Books are embalmed minds.

Bovee

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1150 / 16
Cập nhật: 2017-01-29 18:19:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lễ Hội Cúng Rừng
àng năm, cứ mỗi độ xuân về, cùng với hội tết nhảy của người Dao; hội gầu tào - sải sán của người H' Mông; hội xuống đồng của người Giáy, Tày... người Nùng lại tấp nập mở hội cúng rừng.
Hội cúng rừng được tổ chức ở hai khu rừng cấm khác nhau, vào hai thời điểm khác nhau: đó là hội cúng rừng ở đầu bản vào ngày 30 tháng giêng và hội cúng rừng cấm giữa đồng vào ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch.
Hội cúng rừng đầu xuân ngày 30 tháng giêng được tổ chức ở khu rừng đầu bản. Đây là hội chính nên được tổ chức một cách chu đáo tỉ mỉ và chặt chẽ. Cách đây vài chục năm, hội này do các già làng đứng ra tổ chức. Sau hội được giao cho ban quản trị hợp tác xã cùng đội sản xuất lo liệu và hiện nay giao cho các trưởng phó thôn chủ trì, các thầy cúng thầy mo chỉ làm các thủ tục lễ nghi.
Từ trước đó hàng tuần, các cụ ông và bà con dân bản tổ chức quyên góp tiền nong mua lợn gà, vàng hương, gạo nếp làm rượu cẩm. Ban tổ chức tập hợp bà con dân bản phân việc cho các bộ phận: hậu cần, tiếp tân lễ nghi phục vụ thầy cúng - thầy mo, bộ phận phát dọn cỏ làm sạch môi trường khu rừng cấm. Đặc biệt, trong bộ phận hậu cần, người ta chọn một bà già vừa đức độ vừa có kinh nghiệm làm hũ rượu cẩm để cúng thần linh.
Từ sáng sớm ngày 30 tháng giêng, trong khi đợi các bộ phận phát dọn, tiếp tân chuẩn bị, các thầy mo - thầy cúng xúc miệng bằng nước muối, rửa mặt bằng nước trầm hương và điểm tâm ngụm rượu, mặc quần áo dài mới, chân đi giày, đầu vấn khăn xếp chuẩn bị tiến hành các nghi lễ cúng rừng. Trong khi cúng, không được ai ăn uống, vệ sinh bừa bãi, ô uế môi trường.
Bàn thờ cúng đặt ở hai gốc cây cổ thụ gọi là cây bố và cây mẹ (tiếng Nùng là chapôq- chamêq). Thức ăn đặt trên lá chuối để trên một cái giá hai tầng, mâm trên và mâm dưới. Cỗ mâm trên gọi là mâm đất nước gồm một con gà sống lông đỏ đẹp; một con lợn đực đen tuyền; 7 chén rượu xếp hàng ngang- chén giữa đội đáy một chén khác; một bát nước; một nhúm muối, 7 con ngựa giấy đen; một cái ô bằng giấy đen che lư hương (lư hương được bện bằng cỏ); 7 nén nhang; 7 bát cơm và 7 xâu thịt tổng hợp. Đặc biệt có một bát thịt gồm thịt nạc, gan, tim, tiết, gọi là bát bảo hộ đất nước. Cỗ mâm dưới gọi là mâm bảo vệ bản làng. Mâm này gồm một con gà sống gáy; một miếng thịt lợn, 5 xâu thịt lợn tổng hợp; 5 chén rượu và 5 bát cơm. Chén giữa cũng đội đáy chén khác; 5 con ngựa bằng giấy. Khác với mâm cỗ trên, mâm dưới có một bát thức ăn chay. Có hai thầy cúng, thày mo thay mặt nhân dân thôn bản úp mặt vào cây quỳ lạy 4 phương trời, 2 lần mỗi lần 3 lại mang nghĩa đón nguồn nước mẹ về phù hộ độ trì cho bà con dân bản an cư lạc nghiệp, mọi sự bình lên.
Rượu để cúng là rượu nếp cẩm. Sau khi khai lễ lần thứ nhất, quì lạy 4 phương trời, thì mổ lợn gà làm các thức ăn theo thủ tục để bàn) thờ, hết hai lần cúng thì các thầy cúng và hai người tiếp tân cùng nhau ăn uống điểm tâm, xem bói xương gà. Trong khi thày cúng quay lại khấn vái, những người khác có thể xem nhưng không được nói tiếng dân tộc khác để pha tạp tiếng mẹ đẻ. Các thầy cúng và người phục vụ không được ăn uống gì cả, kể cả vệ sinh cũng phải ra ngoài khu rừng cấm. Sau khi làm hết các thủ tục thờ cúng, xem bói xương gà, trưởng ban tổ chức mới dùng loa đi mời toàn thể dân bản tới dự hội.
Hội được quy tụ ở ven khu rừng cấm và sinh hoạt tại chỗ. Người đại diện gia đình đến dự hội phải là con trai, bất kỳ già trẻ đều được. Đến dự hội ai cũng phải ăn mặc chỉnh tề, không được để đầu trần chân đất và tự đem bát đũa cơm rượu đóng góp theo nhu cầu của mình.
Các gia đình ở thôn bản khác và đồng bào dân tộc khác trong khu vực cũng được phép dự hội miễn là tuân thủ các quy định chung của ban tổ chức mà tục lệ đề ra như: phải có trách nhiệm đóng góp theo quy định chung, trong lúc dự hội cũng như sau lễ hội phải tuân thủ các lệ làng trong phạm vi khu vực như: không thả rông gia súc; gia cầm phá hoại mùa màng người khác; không chặt phá cây rừng bừa bãi, khi làng bản có gia đình nào tai bay vạ gió đói rét, bệnh tật, thiên tai hạn hán hoặc cưới xin, tang gia đau buồn phải có trách nhiệm giúp đỡ, đoàn kết lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Mọi người ăn uống tập trung như một hội thề, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo vì tất cả thức ăn đều nấu chung thành một chảo (như chảo thắng cố) và chia sẻ đều nhau. Các thầy cúng cũng cùng ăn uống với mọi người trong không khí chan hoà tình cảm gia đình. Mọi người vừa ăn uống vừa chuyện trò vui vẻ. Giữa tiệc hội, thầy cúng trịnh trọng thông báo những điều hay điều gở của xóm làng qua bộ xương gà, đầu gà, chân gà cho dân bản hay để cùng nhau đề phòng, tránh những đều tai bay vạ gió..., cầu chúc cho dân bản lao động sản xuất được mùa và sống bình lên hạnh phúc. Các thầy kêu gọi mọi người hãy đoàn kết chung lưng đấu cật thi đua sản xuất trên đồng ruộng, nương rẫy, phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm; cầu thần rừng phù hộ độ trì che chở cho mọi người đều được thanh tịnh bình an, mùa màng tươi tốt có cuộc sống an khang thinh vượng đồng thời lêu cầu mọi người thực hiện tốt các quy định về lệ làng đã được dân bản bàn bạc, nhất trí đề ra trong lễ hội. Cuối buổi lễ hội, thầy cúng tuyên bố ăn tết 3 ngày không ai được vi phạm tục lệ. Nếu ai mang vạc cuốc cày bừa, dao hay chị em phụ nữ có mang đội nón qua làng trong những ngày tết sẽ bị phạt vạ.
Sau các thủ tục lễ nghi, các thày cúng ra về, dân bản vẫn còn rượu chè ca hát linh đình. Có tốp thì chơi trò Leng hao tức là hai tốt gần giống như "oẳn tù tì"; có đám thì hát Sán côx tức sơn ca nhưng chủ yếu là hát dân ca Lưnx cha chinw (tiếng hát làm ăn) trong đó có đoạn:
Một năm 12 tháng
Tháng giêng lá mục(1) tàn
Tháng hai lá mục nhú
Lá mục nhú mỏ quạ
Lá gianh ngọn lưỡi mác
Mọi lá cây đều mọc
Muôn thứ hoa đua nở
Chim rừng hát vang rừng
Chim rừng ca vang núi
Ve ở nương kêu nhiều
Đánh thức người ngủ muộn
Dậy lấy nước đựng bầu
Dậy lấy thóc tra nương
Báo làm ăn mùa mới
Kẻ có ngựa sửa chuồng
Người chống loạn sửa súng
Kẻ làng chơi sửa nhị
Người làm ăn sửa đồ(2).
Tuy rượu chè ca hát say sưa, nhưng cuối hội không ai quên dành một phần thức ăn về cho gia đình cùng vui hưởng phúc lộc của rừng. Sau đó các gia đình làm các loại bánh trái đã chuẩn bị sẵn như bánh khúc, bánh dày, bánh chưng rồi mổ gà cúng gia tiên, rủ con cháu họ hàng, mời làng xóm ngoài bản thân quen cùng xum vầy ăn tết ba ngày. Nam thanh nữ tú, trẻ em thiếu nhi lại trưng diện những bộ quần áo mới lộng lẫy đi tham dự các trò chơi vui xuân như đánh quay, đánh yến, đánh đu, làm leng hao, chơi cờ gỗ. Từ khắp góc bản đến giữa làng chỗ nào cũng nhộn nhịp, nghe thấy những tiếng con quay đôm đốp chạm nhau, đu quay kêu kẽo kẹt tiếng vỗ ta y cổ động ầm ĩ của những người thắng cuộc trong hội leng hao, cờ gỗ... Sau 3 ngày chơi tết, ăn uống vui xuân thoả thích, nghe tiếng
chim ngủ muộn kêu vang động núi rừng, không ai bảo ban thúc giục, bà con dân bản tiếp tục một năm làm ăn mới vì sự sinh tồn của mỗi con người, gia đình và cả làng bản.
Truyền thuyết của người Nùng kể lại rằng: con người vốn có tổ tiên, sinh ra nhiều thế hệ con cháu nối tiếp nhau khai thiên lập địa, đoàn kết bên nhau lập làng, dựng bản giữa trời đất thiên nhiên trù phú. Nhờ rừng núi mênh mông, thời tiết thuận hoà, đất đai màu mỡ, cây cỏ hoa lá xanh tươi con cháu mới xây dựng cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cũng như con người, đất trời rừng núi là tổ tiên, linh hồn của vạn vật. Nó bảo vệ, che chở cho thế giới thiên nhiên luôn tồn tại và phát triển. Vì vậy, cùng với việc thờ cúng gia tiên trong các ngày lễ tết cổ truyền, để đền đáp công ơn của tổ tiên thì cũng phải cúng núi rừng, cầu rừng phù hộ che chở cho mùa màng, gia súc gia cầm luôn được phát triển tốt tươi không bị mưa gió vùi dập, sâu bọ phá hoại, bệnh dịch giết hại gia súc; cầu núi rừng và tổ tiên phù hộ cho người Nùng tránh khỏi mọi tai bay vạ gió, loạn lạc lâm nguy. Rừng núi non nước được dân thờ cúng như tổ tiên dân tộc. Nguyên do của lễ hội chứng rừng là thế.
Hội cúng rừng còn được những gia đình gặp rủi ro, ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất bát tổ chức. Lễ vật cúng rừng ở gia đình đơn giản hơn, gồm một con lợn, một con gà sống gáy và một chai rượu. Thầy cúng phải khấn 3 bài cúng
là:
- Mời thần rừng xuống trình tấu,
- Xin thần rừng giúp cứu dân độ thế,
- Mổ lợn gà nạp lễ.
Ví dụ trong bài cúng mời thần rừng trình tấu đề cứu giúp gia chủ có đoạn:
Hỡi chủ gỗ sung, cội gỗ sông!
Kính bốn phương trời bốn phương đất
Dù ở phương đông phương nam
Cũng kính mời tới phương đông phương nam
...Ông ở xa, suối sâu không qua được
Khói hương này cũng đi qua
Ông ở xa, đường dốc không biết đi
Khói hương này đi báo phải về
Ông ở gần lời hoa tiếng ngọt
Nô tỳ này đi kính mời phải về
Thày mo này đi tìm phải gặp
Mời về dẫm trước bàn
Mời về ngồi lên ghế
Đừng để bàn này vắng
Không để ghế kia vẻ...
Sau khi cúng xong, gia chủ mời đại diện của bản cùng họ hàng ăn uống. Trong ngày lễ này những người trong gia tộc cũng phải tuân thủ những điều cấm kỵ như trong hội cả bản.
Hội cúng rừng cấm giữa đồng hoặc ngay trước bản tổ chức vào ngàn mồng 2 tháng 7 âm lịch - đầu mùa lúa chín. Rừng cấm này chỉ bảo hộ vụ lúa ở ruộng đồng.
Mâm lễ vật cúng ở rừng này cũng giống mâm cúng ở vùng rừng cấm đầu bản, song có một điều khác là mâm cúng dưới ở rừng cấm này có thêm một con vịt, vì bà con thường chăn vịt ở gốc cây lúa.
Quá trình tổ chức hội này cũng giống như hội chính. Song trong quá trình tổ chức, nếu nhà nào đang có ruộng lúa bị sâu hại hoặc bị úa vàng khô gọi là bị phạm thần lửa, tiếng Nùng gọi là Sriuw phay, thì cũng cúng tại chỗ. Trong mâm cúng không có xâu thịt mà chỉ có bát thịt tinh chất và xôi vàng, dùng rượu trắng chứ không phải dùng cơm nếp cẩm với nghĩa chúc mừng và cầu mong lúa chín rộ. Lúc ăn hội, chỉ có nam giới đi dự, bất kỳ già hay trẻ. Những người có vợ chửa thì không được đi dự mà chia phần về nhà vì người ta tin rằng nếu đi thì lúa sẽ bị mắc bệnh đốm lá. Những người đi dự không đội mũ thì ruộng sẽ có sâu ăn lúa và ai đem theo ớt đi ăn ruộng lúa sẽ chết khô. Vì vậy trong khi đi ăn cỗ, mọi người phải tuân thủ theo quy định chung của lệ làng là không được nói tiếng dân tộc khác, không được để đầu trần chân đất, không được ăn mặc quần áo rách, không được đem ớt, cơm cháy, rượu khê. Nước chấm món ăn cộng đồng chỉ có muối, mì chính, rau thơm. Lúc ăn có thể nói tục chứ không được chửi bậy.
Như vận hội cúng rừng của người Nùng ngoài ý nghĩa là hội cầu mùa, cầu đất trời thiên nhiên phù hộ cho con người một cuộc sống an khang thịnh vượng, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bảo vệ cảnh thiên nhiên kỳ thú... của làng bản.
Chú thích
(1) Lá mục: Lá loại cây tên là "mayx mucq"
(2) Đồ: Đồ dùng lao động sản xuất
Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam Những Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam - Sưu Tầm