When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cái Tủ
ôi giết chồng vì nhầm lẫn, đúng hơn là vì đùa nghịch: tôi giơ súng lục lên nhằm vào anh, tưởng là súng không lên đạn, và bóp cò. Thậm chí tôi còn dọa:
— Em bắn anh này: bùm!
Cô ở gái ngồi sau bàn nhìn tôi tủm tỉm cười, còn chồng tôi thì cười phá lên. Hóa ra, khi người ta bị bắn trúng tim thì phản xạ đầu tiên là cười phá lên. Như thế là chồng tôi cười và từ từ tụt xuống khỏi ghế, rời rã như thân hình bị chia thành nhiều mảnh.
Lẽ tất nhiên là tôi bị bắt. Người ta điều tra rất lâu về quan hệ lai lịch giữa hai chúng tôi, rồi sau đó, khi xác định rõ là chúng tôi yêu nhau, thì cho tôi trắng án vì “thiếu cơ sở luận tội”.
Tôi đi về tỉnh ở với bố mẹ. Tôi là con gái độc nhất. Đời tôi như thế là hỏng, một bất hạnh kinh khủng đã xảy đến với tôi… Bố mẹ tôi nói thế và nghĩ bụng thế. Mà thế là đúng. Quả thực là tôi đã gặp một bất hạnh khủng khiếp, cuộc đời tôi thực sự đã hỏng, nhưng nỗi bất hạnh không phải bây giờ mới đến, nó đã đến từ nhiều năm trước, và chính bố mẹ tôi đã làm hỏng đời tôi.
Từ thuở bé tôi đã có tính rất đa sầu đa cảm. Tôi đã quý yêu ai là quý yêu ngay từ phút đầu, yêu như điên như dại. Cái cột thủy ngân đo tình cảm của tôi vọt lên cao như người lên cơn sốt. Tôi yêu hết mình, giữ trọn trái tim mình cho người mình yêu quý.
Ngày ấy người tôi yêu quý là mẹ tôi. Nói là tôi yêu mẹ vẫn còn là ít, phải nói là tôi hòa tan trong mẹ, đôi khi cảm thấy như tôi với mẹ là một, và trên đời chỉ có mình mẹ mà thôi.
Khi ấy tôi cho rằng mẹ tôi là người rất bất hạnh. Trên thực tế bà là người hạnh phúc — tất nhiên là theo cách riêng của mình, — vì cuộc sống vợ chồng của bà gồm toàn những cuộc cãi cọ và làm lành xen kẽ nhau liên tục, mà cả hai đều diễn ra dữ dội như nhau.
Tôi không hiểu gì cả, và khi cả nhà đang ngồi ăn bỗng nổ ra cãi nhau, thì tôi run lên vì giận và lập tức đứng về phía mẹ. Có một lần bố tôi tát mẹ tôi ngay trước mặt tôi. Cả hai mẹ con chạy ra khỏi phòng ăn vào phòng chơi của tôi ngồi với nhau. Mẹ tôi vừa khóc nức nở vừa ôm ghì lấy tôi. Thốt nhiên bà kêu lên:
— Thu xếp quần áo rồi mặc áo bành tô vào đi con! Mẹ đi lấy va li.
Hai mẹ con mình sẽ đi khỏi đây, mãi mãi!
Và bà ra khỏi phòng. Tôi thấy xốn xang cả người, vội vã thu chọn mấy thứ đồ chơi quý nhất của mình cùng với một ít quần áo bỏ vào túi, mặc áo bành tô rồi chạy đến với mẹ. Cửa vào phòng ngủ của bố mẹ khép hờ hờ, qua đó tôi trông thấy bố mẹ tôi đang nằm trên giường, áp sát người vào nhau. Bằng một giọng ảm đạm, yếu ớt và không vui, mẹ tôi gọi tôi vào.
Tôi sững sờ, cảm thấy bị hạ thấp và bị xúc phạm. Thật nặng nề trong lòng khi hiểu ra rằng tôi đã tự trao mình cho những bàn tay không xứng đáng một cách mù quáng, không suy nghĩ.
Không biết điều gì đã xảy ra với tôi, chỉ biết rằng tôi không hề cố làm như thế, nhưng tự nhiên tôi dường như bị chia làm đôi: từ một người tôi trở thành hai. Cô Xinvia thực sống riêng rẽ ra, còn cô Xinvia thứ hai, sự mô phỏng thành công của cô thứ nhất thì được tôi dành để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Từ nay không ai có thể lạm dụng tính đa sầu đa cảm thái quá của tôi để lôi cuốn và nuốt chửng tôi được. Từ nay không phải tôi yêu nữa mà là người khác — cô Xinvia kia — yêu. Sẽ là cô ta thất vọng, còn tôi đứng ngoài, đóng vai trò người quan sát khách quan, lãnh đạm.
Từ ngày ấy, tôi không đau khổ nữa. Sự thật thì mỗi năm trôi qua, tôi càng cảm thấy rõ rệt nỗi cô đơn của mình, vì tôi hoàn toàn không hề giao thiệp với ai cả: người giao thiệp là cái cô Xinvia khác kia do tôi nghĩ ra và dành cho mục đích ấy.
Cần phải công nhận là cô ta thực hiện chức năng của mình một cách xuất sắc. Kiên trì, năng nổ, cô ta xử sự một cách tự nhiên trong mọi tình thế.
Còn phải nói! Rõ ràng hành động mà làm người đứng ngoài quan sát — đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để tránh cho bản thân khỏi gặp phải những sự sỉ nhục như kiểu sự sỉ nhục mà mẹ tôi đã từng bắt tôi phải chịu, tôi tự làm tê liệt mình bằng cách chỉ quan sát xem con người khác kia sống như thế nào, còn bản thân mình thì không sống. Tôi càng ngày càng cảm thấy cô đơn, gò bó, bất lực. Cái pháo đài do tôi dựng nên để tự bảo vệ ngày càng trở nên giống với nhà tù.
Một hôm tôi được mời đến chơi một biệt thự ở ngoại ô. Trong số khách khứa có một thanh niên vẻ mặt rất nghiêm túc, một kỹ sư vận hành điện. Anh bắt đầu tỏ ra săn sóc tôi một cách rụt rè. Nhiều năm nay tôi sống như một tu sĩ, không quan hệ với con người. Đến lần này tôi bảo với con người kia rằng tôi không cần đến cô ta nữa: tôi muốn không dùng người làm trung gian, người được “ủy nhiệm” mà trở lại là chính mình, muốn yêu và được yêu. Chỉ căn cứ vào mỗi một điều là tôi đã “đốt cháy giai đoạn”, làm rung động người bạn tình rụt rè là đủ thấy lòng khao khát yêu đương trong tôi lớn đến mức độ nào. Sau khi ăn tối, anh ở lại nhà ngoài chơi bi-a. Tôi đi về phòng mình, mặc lên người bộ quần áo ngủ đẹp nhất, rồi lẻn vào phòng anh, ngồi vào trong tủ quần áo. Tôi ngồi trong tối, giữa những áo vét và cra-vát của anh, tim như ngừng đập, nín thở chờ đến lúc anh về và nằm xuống giường ngủ.
Không loại trừ là về mặt tiềm thức, cái tủ này đối với tôi tượng trưng cho một cái hầm tối tâm lý mà tôi tự chôn sống mình trong đó. Tôi biết rằng tôi cần phải thoát ra khỏi cái hầm tối ấy cũng như ra khỏi tủ và òa vào vòng tay của anh. Và sự việc đã xảy ra như vậy. Cũng trong năm ấy chúng tôi cưới nhau.
Tôi yêu anh mãnh liệt. Còn anh, vốn là con người chín chắn và mực thước, yêu tôi… vừa phải. Sau một năm sống với nhau, tôi bắt đầu lo cho tình yêu của mình. Số là trong quan hệ với chồng, sự việc diễn ra với tôi cũng y như với mẹ ngày nào: tôi yêu quên mình và dần dần hòa nhập vào anh. Tôi trở thành tiếng vọng của anh, nói giống anh, cũng hơi pha giọng Milan (bản thân tôi là người Tôxcana), động tác cử chỉ cũng bị ảnh hưởng của anh, tôi mặc quần phăng chứ không mặc váy nữa và ăn mặc cũng từa tựa giống anh. Nhìn đằng sau, người ta có thể tưởng chúng tôi là hai anh em sinh đôi: cả hai tóc đều màu sáng cắt như nhau — tóc anh để dài hơn mức thường một chút, còn tóc tôi thì ngắn hơn một chút.
Giả sử nếu bây giờ chồng tôi — mà tính chín chắn, dè dặt được tôi tiếp nhận như là sự lạnh lùng — bỗng diễn lại đúng cái vở của mẹ tôi hồi nào thì sao? Tôi sẽ còn lại cái gì? Điều gì sẽ xảy ra với tôi? Thế là tôi quyết định cầu cứu con người kia, bảo cô ta: “Cậu hãy đứng vào chỗ tớ và hành động đi. Tớ sợ”. Đương nhiên là cô ta không để phải nài, lập tức nhảy bổ vào chồng tôi như ma đói, Còn tôi tự nguyện quay về cái hầm tối của mình mà tình yêu đã gọi tôi ra khỏi đấy một thời gian.
Cô ta và chồng tôi yêu nhau, còn tôi chỉ còn có việc ngồi nhìn họ. Tôi giống như một người phụ nữ bất hạnh bị đuổi ra khỏi nhà mình, đứng áp vào kính cửa sổ trong đêm tối lạnh lẽo nhìn vào các phòng cũ của mình đang sáng trưng, ấm áp, đầy đủ tiện nghi.
Tôi chịu đựng tình cảnh đó một thời gian, sau đó quyết định: thế nào thì thế, mình phải thanh toán với cái con người kép của mình và khôi phục lại mối quan hệ trước đây với chồng! Lần này tôi không thực hiện được ý định của mình, vì cô kia ngay cả đến nghe nói nói đến chuyện phải rút lui cũng không muốn nghe. Tôi cố lấy giọng tử tế thuyết phục cô ta, đánh vào lương tri của cô — không được, hăm dọa — cũng không ăn thua.
Cô ta đứng giữa tôi và chồng tôi, mà không cạnh tranh được với cô ta, vì cô ta thật là lão luyện trong việc bày tỏ những mối cảm tình nồng nhiệt. Còn tình yêu của tôi dù là chân thật nhưng tế nhị, rụt rè.
Một đôi lần cô ta ranh mãnh nói:
— Thôi được, tớ rút lui, để cậu muốn làm gì tùy ý!
Tôi run run trong một cố gắng yếu ớt, vụng về để nhích lại gần chồng, nhưng chồng tôi, đã quá quen với sự trơ trẽn của con người kia của cô ta, nên không để ý thấy gì sất. Cô ta đắc thắng:
— Bây giờ thì cậu thấy sự chân chất của cậu đối với anh ấy chẳng có nghĩa lý gì cả rồi chứ? Sự giả tạo của tớ thế mà hay! Cho nên, thôi, hãy để mặc hai chúng tôi!
Vào một trong những ngày ấy, chồng tôi nói chuyện điện thoại với mẹ anh, có nói với bà rằng anh đang chuẩn bị đi Pari. Tôi đang ở phòng bên, nghe thấy anh nói:
— Vâng, tất nhiên rồi, Xinvia sẽ cùng đi với con. Cô ấy quyến luyến con lắm… Lẽ nào con có thể để nhà con ở lại một mình? Cô ấy sẽ buồn nhớ và có thể đi đến chỗ tuyệt vọng mất.
Đúng là tôi đang ở một tâm trạng thất vọng không lối thoát: anh ấy đi Pari với cô ta! Còn tôi ở lại một mình một bóng, thậm chí không được cả nhìn thấy họ, quan sát họ yêu nhau.
Tôi lấy hết can đảm, gọi cô ta ra nói chuyện riêng một cách thẳng thắn, yêu cầu cô ta để cho tôi đi Pari với chồng.
— Đối với cô như thế là đủ rồi! — tôi nói — Bây giờ đến lượt tôi.
Tôi sẽ không thuật lại chi tiết cuộc tranh chấp giữa hai chúng tôi, chỉ muốn nói rằng cô ta mồm mép lắm và cãi cọ rất ghê, tôi phải thua xa. Do vậy mà hoàn toàn là điều bất ngờ đối với tôi khi bỗng nhiên cô ta chịu đầu hàng:
— Thôi được, đi đi. Nhưng hãy nhớ rằng tớ chỉ nhường cậu trong thời gian đi Pari thôi đấy nhé. Về đến nhà cậu sẽ phải trả anh ấy lại cho tớ!
Một tuần lễ ở Pari đối với hai vợ chồng tôi như là một cuộc du lịch sau ngày cưới thứ hai. Và các bạn có biết làm thế nào tôi thiết lập lại được sự gần gũi trước kia không? Rất đơn giản, tôi lặp lại cuộc gặp gỡ yêu đương lần đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi vừa đặt chân đến Pari, thuê khách sạn xong, tôi bèn kiếm cớ bảo anh đi vào phố làm gì đó, còn mình thì cởi hết quần áo, mặc bộ quần áo ngủ đẹp nhất vào người rồi chui vào trong tủ. Và lại hồi lâu ngồi trong cái tủ tối om, ngột ngạt, treo đầy quần áo, cái tủ bốc lên một mùi cũ kỹ khiến tôi cảm thấy có một ý nghĩa rất tượng trưng, gợi nghĩ về cái hầm tối tâm lý mà tôi đã chôn sống mình trong đó. Tôi ngồi trong tủ khá lâu. Sau đó tôi nghe tiếng chồng tôi về, gọi tôi. Tôi reo lên sung sướng, mở toang cửa tủ, lao ra ôm lấy cổ anh. Tôi hiểu rằng mình đã được cứu thoát.
Nhưng chúng tôi vừa về đến Ý, khi cô kia chạy ra sân bay, vừa đi bên cạnh tôi trên máy bay vừa nài:
— Trả tớ chồng đây!
Tôi khăng khăng từ chối.
Thế là cái con phù thủy độc ác ấy (đã đến lúc đáng phải gọi cô ta như thế) sáng hôm sau trước khi ra khỏi nhà đã nói một câu mà tôi nghe thấy có chứa đựng sự hăm dọa trong đó. Tôi theo gót cô ta và thấy cô rẽ vào một cửa hiệu bán súng mua một khẩu súng lục. Tôi lập tức đoán ngay ra âm mưu của cô ta và quyết tâm phá vỡ âm mưu đó.
Khi cô ta đi vắng, tôi lẻn vào phòng, tìm lấy khẩu súng, rút đạn ra đem giấu đi, sau đó mới yên tâm ngồi xuống ăn cùng với chồng.
Mọi việc xảy ra sau đó các bạn đã biết. Chúng tôi ngồi sau bàn ăn, tôi không rời cặp mắt đắm đuối khỏi chồng, còn cô ta, con người kia nhìn chúng tôi và tức điên lên vì ghen. Thế rồi cô ta rút súng lục ra nhằm vào anh, nói:
— Em bắn anh bây giờ đây này: bùm!
Tôi thậm chí chẳng cần ngước mắt lên. Cô ta giả vờ đùa, nhưng tôi thì tôi biết rõ là thật, nhưng tôi không lo vì yên trí rằng súng không có đạn. Nhưng cô ta láu cá hơn tôi: để cho chắc chắn, phòng xa mọi sự tình cờ, trước đấy cô ta đã lên sẵn một viên đạn vào nòng.
Súng nổ, và chồng tôi ngã xuống sàn chết ngay.
Tôi bảo rằng phát súng nổ đó là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn, và bằng cách đó để cứu cô kia khỏi sự trừng phạt nặng nề. Tai sao tôi lại cứu cô ta? Tại vì tôi không tin ở bản thân mình: ai biết được rồi đây tôi chẳng sẽ lại yêu ai đó nhiều hơn mức cần thiết! Khi ấy tôi sẽ lại cần đến cô ta. Nhưng, cứu cô ta rồi, tôi tự gắn mình với một kẻ giết người, trở thành tòng phạm của kẻ đó. Tôi biết chắc rằng vụ giết chồng tôi chỉ là khâu đầu của cả chuỗi xích dài những tội lỗi. Con người kia gây nên tội mà chẳng bị tội vạ gì.
Trong khi đó, bố mẹ tôi kiếm cho tôi một người chồng mới. Còn chưa biết mặt nhau mà tôi đã run cho anh ta. Bởi vì tôi sẽ lại phải nhường anh ta cho cái con mụ phù thủy kia, còn bản thân mình thì chịu cảnh cô đơn hoặc lại sống trong nỗi lo sợ nơm nớp rằng một ngày kia anh sẽ bị giết ngay trước mắt tôi.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm