A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Khúc Thụy Du
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 108
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7743 / 28
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26 -
nh nhân viên bưu tá cho chiếc “ cánh én “ quẹo vô hẻm chừng vài thước thì dừng lại, hạ chống ngang, lấy chồng thơ tín trong túi vải lựa ra hai bức rồi dừng lại trước ngôi nhà có cánh cửa đang mở hé, nói dõng dạt:
- Có thơ!
Hiếu, Huệ, Ngân tranh nhau chạy ra. Huệ nhanh hơn kịp thời chộp lấy hai bức thơ từ tay anh nhân viên bưu tá, cô lướt qua tên người nhận rồi lắc đầu buồn xo:
- Lại là thơ của bà Hiếu với bà Nhành!
Huệ đưa thơ cho Hiếu, ỉu xìu như ổ bánh mì nhún nước. Nói chuyện mà mặt mày xuôi xị, xuôi lơ:
- Hình như mình là con rơi con rớt thì phải! Gần nửa năm trời không ai gởi cho một chữ!
Hiếu ngồi dựa lưng vô tường, dùng kéo cắt mép phong bì, lấy thơ ra đọc. Ngân sán tới ghé mắt đọc ké. Nhìn sơ qua cô biết ngay đây là chữ của Thảo. Nói chung cũng là những lời thăm hỏi thông thường, chỉ có đoạn tái bút là khiến Hiếu phải bận tâm”...Dạo này sức khỏe của má đỡ hơn nhiều rồi. Ba cũng nhờ người quen xin vô làm bảo vệ Công ty thuốc trừ sâu, chỉ có em là thất nghiệp thôi, em định xin phép mọi người lên thành phố làm giống như chị. Chị coi có được hôn? Viết thơ cho em biết!”.
Ngân hỏi Hiếu:
- Ý chị làm nào?
Hiếu nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu:
- Không được. Nhà cửa đơn chiếc phải có người quán xuyến, với lại ở trên này đâu phải dễ sống.
Ngân gật đầu nhứt trí:
- Chị nói cũng phải, Thảo còn hời hợt lắm, ham chơi hơn ham làm.
Rồi Ngân nhăn mặt đưa tay đấm đấm nhẹ lên nền gạch:
- Quỷ Trân làm biếng nhớt thây! Có mấy chữ mà cũng không thèm viết. Mai mốt về em phải trị tội nó. Không biết ông già dạo này ra sao nữa?
Hiếu nói:
- Chắc là ổn thỏa. Nếu có gì thì ở nhà đã gởi thơ lên. Nè, con Huệ cơm nước chưa? Sao ngồi thẩn ra như vậy?
Huệ vùng vằng đứng dậy:
- Chán thấy mồ, chẳng muốn cơm cháo gì nữa. Chị Hiếu có thơ thì vui như tết!
Huệ bới cơm nguội ra chén, chùi rửa cái nồi. Vừa làm công chuyện Huệ vừa lằm bằm như mắc đằng dưới. Cô trách Nội không viết thơ cho mình rồi lo lắng không biết ở quê Nội có xảy ra chuyện gì hay không. Nội không biết chữ. Mỗi lần muốn gởi thơ thì nhờ con bé Na, nhà bên cạnh viết giùm. Con nhỏ đang học lớp ba. Chữ như cua bò, chánh tả sai bét, vừa đọc vừa đoán mới hiểu nổi. Vo gạo xong, Huệ bắc nồi cơm lên bếp. Hiếu đọc lại bức thơ. Lần nào có thơ Hiếu cũng đọc không dưới vài chục lần, đến nỗi lá thư rách ten ben tét bét mà vẫn cứ đọc! Nhành hay ghẹo:
- Chà, may là thơ gia đình đó nghe, nếu là của người yêu chắc bà đốt thành tro rồi cho vô nước uống luôn!
Thấy nhà vệ sinh đang trống, Ngân tranh thủ đi tắm. Lát sau trở ra đầu tóc ướt mẹp.
Huệ nói:
- Chị Ngân tắm xong rồi bây giờ tới lượt tui. Ngó giùm nồi cơm.
Ngân ừ. Huệ lên gác.Vừa mang quần áo từ trên gác xuống thì Nhành từ ngoài xăm xăm bước vô. Tất cả đồng loạt đừng dậy, “ ồ “ lên một tiếng kinh ngạc. Gương mặt Hiếu cứ nghệch ra, mắt chữ O, mồm chữ A trông tất tức cười. Lá thơ rớt xuống đất lúc nào không hay:
- Trời đất, có phải con Nhành hôn ta? Trang ơi xuống đây mà coi! Động đất tới nơi rồi!
Trang hấp tấp chạy xuống đụng phải Huệ. Hai người té lăn cù. Huệ nhăn mặt:
- Mắt mày để ở đâu vậy, con quỷ?
Nghe ngoài trước ồn ào quá, cả hai quên đau, cùng chạy ra và cùng sững người lại như bị thôi miên.
Không ngạc nhiên làm sao được, trước mặt mọi người không phải là cô Nhành chân phương, giản dị như ngày nào mà đã hóa thành nàng công chúa kiều diễm! Cứ như cô bé Lo Lem trong đêm khiêu vũ với hoàng tử!
- Đúng là động đất thiệt rồi!
Nhành nổi bật trong bộ đồng phục công sở, bên trong mặc áo sơ mi trắng thắt ca vát đỏ, mái tóc chải gọn về phía sau để lộ cái cổ nõn nà hấp dẫn. Gương mặt ửng hồng như trái chín cây, mùi dầu thơm thoang thoảng tăng thêm sức hấp dẫn. Trên tay tòn ten chiếc túi bóng đựng con vịt quay, mấy ổ bánh mì và thức uống. Nhành nhìn mọi người cười sượng trân:
- Bộ lạ lắm hả? Dòm hoài vậy?
- Lạ thiệt! – Hiếu dấn lên mấy bước, đưa tay vuốt vuốt lên bộ đồ Nhành đang mặc:
- Đẹp quá! Cho tao cắn một miếng!
Hiếu ôm Nhành cắn một phát lên cổ đau điếng. Nhành liệng các thứ xuống, xô Hiếu ra, nhăn mặt nói:
- Đau quá! Có buông người ta ra không!
- Hôi mùi rượu quá, mày mới nhậu phải hôn?
Mọi người cà rà bên Nhành tranh nhau khen lấy khen để:
- Ôi, chị Nhành đẹp còn hơn người mẫu!
- Mọi ngày nhìn chị cứ như con mụ ở, vậy mà xẹt một cái đã trở thành một mệnh phụ phu nhân! Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân, có khác - Huệ nói lanh lảnh.
- Mày ăn cắp ở đâu ra những thứ này vậy Nhành? Nhìn mày mà tao phát ghen lên! – Hiếu nói.
Nhành không trả lời mà đưa mắt nhìn ra phía sau bếp, khịt mũi mấy cái:
- Cơm khét!
- Chết cha! – Huệ kêu lên rồi chạy vù xuống bếp. Nồi cơm đã cháy thành than.
Hiếu nhăn mặt:
- Con Huệ này thiệt hậu đậu! Có nồi cơm lo cũng không xong.
Huệ xây mặt về phía Ngân trách:
Tại em ỷ y có chị Ngân.
Nhành nói:
- Thôi, bữa nay tui sẽ đãi cả nhà một bữa ra tấm ra món! Quẳng mấy thứ kia vô thùng rác đi.
- Chị Nhành bỗng đổi tánh chơi sang hồi nào vậy ta? – Huệ nói:- Mọi ngày một hột cơm cháy khét cũng không bỏ sót. Trời sập tới nơi rồi!
Nhành liếc Huệ một cái trợn trắng con mắt. Hiếu lấy con vịt chặt từng miếng nhỏ. Mấy người còn lại mỗi người một tay bày các thứ ra mâm. Loáng một cái đâu đó đã xong xuôi. Huệ rót bia vô ly, nói:
- Em không biết uống bia nhưng của chị Nhành thì phải cố mà nuốt không thôi chỉ buồn! Có phải hôn chị Nhành?
- Mày không uống tao càng mừng, đỡ tốn! Ăn đi, miệng lúc nào cũng lách chách không để mọc da non!
Ngân gắp thịt cho mọi người. Huệ nhìn vô chén mình, thấy miếng thịt lưng, la bài hãi:
- Bà Ngân với tui đâu có thù oán sao nỡ lòng nào đối xử tệ với tui như vậy nè trời!
Ngân cười gắp cho cái cánh:
- Ăn cái này mai mốt bay dữ lắm!
Trang không uống bia mà uống nước ngọt. Hiếu cũng tính uống nước ngọt như Trang nhưng đột ngột thay bia, mấy khi được dịp vui vẻ như vầy, cũng nên cho đầu óc lơ lửng một chút.
- Tuyên bố lý do đi! – Hiếu nói như ra lịnh.
- Ăn uống trước, chuyện đó nói sau. Nào cạn ly chúc sức khỏe!
Mọi người có vẻ sốt ruột muốn biết câu chuyện nhưng thấy Nhành cứ tảng lờ nên đành im lặng. Đang ăn bỗng có tiếng điện thoại reo. Inh tai. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Nhành lấy khăn chùi tay, thò vô túi xách lôi ra cái di động.
- Ồ, có cả thứ này nữa à? Mày làm tao hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác – Hiếu nói nhanh suýt bị hóc xương.
- Em bị chứng đau tim bẩm sinh đó chị Nhành, chị cứ như vầy rủi em có bề gì chị phải chịu tiền đám ma đó nghen! Chà, lần đầu tiên trong đời em mới thấy cái của nợ này đó, chị cho em rờ một cái lấy hơi!
Huệ nhoài người phía trước tính giựt cái a lô, bắt gặp cái nhìn cảnh cáo của Nhành nên rụt tay lại. Nhành bấm lách tách mấy cái:
- A lô, ừ về rồi, đang liên hoan. Mai hả? Mấy giờ? Ừ, tao nhớ rồi.
Nhành tắt máy, cất vô chỗ cũ, trước cặp mắt khâm phục của mọi người. Lúc này, Hiếu không thể ngồi yên được nữa, tay chưn cựa quậy liên tục:
- Đã xảy ra cuộc cách mạng gì vậy? Mày không nói, tao thề sẽ không để mày yên thân!
Nhành đặt ly xuống, nhìn mọi người khắp lượt, rồi cụp mắt nhìn xuống. Cô chủ động tổ chức bữa tiệc này cũng vì lý do này, nhưng sao khó mở lời quá vậy…
…Đúng hai giờ trưa nay, Hường dẫn Nhành tới một địa điểm nằm bên cạnh bờ sông. Đó là một quán nhậu khá rộng rãi, thoáng mát. Khi Hường và Nhành đến nơi thì đã thấy một người đàn ông trạc bốn chục tuổi, tướng tá mập mạp và bộ râu mép được tỉa tót rất điệu. Có lẽ ông ta tiêu tốn không ít tiền sửa sang bộ ria của mình, Nhành nghĩ thầm. Ông khách đang ngồi đợi sẵn bên chiếc bàn hình chữ nhật với chai bia còn uống dở. Thấy Nhành, ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên, đưa mắt nhìn Hường dò hỏi.
Hường giới thiệu:
- Đây là đồng nghiệp của tui, tên Nhành. Còn đây là ông Tần giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Công.
Ông Tần nhìn Nhành không chớp mắt rồi gật đầu chào và chìa tay cho cô bắt. Nhành thoáng chần chừ, quay sang nhìn Hường. Hường khẽ hất hàm, nháy mắt. Nhành cũng chìa tay ra. Ông Tần siết một cái khá mạnh rồi buông ra. Cử chỉ suồng sã, thân mật.
- Khánh Ly, tôi chỉ... – Ông Tần chỉ thốt lên bấy nhiêu rồi ý tứ nhìn Nhành.
À, thì ra Hường lấy tên Khánh Ly. Cái tên kêu lanh canh!
Hường kéo ông khách ra chỗ vắng trao đổi gì đó Nhành không nghe được. Chỉ thấy ông khách lắc đầu, múa may loạn xà ngầu rồi gật đầu lia lịa. Cuối cùng Hường bước đến nói nhỏ vô tai Nhành:
- Xong rồi! Tay này đúng là đệ tử mấy đời lão trùm Sò! Hắn chỉ đồng ý trả tiền công cho tao. Mày uống chai nào trừ tiền chai nấy, không bớt một xu! Người gì ke re quá xá!
