Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Nửa Đều Nhau
ôi lập tức quen với không khí ở căn nhà mới. Hộ ba phòng, trên tầng ba của một ngôi nhà xây theo kiểu hiện đại khang trang ở vùng ngoại ô yên tĩnh. Và điều chủ yếu nhất, tôi tin rằng đây không phải là một căn hộ như trăm nghìn căn hộ khác, mà là căn hộ của tôi, dành cho tôi và chỉ cho tôi mà thôi, hơn nữa tôi vẫn cho rằng trên đời này không bao giờ có hai người giống nhau, mỗi con người là một thế giới độc nhất vô nhị.
Gần hai tháng trời tôi dành cho việc kê dọn, trang trí, chọn lựa một cách tỉ mỉ nhất từng vật dụng. Hai tháng tiếp sau, tôi ngắm nghía cách bố trí trong nhà đó với cảm giác khoái trá vô hạn như khi tôi vẫn thường đứng trước gương soi ngắm diện mạo của chính mình và do đó là cái diện mạo độc nhất.
Chẳng những tôi thích căn phòng, mà thích cả ngôi nhà — không cũ lắm cũng không mới lắm, một ngôi nhà điển hình của những nhà tư sản bậc trung, được xây dựng không theo một phong cách nhất quán nào. Tôi thích dẫy phố với những hàng trúc đào đang lên, những tủ kính bầy hàng ở tầng một và những tấm biển sặc sỡ của các quầy bán thuốc lá, hiệu cắt tóc, hàng tạp phẩm, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bánh mì. Ngay bên dưới cửa sổ nhà tôi nhìn thẳng sang bên kia đường là một cửa hàng hoa. Bên trong tủ kính cửa hàng là những bó hoa tươi, những lọ hoa, bồn hoa, chậu cảnh. Người bán hàng hoa là một cô gái trẻ, đẹp, tóc đen, người to cao với những đường nét đậm, động tác bình tĩnh chậm rãi, tuổi khoảng chừng hai lăm, không hơn. Cô bán hàng một mình, sáng đến, cất rèm, đi đi lại lại một lúc sau quầy, sắp đặt, sửa sang những bông hoa, rồi ngồi chờ khách. Phần lớn thời gian trong ngày, cô ngồi sau quầy đọc truyện. Cô cũng hay ra đứng ở bậc cửa nhìn ra phố hồi lâu, mặc dù ngoài phố chẳng có cái gì đáng xem và chẳng bao giờ xảy ra chuyện gì hấp dẫn.
Tháng chín vừa mới bắt đầu. Bạn bè tôi đều đi nghỉ chưa về, nên tôi hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà, chẳng đi đâu cả. Do vậy mà chẳng những tôi để ý ngay đến cô hàng hoa xinh xắn mà sau đó còn bắt đầu dành cho cô khá nhiều thời gian…
Tôi bận viết báo cáo công tác, nhưng ngồi trước bàn cứ mươi phút tôi lại đứng dậy để nhìn xuống cửa hàng hoa. Cô gái vẫn ở nguyên chỗ cũ. Cô ngồi sâu trong quầy, say sưa đọc truyện, hoặc đứng tựa vào khung cửa. Tôi nhìn cô một lúc, rồi lại ngồi viết tiếp.
Một ngày kia tôi chợt nảy ra ý nghĩ: để thu hút sự chú ý của cô gái, thử lấy gương soi ánh mặt trời vào cô xem sao. Tôi thấy ý nghĩ ấy thật là mới mẻ, độc đáo. Và thế là tôi cầm chiếc gương con trong tay, bắt ánh mặt trời rọi xuống cửa hàng hoa. Đầu tiên tia sáng lay động trên tủ kính, rồi trên tấm biển và cuối cùng — như đầu sợi chỉ sau hồi lâu xâu đã vào đúng lỗ kim, — nó lọt vào khe cửa và dừng lại trên mái đầu đang cúi của cô gái. Tôi giữ tia sáng lại trên mái tóc, rồi đưa xuống phía dưới dọc theo cánh tay trần của cô, lên trang sách, rồi lay lay gương. Cô vẫn tiếp tục đọc nhưng rồi bỗng ngửng đầu nhìn ra phía cửa. Như sợ hãi sự táo bạo của chính mình, tôi lùi vào trong phòng.
Vài giây sau, tôi lại trở lại cửa sổ. Cô gái bán hoa đang đứng ở cửa nhìn ra đường. Tôi bắt ánh nắng dọi về phía cô, tia sáng từ từ bò theo chân cô lên trên và ngưng lại ở ngực. Từ đấy, bất ngờ đối với chính mình, tôi đưa ánh nắng lên mặt cô. Lần này cô nhìn lên, trông thấy tôi và mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười, và kèm theo nụ cười là một động tác ra hiệu: “Xin mời cô lên nhà chơi”. Do dự một lát, cô gái cũng ra hiệu đáp lại: “Vâng, được, nhưng mà sau đã”. Tôi không ngờ thu được một thắng lợi nhanh chóng đến thế, người lâng lâng sung sướng, chỉ tay lên mặt đồng hồ, hỏi: “Bao giờ?”. Cô gái lấy tay viết lên không khí: “Mười hai rưỡi”. Lúc bấy giờ là mười một giờ. Tôi vẫy vẫy cô, trở vào phòng, đi một vòng, vừa đi vừa xoay tay, soi gương ngắm nghía hình bóng mình.
Tôi làm việc mà không có hiệu quả, cứ năm phút lại đứng dậy, đến bên cửa sổ: cô gái vẫn đấy, đang ngồi đọc truyện. Một trong những lần bước lên đài quan sát như vậy, tôi thấy cô lấy hoa cho khách, thân hình đẹp đẽ của cô vươn về trước, cánh tay trần khỏe mạnh chìm vào giữa những bông hoa. Cô ngắt một bông hồng, rồi lại vươn về phía những bông hoa khác. Tôi thầm nghĩ cô gái thật là duyên dáng, và trong việc cô nhận lời mời của tôi một cách dễ dãi có cái gì thần bí khiến tôi rung động.
Mười hai giờ hai mươi nhăm, tôi lại bên cửa sổ lần cuối cùng, thấy cô gái chậm rãi và cung kính đi đi lại lại trong cửa hàng, sửa lại những bông hoa trong các bình. Sau đó cô bước ra, thong thả hạ rèm. Tôi nhìn theo cô đi qua đường và biến mất vào cửa lớn của ngôi nhà tôi ở.
Hồi hộp, tôi ra đứng ở trước cửa phòng mình. Tôi khoái trá nhìn chậu cây cảnh tôi mới mua hôm trước bày rất đẹp giữa hai bên cánh cửa. Tôi đưa mắt nhìn phòng khách trang trí hoàn toàn hiện đại, theo phong cách Thụy Điển. Tất cả đều rất sang trọng và lịch sự, chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với cô gái.
Cuối cùng tôi nghe thấy tiếng thang máy đỗ lại ở tầng một, tiếng cánh cửa mở ra và đóng vào, rồi tiếng dép cao gót đi đến gần chỗ tôi. Ắng đi một phút, tiếng chuông vang lên. Để cô không biết là tôi đứng sẵn ở sau cửa, tôi rón rén đi vào phòng khách để rồi lập tức quay lại, đi lẹt bẹt gây tiếng động thật to, và mở cửa.
Cô gái tóc đen làm tôi hơi thất vọng. Từ xa, tôi tưởng cô là người đẹp. Nhìn gần, hóa ra cô chỉ được cái trẻ và dáng người hấp dẫn. Mặt cô hơi thô, miệng rộng, mũi hơi khoằm, mắt to. Vừa bước vào, cô vừa nói, giọng hồ hởi, pha tiếng địa phương:
— Nhẽ ra em chưa đến nhà anh ngay hôm nay đâu. Nhưng mà em ghé qua một chút để chào anh thôi. Chúng mình là hàng xóm láng giềng với nhau mà, cho nên em nghĩ là lúc nào cũng phải làm quen với anh mới được.
Tôi trả lời:
— Xin lỗi, nhưng mà anh không hình dung được làm thế nào chúng mình quen nhau nếu như anh không nghĩ ra cái trò chiếu gương ấy.
Cô khẽ nhún vai:
— Lúc đầu em cứ tưởng là ông kỹ sư. Nhưng sau nhìn ra, thì hóa là anh.
— Kỹ sư nào kia?
— À, cái anh kỹ sư ở phòng này trước anh. Anh ấy cũng bắt đầu như thế, chiếu gương vào em. Nhưng, hay là chính anh ấy mách anh cách đùa như vậy để gọi em?
— Không, anh không hề biết anh ta.
— Em xin lỗi, nhưng mà anh cũng biết đấy, một sự trùng hợp tình cờ.
Cô gái đi xem qua chỗ ở của tôi. Vừa đi cô vừa nói chuyện một cách tự nhiên, nhưng đến cửa phòng thì dừng lại:
— Em thấy mọi thứ ở đây vẫn nguyên như xưa. Hình như giữa tôi và cô gái vừa xen vào một cái gì xa lạ, một vật cản nào đó mà tôi không biết gọi là gì. Cuối cùng tôi nói:
— Không, căn hộ này lúc đầu để không. Anh đã tự tay bày biện tất
cả.
— Ồ, lạ nhỉ, một sự trùng hợp đến là khéo: ở đây, gần cửa ra vào, trước cũng có một chậu cây cảnh y như thế này. Đây là cây si phải không anh, nếu em không nhầm?
— Phải, cây si.
— Anh kỹ sư chăm chút nó ghê lắm, anh ấy nói với em là mỗi tuần anh ấy tưới nước cho nó hai lần.
Cô ta lại tiếp tục:
— Chao ôi, hay thật! Cái tranh hệt như thế này trước cũng treo ở đây.
— Các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng tưởng như cái nào cũng giống cái nào, cùng một khuôn mặt, nhưng thực ra không phải thế — tôi đáp, giọng bực tức.
Bước vào phòng khách, cô vỗ hai bàn tay vào nhau reo lên:
— A, lại cả phòng khách cũng chả khác gì của ông kỹ sư cả. Cũng bộ bàn ghế như thế, chỉ cách sắp xếp có thể hơi khác.
Lần này thì tôi im lặng, không nói gì cả. Cô gái ngồi xuống đi văng, chân nọ vắt lên chân kia, mở khuy áo khoác trên bộ ngực nở nang. Rõ ràng là cô bằng lòng với mọi thứ và khao khát chờ đợi ở tôi những dấu hiệu mới thể hiện sự quan tâm đối với cô. Tôi đi về phía máy quay đĩa định mở một bài nhạc gì đó để nghe, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Tôi quay sang tủ đồ ăn lấy ra một chai rượu nhẹ khai vị với hai cái chén. Nhưng nghĩ thế nào, tôi cũng lại thôi, và ngồi xuống trước mặt cô gái, hỏi:
— Em cho phép anh hỏi vài câu được không?
— Bao nhiêu câu tùy thích?
— Lần đầu tiên em đến đây ông kỹ sư có mở máy quay đĩa cho em nghe không?
— Vâng, hình như có.
— Sau đó mời em uống một chén rượu nhẹ?
— Phải rồi, anh ấy rót cho em một chén véc-mút.
— Thế rồi ngồi xuống đi-văng cạnh em, phải không?
— Vâng, có ngồi. Thế sao cơ?...
— Gượm đã. Và bắt đầu âu yếm em? Câu hỏi này làm cô bối rối. Cô hỏi:
— Xin lỗi, anh hỏi những cái đó làm gì?
— Yên trí, — tôi vẫn tiếp — anh sẽ không hỏi những câu bất nhã đâu. Anh chỉ quan tâm đến, như người ta nói, những tình tiết phụ. Như vậy là anh ta bắt đầu âu yếm em. Hãy công nhận đi, — đến đây, tôi nghĩ ngợi giây lát — Và để tiến gần đến mục đích mà không làm em lúng túng, anh ta đã bảo để anh ta xem bói tay cho em?
