Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Tác giả: Linh Bảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1199 / 6
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Sóng Ngầm
e giống tính ba ở điểm nào không biết, chứ điểm nằm mơ thì rõ rệt nhất. Trong vòng vài tuần, sau khi đã « mở cuộc điều tra » về cô Tư, bà bảo:
- Tối hôm qua tôi nằm thấy cậu về.
Trang nhanh nhẩu:
- Ông nội hở mẹ? Ông nói gì hở mẹ?
Ba Trang cảm thấy có gì không hay cho ông trong sự « nằm thấy » của bà, hơi nghiêm sắc mặt hỏi:
- Cậu về? Về ra làm sao?
- Tôi nằm thấy cậu về mà sắc mặt có vẻ không vui. Cậu nói: « Con gắng tu hành để phúc cho con cháu nhờ. Phúc của ông bà bạc lắm, có đôi chút thì cũng đã gần tàn rồi. Nay mai đây có thêm một người đàn bà nữa là gia đình ly tán hết chứ đừng mong đoàn viên thịnh vượng. Số cô đó cao lắm, ai dính vào là sạt nghiệp chứ không phải chơi. Rồi đây không nghe lời cậu sẽ sanh ly tử biệt, tán gia bại sản, điêu đứng với nó » .
Ba Trang đỏ mặt gắt:
- Nói bậy, mộng mị nhảm nhí. Mình đừng tin. Tôi thì nằm thấy mẹ về, mẹ vui vẻ lắm lại còn cho tôi một trái cam.
Trang ở giữa nghe cả hai bên cha mẹ kể chuyện nằm mơ, ngơ ngác như lạc trong mê hồn trận . Trong cuộc chơi « nằm thấy » hai bên nói trái ngược nhau, nàng không biết nên tin ai. Không có lẽ nào ông nội và bà nội ở bên kia thế giới cũng chia phe vì bất đồng ý kiến, và về báo mộng khác nhau!
Sự thực mẹ Trang vẫn có tính hay phát biểu ý kiến bằng cách nằm mơ như thế. Bà mơ thấy một người có oai quyền trong gia đình đã chết về quở trách, nói giùm cho bà những điều bà bất bình mà không muốn ra mặt phản đối, hay để truyền bá những tin tức bà nhặt được nhưng không tiện nói ra, vì sợ phải đưa chứng cớ có khi liên quan đến những người tai mắt. Thành ra bà chỉ có cách « nằm thấy » là tiện nhất. Bà sẽ có dịp phát biểu ý kiến mà khỏi chịu trách nhiệm, khỏi trình bày chứng cớ, và dù trúng hay trật cũng không thiệt hại gì ai. Thói quen này ông cũng đã hiểu nên không bao giờ tin, trừ phi giấc mơ nào có lợi cho ông.
Thường thường bà không nói ý kiến của mình, cho đến khi không thể đè nén được bất bình, hay không dằn được cơn giận bà mới kể một giấc mơ người chết về trách móc khuyên bảo, và ông dù không tin thì ít nhất cũng hiểu được ý bà đối với việc ấy như thế nào. Thành ra bà « phát ngôn nhân » của người chết để nói chính ý nghĩ của mình.
Nhiều khi đắm mình vào những giấc mơ huyền bí, bà đã bị những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng đủ mọi cách. Nhưng trong ký lục bị lừa của bà, những số tiền cúng kính, trai đàn, hay tô tượng đúc chuông thực không đáng kể vào đâu với cái chủ trương « người ăn thì còn, con ăn thì mất » của bà.
Bà hy sinh, các con cũng phải hy sinh theo trong những vụ mua bán phúc đức mà không ai biết mặt hàng ra làm sao! Nhưng dù sao trong lòng mọi người cũng có một chút vui vẻ tự hào vì trong cái thời buổi phúc đức khan hiếm này, mình đã là người biết nhắm thời cuộc « tích trữ » được rất nhiều phúc đức để dành lúc khẩn cấp đem ra dùng.
Chỉ có vụ bà Xương là không có gì an ủi được. Bà Xương nợ bà nhiều quá, lúc nào cũng có đủ tất cả các lý do để nhờ bà, nào là chồng đau, con đau, nhà cháy, trộm viếng. . . Nhưng kỳ thực những số tiền mượn được ấy, bà đánh tứ sắc hay dùng vào việc gì khác không ai biết. Lâu ngày chồng chất quá nhiều, bà không thể nào trả nổi, mà cũng không muốn trả, nên một hôm bà kể một giấc mơ huyễn hoặc, nói là hai gia đình vốn nợ nần nhau từ kiếp trước, bây giờ chỉ có cách phải kết thông gia với nhau, mới rửa sạch được tất cả tiền oan nghiệp chướng của cả hai kiếp. Bà xin cưới Huệ, em Trang, cho con trai bà để thực hiện lời thần mộng. Nếu như thế hai nhà từ đây sẽ thêm phần thân mật và khỏi phải nợ nần gì nhau nữa.
Giúp cho một người khỏi nợ là phúc lớn vô cùng. Mẹ Trang nghe tán chỉ phải gả chồng cho con gái, xóa một món nợ cho bạn, mà mua được một món phúc thật to cả nhà ăn mấy đời không hết, cho là món hời nên nhất định gả Huệ, dù cả nhà không ai tán thành cuộc hôn nhân.
Cưới xong không biết chồng và nhà chồng đối đãi thế nào, đến nỗi chỉ một tháng sau Huệ phải trở về nhà cha mẹ để kết liễu cuộc hôn nhân chỉ vì giấc mơ. Huệ trở về tay không, bỏ lại nữ trang, hồi môn của chìm của nổi, và còn cho rằng bỏ của chạy thoát được người là phúc lắm rồi!
Về sau, mỗi lần cãi nhau ông lại được thể nhắc:
- Mình nằm thấy thì cũng như Mụ Xương nằm thấy vụ gả chồng cho con Huệ. Rõ thật mất cả người lẫn của. Vay mượn giúp nhau không trả thì thôi, lại còn các thêm con gái cho nó!
- Ai bảo mình bằng lòng, nó cũng bằng lòng?
Ôâng cười gằn:
- Tôi mà bằng lòng? Mình nói không chịu gả nó cho thằng kia, con cưng của bạn quí của mình, thì mình nhảy xuống lầu tự tử. Nó vì thương mình, tôi cũng vì thương mình nên mới phải hy sinh một đứa con một cách phí phạm vô nghĩa lý như thế!
Bà nổi giận:
- Bây giờ mình đổ lỗi cho tôi phải không? Bộ thằng đó là ông Trời con, ông Thánh, ông Tướng gì hay sao, làm gì đến nỗi tôi phải nhất định gả, bộ không gả cho nó thì con tôi thối chắc?
Hai người cãi nhau « bất phân thắng phụ » cho đến khi cùng đồng ý đổ lỗi cho giấc mơ quái ác. Còn cái câu « Không chịu gả nó thì tôi nhảy xuống lầu » bà nhất định không nhận vì không nhớ. Sự thực người ta khó có thể nhớ một câu thốt ra trong khi không suy nghĩ kỹ .
Chung qui chỉ có Huệ là thiệt thòi nhất. Chỉ vì một giấc mơ đã phải chịu một đời chồng trong một tháng. Thật là một giấc mơ đắt giá nhất, khủng khiếp nhất và tuyệt đối thành công đúng theo mục đích của người đã sáng tạo nó.
Mấy hôm sau, mẹ Trang thấy đã đem tất cả các bậc gia trưởng trong nhà ra làm viện binh mà cũng không thể khuyên được ông, đành phải nhượng bộ như tất cả những lần trước. Bà lại ngoan ngoãn đem trầu cau đi đón dâu.
Thế là cô Tư được lên xe hoa lần thứ hai, gia đình Trang được thêm người cho nó « vui cửa vui nhà ». Mẹ Trang chỉ đi đón cô Tư về theo lời yêu cầu của ba, nhưng trong tờ hôn thú nhận cô Tư làm vợ nhỏ bà không chịu ký tên. Không phải là bà không biết chữ, nhưng không bằng lòng ký. Ðối với cô Tư, cô chỉ cần một nét chấm phá lăng nhăng vào cái khoảng trống ấy là đủ, không cần biết chữ gì và của ai. Ba Trang giải quyết một cách giản dị là gọi Trang ký thay mẹ.
Trong việc bảo con đồng lõa mạo nhận chữ ký hôm nay, ba Trang không thấy mình có tội, trái lại còn cho là đã giúp cho « cả làng vui vẻ », mọi việc đều giải quyết được gọn gàng êm đẹp.
Sự thực trong tâm hồn những người đàn bà, ai cũng thấy lòng tự ái bị tổn thương, và mường tượng một đám mây đen chớm hiện và sẽ lan rộng hăm dọa cảnh vật đang tươi đẹp thanh bình. Một mặt trận vô hình và không biên giới đang dàn dựng. . . . .
Ba Trang muốn đề phòng những sự không vui có thể xảy ra nên để cô Tư ở căn nhà của sở, Trang và mẹ vẫn ở nhà cũ, và ông cho là cách xếp đặt lý tưởng.
Những Đêm Mưa Những Đêm Mưa - Linh Bảo