A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Dang Long
Upload bìa: Dang Long
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1223 / 62
Cập nhật: 2019-01-08 18:11:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hiện Diện Và Loan Báo
Cà Mau, ngày...
Hôm nay mình mới ngốn xong cuốn Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê. Tác giả Nguyễn Hiến Lê, dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê đã ghi sâu vào ký ức của mình từ những thập niên năm mươi và sáu mươi. Ông không phải là trí thức khoa bảng, nhưng đã được tôn vinh là học giả lớn. Ông đã đọc trên hai ngàn cuốn sách của văn hóa đông, tây, kim, cổ. Ông đã sáng tác và dịch thuật trên một trăm cuốn mà hầu hết thuộc loại “Sách học làm người”.
Mình kính trọng ông như bậc thầy. Mình ngốn cuốn hồi ký của ông một cách say mê. Nhưng vùa đọc xong, mình cảm thấy có cái gì không được vui. Không vui, vì ông đã nói hết lời, nhưng nhà xuất bản lại cho biết là chưa in hết bài. Càng không vui hơn nữa, vì một học giả có trên tám mươi tuổi đời mà chỉ có bốn kỷ niệm về đạo công giáo. Tất cả bốn kỷ niệm đều không đẹp.
Kỷ niệm một:
Hồi còn là học trò trường Yên Phụ (Hà Nội), lâu lâu ông lại kéo bè kéo cánh choảng nhau với trẻ con xóm đạo, mà ông gọi là bọn con nhà giàu.
Kỷ niệm hai:
Khi ông vào sinh sống ở Sài Gòn, ông đem con đến gửi học trong trường bà phước ở Tân Định. Ông than phiền rằng trường bà phước chỉ dạy con ông học văn hóa Tây mà quên văn hóa Ta.
Kỷ mệm ba:
Ông đã soạn và xuất bản một bộ lịch sử thế giới. Ông ghi lại những trang sử đen của Giáo hội thời Trung cổ, trong đó có những vị Giáo hoàng sa đọa. Vì thế ông đã nhận được một lá thư hăm dọa và ông cho biết tác giả của lá thư ấy là một tín đồ công giáo.
Kỷ niệm bốn:
Khi ông xin Bộ Thông tin Văn hóa cho phép xuất bản một cuốn sách nói về thuyết tiến hóa của loài người, thì ông gặp khó khăn. Một nhân viên của Bộ đến tâm sự với ông hai điều:
1- Một linh mục có uy tín ở Huế đã viết thư yêu cầu Bộ đừng cấp giấy phép xuất bản cho cuốn sách đó.
2- Bộ sẽ cấp giấy phép; vì thấy không có lý do gì để cấm xuất bản một cuốn sách như thế.
Mình thiển nghĩ:
- Trẻ con đánh nhau là chuyện thường. Trẻ con lương giáo đánh nhau cũng tạm cho là chuyện thường, vì đó là chuyện trẻ con.
- Một trường dòng tại Việt Nam mà chỉ dạy văn hóa Tây thì cần phê phán một cách cẩn thận hơn. Phổ biến văn hóa Tây cho dân tộc ta là một công tác văn hóa, là làm phong phú cho văn hóa của ta. Chính ông Nguyễn Hiến Lê được tôn vinh là một học giả, vì ông đã thâu gom được nhiều nền văn hóa: đông, tây, kim, cổ. Nhưng quả thật, một trường tư thục công giáo Việt Nam mà không xây dựng giáo dục trên nền văn hóa Việt Nam thì là một thiếu sót. Cũng như một người Việt Nam nói giỏi ngoại ngữ, mà không nói giỏi tiếng mẹ đẻ thì chưa đáng hãnh diện.
- Một số Giáo hoàng thời Trung cổ đã sa đọa. Đó là sự thật mà chính sử gia công giáo không bỏ qua khi viết sử. Khiêm tốn nhìn nhận sự kiện đó để sám hối và canh tân thì tốt hơn là hăm dọa để bịt miệng sử gia.
- Thuyết tiến hóa "người bởi khỉ” là một giả thuyết thuộc lãnh vực khoa học. Không đồng ý thì cứ tranh luận. Đừng tung chưởng "cả vú lấp miệng em", vì chưởng ấy vi phạm nhân quyền: quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.
Sự hiện diện của Giáo hội có mục đích làm chứng tá cho Tin Mừng. Nhưng quả thật ông Nguyễn Hiến Lê chưa thấy được sứ mạng ấy của Giáo hội. Dường như ông đồng cảm với giáo sư Lâm Ngữ Đường về sự hiện diện của Giáo hội. Ông Lâm Ngữ Đường đang cầm Thánh Kinh và tầm đạo, bỗng khựng lại chỉ vì ông bất bình với một lời cầu nguyện của một nhà truyền đạo. Ông thổ lộ tâm sự này trong cuốn "Đời sống tốt đẹp" mà dịch giả chính là Nguyễn Hiến Lê.
Mình tiếc vì nhiều tín hữu chưa loan báo Tin Mừng bằng sự hiện diện. Nhưng mình cũng tiếc, vì giáo sư Lâm Ngữ Đường và học giả Nguyễn Hiến Lê không gặp được "kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng".
Cà Mau, ngày... 1975
Hôm nay ông Chín Binh dẫn đến cho mình ba đứa con.
- Xin cha rửa tội cho các cháu. Lo đánh giặc, nay mới có điều kiện để giữ đạo.
- Thằng lớn này mấy tuổi?
- Tám tuổi.
- Tôi rửa tội hai đứa nhỏ. Đứa lớn thì phải học giáo lý trước đã. Mình cho người đi kiếm vú đỡ đầu.
Bé Loan và bé Phượng vui như tết, vì sắp được rửa tội và vì có bà vú dễ thương...
Sau nghi thức ghi danh ở cửa nhà thờ, mình dẫn hai bé lên cung thánh để cử hành những nghi thức kế tiếp. Vừa bước tới cung thánh, bé Phượng khóc thét lên như bị ong chích, không ai dỗ được nó. Mình hỏi vú nó:
- Tại sao vậy, Lụa?
- Tại nó thấy tượng Chúa bị đóng đinh. Nó sợ.
Mình lắc đầu, suy nghĩ. Bé Phượng bị "sốc" rồi. Cú ”sốc" này sẽ trở thành một ấn tượng không xóa được. Kỷ niệm đầu đời về đạo Chúa là như thế ư? Hãi hùng và rùng rợn!
Chúa ơi! Hình ảnh Chúa chịu đóng đinh là một hình ảnh thân thương nhất của đời con, là dấu ấn của tình yêu tuyệt vời, thế mà nay đã trở thành hình ảnh rùng rợn của bé Phượng!
Mình nghĩ đến vấn đề sư phạm giáo lý. Mình tự hỏi: có nên trình bày lịch sử cứu độ như thế cho trẻ thơ, và như thế cho lương dân không nhỉ?
Cần Thơ, ngày...
Mình nghe tin bà Giám tỉnh dòng Chúa Quan Phòng mới đi Tây về. Mình vọt đến đó để thăm bà một tí và dành hai tí để tìm hiểu tình hình của Giáo hội bên Tây.
Thấy bà vui tánh và hiền hậu, mình hỏi thật nhiều để có thể đánh giá tình hình Giáo hội bên ấy một cách công bằng. Mình ghi nhận lời nói sau đây của bà. Bà nói như một phản xạ.
- Ở bên đó người ta thích tượng Chúa Phục sinh hơn là tượng Chúa Thọ nạn.
- Thưa "Bà cố", đó là lẽ công bằng đấy. Lịch sử cứu độ dài lắm và kết thúc ở sự kiện Phục sinh, chứ không phải ở sự kiện Thọ nạn. Vả lại Chúa chỉ ở trên khổ giá có ba giờ thôi, thì mình không nên để Người ở trên đó triền miên từ ngày này qua ngày khác. "Từ Thọ nạn đến Phục sinh" chứ không phải "Từ Thọ nạn đến Thọ nạn”…
Mình ra khỏi nhà dòng, tản bộ bên bờ sông, lòng cứ bâng khuâng không biết phải chọn cách nào:
- Trưng bày tượng Chúa Phục sinh trên phông cung thánh ba trăm sáu mươi bốn ngày, trừ ngày thứ Sáu Tuần thánh?
- Trưng bày tượng Chúa Thọ nạn ba trăm sáu mươi lăm ngày, kể cả ngày lễ Phục sinh?
Nhật Ký Truyền Giáo Nhật Ký Truyền Giáo - Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu Nhật Ký Truyền Giáo