I love falling asleep to the sound of rain

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Khúc Thụy Du
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 108
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7743 / 28
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 41 -
ăn phòng ấm cúng và tiện nghi. Sàn trải thảm màu huyết dụ. Vách được dán giấy bồi có in hoa văn gợn sóng, màu sáng trông rất ấn tượng. Phòng được chia làm hai gian. Gian ngoài làm phòng khách có tivi, tủ lạnh. Trên trần treo bộ đèn chùm bằng pha lê phả thứ ánh sáng vàng vọt. Trên vách gắn máy điều hòa nhiệt độ chạy êm ru. Chính giữa kê bộ xa lông bọc nhung màu nâu sẫm. Trên mặt bàn bằng kiếng màu trà đặt sẵn cái gạt tàn thuốc lá, ấm trà, điện thoại, bình thủy nước sôi. Cách đó vài bước là toa lét sực nức mùi dầu thơm hảo hạng. Bồn tắm tráng men màu cẩm thạch. Máy tắm nước nóng. Và những thứ linh tinh khác. Phòng ngủ được ngăn cách với phòng khách bởi một bức bình phong. Trên chiếc giường đôi trải một tấm vải bông che bụi. Cặp gối thêu hình đôi chim bồ câu ngậm bông lúa vàng, hai trái tim lồng vào nhau, bên dưới có dòng chữ “ trăm năm hạnh phúc “. Ngay đầu giường kê chiếc tủ nhỏ, bên trên đặt một chiếc đèn ngủ hình nấm phát ra thứ ánh sáng dìu dịu.
Ông Khả tra chìa vào ổ khóa, xoay “ tách “ một cái rồi lẹ làng trườn qua cánh cửa màu thiên thanh có đính số phòng “ 301 “. Trước tiên ông cởi áo vét màu xám tro treo vô mắc rồi thay đôi giày da đen bóng bằng đôi hài vải loại dùng để đi trong phòng. Trong khi đang coi kiếng, tháo chiếc ca vát toòng teng trên cổ, ông Khả mới biết là Trang còn đứng xớ rớ ở bên ngoài qua gương phản chiếu:
- Ủa, sao em không vô đi! – Giọng ông tỏ vẻ ngạc nhiên.
Trang giương mắt nhìn ông Khả, cái nhìn vừa bối rối vừa u tối, rồi cúi gầm xuống đất. Mưa gió tơi bời, lạnh căm căm mà trên trán cô lấm tấm mồ hôi.
- Vô đi em! – Ông Khả giục lần nữa.
Trang mấp máy cặp môi như muốn nói điều gì đó, đôi tay cứ măn vạt áo một cách vô thức. Ông Khả để ý cặp chưn của cô cứ run lên lật bật:
- Em không được ổn?
Trang ngước mắt lên nhìn qua khung cửa sổ. Những hột mưa đan xiên liên tục gõ nhịp lên mặt kiếng. Nỗi sợ hãi như bàn tay thô bạo bóp nghẹt tim cô:
- Không! – Âm thanh thốt ra từ miệng cô như tiếng chim chíp chú chim non bị trúng tên đang cơn giẫy chết.
- Đứng hoài ở ngoài không tiện, người ta thấy, không hay đâu!
- Dạ! – Trang gật đầu nhẹ, nhưng đôi chưn như hóa đá không nhấc lên được. Nó không nghe theo sự sai bảo của cô:- Em run quá!
Bước qua cánh cửa này mình sẽ trở thành đàn bà! Ý nghĩ đó khiến Trang rụng rời tay chưn, hơi thở phì phò trong cổ họng như đang lên cơn suyễn. Cô đã từng mơ có ngày bước qua cánh cửa động phòng, tất cả những cô gái đang yêu đều ước ao như vậy, nhưng đêm nay cô lại phải trao thân gởi phận cho một người mà cô chưa từng quen biết.
Mưa mỗi lúc càng dữ dội. Bầu trời tối tăm như hũ nút. Nó tựa như cuộc đời của cô, số phận nghiệt ngã, cay đắng trăm bề của cô.
Ông Khả tỏ vẻ lúng túng khi có một vài người đi ngang qua ghé cặp mắt soi mói về phía họ. Khi ông bước tới tay chưa chạm tới mà thân hình cô bỗng run bắn lên:
- Xin ông đừng đụng vô người em!
Trang hít một hơi thật sâu vào lồng ngực rồi thu hết can đảm bước qua cánh cửa. Cô cảm thấy tự do đã khép lại sau lưng:
- Ông mở cửa ra đi, em lạy ông!
Cử chỉ của Trang khiến ông Khả cảm thấy buồn buồn. Nỗi buồn vô cớ.
Trang ngồi xo ro trên mép ghế, mái tóc dài che nửa gương mặt. Nhìn thấy đôi mắt ngấn nước, ông Khả thở dài:
- Tôi biết em đang rất khổ tâm cả tôi cũng vậy.
Trang im lặng. Ông Khả thở ra mấy cái, nói tiếp:
- Cả hai đều không muốn chuyện này xảy ra. Nếu như vợ tôi sanh cho tôi một đứa con. Nếu em không gặp phải hoàn cảnh bi đát thì chúng ta đã không gặp nhau. Số phận trớ trêu.
Trang nói chuyện mà mắt nhìn đâu đâu:
- Không có con người ta vẫn có thể sống hạnh phúc mà ông.
- Vợ chồng mà không có con chẳng khác nào hai người lạ góp gạo nấu ăn chung, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo biết chừng nào. Đứa trẻ sẽ làm cho đời sống vợ chồng thêm thi vị và có ý nghĩa rất nhiều, em có hiểu không?
Cả hai cùng im lặng một lúc lâu. Bầu không khí gượng gạo có phần căng thẳng lảng vảng quanh hai người. Ngoài kia mưa vẫn điên cuồng gào thét. Mưa thúi đất thúi đai, thúi cây thúi cỏ và xối vào cõi nhân gian cái buồn thúi ruột thúi gan. Từ nhỏ đến giờ, Trang chưa từng thấy cơn mưa trái mùa nào khủng khiếp như vầy, thường là những cơn mưa nhỏ chưa đủ ướt đất. Ông Trời càng già càng khó tánh. Anh Thật có cái tật hễ mưa lạnh là uống vài chung rượu. Thứ rượu rẻ rề, một ngàn một xị, chỉ toàn là nước lã pha cồn rồi bỏ vô thêm một chút nước màu cho đẹp con mắt là dân nhậu có thể ngồi nhịp giò mà say sưa tới chữ Tiền nào của nấy, rẻ tiền rượu thì tốn tiền thuốc. Mấy lần anh ôm bụng nhăn mặt than đau bao tử. Trang biểu anh bỏ nhậu. Anh cười dã lã:
- Lấy anh đi, anh sẽ bỏ hết cho em coi!
Trăm lần như một, đợi mưa nhẹ hột là Thật bắt đầu rục rịch sửa soạn đi bắt cóc. Đồ nghề của anh chỉ có cây đèn pin với sợi dây kẽm cột ngang bụng. Bắt được con nào, anh lấy kẽm xiên qua đùi con vật xấu xí, tội nghiệp. Anh có đôi mắt nhìn xuyên qua màn đêm và có cái mũi thính có thể hửi mùi cóc bất kỳ bụi rậm, mô đá nào. Chừng một tiếng đồng hồ, anh đã đem vìa cả xâu cóc mấy chục con. Trong khi mấy người bạn cùng trọ đang hý háy bắc nồi cháo lên bếp thì anh bắt đầu làm thịt cóc. Anh lấy dao phay chặn ngang cổ cóc. Những cậu ông Trời oai hùng từng khuấy động thiên cung đến Trời già còn phải e dè, nể sợ bỗng trở thành những con vật vô dụng đáng thương, chúng chấp hai chưn trước giơ lên như lạy lục van xin tha mạng. Anh ấn mạnh lưỡi dao xuống:
- Mày có lạy đến mai, tao cũng thịt!
Trang lè lưỡi:
- Anh ở ác quá! Thế nào chết cũng thành cóc, cho coi.
Thật cười híp mắt:
- Được sống với em một đời, anh xin nguyện làm trăm kiếp cóc!
Cháo nấu vừa xong, anh múc cho cô một chén, không quên bỏ thêm một nhúm hành ngò và rắc thêm chút xíu tiêu cay:
- Ăn đi em! Chỉ có những người nghèo như chúng ta mới thưởng thức món thịt cậu ông Trời! Người giàu, có tiền chưa chắc đã mua được.
Trang thấy ghê ghê nên lắc đầu từ chối. Anh cố nài nỉ:
- Ăn đi mà! Cháo cóc chữa bịnh còi xương vô địch! Coi kìa, da em xanh rớt!
Sau này người ta thi nhau cất nhà. Đất ruộng hóa thành đất ở. Lũ cóc “ di tản “ vìa vùng đất khác chỉ còn sót lại một ít con “ liều mạng “ muốn hưởng chút tiện nghi thành phố. Cóc ít quá có khi đi rạc cặp giò mà chỉ bắt được có mấy con, không đủ ngọt nồi cháo. Anh không dùng kẽm xiên cóc nữa mà thay bằng cái xô nhựa có nắp đậy. Tối ngủ anh đặt chúng ngay đầu nằm. Giấc ngủ mệt nhoài của anh được âu yếm bằng những tiếng cóc kêu thảm thiết. Sáng ra lại đem lũ cóc thả về chỗ cũ. Bạn bè nhạo anh, biểu anh thích làm chuyện rỗi hơi! Anh cười cười, chớ không trả lời trả vốn. Chỉ có cô là người hiểu anh tuờng tận, anh là người của làng quê, của vườn rau, ao cá..hơi thở của anh đượm màu bùn đất, ánh mắt anh lấp lánh con sông nước lợ quê nhà. Đã nhiều lần anh thổ lộ với cô thèm được vìa nhà trầm mình dưới con sông quê, lắng nghe mưa rơi, tiếng đục, tiếng trong hòa lẫn trong dòng thủy triều cuộn chảy. Anh ghiền tiếng nhái bầu kêu ran cả đêm phía ngoài bờ ao. Con nhái bầu nhỏ bằng ngón tay cái có cái bụng tổ chảng, gần như là đứa nhỏ nhứt trong họ hàng cóc nhái ễnh ương, lại là đứa lớn miệng nhứt. Giọng nó vang xa và buồn thảm. Anh Thật đã coi không biết bao nhiêu tuồng cải lương, nghe vài trăm bản bài bản vọng cổ vậy mà chỉ thuộc duy nhứt điệu“ trăng thu dạ khúc “ bài “ con nhái bầu “. Mà bài này thì một đứa con nít mới biết lật cũng thuộc nữa là! Giọng anh vừa khàn vừa hụt hơi:” Nếu mai thất nghiệp anh vìa quê cắm câu/ Bắt con nhái bầu/ Nhái kêu âu sầu/ Chờ khi nước lớn cá ăn câu/ Nếu câu không được, em vìa làm dâu cho má anh!” Anh vừa ư ử vừa nháy mắt ngó cô đầy tình ý.
- Ngộ ghê! – Trang cười:- Câu không được cá thì mắc mớ gì em phải làm dâu cho má anh?
Thật không trả lời mà tiếp tục ngân nga:” Chiều chiều bắt nhái cắm câu/ Nhái kêu cái ẹo, thảm sầu nhái ơi! “. “ Cóc chết bao thuở nhái rầu/ Ễnh ương lớn tiếng, nhái bầu dựa hơi.”. “ Cóc kêu dưới vũng tre ngâm/ Cóc kêu mặc cóc tre dầm mặc tre “...Cả buổi anh chỉ nói toàn chuyện cóc nhái ễnh ương, chán quá chừng! Anh nói thèm chảy nước miếng món canh bông điên điển. Cô phì cười:
- Bông điên điển thì có gì mà thèm không biết. Chát ngầm
Anh nói nhỏ:
- Đó là vị chát quê hương, nó thấm vô máu, vô xương anh thiệt rồi. Mai mốt mình vìa quê, nghe em, - giọng anh tha thiết đến não nùng.
Làm con người ai lại không muốn được sống tại nơi mình đã sanh ra và lớn lên, bởi vì nơi đó ta còn có những kỷ niệm buồn vui như con sóng vỗ tràn bờ, nơi đó có những người ta thân yêu nhứt… Cô thèm làm sao được nằm trên khoảnh cỏ xanh, ngước mắt nhìn lên bầu trời cao lồng lộng và cánh mũi phập phồng trong mùi thơm quyến rũ của hương đồng cỏ nội, tai lắng nghe tiếng gáy con dế than trong bụi rậm. Cô thèm được ăn trái bần chua chấm mắm ruốc dầm ớt hiểm thiệt cay, nhai tới đâu lưỡi tê tới đó, nước mắt chảy ra, mới đã! Thật dòm cô ghẹo một hơi:
- Em cũng hơn gì anh đâu. Trái bần thì ngon iếc gì vừa chua vừa chát, nghe cái tên là thấy ngóc đầu không nỗi rồi! Em là nông dân, anh cũng là nông dân cho dù ở thành phố tụi mình có đầy đủ nhà cao cửa rộng, áo quần xênh xang, cao lương mỹ vị bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào gột hết chất “ Hai Lúa “ trên mình, bởi vì, nó đã ăn vô xương, thấm vô tủy mất rồi. Vìa với anh nghe Trang.
Cô nhớ quê và cũng muốn vìa lắm. Nhiều đêm nằm mơ, cô thấy mình đang chèo chiếc xuồng tam bản trên dòng sông nhỏ. Hai bên triền ôm ấp những rặng dừa nước sum sê, xanh mướt. Điệu “ lý cây bông “ muồi như trái chín từ xa vọng tới thấm từng lỗ chưn lông. Đến khi giựt mình tỉnh giấc, cô bàng hoàng nuối tiếc. Cô yêu quê hương, xứ sở như con cái yêu má yêu ba, như con nhái bén yêu cành cây, như con sâu yêu lá...nhưng nợ đời, nợ áo cơm như con sóng dữ cuốn đi trôi dạt...
Thật vẫn hồn nhiên như gã trai mới lớn:
- Đám cưới tụi mình, anh tính sẽ rước dâu bằng xuồng ba lá gắn máy đuôi tôm. Anh sẽ mặc áo dài màu hột lựu, đầu đóng khăn, mang guốc cây như mấy ông già xưa. Còn em sẽ bận chiếc áo dài màu xanh lá mạ ( Thật có tật thích lấy màu sắc cỏ cây để diễn tả ) trên ngực cài một cây bông, vậy là đủ rồi, com lê, xoa rê vừa vướng víu vừa tốn tiền. Rồi chúng mình sẽ dựng đại căn lều, - giọng anh mơ màng:- Anh sẽ đi làm mướn nuôi em, anh làm ruộng giỏi lắm nên không lo thất nghiệp. Em chỉ việc ở nhà sanh cho anh đàn con lũ khủ cho vui cửa vui nhà!
Cô hiểu, anh cố tình nấn ná lại thành phố là vì cô. Anh yêu cô và luôn muốn sống bên cạnh cô. Cô cũng không mong muốn gì hơn thế. Kiếp nhân sinh trầm luân trong bể khổ, lẩn quẩn, loanh quanh như kiến bò miệng chén, đầy rẫy những tà tâm, toan tính hơn thua..nếu không có tình yêu con người sẽ đi lộn đầu xuống đất, trở thành thú dữ, xâu xé, ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, thầy giáo dạy văn đã từng nói với cô như vậy. Lúc đó, cô còn khờ quá không sao hiểu hết ý tứ sâu xa câu nói, bây giờ nghiệm lại thấy y chang. Cô yêu anh, yêu nhiều lắm, nhiều đến đỗi không sao diễn tả hết bằng lời. Cô cố giấu anh những ý nghĩ thầm kín của mình, bởi vì sợ bị anh chọc quê: đứa con đầu lòng nhứt định là con trai. Nó có cái mũi dọc dừa giống anh như đúc, đôi chưn mày “ Võ Tòng đả hổ “, gương mặt sáng trưng và tướng tá lòng khòng “ con gấu mẹ vĩ đại “. Rồi cô nghĩ lại, con giống cha hết trơn vậy thì mẹ để đâu? Phải rồi, con sẽ giống cô cái miệng. Ai cũng khen cô có cái miệng có duyên, mỗi khi cười có đôi má lúm đồng tiền coi thiệt dễ thương. Thật khoái nhìn cô cười. Anh hay nói nịnh:
- Mỗi lần dòm thấy em cười là người anh nhẹ hều như mây lơ lửng trên không trung.
Nhứt định con trai của cô cũng ngoan hiền như cha mẹ nó. Chị Nhành hay nói lúc cả nhà đông đủ:
- Thằng Thật hiền, con Trang cũng hiền, hai đứa bây ráp lại thì chỉ có nước cạp đất mà sống. Thời buổi này, cần phải tàn nhẫn một chút, ba ngoe xỏ lá một chút, gian xảo một chút thì mới có thể sống nổi.
Trang cãi thí:
- Nói như chị thì những lời dạy của ông bà, cha mẹ, thầy cô đều trật lật hết sao?
Chị Nhành nói:
- Không trật nhưng không hợp thời. Chúng ta cứ khư khư giữ cái lề lối cũ thì chỉ thiệt thòi cho bản thân. – Đoạn chị Nhành thở dài:- Cái triết lý thổ tả của lão Khổng Tử và đám hậu duệ ở tận bên xứ Tàu nào có hay ho gì mà một phần ba nhân loại lại tin sái cổ và răm rắp tuân theo như thứ Kinh Thánh cứu rỗi. Cái gì mà “ nhứt nam viết hữu hơn thập nữ viết vô “ chớ, nói bá láp như vậy mà thiên hạ cũng tin! Con người thông minh tột đỉnh, có thể nhìn thấy sao Kim, sao Hỏa, những tinh tú cách trái đất vạn vạn năm ánh sáng nhưng những gì trước mặt thì bơ ngơ báo ngáo! Tao thề kiếp sau không đầu thai làm người mà làm chó. Rồi chị nhại lại điệp khúc cũ “ vi gian nan/ làm người khó/ làm con chó mới dễ ”.
Nhiều khi cô nằm mở mắt trao tráo ngó lên trần nhà và nghĩ ngợi lung tung: không biết đêm tân hôn sẽ như thế nào? Khi không lại nằm kế một người đàn ông với cơ thể lõa lồ không miếng vải che thân để “ người ta “ tha hồ làm tình làm tội…Nghĩ tới đây, gương mặt cô bỗng đỏ bừng như trái chùm ruột ngào đường rồi cười ré lên. Tất nhiên, “ người ta “ là Thật, bởi chưa bao giờ cô có ý nghĩ một ai khác ngoài anh chạm vô người cô. Ngay từ lúc chấp nhận tình yêu của anh thì cả tâm hồn lẫn thể xác của cô đã thuộc về anh mất rồi và cô có bổn phận gìn giữ nó như báu vật thiêng liêng dành tặng cho anh trong ngày cưới. Má có lần đã nói với cô:
- Trinh tiết là món quà vô giá mà ông Trời tặng riêng cho đàn bà và người đàn bà sẽ đem tặng vật đó hiến cho người mình thương. Trong đêm động phòng, người chồng sẽ trải dưới lưng người vợ mảnh khăn trắng. Những giọt máu tươi sẽ là bằng chứng cho sự trinh bạch của người vợ, cho dù có gặp cảnh bần cùng, khốn khổ đến thế nào đi nữa con cũng phải giữ cho được những giọt máu linh thiêng đó nghe chưa!
Má ơi, con là đứa con gái hư hỏng. Anh Thật ơi, hãy tha thứ cho em!..Một tiếng sét long trời như bàn tay thô bạo ném cô từ miền ký ức trở về vùng thực tại. Trang giương cặp mắt mọng nước hướng về ông Khả. Người đàn ông ấy cũng vừa bừng tỉnh sau những khoảnh khắc thả hồn trôi dật dờ trong dòng hồi ức xa xăm..
- Em xin ông hãy tắt đèn! – Giọng Trang run rẩy, nhòe nước.
Cô cảm thấy đau rát phía bên dưới và toàn thân như tê dại đi...
Như Lục Bình Trôi Như Lục Bình Trôi - Khúc Thụy Du