Cô nhân viên mặc bộ váy ngắn chào khách bằng nụ cười khuyến mãi rồi chìa bản thực đơn dài như sớ:
- Anh chị dùng món gì để em chuẩn bị ạ.
Ông Tần móc thuốc ra hút, ngước mắt nhìn cô phục vụ nói:
- Chúng tôi đang đợi một vài người, lát nữa sẽ kêu sau.
Cô phục vụ đi cà xom mất hút vô bên trong. Nhành để ý thấy gần lối ra vào có đặt một cái hồ kiếng, bên trong có cả đàn tôm đang bơi lượn lờ. Sát bên là chiếc vợt cán dài bằng gỗ. Ông khách chìa thuốc ra mời cô và Hường và Nhành, cả hai đều lắc đầu.
- Lát nữa, tụi nó tới các cô cứ nhận là nhân viên của Công ty Thành Công. Cô này là thư ký ( ông ta đưa mắt nhìn Hường); cô này là kế toán trưởng ( ông ta lại đưa mắt nhìn Nhành) nhớ chưa?
Người đàn ông đó còn nói thêm:
- Tụi nó là cán bộ ngân hàng. Tui cần vốn thủ tục pháp lý chuẩn bị đâu đó cả rồi nhưng còn vướng mắc thủ tục “ đầu tiên “ nên bị mấy cha “ ngâm giấm “. Các cô nhớ hót cho thật hay, thành công sẽ có thưởng.
Hường nện gót chưn xuống nền gạch, chớp chớp mắt nhìn thân chủ:
- Thưởng là thưởng bao nhiêu?
Ông Tần nói lấp lửng:
- Miễn là có thưởng được rồi. Tui là dân sành điệu mà lại, chẳng để mấy cô thiệt đâu. À, mà nhớ này, nếu tụi nó đòi rượu Tây các cô phải tìm cách từ chối. Một chai cả triệu đồng, ông nội tui còn không có đủ tiền trả nổi!
Nhành bề ngoài làm ra vẻ tự tin nhưng bên trong tim đang đánh trống. Chờ khoảng mười phút không thấy khách tới, ông khách sốt ruột lấy điện thoại ra bấm:
- A lô, anh Sáu đó hả? Tui có mặt ở chỗ hẹn cũng lâu lâu rồi. Anh đang ở đâu? À, vậy là sắp tới rồi. Hả? Anh đi mấy người? Sáu người hả? Ờ được rồi..rồi..
Ông Tần tắt máy. Mồ hôi ròng ròng trên trán, ông ta lấy mùi soa lau, rồi chửi tục:
- Mẹ nó! Đồ khốn nạn! Mời ba thằng khách, chúng dắt theo ba thằng khứa! Chúng làm như tiền của mình đi ăn cướp cả thiên hạ không bằng!
Hường liếc mắt về phía Nhành bấm bụng cười thầm. Chợt có tiếng động cơ gầm rú. Ba chiếc xe gắn máy đời mới, mỗi chiếc hai người, thứ tự trước, sau xuất hiện ngoài cửa quán. Ông Tần sắm vội gương mặt hài, xăng xái chạy ra đón khách.
Ông Tần lần lượt bắt tay từng vị theo thứ tự vai vế. Người đầu tiên là anh Sáu rồi đến những người khác. Mỗi lần bắt tay vị nào, ông Tần đều nghiêng người chào kính cẩn một cách thái quá:
- Xin mời các vị vào bàn! Mấy cô nhân viên của tôi đã chờ dài cổ cò. Bắt phụ nữ chờ lâu phải chịu phạt ba ly đó nghen.
Cái bàn quá nhỏ không đủ cho chín người, chủ quán phải kê nối thêm cái nữa. Có sự xuất hiện của phụ nữ khiến không khí bữa nhậu càng thêm màu sắc lãng mạn.
Hường nói với nhành:
- Nhớ tập trung vô những nhân vật trung tâm bữa tiệc. Cái anh Sáu đầu hói hói là Sếp không được rời mắt nghe chưa?
Nhành gật đầu. Hường nói tiếp vào tai:
- Coi tao làm mà bắt chước nè!
Hường nhéo Nhành ra hiệu cùng đứng dậy, chìa tay ra bắt từng người một. Miệng cười lỏn lẻn:
- Chúng em nghe danh anh Sáu đã lâu mà chưa có dịp gặp mặt. Hôm nay thiệt là vinh hạnh cho chúng em!
Anh Sáu có cái “ thùng nước lèo “ quá cỡ, mặt rỗ chằng rỗ chịt như té trong thùng đinh, ngoác miệng cười tích toát rồi nói vài câu nhún nhường:
- Cô nói quá lời. Tui có là gì đâu mà.
Hường giả bộ thảng thốt kêu lên:
- Ấy chết, anh Sáu đừng hạ mình như vậy làm tụi em đắc tội. Ở thành phố này ai mà không biết anh Sáu hoạt động trong ngành tài chánh, ngân hàng, tất cả đơn từ vay vốn không có chữ ký của anh là không xong.
Anh Sáu ngửa cổ cười khoái trá. Đám lâu la ăn theo cũng cười vuốt đuôi. Ông Tần định kêu bia ba con ba nhưng anh Sáu nói chỉ hợp gu với Heineken. Loại bia này mắc gần gấp đôi.
- Lấy vài thùng Heineken uống bậy!
Đến phần chọn món đưa cay. Cánh cánh đàn ông nhường ưu tiên cho phụ nữ “ đi chợ ”. Hường lướt nhanh qua thực đơn rồi đề nghị:
- Bia bọt nhắm với hải sản là hợp gu nhứt! Theo em ta nên nghiêu sò, ốc, hến, các anh thấy thế nào ạ?
- Tất nhiên là được quá đi chớ! – Anh Sáu cười hềnh hệnh, mắt nhìn xoáy vào mụt ruồi son dưới cằm Hường:- Người đẹp nói câu nào cũng trúng phóc!
- Vậy thì em kêu ốc hương nghen! Uống bia mà nhấm nháp với thứ này bắt mồi lắm!
Một ký ốc hương xấp xỉ hai trăm ngàn mà chỉ toàn là vỏ chớ ruột không có bao nhiêu. Tám mạng mà ăn thẳng thoét thì mất cả chục ký chớ chẳng chơi. Tiền chi cho một món đã gần hai triệu! Ông Tần nhẩm tính. Ngực nhói lên như bị nhồi máu cơ tim!
Đấy mới chỉ là món thứ nhứt, phải có vài món thì mới ra bữa tiệc! Hường lại chọn tiếp món thứ hai là món tôm càng! Giám đốc thấy thế nào ạ?
Ông Tần ờ ờ. Ánh mắt rừng rực như hai họng súng khạc đạn về phía “ kẻ thù “, đồng thời vẫy tay gọi mấy tay nhân viên đang đứng xớ rớ bên quầy tính tiền:
- Vớt cho tao mấy ký tôm càng xanh!
- Là mấy ký ạ?
- Cứ đem nhiều nhiều, ăn bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu!
Nhân viên quán lấy vợt vớt tôm cho vào cái khay inox sáng chóe. Chúng bún tách tách văng nước tung tóe. Sau đó người ta rinh lên cái bếp than đỏ rực cùng cái vỉ nướng.
- Thêm một cái nữa, chín người mà có một cái bếp chừng nào mới được ăn!- Ông Tần trút nỗi bực bội xuống mấy tay nhân viên phục vụ.
- Dạ, có ngay!
Nhành đặt mấy con tôm lên vỉ nướng. Gặp lửa, chúng cong mình lại, nước nhểu xuống kêu xèo xèo. Thơm phức. Vừa nướng Nhành vừa kín đáo quan sát mấy người khách. Trong sáu người, chỉ có hai người ở tuổi trung niên, còn lại đều trên dưới ba mươi, họ cũng nhìn cô nhưng bằng cái nhìn công khai, sổ sàng.
Ông Tần rót bia rồi đứng lên nâng ly, trịnh trọng nói:
- Bữa nay thiệt hân hạnh cho tui nói riêng, cho Công ty nói chung được tiếp đón các anh dự buổi tiệc nhỏ. Nếu có gì sơ sót mong mọi người chiếu cố bỏ qua, hy vọng mối quan hệ của chúng ta ngày càng thắt chặt hơn nữa. Nào, xin mời nâng ly!
Mọi người cùng đứng dậy nâng ly. Anh Sáu hỏi:
- Cạn bao nhiêu?
- Tất nhiên là trăm phần trăm!
Người đứng bên cạnh anh Sáu hướng mắt về phía Nhành rồi nhìn xuống cái ly còn để trên bàn:
- Này người đẹp cầm ly lên chớ em!
Nhành làm theo. Hường nói thầm vào tai Nhành:
- Khi cụng ly nhớ đặt ly của mình thấp hơn ly của người ta, biểu lộ sự tôn trọng.
Nhành gật đầu, bắt chước theo Hường, hạ thấp ly mình bằng hai phần ba của khách chạm “ cộp “ một cái. Cả chủ lẫn khách đều cười vui vẻ.
Mấy lon đầu, mọi người chỉ nói những chuyện vô thưởng vô phạt hoàn toàn không dính líu đến việc làm ăn. Anh Sáu đón con tôm nướng từ tay Nhành, tỏ ra là người từng trải:
- Mọi người có biết con tôm bổ nhứt là ở chỗ nào hôn? – Anh Sáu đưa mắt nhìn ông Tần, thấy ông ta lắc đầu bèn di chuyển ánh mắt sang hai cô gái trẻ.
Hường nói:
- Nhứt định là phần đầu rồi, vì đầu có nhiều gạch, em nói có đúng hôn?
- Trật lất!
- Vậy còn cô này, hoa hậu của buổi tiệc! – Anh Sáu ngó Nhành chăm chăm.
Nhành lắc đầu:
- Em chịu thua! – Suýt nữa cô đã nói:- Bởi vì em có ăn món này bao giờ đâu mà biết, may là cô kịp dừng lại.
Anh Sáu cười đắc thắng, cất tiếng ồm ồm diễn giải:
- Con tôm ngon nhứt là ở cái đuôi! Chắc mọi người ngạc nhiên lắm chớ gì? Tui biết được chiêu này là do tụi Đài Loan nó mách nước. Mấy thằng “ xì dầu “ coi vậy mà khôn quá sá! Đuôi tôm, đúng là ăn không ngon nhưng có tác dụng tráng dương, bổ thận! Ông Tần mỗi ngày mà xơi món này đều đều thì “ đạp mái “ hết sẩy!
Tất cả cùng đồng loạt vỗ tay, khen anh Sáu đúng là dân chơi thứ thiệt! Nhành đỏ mặt liếc sang Hường.
Hường nói lầm rầm:
- Mẹ nó! Cán bộ cỡ bự mà nói năng như bọn chợ trời!
Cạn hết lon thứ hai, Ông Tần đã chếnh choáng, đề nghị tất cả nâng ly rồi nói:
- Tửu lượng của tôi dở ẹc! Uống vài lon đã thấy mấy ông Trời, cạn ly này tôi xin phép, hai cô nhân viên sẽ thay tôi tiếp quý vị.
Mấy người định lên tiếng phản đối thì Hường đã nhanh nhẩu đứng lên:
- Phải đó, giám đốc của bọn em “ yếu đô “ lắm! Với lại sau tiệc ảnh còn phải giải quyết một số công việc. Em xin phép được thay mặt ảnh mời các anh trăm phần trăm!
Người đẹp mà đã lên tiếng thì ai dám cãi! Sáu người đàn ông cười hô hố, cụng ly lia lịa. Bọt bia chảy tràn ra mặt bàn.
Hường nói:
- Chúng ta trước lạ, sau quen. Hôm nay phải nhậu cho tới bến. Chuyện Công ty của tụi em trăm sự nhờ anh Sáu thương tình chiếu cố!
Anh Sáu mặt đỏ như gà nòi, vung tay múa loạn xạ:
- Hai em mà “ tới bến “ với bọn anh thì bao nhiêu anh cũng ký! Vài tỉ chớ vài chục tỉ cũng anh ký tuốt luốt.
Hường mặt ửng đỏ, đưa tay vuốt mái tóc trên trán:
- Em nói trước “ tới bến “ trên bàn nhậu thôi, chớ không “ tới bến” chuyện khác à nghen!
Ông Tần đang lim dim mắt như ngủ gật, Hường lay lay mấy cái:
- Giám đốc, còn chờ gì nữa mà không đưa cho anh Sáu ký!
Ông Tần lật đật mở cặp, lôi ra hợp đồng xin vay vốn, đưa bằng hai tay một cách kính cẩn. Miệng cười ba ngoe[/link]:
- Dạ nhờ anh.
Anh Sáu rút cây Bic trên túi áo, ký xoẹt một cái. Chữ ký như cua bò đáng giá bạc tỉ! Làm cán bộ sướng thiệt!
Ông Tần gấp vội tờ giấy cho vào túi như sợ bị đổi ý, nhìn Hường bằng ánh mắt thán phục. Gương mặt đưa đám được thay bằng khuôn mặt dự tiệc cưới!
Gần tiếng rưởi tiếng, tám người đã giải quyết hết hai thùng bia bốn mươi tám lon. Ông Tần sốt sắng kêu thêm bia và mồi. Mọi việc đã thành công ngoài sức tưởng tượng, bây giờ có ăn gan trời, ông cũng chiều luôn!
Lúc này đã có hai người say chúi mũi chúi lái, phải kêu taxi đưa về nhà, còn lại sáu người ( không tính ông Tần vì ông chỉ uống nước ngọt ) cũng đã say cúp. Hường xin phép đi vô nhà vệ sinh. Chừng vài giây sau, Nhành cũng tót theo. Thấy Hường đang móc họng, nôn thốc nôn tháo, dãi nhớt dính lòng thòng, Nhành chỉ hơi sậc sừ do đã nốc trước mấy viên thuốc cảm phòng xa, cô còn uống được nữa:
- Mày ác ghê, cứ nhè thứ mắc tiền mà chọn!
Hường rửa mặt, lấy khăn lau, nói lè nhè:
- Thằng chả trùm Sò, cho chết!
Lát sau hai người trở ra. Anh trợ lý cho anh Sáu nhìn Nhành bằng ánh mắt đỏ như tôm luộc, nói léo nhéo:
- Em đẹp như Tây Thi mà tửu lượng thì Lưu Linh cũng gọi bằng cụ! Thằng nào tốt số lắm mới lọt vào cặp mắt xanh của em.
Nhành nói:
- Anh quá lời rồi. Vừa xấu, vừa bia bọt như em, đàn ông các anh nhìn thấy phải chạy xa!
- Em mà xấu thì thế gian này không còn người đẹp! Chỉ có thằng ngu mới chạy làng, còn anh nguyện quỳ dưới chưn em xin chết!
Anh ta dòm chòng chọc vào chiếc cavát lủng lẳng trên cổ Nhành:
- Có được người vợ như em, vừa uống vừa ôm mà không phải mất tiền boa, sướng thấy mẹ!
Thấy câu chuyện có chiều hướng không có lợi, Nhành bèn lái sang chuyện khác, cô nâng ly lên mời mọi người trăm phần trăm.
Gần hết thùng thứ ba, bàn tiệc như bãi chiến trường ngổn ngang. Anh Sáu gục đầu xuống bàn ngày như sấm, nước dãi chảy thành vệt dài chấm đất, những người còn lại cũng chẳng khá hơn, mắt nhíu không lên, miệng cứng lại như bị á khẩu. Ông Tần kêu taxi đưa mọi người về, còn mấy chiếc xe gởi lại ở quán chờ lấy sau. Hóa đơn thanh toán buổi tiệc lên đến gần hai triệu, tiền công trả cho Hường bốn trăm ngàn. Hường nhắc lại tiền thưởng. Ông Tần rút ra năm trăm, do dự một lúc rồi đưa thêm trăm nữa.
- Sao ít vậy?
- Ít gì! Cô này nhậu cũng hết mấy trăm đâu phải ít, thôi, lấy đỡ nhiêu đó, khi khác tôi bù!
- Ông làm ăn kiểu này, mai mốt đừng kêu tui nữa. Mượn được bạc tỉ mà boa có mấy xu lẻ!
Trước lúc chia tay Hường đưa cho Nhành hai trăm, dặn Nhành nên làm bữa tiệc để công khai việc làm của mình. Nhành gật đầu. Rồi mỗi người đi một hướng…
….Hiếu giục:
- Nói đi, sao đực mặt ra như vậy, Nhành?
- Thôi được, tui nói đây, bởi vì chuyện này có giấu cũng không được – Nhành hít một hơi, nói chậm rãi từng tiếng:- Bắt đầu từ ngày mai, tui sẽ đi làm!
- Tưởng gì! – Mặt Huệ dùn ra lộ vẻ thất vọng:- Vậy mà cứ úp úp mở mở làm như là sắp đảo chánh tới nơi! Sốt ruột.
Trang xé miếng bánh mì cho vô miệng:
- Chị làm nghề gì vậy? Chắc là công chức nhà nước phải hôn? Nhìn bộ đồ chị đang bận là đoán ra, dễ ợt!
Ngân nói thêm:
- Chị xin ở đâu giỏi vậy? Em chạy mòn đôi guốc mới xin được chưn tiếp thị bia “ sức mạnh thời đại ”.
Tất cả đồng thanh reo lên. Hiếu vui mừng ra mặt, nhìn Ngân nói:
- Chúc mừng! Theo tao biết, công việc đó cũng nhục nhằn lắm! Bọn đàn ông khi còn tỉnh táo thì là người, nhưng một khi đã có hơi men thì hóa thành thú hết! Nhưng không sao, cái chính là do mình biết làm chủ bản thân.
