Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Jennings
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 879 / 21
Cập nhật: 2021-08-28 15:39:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ngọn Hải Đăng
Đúng nửa đêm, có ai đó chơi nhạc. Thoạt nghe như tiếng xắc xô phôn, hay như tiếng kèn Clarinet. Chỉ khi gió lặng xuống tôi mới nghe thấy hình như có tiếng nhạc văng vẳng xa xa. Nhưng tôi cam đoan có tiếng nhạc.
Tôi cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng mặc dù đang nằm trên giường trải đệm ấm áp. Tôi giật mình sợ hãi. Chú Stan và tôi là những người duy nhất trên hòn đảo này, và chú ấy đang ngủ ở phòng bên cạnh. Tôi còn nghe rõ tiếng ngáy của chú. Vậy thì ai chơi nhạc ở đây?
Ngoài trời rét căm căm, giông gió mịt mù. Nước biển quật ào ào vào vách núi. Tôi chồm dậy nhìn qua cửa sổ. Những đám mây đen như chạy đuổi nhau dưới ánh trăng mờ nhạt. Ánh sáng từ ngọn đèn biển như muốn xé toạc đêm đen. Dường như tiếng nhạc bay vút ra từ đây.
Thoạt đầu tôi định đánh thức chú Stan nhưng nghĩ thế nào tôi lại thôi. Chú ấy là người gác đèn biển vui vẻ, niềm nở tuy đã đứng tuổi nhưng rất trẻ trung. Tôi không muốn để chú nghĩ là tôi sợ hãi. Tôi hi vọng một ngày nào đó cũng sẽ trở thành người gác hải đăng. Đêm hôm nay là đêm đầu tiên tôi ngủ trên đảo và tôi muốn mình để lại đây những ấn tượng tốt đẹp.
Tôi lại leo lên giường và tìm cách ngủ tiếp. Tiếng nhạc trầm trầm xa xa như bám chặt vào tâm trí tôi. Dường như có ai đó gọi tôi se sẽ, nói với tôi điều gì đó mà chẳng thành lời. Tôi cảm thấy đã nghe khúc nhạc này ở đâu đó nhưng không nhớ ra ngay. Giai điệu chậm và buồn. Rồi tôi bỗng nhớ ra bài “Người xa lạ trên bờ biển.”
Có cái gì đó mách bảo tôi rằng bản nhạc này là dành cho tôi. Tôi là người xa lạ đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này. Chuyến tàu cung ứng mới đưa tôi ra đảo hôm nay. Nhưng mà ai chơi nhạc mới được chứ? Và tại sao tôi lại cảm thấy bùi ngùi trong lòng?
Tôi chăm chú lắng nghe, phải rồi đó là tiếng kèn clarinet. Và, tôi xin nói với các bạn rằng, người đang chơi kèn là người am hiểu âm nhạc. Đó là môt bản nhạc buồn nhất mà tôi chưa từng được nghe bao giờ.
Sau đó âm điệu thay đổi. Tiếng nhạc cũng thay đổi. Mãi tôi mới nhận ra có thêm tiếng kèn xắc xô phôn. Cả hai cùng hợp tấu bản “Người xa lạ trên bờ biển”. Bản nhạc như nức nở, như thổn thức. Tôi cảm thấy nước mắt muốn trào ra nhưng không hiểu vì sao.
Mãi sau tôi mới thiếp đi, bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng nhạc xa xa.
2
Hôm sau, vào lúc ăn sáng, tôi hỏi chú Stan có nghe thấy gì không. Chú nói với tôi: “Không, Anton ạ, chú chẳng nghe thấy cái gì cả. Nhưng chú biết là có một cái gì đó. Khách đến thăm đảo bao giờ cũng nghe thấy. Rất nhiều người không chịu đựng nổi, họ cảm thấy rùng rợn và nhanh chóng rời đảo ra đi. Cháu là người phụ việc thứ ba chú nhận được trong năm nay đấy. Hai người kia đã bỏ đi vì tiếng nhạc. Họ nói với chú rằng, đêm đêm họ không tài nào ngủ được. Nhưng thực tế họ sợ vãi cả ra quần, họ sợ đến chết khiếp.
Chú nhìn tôi chằm chằm khi nói điều đó, dường như chú chỉ chờ tôi hoảng sợ và cũng vội vàng hoảng hốt bỏ chạy như những người khác. Chú như nhìn thấu người tôi bằng một con mắt, con mắt kia bị bịt kín bằng một tấm che. Trông chú như một tên cướp biển hung hãn nhưng thực chất chú là một người hiền lành. Chú yêu tha thiết hòn đảo này hơn mọi thứ trên đời.
Tôi hỏi chú:
- Vậy ai là người chơi nhạc và tại sao chú lại không nghe thấy gì cả?
Chú nhìn tôi rất lâu, ánh mắt xoáy thẳng vào con người tôi dường như muốn đọc những ý nghĩ của tôi. Mãi sau chú mới nói:
- Cái cậu cuối cùng đi ra ngọn hải đăng vào đêm hôm thứ sáu. Cũng chỉ vào đêm thứ sáu mới có tiếng nhạc. Cậu ta cầm đèn pin đi phăm phăm ra đó để tìm xem ai là người chơi nhạc. Cậu ấy đi bộ hai tiếng đồng hồ thì quay trở về và không hề hé răng nói một lời. Cậu ta nằng nặc đòi về, không chịu nói lý do, ta hỏi gì cũng không trả lời. Hắn chỉ ngồi thần mặt và nhìn đăm đăm vào bức tường. Sau đó, một tuần thì con tàu cung ứng cập cảng và hắn ta lên tàu đi thẳng.
Chắc anh ấy phải trông thấy cái gì đó khủng khiếp lắm. Thế thì hoàn toàn không biết ai chơi nhạc hay sao?
Cháu khoác áo măng tô vào và đi cùng với ta. Ta sẽ chỉ cho cháu xem cái này.
Gió tây nam thổi phần phật. Chú Stan đưa tôi đi dọc đường mòn trên vách núi. Chỗ này trơ trụi không một bóng cây: gió thổi quanh năm suốt tháng nên không cây cối nào mọc nổi trên đảo. Cuối cùng chúng tôi đi đến một cái bãi nhỏ hình vuông, rào giậu cẩn thận, bên trong là hai phần mộ. Hai tấm bia hướng ra biển. Hai nấm mộ nằm trơ trọi trên đỉnh núi cao chót vót quanh năm gió thổi lồng lộng.
Chúng tôi mở một cánh cổng nhỏ và bước vào nghĩa trang. Tôi chăm chú nhìn hai tấm bia đá. Trên tấm bia thứ nhất ghi dòng chữ:
Thuyền trưởng Rickard
1895-1950
Là người gác ngọn hải đăng từ
1915-1950
R.I.P
Tấm bia thứ hai cũng không khác gì mấy so với tấm bia thứ nhất, chỉ có cái tên là khác.
Alan Rickard
1915-1960
Là người gác ngọn hải đăng từ
1950-1960
R.I.P
Chú Stan chỉ vào nấm mộ của thuyền trưởng Rickard và nói: “Đây là mộ ông nội chú còn Alan Rickard là mộ bố chú”.
Tại góc hai tấm bia có khắc một tấm hình nhỏ. Ở mộ thuyền trưởng Rickard là hình chiếc kèn clarinét và ở tấm bia Alan Rickard khắc hình chiếc kèn xắc xô phôn.
Chú Stan nói: “Tất cả những người gác hải đăng đều có năng khiếu âm nhạc, ông nội chú chơi kèn clarinét, bố chú chơi xắc xô phôn. Còn chú chơi viôlông. Cháu có chơi nhạc cụ nào không?”
Tôi trả lời” “Có, cháu thổi sáo dọc.”
3
Chú Stan và tôi từ từ đi về nhà. Gió thổi mạnh làm cỏ rạp cả xuống và tóc đâm vào mặt. Chú Stan phải hét tướng lên tôi mới nghe nổi. Chú nói: “Bây giờ ta không chơi viôlông được nữa vì ngón tay bị bệnh thấp cứng mất rồi. Cây đàn đó ta để trong phòng nhạc trên ngọn hải đăng. Ông và bố ta hồi trước vẫn chơi nhạc ở đó. Chơi nhạc là cách giải trí tốt nhất của các cụ khi làm việc ở đây. Bây giờ ta không lên căn phòng đó nữa bởi vì trông thấy cây đàn lòng ta lại xót xa.”
Khóe mắt chú ươn ướt không hiểu vì gió hay chú khóc.
Chúng tôi lặng lẽ đi về nhà. Tôi không biết nên hiểu như thế nào về những điều mình vừa chứng kiến. Liệu những nấm mồ kia có liên quan đến bản nhạc buồn đó hay không? Ông thuyền trưởng chơi kèn clarinét và con trai ông chơi kèn xắc xô phôn. Nhưng cả hai đều đã chết và người chết đâu có sử dụng được nhạc cụ nữa, ít ra là tôi nghĩ như vậy.
Một hôm tôi quyết định leo lên ngọn hải đăng. May ra tôi sẽ tìm được cái gì ở đó bổ ích cho mình. Nhưng tôi không đi vào ban đêm và cũng không vào ngày thứ sáu.
Ngày hôm sau là thứ năm. Tôi nói với chú Stan tôi muốn đi dạo quanh đảo nhưng thực tế tôi lên ngọn hải đăng. Tôi đã lên đây một lần cùng với chú Stan ngay từ hôm đầu tiên. Tôi trông thấy chiếc đèn pha to tướng tỏa sáng vào ban đêm xung quanh ngọn hải đăng. Tôi không đi vào buồng nhạc và thực ra tôi chưa vào bên trong ngọn đèn biển.
Tôi đẩy chiếc cửa dưới và đi lên. Bên trong tối mờ mờ. Trên tường có những cửa sổ bé tí xíu để ánh sáng có thể lọt vào. Các bậc thang xoáy hình trôn ốc. Chú Stan bảo tôi phải đi hai mươi vòng cả thảy. Tôi leo lên chầm chậm, nơi đây yên tĩnh như trong nhà mồ. Đi chừng được một nửa tôi nhìn xuống thấy sâu hun hút đến chóng cả mặt. Tôi ngồi nghỉ trên bậc cầu thang và chú ý lắng nghe. Hoàn toàn yên ắng. Tôi tin rằng ở đây chỉ có một mình tôi.
Cuối cùng tôi cũng lên đến đỉnh. Tại đây có hai cửa, một cửa dẫn ra chỗ để ngọn đèn biển còn cửa kia là lối đi vào buồng nhạc. Tôi ấn núm cửa, hơi bị kẹt nhưng ẩy mạnh thì cửa bật ra. Tôi đi vào. Căn phòng trông như cabin trên tàu thủy. Một bên trường có gắn tấm phản một bên treo mấy tấm bản đồ, trên bàn là một quả địa cầu. Không thấy có cửa sổ mà chỉ có những lỗ nhỏ hình tròn, phía trước là kính viễn vọng. Bên cạnh là giá để nốt nhạc và một chiếc bàn nhỏ, trên bàn có chiếc kèn clarinét, kèn xắc xô phôn và cây đàn viôlông.
Tôi quan sát kĩ hai chiếc kèn. Cả hai bám đầy bụi vì từ lâu không có ai đụng đến. Trong bụng cây viôlông chăng đầy mạng nhện. Tôi thổi thử chiếc kèn clarinét, tiếng nhạc ồm ồm như ễnh ương. Rõ ràng tiếng nhạc đêm hôm thứ sáu không thể phát ra từ các nhạc cụ này.
Có lẽ từ nhiều năm nay không ai đụng đến chúng, nhưng tôi đoán chắc rằng tiếng nhạc phát ra từ căn buồng này, tôi cảm thấy rất rõ điều đó.
Tôi không muốn ngồi đây lâu. Tôi cảm thấy có cái gì đó bí ẩn, gai gai ở trong căn phòng này, dường như có ai đó đang nhìn tôi.
4
Những tháng sau đó tôi bận khá nhiều công việc. Tôi phải đo lượng mưa và ghi chép những số liệu về thời tiết. Tôi phải theo dõi tín hiệu cấp cứu của những con tàu đi biển. Chiều chiều đúng năm giờ tôi phải leo lên ngọn hải đăng để đốt đèn. Không bao giờ tôi đi vào phòng nhạc và tôi cũng không nói chuyện với chú Stan về âm nhạc nữa.
Nhưng cứ tầm nửa đêm ngày thứ sáu lại nổi lên bản nhạc buồn thảm, âu sầu. Tôi không tài nào ngủ được khi còn có tiếng nhạc và tôi luôn có cảm giác tiếng nhạc đó như muốn thủ thỉ chuyện trò với tôi. Trong tiếng nhạc có cái gì đó đặc biệt như chỉ để dành cho tôi.
Tôi cảm thấy buồn. Nhưng tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Tôi nằm trên giường và chờ nghe tiếng nhạc nổi lên. Thế rồi tôi nằm thao thức và chờ cho đến khi tiếng nhạc tắt hẳn.
Cuối cùng tôi quyết định phải đi xem xét cho ra nhẽ. Tôi chuẩn bị kế hoạch thật chặt chẽ và không kể với chú Stan. Tôi thay mấy cục pin mới vào đèn pin, kiếm cây gậy cũ vốn dùng để chơi bóng bầu dục để phòng chuyện bất trắc. Đến tối thứ sáu tuần sau tôi chờ cho chú Stan ngủ say mới len lén ra đi giữa đêm tối như mực.
Trời lạnh, gió thổi mạnh. Những đám mây đen ùn ùn che khuất mặt trăng. Mưa nhẹ thổi hắt từ ngoài biển vào, sóng vỗ ì oạp chồm lên chân núi ven biển. Tiếng nhạc từ xa vẳng tới. Tôi dò dẫm từng bước trong đêm tối và lách gió để đi. Cuối cùng tôi cũng đến ngọn hải đăng.
Bên trong ngọn hải đăng tối om om. Cầu thang đi lên không có đèn nhưng có tiếng nhạc từ trên vọng xuống. Tôi biết giai điệu bản nhạc. Đó là bản “ Hãy đừng đến với tôi nữa em yêu” thế là rõ rồi, cái đó ám chỉ tôi. Nhưng ai ở trên đó mới được chứ? Và tại sao họ lại không muốn có người lạ sống trên đảo? Tôi cảm thấy sợ và không muốn đi tới đó nữa. Nhưng tôi buộc mình phải đi. Đầu gối tôi run lẩy bẩy khi tôi dò dẫm lần từng bước đi lên đỉnh tháp.
Đường đi vòng vèo hình trôn ốc. Cũng may tôi mang theo đèn pin - ở đây tôi thấy rờn rợn. Tiếng nhạc vang vọng như muốn chế giễu tôi. Tôi nói rõ to: “Đừng hòng dọa ta, ta không bỏ đi đâu, các người đừng hòng dọa ta như những người khác!” Tôi làm ra bộ can đảm không biết sợ là gì, nhưng trong thâm tâm tôi sợ lắm. Tôi thực tình chỉ muốn quay trở lại và chạy một mạch về chỗ chú Stan. Nhưng tôi cố lấy can đảm và buộc mình phải tiếp tục đi lên tới trên đỉnh
Ánh đèn chiếu qua kẽ cửa buồng nhạc. Tiếng nhạc khá to. Giờ thì ai cũng biết tiếng nhạc từ đâu phát ra. Bỗng nhiên vang lên một giai điệu khác, bản nhạc: “Cái gì ở đằng sau cánh cửa xanh”. Tôi nhớ đến lời bài hát này. Cánh cửa đi vào buồng nhạc cũng màu xanh và tôi muốn biết đằng sau đó là cái gì. Nhưng tôi cảm thấy sợ không dám đi vào. Nhưng dù trong đó có gì đi nữa thì những người ở trong đó biết rõ về tôi. Bỗng cánh cửa từ từ mở ra.
Tôi không còn tin vào mắt của mình nữa. Toàn thân tôi run lẩy bẩy, tóc tôi dựng ngược vì sợ hãi, tôi muốn quay phắt đi và chạy thật nhanh, nhưng tôi không thể nào chạy nổi. Tôi không điều khiển đôi chân của mình. Chiếc kèn clarinét đang chơi một mình và chiếc xắc xô phôn cũng vậy. Cả hai đều lơ lửng trên không. Có ai đó hoặc có cái gì đó đang chơi chúng nhưng ai đó hoặc cái gì đó đều vô hình.
Quả thật lúc này tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, hai đầu gối đập vào nhau thình thịch. Tôi nghĩ mình phải đi ngay khỏi nơi này. Thế rồi tôi nghĩ tới hai thanh niên đã bỏ đảo này mà đi. Tôi không muốn mình cũng dễ dàng bị xua đi như vậy – không, đừng hòng, không có con ma nào ở đây có thể dễ dàng xua tôi rời khỏi chốn này. Tôi lại nhích từng bước lên phía trước.
Đúng lúc tôi bước chân vào phòng thì tiếng nhạc ngừng bặt. Hai cái kèn clarinét và xắc xô phôn bay là là về phía mặt bàn rồi nằm xuống đó. Lúc này yên lặng như tờ. Tôi đi về phía cái bàn và cầm cây đèn clarinét đầy mạng nhện bám, người ta có thể nghĩ rằng đã lâu lắm không có người nào đụng đến nó. Tôi đặt nó lên môi và thôi làm cho bụi bẩn bay lả tả.
5
Các nhạc cụ này vừa mới chơi xong thế mà giờ đây chúng nằm yên bất động và phủ kín một lớp bụi dày đặc. Ma, đúng là có ma. Đó là ma ông thuyền trưởng Rickard và Alan Rickard, ông nội và bố chú Stan. Nhưng làm sao mà họ bất hạnh đến như thế, tại sao họ lại đuổi tất cả những người đến hòn đảo này?
Tôi muốn nói chuyện với họ tuy rằng tôi vẫn còn sợ. Tôi chưa bao giờ dính dáng tới ma quỷ, nhưng dù sao cũng cứ thử xem sao. Tôi hỏi họ: “Thưa các cụ, các cụ hãy nghe cháu hỏi. Tai sao các cụ lại cứ muốn đuổi cháu đi? Cháu có làm gì các cụ đâu? Và cháu cũng không làm gì tổn hại tới hòn đảo kia mà. Thậm chí căn buồn này cháu cũng không hề đụng đến vậy thì các cụ hãy ra đây và cho cháu được thưa chuyện với các cụ.”
Không có bất cứ điều gì xảy ra. Căn buồng hoàn toàn tĩnh mịch và yên lặng, tôi nghe rõ từng hơi thở của mình. Bỗng nhiên tôi rùng mình, người tôi từ đầu đến chân trở nên lạnh giá. Cả hai người đều đang ở trong căn buồng này nhưng không ai trả lời tôi. Tôi có cảm giác như có những bàn tay giá lạnh từ dưới mồ đang sờ vào mình. Tôi sợ quá hét tướng lên và chạy bán sống bán chết xuống dưới cầu thang rồi vọt ra ngoài
Khi tôi đi về nhà thì lại nghe thấy tiếng nhạc nổi lên “Xin hẹn gặp lại”. Họ đang cười nhạo tôi. Họ tưởng họ đã đuổi tôi đi chắc? Không, họ nhầm rồi. Đúng là tôi có giật mình, nhưng tôi nhất định không rời hòn đảo này, đừng hòng!
Về đến nhà tôi đi vào bếp. Chú Stan ngồi bên bàn, đầu gục vào hai bàn tay. Khi tôi bước chân vào chú ngước mắt nhìn tôi. Tôi cảm giác hình như chú ấy vừa khóc, chú dụi má, má hãy còn ướt.
Chú nói với tôi:
- Ta vừa nhận được điện báo. Họ định phá ngọn hải đăng.
- Ai kia?
- Những người có trách nhiệm, chính phủ. Họ đã nói tới điều này từ nhiều năm trước. Nhưng chú không bao giờ tin họ sẽ làm điều đó. Họ muốn có một ngọn đèn biển mà không cần người gác, một ngọn hải đăng tự động, môt ngọn tháp cao với ngọn đèn sáng ở trên đỉnh.
Tôi há hốc mồm. Như vậy chú Stan và cả tôi sẽ mất việc làm. Chúng tôi phải rời hòn đảo này. Tôi buột miệng nói:
- Không, họ không thể làm đơn giản như vậy được.
- Dù muốn hay không, thứ sáu này họ sẽ tới đây, chúng ta phải giúp họ phá ngọn hải đăng. – Bỗng nhiên chú Stan già xọp hẳn trông như người mất hồn. Chú lắc đầu, mắt đăm đăm nhìn vào ngọn lửa trên bếp. Chú nói tiếp. – Bố ta chết ở đây. Ông nội cũng vậy. Ta cũng muốn sống những ngày cuối đời ở đây. Giờ ta phải vào đất liền. Có lẽ họ sẽ đưa ta tới nhà dưỡng lão
Bỗng nhiên tôi nhớ đến một điều gì đó:
- Chú Stan, hãy chờ đấy, đừng đầu hàng. Chú biết đấy, chúng ta không đơn độc trên đảo này. May ra chúng ta sẽ tìm được sự giúp đỡ. Chúng ta phải đấu tranh vì ngọn hải đăng này.
Chú Satn đờ đẫn nhìn tôi, chú hoàn toàn không hiểu tôi nói gì.
6
Giờ thì tôi hiểu vì sao có tiếng nhạc ở đây. Hai con ma đều ở trong ngọn hải đăng. Nhất định chúng không muốn ngọn hải đăng bị phá. Vì thế cứ mỗi khi có người lạ tới đảo, tiếng nhạc ma quái lại vang lên để xua đuổi họ. Những con ma đó không lo ngại gì về chú Stan vì chú là con cháu trong nhà, và chú rất yêu đảo. Chúng thừa biết rằng chú không bao giờ làm tổn thương ngọn hải đăng. Chính vì thế mà chú không bao giờ nghe thấy tiếng nhạc ma quái của họ.
Nhưng nổi nhạc vào đêm thứ sáu đâu phải là cách để chống lại những người thợ tới đây phá ngọn hải đăng bởi vì họ tới vào ban ngày và họ chỉ cần một ngày là phá xong. Và thế là cây đèn biển sẽ mất đi vĩnh viễn, lúc đó mọi sự chống đối đều trở thành quá muộn.
Tôi cần phải nói chuyện với lũ ma, cần làm cho chúng biết rằng tôi, không căm ghét chúng, tôi chống lại việc phá cây đèn biển, tôi cần sự giúp đỡ của lũ ma quái để bảo vệ ngọn hải đăng.
Tôi chạy như bay ra khỏi nhà và leo lên ngọn hải đăng rồi đi thẳng vào phòng nhạc. Nơi đây yên lặng như tờ. Hai cái đèn xắc xô phôn và clarinét nằm chỏng chơ trên bàn. Tôi không muốn lãng phí thời gian nên nói ngay:
- Các vị ơi, hãy nghe tôi nói đây. Tôi biết các vị đang ở đây và tôi biết các vị có thể nghe những điều tôi nói. Các vị hãy hiện ra đi, tôi cũng như con cháu của các vị mà; tôi muốn giúp các vị; tôi không muốn ngọn hải đăng bị phá. Tôi muốn cứu nó nhưng để làm được việc đó tôi cần sự hỗ trợ của các vị.
Không có gì xảy ra. Im lặng như tờ. Tôi cảm thấy mình như một thằng hâm. Phải chăng tôi chỉ nói chuyện với chính mình và biết đâu chẳng có ma quái gì cả. Hay là tôi mơ cũng nên, hay là tôi sắp sửa bị điên? Rồi tôi nhìn hai chiếc kèn xắc xô phôn và clarinét. Tôi biết chắc chắn rằng tôi nghe thấy hai tiếng kèn. Dần dà tôi cảm thấy bực bội. Tôi quát lên:
- Hỡi lũ ma ngu xuẩn, các người có biết ngọn hải đăng sẽ bị phá không? Thứ sáu này thợ phá cây đèn biển sẽ tới đây. Chú Stan và ta cần sự giúp đỡ của các người. Tiếng nhạc của các người vào đêm thứ sáu không ngăn trở nổi họ đâu. Chúng ta phải tìm cách khác.
Im lặng. Nếu quả có ma thật thì chúng câm như hến. Tôi nói:
- Thôi được, các người muốn làm gì thì làm. Kẻ nào muốn phá ngọn hải đăng thì cứ việc phá. Cứ để chúng đuổi chú Stan nghèo khổ già nua đi đâu thì đi, các người cũng không còn chỗ để chui ra chui vào và gió sẽ thổi các ngươi đi bốn phương trời.
Trong lúc đang nói tôi bỗng nhìn thấy mấy giọt nước bay lơ lửng trong không khí. Trông chúng như những giọt nước mưa lăn trên tấm kính. Nhưng ở đây hoàn toàn không có kính, chỉ có hai giọt nước từ từ rơi. Lúc đầu tôi giật mình sợ hãi nhưng sau thì tôi hiểu. Đó là những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt vô hình. Những con ma đang khóc.
7
Bây giờ thì tôi biết mình đã thắng. Các con ma đứng về phía tôi; chúng cũng không muốn ngọn hải đăng bị phá. Nhưng những bóng ma tiếp tục câm lặng. Và lúc đó tôi bỗng hiểu vì sao. Chúng bất lực. Ma làm sao mà nói nổi.
Tôi bảo chúng:
- Thế này thì không được, tôi không nhìn thấy, không nghe thấy các người. Nếu như các người sẵn sàng giúp thì hãy cầm nhạc cụ lên.
Hai chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn từ từ bay lên làm cho bụi bặm và mạng nhện rơi lả tả. Hai chiếc kèn sáng bóng như mới và tiếng nhạc nổi lên. Tôi nhận ngay ra giai điệu bài hát “Chúng ta sẽ không đi”
- Hay lắm. Bây giờ chúng ta ra ngoài, bọn ta cần các người để đuổi những người thợ săn đến đây dỡ cây đèn biển. Các ngươi phải đi ra giữa ban ngày ban mặt.
Tiếng nhạc ngừng. Hai chiếc kèn loạng choạng nghiêng ngả. Phải rồi những con ma không muốn ra ngoài. Tôi nói với chúng:
- Không được, các người phải ra ngoài để đuổi bọn thợ trước khi chúng đặt chân tới ngọn hải đăng. Chúng có thể dễ dàng đặt bộc phá để nổ tung tất cả. Những tiếng nhạc nhỏ nhoi vào đêm thứ sáu sẽ chẳng ăn thua gì đâu. Nào, theo ta, trước khi chúng tới đây. Bây giờ các người hãy luyện tập để có thể đi ra ngoài giữa ban ngày.
Tôi rời phòng nhạc và từ từ đi xuống cầu thang. Đi được nửa đường tôi liếc về phía sau xem chúng có đi theo tôi không. Hay rồi, chúng có đi. Hai chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn nhảy nhót trên từng bậc thang để xuống dưới. Còn lũ ma thì tôi không trông thấy. Tôi bảo chúng:
- Hãy bám chặt hai cây kèn không thì ta không biết các ngươi ở đâu mà lần.
Khi xuống đến đất việc đầu tiên tôi làm là ngó ra cửa. Gió thổi nhẹ, man mát. Tôi bước ra ngoài rồi ngoảnh cổ lại giục:
- Nào, hai người kia, ra đi, ở đây không ai làm hại các người đâu!
Về điều này thì đúng là tôi nhầm to, nhưng vào lúc đó thì tôi đâu có ngờ được. Chúng lại lảo đà lảo đảo tỏ ra ngần ngại. Tôi giơ cả hai tay vẫy chúng và hỏi:
- Các ngươi có muốn cứu ngọn hải đăng không?
Hai cây kèn clarinét và xắc xô phôn lướt nhẹ ra ngoài. Đúng lúc đó một điều kinh khủng đã xảy ra. Gió thổi tung những bóng ma ra tới tận bờ vực đá. Tôi nhào vội ra và tóm cây clarinét, ngón tay tôi xuyên qua cây đèn, nó không còn là một vật rắn nữa. Khi chạm vào các bóng ma thì những chiếc kèn cũng trở thành kèn ma. Tôi tìm cách giữ chiếc kèn xắc xô phôn nhưng nó cũng bị tan biến. Tôi không làm gì để có thể giúp chúng được.
Những chiếc kèn ma lơ lửng bay tới thành núi đá. Bỗng nhiên cả hai cái kèn rơi xuống đất. Từ đây chúng nhảy lon ton từng đoạn ngắn trên mặt đất. Tôi hiểu những hồn ma đang định làm gì, chúng tìm cách bám theo những ngọn cỏ để quay về với ngọn hải đăng. Gió thổi mạnh hơn, tôi chỉ lo gió sẽ lùa những hồn ma ra biển cả mênh mông. Tôi động viên chúng:
- Nhanh lên, cố lên, tiếp tục nữa đi!
Thế là chúng tiếp tục nhảy lon ton. Tôi nhìn dán vào chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn đang nhảy nhót trên dệ cỏ. Phải mất khá nhiều thời gian nhưng cuối cùng hai cây đèn ma cũng về tới ngọn hải đăng. Chúng chui vào trong cây đèn biển và khi tôi định đi theo chúng thì cánh cửa đã đóng lại. Khi tôi đẩy được cửa thì thấy hai chiếc nhạc cụ đang vội vã leo cầu thang.
Khi tôi vào phòng nhạc thì ở đấy rất yên tĩnh. Hai chiếc kèn nằm trên mặt bàn phủ đầy bụi và mạng nhện, không có dấu vết gì của những hồn ma. Tôi nói:
- Nào, các vị ơi ra đi! Tôi có ngờ đâu gió lại bốc các vị đi như vậy. Ra đi và chúng ta cùng nhau nghĩ cách khác vậy.
Nhưng không có lấy một tiếng trả lời. Những hồn ma giận tôi và tôi không thể trách chúng được. Dù sao thì chỉ suýt nữa tôi đã làm chúng bị chết. Các bạn hiểu ý tôi chứ?
8
Tôi kể lại với chú Stan về những điều đã xảy ra. Tôi không ngờ chú lại tin vào những điều tôi nói. Chú bảo:
- Ta cũng có cảm giác trên đó có cái gì đấy. Ta cũng đã nghĩ có lẽ là thuyền trưởng Rickard và người cha già nua tốt bụng của ta. Tất nhiên ta không biết chắc chắn chút nào. Bản thân ta chưa bao giờ cảm thấy hồn ma của họ.
- Chú ơi, bây giờ chúng ta phải làm gì? Có cách gì để ngăn cản những người thợ được không? Các hồn ma chắc sẽ không chịu giúp nữa đâu, chúng vẫn giận cháu mà.
Chú Stan buồn bã lắc đầu, chú nói:
- Chú cũng không biết bọn ma có thể làm được những gì, nếu chúng không chịu ra thì cũng đành chịu. Tự chúng ta phải tìm cách ngăn cản không để những người thợ phá ngọn hải đăng.
Trong suốt tuần đó không ngày nào là tôi không leo lên phòng nhạc. Tôi cầu nguyện và lạy van họ. Nhưng tất cả chỉ im lặng như tờ, căn phòng thật âm u lạnh lẽo, tôi không hề thấy bóng con ma nào mà tôi cũng không biết chúng có nghe thấy tôi hay không.
Cuối cùng tới ngày thứ sáu, khi trời vừa hửng sáng thì một con tàu với năm người đàn ông và một chiếc máy ủi tới cảng. Ngoài ra còn có một cái cầu lớn với một hòn bi bằng sắt to tướng. Tôi biết hòn bi đó dùng để làm gì, nó sẽ lăng đi lăng lại và quật tan cây đèn biển. Mấy người đàn ông dựng trại ngay trên bãi biển.
Chú Stan và tôi đứng trong nhà và quan sát họ. Chú bảo tôi:
- Cháu chờ chú ở đây, chú ra đó gặp họ. Cháu phải bình tĩnh và tự kiềm chế. Hãy để chú giải quyết việc này, chú sẽ bảo họ đi đi và nói thẳng với họ chúng ta sẽ không giúp gì họ cả.
- Làm thế sẽ chẳng ăn thua gì đâu. Họ sẽ không đếm xỉa gì đến chú, dùng lời lẽ không xong đâu, ít ra thì chúng ta phải ngồi trước chiếc máy ủi hoặc làm những việc đại loại như vậy.
- Hãy để chú làm thử xem sao, có mất gì đâu nào.
Tôi nhìn chú nặng nề chậm chạp đi về phía bờ biển. Những sợi râu bạc trắng của chú phất phơ bay trước gió. Gió Tây Nam thổi khá mạnh. Chú Stan nói chuyện với những người đàn ông, chú chỉ tay về phía ngọn hải đăng và lắc đầu. Một người trong bọn họ dư dứ nắm đấm trước mặt chú. Tôi trông thấy rõ họ la hét nhau như thế nào và một lúc sau chú Stan quay về.
Vừa vào đến cửa chú đã nói:
- Không ăn thua gì đâu cháu ạ. Bọn họ không thèm nghe. Họ bảo phải làm việc này và từ giờ cho đến trưa chúng ta phải lấy tất cả các thứ ra khỏi ngọn hải đăng để họ phá.
Chú buồn bã nói tiếp:
- Cái duy nhất chú phải lấy đi là cây đàn viôlông, cho dù ngón tay chú bị tật không thể chơi đàn được nữa. Cháu làm ơn chạy lên đó lấy cho chú cây đàn!
Tôi đi lên phòng nhạc và lấy cây đàn viôlông nằm trên bàn, tôi để chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn nằm lại đó vì chúng thuộc về những hồn ma. Tôi muốn nói chuyện với chúng một lần nữa, tôi bảo:
- Hỡi các hồn ma, tôi rất lấy làm tiếc vì để các người bị gió cuốn đi. Hôm nay gió thổi mạnh lắm, các người không đi ra ngoài được đâu. Nhưng các người cũng có thể làm một cái gì đó chứ. Bọn ta cần sự giúp đỡ của các người. Chú Stan già rồi, chú chẳng làm được gì nhiều để cản trở những người thợ. Chiều hôm nay họ sẽ phá ngọn hải đăng đấy.
Tôi chờ rất lâu nhưng không thấy có tiếng trả lời. Cuối cùng tôi quay ta và đi. Chú Stan và tôi chỉ còn biết dựa vào sức mình mà thôi.
9
Đến giờ chiều chiếc xe ủi và cần cẩu từ từ lăn bánh về phía ngọn hải đăng. Đoạn đường giáp với triền núi đá rất hẹp và xe ủi cũng như cần cẩu phải đi qua chỗ đó. Chú Stan và tôi ngồi ngay chính giữa đoạn đường. Chú và tôi nắm chặt tay nhau, tôi nói:
- Hy vọng rằng họ không cán bẹp chúng mình
Chú Stan nói không mấy tin tưởng:
- Chắc họ không dám làm như vậy đâu.
Chẳng bao lâu chiếc gầu xe ủi đã áp sát mặt chúng tôi. Xe dừng, lão lái xe nhảy xuống, lão quát:
- Cút mẹ các người đi không ta cán cho bẹp dúm bây giờ!
Chú Stan nói một cách nặng nhọc:
- Không, bọn ta không đi đâu cả.
Tôi ngước mắt nhìn lão lái xe to cao lừng lững đứng trước mặt. Lão trông thật đáng ghét. Môt tay lão túm chú Stan và lẳng ra ngoài, chú rơi đánh bịch và nằm yên bất động, dường như chú bị thương.
Tôi hét lên:
- Chú ấy già rồi, không được đụng đến chú ấy!
Lão lái xe cười đểu cáng:
- Giờ đến lượt mày. – hắn cũng túm tay tôi, tôi tìm cách chống lại, tay xua xua, chân đạp xuống đất. Nhưng không ăn thua. Hắn cũng lẳng tôi ra vệ đường. Ba người khác đi tới và túm chặt lấy tôi. Chiếc xe ủi và cái cẩu từ từ tiến về phía ngọn hải đăng. Đến ngay trước của thì chiếc cẩu dừng lại. Hòn bi sắt khổng lồ lăng đi lăng lại trong không trung.
Bỗng nhiên gió ngừng thổi. Bốn bề yên lặng không có một tiếng động nhỏ rồi tiếng nhạc nổi lên. Cánh cửa ngọn hải đăng từ từ mở, hai cây đèn clarinet và xắc xô phôn nhảy nhót đi ra và chơi bài “ Khi các vị Thánh diễu hành!”
Hai con mắt lão lái xe như lồi ra, lão la hét như bị dao đâm. Chiếc kèn xắc xô phôn bay từ từ về phía chiếc ghế trên xe cẩu. Chiếc cẩu chạy lùi về phía biển. Một trong hai hồn ma đã cài số lùi. Cái cần cẩu lăn bánh từ từ về phía hẻm núi đá. Hồn ma vẫn ngồi trong xe cho đến lúc chiếc cẩu lao xuống vực và cây kèn xắc xô phôn kịp thời lao ra và bay trở lại.
Lão lái xe ủi la tướng lên. Lão để chiếc gầy trước mũi xe vào đúng vị trí và lấy đà lao vào ngọn hải đăng. Chú Stan nhảy lên và kéo một trong những chiếc cần; chiếc xe ủi quay ngược trở lại và lao về phía vực. Chú Stan và tên lái xe ủi vật lộn ngay trong buồng lái. Chiếc xe nhích dần từng bước về phía mỏm đá. Lão lái xe nhảy vọt ra, chú Stan cũng định nhảy ra nhưng không nhảy được vì chân chú có tật không co vào được. Chiếc xe lao không biết bao nhiêu vòng dội vào vách đá và mang theo cả chú Stan xuống vực sâu.
Những hồn ma ra sức thổi kèn, lúc này không còn là tiếng nhạc mà là tiếng gào thét phẫn nộ, ai oán và bi thương. Bỗng nhiên hai chiếc kèn rơi xuống đất, không biết những hồn ma đã đi đằng nào. Rồi tôi thấy tên lái xe bay là là trên mặt đất. Những hồn ma đã nhấc y lên rồi bỗng nhiên thả y đánh phịch xuống đất. Y la hét om sòm, cả bọn chạy bán sống bán chết, mặt mũi xám ngoét vì sợ hãi.
Hai hồn ma đứng cạnh tôi và nhấc hai chiếc kèn lên khỏi mặt đất. Tôi không trông thấy chúng, chỉ nhìn thấy chiếc clarinét và xắc xô phôn bay lơ lửng. Tôi biết là chú Stan đã chết. Không ai có thể sống nổi khi rơi từ trên cao như thế xuống vực sâu.
Hai hồn ma chơi một bản nhạc rất buồn, tôi còn nhớ lời bài hát như sau:
Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau
Không biết khi nào và nơi đâu
Nhưng chắc chắn
Một ngày nắng đẹp
Ta sẽ gặp lại nhau
Tôi nhìn mặt biển màu xám. Gió thổi cuốn thành những vòng xoáy lên tít trời cao.
Gió.
Tôi hét lên:
- Nhanh lên, hãy đi vào ngọn hải đăng. Gió nổi lên rồi.
Nhưng muộn mất rồi. Một cơn gió mạnh đã thổi bay những hồn ma ra biển cả mênh mông. Tôi trông thấy chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn bay xa, bay xa và cuối cùng chỉ còn như hai cái lá nhỏ xíu trong cơn giông bão mỗi lúc một mờ dần.
10
Câu chuyện gần đến hồi kết thúc. Chú Stan được chôn cất trong cái nghĩa trang nhỏ bé bên cạnh hai ngôi mộ kia. Những người thợ bỏ đi và không bao giờ trở lại. Tổ chức công đoàn của họ thông báo rằng công nhân không thể làm việc trên đảo vì ở đó rất nguy hiểm.
Tôi được cử làm người gác hải đăng. Tôi ở đây đã được một năm. Tôi yêu đảo và hi vọng mình có thể ở đây mãi mãi. Nhưng tôi thấy quá cô độc, nhiều lúc tôi ước ao, giá như chú Stan còn sống.
Đêm hôm qua có một chuyện xảy ra. Một chuyện tốt lành. Hôm qua là thứ sáu. Tôi vừa chợp mắt bỗng nghe tiếng nhạc văng vẳng từ ngọn hải đăng. Tôi chồm dậy và chạy thật nhanh đến trước cửa ngọn hải đăng thì dừng lại. Tôi nghe thấy tiếng kèn clarinét, tiếng xắc xô phôn quen thuộc và cả tiếng gì khang khác. Tôi mở hé cửa liếc mắt nhìn vào thì thấy hai chiếc kèn clarinét và xắc xô phôn đang bay lơ lửng như mọi khi và còn thêm một nhạc cụ nữa, đó là cây đàn viôlông. Thoạt trông tưởng cây đàn này tự phát ra tiếng nhạc, nhưng tôi biết chắc chắn rằng chú Stan đang chơi đàn. Bây giờ có ba hồn ma ở cạnh bên nhau.
Tôi mỉm cười và đóng cửa nhè nhẹ. Khi đi xuống cầu thang, tôi se sẽ nhẩm trong đầu giai điệu bài hát quen thuộc: “Những ngày hạnh phúc lại trở về nơi đây.”
Những Câu Chuyện Hồi Hộp Nhất Những Câu Chuyện Hồi Hộp Nhất - Paul Jennings Những Câu Chuyện Hồi Hộp Nhất