Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cô Gái Điếm Mệt Mỏi
nh ta dùng vai đóng sập cánh cửa lại rồi vừa nhìn chằm chằm về phía cô tình nhân vừa thong thả đi vào phòng. Trên đường đi tới đây, anh ta cố hình dung ra Maria Têrêza da nhợt nhạt, vú trễ, bụng xệ đi rung rung, và bộ mông đầy phè. Tóm lại là một Maria Têrêza bắt đầu hết thời, không có gì đáng tiếc nếu phải bỏ đi lúc này, khi mà anh ta không còn tiền để nuôi cô ta nữa. Trong khi anh ta hai tay đút túi quần không còn một xu, chán nản đi trên phố, cái hình ảnh được trí tưởng tượng ác độc của anh ta thêu dệt về người tình nhân tàn héo ấy đem lại cho anh thêm quyết tâm.
Nhưng lúc này, ngồi trên chiếc đi-văng êm trong phòng khách, tay choàng qua người cô tình nhân đang ngồi trên lòng, anh hiểu ra rằng cái bức tranh do anh tự vẽ ra ấy chỉ nhằm mục đích làm cho anh dễ từ giã với người tình hơn. Trong khoảnh khắc, sự ác cảm đối với thân thể cô mà anh ta cố hình dung một cách ác độc là nhẽo và mất dáng, và quan trọng nhất là quyết tâm đoạn tuyệt một cách lạnh lùng với cô, đột nhiên biến mất. Mà anh ta thì đã chuẩn bị từ trước tất cả: “Maria Têrêza ạ, anh đến đây để nói với em rằng…”. Và cũng như trước, lần này anh ta lại muốn; anh ta cứ nhìn mãi, nhìn mãi khuôn mặt nghiêm nghị với những đường nét mảnh dẻ của cô, và thấy rằng mình đã nhầm… Khuôn mặt ấy không hề có nét gì của sự mệt mỏi, húp híp. Maria Têrêza quấn khăn mặt quanh đầu, khuôn mặt hình trái xoan hơi dài của cô hơi ửng đỏ. Cô vừa tắm xong, đang khoác lên người một cái áo choàng ướt vì bị thấm nước, y như cái áo khoác lên người một lực sĩ đánh bốc sau trận giao chiến… Nét mặt hiền hòa của cô rạng lên một vẻ đắc thắng kín đáo… Rõ ràng cô không e thẹn về sự lõa lồ của mình, cũng không sợ tạo một ấn tượng bất lợi cho mình. (Chiếc áo choàng tụt xuống khỏi vai, nhưng cô cũng không sửa lại. Đầu hơi cúi xuống, cô hút một điếu thuốc lá và không ngờ gì về những ý định đáng thương của anh cố tình hình dung ra cô như một bà già còn xuân). Sự trơ trẽn, không hề cảm thấy e thẹn là gì ấy của cô dường như muốn nói rằng năm tháng cũng bất lực trước một thân thể chứa đựng ngần ấy ngọc ngà và từng được biết bao người yêu chuộng. Cô ít giống với cái hình ảnh do anh cố tình tạo nên đến nỗi anh chợt cảm thấy mình thật là bất hạnh. “Mình bên cạnh cô ta lần này là lần chót”,— thốt nhiên anh nghĩ một cách buồn rầu và khao khát ôm chặt vào lòng tấm thân ngoan ngoãn của cô.
Mặc dù không tự nhận với lòng như vậy, nhưng chắc hẳn anh sẽ còn yêu cô hơn, tha thiết hơn nhiều đồng thời thương hại hơn nhiều (em già đi rồi, Maria Têrêza tội nghiệp của anh ạ, nhưng em còn có anh), nếu anh cảm thấy dưới bàn tay mình một làn da nhăn nheo, dúm dó hơn.
Bấy giờ anh sẽ dồn cả tình yêu của mình cho người phụ nữ bất hạnh mà anh ôm trong lòng và ghì vào ngực một cách hơi khó chịu. Và thật thế, bộ ngực lép mà mỗi một hơi thở lại dường như muốn lấy lại sự nở nang ngày trước, cái mông mềm mại đang đè lên đùi của anh ta, cái lưng rộng, lần lẫn thịt — tất cả đều xác nhận rằng đối với Maria Têrêza, những tháng năm đẹp nhất đã qua rồi, sắc đẹp và tuổi trẻ của em đã đến lúc tàn rồi — anh nhìn cô và nghĩ. Nhưng chỉ cần dứt cái nhìn ra khỏi thân hình mềm nhẽo của cô là anh thấy rõ trong tranh tối tranh sáng khuôn mặt sắc nét, nghiêm nghị, có điểm những vết ửng hồng của cô… Lúc ấy anh không tin vào mắt mình nữa và lại bỗng cảm thấy một cơn giận ngốc ngếch, trẻ con khi nghĩ rằng sẽ phải trao lại cho những người tình nhân khác một người phụ nữ còn rất đáng mong muốn này… Mỏi mệt, thất vọng, anh khẽ đẩy cô ra và bảo:
— Thôi. Mặc quần áo vào đi.
Cô đứng ngay dậy và bằng một động tác rất kịch tính, hất tung tấm áo choàng ra như đó là tấm áo bào của nữ hoàng.
— Không, em sẽ không mặc, — cô đáp, đoạn nói chậm lại. Tối nay chúng ta ăn tối ở nhà… Rồi thì…rồi… em sẽ có một tin mới để báo với anh. Cô mỉm cười và cảm thấy như mừng vui trước về một điều gì đấy. Nụ cười hơi ngượng nghịu, nhưng đồng thời lại có vẻ thâm trầm, như là cô đi trước anh một bước, cho anh “nghỉ” trước. Anh không kìm được, vội hỏi với giọng lo âu xem chuyện gì đã xảy ra với cô vậy. Sau khi do dự một lúc, cô trả lời rằng cô đang đợi một cú điện thoại cực kỳ quan trọng.
“Chỉ có thế thôi ư” — anh thở phào, nghĩ, như thể đúng thực là anh đã hoảng hốt rằng người tình mà anh quyết định bỏ sẽ từ giã anh trước.
“Thế cái người sẽ phải gọi điện thoại cho em là ai?” Im lặng một lúc anh hỏi. “Một người đàn ông đã từng có thời rất yêu em” — Maria Têrêza không trả lời ngay. “Bao giờ?”. “Nhiều năm về trước”. Và cô cho biết thêm là hôm qua hai người tình cờ gặp nhau ngoài đường, nhận ra nhau và nhắc lại chuyện cũ. Cô được biết rằng ông ta rất giàu có, do được thừa hưởng gia sản hay do tự mình làm nên, cô không được rõ lắm. Nhưng anh đã không còn nghe cô kể nữa, vì bị chi phối bởi một sự ghen tuông dữ dội và vô nghĩa. Nghĩa là anh nghĩ, đã từng có một cô Maria khác, một thiếu nữ trẻ, e thẹn, không có cái nụ cười mệt mỏi này trên môi, cái áo choàng này trên người, và những người khác đã yêu cô trước anh từ lâu!
Anh bỗng giật mình, nghe tiếng cửa đóng sập: Maria Têrêza ra khỏi phòng. Anh ngồi bàng hoàng chừng mươi phút, mười phút ấy là mười phút chờ đợi nặng nề, khắc khoải.
Cuối cùng cô đã quay lại, bưng vào một khay nước chè… Trong lúc cô đặt tách chén và bỏ bánh quy ra bàn, anh không hề nói năng nửa lời. Anh lặng im, mắt vẫn không rời cô và vô tình mỉm cười, cảm thấy vụt lên trong lòng một tình cảm trìu mến do chỗ cô đã làm tất cả mọi việc một cách chu đáo, cẩn thận — không phải là một cô nhân tình nhân ngãi, mà là một người nội trợ đảm đang. Cô hỏi anh thích pha mấy thìa đường, và anh bỗng cảm thấy rất muốn ôm chầm lấy cô. Nhưng anh chỉ đáp:
— Hai thìa, em ạ, hai thìa!
Nước chè đặc, nóng, làm già cái lạnh siết chặt quanh người anh. Anh nhai bánh mì rán và uống nước chè từng ngụm to, mắt không rời Maria Têrêza đang cúi xuống bên ấm nước chè bốc hơi nghi ngút… Anh và cô tiếp tục im lặng, và cũng giống như những giọt nước trên tấm áo choàng thấm ướt mỗi lúc một bay hơi đi, trước sức nóng của bếp lò, cơn bực mình của anh cũng dần dần tan biến.
Khi hai người uống chè xong, thì trời đã tối hẳn. Nhưng họ vẫn ngồi im lặng trong cảnh tranh tối tranh sáng xam xám, với những cái cốc không trước mặt. Rồi Maria Têrêza đứng dậy, châm đèn và chuyển sang ngồi bên cạnh điện thoại mà từ đó, như từ trong cái mõm đen ngòm của con nhân mã, sẽ vọng ra giọng nói thời thanh xuân của cô.
Anh cũng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Góc phòng có một cái tủ đứng, anh rút một ngăn kéo ra, lơ đãng nhìn vào. Trong ngăn kéo là một tập ảnh lộn xộn như những quân bài sau khi hết ván, khi mọi thứ đã được tính toán, xong xuôi. Tỏ ra thích thú, anh ngồi xuống bên cạnh.
— Này, nhìn này, xem này: bao nhiêu là người đàn ông đã đi trước anh, — anh cầm tập ảnh đã ố vàng lên, nói, mắt ngước nhìn Maria Têrêza.
Lặng im, không hề tỏ ra là cô khó chịu với sự thô bạo đó, Maria Têrêza tiếp tục nhìn anh một cách bình tĩnh, thờ ơ làm anh đau đớn chẳng kém gì bị mũi dao chọc vào vết thương còn mới. “Vậy mà, lẽ ra cô ấy không được tỏ ra hoàn toàn bình thản như vậy” — anh bực dọc nghĩ bụng. Người khác ở địa vị cô đã giằng những tấm ảnh khỏi tay anh, vội vã cất vào ngăn kéo. Bởi vì tất cả những khuôn mặt nhợt nhạt ấy đang nhìn cô như những anh tù bị giam trong ngục tối, nay được ra ánh sáng. Cô muốn chôn giấu tất cả trong cái tủ này và trong ký ức, nhưng không được. Giờ đây, đối với Maria Têrêza, những anh chàng chết trôi sống lại đó gắn liền với những năm họ đã từng ở bên cạnh thân thể trẻ trung của cô. Tất cả — những năm đã qua và những người đàn ông ấy — bây giờ đang nằm trên tay anh và kết tội cô, Maria Têrêza. Tội gì? Tội cô đã không còn như xưa. Các quan tòa và nhân chứng đã có mặt, có thể bắt đầu xử được rồi.
Bị cáo, cô có nhận ra người này không? Ngày ấy, khi cô gặp anh ta, cô mới mười tám tuổi. Mái tóc quăn thành làn sóng của cô chải cao bên trên trán, cổ cồn đứng của chiếc áo ôm khít lấy cổ và cằm, bộ ngực trẻ trung, xinh đẹp bó chặt và gọn trong chiếc coóc-xê, thậm chí qua rất nhiều viền đăng-ten của chiếc áo mỏng của cô vẫn để lộ ra vẻ hồng hào, sung túc. Mông cô rung rung, đánh qua đánh lại dưới những nếp váy. Dáng đi cô nhanh nhẹn và rắn rỏi, những con mắt trơ trẽn không nhìn quá lên phía trên đôi giày cao cổ của cô. Trong khi đó, trong các tiệm cà phê đặc khói, dưới điệu nhạc buồn buồn và nao người, các vũ nữ vung những cặp chân đi tất đen lên đến tận trán. Và khi ấy, cảm thấy rõ ràng rằng những đường viền đăng-ten dày, trắng bóc cũng không tài nào che đậy được cái đẹp của đôi chân quấn những dải băng đỏ ở sát hông. Mười tám tuổi! Má cô lúc bấy giờ còn chưa biết đến những nốt ửng đỏ, má chỉ hồng lên vì e thẹn. Cặp môi căng mọng còn chưa đánh son, nhưng vẫn đỏ, quyến rũ các chàng trai. Đôi mắt vô tư còn chưa biết đến atropin (một loại thuốc làm giãn đồng tử) và lông mi giả, chỉ có những quầng tối bên dưới mắt để lộ ra ngoài nét mệt mỏi đầu tiên của sự yêu đương… Với người đàn ông này, cô đã nhảy điệu van cuối cùng và bài tăng-gô đầu tiên. Thế còn với người này? Và người này nữa?
Anh cầm lên mấy bức ảnh và lần lượt giơ ra cho Maria Têrêza, hỏi cô tên người và năm. Anh ta hành động lúc này như thể trước mặt anh ta là một bị cáo không chịu thú tội, cần phải đưa ra những tang vật để buộc tội. Và Maria Têrêza, đúng như một kẻ tội phạm không muốn thú tội, nhìn chăm chăm vào những khuôn mặt đã phai màu thời gian, đã quên rồi và lần lượt nói từng tên một bằng một giọng chán chường và buồn tẻ. Đây là B., một diễn viên sân khấu, bây giờ làm nghề đóng phim, kia là một bá tước đã chết trong chiến tranh, còn đây là một chủ nhà băng không biết đã phá sản hay chết rồi, không rõ. Sau cùng anh rút từ trong tập ra ảnh một người đàn ông phì nộn, mi mắt sùm sụp, mặc áo đuôi tôm. Thế còn đây là ai? Một người bồi bàn?
Trên khuôn mặt lãnh đạm, hờ hững của cô giờ mới thấy hiện lên một thoáng bồi hồi.
— Đây là một nhà tư bản ở Milan, — cô trả lời, vẻ luyến tiếc. Giàu nhất trong số đó. Và nhìn về phía xa một cách mơ mộng, cô nói thêm:
— Ông ta tặng tôi một tòa biệt thự đẹp, hai tầng, có vườn… Cô mơ màng nhìn trước mặt, như trông thấy những đường nét, hình thù mỗi lúc một rõ của tòa biệt thự cũ — Vâng, vâng, nếu tôi biết giữ gìn tất cả những gì người ta đã tặng tôi, bây giờ tôi đã giàu có lắm, — cô nói như tự nói một mình sau khi im lặng một lát.
Anh không nói gì với cô cả… Những lời tiếc nuối sự giàu có đã mất đi đó anh cảm thấy thật là kinh khủng. “Cả đời chỉ biết tiêu vung cho những khoái lạc, — anh nghĩ, — chỉ tiếc mỗi một điều là đã thiển cận và keo cú”. Đột nhiên cô đứng dậy, kêu “Rét quá”, và co ro đi lại gần bếp lò, cúi lom khom bên bếp.
Phiên tòa kết thúc. Bị cáo, cô có muốn nói thêm gì nữa không? Không. Vậy thì hãy đi ra đi. Cô bị xử án, phải, bị xử án phải chịu sự già nua khắc nghiệt với da mặt nhăn nheo, tóc bạc, những nhiệt tình và lạc thú tàn héo và những ký ức phôi phai. Tất cả đối với cô thế là hết: biệt thự, những tình nhân, những cuộc hội hè, những bộ quần
áo mới và những nụ cười. Cô sẽ bị ngập trong đống tro tàn của quá khứ, Maria Têrêza ạ, như con tàu chìm đắm trong đêm.
Anh lại lục tìm trong ngăn kéo. Có những cái ảnh Nhật trơ trẽn một cách tự nhiên do đó mà sự trơ trẽn ấy trở thành một thứ chuẩn mực bình thường, những bức ảnh khỏa thân loại thường thấy bán ở các bến cảng và những chỗ kín đáo ở ngoại ô các thành phố lớn, những tấm bưu thiếp màu đã cũ có hình những đường phố và quảng trường ở Pari, Beclin, Viên, Pêtecbua, ảnh của rất nhiều người mà năm tháng qua đi đã hóa điên, phá sản, mất tích hoặc bị giết hại. Còn trong ảnh, trông họ còn trẻ, đầy sức sống, họ đang đi dạo trên đường phố, đội mũ, che ô, hoặc đi xe hai ngựa. Và cuối cùng, trong ngăn kéo có một tập thư tình viết bằng nét chữ nắn nót, cầu kỳ và bằng một thứ mực gì mờ nhạt rất lạ, tập thư được gói bằng một sợi băng vải cũng đã phai màu.
Đối với những di vật ấy, anh chỉ liếc qua, còn khẩu súng lục, nhỏ xíu thì anh rút khỏi ngăn kéo, cầm trên tay.
— Còn cái này của cô dùng để làm gì? Anh hỏi.
— Để tự vệ, — cô đáp không do dự, từ từ quay đầu sang bên tránh nòng súng mà anh dí đùa vào thái dương cô. — Hơn nữa, em tin chắc rằng em sẽ chết không phải vì già, — cô nói thêm, với một vẻ phấn khởi cam chịu số phận.
Trong giọng nói của cô có một sự tin tưởng chắc chắn. Rõ là cô, con người đi tìm kiếm các cuộc phiêu lưu nay đã mệt mỏi, thất vọng, muốn chết như những nữ nhân vật của các vở bi kịch hiện đại. Cô chỉ còn lại cái đó: chết, như trong các tiểu thuyết trinh thám: một phòng ở một khách sạn hạng ba, rạng sáng, bàn ghế đổ liểng xiểng, chăn gối không gập, lỗ chỗ những giọt máu, mùi nước hoa và mùi ngột ngạt qua đêm, những vết tay, một cái chết cưỡng bức. Sau đó là những dòng tin ngắn trên báo. Một kết cục như thế chờ đợi cô.
Trong lúc kể những điều đó, Maria Têrêza đang nhìn người tình chuyển sang nhìn khẩu súng lục, và cặp mắt long lanh, quyến rũ của cô tưởng như muốn cám dỗ cả bản thân cái chết… Cuối cùng cô thôi không nói về mình nữa mà kể một câu chuyện về một người bạn gái của cô cách đây hai năm bị giết chết trong một tình huống rất bí ẩn.
Cô cúi thấp đầu, nhìn xuống chân, rồi thở dài thườn thượt, nói bằng một giọng sầu não:
— Em nữa rồi cũng sẽ phải chịu một số phận như vậy.
— Nghĩ gì lạ vậy, Maritê! — Anh thốt lên và, đút khẩu súng vào trong ngăn tủ, ngồi xuống cạnh cô, khoác tay ngang người cô. Không, anh nói, cố an ủi cô nhưng lại xói vào lòng cô một cách sâu cay hơn, cô sẽ chết không phải một cái chết cưỡng bức, mà sẽ chết trên giường bệnh của mình, già nua, cô quạnh. Chẳng cần tự lừa dối làm gì, cô không phải là người phụ nữ bạc mệnh, những người đàn bà bạc mệnh thời nay không có, có chăng chỉ còn gặp ở trong phim. Anh tìm cách xúc phạm cô bằng những lời lẽ ác độc và định ôm lấy cô, nhưng cô cố gắng giấu nỗi tức giận, cương quyết gạt anh ra.
— Bây giờ anh lại còn nói những điều nhảm nhí, — cô nói rít quan kẽ răng.
Cô đứng dậy, lấy ở trong tủ ra một chai cô-nhắc và một cái chén.
— Phải, phải, già nua và cô độc, — anh cố tình nhắc lại.
Đáp lại, cô chỉ bình tĩnh nhún vai, nheo mắt cho khói từ điếu thuốc lá dính chặt vào môi cô khỏi bay vào mắt, và mở chai rượu ra, tự rót lấy một chén, uống. Đúng lúc ấy có tiếng chuông điện thoại nhỏ và thanh.
Maria Têrêza thong thả đặt chén rượu xuống và nhấc ống nghe lên.
— Ai đấy? — Cô lập tức hỏi và liền thất vọng: “À, thư ký của ông ta à. — Sau đó cô im bặt và nghe một cách lơ đãng, lo lắng như đang suy nghĩ để tìm những lý lẽ để thuyết phục. — Có nghĩa là tôi không thể gặp ông ta trực tiếp để nói chuyện được ư? — Cuối cùng cô hỏi. — Thậm chí chỉ một lúc, một phút thôi cũng không được à? — Nhưng, hình như người thư ký đã bỏ máy xuống. Chỉ một phút thôi mà. — Và cô từ từ hạ ống nghe, tư lự nhìn về phía trước mặt.
— Thế nào, đã đạt được cái mà cô muốn chưa? Anh hỏi.
Maria Têrêza rùng mình và ngỡ ngàng nhìn anh như mới gặp lần đầu, nhưng không trả lời gì cả. Trong chén còn lại một ít rượu, Maria Têrêza uống nốt và nhìn xuống đáy chén, nói: “Phải làm cái gì ăn tối mới được”, — và đứng dậy. Cả hai người, đầu tiên là cô, sau đến anh, ra khỏi căn phòng nồng nặc khói thuốc lá.
Trong hành lang tối, anh ôm lấy vai cô, siết chặt vào mình và hôn cô. Anh cảm thấy người cô như tan ra một chút và cô trả lại cho anh cái hôn nếu không phải với tình yêu mến thì cũng là với sự dịu dàng, như một con người đang cần được an ủi tìm đến những cử chỉ mà mình quen thuộc nhất. Anh thậm chí cảm thấy rằng người cô run run. Nhưng khi họ xuống bếp và cô cúi xuống châm bếp, khuôn mặt cô thể hiện một vẻ bình thường, tư lự và nghiêm khắc.
Lần đầu tiên họ ăn tối ở nhà, và anh, vốn không biết tài nấu nướng của Maria Têrêza, đinh ninh rằng sẽ được ăn một bữa ăn lạnh lẽo với những món đồ nguội mua ở cửa hàng. Thật ngạc nhiên, anh thấy Maria Têrêza xắn tay áo nấu ăn. Hình như là ở cái bếp này không nấu nướng gì bao giờ. Tường lát đá hoa trắng không có chỗ nào bị ố và rạn, bếp lò bên dưới chưa từng biết đến ngọn lửa là gì. Không có ai lấy muối, đường, hạt tiêu, ớt hạt cải từ những cái lọ sứ đặt thành hàng trên giá; và những xoong, nồi, sanh, chảo bằng đồng… nhôm còn bóng loáng treo trên những cái móc như mũ treo trên mắc áo. Bếp sạch bong và lạnh lẽo. Đây là một cái bếp lý tưởng có thể đem triển lãm ở các cửa hàng đồ dùng gia đình. Chỉ còn thiếu mỗi người máy nấu ăn với khuôn mặt bất động di chuyển những bước nhỏ tí từ chỗ này sang chỗ khác.
Maria Têrêza tối hôm ấy sửa soạn bữa ăn tối một cách bình tĩnh, bằng những động tác thành thục, tự tin của người nội trợ. Một món súp rau thái nhỏ, bít tết rán, khoai tây, và tráng miệng là món bánh kem sôcôla mà cô làm từ sáng để tủ lạnh. Ngồi sau bàn, anh lơ đãng nhìn Maria Têrêza, nét mặt tập trung, nghiêm túc hối hả đi từ bếp này sang bếp kia. Cô nhón mấy hạt muối bỏ vào nồi canh, rồi lấy thìa gỗ múc đưa lên miệng nếm thử, thử bằng chính đôi môi bôi son mà mấy phút trước vừa quyện chặt lấy môi anh ở hành lang. Trong lúc cô nấu bếp, cái áo choàng buộc hờ thỉnh thoảng lại tung ra. Anh nhìn người phụ nữ trần truồng khoác mỗi chiếc áo trên người ấy cúi xuống bên các nồi, một tay cầm thìa, một tay cầm dĩa, dí ngực vào luồng hơi bốc lên nghi ngút, những vệt sáng hồng từ cái bếp đang cháy dọi lên bụng cô. Ngọn đèn chiếu sáng khoảng giữa phòng, còn những viên gạch lát nền dường như thu về mọi tia sáng phản chiếu. Căn phòng như một cái hộp vuông màu trắng có hai người yêu ở trong giống như hai cái xác chết được giữ nguyên vẹn trong một tảng băng. Maria Têrêza đến và đi, còn anh vẫn ngồi sau bàn và không rời mắt khỏi cô. Anh sửng sốt và thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Từng lúc, anh nhìn xuống sàn nhà với những ô gạch hình quân cờ. Và anh thoáng có ý nghĩ rằng trên cái bàn cờ này, anh đã đánh mất quân nữ hoàng có khuôn mặt đẹp nghiêm nghị. Anh không phải là người đưa thư hay bác gác cổng để có thể tự rót rượu vào cốc mình cười vui và đặt bà nấu bếp mặc tạp dề trắng, tay cầm thìa nấu ngồi lên lòng. Không, đây không phải là người phụ nữ mà anh yêu. Nhưng Maria Têrêza bỗng ngồi vào bàn và không quên tự khoe tài nghệ nấu ăn của mình.
Họ ngồi ăn, không nhìn nhau và hoàn toàn im lặng. Cứ xem cô nấu ăn, thì có thể nghĩ rằng cô chỉ chuyên nấu nướng chứ không làm gì khác, rốt cuộc anh nói:
— Có việc gì mà em chưa làm trong đời! — Maria Têrêza đáp bằng một giọng trầm, sâu, đầu không ngẩng lên. Ngực áo choàng ngoài của cô lại bị tung ra. Với mỗi một cử động của cô, hai vú lại động đậy như một con thú con có cuộc sống riêng của nó.
Lại một lúc lâu im lặng.
— Em đã nói với anh rằng cái ông mà lúc nãy em gọi điện ấy, trước kia đã từng có thời say em lắm, — cuối cùng cô nói, lấy khăn lau mồm rồi đặt khăn lên trên hai đầu gối để trần. — Nói đúng ra, ông ta đã là người đầu tiên… lúc ấy em mới mười sáu tuổi.
Đến đây anh lại cảm thấy một nỗi ghen tuông âm thầm, lần này có xen lẫn với một tình cảm thương hại sâu xa nhói lên. Vậy là, điều đó dù sao cũng là sự thật. Maria Têrêza mười sáu tuổi, và cô đã biết đến cái thời kỳ nở hoa của tuổi thanh niên: đã cười, đã khóc, đã nhảy, đã yêu, đã sung sướng, tận hưởng tuổi trẻ của mình. Còn lúc này cô đang thu dọn những mẩu bánh mì bằng những ngón tay run rẩy và trông cô có vẻ mệt mỏi.
— Ông ta giàu không thể tả được, — cô nói thêm, — nhưng từ chối không cho em thậm chí một số tiền ít ỏi mà em hỏi xin.
Anh nhìn cô và cảm thấy rằng anh phải lấy làm buồn, đúng như một tai họa đã xảy ra, có điều không biết là tai họa gì.
— Thế có nghĩa là em cần tiền à? — Im lặng một lát, anh âu yếm hỏi.
Cô phá lên cười, cười to giọng khàn khàn, khinh bỉ.
— Em cần tiền à? — Cô nhắc lại và cười to. — Tất nhiên là cần… cần quá đi chứ!
— Nhưng để làm gì? — Anh gặng hỏi. — Để mua quần áo, để đi du lịch?
Cô lắc đầu: không, cô cần tiền để đi khỏi thành phố đến một nơi nào đó sống giữa thiên nhiên. Cô đã mệt mỏi phải sống cuộc sống hỗn độn này, giữa hàng đống người rồi. Cô muốn ở hẳn ở một thành phố nhỏ hoặc thị trấn, chẳng hạn như nơi cô sinh ra, sống một mình, trong một căn nhà nhỏ có vườn. Cô cúi đầu, lấy má quệt ngang vai trần.
Nghe đến tiếng “vườn” anh cắt ngang cô và mỉm cười ngờ vực: Vườn à? Thế thì có cả hoa nữa chứ? Vâng, cô trả lời, có cả hoa, thế sao?
— Không, không sao cả, — anh nói, đoạn đứng dậy, đi đi lại lại trong bếp.
— Nhưng một khi ông ấy không muốn cho em tiền, thì thôi, đành chịu không có tiền vậy, — cô kết luận bằng một giọng run run và vang.
