếu, khổ sở, cố tình đầy ải cho chúng tôi phải chết hoặc dở sống, dở chết, phải quỳ gối lậy van chúng, những người bạn không quen biết từ xa ngoài vạn dặm đã gửi tình thương cho chúng tôi. Xin cảm ơn tất cả.
° ° °
Ngày xửa, ngày xưa…
Những năm 1940… trong thị xã Hà Đông nhỏ bé, hiền hòa chú thiếu niên hai mươi mùa mít chín sau đó tự nhận là Công Tử Hà Đông được đọc lại hai câu thơ:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Hai câu không nhớ của thi sĩ nào làm. Sau tìm và biết là của Xuân Diệu. Chú thấy ý thơ hay hay. Hai câu ấy ở mãi trong trí nhớ của chú.
Bốn mươi mùa sầu riêng trổ bông sau đó một người tù cải tạo ở trại Lao động Xã hội chủ nghĩa Z30A Xuân Lộc Đồng Nai được con trai lên thăm, đem cho quyển Anthology of English Poems do Đại học Oxford ấn hành. Tuyển tập thơ Anh dầy hai ngàn trang giấy, hơn một ngàn bài thơ của Shakespeare, Shelly, John Donne, Robert Browing, Mary Elizabeth Coleridge. Trong tập thơ, người tù yêu thơ tìm thấy bài thơ
The Call
Sound, sound the clarion, fill the file!
Throughout the sensual world proclaim:
One crowded hour of glorious life
Is worth an age without a name.
Thomas Osbert Mordaunt
Đêm buồn nằm thao thức trong tù nghe tiếng gió vi vu thổi đến từ núi Chứa Chan, người tù cảm khái bèn mần thơ dịch:
Tiếng gọi
Kèn vang lên, trống nổi lên
Lặng yên nghe - Tiếng loa truyền
Sống một giờ quang vinh rực rỡ
Hơn tầm thường trọn kiếp không tên!
Như vậy là phải chăng năm sáu mươi mùa ổi chín trước đây, Xuân Diệu đã đọc bài tứ tuyệt The Call của T.O Mordaunt và lấy ý ra làm hai câu
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm!
Hai câu thơ làm người tù đi một đường cảm khái, nhớ lại cả một thời thơ ấu "ngày xưa còn bé".
Vèo trông lá rụng đầy sân.
Ái ân phù thế có ngần ấy thôi
Thấp thoáng đấy mà đã năm mươi mùa tu hú kêu trong những vườn vải đỏ. Còn nhớ như in những ngày Tháng Tám năm 1945 chú thiếu niên Hà Đông náo nức đi biểu tình giành độc lập, những ngày đi kháng chiến thật đẹp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, gót chân liên lạc viên đi dưới núi Thiên Thai, cửa Chùa Tiêu Sơn, Rừng Khế, nơi có lăng tẩm của các vị vua triều Lý ở trước làng Đình Bảng, từng sống trong thành Cổ Loa có giếng nước tục truyền được dùng để rửa ngọc trai thật tốt, trừng sống trong làng Phù Đổng ven đê sông Đuống, quê hương của Thánh Gióng, những đêm mùa đông nước cạn, buộc quần áo lên đầu, ôm cây chuối bơi qua sông Đuống… Những năm xưa ấy, người tù Z30A "yêu mê" Việt Minh đến là chừng nào.
Vật đổi sao dời, khi nón cối, dép râu, súng AK, cờ đỏ ngơ ngáo vào Sàigòn, chú thiếu niên năm xưa nay đã ở vào số tuổi của Mã Giám Sinh cùng không biết bao nhiêu người khác bị Bác và Đảng cho đi tù mút mùa Lệ Thủy. Chú không bị Bác giết là may, chú không chết vì bị Bác xách cổ đem đi trồng cũng là may.
Đã cảm khái người tù Z30A còn xúc động hơn khi anh đọc bài thơ Respice Finem của Francis Quarles. Đêm cuối năm lạnh lẽo trong tù anh nằm dịch bài thơ ra tiếng nước anh. Đây là nguyên bản:
Respice Finem
My soul, sit thou a patient looker-on
Judge not the play before the play is done
Her plot hath many changes, every day
Speaks a new scence, the last act crowns the play!
Francis Quarles
Vở tuồng đời
Ôi hồn ta ngồi yên mà coi
Vở tuồng đời
Đừng phê phán trước khi tuồng hết
Còn bao nhiêu màn khóc, màn cười
Tuồng đang diễn, làm sao ta biết
Mỗi ngày qua là một đổi đời
Chờ đến lúc coi xong màn kết
Mới biết tuồng hay dở mà thôi.
Trại cải tạo Z30A. Tháng 10-1989
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút