I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nghệ Thuật Truyện Ngắn Môravia
rong cả cuộc đời dài dặc của một ngòi bút văn xuôi, hiện tượng một nhà văn bên cạnh tiểu thuyết, thỉnh thoảng có “lỡ chân” tạt sang khu vực truyện ngắn, viết vài truyện đăng báo — hiện tượng ấy không hiếm trong các nhà văn thế kỷ XX. Lại cũng không hiếm là trường hợp có một thời gian nào đó, một nhà văn tự nhiên mê truyện ngắn, viết liên tiếp một loạt truyện làm thành một hai tập có giá trị, góp phần xứng đáng vào văn nghiệp của mình. Nhưng gắn bó với truyện ngắn một cách hết lòng như Môravia quả thật ít thấy. Ông kể: Có thời gian, trên một tờ báo lớn ở Ý, tờ Corriere Della Sera, ông liên tiếp có truyện in, và cứ mở ra là người ta tìm ngay trang ba, để xem truyện ngắn của ông. Về phần mình, ông viết đều đều về đủ chuyện, chung quanh những con người thành Rôm mà ông hết sức quen thuộc. Có lần, ông gom sáu chục truyện, làm thành một tập. Lần khác, vài chục truyện, lại một tập khác. Thường thường tìm được một tư tưởng nào đó, là ông lại phải triển khai ra hàng loạt truyện khác nhau, vì theo ông, chỉ làm như thế, vấn đề mới tạm được coi là khai thác hết. Giữa truyện nọ và truyện kia, có chút lặp lại, nhưng lại rất nhiều đổi mới. Tất cả nối liền, như một phơi ơ tông đăng báo kéo làm nhiều kỳ, lúc nào cũng dang dở, nhưng lúc nào cũng còn tiếp, tức luôn luôn mời gọi người ta đọc nữa. Tất cả tập hợp lại, làm thành một thứ tiểu thuyết, ở đó có hàng trăm nhân vật, vì họ làm nên một thế giới với những “tấn trò đời” độc đáo của nó.
Người ta thường nói tới tính nguyên bản của một sáng tác, ngay cách viết đôi khi cũng có tính nguyên bản, nghĩa là nó chỉ đến với anh một lần, nó là một trường hợp đơn nhất, lần ấy anh có thể thành công, lần khác viết theo cách đó, rất dễ hỏng. Dung dị, thanh thoát, có vẻ như là gặp đâu viết đấy, cách viết của Môravia có một đặc tính ngược lại từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, vẫn chỉ là nó, mà người ta không thấy chán và có thể đọc mãi được. Nó có vẻ rất hợp với một ngòi bút viết nhiều, viết khỏe, dẻo dai trong nghề nghiệp. Vâng, viết thật liên tục, thật đều đặn, và tạo cho bạn đọc cảm thấy mình có thể viết mãi trong truyện ngắn, đấy là một trong những bí mật làm nên tài năng Môravia, nó cũng là một phần lý do khiến ở Ý cũng như ở nhiều nước khác, ở Pháp, ở Mỹ, ở Liên Xô, ông được bạn đọc và cả giới nhà văn chuyên nghiệp say mê không dứt.
Sự thống nhất trong thế giới truyện ngắn Môravia trước tiên là ở cách nhìn cuộc đời. Trong muôn vàn truyện của đời sống nước Ý hiện đại, có những hiện tượng giống nhau, cứ đều đều rơi vào ống kính Môravia, mỗi lần cho ta một cận cảnh gọn và rõ. Khoảng những năm năm mươi, đó là cuộc sống của những người lao động thành Rôm với những vui buồn theo kiểu bình dân độc đáo của nó. Đến những năm sáu mươi, đấy thường là cuộc sống của những người trung lưu, vật chất không còn quá nheo nhóc, nhưng về mặt tinh thần lại bị thu hút vào một guồng máy xã hội đã bị tha hóa, khiến mất hết cả tự do, đời sống bảo là sung túc đầy đủ cũng được, mà bảo là vớ vẩn tẻ nhạt cũng được. Bởi tính phổ biến của nó, những bi hài kịch này thường chỉ được Môravia phác ra trong mấy nét nhưng rất dễ thông cảm. Người đọc nhận ra ngay những chuyện kể ở đây không chỉ liên quan đến mấy người trong truyện, mà ít nhiều liên quan đến chính cuộc sống của mình, các cuộc sống thực sự hàng ngày ai cũng phải đối mặt. Nhưng điều quan trọng hơn là những kết luận Môravia muốn ta hướng tới. Dường như tác giả muốn nói: cuộc sống con người trong lòng xã hội tư bản thật kỳ quái, nhưng lại cũng thật tẻ nhạt vô kể (Đừng nghĩ ngợi gì, Người thừa hành). Với mỗi chúng ta, cuộc đời hiện ra một cách khác, nhưng thông thường, mỗi người nếm trải đủ vị, sung sướng đấy mà đau khổ đấy (Đẹp hơn em). Ở chỗ ta tưởng chỉ có nghiêm chỉnh, vẫn hàm chứa bao nhiêu chuyện buồn cười, y như chuyện đùa (Chuyện đùa ngày hè), nhưng ở chỗ ta tưởng chỉ có nhạt nhẽo, vớ vẩn lại có bao điều khiến ta cảm động đến rơi nước mắt (Cô điếm mệt mỏi). Cuộc đời không vừa với một khuôn mặt khổ nào có sẵn, mỗi con người đều lung linh kỳ lạ hết mức, cả cái khôn lẫn cái dại, cả sự ngờ nghệch lẫn sự hiểu biết của họ cũng mở ra hết mức, đó vẫn là ý nghĩa thực của đời sống xưa nay, và thứ văn học nào bắt ngay vào cái nguồn vô tận này, cũng sẽ không bao giờ vơi cạn, như chính đời sống vậy.
Đặc sắc cơ bản làm nên sự hấp dẫn của truyện ngắn Môravia là vẻ tự nhiên của nó thu hẹp trong phạm vi vài ngàn chữ, mỗi truyện như lời kể của một người nào đó về người thân của mình, bè bạn của mình, tác giả vừa nghe xong và giờ kể lại trên mặt giấy. Thủ pháp nhân vật xưng tôi vốn đã rất cũ, nay được tác giả sử dụng lại, và cứ thế mà kéo, không cần phải màu mè đắp đổi gì hết. Dường như phải qua lối xưng tôi như vậy, ông mới có cớ để thu góp tất cả sự phức tạp của đời sống vào một mối, tha hồ dẫn dắt người đọc theo những ý tưởng có sẵn và mang lại cho nó một vẻ dễ hiểu “Ồ, tôi nghĩ thế đấy”. Với ai kia, nghệ thuật truyện ngắn ăn ở những tìm tòi cầu kỳ về cách tả cách kể. Môravia không cần làm thế. Ông cứ kể như người ta thuận mồm thì trò chuyện cho vui. Thậm chí phong cảnh thiên nhiên cũng gần như vắng mặt trên các trang sách. Đã gọi là chuyện, với ông, chỉ có đời sống con người, những mối quan hệ đa dạng giữa con người với con người. Gọn gàng nhưng không gò bó, chặt chẽ ngay trong sự dông dài của mình, mỗi truyện ở đây giống như một phác thảo tâm lý nho nhỏ nhưng lại hóm hỉnh, tinh tế, và nhiều khi chua xót nữa.
Nói về thói quen làm việc của mình, trong một dịp trả lời phỏng vấn, Môravia kể: sáng sáng, ông ngồi vào bàn, và đã ngồi là có tác phẩm. Trong khi đặc biệt nhạy cảm với xu hướng tha hóa con người, biến con người thành một thứ máy — cái xu hướng vốn gắn liền với sự phát triển của nền văn minh tư bản chủ nghĩa — bản thân Môravia lại là một tấm gương về lao động nghệ thuật không bị sự đỏng đảnh của cảm hứng chi phối. “Viết để đầy một số trang, vui lắm!” Ông bảo vậy. Trong việc viết cho đúng hẹn đã định, cũng như trong việc tự giới hạn tác phẩm của mình trong một số chữ nhất định, ông cũng cảm thấy niềm vui. “Tự do” ở đây là một thứ tự do trong khuôn khổ, tự do nương theo những ràng buộc có sẵn mà không hề cảm thấy bị những ràng buộc đó làm phiền. Không biết tự lúc nào, một bản tính thứ hai đã hình thành ở ông, trong những quy định ngặt nghèo của trang báo, ông cảm thấy viết đến đấy là vừa đủ, không cần có sự gò ép, tước bỏ, cắt xén gì cả. Đằng sau các trang sách, có lúc ta cảm thấy một tác giả con mắt nháy nháy tinh nghịch như thầm bảo “Đấy anh xem, chỉ cần có ít chữ vậy thôi, tôi cũng đã nói được bao nhiêu điều cần thiết”.
Với những truyện ngắn được viết liên tục, hoàn toàn có thể nói Môravia là một nhà văn có một căn bản nghề nghiệp vững chãi và sự thành thục về nghề nghiệp (điều mà ông chăm lo rèn luyện) đã trở thành thành tựu, do đó thành một niềm tự hào chính đáng ở ông. Trong không ít trường hợp, Môravia đã phát biểu rất hay, về công việc viết văn và tâm lý người viết. Chẳng hạn có lần ông bảo “Viết là tuân theo một nhạc điệu. Là cảm thấy một thiện cảm và tiến về phía thiện cảm ấy. Người ta viết bằng tai”. Tôi tưởng nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn có thể chia sẻ một nhận xét như vậy.
Viết, đối với Môravia, là một nghề nghiệp, nhưng trong cái nghề nghiệp đó, chất chứa bao nhiêu sự đời và có thể gửi gắm bao nhiêu suy nghiệm về nhân tình thế thái.
Trong khi không quan trọng hóa công việc — một điều mà như chúng ta biết, rất gần với Sêkhốp — thực ra Môravia vẫn hết mình với nghề nghiệp, và do đó, chúng ta thấy nếu không phải là sự thiêng liêng, thì cũng là một sự quyến rũ lớn lao. Cũng y như, sau những trang viết có vẻ lạnh lùng của ông, người ta vẫn cảm nhận rõ một khuyến khích đầy thiện ý. “Dù bao nhiêu chuyện ngang trái đi nữa, song cuộc sống vẫn còn bao nhiêu điều tốt đẹp, khiến cho người ta cần sống và có thể tìm được ý nghĩa cho cuộc sống”.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm