Tác giả: Khúc Thụy Du
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 108
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7743 / 28
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 -
gân thức giấc thì không thấy Huệ nằm bên cạnh nữa, cả chiếc xe đạp cũng không thấy. Ngân cuốn chiếu, dẹp gối lên gác rồi đi rửa mặt. Ngân không có thói quen ngủ trưa nhưng từ khi lên thành phố chẳng có việc gì làm nên sanh tật ngủ ngày. Không hiểu sao mỗi lần ngủ dậy là người cô uể oải, tay chưn rã rời. Ngước nhìn đồng hồ thấy hãy còn sớm, Ngân tranh thủ đi tắm rồi viết thơ gởi về nhà. Không muốn gia đình lo lắng cho mình, cô đành phải nói dối rằng mọi việc đang diễn ra rất thuận lợi, đã xin được việc làm và chỗ ở cũng rất tốt.... Tóm lại Ngân đã sáng tác nên một tác phẩm hoàn toàn hư cấu, có hậu. Nhét thơ vô phong bì rồi dán lại bằng mấy hột cơm nguội. Trước khi ra khỏi nhà Ngân viết mấy chữ để lên bàn” Ngân về trễ, mọi người ở nhà cứ ăn cơm trước, đừng chờ.” Sau đó Ngân cẩn thận tắt công tắc điện trong toa lét, coi lại cửa nẻo rồi mới thong thả dắt xe ra đầu hẻm.
oOo
Hôm nay Xí nghiệp may chỉ có ít việc, chỉ làm trong buổi sáng là hết. Trong khi chờ việc, mọi người ngồi túm tụm tán phét, kể chuyện tiếu lâm, chuyện tình yêu trai gái huyên náo cả phân xưởng. Đến giờ cơm, tất cả kéo xuống nhà ăn. Ăn xong lại nằm ngồi vật vờ và tiếp tục những câu chuyện vô bổ, không đầu không đuôi. Xế trưa, bà Trần bước vô, thông báo mọi người được về sớm. Trong khi mọi người lục tục kéo nhau ra về thì Hiếu ôm quần áo đi vô nhà tắm Xí nghiệp tranh thủ tắm gội. Hổm rày, đường ống cái dẫn nước chẳng may bị đội thi công cầu đường vô ý làm bể khiến cả khu vực gần như bị mất nước hoàn toàn, buộc lòng phải mướn người gánh, mỗi đôi bốn chục lít với giá hai ngàn đồng, mắc gấp mấy chục lần so với giá chính thức, vì thế phải tiết kiệm tối đa. Trong khi tắm chợt nhớ đến cuộc hẹn trong chốc nữa với bà Trần, Hiếu thấy lòng dạ rối bời. Nỗi lo sợ mơ hồ ám ảnh khiến cô bị kích động đến nỗi hầu như không tự chủ được đôi tay, liên tục làm rớt các thứ. Sáng nay, vừa đặt chưn vô phân xưởng đã thấy bà Trần đứng chờ sẵn ngay lối đi, Hiếu chưa kịp gật đầu chào thì bà đã lẹ miệng nhắc tới cuộc hẹn chiều nay. Rồi ba ta ngó cô chằm chằm:
- Chà, em bận chiếc áo cụt tay màu xanh da trời trông rất đẹp.
Hiếu đứng chết trân, miệng cười như mếu, đôi tay thừa thãi cứ mân mê vạt áo, miệng ấp úng không sao thốt lên thành lời. Bà Trần bật cười:
- Coi kìa, cứ như con gái mới về nhà chồng!
Hồi lâu, Hiếu nói lí nhí:
- Bữa nay, em bị kẹt chắc là không tới được, chị thông cảm..
Bà Trần nghiêm mặt, tỏ vẻ khó chịu, đôi chưn mày chau lại sắp chạm vào nhau:
- Em đừng tìm cách “ chém vè “ nghe chưa! Tôi không thích như vậy đâu.
Hiếu vẫn dán mắt nhìn xuống. Ở phân xưởng này ai còn lạ vì tính khí của bà Trần. Bà mà nổi giận thì Thiên Lôi còn chịu thua nữa là. Cách tốt nhứt là ngoan ngoãn nghe lời rồi tùy cơ mà ứng biến, vả lại chuyện thiên hạ đồn đãi chắc gì là thiệt. Mình lại đang nhờ vả người ta, nghĩ vậy, Hiếu cảm thấy phần nào bớt sợ. Cô bạo dạn ngửng mặt lên nhìn thẳng vào mặt bà Trần, trả lời nhỏ nhẹ:
- Em sẽ tới! Chắc chắn là vậy.
Gương mặt bà Trần giãn ra nhẹ nhỏm. Cái miệng đang mím chặt bỗng nở hoa:
- Ừ, phải vậy chớ! Tôi mến Hiếu nên mới phải hạ mình như thế. Ngay cả ông giám đốc còn chưa hân hạnh được đặt chưn đến nhà tôi nữa là. Họ chẳng ưa gì tôi và tôi cũng chẳng ưa gì họ, chẳng qua là mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi mà thôi. Hôm nay Hiếu đi làm bằng gì?
- Dạ, vẫn vậy, xe đạp ạ.
Bà Trần gật đầu, nói:
- Tốt, chiều nay tôi sẽ đón Hiếu về luôn thể.
..Từ nhà tắm, Hiếu xớn xác bước ra chút nữa đầm sầm vô bà Trần đang đứng sừng sững ngay lối đi. Hiếu lúng túng làm rớt chiếc khăn ướt khoác trên vai. Bà Trần cúi xuống lượm lên, đôi mắt đóng đinh vào ngực áo thấm nước.
- Mình đi thôi, Hiếu à.
Nói xong, bà Trần xây người bước đi. Hiếu chầm chậm đi theo, khoảng cách nới ra dần. Đi được một đoạn bà Trần ngừng lại, có ý chờ. Ra tới bên ngoài, bà Trần nói:
- Tôi đi lấy xe, Hiếu chờ một chút! Chiếc xe đạp cứ để lại bãi giữ xe Xí nghiệp. Cục sắt vụn đó có cho cũng chẳng ai thèm lấy.
Hiếu gật đầu như cái máy. Tự nhiên lại thấy run. Đi vài bước bà Trần ngoáy cổ nhìn lại như sợ Hiếu bị bốc hơi. Chừng hai phút sau bà Trần rà xe tới, thắng “ két ” một cái, rồi giục Hiếu ngồi phía sau xe. Hiếu làm theo răm rắp. Bà Trần rồ ga phóng nhanh ra phía cổng bảo vệ. Anh nhân viên vội lách sang một bên nhường chỗ. Ra đến đường cái, bà Trần nói:
- Hiếu có biết chạy xe không?
Hiếu hai tay bám chặt vào cái ba ga mạ kền sáng loáng, trả lời:
- Không, em đã thử một lần và chút nữa phải nhập viện! Cũng may là chỉ làm bể cái tủ kiếng. – Hiếu ngừng nói, đưa tay vén tóc:- Lần đó phải đền gần trăm ngàn. Nhớ tới là thấy run!
- Nhà quê! – Bà Trần bật cười sang sảng:- Bữa nào rảnh rang, tôi hướng dẫn vài buổi là có thể chạy vù vù!
Hiếu lắc đầu từ chối:
- Thôi chị à, em sợ làm phiền người khác lắm!
- Lại là câu nói đó! Sao mà ghét quá, không biết! Một khi đã trở nên thân tình, Hiếu sẽ thấy tôi không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ.
Hiếu im lặng, hồi hộp, người cứ cứng đơ như khúc cây. Bà Trần day mặt lại nói:
- Đừng có căng thẳng như vậy, hãy buông thõng ra, người hơi chồm về phía trước, như vầy..như vầy...- Bà Trần làm động tác mẫu cho Hiếu bắt chước.
Đường phố vào giờ tan tầm trở nên đông đúc và ngột ngạt. Chiếc xe gắn máy cua một vòng hình bán nguyệt rồi dừng lại trước ngôi chợ chiều đang diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Bà Trần tắt máy, xuống xe và đi thẳng vô chợ. Hiếu ngồi yên trên xe, mắt nhìn loanh quanh. Những chiếc xe gắn máy, cũ mới lẫn lộn, màu sắc loè loẹt đậu thành hàng ngang trước mặt tiền chợ. Bên cạnh Hiếu, một người đàn ông đang ngồi lắc lư trên xe mắt lướt qua mấy trang thể thao. Phía bên tay mặt, một người đàn ông râu ria lỡm chởm nằm hẳn trên xe, miệng rên rỉ hát bài “ tình anh bán chiếu”. Ông ta hát dở đến mức mấy người gần đó phải bịt chặt tai lại. Lát sau, bà Trần trở ra với hai chiếc túi xách nặng ỳ. Hiếu trố mắt, nói:
- Chỉ có một mình mà chị mua nhiều vậy?
Bà Trần trao các thứ cho Hiếu giữ, rồi nổ máy:
- Trộng tuổi rồi, động đến chất béo là người cứ phì ra. Tôi cữ ăn gần cả năm, nhưng tối nay là một ngày đặc biệt phải tươi tắn một chút.
Bà Trần sống ở khu cư xá yên tĩnh, hoàn toàn tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Con đường nội bộ trải nhựa phẳng phiu. Vài đứa con nít đang tập đi xe đạp ba bánh, tiếng cười như nắc nẻ. Bà ta dừng xe trước ngôi nhà lầu ba từng, được kiến trúc theo kiểu nửa Hồi giáo, nửa hiện đại. Phía trên có mấy bồn hoa cúc vàng choé. Nhức mắt. Với Hiếu chơi hoa là món hàng xa xỉ của những kẻ nhiều tiền lắm của, vô công rỗi nghề. Bà Trần rút chùm chìa khoá gắn ở cổ xe, tra vô ổ khoá bằng đồng thau, lớn bằng nắm tay. Một tiếng “ tách “ khô khốc vang lên, cánh cửa bằng tole dày xám xịt hé ra, cái bản lề khô dầu phát ra những tiếng kêu ken két rợn cả ốc ác.
- Một mình chị ở trong ngôi nhà lớn vầy sao?
- Ờ, kể cũng hơi lạnh lẽo. Tôi định bán quách nó đi mua căn khác nhỏ hơn.
- Chắc cũng đến cả trăm cây hả chị? – Hiếu đoán.
Bà Trần phì cười, ánh mắt giễu cợt sau lớp kính cận dày cộp:
- Một trăm cây thì chỉ mua được một phần ba ngôi nhà thôi! Nhà này của ông già để lại, tôi là người thừa kế.
Có vô đến bên trong mới thấy hết cái giàu có, sang trọng của chủ nhà. Toàn bộ nội thất đều lộng lẫy, sáng choang. Có những thứ mà từ hồi cha sanh, mẹ đẻ tới giờ Hiếu chưa bao giờ nhìn thấy. Thấy Hiếu đang dán mắt vào bức tranh vẽ tĩnh vật treo lủng lẳng trên tường, bà Trần nói:
- Hiếu đoán thử coi giá bao nhiêu?
- Chắc vài trăm ngàn, hoặc cao hơn một chút, mà cũng có thể ít hơn.
- Cái gì. Trăm ngàn ư? Đúng một ngàn đô đó, cô ngốc ạ. Người gì mà cứ như từ trên trời rớt xuống!
Hiếu giựt mình thốt lên:
- Tới mười lăm triệu lận sao? Úi cha, vẽ một bức có thể sống đàng hoàng cả năm! Em nghe lỗ tai nó lùng bùng!
- Bây nhiêu thì ăn nhằm gì! Có bức lên đến bảy, tám triệu đô nữa là. Nghe đồn, nước Nga sau Cách mạng Tháng mười chỉ bán có vài bức tranh mà đã đủ tiền để vực dậy cả nền nông nghiệp lạc hậu đó, nghe có ghê không?
Trong khi Hiếu dọn thức ăn lên bàn thì bà Trần đã kịp tranh thủ đi tắm và thay bộ đồ mặc trong nhà bằng vải mềm bóng mượt, màu sáng trông rất thanh lịch.
Hiếu khen:
- Trông chị trẻ và đẹp hẳn ra!
Bà Trần ngồi xuống cạnh Hiếu, mùi dầu thơm “ Cindy” bốc ra nặc mũi. Trên bàn ê hề thức ăn. Toàn là những món ăn liền theo tiếng không phải chế biến lách cách mà những người sính ngoại ngữ kêu là “ fast food “, một con vịt quay mập ú vàng xuộm, thịt nguội, mấy món chả, trái cây, bánh mỳ và gần một chục lon bia. Hiếu tính toán, bữa tiệc này phải tốn hơn trăm ngàn.
- Uống bia nghen?
Hiếu muốn từ chối nhưng thấy không tiện nên đành im lặng. Bà Trần khui bia, rót vào hai chiếc cốc pha lê óng ánh rồi cho vào mấy cục nước đá nhỏ.
- Nào cạn ly, chúc mừng...- Bà Trần nghĩ ngợi rồi nói to lên:- Mừng ngày rồng đến nhà tôm!
- Chị nói! Em đâu phải là rồng xanh đi mây về gió ở tận chín từng mây, bất quá em chỉ là rồng đất thôi!
- Ừ thì, rồng đất cũng là rồng! Dzô!
Hiếu nhập một ngụm bia thấy đắng nghét cổ họng định phun ra. Bắt gặp cái nhìn của bà Trần đành phải nuốt trở vô rồi nhăn mặt nói:
- Chịu thua, em không quen xài thứ này.
Bà Trần cố nài ép. Từ chối không được nên đành phải gồng mình ra mà uống. Cạn lon thứ nhứt, Hiếu thấy đầu óc quây vòng vòng như cái chong chóng. Bà Trần lại khui thêm lon nữa.
Chị đừng khui nữa. Em mà uống thêm chắc có nước ngủ luôn ở đây.
- Thì ngủ ở đây có sao đâu! Nhà tôi có thể chứa được cả đại đội lính. Tôi ngủ một mình cũng buồn lắm.
Hiếu lạnh xương sống, nhìn bà Trần e dè cảnh giác. Trong lúc Hiếu đang nghĩ cách rút êm thì bà Trần lại cụng ly và nói:
- Cuộc đời này chó đẻ lắm! Phải uống thiệt say để quên hết sự đời, quên luôn mình là ai!
Lại uống. Hết lon thứ hai đến lon thứ ba Hiếu bắt đầu muốn lộn mửa, cô đưa tay vuốt ngực cho nó chạy xuống, rồi đưa tay đầu hàng:
- Thôi, em về đây! – Nói xong, Hiếu dợm đứng dậy.
Bà Trần bỗng dằn mạnh cốc bia lên bàn, mắt cúi gầm xuống đất. Lúc sau, ngửng lên, đôi mắt rắc đầy tro tàn và nói bằng giọng nói thì buồn thảm:
- Hiếu ngồi xuống đi. Tôi sẽ kể cho Hiếu nghe chuyện đời tôi rồi muốn làm gì, đi đâu tùy ý, tôi không dám cản.
Hiếu miễn cưỡng ngồi xuống. Bà Trần nốc bia ừng ực, nói:
- Người ngoài nhìn vô cứ nghĩ rằng tôi là người sung sướng nhứt, hạnh phúc nhứt, khó ai có thể sánh bằng. Tôi có một ngôi nhà to đẹp, một chỗ làm tốt, thu nhập cũng không đến nỗi tồi. Nếu tôi nói mình là người bất hạnh thì thiên hạ sẽ cười vô mặt!
Bà Trần ngừng nói, lại nốc bia. Hiếu im lặng khẽ gật đầu tán thành, cố nhấp ngụm bia chiều lòng gia chủ.
- Nhưng đó chỉ là những thứ hào nhoáng bên ngoài để đánh lừa người khác. Tôi đã cố tình làm như vậy, bởi vì nỗi đau của mình nếu không gặp được người sẻ chia đồng cảm thì phỏng có ích gì, mà có khi lại đón nhận những ánh mắt trêu ghẹo, kích bác, những cái bĩu môi chế giễu. Và nếu điều đó xảy ra, tôi không biết mình có thể sống nổi hay không. Suốt trong một thời gian dài, tôi đã sắm cho mình một gương mặt người khác và tôi rất bằng lòng với nó. Hiếu có biết không. Mỗi ngày sau giờ làm việc trở về, tôi lại sống lặng lẽ với cái bóng của mình, gặm nhấm nỗi cô đơn bằng rượu mạnh và khói thuốc. Tôi đã tự hỏi, cả hành tinh chật ních người mấy tỉ người sao tôi lại không có đến một người thân? Quả đất rộng mênh mông sao tôi lại không có một nơi trú ẩn? Nhân loại đang dần xích lại gần nhau hơn, sao tôi lại càng trở nên xa lạ? Tôi đã hỏi, hỏi rất nhiều nhưng chẳng bao giờ tìm được câu đáp. Có lúc tôi muốn tìm đến cái chết cho rãnh nợ....
Bà Trần im lặng, cựa mình trong đau đớn. Hiếu cũng bị cuốn hút theo, không ngờ người đàn bà bề ngoài có vẻ lạnh lùng sắt đá lại có nỗi khổ dường kia. Bà Trần cầm lấy cốc bia tu một hơi rồi đặt xuống bàn, câu chuyện được tiếp tục bằng giọng rè rè, khản đặc:
-..Tôi sanh ra trong một gia đình danh giá, giàu có, nổi tiếng khắp thành phố. Ba tôi vốn gốc gác người Hoa nhưng đã nhập quốc tịch Việt Nam được học hành tử tế, ông là tiến sĩ luật học thời chế độ cũ. Sau giải phóng ông không đi dạy ở trường đại học nữa mà về nhà ẩn vật chờ thời. Ba lấy má khi má còn là sinh viên văn khoa. Má tôi là người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và rất đỗi lãng mạn. Tuổi tác hai người có khoảng chênh lệch khá xa vì ba lớn hơn má tới mười lăm tuổi. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng của nó, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Quen nhau gần một năm thì hai người chính thức đi tới hôn nhân. Và cũng thời gian như vậy tôi ra đời. Ba tôi muốn có thêm đứa con trai nữa để có người nối dõi. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, má tôi bỗng bị chứng u nang quái ác phải cắt bỏ cả buồng trứng. Và tôi nghiễm nhiên trở thành đứa con duy nhứt. Vài năm sau khi cơ chế đã thông thoáng, ba tôi gom hết số vàng dành dụm thời trước giải phóng thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn. Và trở thành đại lý độc quyền phân phối hàng điện tử cho một thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài. Công việc kinh doanh thuận lợi như diều gặp gió, tiền vô như nước và ba cũng thường xuyên không có mặt trong các bữa cơm gia đình. Má tôi hãy còn trẻ luôn cần có người bên cạnh nâng niu, chiều chuộng, vuốt ve, mơn trớn…Thỉnh thoảng chợt thức giấc nửa đêm, tôi thấy má ngồi lặng lẽ bên cửa sổ hàng giờ liền. Ba không phải là người vô tình, chẳng qua ba quá tham công tiếc việc mà thôi. Mỗi chuyến đi xa về ba đều có quà cho má, cho tôi. Lúc nào rảnh rang, ba đưa cả nhà đi ăn tối ở những nhà hàng nổi tiếng trong thành phố rồi đi coi phim, ca nhạc..Nhưng bấy nhiêu là quá ít so với nhu cầu của người đàn bà đang khao khát tình yêu mãnh liệt. Thế rồi chuyện gì tới vẫn phải tới. Một lần tình cờ tôi mục kích cảnh má tôi đang nằm trong vòng tay người đàn ông khác trong một khách sạn hạng sang. Ngay hôm ấy tôi lặng lẽ cuốn hết đồ đạc đến tá túc nhờ nhà đứa bạn thân học cùng lớp. Cả nhà nháo nhác, chạy ngược chạy xuôi cả tuần sau mới tìm thấy và đưa tôi trở về. Tôi không dám hé răng chuyện tày trời cho ba biết, vì sợ ông không chịu nổi cú xốc quá lớn mà chết không kịp nhắm mắt! ( ba bị chứng cao huyết áp mãn tính). Má đã khóc lóc van xin tôi tha thứ và giữ kín chuyện chẳng hay ho. Tôi miễn cưỡng chấp nhận và đưa ra điều kiện má phải chấm dứt chuyện này. Má hứa. Nhưng tôi không thể nào quên được chuyện cũ. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi lại thấy cảnh tượng đó diễn ra trước mắt, tôi trở nên lầm lì ít nói và học hành chểnh mảng. Từ một học sinh giỏi luôn đứng nhứt nhì lớp, tôi lọt xuống cuối sổ. Tuy ngoài miệng nói đã tha thứ má nhưng trong lòng tôi vết thương vẫn còn ứa máu. Thân cây đã bị một vết chém thì suốt đời không thể nào liền thẹo! Nỗi ám ảnh kéo dài gần hai năm thì ba tôi chẳng may qua đời vì tai nạn ô tô. Một chiếc xe hàng đã tông thẳng vô ba rồi chạy mất. Công an không tìm ra thủ phạm. Gần nửa năm sau má lấy chồng khác. Chồng sau của má không ai khác hơn gã đàn ông trong khách sạn! Lúc ấy, tôi mới vỡ lẽ ra một điều, thì ra má vẫn lén lút quan hệ với người đàn ông đó trong suốt thời gian qua. Rằng má đã lừa dối tôi! Tôi phát điên, liên tục nói nhảm và có những hành động kỳ quặc. Phải điều trị ở bịnh viện tâm thần gần một tháng. Sau khi về nhà, tôi không còn là tôi nữa. Tôi tránh tất cả cuộc tiếp xúc với gã đàn ông lạ mà má buộc tôi phải gọi là ba, thậm chí có lần tôi nhổ toẹt vào mặt hắn, mặc dù bề ngoài coi bộ hắn đối xử với tôi rất tốt, nhưng tôi có linh tính hắn là con sói độc ác đang đội lốt cừu. Kể đến đây giọng bà Trần vút lên. Bi phẫn: Một hôm, trong lúc đang ngồi học trong lớp thì gã đột ngột xuất hiện, nói với cô chủ nhiệm rằng má tôi bị ngất xỉu đang nằm trong khách sạn ( má tiếp quản công việc của ba, thường xuyên ra vô khách sạn để giao dịch với đối tác nước ngoài là chuyện thường ngày) và xin phép cho tôi được về chăm sóc người thân. Quá lo sợ cho sức khỏe của má tôi chẳng mảy may nghi ngờ, líu ríu cắp cặp lên ô tô cho hắn chở đi. Vừa bước vô bên trong, gã khoá chặt cửa lại và hiện nguyên hình là một con thú tàn độc! Tôi đã quỳ lạy, van xin hắn buông tha. Hắn xé nát quần áo tôi và gào lên:
- Mày khinh tao như chó! Thì hôm này tao bắt mày ngủ với chó!
Kể đến đây bà Trần bỗng khóc rống lên như đứa trẻ, giọng nói chất chứa căm phẫn tột cùng. Hiếu cũng khóc theo.
- Tôi đã chống trả đến kiệt sức trong bất lực cùng nước mắt. Và để gã nghiền nát dưới sức nặng bảy mươi sáu ký lô. Thoả mãn xong, gã tớt miệng cười thú tính:
- Đã lắm, con hơn hẳn mẹ! Tao chấp mày nói cho mẹ mày biết đó! Nó tin tao còn hơn Chúa Trời!
Quả như lời gã nói, má không tin thậm chí còn trách tôi dựng chuyện. Bà chì chiết:
- Tại sao vậy hả con? Dẫu con không thích dượng thì cũng không nên đặt điều vu khống chuyện xấu xa như vậy, tội lỗi lắm! Con hãy đi xin lỗi dượng ngay lập tức nếu không má sẽ không bao giờ tha thứ cho con!
Đến nước này thì tôi chẳng thể nói gì thêm được nữa. Đã mấy lần tôi có ý định tự tử nhưng rồi tôi nghĩ lại, nếu mình chết thì chẳng phải đã giúp tên đốn mạt ấy thoả nguyện được ước muốn tống khứ tôi ra khỏi cuộc đời đó sao? Tôi rắp tâm ý định giết chết “ con chó “ bẩn thĩu đó. Đã mấy lần có cơ hội nhưng tôi lại chùn tay. Đối với má, “ con chó “ ấy là tất cả, nếu “ con chó “ ấy mà có mệnh hệ gì chắc chắn bà sẽ không sống nổi. Thế là tôi chọn cách bỏ nhà ra đi. Tôi đi được gần một năm thì nghe phong thanh công an đang ráo riết truy tìm tên lái xe đã cán chết ba tôi và nghi ngờ thủ phạm đứng đàng sau vụ này là “ con chó” đó. Biết được tin này, tôi lập tức về nhà để nghe ngóng tin tức. Nhưng không kịp nữa. Má tôi và “ con chó “ đã đánh hơi mối nguy hiểm đang kề bên nên đã kịp tẩu tán tài sãn, trốn ra nước ngoài! Căn nhà này không bán được là lý do ngoài ý muốn của họ. Một người đàn bà biết kẻ đã sát hại chồng mình mà vẫn nhởn nhơ chung sống, yêu thương và tôn sùng như cha xứ, chắc trên thế gian này chỉ có mỗi má mà thôi.
Bà Trần không khóc nữa, gương mặt trở nên dữ tợn. Chỉ có Hiếu là khóc, khóc một cách thảm thiết.
- Từ đó tôi căm thù và xa lánh đàn ông. Giá như có quyền lực trong tay nhất định tôi sẽ bắt họ tập trung lại trong phòng kín và xông hơi ngạt như Hit Le đã từng làm với người Do Thái!
Hiếu chùi nước mắt, bây giờ cô mới hiểu vì sao bà Trần cứ ở vậy mà không chịu quen người đàn ông nào. Cô định nói với bà Trần rằng, tốt xấu có người, không phải đàn ông nào cũng xấu, nhưng nhìn thấy ánh mắt kinh khủng của bà Trần, Hiếu hiểu rằng đã hết phương cứu vãn.
- Tôi cô đơn trong thế giới này, chẳng có ai là bạn, thậm chí Hiếu cũng muốn xa lánh tôi!
Hiếu nắm chặt tay bà Trần bằng cử chỉ cảm thông, cô nói:
- Em đã không hiểu nhiều về chị nên đã có những suy nghĩ không đúng. Từ lúc này em sẽ thay đổi cách nghĩ của mình. Nếu chị không chê, chúng ta sẽ là bạn.
Nét mặt bà Trần bỗng trở nên tươi rói:
- Cuối cùng cũng có người hiểu và thông cảm cho cảnh ngộ của tôi. Chúng ta sẽ là bạn thân đến chết, nghen Hiếu.
Hai người đàn bà ôm chặt nhau xúc động. Bà Trần bỗng khạc ra mấy cái như muốn trút bỏ những phiền toái bực bội trong người:
- Thôi, không nhắc đến chuyện buồn lòng đó nữa, có được một người bạn như Hiếu là tôi hạnh phúc rồi. Nào, hãy cạn ly!
Hai người chạm cốc. Hiếu muốn chuộc lại lỗi lầm của mình bằng cánh uống một hơi cạn cả lon bia. Hai người đàn bà đã bắt đầu say chếnh choáng
Bà Trần hỏi:
- Em đã có người yêu chưa?
- Chưa, xấu như em ai mà thèm để ý hả chị? – Hiếu nói mà mắt nhướn không lên.
- Không đâu, em rất đẹp. Hãy nhớ lấy lời tôi là đừng bao giờ dây dưa với bọn đàn ông mặt người dạ thú. Hiếu hãy hứa, tôi mới thật sự yên tâm.
Hiếu mấp máy môi muốn nói gì đó nhưng không sao thốt được nên lời, mắt dính chặt lại như keo. Tay chưn rã rời chẳng tài nào nhấc lên được nữa. Bà Trần miệng nói nhưng mắt luôn theo dõi từng động tác của Hiếu. Khi thấy cô đã thấm rượu bèn nói:
- Nếu mệt thì em vô phòng tôi mà ngủ!
- Thôi, để em nằm đây một lát, chờ tỉnh rượu thì về liền hà, không dám quấy rầy tới chị... – Những tiếng cuối cùng bị đứt đoạn và yếu dần...
Bà Trần đứng dậy thu dọn các thứ trên bàn đem xuống nhà bếp. Chừng năm phút sau trở lên, nhìn Hiếu đang nằm yên bất động, mái tóc vắt lên thành xa lông, đôi mắt rừng rực lửa dục vọng. Bà Trần từ từ cởi bỏ quần áo, rồi lao đến ôm chầm lấy Hiếu hôn tới tấp như mưa, giọng nói qua hơi thở dồn dập:
- Hiếu ơi, tôi thương em lắm!
Hiếu cố hé đôi mắt nhưng chỉ thấy lờ mờ bà Trần đang đè lên người cô, bàn tay lần từng chiếc nút áo...chiếc nịt ngực bị ném xuống đất..
- Đừng chị... – Hiếu cố dùng hết sức lực đẩy bà Trần ra nhưng cánh tay bướng bỉnh không nghe theo mệnh lệnh của lý trí. Cuối cùng Hiếu đành nằm yên bất lực, hai giọt nước mắt ân hận đọng trên khoé mắt.
Bà Trần trút bỏ mảnh vải cuối cùng trên người Hiếu rồi quấn chặt vào người cô như hai con rắn:
- Tôi yêu em lắm, Hiếu ơi!
Bà Trần đưa bàn tay lần mò những chỗ kín trên thân thể nõn nà của Hiếu...Lúc sau tất cả chìm vào im lặng, chỉ có những hơi thở hổn hển trộn lẫn cùng tiếng xạch xạch chiếc máy điều hòa cố định trên tường....
&
&&
Lớp ngoại ngữ nâng cao khai giảng đúng vào ngày cuối tuần. Chuyện này nghe có vẻ hơi kỳ kỳ, bởi vì thông thường người ta chỉ mở lớp mới vào thứ Hai đầu tháng. Tuy nhiên mọi người chẳng mấy bận lòng lắm về chuyện này, bằng chứng là số người ghi danh đã kín chỗ. Có lẽ họ đã bị thuyết phục khi thấy mấy ông Tây, bà đầm cắp cặp đi lảng vảng trước cổng Trung tâm. Mặc dù còn gần hai chục phút nữa mới đến giờ học nhưng hầu như tất cả học viên đã tập trung đông đủ, đứng chộn rộn trong khuôn viên chật chội phía trước. Mấy tay nhân viên bãi giữ xe làm thở hơi tai vẫn không kịp, gây nên cảnh huyên náo, cãi vã ầm ì. Ông hiệu trưởng đứng chàng hảng trên bậc tam cấp, chắp tay sau đít, dòm bao quát, gật đầu tỏ vẻ hài lòng, xây qua nói với người phụ tá đeo kính cận điều gì đó. Anh này gật đầu lia lịa rồi toét miệng cười loe xoe. Thành công mỹ mãn! Đúng giờ, ông ta ra lịnh cho mọi người cầm biên nhận bước vô xếp lớp. Đám đông chen lấn, xô đẩy, đến đỗi suýt nữa xảy ra cảnh thượng cẳng hạ tay nếu như mấy tay bảo vệ không can thiệp kịp lúc. Toàn bộ khóa nâng cao học ở từng ba và bốn, gồm sáu phòng học, có màn hình vi tính nhấp nháy, head phone, microphone để luyện nghe, luyện nói, coi bộ bề thế lắm! ( các lớp thường, dài hạn học ở các từng đưới ) Ba ông cán bộ trường thay phiên tới các lớp kiểm tra biên lai học phí và thông báo một số quy đinh của trường, đại để như: phải đi đúng giờ, giữ gìn tài sản lớp học, bầu lớp trưởng, lớp phó...và điều quan trọng nhứt là hùn tiền để mua nước uống cho giáo viên đứng lớp. Cuối cùng ông hiệu trưởng nói:
- Các bạn đã có sự lựa chọn đúng đắn khi đến với chúng tôi. Chúng tôi cam đoan sau khi kết thúc khóa học tất cả sẽ nói tiếng Anh như dân bản xứ!
Ông ta nói một mạch, không vấp một chữ những câu đã học thuộc lòng như cháo. Một tràng pháo tay vang lên như sấm nghe rất xôm tụ.
oOo
Hà và Ngân ngồi bên xe nước mía phía bên kia đường đối diện cổng Trung tâm. Đây là ly nước mía thứ hai. Thấy Ngân thấp thỏm không yên, Hà cười trấn an:
- Đừng căng thẳng quá dễ lộ tẩy lắm, cứ tỉnh bơ như ruồi!
Ngân đưa tay đặt lên ngực trái, lắng nghe quả tim nhảy loạn nhịp trong lồng ngực rồi nhìn Hà gật đầu thán phục:
- Đi theo cậu có ngày bị rụng tim mất.
Hà lắc lắc cái ly rỗng, mấy cục nước đá kêu lanh canh rồi đặt cái ống hút lên môi kéo một hơi thiệt mạnh, những giọt nước cuối cùng đi qua ống hút, chui tọt vào cái miệng chúm chím của Hà.
- Hãy nghĩ mọi việc đều đơn giản, ta sẽ thấy thoải mái hơn.
Ngân lắc đầu:
- Nhưng, tớ không thể bình tĩnh như cậu được. Làm như vầy khác gì ăn trộm!
Hà gật đầu. Coi đồng hồ, nói:
- Đúng là ăn trộm, nhưng là trộm tri thức! Chẳng ai bắt bớ đâu mà sợ, thậm chí còn được thưởng huân chương nữa là đàng khác! Cậu biết không, đã có rất nhiều người thành danh qua những lần trộm chữ như vầy đây.
Áng chừng đã đến giờ “ hoàng đạo “ Hà đá đá vô chưn Ngân:
- Đã tới giờ Kinh Kha qua sông Dịch. Nào hãy cản đảm lên bạn ơi – Hà nói ngân nga như hát:- Rồi đất nước sẽ ghi công người dũng sĩ!
Hà đứng dậy một cách dứt khoát đầy tự tin. Ngân thì ngược lại. Nỗi sợ khiến cô không làm chủ được đôi chưn, mắt nhìn ngang, liếc dọc như kẻ trộm và gương mặt thì tái mét như con gà bị cắt cổ.
Hà cằn nhằn cửi nhửi:
- Cậu mà cứ như vầy thì không xong rồi. Mấy tay giám thị tinh ranh như cáo, chỉ cần liếc sơ qua là biết được ai ngay gian liền.
Ngân nói bằng giọng run rẩy:
- Vậy phải làm sao bây giờ?
- Còn làm sao nữa, hít một hơi thật sâu vào buồng phổi, bước đi thật tự tin, thật bình tĩnh, rõ chưa?
Ngân nói rè rè:
- Rõ rồi, nhưng tớ sợ quá hay là mình thôi vậy..
Hà trề môi, nhìn Ngân bằng ánh mắt thất vọng pha lẫn bực bội:
- Tùy cậu thôi, nếu tớ biết trước cậu chết nhát như vầy, thì tớ đã đi một mình! Thôi, về đi đồ thỏ đế! Tớ phải vô học để kiếm bằng xê đây!
Hà làm mặt giận, bước xăm xăm vô phía trong. Ngân chạy theo nắm tay kéo lại:
- Được rồi, tớ sẽ liều một bận. Cậu đừng bỏ rơi tớ, nhe!
Hà bật cười giòn tan, kề tai Ngân nói nhỏ:
- Cậu nép vô mình tớ, không được khớp nghe chưa? – Nhìn thấy trán Ngân lấm tấm mồ hôi, Hà hối Ngân lấy khăn mùi soa chùi đi.
Muốn đi lên cầu thang, đường dẫn lên lớp học, phải bước qua phòng giám thị. Thấy mấy tay cán bộ trẻ đang chúi mũi giải cờ thế, Hà bèn nắm tay Ngân lôi đi:
- Cứ tự nhiên, đừng nhìn họ! – Đoạn Hà nghêu ngao:- “ Ba đồng một chục đàn ông, đem bỏ vô lồng cho kiến nó tha! “.
Đoạn đường không tới mười bước chưn mà Ngân cảm thấy sao mà dài nhòng. Hồi nhỏ có lần Ngân nghe lời xúi giục của mấy đứa bạn, trèo lên cây hái trộm mấy trái mận bên nhà hàng xóm, vậy mà cả tháng sau vẫn chưa hết run. Mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà đó, bắt gặp ánh mắt nhìn thấu tâm can của bà chủ nhà là cô sợ muốn té đái, cắm đầu ù té chạy trối chết. Sau lần đó cô thề sẽ không bao giờ tái phạm. Vậy mà bây giờ Ngân đang chuẩn bị trộm thứ lớn hơn rất nhiều, làm sao không run cho được.
Ngân ép vô người Hà vừa đi vừa đếm từng bước theo nhịp tim thùm thụp: một, hai, ba, bốn...đến bước thứ mười một thì đúng ngay phòng giám thị, Ngân bíu chặt đầu móng tay vô lưng Hà. Rướm máu. Hà gượng đau, bước thong thả, mặt ngửng lên, nụ cười thường trực trên môi, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn Ngân trấn an. Khi hai người chuẩn bị quẹo lên cầu thang, thì bất ngờ một người trong bọn phát hiện ra, kêu giựt giọng:
- Nè, hai cô kia đi đâu đó?
Ngân chết điếng. Tuyến mồ hôi bắt đầu hoạt động hết công suất. Lúc này cô chỉ muốn quây lưng chạy thẳng ra cửa để tránh khỏi bị “ quả tó “. Vẫn giữ vẻ điềm nhiên, Hà nói khẽ:
- Cậu từ từ bước lên trên mọi việc để tớ lo liệu.
Ngân bước nhanh như chạy, đến chỗ giáp giữa hai cầu thang bèn dừng lại thở dốc, tai vểnh lên theo dõi diễn biến câu chuyện. Hà đi ngược lại vài bước, miệng cười lỏn lẻn:
- Tụi em lên lớp học ạ, có gì hôn mấy thầy?
Anh cán bộ trẻ liệng cái nhìn ngờ vực về phía Hà chừng vài giây rồi tiếp tục truy vấn:
- Sao giờ này mới tới? Biên lai đâu?
Ngân thấy ớn lạnh, tay chưn bủn rủn, tim đập liên hồi như tiếng trống. Trời ơi, phen này Hà nguy mất rồi, cả mình cũng vậy. Cô cảm thấy ân hận trước hành động dại dột của mình.
Rất bình tĩnh, Hà nhoẻn miệng cười duyên dáng, giả bộ ngạc nhiên nói:
- Ủa, hồi nãy thầy kia thâu của em rồi, bộ không nhớ hả? – Hà chỉ tay về phía người đàn ông đang vắt óc trên bàn cờ tướng:- Em với đứa bạn ra ngoài kêu nước uống cho thầy chớ bộ.
Người này day mặt lại hỏi người kia:
- Phải hôn mậy?
Người kia gật đại. Đưa tay nhấc con mã xanh đi một nước:
- Chiếu tướng!
- Thôi, lên lẹ đi để còn kịp tiết học!
Hà gật đầu chào mọi người, vừa bước lên cầu thang vừa hát ư ử “ Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/..”. Ngân đặt tay lên ngực thở phào, coi như thoát nạn:
- Tớ sợ muốn đứng tim.
Hà cười vang:
- Nhằm gì, gặp những trường hợp nan giải hơn tớ còn vượt qua được nữa là. Bây giờ bắt đầu bước tiếp theo.
Lên đến từng ba, Hà dòm lơ láo rồi dắt Ngân quẹo vô lớp học có ông thầy giáo trẻ đứng lớp. Kinh nghiệm đã dạy rằng, những người trẻ luôn dễ dãi không hạch sách lung tung nhứt là đối với những cô gái đẹp. Sợ nhứt là mấy bà giáo già xét nét từng li từng tí. Hà và Ngân vô theo lối cửa sau. Cảnh tượng đập vào mắt khiến Ngân giựt mình, chưa bao giờ cô nhìn thấy lớp ngoại ngữ nào hiện đại như vầy, vừa sạch sẽ, ngăn nắp, vừa đầy đủ tiện nghi, lại có cả máy điều hòa nhiệt độ và chiếc ti vi hai mươi mốt inch để minh họa bài giảng. Tất cả các cặp mắt đang đổ dồn về phía cái bảng đen treo trên tường. Thầy giáo đứng khom lưng hý háy viết mấy chữ lên bảng. Nghe thấy tiếng động mọi người quay lại, ném những cái nhìn không thiện cảm về phía hai người. Hà kéo Ngân ngồi xuống chỗ trống ở cuối lớp. Hà ngồi góc trong cùng. Ngân ngồi bên cạnh người đàn bà đứng tuổi với mái tóc hoa râm. Trên sống mũi dính chặt cặp kiếng lão. Ông thầy giáo trẻ ngừng viết, cất tiếng hỏi bằng Anh ngữ:
- Why are you late? ( tại sao các bạn đến trễ?)
Hà đáp liền:
- Traffic snarl! ( bị tắc nghẽn giao thông!)
Ông thầy giáo trẻ nheo mắt nhìn Hà hỏi:
- What’s your name? ( bạn tên gì?)
- My name’s Hà! ( tôi tên Hà!)
- My name’s Ngân! ( tôi tên Ngân!)
- Sit down please, and listen carefully! (xin mời ngồi xuống và chú ý lắng nghe! ) – Nói đoạn, ông thầy xây mặt về phía bảng tiếp tục công việc còn dang dở.
Lớp học gần hai mươi người, ai nấy đều ăn bận sang trọng, phô phang, muốn chứng tỏ mình thành đạt, giàu có. Ngồi trước Ngân là người đàn ông ngoài năm mươi tuổi có cái đầu hói bóng nhẩy, điện thoại di động đặt trên bàn ra dáng là người bận rộn. Trong lúc giáo viên giảng bài, ông ta nhai kẹo cao su luôn miệng, nhai hết chất ngọt, ông ta nhả bã xuống đất, lấy gót giày di di mấy cái rồi bóc thanh khác cho vô miệng. Nhóc nhách. Hà lấy tập ra, ghi tên đầu bài, thỉnh thoảng lại cắn cây Bic, vểnh tai lắng nghe cử chỉ điềm nhiên cứ như là một học viên đường đường chánh chánh! Còn Ngân thì không được như vậy, cô chỉ tập trung phân nửa, nửa phần còn lại nghe ngóng động tĩnh phía bên ngoài. Khi thầy giáo đang giảng về cách sử dụng những từ đồng nghĩa thì bất chợt ngoài hành lang có tiếng gót giày nện lộp cộp, cô giựt mình tái mặt, liền gom tập vở tính cho vô túi xách. Hà ghé vào tai Ngân hỏi thầm:
- Cậu định làm gì vậy?
- Dường như giám thị lên kiểm tra!
Hà nói như ra lịnh:
- Cứ ngồi yên đó, không được nhúc nhích!
Ngân đoán không sai. Ông giám thị lúc nãy xuất hiện bên khung cửa, hai tay chắp sau đít đưa mắt nhìn bao quát cả lớp rồi dừng lại khá lâu ở phía cuối dãy nơi Ngân và Hà đang ngồi. Ngân xoay người, chạy trốn cái nhìn “ đi guốc trong bụng “, nghĩ thầm, chết rồi, chắc ổng nhận ra mình! Ông giám thị đứng đó một lúc rồi bước sang phòng khác.
Ngân thở phào, nói với Hà:
- Học hành kiểu này khác gì tra tấn! Tớ chẳng tiếp thu được gì ráo, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như kẻ phạm tội đang trốn lệnh truy nã!
Hà nói:
- Không sao đâu, ban đầu tớ cũng vậy vài bữa sẽ quen thôi.
Kết thúc bài giảng, thầy giáo đề nghị mọi người mở giáo trình đã phát sẵn để làm bài tập:
- Bây giờ các anh chị hãy mở trang số bốn. Toàn bộ nội dung bài giảng thể hiện đầy đủ trong đó. Các anh chị hãy điền vào những chỗ trống và nộp cho tôi vào cuối buổi học.
Nói xong thầy giáo ngồi xuống ghế, tự thưởng cho mình ngụm cà phê đá. Mọi người lật sách sột soạt, mắt dán chặt vào những con chữ chi chít, xô đẩy như đám tàn binh Tôn Sĩ Nghị rồi cắn viết suy nghĩ. Ngân liếc sang người đàn bà ngồi kế bên. Bà ta đang vật lộn với quyển giáo trình in thủ công bằng giấy A4, bọc bìa dày màu xanh sẫm. Phía trên có in dòng chữ “ Trung tâm ngoại ngữ thành phố “. Ở giữa “ giáo trình lớp ngoại ngữ nâng cao”. Dưới cùng ghi “ tài liệu lưu hành nội bộ dành cho học viên Trung tâm ” Ngân đá chưn Hà, hỏi:
- Mình không có tài liệu làm sao bây giờ?
Hà nói:
- Để tớ tính! Đừng làm rối beng lên!
Rồi Hà nhoài người về phía người đàn bà có mái tóc hoa râm nói:
- Cô ơi, trên đường tới lớp học, chúng cháu chẳng may làm rớt hết tài liệu học tập. Chút nữa tới giờ giải lao cô làm ơn cho cháu mượn photo để có cái mà làm bài.
Người đàn bà gật đầu ngay mà không do dự, rồi lật sách, ghé sát vào Ngân, nói:
- Chỗ này khó hiểu quá, cô biết, cắt nghĩa giùm tui.
Ngân đọc mấy lượt rồi bắt đầu giải thích rõ ràng đâu ra đó, người đàn bà gật đầu lia lịa, nhìn Ngân tỏ vẻ thán phục:
- Cô giỏi ghê! Tuổi trẻ có khác. Tui thì già cả rồi, đầu óc lẩn thẩn học trước quên sau. Lấy được bằng xê tui cúng heo quay liền!
Ngân dòm bà ta mà cảm thấy ái ngại. Ở độ tuổi này người ta thường dồn tất cả tâm trí cho gia đình, ít ai nghĩ đến chuyện tiến thân nhứt là phụ nữ. Người đàn bà này dễ đã ngoài năm mươi, cái tuổi sắp sửa về hưu, vậy học để làm gì? Ngoại ngữ là môn học không cần phân tích suy luận rắc rối như những môn khoa học tự nhiên nhưng đòi hỏi sự cần cù chịu khó và có trí nhớ tốt thì mới có
thể thành công. Như đọc được ý nghĩ của Ngân, người đàn bà đứng tuổi liền trút hết nỗi bực dọc trong mình:
- Tui đâu có thích ba cái trò tiếng Tây tiếng u này, đọc tiếng Việt đôi khi còn cà lăm nữa là. Bây giờ người ta chuẩn hóa cán bộ, không có bằng ngoại ngữ thì không được lên chức, lên lương, thậm chí còn có nguy cơ bị cắt giảm biên chế! Vì miếng cơm, manh áo nên phải bò ra mà học. Học xong thì lấy cái bằng đóng khung, treo lên vách chớ chẳng bao giờ xài tới. Không hiểu mấy ông ở trên suy nghĩ làm sao lại bày ra cái trò cắc cớ này. Tui làm cán bộ hành chánh địa phương, quanh năm, suốt tháng chỉ tiếp xúc toàn dân ta chớ có bao giờ thấy mặt ông Tây, bà đầm lần nào đâu. Ngoại ngữ là môn học chật vật, tốn nhiều công sức, đã vậy, học mà không sử dụng chỉ vài tháng là quên sạch! Tui đã theo mấy khóa rồi, thời gian, tiền bạc tiêu tốn không biết bao nhiêu mà kể. Lần này mà không đậu, tui nghỉ luôn! Mặc cho sự thể tới đâu thì tới.
Đến giờ giải lao, hầu như tất cả kéo ra ngoài hành lang hóng mát, chỉ có một số ít ở lại trong lớp đứng ngồi túm tụm tán chuyện tầm phào, vài người tranh thủ kiểm tra lại bài tập. Hà quơ gấp mấy cuốn giáo trình của người đàn bà, chạy ra nhà sách đối diện với trung tâm photo mỗi thứ làm hai bản. Ngân không theo Hà mà đứng trên bao lơn nhìn xuống, quan sát dòng người, xe cộ đông như mắc cửi bên dưới. Từ góc ngã tư, bỗng xuất hiện chiếc xe cứu thương hụ còi inh ỏi. Khách bộ hành, xe cộ đều né qua một bên để nhường đường. Ông đầu hói thay kẹo cao su bằng thuốc lá Dunhill xanh, nói lớn cốt để mọi người cùng nghe:
- Chắc lại tụi đua xe chớ không ai khác! Cái thành phố đất ít người đông này bọn vô lại cũng nên chết bớt để nhường chỗ cho những con người lương thiện!
Nói đoạn ông ta xây mặt nhìn mọi người một lượt. Mắt nheo nheo mấy cái như muốn nói chúng ta mới thật sự là những người đáng sống! Mấy người kế bên cùng cười a dua. Bàn ra, góp vô mỗi người một câu làm cho câu chuyện trở nên sinh động. Qua câu chuyện loáng thoáng, Ngân biết, trường hợp của ông ta cũng giống như bà Xuyến, cố lấy bằng ngoại ngữ để hợp thức hóa học vị tiến sĩ. Ngân nhủ thầm, tiến sĩ gì mà nói năng ba trợn cứ như dân thiến heo!
Vừa hết giờ giải lao thì Hà lộc xộc chạy lên xuất mồ hôi hạn. Hai bản photo y chang bản chánh kể cả tờ bìa. Cô trả sách lại cho bà Xuyến kèm theo là mấy lời cảm ơn rồi đưa cho Ngân mấy quyển, nói:
- Tất cả là mười sáu ngàn. Đưa tiền đây!
Ngân đưa tiền, nhìn Hà trêu chọc:
- Cậu làm ghê quá! Cứ như tớ sẽ bốc hơi không bằng.
Hà cho tiền vô túi, nhướn nhướn cặp mắt hai mí:
- Tiền bạc phải sòng phẳng rõ ràng, không rạch ròi khó ăn khó nói!
Trong khi thầy giáo tiếp tục bài học thì Ngân và Hà tranh thủ làm bài tập, vì chương trình này cả hai cô đã từng học qua, chỉ làm loáng một cái là xong.
Ngân hỏi Hà:
- Mình học như vầy thì làm sao thi lấy bằng?
Hà cong môi, xì một hơi dài:
- Bằng biếc gì. Học được ngày nào hay ngày ấy, hễ thấy có động thì chuồn sang Trung tâm khác. Khi nào thấy vốn liếng đã kha khá thì đăng ký xin thi thí sinh tự do, hiểu chưa tiểu thơ?
- À, ra vậy!
Hà hỏi Ngân có bằng bê chưa, Ngân gật đầu hỏi chi vậy. Hà cao giọng ra vẻ là người có hiểu biết:
- Có bằng bê thì người ta mới cho thi bằng xê, rõ chưa cô nương?
Ngân phì cười vì Hà hết kêu cô là “ tiểu thơ “ rồi tới “ cô nương “ trong khi bản thân đang thiếu điều đi ăn mày!
Tiết học chưa kết thúc nhưng Ngân cảm thấy có hàng ngàn con kiến đang bò trong bụng.
Như Lục Bình Trôi Như Lục Bình Trôi - Khúc Thụy Du