People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Dang Long
Upload bìa: Dang Long
Số chương: 56 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1223 / 63
Cập nhật: 2019-01-08 18:11:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cúng Cơm
Sóc Trăng,... 1961
Hôm nay Chúa nhật, nghỉ dạy học, mình đi làm công tác tông đồ theo đường lối của Legio Mariae. Mình ghé bệnh viện, lân la thăm bệnh nhân từ phòng này qua phòng khác. Người bệnh cuối cùng của chuyến viếng thăm là một cụ già 72 tuổi. Sau những câu chuyện con cà con kê, hai người trở nên thân thiết. Ông già đắc ỷ hỏi mình:
- Tôi đố thầy nha: Một trăm người đi chợ mua bánh thì có bao nhiêu người mua bánh cho cha mẹ già và có bao nhiêu người mua bánh cho con cái?
Mình chỉ cười trừ. Ông già hăng hái trả lời ngay:
- Chín mươi chín người mua bánh cho con, chỉ có một người mua bánh cho cha mẹ. Công ơn cha mẹ thì quá nhiều, mà con cái báo đền thì chẳng được bao nhiêu!
Giọng ông bắt đầu nghẹn ngào. Ông ngước mắt nhìn lên để giữ cho hai dòng lệ khỏi lăn xuống. Ông nói tiếp, giọng nhệu nhạo:
- Hồi tôi còn trẻ, tôi lục lăng và phá phách cha mẹ tôi nhiều lắm. Bây giờ lớn tuổi rồi, tôi mới thấy công ơn cha mẹ quá lớn. Tôi muốn báo đền. Phải chi cha mẹ tôi còn sống, thì muốn ăn gì tôi cũng lo cho vừa lòng...
- Ba má bác mất rồi, thì bác báo đền bằng cách nào?
- Chết rồi thì còn ăn uống gì được nữa đâu mà báo đền. Thôi thì cũng một mâm cơm bậy bạ, một nén nhang bậy bạ vậy thôi, chứ biết làm thế nào bây giờ?
Mình thấy tội nghiệp ông già. Hối hận quá muộn. Báo đền công sinh thành quá trễ. Dọn một mâm cơm, cắm một cây nhang, với mặc cảm là không biết nó có giúp ích gì cho cha mẹ bên kia thế giới không. Bởi thế ông tự phê phán: một mâm cơm bậy bạ, một nén nhang bậy bạ... Nhưng cộng với một tấm lòng chân thành đáng kính trọng. Mình tự hỏi: Phải chăng cái truyền thống cúng cơm, bắt nguồn từ những tâm hồn sám hối và bối rối như thế?
Bao nhiêu thế kỷ qua, người Kitô giáo vẫn chế giễu mâm cơm cho ông bà là dị đoan, là vô ích. Chắc chắn nó vô ích về mặt tín lý, nhưng lại rất bổ ích về mặt tâm lý giáo dục. Nó xuất phát từ lòng hiếu thảo và nó cổ võ lòng hiếu thảo. Vậy trong công tác truyền giáo, nên "rửa tội" nó, hay là loại trừ nó? Dù sao ta cũng không có quyền chế giễu nó. Chế giễu nó là một sự xúc phạm đến lòng hiếu thảo của người không cùng tín ngưỡng với ta.
Lung Tra,... 20-1-1975
Sau hai tuần lễ ăn cơm gạo lức với muối hột, hôm nay mình được ngồi ăn cơm với gia đình ông Hai Bến Tre. Cơm trắng ăn với cá rô kho và canh rau ngót. Chưa ăn mà nước miếng đã tứa ra ở chân răng rồi.
Năm người ngồi xung quanh mâm cơm mà bé Thu Hà lại bới ra những sáu chén. Mình hỏi ông Hai:
- Còn thiếu một người nữa: Người ấy là ai đó, ông Hai?
- Chén cơm đó là của thằng cha con Thu Hà. Cha nó bị máy bay trực thăng bắn chết hồi năm ngoái. Mẹ nó tái giá. Còn hai chị em nó ở với hai vợ chồng tôi.
Mình nhìn bé Thu Hà. Bé Thu Hà nhìn mình, nước mắt lưng tròng. Kết thúc bữa cơm, Thu Hà chia chén cơm ấy với thằng em trai... Mình bị xao xuyến bởi chén cơm dành cho ng­ười quá cố. Nó là một kỷ niệm sống động, một sự nhắc nhở cụ thể. Và cũng thật lãng mạn. Tình yêu gắn bó người sống với người chết. Khoảng cách là vô hình và vô biên, nhưng người ta vẫn cố gắng làm được một cái gì đó để vô hình thành hữu hình và vô biên thành hữu biên. Thật hữu lý mà cũng thật hữu tình.
Cà Mau,... 1992
Hôm nay mình đi xức dầu bệnh nhân cho một cụ già. Cái chết tuy đã gần kề, nhưng ông rất tỉnh, rất thông minh và rất bình tĩnh.
- Ông Năm có sợ chết không?
- Không, con chuẩn bị kỹ càng rồi. Chừng nào Chúa gọi, thì con dạ.
- Ông Năm về với Chúa trước, nhớ cầu nguyện nhiều cho tôi nhé. Tôi trao cho ông công tác này là xin Chúa cho nhiều người trong xóm này được biết Chúa như ông. Tôi sẽ nói với Chúa là nếu ông Năm không cầu nguyện cho người ta biết Chúa thì không cho ông Năm vô thiên đàng.
Ông mỉm cười tỏ vẻ hiểu cái nghiêm chỉnh trong cái hài hước. Sau đó ông gọi người con thứ hai đến và dặn dò trước mặt cha sở:
- Khi ba chết rồi, nhớ đắp cái lối vô cao lên đặng bà con đến cầu lễ cho sạch giò. Lo cơm nước đàng hoàng mà đền ơn bà con có công khó với mình. Người ta thương mình thì người ta mới tới. Heo, gà, vịt ba đã tính trước cả rồi. Cứ lấy đó mà làm...
Lời dặn chí tình của cụ già làm mình suy nghĩ mông lung. Trong kỳ tĩnh tâm đầu năm, các cha đả kích kịch liệt việc ăn uống trong đám tang. Nhiều vị đề nghị ra lệnh cấm và áp dụng cho toàn địa phận. Ai nấy đều thấy rằng ăn uống bên xác chết là quái gở, là thiếu văn minh, là mất vệ sinh, là tốn phí một cách phi lý. Có một sự đồng cảm rõ rệt trong hàng ngũ linh mục về vấn đề này. Chính mình cũng cảm thấy như thế. Mình đi viếng xác rất nhiều, nhưng chỉ thắp một cây nhang, gởi gắm vài lời chia buồn rồi chuồn thẳng. Nể lắm thì mình ở lại hút một điếu thuốc, uống một tách trà..., tuyệt nhiên không bao giờ ăn cơm trong các đám tang.
Bây giờ mình tự đặt câu hỏi: Tại sao cái mình thấy ghê tởm thì ông Năm lại thấy rất thân thương, chí tình và chí lý. Trong giây phút cuối đời, ông không quên dặn dò con cái phải lo cơm nước chu đáo để đền ơn bà con.
Bữa cơm ấy đối với ông Năm và bà con là nghĩa, là tình, thì đối với mình và giới linh mục là ghê tởm, là không văn minh, là tốn phí vô ích. Chỉ trong vài ngày nữa, ông Năm sẽ nhắm mắt lìa đời. Con cái ông sẽ tổ chức những bữa cơm trước, và sau khi an táng, vì đó là lời trăn trối, mà lời trăn trối là lời linh thiêng. Liệu mình có ra lệnh cấm những bữa cơm đó không: Cấm được không? Và nhân danh văn hóa hay nhân danh cơ chế?
Chắc chắn là mình sẽ không có mặt trong những bữa ăn đó. Nhưng mình thật tình tôn trọng những bữa ăn ấy. Mình sẽ không bao giờ cấm, vì mình chẳng có quyền gì để cấm. Mình cũng thật tình nghĩ rằng, cấm đoán như thế là lố bịch, là áp đặt cảm thức của lãnh đạo trên nhân dân. Cấm như thế có khác gì ông bố kia cấm cả nhà không được ăn sầu riêng, chỉ vì cái mùi và cái màu của sầu riêng.
Nhật Ký Truyền Giáo Nhật Ký Truyền Giáo - Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu Nhật Ký Truyền Giáo