To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Nguyên tác: Chicken Soup For The Golden Soul
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1266 / 24
Cập nhật: 2016-06-20 21:04:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trong Từng Đường May
iện đã được phát hiện bởi những người Hy Lạp cổ đại, thế mà mãi đến mùa hè năm 1948 nó mới tìm được đường đến trang trại của cha mẹ vợ tôi. Đó là khi chiếc xe tải của Hợp tác xã Điện lực Nông thôn Quận Cam đến con đường Grimes Lake để trồng cột và kéo dây. Mẹ vợ tôi, bà Ruby, đang ngồi trước hiên nhà để bóc đậu trong lúc những người thợ trồng trụ điện xuống đất. Tối hôm đó, bà hỏi ông Howard -bố vợ tôi, xem ông nghĩ sao nếu bà mua một cái máy may điện. Chiếc máy may đạp chân của bà đã bị hỏng, nó là nạn nhân của hai đứa con trai “thích khám phá” của bà vì chúng đã “khai tử” cái bàn đạp máy may sớm như vậy.
Ngày hôm sau, hai ông bà lái xe đến Trung tâm máy may Singer ở Bedford và mua một chiếc máy may điện hiệu Singer mới toanh, có dụng cụ dùng để thùa khuyết áo, có vỏ bọc và còn có thêm một cái ghế. Giá của nó là 240 đôla, đó là số tiền họ kiếm được từ việc bán cả một xe tải đầy lợn cho một xí nghiệp thịt hộp ở New Solsberry. Bà bắt tay vào việc may đồ cho mấy cậu con trai của mình. Sau bữa ăn tối, khi bàn ăn đã được dọn sạch sẽ và chén đĩa cũng đã rửa xong, bà lại cắm cúi bên chiếc máy may, cố may thật nhiều quần áo cho các con và cho những người hàng xóm. Bà đã may hàng ngàn chiếc váy đầm, áo sơmi và quần đùi. Cả quần áo búp bê, quần áo cho vợ của vị mục sư trong thị trấn, những bộ váy khiêu vũ, và cả những bộ áo cưới. Mũi kim của chiếc máy may hiệu Singer đã nhấc lên xuống cả triệu lần. Cả gia đình thường thiếp đi dưới những chiếc chăn bông do chính tay bà làm, và được ru ngủ bởi tiếng rền rền của chiếc máy Singer.
Bọn trẻ lớn lên và dọn ra ở riêng. Những đứa cháu lần lượt ra đời, có tám đứa tất cả. Chiếc máy may Singer lại may những bộ đồ sản phụ, đồ trẻ em, áo dài dành cho lễ rửa tội và chăn bông cho những chiếc nôi. Đến năm 1987, bà gọi điện cho chúng tôi, giọng hết sức chán nản. Sau ba mươi chín năm, chiếc máy may Singer của bà đã trở nên ì ạch. Vì thế bà mang nó đến cho ông Gardner ở thị trấn bên cạnh. Ông ấy đã sửa qua nhiều máy may nhưng không thể phục hồi được chiếc máy của bà. Ông gửi nó đến tận Chicago. Một tháng sau, chiếc máy được gửi trả lại với một mảnh giấy gắn kèm ở sợi dây. Mảnh giấy ghi: Đã lỗi thời. Không còn bộ phận thay thế.
Ngày hôm sau, tôi đến một cửa hàng bán máy may để mua một chiếc mới. Chiếc máy cũ của bà được làm bằng kim loại, còn những cái máy mới toàn được làm bằng nhựa và có cả thiết bị điện tử để tính toán và giá thì chỉ ngang với chiếc xe hơi đầu tiên của bà. Họ phân loại chúng theo cách sử dụng. Tại nơi trưng bày còn một chiếc máy Singer đầu đen đời 1948 bằng kim loại.
“Cái này còn chạy không vậy?”, tôi hỏi người bán hàng.