Nghe Hiếu nói, Ngân thấy chờn chờn. Người ta lập tức tiếp nhận cô và Hà ngay khi vừa đặt chưn vô phòng phỏng vấn. Xinh đẹp. Duyên dáng. Có học thức thì chẳng có lý do gì để người ta từ chối. Cả hai được phân công phục vụ tại một nhà hàng khá đồ sộ, trên dưới trăm bàn nằm trên dãy phố, được ví von là “ phố ăn nhậu”. Thu nhập ngoài lương cơ bản còn dựa theo đầu chai bán ra. Cả hai sẽ nhận đồng phục, trải qua vài giờ huấn luyện một số kỹ năng cơ bản để chiêu dụ khách và sẽ chính thức làm việc vào đầu tuần sau.
- Chị nói quá! Không tiền mới nhục – Huệ nói:- Còn tiền nào cũng giống tiền nào, có khác gì đâu?
Hiếu ngứa miệng muốn đớp lại nhưng Trang đã lên tiếng trước:
- Im lặng! Nghe chị Nhành nói. Chị làm ở cơ quan nào vậy? Nói cho em út mừng cái coi.
Nhành im lặng, nhấp ngụm bia. Ngoài sân mấy đứa trẻ hàng xóm đang nô đùa với chú chó con vừa mới dứt sữa. Cách đây hai ngày, Hai cạo heo nhà bên cạnh chưn nam đá chưn chiêu ôm con chó xù lông đốm về nhà. Lũ trẻ cứ xoắn lấy đòi đặt tên. Hai cạo heo vỗ trán mấy cái rồi nghĩ ra cái tên Bít La. Mấy đứa trẻ ngơ ngác, tên gì xấu hoắc! Hai cạo heo cười, Bít La là ba lít! Đợi nó lớn tao làm thịt, mua ba lít đế về nhậu chơi!
- Nghề gì? Nói mau đi, lâu lắc quá!
- Là nghề...nhậu mướn!
Thoạt nghe, Huệ đã nhảy nhổm lên như con vịt bị trụn nước sôi:
- Cái gì? Nghề nhậu mướn có nghĩa là sao?
- Trời đất, lần đầu tiên trong đời tao mới nghe cái nghề kỳ cục như vầy đó bộ mày xỉn rồi hả Nhành?
- Nhậu thì phải trả tiền bộ khùng sao lại bỏ tiền ra mướn người nhậu nhẹt!
Hiếu ghẹo:
- Con Ngân ngồi bên cạnh rờ trán nó coi có nóng hôn?
Đợi mọi người nói cho đã cái miệng, Nhành mới đưa tay vỗ đét lên đùi, nói lớn:
- Nói đủ chưa? Bây giờ tới lượt tui.
Nhành nói vắn tắt công việc của mình và kết thúc câu chuyện bằng một câu xanh dờn:
- Việc tui tui làm không mắc mớ tới ai. Vì vậy tui đề nghị mọi người đừng chúi mũi vô. Ai cũng khôn lớn hết rồi, tự biết cách lo liệu thân mình. Bây giờ tui hơi mệt, lên gác nghĩ một chút. Mọi người cứ tha hồ bàn tán, nếu ủng hộ tui thì tui cám ơn, còn cản ngăn thì nhứt định là tui không nghe!
Nhành bước đi trước ánh mắt ngơ ngác của mọi người. Trực nhớ tới lá thơ, Trang nói:
- Chị Nhành ơi, thơ của chị, em để trên gác bên cạnh cái quạt máy.
Đợi Nhành đi khỏi, Huệ đưa tay khều khều Hiếu, nói khẽ:
- Đúng là thời buổi quái thai, khi không lại đẻ ra thêm cái nghề nhậu mướn! Nhưng nhiều tiền như vậy nghe cũng phát mê! Chà, giá như chưa đóng tiền đi học nhứt định em sẽ theo chị Nhành tầm sư học đạo.
Hiếu nhìn Huệ dò xét:
- Đóng tiền học là học cái gì vậy?
Huệ giựt mình, biết mình hớ vội vàng chữa cháy:
- À, học nghề trang điểm. Nghề này đang ăn nên làm ra đó nghen!
Trang ngồi nhẩm tính, theo như lời chị Nhành nói thì mỗi ngày có thể kiếm được mấy trăm ngàn, chỉ cần làm một tháng là dư sức trả nợ. Nhưng mình không uống được rượu chỉ nghe mùi cồn là muốn ói rồi. Vả lại còn phải có khiếu giao tiếp nữa mà cái khoản này thì mình xếp hạng bét...
Mãi lo bàn tán, chẳng ai màng đến chuyện ăn uống. Ngân thu dọn các thứ ra sau bếp. Hiếu dặn thịt vịt quay phải kho liền để đến sáng sẽ bị ôi thiu. Ngân nhúm lửa. Vừa kho thịt vừa suy nghĩ vẩn vơ rồi thở ra mấy cái.
Trời tối rất mau. Hiếu ngồi tựa cửa bỗng trực nhớ chuyện đốt nhang bèn ngẩng đầu lên, nói trổng:
- Bữa nay tới đứa nào đốt nhang?
- Em – Trang trả lời rồi đứng nhón chưn lấy bó nhang đặt trên tran thờ phật Thích Ca và Địa mẫu, cô nhẩm tính số nhang cần phải đốt rồi rút ra châm lửa. Cái hộp quẹt ga gần hết đá bật hoài mà không mà không cháy nổi, Trang vớ lấy cái thứ hai. Cái này còn đá nhưng hết ga! Trang hý hoáy một lúc rồi lắc đầu bất lực.
Huệ nói:
- Con nhỏ này sao mà hiền quá! Lấy cái còn đá mồi cho cái còn ga là xong!
- Ừ hén, vậy mà mình nghĩ không ra!
Trang làm theo, quả nhiên là cháy. Mấy cây nhang ngún lửa cháy rất nhanh, Trang định đưa miệng thổi nhưng sợ mang tội nên đổi ý lấy tay quạt mạnh cho tắt hẳn. Xong, bước ra phía trước cửa, nơi có treo cái cắm nhang bằng tôn mỏng, sơn đỏ bắc trên tường bằng đinh vít. Chấp tay trên trán một cách thành kính, lâm râm khấn nguyện:
- Lạy Trời, lạy Phật phù hộ, độ trì cho má con tai qua nạn khỏi, cả nhà có cơm ăn, áo mặc đàng hoàng, còn con kiếm được tiền trả nợ. Kiếp sau con xin nguyện làm thân trâu ngựa đền đáp công ơn..
Vái xong, Trang cắm nhang vô ống. Ngẫm nghĩ chưa thật yên tâm, Trang khấn tiếp:
- Cầu xin Trời, Phật chiếu cố đến lời thỉnh cầu của con. Con hứa sẽ ăn chay một tháng! Con hứa là con giữ lời.
Trang đi trở vô, cắm nhang lên tran thờ và sau bếp. Đốt nhang xong, Trang định lên gác thì Hiếu kêu giựt giọng:
- Khỏe rồi, ngày mai có đi làm hôn?
- Dạ có chớ, ở nhà hoài lấy cái gì ăn?
Huệ và Ngân nằm dài trên nền gạch suy nghĩ lung tung. Hiếu muốn đi tắm, vừa nhón đít lên thì ông tổ trưởng dân phố lù lù xuất hiện với cuốn sổ cong mép trên tay. Mồm mép tía lia:
- Tiền an ninh quốc phòng quý một, mười hai ngàn!
Ngân lồm cồm ngồi dậy. Huệ nằm tại chỗ, nghếch cổ gọi Hiếu. Hiếu ngoảnh mặt lại, nói:
- Ủa tui nhớ mới đóng cách nay chưa lâu mà? Sao mau vậy?
Ông tổ trưởng muốn bước vô nhưng thấy Huệ nằm chài bài giữa nhà nên cứ ngó ngoáy đôi chưn:
- Mau gì mà mau! Mấy tháng rồi.
Hiếu lục túi áo không có tiền lẻ bèn đá đá vào người Huệ, nói:
- Có tiền lẻ hôn?
Huệ lắc đầu. Hiếu móc ra tờ hai chục ngàn đưa cho ông tổ trưởng rồi cằn nhằn:
- Tiền tháng nào cũng đóng không thiếu một xu mà có thấy bóng dáng anh dân phòng nào đâu! Mấy thằng xì ke cứ lảng vảng rình thời cơ là chôm chỉa. Đồ đạc mất hoài mà mấy anh công an cứ biệt tăm biệt dạng!
Ông tổ trưởng nói:
- Cái chính là mình phải tự giữ gìn đồ đạc, tài sản. Đêm nào người ta cũng đi tuần. Mấy cô ngủ nên không biết đó thôi. Cô nói vậy, để tui báo để họ gõ cửa làm tin!
- Thôi, làm ầm lên ai còn ngủ nghê gì được. Chú chưa thối tiền.
Ông tổ trưởng chìa cuốn sổ đưa cho Hiếu ký tên. Hiếu đùn đẩy sang Huệ. Huệ lại đùn cho Ngân. Ông tổ trưởng bắt đầu nổi nóng:
- Tui đâu phải trái banh mà mấy người đá qua, đá lại? Thôi, để tui ký luôn.
Ký xong, ông ta không chịu đi mà nói tiếp:
- Cho xin mấy ngàn tiền “ xóa đói giảm nghèo “.
Hiếu xẵng giọng:
- Cái gì nữa đây?
- Tiền xóa đói giảm nghèo!
Huệ nghếch đầu lên hỏi lại:
- Là nghĩa làm sao? Tui không hiểu.
Ông tổ trưởng từ tốn giải thích:
- Đây là tiền vận động để lập quỹ xóa đói giảm nghèo giúp người nghèo trong phường có số vốn nhứt định kinh doanh, sản xuất để vượt qua khó khăn.
Huệ chành môi:
- Tụi tui nghèo sặc máu thấy có ai dòm ngó tới đâu? Xin cái thẻ khám bịnh miễn phí nói là dân nhập cư không có tiêu chuẩn! Chú nói với mấy ông trên ủy ban chừng nào cho thẻ, tui mới đóng.
Ông tổ trưởng nổi quạu, vo cuốn sổ đút vô túi quần. Giọng nói sặc mùi mắm tôm:
- Nhà này thu cái gì cũng khó! Tui làm việc chung chớ không phải đút túi riêng mà mấy cô nặng nhẹ? Thôi được, không đóng thì thôi. Mai mốt kiểm tra tạm trú, tạm vắng có trục trặc thì đừng kiếm tui năn nỉ.
Nói xong, ông ta xoay người dợm bước đi. Hiếu hoảng hồn chạy theo, xuống nước:
- Chú đừng giận. Tụi nó nói vậy chớ không có ý gì đâu!
Ông tổ trưởng đổi giận làm vui. Hiếu chộp lấy cuốn sổ từ tay ông tổ trưởng, lướt nhanh qua cột thu tiền. Hộ đóng nhiều nhứt là hai chục, hộ thấp nhứt là hai ngàn. Hiếu thoáng suy nghĩ rồi đưa ba ngàn:
- Tụi con cũng nghèo lắm, chú lấy đỡ nhiêu đây!
Ông tổ trưởng xụ mặt rồi cũng nhận tiền. Đi được vài bước, sực nhớ một chuyện, ông ta quay đầu lại:
- Tối thứ tư họp tổ dân phố các cố nhớ đến dự cho đông đủ.
- Thôi chú ơi. Người ta sao tụi con vậy, chẳng ý kiến ý cò gì đâu.
- Không được. Đây là cuộc họp quan trọng có nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh, phải họp hành để biết mà thực hiện. Nhớ là không được vắng mặt.
Hiếu đứng bên cửa, nói láp dáp mấy câu rồi mang đồ đi tắm. Huệ nằm thiu thiu. Nhà nhỏ, kín hơi khói nhang cứ lảng vảng không sao thoát ra được. Mắt mũi sưng vù. Ngân ngó trước ngó sau thấy không có ai để ý bèn nhón chưn lấy mấy cây nhang đang cháy cắm ngược đầu xuống hũ cát. Tắt ngấm. Cô cười thầm và bước lên gác.
Nhành đang đọc thơ. Trong thơ viết đại ý, ở nhà mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Cô em đang gái đang ráo riết học hành. Còn chứng bịnh “ giả đò “ của ông già vẫn vậy, nay bịnh, mai hết, tuần sau lại bịnh, tháng kia lại hết. Căn nhà xập xệ không biết có chịu nổi mùa mưa năm nay....Nhành chán nản gấp thơ lại, nói ngắc ngứ:
- Thơ từ toàn là chuyện không vui, chán thấy mồ tổ!
Trang nằm bên cạnh, gác chưn lên đùi Nhành, Nhành hất ra. Trang lại gác. Nhành lại hất ra. Nổi quạu:
- Sao không kiếm thằng Thật ôm cho đã! Cứ nhè tao mà xoắn xít! Làm như tao là pêđê!
- Chị đừng nói tới anh Thật nữa. Em quên ảnh rồi!
- Xạo! Mấy tay nhà văn lá cải đã từng nói ai mà dính vô ba cái chuyện tình ái lôi thôi lắm, người khôn thành người dại, người dại thành nghễnh ngãng. Mày mà quên được tao không làm người!
Trang vừa nói vừa cười:
- Chị em mình có là người bao giờ đâu?
Cả hai cùng im lặng. Lúc sau Trang hỏi:
- Chị Nhành ơi, ngày mai là chị “ xuất hành “ hả?
- Ừ, có sao không? Mày khinh tao chớ gì?
- Em đâu dám! Sợ mai mốt em còn làm chuyện động trời hơn nữa kia.
Hiếu tắm xong, bước ra với chiếc khăn quấn quanh đầu, ngước mắt lên tran thấy mấy cây nhang cắm ngược, giựt mình la lên:
- Đứa nào là thủ phạm? Con Huệ phải không?
- Em đâu dám!
- Vậy là con Ngân chớ không ai khác! Con Ngân đâu?
Ngân chạy xuống cười tủm tỉm. Hiếu trừng mắt quát lớn:
- Mày coi trời bằng vung! Có ngày Ông Bà vật chết không kịp ngáp!
Ngân nói:
- Em sống dai lắm, thầy bói nói em sống đến chín mươi tuổi!
Hiếu rút vội mấy cây nhang, vái lia lịa:
- Xin Ông Bà tha thứ cho tội bất kính của đứa em. Nó còn dại dột không biết đâu là trời cao đất rộng, để con từ từ dạy dỗ nó, đừng trừng phạt nó tội nghiệp!
Ngân bật cười khanh khách. Bỗng có tiếng Trang từ trên gác vọng xuống:
- Chị Ngân phụ em với!
Ngân chạy lăng xăng. Trang đang giữ một đầu dây buộc cái giỏ đựng mùng mền, chiếu gối thòng xuống. Nhà quá chật. Ngủ dậy là phải gom tất cả đưa lên gác cho rộng chỗ, đến giờ ngủ lại đem xuống. Cái cầu thang vừa hẹp vừa dốc nên phải dùng cách thả xuống cho tiện.
- Xong chưa? Tui thả dây nghen!
Nói rồi Trang buông tay ra, Ngân chưa sẵn sàng. Chiếc giỏ rơi tự do, Ngân gồng tay đón lấy. Cô cảm thấy đau nhói ở khuỷu tay. Máu rỉ ra thành giọt.
- Trời đất, mày làm gì chảy máu dữ vậy? – Hiếu nói.
- Không có gì. Chỗ kim đâm chưa lành đó mà.
- Sao lại kim đâm? Mày đi bán máu phải hôn? – Hiếu xem xét vết thương rồi nói chắc nịt:- Đúng là bán máu rồi!
Ngân biết mình đã lỡ lời, rút lại không kịp đành cúi đầu im lặng.
Hiếu rên rỉ:
- Có thiếu thốn thì vay mượn mọi người trong nhà, hà tất lại làm cái việc này? Người lớn mà biết chuyện thì đau lòng lắm. Con Huệ lấy miếng bông gòn cho tao!
Mượn thì được nhưng tiền đâu mà trả? – Ngân nghĩ thầm rồi bật cười khanh khách:
- Chị làm quan trọng quá! Hiến máu vừa cứu người vừa có ít tiền lại giúp điều hòa cơ thể, coi như nhứt cử tam tiện!
- Mày lý sự lắm, Tao không cãi lại. Nhưng tao báo trước, nếu còn tái phạm tao thề sẽ không nhìn mặt mày nữa.
Vừa lúc dì Sáu Khoan nhà ở ngay đầu hẻm te tái bước vô:
- Con Trang đâu? Có điện thoại!
Trang mượn Nhành hai ngàn, tất tả chạy đi. Nhà dì Sáu Khoan là cái siêu thị mini có tất tật từ thượng vàng đến hạ cám. Trong nhà còn đặt mấy máy chơi điện tử dụ khị con nít suốt ngày tung chưởng vèo vèo. Phía ngoài cùng. Trên cái tủ kiếng đặt cái điện thoại cũ xì. Cả xóm đều dùng số điện thoại nhà dì để liên lạc. Mỗi lần cầm máy đều có giá cố định là hai ngàn, không tính những cuộc gọi liên tỉnh.
- A lô! – Trang nhấc ống nghe kề sát tai.
- Trang đó hả? Chị Yến đây!
- Em chào chị Yến. – Giọng Trang khấp khởi.
- Chuyện em nhờ, chị đã lo rồi. Ngày mai người ta sẽ đến gặp em để bàn bạc chi tiết.
- Ồ, lẹ dữ! Em biết ơn chị nhiều lắm.
- À không. Chẳng qua “ cò “ muốn gặp trước coi diện mạo, tánh tình “ đối tác “ như thế nào rồi mới tính tiếp. Mấy giờ em rảnh?
- Ngày mai em mắc đi làm. Chị hẹn người ta chiều tối có được hôn? Ở nhà đông người không tiện. Khoảng bảy giờ tối, em chờ ở quán cà phê dưới chưn cầu, có được không chị?
- Được. Nhưng chuyện này sớm muộn gì mọi người cũng biết, em nên nói trước để liệu bề toan tính.
- Dạ, em cũng tính như vậy. Bây giờ mọi việc chưa đâu vô đâu.
Hai người thăm hỏi vài câu chiếu lệ rồi cúp máy. Trang trả tiền bước ra tựa lưng vào cột điện, nhìn lên bầu trời sao chi chít, suy nghĩ mông lung...
Như Lục Bình Trôi Như Lục Bình Trôi - Khúc Thụy Du