Cô cười to:
— Chính thế. Làm sao mà anh đoán ra được? Anh là thầy tướng à?
Tôi suýt trả lời: “Là vì đấy chính là những điều mà anh cũng đang định làm” nhưng tôi không đủ can đảm để thú nhận điều đó. Tôi nhìn cô, và giờ đây tôi cảm thấy có một đường ranh giới vô hình đang bao quanh cô, vượt qua đó là nguy hiểm, cũng như khi người ta đến gần cột dây điện cao thế. Thật thế, tôi không thể nói gì hoặc làm điều gì mà trong hoàn cảnh tương tự anh kỹ sư đã nói và làm. Và anh chàng kỹ sư ấy, về phần mình, đã không phải là cái gì khác ngoài chiếc gương đầu tiên trong cả cái vòng vô tận những chiếc gương, trong đó, dù có nhìn đi nhìn lại chán chê tôi cũng vẫn chỉ thấy độc bản thân mình.
— Này, thế anh kỹ sư trông có giống anh không?
— Về phương diện gì?
— Về bề ngoài ấy.
Trước khi trả lời, cô nhìn tôi một lúc lâu.
— Anh cũng có nét gì đó hao hao giống anh ấy. Cả hai đều bình thường như hai nửa đều nhau.
— Hai nửa đều nhau?
— Vâng. Tức là không xấu trai, nhưng cũng không đẹp, không cao không thấp, không trẻ không già, thường thường vậy.
Tôi không nói gì cả, chỉ nhìn cô, và nghĩ với một sự giận dữ bất lực, rằng vở kịch có thể coi như kết thúc: cô gái bán hoa đối với tôi đã biến thành một điều cấm kỵ, và việc duy nhất còn lại mà tôi phải làm là một cái cớ nhã nhặn nào đó để mời cô về.
Cô gái đã nhận thấy sự chuyển biến đột ngột diễn ra trong tôi, bèn hỏi với vẻ lo ngại:
— Anh làm sao thế? Có cái gì không ổn chăng? Tôi cố tự kiềm chế:
— Vậy theo ý kiến em, có nhiều người đàn ông giống như anh và anh kỹ sư không?
— Các anh… nói thế nào đây nhỉ… có thể gọi là một điển hình khá phổ biến, như người ta thường nói.
Tôi khẽ thật mình, và cô gái liền hiểu ra:
— À, em hiểu rồi, — cô reo lên — Anh tự ái vì em cho rằng anh bình thường, rằng những người như anh vô khối, đúng vậy không nào?
— Không phải là tự ái, — tôi đáp — mà anh cảm thấy bất lực.
— Tại sao vậy?
— Thế đấy. Anh thấy rằng mình làm đúng những điều mà người khác cũng đều làm, và do đó anh muốn thà không làm gì cả còn hơn.
— Với em thì anh không nên tự cảm thấy bất lực. Vả lại, thề với anh rằng em thích những người đàn ông như anh hơn, rất bình thường, không có gì đặc biệt so với những người khác. Bởi vì với những người như thế, ngay từ đầu đã có thể biết họ sẽ nói gì và sẽ làm gì.
— Đấy, thế là chúng ta đã làm quen với nhau, — tôi đứng dậy, tuyên bố — Còn bây giờ thì, xin lỗi, tôi bận việc gấp.
Hai chúng tôi đi ra phòng ngoài. Tôi không thể nói vẻ mặt của cô gái là vẻ mặt chưng hửng. Cô ta mỉm cười.
— Đừng nên giận như thế. Chẳng có anh lại hoàn toàn giống anh kỹ sư.
— Anh kỹ sư của cô còn làm gì nữa?
— Chả là có một lần em nói với anh ấy rằng anh ấy là một người đàn ông như trăm nghìn người đàn ông khác, một điển hình phổ biến, có thể gọi là như thế đấy, thế là anh ấy liền nổi cáu, đúng như anh thế này này, và đuổi em về.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm