You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Khúc Thụy Du
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 108
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7743 / 28
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21 -
a khỏi Trung tâm đã quá chín giờ giờ tối. Đường phố tràn ngập ánh đèn xanh đỏ với những bảng điện có những dòng chữ rượt đuổi trông rất ấn tượng. Những nhà hàng, quán nhậu, rạp chiếu phim…trước đó vài giờ hãy còn đang ngủ gà ngủ gật như người ghiền thiếu thuốc thì giờ đây bỗng rực rỡ muôn màu, muôn vẻ như nàng tiểu thơ đài các. Đạp được vài trăm thước Ngân dừng lại đề nghị Hà kiếm cái gì đó cho vô bụng. Hà lắc đầu nói đang bị chứng “ viêm màng túi “ hành hạ. Ngân nói:
- Thì cứ đi. Tớ sẽ khao vì lòng nhiệt tình của cậu, nhưng tớ báo trước là chỉ được ăn mì gõ thôi đó nghen!
Hà gật đầu. Mặt mày sáng trưng. Hai người đạp xe vòng vo gần mười phút mới kiếm được xe mì gõ nằm trên bãi đất trống bên cạnh công viên. Bán hàng là một thanh niên, nói tiếng đặc sệt tiếng Quảng Ngãi “ en, không en tét đèn đi ngủ ”. Hai người cùng ngồi xuống bên cái bàn xếp vừa dơ vừa xục xịch, kêu hai tô mì. Loại mì bình dân chỉ hai ngàn đồng một tô. Cả nồi nước lèo bự chần vần mà chỉ nấu có nửa ký xương heo, chất ngọt chủ yếu là bột ngọt và đường. Người bán trụn xong, kêu thằng nhỏ mặt mũi chèm nhèm dính đầy ghèn, chừng mười hai, mười ba tuổi bưng ra cho khách.
Ngó tô mì bốc khói chỉ có hai miếng thịt mỏng tăng như lá lúa, Hà nói lớn:
- Cậu cẩn thận đấy, kẻo gió thổi bay mất tiêu!
Ngân cười rung cả người. Lấy đũa trộn đều rồi nhai ngấu nghiến:
- Chà, không ngờ cái món bình dân này cũng ngon dữ!
Hà nói:
- Đói, ăn cỏ cũng thấy ngon!
Đang ăn Hà nhóng nhóng đôi mắt về phía mấy cô gái phấn son lòe loẹt đang đứng lấp ló bên cạnh mấy gốc cây dầu khuất ánh đèn điện:
- Cậu biết họ là ai không?
Ngân ngoáy cổ lại, nói:
- Chắc là mấy cánh vạc ăn sương.
- Cậu cũng tinh ý đó.
- Trong thiên hạ thiếu gì việc, sao họ không kiếm công việc tử tế mà làm hén!
- Cậu nói nghe hay lắm, vậy đó là những việc gì chỉ cho tớ với.
Ngân bí lù đành im re. Hà đưa tô mỳ lên miệng húp nước lèo. Đang bực dọc trong mình về chuyện mưu sinh, Hà nói tía lia không kịp thở:
- Ai cũng muốn có công việc đàng hoàng, chánh đáng, được xã hội tôn trọng nhưng trên đời này đâu phải cứ muốn là được, nhiều khi gặp phải hoàn cảnh bí bách đành phải nhắm mắt đưa chưn. – Rồi Hà ngửng mặt lên dòm Ngân:- Không tiền, không nghề nghiệp, thậm chí một chữ bẻ đôi cũng không, lại phải bơ vơ vất vưởng ở xứ lạ quê người vậy họ biết làm gì ngoài bán cái vốn tự có của mình? – Nói đến đây Hà thở dài chán nản rồi cất giọng buồn buồn:- Tớ đang lo sẽ có ngày theo chưn họ làm gái đứng đường.
Ngân giựt mình ngó Hà trơ trơ.
- Cậu đừng nhìn tớ bằng ánh mắt lạ lùng như vậy. Con người ta chỉ có thể yêu đời khi còn có một niềm tin cỏn con nào đó bám víu để có cớ mà trông mong, hy vọng tựa như người sắp chết khát trên sa mạc bất chợt phát hiện ra mầm xanh bị vùi trong cát nóng. Chính cái mầm non ấy đã nhen nhóm lên khát vọng sống mãnh liệt. Còn bản thân tớ giờ đây mọi hy vọng đã cạn dần như chiếc đèn dầu đang cháy đến giọt cuối cùng, khi hết dầu rồi sẽ cháy đến tim đèn[1] và tắt ngấm. Tớ đang đứng trước bao nhiêu vấn đề nan giải mà không sao tìm ra lối thoát, ngôi nhà tớ đang mướn đang rục rịch sang tên đổi chủ, thất nghiệp như bóng ma ám ảnh triền miên và máu của tớ đã trở thành đồ phế thải không nơi nào chịu mua nữa. Vậy thì cậu bảo tớ phải làm gì bây giờ?
Hà thật lạ lùng luôn mâu thuẫn với chính mình. Yêu đó rồi ghét đó, vui đó rồi buồn đó, tin đó rồi ngờ vực đó chẳng biết đâu mà lần. Ngân suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Làm nhân viên tiếp thị chẳng hạn, tớ đọc báo thấy ngày nào cũng đăng cần tuyển người. Có lẽ, tớ cũng sẽ làm như vậy.
- Tớ cũng đã làm cả chục nơi rồi, nhưng chẳng ở chỗ nào được quá một tháng! Cứ nghe những lời quảng cáo ra rả trên báo nghe thiệt sướng cái lỗ tai: nào là “ Bạn muốn thu nhập cao? Chúng tôi sẽ mở hầu bao cho bạn. Bạn đang bận công việc? Chúng tôi sẽ tạo điều kiện bạn làm bán thời gian! Bạn không có kinh nghiệm? Chúng tôi sẽ tổ chức những khóa huấn luyện cơ bản. Bạn muốn thăng tiến trong nghề nghiệp? Hãy đến với chúng tôi. Chỉ có chúng tôi mới có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của bạn!..” Nhưng khi va chạm với thực tế mới hỡi ơi! Rặt những lời bốc phét! Cậu có biết không. Tất cả những mặt hàng đó do chưa có thị trường tiêu thụ nên họ cần những người bán hàng được khoác bằng chiếc áo ngôn ngữ mỹ miều “ nhân viên tiếp thị! “. Khi được người tiêu dùng chấp nhận thì họ sẵn sàng liệng cậu ra đường như liệng thứ đồ phế thải. Nếu không tiếp cận được với khách hàng hoặc bị tẩy chay thì họ lẳng lặng chuồn êm,thậm chí còn quỵt cả tiền lương của nhân viên! Vả lại tớ hoàn toàn không thích hợp với công việc mặt chai mày đá này, suốt ngày cứ lang thang ngoài đường, lừa phỉnh thiên hạ, một tấc đến trời! Người ta sợ bọn tớ còn hơn sợ tà ma quỷ ám, đến nỗi mỗi khi nhìn thấy từ xa là sập cửa lại, có người thậm chí còn xua chó ra rượt! Tớ đã từng bị chó táp rách cả áo, nhục lắm!
Nghe Hà nói Ngân ỉu xìu như người chưa xung trận đã bị thảm bại. Cô đã có dự tính, nếu trong vài ngày nữa không kiếm được việc phù hợp thì cô sẽ làm tạm một chưn tiếp thị đợi khi nào có thời cơ thì chuyển nghề. Đúng là kiếm được tiền thiên hạ quả là trần ai!
Ăn xong, đường ai nấy đi. Hà hẹn Ngân gặp lại tại điểm bán máu vào sáng thứ hai.
oOo
- Chị Nhành bữa nay có gì vui mà uống bia vậy. Chắc xin được việc làm rồi hả? – Huệ rút cái bàn ủi ra khỏi ổ cắm. Mất gần cả tiếng đồng hồ mới ủi xong mớ quần áo, Huệ đưa tai chùi mồ hôi bết trên trán, thở phào nhẹ nhỏm, đang nực nội mà ủi quần áo thì khác gì bị ông Trời hành. Nhành nằm trên gác sát bên cửa, đầu óc vẫn chưa tỉnh bia. Thấy Huệ tính dẹp cái bàn ủi, bèn ngửng đầu lên nói:
- Sẵn tay mày ủi cho tao cái áo.
- Thôi, nóng lắm. Chị tự làm lấy đi.
Nhành cửi nhửi:
- Con nhỏ này sao mà khó nhờ cậy quá! Hôm kia đứa nào giặt giùm mày bộ đồ vậy hả, con quỷ?
Huệ nhe răng cười, cắm lại bàn ủi, với lấy cái áo treo lủng lẳng trên sợi dây kẽm cạnh đó:
- Giặt có bộ đồ mà chưa gì đã vội kể công! Mai mốt lấy chồng, nó đày lên, đày xuống miệng lại câm như hến!
Nhành bật cười, ngồi dậy đấm nhẹ lên lưng Huệ mấy cái:
- Tại mày là đứa không biết điều nên tao phải nói. – Giọng Nhành rổn rảng:- Tao mà lấy chồng phải lựa thằng khờ khờ, ít mồm mép đặng dễ xỏ mũi. Thằng Hoạt của mày chỉ giỏi tài khua môi múa mỏ đỡ chưn tay! Thế nào mày cũng mệt gì nó cho mà coi!
Huệ di di đế bàn ủi lên mấy cái nút áo, quay mặt về phía Nhành, cặp môi cong lên:
- Ở đó! Em là cứ phải áp dụng chế độ mẫu hệ nhá! Lão Hoạt nhà em là cứ phải cơm bưng, nước rót đàng hoàng, tối đến phải trải chiếu, giăng mùng cho em ngủ. Không xong là em cho ngủ dưới đất!
- Thôi đi cô ơi! – Giọng Nhành cao vút như mũi tên cắp phập vào không khí: - Kinh nghiệm cho thấy, hễ đứa nào nói nhiều là y như rằng chẳng nên trò trống gì.
Huệ xon xỏn cái miệng:
- Người ta khác, em khác! Rồi chị chống mắt mà coi con nhỏ này cao tay ấn như thế nào!
- Ừ, thầy bói nói tao sống dai lắm, thế nào tao cũng có dịp chứng kiến tụi mày ăn ở ra làm sao. Nè, nói chuyện nhưng nhớ coi chừng kẻo cháy cái áo ăn nói của tao đó nghen.
Ủi xong Huệ vụt cái áo về phía Nhành. Nhành đưa tay đón lấy, hửi hửi mấy cái:
- Xà bông này thơm thiệt hén, mấy ngày vẫn còn mùi. Cám ơn!
Từ “ cám ơn “ Nhành cố tình kéo dài mỉa mai. Huệ cuốn dây bàn ủi, để nghiêng vô góc tường. Nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi Nhành:
- Chị Nhành nè, em nghe người ta nói đám cưới hễ ai bước vô nhà trước thì người đó sẽ là người “ nắm đàng cán “ [2] phải vậy hôn?
Nhành bật cười khanh khách rồi háy mắt nhìn Huệ, nói:
- Tầm xàm! Tao có người dì cũng nghĩ như mày. Đám cưới của dỉ, tao cũng có dự. Nhớ lại tức cười muốn chết! Bữa đó mọi người tiễn dỉ về nhà dượng, dượng tay dài [3] đàng hoàng nghe, đang đi đứng bình thường gần tới nhà bỗng dưng dỉ xách cái vali cắm đầu chạy trối chết, khiến ai cũng ngạc nhiên. Tao hỏi thì dỉ trả lời phải vô trước để sau này dễ xỏ mũi ông chồng! Xỏ mũi đâu không thấy, chỉ thấy vài bữa sau dì tao bị dượng đánh bầm giập như trái dưa gang!
Huệ thốt lên “ ối “ một tiếng, đưa tay đặt lên ngực, nói bằng giọng phẫn nộ:
- Dượng của chị ác như quỷ. Đánh như vậy chết người ta còn gì?
Nhành treo cái áo vô mắc bằng nhựa, đi quanh quẩn trên trên sàn gác chật chội hệt như con chốt đang vu bí vào ô tướng:
- Chết thì chưa thấy mà chỉ thấy dỉ đẻ liền một lúc bốn cô công chúa! Nói ông dượng là đồ ác nhơn thì hơi quá lời. Dì tao tánh vụng về, lểnh lảng[4] lại không được siêng năng cho lắm. Thử nghĩ mà coi, ông chồng đi làm mệt phờ râu, vậy mà về nhà thấy cơm chưa nấu, nhà chưa dọn dẹp, quần áo thì ngâm trong thau mấy ngày chưa giặt bốc mùi chịu không thấu, thì có đáng đánh đòn không?
Huệ gật đầu tán thành rồi nói:
- Đúng là dì của chị hơi quá đáng, nhưng dù sao đi nữa cũng không được đánh phụ nữ nhứt là người đàn bà từng đấu ấp tay gối với mình. Em có tính thù dai chỉ cần tán[5] một cái là em thù suốt đời. Nghe nói bên châu Âu phụ nữ được ưu tiên số một, chỉ việc xúc phạm bằng lời nói cũng bị lôi thôi đến pháp luật rồi.
Nhành nói ghẹo:
- Biết vậy sao không đầu thai ở bển, làm người da trắng, tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ có sướng hơn không, ai biểu làm người da vàng, mũi tẹt chi cho khổ cái thân.
Nhành ngồi xuống bên cạnh Huệ để đón gió từ cái quạt máy thổi ra. Tóc cô bay lật phật ra phía sau. Huệ hỉnh hỉnh cánh mũi, nhăn mặt nói:
- Chị uống nhiều rượu lắm hả? Thở ra toàn mùi cồn!
Nhành chột dạ, chớp chớp mắt mấy cái:
- Đâu có. Buồn quá uống chơi vài ly vậy mà. – Sợ Huệ tiếp tục hỏi đon hỏi ren Nhành bèn lái sang chuyện khác:- À, mày kiếm được việc gì chưa?
Huệ không biết trả lời như thế nào, cứ lúng búng trong miệng, bàn tay mặt gãi sột sột lên chỗ muỗi cắn. Nhành suy nghĩ vu vơ, liên tục ngáp dài.
- Còn chị?
- Bí mật! Thiên cơ bất khả lậu.
Huệ tỏ vẻ sốt ruột:
- Lúc nào chị cũng úp úp, mở mở làm người ta bắt mệt! Nói trắng[6] ra có được không.
Nhành im lặng nghĩ thầm, chuyện này chẳng giấu được lâu. Thế nào cũng bị mọi người “ lên lớp “ là thiếu vì việc không lựa lại lựa cái nghề chè chén với đàn ông. Ai nói gì thây kệ, chuyện mình mình làm. Tốt hơn hết, đợi đông đủ nói thẳng[7] ra, để đến lúc lòi chưn tướng thì mắc cỡ lắm.
- Sao chị Hiếu lâu về quá ha? Luôn con Trang nữa.
Nhành cựa mình như con sâu đo, nói:
- Công nhận nghen. Hễ đầy đủ cả nhà thì bực mình. Gây lộn, chửi lộn um sùm trời đất. Nhưng thiếu một người thì thấy buồn. Ông Trời bắt chị em mình phải dính chặt như sam.
Huệ mấp mấp máy môi chưa kịp lên tiếng thì đèn điện bỗng tắt ngấm. Không hiểu sao dạo này mấy ông nhà đèn hay cúp điện bất tử. Nhành đưa mắt nhìn ra phía ngoài. Cả xóm đều tối tăm như hũ nút. Từ nhà kế bên vọng qua tiếng con nít khóc nhiếu nháo, tiếng cự nự của Hai cạo heo đang cơn say rượu, tiếng kêu réo ầm ĩ của bà vợ lắm điều, tiếp theo là tiếng lẻng xẻng đồ sành sứ, thủy tinh.
- Đi kiếm mấy cây đèn cầy mau.
- Tối thui biết đâu mà lần?
Nhành bực bội, mò mẫm trong bóng tối, đầu húc vách đau điếng. Rốt cuộc cô cũng kiếm được cây đèn cầy cong vòng bị gãy làm ba khúc.
- Hộp quẹt đâu?
- Em đâu biết!
Nhành nạt lớn:
- Mày cứ như người từ trên trời rớt xuống, cái gì cũng hổng biết! Mò dưới đống mùng mền coi có hay không? Hồi nãy tao thấy trờ trờ [8] mà.
Rị mọ một hồi không kiếm được cái hộp quẹt, hai người đành ngồi im trong bóng tối. Mỗi người quấn quýt theo những ý nghĩ riêng của mình. Huệ lấy tấm mền mỏng cuốn lên mình để tránh muỗi. Cô thầm ao ước, giá chi ngồi bên cạnh cô không phải là chị Nhành mà là Hoạt thì hay biết mấy! Lúc đó, mấy ông nhà đèn[9] cứ việc cúp điện, cúp cả đêm, cả năm thậm chí cả đời cô cũng không thấy ngán. Không biết lúc này ảnh có nhớ đến mình không ha? Còn mình lúc nào cũng thấy nhớ, nhớ da nhớ diếc, nhớ tím ruột bầm gan!
Ai cũng nói Huệ là người nhiều mơ mộng. Hồi còn đi học, mặc dù học lực chỉ ở mức trung bình nhưng cô lại mơ thành cô giáo cấp hai! Bạn bè cười ghẹo:
- Học ngu như mày thành công nhân quét rác còn chưa xong chớ đừng nói theo nghề gõ đầu trẻ. Mày mà là cô giáo thì cả thiên hạ đều thành tiến sĩ hết trơn!
Nhà nghèo, quanh năm, suốt tháng chỉ ăn toàn nước mắm kho quẹt. Trong nhà thiếu gì thì thiếu nhưng lúc nào cũng có sẵn chai nước mắm loại ba. Trước mỗi bữa cơm, bà nội bắc cái nồi nhôm đen sì, móp méo lên bếp, chờ cho nồi thiệt nóng, chế mấy muỗng nước mắm, tiêu, bột ngọt, nếu có vài muỗng mỡ nước thì.. chậc..chậc.. không có cũng xong. Xong xuôi, hai bà cháu ngồi bệt giữa nhà. Cứ và một và cơm thì lấy đũa quẹt lên đít nồi một cái rồi cho vô miệng. Vị mặn đậm đà của nước mắm, vị cay cay của tiêu, vị béo của mỡ khiến cô ăn không biết no, nhứt là những buổi trời lạnh lùng, rét mướt thì không có món nào sánh bằng. Nhưng ăn riết cũng phát ngán, đến nỗi mỗi khi dòm thấy là cô bắt ớn.
Bà nội nói:
- Cố mà ăn đi con vì đó là sự sống, khi nào ta còn ăn được có nghĩa là ta vẫn còn tồn tại. Miếng ăn là miếng vinh và cũng là miếng nhục, nhưng vinh hay nhục gì thì cũng cần phải sống. Sự sống là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người, hủy hoại nó là có tội.
Huệ hỏi:
- Vậy sao có người sanh ra được ăn ngon, bận đẹp, nhà cao cửa rộng, gạo lúa ắp lẫm[10] đầy bồ. Còn nội với con lại phải ở chốn dột nát, ăn khổ, bận rách, nội giảng giải con nghe thử coi!
Bà nội nhắm chặt đôi mắt, ghiền ngẫm như nhà hiền triết, lát sau nói:
- Bởi vì tiền căn nội với con là những kẻ gây nên tội lỗi tày đình nên kiếp này phải chịu trả báo. Số phận mỗi con người đã được ông Trời an bài từ trước, không cượng[11] lại được đâu, con à.
- Nhưng mà, con nghe nói người ác phải đầu thai làm trâu để kéo cày, làm ngựa để kéo xe, làm chó để giữ nhà để trả nợ tiền kiếp. Nội với con là người chớ đâu phải là thú!
- Con hiểu trật rồi. Kỳ thực chúng ta chỉ có ba phần người, còn bảy phần là thú vật. Con thấy hôn, thiên hạ có coi chúng ta là người đâu. – Nội thở dài:- Chúng ta chỉ là những con thú bất đắc dĩ phải đội lốt người thôi con à!
Huệ cắn răng suy nghĩ, rồi nói đầy tự tin:
- Ông Trời thiệt bất công sanh ra người thế này lại có kẻ thế kia! Con thề cãi lại số phận cho ổng trắng mắt ra! – Giọng Huệ hùng hồn:- Con sẽ là một con người đàng hoàng đúng nghĩa thực sự, con phải được ăn ngon, mặc đẹp, có cao cửa rộng, có tất cả như bao người khác!
Bà nội khuyên can:
- Đừng đội đá vá trời, con ơi, không ai có thể cãi được số kiếp mà ông Trời đã định đâu. Nếu muốn sung sướng đời sau thì kiếp này phải tu nhơn tích đức.
- Con không cần kiếp sau xa xôi, lâu lắc mà chỉ cần kiếp này thôi!
Để sống và cãi lại số mệnh Huệ đã huyễn hoặc chính mình. Ăn nước mắm kho quẹt cô tưởng tượng đến những bữa tiệc ê hề thịt cá, đầy đủ cao lương mỹ vị, giống như chuyện tiếu lâm anh học trò nghèo với con cá rô cây. Không ngờ cái trò đánh lừa cũ rích ấy lại có hiệu quả. Cô ăn rất ngon miệng, ăn đến no ễnh bụng, khiến áo cô mỗi ngày càng chật và ống quần càng cụt ngủn. Ít ai ngờ cái món nước mắm kho quẹt mặn đắng ấy đã nuôi cô khôn lớn, trở thành cô gái đẹp.
Bây giờ Huệ ước mơ có một mái nhà, bên cạnh người chồng tốt với những đứa con. Những ước mong bình thường giản dị trong tầm tay mỗi kiếp người mà sao với cô thì xa vời vợi. Tại sao tất cả mọi người đều có mà cô thì không? Huệ tự hỏi và không sao tìm ra lời đáp. Bất giác, cô chợt nhớ câu danh ngôn đã từng đọc trên sách “ Hạnh phúc ví như viên ngọc quý, muốn có được phải dấn thân tìm kiếm chớ không ai dâng tặng cho mình “. Huệ nghĩ thầm, niềm vui lớn nhứt của người phụ nữ là gia đình. Gia đình bao gồm hai vợ chồng, các con và một mái nhà thiếu một những thứ đó thì không thể gọi là gia đình. Hoạt yêu cô. Hai người sẽ nên vợ nên chồng sẽ sanh con đẻ cái điều này là hiển nhiên, bởi Huệ luôn vững tin tình yêu chân thành anh dành cho cô. Nhưng đấy vẫn chưa thể gọi là gia đình khi mà ngôi nhà ước mơ vẫn còn trong trí tưởng tượng! Phải có một ngôi nhà! Phải có một ngôi nhà! Ngôi nhà sẽ là đáp số căn bản giải bài toán đời rối rắm....Những ý nghĩ dai dẳng bám riết trong đầu Huệ không lúc nào nguôi.
Nhành nhớ lại chuyện hồi chiều, khi cô tỉnh rượu, không thấy Hường đâu, chỉ có miếng giấy lí tí chữ như cua bò “ Tao đi làm đây! Chừng nào về nhớ tắt đèn, khóa cửa cẩn thận. Nhớ mua đầy đủ những thứ tao dặn, nếu không có tiền thì tao cho mượn không lấy lời. Sáng mai tao mới về nhà...”
Đèn điện bỗng nhấp nháy mấy cái rồi vụt sáng, Huệ vỗ tay reo lên như con nít. Nhành lườm mắt, nói bằng giọng khó chịu:
- Có gì đâu mà om sòm vậy, bộ lần đầu tiên mới thấy đèn điện hả?
Huệ có cái tật không sao chừa được. Cúp điện rồi có điện trở lại là Huệ vỗ tay reo hò như con nít thậm chí còn nhảy cà tửng. Mấy chị la hoài nhưng vẫn tánh nào tật nấy.
Có điện, cái quạt máy khô dầu bắt trớn không nỗi chỉ phát ra những tiếng è..è… Nhành lấy cái que nhỏ ẩy ẩy cánh quạt. Có trớn, cái quạt bắt đầu quay chậm chậm rồi nhanh dần. Huệ đang ngân nga mấy câu vọng cổ trong tuồng “ đêm lạnh chùa hoang “ “…Sơn ca! tiệc rượu chưa tàn sao Sơn ca đã vội đi xa? Hãy ở lại đây cùng với thiếp uống cạn hết ly …” chưa kịp xuống xề thì nghe phía dưới nhà bỗng đánh rầm một cái, tiếp theo là tiếng rên se sẽ. Nhành và Huệ cùng nhìn nhau ngơ ngác, Nhành nói:
- Chuyện gì vậy? Chắc là chị Hiếu. Xuống coi thử.
Không phải Hiếu mà là Trang. Trang nằm sóng soải trên nền gạch, chiếc xe đạp đè lên mình. Không hiểu sao Trang không ngồi dậy mà cứ nằm yên. Nhành xông tới dựng chiếc xe lên. Trang vẫn nằm im như xác chết, không cựa cạy.
- Trang! Trang! – Nhành kêu thất thanh, đưa tay rờ lên trán rồi giựt mình la toáng lên:- Chết cha! Con nhỏ bị nóng quá. Huệ lợi[12] phụ tao, lẹ lên! Chàng ràng ở đó làm gì?
Trời không mưa mà người Trang thì ướt mem và nóng như cục than trong lò vừa đụng vô, Huệ đã rụt tay lại. Nhứt định Trang đã bị trúng nước rồi. Phải làm mau mau, để lâu thì găng lắm. Trong khi Huệ chạy lên gác kiếm quần áo khô ráo, thì Nhành tranh thủ cởi bộ đồ ướt trên mình Trang, lấy khăn lau tóc. Huệ chạy xuống, phụ Nhành thay quần áo. Chật vật lắm hai người mới hoàn tất công việc. Trang bỗng hé răng, nói trong mê sảng:
- Hãy tha thứ cho em!
Nhành đưa tay vỗ vỗ lên mặt Trang:
- Trang ơi, tỉnh lại đi, đừng làm tao sợ!
- Hãy tha thứ cho em! – Trang phều phào mấy tiếng rồi nghẹo đầu qua một bên.
Nhành la lên:
- Huệ, lấy cho tao chai dầu xanh, mau!
Huệ luống cuống như gà mắc tóc, hết trèo lên gác rồi nhảy xuống đất, kiếm hoài mà hổng thấy. Chai dầu trốn biệt ở đâu rồi.
- Con nhỏ này! – Nhành nộ lên như Trương phi xung trận. Trực nhớ ra cô thò tay vô túi áo. Chai dầu nằm trong trỏng.
- Trời ơi, vậy mà chị bắt em chạy toát mồ hôi!
- Thôi, không nói nữa. Mày lật nó qua để tao cạo gió!
Huệ trải mền xuống đất, lật úp Trang, rồi vén áo tới bả vai. Nhành thoa dầu khắp mình mẩy, lấy cái muỗng ăn cơm cạo mạnh. Mới cạo có mấy cái đã bầm đỏ.
Nhành than:
- Gió nhiều quá trời! Toàn gió hột.
Nhành cắn răng, cầm cả hai tay cạo thật mạnh. Huệ thốt lên:
- Nhẹ tay thôi chị, cạo như vậy nó chết làm sao?
- Chết iếc gì. Cạo như vầy mà nó còn nằm im không cục cựa thì mới chết!
Cạo lưng xong, Nhành quây qua cạo hai cánh tay rồi lật ngửa người Trang lại, cạo ngực. Không hiểu sao, lúc “ dầu sôi lửa bỏng “ như vầy mà Huệ lại thốt ra một câu hết sức vô duyên vô dùng:
- Chèn ơi, cặp vú của nó đẹp quá hén, chị Nhành, dòm là muốn bóp liền hà!
Nhành vừa bực mình vừa tức cười, cô bặm chặt môi, co chưn đạp Huệ một cái té chổng gọng.
Trang vẫn nằm im bất động, gương mặt trắng xác không còn chút máu.
- Tỉnh lại đi Trang! Tỉnh lại đi.
- Hay là mình đưa nó đi nhà thương hả chị?
- Trước tiên phải làm cho nó tỉnh lại.
Đoạn Nhành hất hàm hỏi:
- Trong nhà còn gừng hôn?
- Còn, nhưng để làm gì?
- Nấu nước gừng đổ vô miệng nó, hiểu chưa?
Huệ lăng xăng nhúm lửa. Cái bếp dầu bị thấm nước, ngún khói bay mù mịt một lúc rồi cháy le lói. Trên này, Nhành lấy cái mền quấn quanh người Trang như đòn bánh tét. Chừng năm sau, Huệ bưng lên chén nước gừng với cái muỗng cà phê. Nhành ra lịnh:
- Cạy miệng nó ra!
Huệ rắm rắp làm theo. Nhành múc từng muỗng đổ vô đến khi trong chén không còn một giọt.
Những cơn gió bất chợt thổi rung mái nhà. Lúc này thần sắc của Trang đã bắt đầu tươi tỉnh, tuy nhiên cô vẫn nằm im như khúc gỗ. Lau nhà xong, Huệ trải chiếu ra giữa nhà rồi phụ Nhành đặt Trang nằm ngay ngắn. Huệ nhìn Trang lắc đầu mấy cái, nói:
- Em không hiểu tại sao mình mẩy nó ướt như chuột lột nữa. Có mưa gió gì đâu. Hay là nó té sông té suối, không biết.
Như Lục Bình Trôi Như Lục Bình Trôi - Khúc Thụy Du