Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1434 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 15:59:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
au tai nạn tình ái, Giang Thanh trở nên lầm lì ít nói, nhưng khi cần phát biểu thì cứng cỏi giữ chắc ý kiến qua cách lớn tiếng cố chấp, không kìm giữ phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ. Cuối năm, tháng 12, 1974 tốt nghiệp ưu hạng trường sân khấu, cũng đúng mười-chín tuổi, Giang Thanh tình nguyện đi B (chiến trường Miền Nam) với mục đích: Để gia đình “xóa thành phần” do có con là chiến sĩ văn công đi Nam. Người cha được phục hồi quyền công dân thay mặt bà ngoại coi ngôi đền nay được xếp hạng là tụ điểm sinh hoạt văn hóa nhân gian. Nhưng lý do chính, để cô em kế, Hương Thơ (sinh 1957) được ghi danh vào đại học tổng hợp và kết nộp đoàn (Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh), sau đó chắc chắn sẽ trở nên thành “đối tượng đảng”.
Đoàn văn công được điều động đi B vào đầu năm 1975 sau chiến dịch đánh chiếm Phuớc Long hoàn tất (12, 1974). Tuyến giao thông gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” nay đã là một xa lộ hai chiều chạy dọc theo sườn Đông Trường Sơn sâu nội địa Miền Nam, chứ không là đường giây “xã hội chủ nghĩa” nằm phía Tây trong lãnh thổ Lào và Campuchia của thập niên 60-70. Giang Thanh bừng bừng cảm xúc của người được tham dự vào giai đoạn quyết định lịch sử dân tộc. Thêm mối hân hoan cụ thể là hoàn cảnh gia đình được ổn định do nỗ lực của gần mười năm quên mình lo cho bà, cha và hai em. Cô để lại sổ lương, tem, phiếu gạo, thực phẩm cho cha với lời dặn.. “Con đi B chuyến nầy bình an thôi, chỉ chờ ngày giải phóng Miền Nam con sẽ về thăm bố và hai em. Hy vọng bà còn sống, và khoẻ mạnh cho đến ngày ấy. Khi nào lãnh lương con, bố đừng tiêu hết, nhớ để lại một tháng vài đồng để sau nầy nhà có cái vốn nhỏ cho hai em..” Cô không nghĩ rằng mình vừa mới hai mươi, và đời sống trước mặt có nhiều điều không thể lường trước, nghĩ ra, dự phòng tới. Buổi ra đi, người cha hiện nguyên đủ hình dạng một con người bị thời thế khuất phục, đánh vỡ mà nay dẫu cố gắng hồi phục nhưng bất lực. Ông nhìn con trong bộ quần áo vải kaki màu ô-liu, mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn với đôi mắt không phản ứng.. Ông nhớ ngày rất xa xưa trước kia, cũng đã có lần mặc quân phục - Quân phục của một quân đội khác - Đội ngũ đã một thời hùng mạnh vang danh thế giới, nhưng cuối cùng đã thất trận từ nơi đất nước nầy và mất hết khả năng lập lại lần vinh quang. Ông lạ với con. Ông lạ với đời sống mà ông đã sống cùng, chịu đựng, chia xẻ hằng mấy mươi năm qua. Ông hôn lên má con.. Động tác thắm thiết từ lâu không thực hiện, cũng không thấy ai lập lại, bày tỏ. Giang Thanh nhận ra (và cảm thấy rất hiện thực) phần u uẩn trong mắt người cha về một điều mơ hồ (cũng rất cụ thể) của lần đi B không hẳn là buổi vui mừng như mọi người chung quanh đang rộn rã hân hoan ca ngợi.
Đoàn xe Zil chở toán văn công qua sông Bến Hải vào địa phận tỉnh Quảng Trị, Xã Gio Linh, vùng đất đã dựng nên bài hát bi tráng của một nghệ sĩ ngày trước 1954 là thần tượng của những người yêu tiếng nhạc ái quốc và hào hùng chiến đấu của hai miền Bắc /Nam - Cuộc chiến đấu giữ nước khởi đầu từ đêm 19 tháng 12, 1946 tại Hà Nội, Hải Phòng với những Tự Vệ Thành tóc xanh, áo trắng,có người mặc áo veste, đội mũ phớt khi tác chiến.. Những thanh niên, sinh viên, học sinh, kể cả “dân càng” giang hồ.. dùng thân thể chắn ổ súng đại liên của Binh Đoàn Viễn Chinh Pháp. Trận chiến mà những người viết văn, làm thơ diễn tả lại với mỗi chữ nóng sôi lửa đỏ.. Nổ súng rồi! Nổ súng rồi! Hải Phòng ộc máu phun ra bể... 3 Hoặc: Nhớ đêm ra đi trời bốc lửa. Cả kinh thành ngụt cháy sau lưng... 4 Cùng lần với những lời thơ hùng vĩ nầy, bài hát vẽ nên một cảnh huống khốc liệt, bi thương.. Mẹ già đi lấy đầu con.. Xa xa tiếng chuông chùa reo. 5
Đêm liên hoan cuối năm, dịp Tết Âm Lịch 1974 qua 1975, Giang Thanh cùng những bạn trong tốp ca múa diễn tả, thúc dục, ngợi ca cuộc kháng chiến thứ hai hiện đang đi vào giai đoạn kết thúc với thắng lợi vẻ vang qua những bài hát.. Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân, Trường Sơn Đông/Trường Sơn Tây.. Nhưng khác với sự chờ đợi của đoàn ca múa, trên bãi cát Thôn Diêm Hà Nam, quận Triệu Phong bên bờ biển âm âm tiếng sóng, toán bộ đội giữ vị trí pháo và đám dân chúng tham dự buổi liên hoan không có vẻ hào hứng nôn nao của một đêm vui được tổ chức, động viên, chuẫn bị từ ngày đoàn bước chân lên đất Miền Nam. Sáng hôm sau, Giang Thanh ngõ lời thắc mắc với viên chính ủy đơn vị bộ đội.. Sao em thấy các đồng chí bộ đội có vẻ không hồ hởi khi nghe các em hát.. Và quần chúng hình như cũng thế?! Hồ hởi sao được cô ơi, cả một Sư 308 chỉ còn chừng ấy mống! Năm 1972 mà cô vào đây thì chỉ có là tan xương sau dăm phút đứng trên mặt đất. Không chỉ bên ta mà cả lính ngụy cũng chịu chung số phận.. Nhân dân nào tránh được, cũng hứng bom, chia lửa của cả hai bên. Đạn, bom dập xuống không phân biệt bên nào, dưới đất chốt cách nhau vài ba thước, trận chiến tháng 9 năm ấy hai bên như trộn trấu vào nhau. Làm sao phân biệt đạn nào của địch, pháo nào của ta.. Cô thấy đằng xa kia không..? Giang Thanh nhìn ra xa, phía tây, sau những cồn cát, lũy tre loang lỡ.. Cô thấy những ụ đất và những kiến trúc xiêu ngã ngỗn ngang.. Thành Phố Quảng Trị đấy, mấy ụ đất kia là cổ thành bằng gạch xây cả hai trăm năm như mấy cửa ô Hà Nội!
Giang Thanh xuôi về Nam với tâm cảnh nặng lòng.. Điều mơ hồ cảm nhận từ lúc ra đi nay càng cụ thể với những xóm làng cô đi qua. Hơn thế nữa, cô còn linh cảm, xao xuyến về một điều gì bất hạnh của riêng mình - Một tai họa nào đang phục sẵn.
Rời Quảng Trị, đoàn theo đường giây giao liên được bảo vệ, hộ tống bởi một đại đội trinh sát qua những căn cứ quân sự, những địa phương đã được quân giải phóng chiếm đóng, lấn chiếm từ những năm Tổng Công Kích 1972, hoặc sau Hiệp Định Ba lê 1973, trong năm 1974.. Những địa phương (với cư dân dị biệt âm, chữ nói) có những tên gọi lạ lùng như Ba Lòng, Cùa, Tý, Sé, Đắc Tô.. khác hẳn những làng quê miền Bắc thông thường đặt theo tên chữ Hán-Việt, và lũy tre xanh bao bọc.. Nhưng tất cả những nơi nầy cùng chung một cảnh sắc: Đấy là những thị trấn, làng xã heo hút giữa vùng núi mù mờ trùng điệp, hoặc đồi cỏ khô cằn.. Tuy nhiên, đến đâu cũng nghe những lời vui mừng phấn khởi: Bây giờ là hòa bình rồi, chứ như mấy năm trước còn Mỹ thì đâu có ngủ được trên mặt đất.. “Hoà bình rồi.. Không còn Mỹ”, nhưng sao vẫn không thấy những thị xã, thành phố? Và “chiến tranh giải phóng” nầy tại sao vẫn tiếp tục? Và đâu là “nhân dân Miền Nam bị kìm kẹp dưới ách Mỹ-Ngụy” đang trông chờ lần giải phóng từ Miền Bắc!? Những câu hỏi âm thầm xuất hiện trong đầu Giang Thanh đồng thời nỗi nhớ quê nhà, nơi các em, với ánh mắt u uẩn của người cha. Mãi cho đến giữa tháng Ba, đoàn được thông báo tin vui: Quân Đoàn Tây Nguyên đã giải phóng Thị Xã Buôn Ma Thuộc, nhưng vì tình hình ở đấy còn đang phức tạp nên toán văn công chưa được phép vào trình diễn, mặc dù bộ đội và nhân dân đang hồ hỡi, phấn khởi chào đón (?!). Hiện thực cho nguồn vui nầy, đoàn được phát những thức ăn tươi, đồ hộp cao cấp mang nhãn hiệu “Quân Tiếp Vụ QLVNCH” với hình người lính cầm súng (Mỹ) và lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Đoàn lên những xe quân sự to, chắc hơn xe Zil (của Trung Quốc) tiếp tục xuôi Nam với tốc độ khẩn cấp để đến cuối tháng Ba đi vào một thành phố đẹp như phong cảnh, tranh ảnh Tây Phương: Đà Lạt. Và Giang Thanh cùng với tất cả thành viên trong đoàn đều không nén được tiếng kêu kinh ngạc thán phục trước chiếc cổng lớn của một khu doanh trại uy nghi trãi rộng hết vùng đồi trùng điệp hùng vĩ: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Toán ca múa được xếp chỗ ngủ vào những phòng riêng biệt, mỗi phòng gồm hai giường sắt, nệm, khăn trải giường trắng tinh xếp thẳng góc.. Phòng ngủ nầy là của tụi học viên sĩ quan Ngụy đấy. Chúng được đào tạo như thế nầy để đàn áp, giết hại nhân dân. Viên chính ủy đoàn (cố gắng) tìm lời giải thích (phù hợp) về cảnh trí tiện nghi, xếp đặt ngăn nắp, sạch sẻ của tòa doanh trại mà dù những chủ nhân căn phòng hẳn đã phải ra đi trong khẩn cấp nhưng nền nhà còn nguyên độ bóng sạch khiến người bước lên có cảm giác e ngại gây dơ bẩn. Nhưng lời giải thích (dẫu cố tình ép buộc mà người nói cũng không tin vào nội dung do chính mình nói ra) không còn độ tác dụng khi toán văn công được lệnh thu dọn chiến lợi phẩm nơi thư viện.. Những khối sách bề thế bọc gáy da, chữ vàng xếp chật trong toà đại sãnh im lặng một cách uy nghiêm - Nội lực trí tuệ thể hiện qua chữ của người xây dựng nên văn minh, văn hóa nhân loại – Những người học, đọc những sách nầy chắc chắc không là kẻ chuyên nghiệp sát nhân, ăn gan, uống máu người, ném trẻ con hài nhi vào lửa (?!) Giang Thanh có ý niệm rất cụ thể. Và cô thực sự chìm xuống cảm giác phạm tội - Tội hủy diệt, với máu, thịt con người do chính tay cô tàn phá, nhúng đẫm - Cô và các bạn trong toán văn công được lệnh thiêu đốt khối sách của thư viện. Lửa bùng lên.. Các bạn cô đùa cợt, bừng bừng hân hoan ném sách vào lửa.. Sách nầy! Sách nầy.. Sách mã mẹ chúng mầy.. Đọc cho cố.. học cho lắm để tàn sát nhân dân! Giang Thanh nghe đau trên thịt da mình. Cô như đang cùng sách chịu lần thiêu sống. Cô cố gắng cất dấu những cuốn sách lớn, dày, đẹp nhất, bìa in theo kiểu chữ Romain cổ điển, nét khắc vàng tươi. Cô có cảm giác an ủi như cứu được những con người - Những người lương thiện, tốt lành, cao thượng.
Đêm liên hoan Giang Thanh uống tất cả những gì các bạn mang lại.. Rượu Số 7 nồng cay; rượu nhản Người Đi Bộ thơm mùi lúa mạch; rượu sâm-banh mở ra cùng tiếng nổ và bọt trào vàng óng.. Rượu đỏ như màu máu.. Rượu vang.. Rượu vang.. Ông ngoại, bà ngoại, ông người Pháp tên Pha (nghe qua câu chuyện nhà thường kể lại), và người cha với chiếc áo trận nhiều túi, vải rằn ri thô cứng (chỉ mặt trong nhà khi mùa rét).. Rượu Vang tất cả là đây.. Giang Thanh uống vào người như nhận lãnh một thứ nước quen thuộc, máu của mẹ, của cha, của quá khứ, ngày xưa khi bà còn uy nghiêm, xuân sắc, đài các. Khi mẹ còn sống. Cô uống xuống như nuốt hết cùng lần tuổi thơ khốn cùng, nguy biến, sáng dậy tinh mơ và đêm giá rét thức giấc một mình.. Một mình từ mười bốn tuổi vượt đói khổ nuôi cha, nuôi em. Giang Thanh uống rượu chiến thắng hoà nước mắt của mình. Cô cười dòn dã, líu lưỡi nói với Sơn.. Mầy là thằng khốn nạn.. Tao yêu mầy nhất mà tao cũng khinh ghét mầy nhất.. Tiên sư bố mầy.. Mầy ngủ với con Diễm như thế có được gì mà mầy mất tao trọn. Tao chẳng đau khổ mẹ gì cả, chỉ tiếc là tao đã có lần yêu mầy.. Muốn trả thù mầy thì tao giết mầy ngay nhưng tao.. đéo cần.. Mẹ tao bị chúng giết nên tao sợ chuyện giết người chứ không phải tao sợ gì mầy.. Tao thách mầy đánh tao như năm kia khi vì còn yêu mầy nên tao nhịn mầy! Cô nhổ nước bọt và rượu vào mặt Sơn, gã trai đã cùng cô sống suốt thời gian bảy năm nơi trường ca múa với Tình Bạn thắm thiết - Cũng là người giúp cô nhận hiểu về sự phản bội của Tình Ái tầm thường.
Giang Thanh không biết mình đã trở về chỗ ngủ như thế nào, với ai. Nửa đêm, cô tỉnh giấc với cảm giác ê nhức nơi bộ phận sinh dục. Cô đưa tay xuống sờ đũng quần.. Ướt dính máu, và chất nhầy nhầy đóng khô trên những sợi lông nỏn.
Giang Thanh phải ra trước phiên họp của bí thư đoàn để trả lời về tội hủ hóa nay đã nên bằng chứng cụ thể với bầu thai càng ngày càng dễ nhận. Nhưng cô không phải tay vừa. Mặt đanh lại, tiếng nói như ngọc vỡ, cô trả lời với ban bí thư.. Tôi không phải là loại người khốn nạn, suy đồi hủ hóa, mê giai.. Tôi là chiến sĩ cách mạng. Là diễn viên ưu tú của đoàn kịch nói, ca múa, đi Nam để cổ vũ động viên cho cuộc giải phóng Miền Nam. Đêm ấy, đêm uống rượu liên hoan, tất cả mọi người đều say không riêng một mình tôi.. Có chăng tôi là người say nặng nhất.. Ngày hôm sau tôi xin đi khám phụ khoa thì bác sĩ chứng nhận tôi bị cưỡng dâm, y chứng còn đây, và tôi đã báo sự vụ đến ban bí thư. Nếu ăn vụng thì tôi đi báo làm gì? Chẳng đứa nào ngu đến độ đi tố cáo chuyện lén lút của mình! Và tôi cũng đã xin đi khám phụ khoa hai lần sau đó để xin bác sĩ tống cái thai ấy ra.. Hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên ý định ấy. Nếu phá thai phải nhiễm trùng hay băng huyết mà chết tôi cũng không từ. Tôi viết giấy ngay bây giờ chấp nhận quyết định nầy. Đáng nhẻ, ban bí thư phải tìm ra kẻ khốn nạn ấy, bắt nó phải chịu kỹ luật, hạ tầng công tác, khai trừ nó ra khỏi hàng ngũ đảng viên.. Đảng viên cộng sản là thế sao.. Đạo đức cách mạng Bác Hồ dạy chúng mầy (cô cố ý dùng chữ “chúng mầy”) để đâu? Đảng viên gì nhân lúc đồng chí mình say cởi quần đè ra hiếp! Mắt cô giương lên sòng sọc, giọng thét lớn, bao nhiêu giận hờn uất ức (suốt từ năm tháng qua, do nhiều nguyên nhân..) cùng lần nỗ tung không che dấu.
Ban bí thư cuối cùng đưa đến biện pháp: Tất cả những đoàn viên phái nam đồng phải làm tự kiểm để tìm ra kẻ thủ phạm. Cuộc kiểm thảo đưa đến kết quả dễ dàng với số lượng có đến ba kẻ thú nhận, bao gồm viên phó bí thư và gã tên Sơn.. Tất cả “ba thủ phạm” đồng lòng nhận lỗi, và xin được chuộc lỗi bằng đám cưới chính thức với Giang Thanh do ban bí thư làm chủ hôn. Nhưng tất cả đều không lường được.. Giang Thanh cười khinh miệt, chỉ mặt ba kẻ ”thủ phạm” với lời như dao chém đá: Các anh nhìn lại mặt mình đi.. Tôi như thế nầy mà phải gọi các anh làm chồng ư? Cái thai trong bụng tôi đã là một sự đốn nhục.. Lấy các anh tôi phải chịu sự nhục nhã kia đến trọn đời.. Cô đổi giọng.. Tao không cần thằng nào phải gánh chịu phần khốn nạn do một trong ba đứa chúng bây đã gây nên.. Nhưng tao cũng đã biết rõ đứa nào.. Cô nhìn vào mặt gã tên Sơn: Mầy đã hai lần gây nhục cho tao.. Nay mầy lại ngỡ qua “nhận lỗi” nầy, mầy sẽ cột được với tao.. Đừng có hòng! Tao sẽ phá cái thai nầy, hoặc nếu để thì tao cũng sẽ không bao giờ cho mầy được nhận đứa bé trong bụng tao làm con. Con tao không có loại thằng bố khốn nạn, hèn hạ như mầy!
Gã tên Sơn sụp xuống đất than vãn.. Anh lạy em.. Anh van em xin em giữ lấy con. Nó là con chúng ta, anh với em dẫu sao trước kia cũng có lễ hỏi chỉ chưa cưới mà thôi.. Em không cho anh nhận nó cũng được, nhưng xin em đừng bỏ nó.. Tối hôm qua anh nằm mơ thấy nó rất rõ - Nó là con gái giống hệt đứa con mà chị anh đã để chết ngạt trong hầm trốn pháo năm kia ở Thái Bình..
Ai anh, ai em, vợ chồng gì với mầy.. Nếu tao giữ đứa bé là vì nó từ trong bụng tao mà ra. Mầy là thằng khốn kiếp đâu xứng đáng làm bố con tao. Giọng nói vẫn còn nguyên độ cứng cỏi nhưng thoáng vẻ cay đắng chán chường chứ không hoàn toàn do phẫn nộ như khi bắt đầu buổi họp.
Cuối năm 1975, ngày 28 tháng 12, đúng chín tháng, mười ngày kể từ cơn say ngất ở Trường Đà Lạt, Giang Thanh sinh đứa bé gái ở Nhà Bảo Sanh của bà đỡ Người Hoa, họ Lương, Đường Hai Bà Trưng, ngã ba gặp đường Trần Quang Khải, từ Đường Trần Nhật Duật đi thẳng ra - Nơi có căn nhà ngày trước Uông Đại Dụng đã mua cho bà thứ Tám vào năm 1915, sáu-mươi năm trước, cũng một năm Ất Mão, 1975.
Những Dòng Sông Chảy Qua Vùng Đá Sạn Những Dòng Sông Chảy Qua Vùng Đá Sạn - Phan Nhật Nam