To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 306 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ằng sau thành công của mỗi tập đoàn đều có bóng dáng của ít nhất một "yếu nhân". Những quyết định và sách lược của họ đôi khi có thể làm thay đổi cả guồng máy công nghệ thế giới. Chân dung những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lĩnh vực công nghệ theo bình chọn của BusinessWeek Online.
1. Steve Jobs (Apple, Pixar)
Không một ai, xin nhấn mạnh là không một ai trong vương quốc công nghệ, có được một năm tuyệt vời bằng vị giám đốc điều hành của Apple Computer này. "Quả táo" tiếp tục là kẻ lĩnh xướng thành công cho những xu hướng thời trang sành điệu nhất của năm 2005, bằng vào những sản phẩm như iPod nano hay video iPod. Đấy là chưa kể Mac mini, dòng máy tính rẻ nhất từ trước đến nay mà Apple tung ra.
Quả thật, không có một "yếu nhân" nào bắn súng hai tay như một xịn bằng Jobs. Apple thành công đã đành, Hãng phim hoạt hình Pixar do Jobs điều hành còn làm mưa làm gió cả Hollywood với những siêu phẩm như "Đi tìm Nemo" hay "Gia đình siêu nhân Incredibles".
Điều này giúp giải thích vì sao Jobs lại có thể thuyết phục được hãng Disney đồng ý cung cấp các show truyền hình ăn khách như Lost trên máy video iPod. Disney muốn mở rộng quan hệ với Pixar, xưởng phim hoạt hình xịn nhất hiện nay, và cũng bởi iPod quá "hot" rồi. 10 triệu máy nghe nhạc quả táo dự kiến sẽ bán hết veo trong quý này. Giá cổ phiếu của hãng sẽ tăng gấp đôi so với hồi 1/1/2005, lên 73 USD.
2. Terry Semel (Yahoo!)
2005 là một năm không quá hoành tráng cho Yahoo! trên phố Wall, cũng như cho vị giám đốc điều hành Terry S.Semel của hãng. Cổ phiếu Yahoo! dao động quanh mức 40 USD, tức là tăng 6% so với hồi đầu năm, trong khi cổ phiếu của kình địch Google tăng hơn gấp đôi, đạt trên 400 USD.
Thế nhưng làm việc dưới cái bóng của Yahoo!, hãng công nghệ "hot" nhất thế giới, luôn có những ưu điểm của nó. Semel và các đồng sự đã cần mẫn và lặng lẽ xây nên một trong những mô hình kinh doanh đa dạng nhất "cái làng" Internet. Họ bán tất tật mọi thứ, từ những quảng cáo nhấp nháy trên màn hình cho đến kết quả tìm kiếm, từ dịch vụ nhạc số trả tiền cho đến truy cập Internet tốc độ cao. Yahoo! giống như một nồi lẩu thập cẩm đang sôi sục, với doanh thu tăng tới 42% trong năm nay, đạt 3,7 tỷ USD.
Không giấu giếm tham vọng, Yahoo cũng đang nhảy vào địa hạt viễn thông, cạnh tranh với Skype và bắt tay cùng Verizon Communications để bán các gói truy cập mạng tốc độ cao. Đợt tuyển dụng một loạt tài năng về lập trình tìm kiếm trong năm qua báo hiệu cuộc chiến Yahoo-Google trong năm tới sẽ nóng như chưa bao giờ được nóng.
3. Kim Shin Bae - SK Telecom
Tại một đất nước mà hầu như người dân nào trên 15 tuổi cũng đã có ít nhất một chiếc ĐTDĐ, thật khó xoay sở cho các hãng di động nếu muốn duy trì mãi sự tăng trưởng. Thế nhưng kể từ khi Kim Shin Bae trở thành giám đốc mạng di động lớn nhất Hàn Quốc này (tháng 3/2004), SK Telecom đã mạnh dạn phiêu lưu vào những lĩnh vực kinh doanh mới và tận hưởng tăng trưởng doanh thu... 2 con số.
Bí quyết của Kim là gì? Rất đơn giản, khi "voice" đã bão hòa thì hãy tập trung cho dữ liệu và nội dung.
Kim, 51 tuổi, đã khai trương một "quầy nhạc trực tuyến" có khoảng 500.000 thuê bao, sử dụng vệ tinh để phát sóng chương trình truyền hình tới màn hình điện thoại 300.000 thuê bao khác, đồng thời kích hoạt một cổng Internet không dây. Nơi đây cung cấp tất cả những dịch vụ multimedia thời thượng như video theo yêu cầu, online game và RSS. Năm tới, mạng của SK sẽ tiếp tục được nâng cấp lên tốc độ cao hơn nữa để phục vụ cho video, game, đồ họa và các nội dung ngốn băng thông.
Chưa hết, SK sẽ tiếp tục với tay ra nước ngoài, thông qua một liên doanh với EarthLink của Mỹ trị giá 440 triệu USD. Ngoài ra, SK còn đầu tư rất mạnh tay cho mạng S-Fone của Việt Nam.
4. Jeffrey Immelt - General Electric
Theo Jeff Immelt, định nghĩa về một công ty trong mơ là: luôn đi đầu về công nghệ, thư thái tiến lên phía trước mà doanh thu dự kiến vẫn đạt hơn 160 tỷ USD. Vị giám đốc điều hành 49 tuổi của General Electric đã yêu cầu các nhân viên của mình phải "liều lĩnh" đề xuất một loạt sản phẩm và dịch vụ "ba mới": mở lối thị trường mới, phát triển công nghệ mới và tán tỉnh được khách hàng mới.
Những sản phẩm hiện nay của GE dựa nhiều hơn vào công nghệ sinh học và sức gió thay cho bóng đèn và vi sóng đã có phần cổ lỗ. Ngoài ra, chiến lược của Immelt là tập trung vào những thị trường mới nổi như Trung Quốc.
5. Edward Zander (Motorola)
Khi Edward lên nắm quyền sinh sát tại Motorola vào năm 2004, mẫu điện thoại siêu mỏng Razr đã có mặt trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng phải dưới bàn tay phù thủy của Zander, Rarz mới thực sự thoát thai, trở thành một "quả bom tấn" và góp phần phục sinh cho cả một nền văn hóa mang tên Motorola.
Zander, năm nay 58 tuổi, đã thổi vào toàn bộ cỗ máy Motorola đang ì ạch một tinh thần gấp gáp, vội vã, khẩn trương chưa từng có. Không chỉ Rarz rốt ráo tấn công thị trường, mà hơn 100 triệu chiếc điện thoại mang logo hình chữ M khác cũng sấn sổ nhảy vào tay người tiêu dùng trong năm 2005. Thị phần Motorola tăng từ 13,5% trong quý III/2004 - thời điểm Razr bắt đầu tung ra, lên gần 19% cùng kỳ năm nay. "Nó giống như một single hit buộc mọi người phải mua tiếp cả album vậy", Zander ví von. "Nhưng chúng ta vẫn cần hơn thế nữa".
Để tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khuynh đảo bảng xếp hạng như thế này, Zander (Trong ảnh đang đeo kính Razrwire kiêm ĐTDĐ của Motorola), nhấn mạnh các bộ phận cần hợp tác chặt chẽ và chăm sóc khách hàng không mệt mỏi. Trước đây, các bộ phận "ai biết thân người nấy", "đèn nhà ai, nhà nấy rạng" còn người tiêu dùng luôn bị xếp vào thứ yếu. Nhưng giờ thì Motorola đã thay đổi cách nhìn và người tiêu dùng khắp thế giới đều nhận thấy điều ấy.
6. Richard Parsons: (Time Warner)
Trong cương vị giám đốc điều hành của Time Warner, Richard.D Parsons đã làm được một điều gần như là kỳ diệu: Giá cổ phiếu của hãng gần như đã đạt bằng mức 3 năm trước đây, khi ông mới về nắm quyền. Nên biết rằng, sau cuộc sáp nhập khủng hoảng cùng AOL trong năm 2001, giá cổ phiếu Time Warner đã rớt tự do. Thế nhưng trong phần lớn năm 2005, Parsons đã dần kéo công việc kinh doanh của hãng truyền thông lớn nhất thế giới này trở về quỹ đạo.
Parsons đã giải quyết dứt điểm từng vấn đề đau đầu một của Time Warner, từ trả bớt nợ, bán bớt các bộ phận làm ăn không hiệu quả cho đến dàn xếp gọn gàng các cuộc điều tra liên bang và vụ kiện của các cổ đông.
Cùng với tin tức rò rỉ rằng nhiều gã khổng lồ như Microsoft, Google và Comcast đều đang đặt vấn đề với Time Warner để mua cổ phần trong AOL, có vẻ như Parsons sắp rũ bỏ thành công "con quái vật" cuối cùng trong đế chế của ông. Nếu Parsons có thể làm cho giá cổ phiếu tăng lên nữa, tất cả những kẻ chỉ trích to mồm nhất sẽ chẳng còn cớ để mà mở miệng.
7. Marissa Mayer - "Người đàn bà đẹp" sau lưng Google
Cách điều hành trong cỗ máy Google luôn luôn khác thường. Các quan chức cực kỳ kiệm lời trong việc hướng dẫn nhân viên dưới quyền. Các kỹ sư tự do theo đuổi những dự án nào khiến họ hào hứng nhất. Đấy chính là châm ngôn của Google: Mọi ý tưởng ra khỏi đầu các kỹ sư và họ dung dưỡng chúng trở thành các sản phẩm thành công.
Trong cách điều hành "lạt mềm buộc chặt" này, Marissa Mayer là người lão luyện nhất. Vị phó chủ tịch phụ trách các sản phẩm tìm kiếm của Google luôn họp mặt với nhân viên ngoài quán cafe hay tiệm ăn nhanh chứ không phải bên trong 4 bức tường văn phòng. Cô cũng thường xuyên đi "săn" các ý tưởng triển vọng bằng cách tổ chức những buổi "họp mở" 3 lần mỗi tuần.
Năm nay 30 tuổi, Mayer đã giúp Google phát hiện và triển khai nhiều sản phẩm chủ chốt như phần mềm tìm kiếm desktop hay mạng giao tiếp xã hội kiểu MySpace. Thách thức duy nhất mà Mayer phải đối mặt là: giờ đây, Google đã có tới hơn 5000 nhân viên mà thôi.
8. Robert Iger (Disney)
Cuộc gọi đầu tiên mà Robert Iger nhận được sau khi nhậm chức Giám đốc điều hành Walt Disney là từ Steve Jobs, thủ lĩnh của Apple, và ngay lập tức, Iger hiểu đây là một "điềm lành". Người tiền nhiệm của ông, Michael Eisner, từng bị Jobs ghét cay ghét đắng và hai hãng Disney cùng "Quả táo" chẳng thèm ngó đến mặt nhau dù chỉ một lần.
Thế nhưng tình thế đã thay đổi 180 độ dưới thời đại Iger trị vì. Hai tuần sau khi nhậm chức, Iger xuất hiện trên sân khấu nhà hát San Jose, tuyên bố Disney sẽ sản xuất các chương trình truyền hình ăn khách dành riêng cho dịch vụ iTunes của Apple. Một chương mới trong lịch sử Disney đã ra đời, và Iger đã nắn nót viết vào đó dòng chữ "Lột xác". Mô hình truyền thông xưa cũ, dính chặt vào màn ảnh nhỏ sẽ bị lật đổ để nhường chỗ cho một kỷ nguyên multimedia không biên giới.
Chưa có ai tiến hành cải tổ rốt ráo và gấp gáp như Iger: rót 100 triệu USD để củng cố bộ phận video game, chi thêm 130 triệu USD để phát triển dòng điện thoại di động riêng, mang thương hiệu Disney cùng ESPN, đồng thời tìm kiếm hợp đồng phát hành phim/chương trình truyền hình theo yêu cầu.
Chưa hết, cả ba bộ phim Disney tung ra trong năm qua là "Sky High" (Trường học siêu nhân), Herbie: Fully Loaded (Herbie nổi lọan) và Chicken Little đều rất thành công về doanh thu.
9. Chris DeWolfe & Tom Anderson (MySpace.com)
Tháng 7 năm ngoái, hai doanh nhân trẻ người Los Angeles lò dò chạm ngơ Internet. Nhưng giờ đây, 2 năm sau, trang web MySpace.com do họ lập ra, cùng công ty mẹ Intermix Media đã được rao bán cho News Corp với cái giá lên tới 580 triệu USD.
Với ý tưởng thiết lập một mái nhà xã hội ảo, nơi các thành viên có thể chia sẻ tin nhắn, tiểu sử, hình ảnh, âm nhạc và tranh vẽ, Chris và Tom đã hì hục dựng lên MySpace. Không gian ảo này nổi tiếng đến mức nó đã hình thành nên cả một thế hệ trẻ mới tại Mỹ, thế hệ mà BSW mệnh danh là "MySpace Generation" và tham gia nó trở thành một mốt thời thượng. Riêng trong tháng 10 vừa qua, 11,6 tỷ trang trực thuộc Myspace đã được ghé thăm, đưa trang web này lọt vào danh sách Top 4 điểm đến sầm uất nhất trên Web - gần gấp đôi Google.
Nhiều người e ngại rằng dưới đế chế mới của News Corp, MySpace sẽ bị thương mại hóa. Tuy nhiên số lượng thành viên là lượt truy cập liên tục tăng trong suốt mùa thu. Bí quyết thành công của trang web này là gì? "Chúng tôi chỉ tập trung vào văn hóa đại chúng chứ không phải công nghệ thuần túy", Anderson nhún vai.
10. Adam Curry - Podshow
Chỉ trong vòng 18 tháng, Adam Curry đã dấy lên cả một cuộc cách mạng về sáng tạo trực tuyến. Tháng 7/2004, cựu VJ (người dẫn chương trình) của kênh truyền hình MTV này đã post lên mạng một phần mềm cho phép bất cứ ai cũng có thể sản xuất và phát sóng một chương trình radio của riêng mình. Podcasting đã ra đời như vậy đó.
Và giờ đây, Internet đang vô cùng rôm rả với hơn 20.000 kênh podcast các loại, từ những giai điệu blues Delta cho đến nhạc tập ...Yoga. Podcast trở thành từ khóa của năm 2005 trong khi Curry được mệnh danh là cha đẻ của Pod (podfather). Tính đến tháng 8 năm nay, công ty PodShow của anh đã quyên góp được 8,9 triệu USD để xây dựng một mạng Podcaster độc lập và thu hút tới hàng triệu thính giả. Các nhà quảng cáo lũ lượt kéo đến và lợi nhuận bắt đầu dồn dập đổ về.
Nhưng tham vọng lớn của Curry là gì? Ít nhất là 30 tỷ USD mỗi năm từ quảng cáo podcast.
11. Stefano Marzano (Philips Design)
Trong suốt 14 năm nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành Philips Design, Stefano Marzano đã chứng minh chỉ có sáng tạo mới giúp giành thế thượng phong trên một thị trường đã chật ních các "chiến binh".
Kể từ năm 1991, ông đã tăng gấp 3 lần số nhân viên làm việc trong trung tâm Sáng tạo Ý tưởng Philips Design. 450 người, làm việc ở 12 nước khác nhau rải đều các châu lục, đã giúp Philips Design trở thành một trong những Trung tâm Sáng tạo lớn nhất thế giới. Từ nơi đây, một loạt những sản phẩm thành công, cả về mặt sáng tạo lẫn thương mại đã ra đời, chẳng hạn như chiếc máy pha cà phê Senseo đã bán được hơn 10 triệu cái từ năm 2001 đến nay.
Giờ thì Stefano đang dốc toàn bộ sức lực cho ý tưởng mới của mình về "Không gian thông minh", nơi mọi vật dụng hàng ngày xung quanh ta đều có thể "cảm giác" và cung phụng cho nhu cầu của con người. Ngay từ đầu năm 2005, nhóm của Stefano đã giật được một giải thiết kế danh giá cho sản phẩm máy chụp X-quang mới, cho phép bệnh nhân lựa chọn dòng nhạc và trang trí ưa thích để giảm bớt căng thẳng trong quá trình chụp chiếu.
12. Olli-Pekka Kallasvuo (Nokia)
Olli-Pekka Kallasvuo là người được chọn để kế nhiệm Jorma Ollila giữ chiếc ghế Giám đốc điều hành tại Nokia, hãng sản xuất ĐTDĐ số một thế giới vào tháng sáu 2006. Còn trước đây và ngay lúc này, ông vẫn đang giữ một vai trò trọng yếu trong công cuộc cải tổ mà Ollila khởi xướng, nhằm biến Nokia thành một gã khổng lồ về viễn thông với doanh thu hàng năm không dưới 40 tỷ USD và kinh doanh cực kỳ tập trung.
Với sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt từ Motorola cùng Samsung, Kallasvuo sẽ phải tung ra thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, quyến rũ và thời trang hơn nữa, trong khi vẫn phải trông chừng giá thành. Một sách lược của ông sẽ có thể làm thay đổi cách cả thế giới dùng điện thoại di động trong tương lai
(Theo TTNN)
Những cái đầu xuất sắc ngành IT 2005 Những cái đầu xuất sắc ngành IT 2005 - Cẩm Nang Nghề Nghiệp