Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1150 / 16
Cập nhật: 2017-01-29 18:19:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lễ Hội Lim
ã thành lệ, hàng năm, đến cữ 13 tháng Giêng, dân sở tại hay du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau đi dự Hội Lim, để được say sưa trong không khí hội hè, để được nghe những liền anh liền chị giao cảm đắm say trong điệu hát lời ca quan họ và xem tục kết chạ, kết bạn đầy tình nghĩa.
Địa điểm tổ chức Hội Lim là đồi (núi) Lim, tức Hồng Vân Sơn (sở dĩ gọi là đồi Lim vì trước kia ở đây mọc toàn lim), thuộc địa phận xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ Hà Nội theo quốc lộ 1, đi chừng 25 km (cách ga Lim chừng 1 km), ta sẽ tới Hội Lim. Đây là một hội chùa, ba năm mở một lần, gắn với Hồng Vân tự (tục gọi chùa Lim), một ngôi chùa cổ, rộng rãi thoáng mát. Đặc biệt chùa có một quả chuông lớn đúc từ thời Cảnh Hưng. "Phía bên trái Hồng Vân tự là văn chỉ xã Lũng Giang. Văn chỉ xây lớn với bệ gạch rêu phong. Văn chỉ thờ Khổng Tử và các tiên hiền tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du.
Cách chùa không xa, về phía tay mặt có một ngôi lăng tường đá ong kiểu cổ, trước lăng là một tấm bia lớn đứng sừng sững khiến khách xem hội Lim không ai bỏ qua được. Trong lăng có đủ voi, ngựa, nghê, ngỗng cùng sập đá, ngai đá thật trang nghiêm" (1). Do vậy, hội chùa, nhưng diễn ra cả ở lăng và cũng đồng thời ghi nhớ công ơn của người được thờ tại lăng (Hiếu Trung Hầu). Tuy nhiên, do hội chùa nằm ở trung điểm của hội đình - hội hàng tổng Nội Duệ, tưng bừng suốt 7 ngày từ mồng 9 đến 16 tháng Giêng - nên có người cứ ngỡ năm nào hội Lim cũng mở, duy có năm nhỏ, năm lớn mà thôi (2).
Ngày hội đến vào những ngày hạ nêu, đặc biệt sôi động bắt đầu từ 9 tháng giêng. Trong khung cảnh trời xuân, đất lộc, cờ xí phấp phới rộn ràng, dân tổng Nội Duệ và khách vãng lai đua nhau tới lễ chùa (Hồng Vân tự), lễ lăng (Hiếu Trung Hầu) để cầu may mắn, cầu hạnh phúc khang ninh... và sau đó là tham gia vào các hoạt động hội như hát quan họ, chơi cờ bói, có người nghe kể hạnh, đánh đáo đĩa, tổ tôm điếm, xem tục kết nghĩa các làng quan họ...
Nhưng đến với Hội Lim, thì đáng kể và đặc biệt nhất vẫn là đắm mình trong tiếng hát lời ca quan họ như là một mỹ tục phong nhã của hội hè xứ Bắc này. Đúng vậy, đây là tục hát quan họ, bởi muốn hiểu nó, phải đặt nó vào khung cảnh lễ hội, hơn nữa, lại cần thấy nó qua một quy trình tổng thể với phong cách hát, lề lối hát, nghệ nhân, tổ chức phường hội, nguồn gốc và tinh thần kết chạ, tục kết bạn suốt đời của các liền anh, liền chị... Rõ ràng, đây không chỉ là hội hát quan họ mà ý nghĩa văn hoá, nhân văn của nó rộng hơn nhiều, dù rằng người ta có thể đồng nhất Hội Lim với hội quan họ (3), dù rằng, đến với lễ hội, người ta hầu như chỉ lúng liếng với người và lời quan họ.
Từ lâu, lễ hội Lim đã được coi như là hội lớn, trung tâm nhất, không chỉ của Tiên Sơn, xứ Bắc mà còn hơn thế, của một vùng, của quốc gia. Lớn, trung tâm bởi sự độc đáo mà lễ hội nơi khác, xứ khác không có: tục hát quan họ.Về nguồn gốc tục hát quan họ ra sao, tại sao lại gọi là hát quan họ..., có nhiều tư liệu giải thích khác nhau, cần được lý giải thêm, nhưng có một sự thống nhất là tục hát quan họ bộc lộ sự độc đáo của lễ hội Lim từ xưa đến nay. Diễn trình lễ hội, trải qua thời gian, có lẽ cũng đã có những đổi thay chút ít, đặc biệt là những nghi lễ rước xách trước khi hát quan họ. Một tư liệu đã làm sống lại đôi chút không khí chuẩn bị ấy, khi bắt đầu bước vào hội. "... Bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng giêng, lễ hội hàng tổng - hội đình chính thức khởi động. Các thôn xã sửa sang đường ngõ, phát cỏ, dọn cây. Làng xóm trở nên phong quang thanh tịnh. Đâu đâu cũng
bừng lên dáng vẻ tinh khôi, tươi trẻ.
Nếu ngày mồng 9 rãy đường thì mồng 10 niềm áo. Đây là thuật ngữ chỉ chung cho sự tập luyện, chuẩn bị. Hai bộ kiệu ông, kiệu bà để ở đình Đình Cả và hai bộ kiệu ở nhà họ Đỗ, họ Nguyễn được dỡ xuống để lau chùi rồi lắp ráp vào nhau. Ba mươi hai trai tráng khênh kiệu mặc thử các áo nậu đỏ cùng bốn vị chấp hiệu mặc áo the đoạn tập rước ở sân đình. Các vị cầm bát bửu, trong các áo nậu có tay cùng những chàng trai kéo ngựa hồng, ngựa đỏ cũng phải tập rất công phu trong từng động tác đi đứng của mình. Sân Đình Cả ngày hôm ấy thật sôi động với cờ quạt, tàn tán rỡ ràng.
Ngày 11 tháng giêng tổ chức nhập tịch ở đền Cổ Lũng. Kiệu, đòn, bát bửu, cờ quạt rời đình Đình Cả hướng về phía đền. Làm lễ xong, các kiệu thỉnh nồi hương để đến giếng công Nội Duệ Khánh:
Thỉnh kinh chùa Nội rước ra
Lấy nước giếng Khánh đưa ra để thờ.
Hôm ấy, trong cái bao la của vũ trụ, sự vần vũ của không gian, đồng ruộng và bầu trời Nội Duệ như ướp đầy hương khói và ăm ắp tiếng hò reo. Đám rước đi trong sự trang trọng và rực rỡ vàng son. Bao nụ cười ấm sáng toả nắng dưới bóng những vuông lụa đen huyền. Ai cũng thấy lòng dạ bập bùng theo từng hồi chiêng trống.
Ngày mồng 2 tháng giêng đám rước rời đình Đình Cả sang đền. Màu đỏ, màu xanh của trai đinh khênh kiệu của quan huyện tư văn làm ấm sáng đến từng nếp nhà tranh và lướt đi trong nhịp trầm hùng gọi mùa xuân thức tỉnh. Các đồ bát bửu tua tủa vươn trên nền trời. Những chàng trai cương nghị mê mải kéo ngựa trắng, ngựa hồng giữa muôn vàn tiếng vọng và reo hò sảng khoái.
Ngày 13 tháng giêng đám rước lại xuất phát từ Đình Cả sang Lộ Bao đổi sắc. Năm nào hội Lim mở lớn thì đám rước mới trở thành rước chạ lên núi Lim, tạo nên một không khí náo nức, vui tươi khác thường. Xung quanh núi hàng quán mọc lên bán đủ món ăn ngon miệng với đủ loại bánh trái hương hoa. Các cụ bà vào chùa lễ bái với hương khói nghi ngút. Các thôn nữ tài sắc vẹn toàn đang nhịp nhàng thoăn thoắt dệt cửi thi. Tổ tôm, bài điếm người quây quần chật ních. Trên bãi rộng các thiếu nữ trong bộ áo quần rực rỡ của quân cờ, phô bầy tất cả các vẻ đẹp chân chất nơi thôn dã. Sườn non, sân chùa những cặp đôi đang ca những lời quan họ tình tứ, ấm áp tình người và tình đời. Ngày xưa hội mở vào tháng tám còn có thả diều thi. Cả một khu vực núi đồi rực rỡ sắc màu, chật ních tiếng người nói cười sảng khoái. Những giọng hát mượt mà len lỏi vào tận trái tim, tâm khảm những người về dự hội. Khi chiều buông rồi đêm xuống, núi Lim vẫn rỡ ràng trong ánh sáng của đèn đuốc và những cuộc bịn rịn chia tay. Đã thấy từng tốp từng tốp trai thanh gái lịch, những ông già bà cả toả ra bốn phía để trở về những Hiên Ngang, Hoà Bão, Xuân ổ, Bò Sơn, Tam Sơn, Tiêu Viềng.
Ngày 14 tháng Giêng, trên núi Lim người đến hội vẫn còn đông đúc. Ở Đình Cả, đám rước lại náo nức tán lọng và kiệu đòn quanh hai nhà thờ họ Đỗ, họ Nguyễn. Ngày hôm sau, làm lễ tế trâu và đến 16 tháng giêng thì dã đám. Kiệu đòn, bát bửu được đưa về nơi cất giữ để chờ mùa xuân năm sau" (4).
Sau những nghi lễ ấy, hoặc nói đúng hơn, đồng thời với nó là không khí bừng say của hát quan họ. Công chúng đến với lễ hội Lim, có thể xem hát ở trên đồi, núi, xem hát trước và sau chùa, nghe hát tại bến, trong thuyền hay nghe các nghệ nhân hát tại nhà, thú nhất là nghe, xem hát đối đáp cặp đôi (đôi nam- đôi nữ), cả bọn (cả nam và nữ) hay đôi nam nữ.
Hiện nay, hội chỉ mở một ngày 13, nhưng trước đó, ngay từ tháng chạp, hay sau Tết Nguyên Đán, mọi người mọi nhà, nhất là các cụ từng vang bóng một thời, các nam thanh nữ tú đã lo toan tập hợp bọn quan họ, ôn luyện tập tành; mời bọn khác đến đối đáp thử sức và cũng là dịp để tìm kiếm những giọng ca mới của quan họ mình, tìm bọn quan họ nào hát tốt để mời về dự hội làng mình, về tìm bạn hát ở làng mình.
Như đã nói, người dự hội có thể nghe - xem hát ở nhiều nơi: trên đồi, sau chùa, ở nhà và nhiều nơi khác, mà mỗi nơi lại có người hát khác nhau, không khí hội khác nhau và sự thẩm nhận khác nhau. Những người làm khoa học rất mê xem-nghe các nghệ nhân, các bọn quan họ hát tại tư gia, vì theo họ, ở đây dễ tìm được các làn điệu, kiểu cách... quan họ chuẩn, gốc. Phần đông công chúng thích leo núi, nghe hát sau chùa hay ở thuyền vì nó gắn với cảnh quan hữu tình, nó ngời lên xuân sắc những liền anh, liền chị quan họ, nó ngọt ngào giọng ca, điệu hát nơi bờ môi, khoé mắt... Dù thế, cái đáng để ý khi đi nghe - xem hội hát quan họ, đối với những nhà khảo cứu không chỉ là địa điểm hát mà chính là diễn trình hát ở mỗi nơi, trên thuyền khác trên đồi, ở nhà khác ngoài thiên nhiên. Ta thử xem có thật vậy không.
+ Hát trên đồi (núi) (hát đại trà, thoả mái):
"... Hát quan họ thường là diễn ra ở ngoài trời. Dù trời không nắng, lúc hát, nam đều che ô, nữ thì nón quai thao che nửa mặt. Ô và nón làm cho người hát thêm duyên, dễ giữ ý tứ với nhau, mà lúc hát, âm thanh cũng nhờ đó trở nên ấm hơn, vang hơn. Hát trên đồi là hát tự do, không cần lề lối, chẳng có hạn định, không có hẹn trước, chỉ có tình cờ. Chính vì thế mà không khí buổi hát thay đổi luôn, hội hát như năng động hơn"[5].
+ Hát trên thuyền (hát tuỳ hứng):
"... Mỗi thuyền hát chỉ có hai đôi: 2 nam và 2 nữ. Hai bên phải hiểu rõ nhau và phải mời nhau trước. Đã lên thuyền rồi thì không có chuyện bỏ cuộc. Hát trên thuyền, giữa cảnh trời nước của mùa xuân đầy thơ mộng là một cách thưởng ngoạn xuân thú vị, tinh tế, cho nên người trong cuộc thường muốn kéo dài giờ phút gặp gỡ...".
+ Hát trong nhà (hát thính phòng): Chủ nhà phải sửa soạn chu đáo cả vật chất và tinh thần để đón khách mời.
"... Từ sáng 13, quan họ kéo tới nhà đăng cai việc nấu nướng khi thấy khách, quan họ chủ lập tức ra tận chùa, tay bắt mặt mừng, mời nhau vào chùa thắp nén hương để lễ Phật... Chủ và khách chậm rãi vừa đi vào lăng vừa trò chuyện. Tới nhà, quan họ bạn có thể hát chào ngay, rất tự nhiên... Quan họ đỡ nón, cầm ô, đón bạn vào nhà rồi dâng trầu nước hát mời bạn xơi. Quan họ nhận trầu, nhận nước và hát cám ơn thịnh tình của chủ. Rồi cuộc hát bắt đầu ngay sau đó. Cứ từng đôi một, mỗi bên một đôi, đối đáp nhau theo lối đổi giọng hay đổi lời. Cuộc hát như thi, nhưng lại như chơi... Hát đến trưa thì cỗ bàn cũng vừa xong. Chủ nhà mời bạn nghỉ xơi cơm... Buổi chiều chủ nhà và khách cùng nhau ra chùa thăm hội. Trời tối hẳn, cuộc hát lại tiếp tục... và sang canh ba, canh tư mới là giã bạn... Cuộc chia tay đầy lưu luyến diễn ra vào lúc rạng sáng... (6).
Tác giả Toan Ánh, sau khi ngợi ca tục hát quan họ với hai người châu miệng vào nhau cùng hát, hai giọng luyện với nhau, tiếng ngân vang, vang vút, tiếng trầm êm ái như ru! (7); với những giọng cơ bản là giọng Sổng, cao vút, đầm ấm nồng nàn, dùng lúc bắt đầu cuộc hát; giọng Vặt, gồm rất nhiều giọng (cao, thấp, dài, ngắn, vui, buồn...) vụn hơn giọng Sổng, để đôi bên giãi bày tâm sự; giọng Bỉ (Vỉ), ngân dài, chua xót, dùng lúc chia ly và năm giọng trên (tên gọi là lên núi, xuống sông, đường bạn, hù la, tình tang) dùng để hát lấy giải... đã miêu tả khá kỹ lưỡng về một bọn quan họ, về việc mời hát ở hội, mời bạn hát tới nhà hát trắng đêm, hát giải... khá kỳ thú...
Dù sao, như đã dẫn và đã trình bày, hát quan họ, dù ở trên đồi, dưới thuyền hay tại nhà, là một lối hát đối đáp, giao duyên, một sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống xứ Bắc. Và bên cạnh hát quan họ (cả hát chay và hát giải), người dự hội còn được biết tục kết chạ, kết bạn (kết nghĩa giúp đỡ nhau, hoặc hai bên chỉ hát với nhau, không hát với bọn quan họ khác); được xem thi cỗ chay, đấu cờ người ngoạn mục, được nghe kể hạnh, xem tổ tôm điếm kỳ thú...Tất cả những âm sắc tình cảm, những hình ảnh biểu trưng nơi lễ hội Lim rất dễ ghi dấu trong tâm thức người dự hội, tạo nên một phong vị riêng, độc đáo, đặc sắc, không dễ nguôi ngoai. Và như thế, lễ hội Lim, lễ hội của vùng đất có những trai thanh gái lịch từng đi vào tục ngữ: trai cầu vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim, với tục hát quan họ đắm say, với nhiều trò vui cộng cảm, đã và đang rất được công chúng ưa thích. Vì thế, năm nào hội cũng đông vui. Người chưa đi thì háo hức, người đã đi thì muốn trở lại, người đi nhiều lại càng muốn đắm mình với những ấn tượng và kỷ niệm về một lễ hội tràn ngập tình ý... Bên cạnh ý nghĩa được bao chứa trong mỗi lễ hội mà ta từng biết, lễ hội Lim không chỉ cho ta cơ hội được thưởng thức một sinh hoạt nghệ thuật tràn đầy phong vị xứ Bắc mà còn được tắm mình trong phong cách ứng xử, giao tiếp lịch sự, tinh tế của người dân nơi đây. Phong vị ấy- phong vị của lễ hội quan họ, lễ hội Lim - thực sự có sức thu hút và quyến rũ lâu bền.
Lưu Ngọc Ly
Chú thích
(1) Theo Toan Ánh - Nếp cũ, hội hè, đình đám (quyển hạ)- Nxb t/p HCM, 1992. tr.81. Đây là lăng của Hiếu Trung Hầu (Diễn) quan triều Lê Cảnh Hưng, chức Thanh Hoá trấn đốc đồng, nên quen gọi là lăng quan trấn
(2) Dẫn từ Hội xứ Bắc, sở VHTT Hà Bắc, xb, 1989, tr.9. Hội đình hàng tổng Nội Duệ - Cầu Lim vốn là lễ hội tế thần, có phường hát cửa đình diễn xướng suốt mấy ngày liền...
(3) Hội lim chỉ là một trong các hội hát quan họ tại 49 làng hát quan họ ở xứ Bắc.
(4) Trích Hội xứ Bắc - Sđd, tr.16,17,18.
(5) Thạch Phương - Lễ Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1995, tr.97-100.
(6) Thạch Phương- Lê Trung Vũ, Sđd, tr 97-100.
(7) Xem Toan Ánh, Sđd, tr. 81-106.
Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam - Sưu Tầm