“Tôi không biết nữa”, ông ấy trả lời. “Để tôi thử cắm điện xem sao.” Ông ấy cắm điện. Chiếc máy rền lên như được sống lại.
“Nó không phải để bán đâu”, ông ta bảo tôi. “Nó chỉ để trưng bày thôi. Quanh đây không còn nhiều những cái máy Singer cũ đầu đen như thế này nữa đâu.”
Thế là tôi kể cho ông ấy nghe về mẹ vợ tôi - về cách bà đã tự kiếm sống và bận bịu may vá như thế nào, về việc bà đã lấy công chỉ có sáu đô la cho một chiếc váy chỉ vì những người nhờ bà may đều không có nhiều tiền, về việc bà nhiều lần không lấy một đồng của khách, và rằng bà đã đam mê công việc may vá như thế nào.
Sau cùng, ông ấy đã bán cho tôi chiếc máy với giá hai mươi lăm đô la.
Vào dịp cuối tuần sau đó, chúng tôi chở chiếc máy xuống nhà bà. Bà đang ngồi trước hiên, chăm chú đợi chiếc xe của chúng tôi rẽ qua góc đường đầy sỏi. Bà bước ra và đứng cạnh chiếc xe lúc chúng tôi mở thùng đựng hành lý. Khi nhìn kỹ thấy chiếc máy may đầu đen đời 1948, bà nở một nụ cười khiến khuôn mặt càng lộ ra những nếp nhăn.
“Nó giống hệt cái máy cũ của mẹ ”, bà nói nhỏ.
Chúng tôi khiêng cái máy vào nhà và gắn nó vào cái vỏ cũ. Hoàn toàn vừa khít. Chúng tôi cắm điện vào. Khi nghe được tiếng máy kêu, bà đã vỗ tay sung sướng.
Cái máy vẫn còn chạy tốt. Bà vẫn lấy công sáu đô la cho mỗi chiếc váy đầm - trừ khi đó là một chiếc váy cô dâu, vì khi ấy bà phải khâu nó bằng tay. Bạn sẽ phải trả mười lăm đô la cho việc đó, nhưng chỉ khi bạn có khả năng thôi.
Mới đây, bà ra Bắc để thăm đứa cháu gái Rachael của bà. Rachael đã cho bà xem con búp bê Barbie của nó, rồi nhờ bà may vài bộ quần áo cho Barbie. Ngay đêm đầu tiên trở về nhà, bà đã cắm cúi bên chiếc máy đầu đen đời 1948 của mình để may những chiếc áo đầm cho Rachael và cho búp bê của con bé. Bà may đến tận khuya. Sáng hôm sau, bà lái xe xuống phố và gửi một gói hàng ra Bắc. Ba ngày sau, chuông điện thoại nhà bà reo vang. Rachael gọi điện cho bà chỉ để nói: “Cháu cám ơn bà”, “Cháu yêu bà lắm” và “Chừng nào cháu mới được gặp lại bà?”.
Trong hai lần khác, tôi và vợ cũng tìm thấy những chiếc máy may Singer đầu đen đời 1948 ở các cửa hàng đồ cổ. Chúng tôi đã mua chúng và chuyển đến cho mẹ. Bà còn phải may rất nhiều thứ, và chúng tôi không muốn bà không có máy để dùng trước khi bà không còn đồ để may.
Không phải lúc nào tôi cũng hoan nghênh mọi thứ mới mẻ xuất hiện trên đường, dù vậy tôi vẫn biết ơn việc nguồn điện đã tìm đến con đường Grimes Lake vào năm 1948. Tôi cũng biết ơn người đàn bà đã ngồi may trong đêm khuya, người đã gửi gắm tình yêu của mình trong từng đường may.
- Philip Gulley
Những cử chỉ yêu thương cao quý được thực hiện bởi những người có thói quen làm những việc tốt nho nhỏ.
- Khuyết danh
Những Tâm Hồn Cao Thượng Những Tâm Hồn Cao Thượng - Jack Canfield & Mark V. Hansen Những Tâm Hồn Cao Thượng