One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Dang Long
Upload bìa: Dang Long
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1223 / 62
Cập nhật: 2019-01-08 18:11:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lòng Khiêm Tốn Là Chứng Tá Tin Mừng
Sài Gòn, 1-4...
Mình được mời về Sàigòn giảng Mùa Chay. Đề tài tự do. Mình chọn đề tài truyền giáo. Nhà thờ đông nghẹt giới trẻ. Mặt mũi sáng sủa. Áo quần model. Mùi nước hoa phảng phất.
Đề tài hôm nay: Truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Mình duyệt lại lịch sử Giáo hội và nghiệm ra rằng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVI, Giáo hội gần như không cần đến với lương dân nữa. Âu Châu đã được nghe Tin Mừng. Phía Bắc chỉ còn hải cẩu và băng tuyết. Phía Tây và Đại Tây Dương, lúc ấy ngành hàng hải chưa vượt qua được. Phía Đông và phía Nam là hai bức tường Hồi giáo. Không còn đi đến với lương dân nữa, Giáo hội quay về củng cố nội bộ. Nhưng vì đánh mất bản chất, Giáo hội càng củng cố nội bộ chừng nào thì càng lủng củng chừng nấy. tôi đã có men biệt phái của ông. Và bây giờ thì tôi đã hiểu. Tôi xin mời ông ra đi vĩnh viễn ông nhé!
- Chính trong thời này, nhiệm thể Chúa Kitô bị chia thành bốn khúc: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Anh giáo.
- Ngoài ra cơ cấu lãnh đạo còn bị chính trị và các gia đình thế lực chen vào làm mất phẩm chất. Sự hư hỏng không phải chỉ có ở cấp dưới mà có ngay ở cấp cao nhất.
- Lòng đạo đức của giáo dân sút kém. Người ta sống trong thời Tân Ước mà như trong thời Cựu Ước. Thiên Chúa đáng sợ hơn đáng yêu. Dòng chiêm niệm cũng sa sút. Dòng kín trở thành dòng hở. Mẹ Têrêxa Avila phải đứng ra cải tổ hơn 40 dòng kín. Mẹ phải đương đầu với bao lực lượng chống đối, thậm chí có lần bị giáo dân bao vây, chụp mũ lạc giáo, và đòi lôi cổ đưa lên giàn hỏa thiêu.
- Tòa án tôn giáo đưa lên giàn hỏa thiêu những người lạc giáo. Một việc làm không phù hợp với Phúc âm và ngày nay bị coi là vi phạm nhân quyền.
- Gần hai thế kỷ tuốt gươm chống người Hồi giáo (1096-1270). Điều này không phù hợp với giáo huấn của Chúa khi Ngài dạy Phêrô “Hãy xỏ gươm vào bao”. Ngoài sai lầm trên, cuộc chiến tranh này còn gặp thất bại về nhiều mặt khác. Bảy cuộc chiến thì thập tự quân chỉ thắng hai và thua năm. Thập tự quân cũng biết cướp bóc và hãm hiếp. Các vua Anh- Pháp - Đức tham chiến thì giành ảnh hưởng với nhau, khoèo giò nhau. Hơn 30.000 thiếu niên vì cuồng tín, đã đòi vượt Địa Trung Hải qua Đất Thánh để đánh quân Hồi nhưng không một em nào trở về.
Cuối cùng là hậu quả hận thù giữa Công giáo và Hồi giáo kéo dài cho đến nay, khiến chưa có được một cuộc đối thoại tốt đẹp nào giữa hai tôn giáo này.
Sau bài giảng của mình, một thính giả đụng đầu với cha sở ngay tại cửa nhà thờ, ông tỏ vẻ bất bình và than rằng: "Giảng như thế là thất bại, người giáo dân chưa trưởng thành đủ để nghe những sự thật ấy". Mình giơ tay đầu hàng và thưa với Chúa rằng:
“Lạy Chúa, tại sao giáo dân vẫn chưa trưởng thành? Tại sao giáo dân vẫn còn chưa hiểu mình yếu đuối để thấy sức mạnh của Chúa? Có cần phải đặt lại nền giáo dục cho giáo dân không? Giáo dục bưng bít có phải là giáo dục lành mạnh không?”.
Sài Gòn, 2-4...
Sáng nay ông Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ đến gặp mình. Ông kể rằng:
- 4 giờ sáng con đã thức dậy để chuẩn bị đi kiếm người giúp tuần phòng. Bà xã con nằm trong mùng hỏi vọng ra:
- Anh đi đâu mà sớm thế?
- Anh đi "lo việc cho cha ta".
- Anh không nghe bài giảng hôm qua sao? Đức Giáo Hoàng còn chả ra gì huống hồ là các cha của anh.
Mình hiểu rằng có một luồng gió mạnh đang thổi khắp họ đạo. Có những niềm tin đang rụng lá.
Cha sở không phát biểu gì. Mình ái ngại nhìn ông. Sự im lặng của ông giống như mảnh đất hoang có gài mìn. Bất giác mình phải lên tiếng:
- Anh có ý kiến gì về bài giảng của mình sáng hôm qua không?
- Có thắc mắc mới có vấn dề. Gây được thắc mắc là bắt đầu thành công rồi. Cậu cứ tiếp tục giảng đi.
Mình nghĩ bụng: Ông cha sở này khôn quá, ông không hề đá động đến nội dung của bài giảng. Ông vẫn đứng bên ngoài và đứng quan sát cả cha giảng phòng lẫn giáo dân của ông. Ông nói mà như vẫn im lặng. Mảnh đất hoang vẫn bị nghi ngờ có gài mìn.
Bài giảng chiều nay: Giáo dân truyền giáo thế nào trong 20 thế kỷ qua. Mình đúc kết lịch sử truyền giáo của giáo dân như sau:
- Thời Công vụ Tông đồ là thời vàng son của giáo dân. Mỗi người đều rao giảng: Philíp, Xtêphanô, vợ chồng Prixkilla, Apollô. Tại Antiôkia, giáo dân là những người đầu tiên có sáng kiến loan báo Tin Mừng cho lương dân. Khi đã thành công, các Tông đồ ở Giêrusalem mới phái Barnaba tới để quan sát. Trong thơ Rôma, thánh Phaolô nhắc đến tên một lô giáo dân, trong đó có hàng chục người phụ nữ. Những người này đã đồng lao cộng tác với ngài trong sứ vụ loan báo Tin Mừng (Rm 16,1-15).
- Sang thời Giáo phụ thì địa vị giáo dân tụt xuống và bị định nghĩa: ”Giáo dân là những đứa con nít cần phải canh chừng”
- Sang thời Trung Cổ giáo dân chỉ còn là một giai cấp tùng phục.
- Phải chờ tới Đức Piô Xl, người giáo dân mới bắt đầu tìm lại được địa vị và công tác của mình. Nhưng với câu định nghĩa sau đây của Đức Piô Xl, người giáo dân mới chỉ được vực từ thế nằm sang thế ngồi: ”Công giáo tiến hành là việc giáo dân tham dự vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm dưới quyền lãnh đạo của hàng Giáo phẩm”.
- Phải chờ đến Vatican II, người giáo dân mới thực sự đứng dậy và đi hàng đầu trong công tác loan báo Tin Mừng.
Sau bài giảng, một ông bạn sồn sồn đến tâm sự rằng:
- Vatican II đề cao giáo dân. Ban đầu con tưởng rằng vì thiếu linh mục và tu sĩ, nên Giáo hội mới mị giáo dân như thế. Bây giờ thì con hiểu rằng Giáo hội đã chân thành xác nhận địa vị của giáo dân trong công tác truyền giáo, đó là ơn soi của Thánh Thần.
Sàigòn, 3-4...
Chiều nay mình kết thúc tuần phòng bằng đề tài: "Thánh Thần trong công tác loan báo Tin Mừng". Trước khi vào đề, mình gởi tới thính giả một lời tâm sự:
-"Tôi rất buồn vì bài giảng đầu tiên của tôi làm một số người trong anh chị em bất bình, một số khác bị lung lay về đức tin. Tôi xin lỗi, nhưng tôi không rút lời. Sự thật thì anh chị em đã nghe biết nhiều chuyện còn động trời hơn:
+ Thứ nhất: Đức Giáo hoàng Phêrô đã run sợ trước một đứa con gái gác cổng mà đã chối Chúa một lần. Rồi sau đó Ngài còn chối Chúa thêm hai lần nữa.
+ Thứ hai: Có một vị Giám mục hay ăn cắp tiền của tập thể rồi cuối cùng đã thắt cổ tự tử. Đó là Đức cha Giuđa Ixcariốt mà anh chị em vẫn quen miệng gọi là thằng Giuđa.
Những chuyện tiêu cực như thế không nên làm ta nản lòng. Tốt hơn chúng ta hãy từ đó khám phá ra sức mạnh của Thánh Thần trong Giáo hội".
Có nhiều cái đầu gật gù tỏ vẻ đồng ý. Nhiều bà nhiều chị mỉm cười đắc ý. Mình an tâm và trình bày về sức mạnh của Thánh Thần trong công tác loan báo Tin Mừng.
Quả thật đến bây giờ ngồi viết lại những điều này mình mới hiểu lời Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ”. Bên cạnh chứng tá bác ái Kitô giáo, Ngài còn nói đến một chứng tá mới đó là khiêm tốn nhìn nhận sự hèn yếu của mình trong phạm vi cá nhân cũng như tập thể.
Bây giờ mình mới hiểu thấm thía điều đó. Có lẽ trong cuộc đời rao giảng của Thánh Phêrô, không có lời nào có sức thuyết phục cho bằng lời kể về những lần ngài chối Chúa. Có lẽ bài giảng làm nhói tim thính giả của thánh Phaolô chính là lời kể về những lúc ngài bắt bớ tàn nhẫn các tín đồ của Chúa.
Nhật Ký Truyền Giáo Nhật Ký Truyền Giáo - Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu Nhật Ký Truyền Giáo