Bữa ăn đã xong. Maria Têrêza cũng đứng dậy, thu dọn bát đĩa, thả vào chậu sứ kêu loảng xoảng… Anh đứng, buồn rầu nhìn người yêu, còn cô bẻ một cành lá nhỏ xỉa răng và nhìn dòng nước làm trôi khỏi đĩa những mẩu thức ăn thừa.
Sau đó, đã khuya, anh chợt thấy cô nằm quay mặt vào tường, áp người về phía tủ như để chuẩn bị ngủ. Anh chúc cô những giấc mơ đẹp và đứng dậy, định ra về. Cô đã thuộc về anh hơn hai tháng, và bây giờ, khi anh đã hết cả tiền, anh chỉ còn có cách là chia tay với cô. Nhưng đúng lúc anh bỏ tay và rút chân ra khỏi chăn, anh bỗng nhận thấy là cô khóc. Cô không nằm co lưng nữa mà nằm ngửa, như một cô bé bé bỏng hờn dỗi, lấy tay che mắt. Bóng tối không cho anh nhìn thấy rõ nước mắt, nhưng một vệt sáng dọi lên khóe miệng rung rụng nhăn nhó vì đau đớn. Cô khóc không có tiếng, đều đều và dịu êm, và nước mắt chảy giàn giụa như máu chảy từ thân thể một người bị tử thương.
Anh nhìn cô, rồi gỡ tay cô ra khỏi mắt, hỏi cô làm sao vậy. Không làm sao cả, cô trả lời, cô hoàn toàn không làm sao cả, cô chỉ nghĩ lại về cuộc nói chuyện điện thoại ban tối. Cô gục đầu xuống vai, bằng một động tác của người yếu đuối, suy sụp phục tùng số phận, và bướng bỉnh nhắc lại:
— Không sao, hoàn toàn không có gì xảy ra cả. — Nhưng một giây sau, nhắm mắt lại như nhìn thấy mình đang đứng ở góc phố giơ tay xin tiền bố thí, cô nói thêm: — Nhưng dù sao cũng thật là chua chát, lần đầu tiên trong đời phải ngửa tay xin xỏ để mà sống.
Anh không biết trả lời cô thế nào. Anh nhìn lên khuôn mặt cô đã lại trở nên nghiêm nghị, đanh sắc như tạc bằng đồng, nhìn đôi mắt nhắm như đang gọi giấc mơ, nhìn bờ vai đầy, trắng, che phủ bởi mấy đọn tóc ngắn sau gáy… Anh tưởng như cô vừa rồi không hề nói gì cả, anh không tin vào mắt mình và tai mình, anh muốn lại nhìn thấy nét nhăn đau đớn, nghe tiếng khóc của cô. Anh nhìn cô, và cảm thấy rằng mình nhìn thấy khuôn mặt của chính cuộc đời trong khoảnh khắc thoắt lên tiếng nói, để lộ ra mình, còn bây giờ lại câm lặng và ngưng đọng.
Anh nhìn cô một lúc. Sau đó, uể oải đứng dậy, đi vào buồng tắm, mặc quần áo rồi rón rén trở vào phòng.
— Anh đi đây, Maritê, chào em, — anh nói to.
— Chào anh, cô đáp, mắt vẫn nhắm nghiền.
Anh bước ra khỏi phòng ngủ, ra hành lang và xuống cầu thang. Đến trước cổng tòa nhà anh dừng lại, do dự, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ gần đâu đây vang trên những đường phố vắng. “Mười rưỡi,
— anh nghĩ thầm, — còn có thời gian để kịp xem xi-nê”. Anh thấy thú vị, thậm chí khoái trá với cái ý định đó, mà tự mình không biết rõ lý do. Giờ đây anh cảm thấy một nhu cầu khao khát chạy mau vào ngồi trong phòng tối, xem những thiên tình sử và phong cảnh những miền đất xa xôi. “Quỷ tha ma bắt, kệ xác cái cô Maria Têrêza này”, — anh nghĩ và cố nén một nỗi buồn sâu lắng chốc chốc cứ nhói lên, anh đóng cổng lại và rảo bước đi về phía trung tâm thành phố.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm