Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 170
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
hà tù của tôi
rất nhiều tiếng gọi không thể vọng ra bên ngoài
Những tiếng gọi bỡn đùa sự hoang vắng
những tiếng gọi chọc cười niềm trắc ẩn
mà tôi nghe ròng rã nghìn đêm
mà tôi nghe tưởng đã khùng điên
bởi mỗi lần một tù nhân vĩnh biệt
Báo cáo cán bộ: Cachot có người chết
Thế giới vẫn phóng lên sáng rực tín hiệu nhân quyền
Và nhà tù của tôi vẫn bóng tối triền miên
ở biệt giam hàng chục kiểu còng ngồi còng đứng
còng chéo hai tay còng chung một cụm
còng rướn ngón chân còng dộng ngược đầu
còng khoan dung một lối chết thật lâu
để thấm thía lòng yêu tự do dân chủ
Báo cáo cán bộ: Cachot có người tự tử
Nhân loại thường cảm thông nỗi khổ rất mùa màng
và phải rất thời trang
nên cụ thể dễ biến thành trừu tượng
Nỗi khổ khác hẳn niềm sung sướng
nó cần quên ngay
nó không được phép rên xiết dài dài
Một đêm mưa lạnh
tôi nghe tiếng trẻ thơ kêu kinh hoàng trong hiu quạnh
Bố ơi bố ơi Mẹ chết rồi
Anh khó hiểu nổi nhà tù của tôi
Người cha bị lưu đầy ra hải đảo
Người mẹ mang bầu dắt con theo cải tạo
Bài thơ nhan đề Tiếng gọi không thể vọng ra ngoài tôi làm ở khu AH Chí Hòa. Bài này và 15 bài khác không có trong tập Thơ Tù� 1) nhưng tôi đã cho dịch sang Pháp văn trọn vẹn 30 bài thơ tù của tôi, 30 bài thơ tôi đã đọc ỏ Centre Pompidou, Paris; Theatre Action, Grenoble; Salle des fêtes, Paris 7è. 2
Đề lao Gia Định và Chí Hòa gây cho tôi nhiều cảm hứng thơ. Phải đợi qua AH, "đời sống" thoải mái, tôi mới sáng tác. Ở bài Chút tâm sự của người làm thơ trong tù, trên đầu tập Thơ Tù, tôi đã viết rõ, tưởng chẳng cần diễn tả thêm. AH mỗi ngày mỗi vơi bạn tù tốt nên phải dùng thơ lấp vào. Ông Tư Nhì đã được tha. Anh Võ Xuân Đình, anh Mai Đức Khôi đã đi lao cải. Ở nhà tù, mỗi lần chia tay kể như mỗi lần vĩnh quyết. Tôi nghĩ nên ghi cái cảm xúc ấv vào thơ. Ít ra, nó cũng bớt ẩn ức vô tích sự. Thế thì, tôi đã làm khá nhiều thơ, ở Chí Hòa. Khác với Đoàn Kế Tường, buồn quả hóa khùng, khùng quá cứ nhè ông Phạm Quang Khai mà sinh sự. Mấy ông tư sản mại bản Việt Nam có thú vui khó ngửi. Là thường xuyên khoe khoang sự phú quý đã trở thành "vang bóng một thời." Lại khoe oang oang:
- Thằng út nhà tôi sang năm tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Con cháu gái lớn, tiến sĩ kinh tế rồi.
- Các cháu tôi cũng tiến sĩ, kỹ sư hết.
Đoàn Kế Tường xía vào:
- Chưa hay đâu. Con cu ly bến tầu, con điếm, con ma-cô tốt nghiệp tiến sĩ, kỹ sư mới bảnh. Còn con cái bọn làm giầu bằng chiến tranh, muốn bảnh và xứng đáng khoe khoang phải đậu bằng cấp ma-cô, đĩ điếm, trộm cắp!
Các nhà tư sản mại bản nín thinh. Vì đúng quá. Lần khác, một nhà tư sản mại bản cao hứng kể thành tích đóng góp cho công cuộc chống cộng:
- Tôi đã tặng thương phế binh 200 xe lăn, mỗi Tết đều lì xì cảnh sát quốc gia vài triệu.
Đoàn Kế Tường nổi giận:
- Ông hút máu họ 2 lít, ông chích cho họ một ống sérum. Mà ông xuất tiền túi bao giờ? Ông bị phạt thuế, xin xỏ tiền phạt mua xe lăn tặng lính què. Của sở thuế, phúc ông. Ông lưu manh số một.
Nhà tư sản mại bản lại nín thinh. Cứ vậy, tối ngày, Chí Hòa công kích lẫn nhau khiến hồn thơ của tôi bay lên cachot. Tôi bắt đầu thèm động. Cái động lao cải ở trại tập trung. Con người bị giam hãm một nơi chật chội quá lâu đâm ra bẩn tính, hẹp hòi, cố chấp. Riết rồi, chỉ thấy ở nhau những điều xấu xa mà quên ở nhau những điều tốt đẹp. Và rồi, khi thoát đời tù vẫn quên những điều tốt đẹp mà chỉ nhớ những điều xấu xa nẩy sinh ở nơi tù túng, nơi con người bị xếp dưới hàng con vật. Tôi nghĩ, sống mãi với cái tĩnh, cái tĩnh ao tù của Sở Công An, của đề lao Gia Định, của Chí Hòa, da đã mỏng, thịt đã bủng mà hồn càng mỏng, càng bủng. Như bốn ngày bị Tư Long cúp nước, mọi người gần gũi nhau, thông cảm nhau. Như những ngày thoải mái AH, mọi người xa rời nhau, khó chịu nhau cả túi thăm nuôi lớn và túi thăm nuôi bé. Buồn, nản nhất là chỉ tù nhân Việt Nam gấu ó tù nhân Việt Nam. Tù nhân Ba Tầu không gấu ó nhau, không quan tâm đến sinh hoạt của tù nhân Việt Nam. Tôi thèm cái động của lao cải. Để xem, ngoài trời, con người tù có cao cả hơn, đại lượng hơn.
Phòng của chúng tôi lại thu nhận những người bệnh kiết lỵ bị cách ly trả về. Vi trùng Amibe khinh thường "thuốc dân tộc" của chế độ cộng sản. Bệnh kiết lỵ khó tiêu diệt ở nhà tù. Tôi thấy một điều thật mâu thuẫn. Những người mắc bệnh tiêu chẩy "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" lên kiết lỵ đều thuộc… giai cấp "con bà phước," giai cấp vô sản chính thống trong nhà tù. Giai cấp tư sản ăn thịt bò bíp-tếch "ướp muối" cả tuần, ăn gà rô-ti thiu "ướp muối" cả tháng, đâu có bị tiêu chẩy, kiết lỵ. Tôi đã ăn, ròng rã mấy năm, thịt kho ướp tầu vị ỵểu trong keo nhựa đến nỗi thịt chua lè. Mà vẫn không hề bị tiêu chẩy, kiết lỵ. Nhưng "con bà phước" ăn cơm, ăn bột luộc, ăn bo bo với canh bí nấu muối thì bị Tào Tháo đuổi tơi bời. Mâu thuẫn này nặng nề ngoài đời. Kẻ nghèo suốt đời kiết, dẫu cách mạng vô sản là cách mạng của người nghèo. Công an khu vực chơi với vô sản chính thống thì đói, chơi với tư sản thì no, lại còn được tặng quần bò� 3 của con cháu tư sản phản động theo Mỹ gửi về. Những kẻ chống cộng sản đã không chịu khai thác kỹ lưỡng cái mâu thuẫn này.
Để tôi đếm những bạn tù đề lao Gia Định của tôi xem còn ai: Hoàng Mạnh Hùng, Đặng Hải Sơn, Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng, Phạm Quang Khai. Tư tưởng chiến đấu mới của tuổi trẻ rải rác trong tiểu thuyết của tôi bắt nguồn từ những buổi thầm thì đàm thoại với Hoàng Mạnh Hùng ở nhà tù. Anh ta quy định rõ rệt Hà Nội là phỉ quyền, Sàigòn là ngụy quyền. Từ sau chính biến tháng 3 năm 1945, Việt Nam chưa có chính quyền. Người Việt Nam chân chính phải chiến đấu để tạo dựng một chính quyền thì mới giương danh chính nghĩa quốc gia. Anh ta chống đổ máu, chống tàn sát thêm ở Việt Nam. Tàn sát 500 tên lãnh tụ lớn, nhỏ của cộng sản Việt Nam. Là đủ. Hạnh phúc phải được ban phát cùng khắp. Tốt nghiệp tiến sĩ bên Mỹ, về nước anh ta khước từ chức vụ Thứ trưởng Văn hóa Giáo dục, dạy ở Thủ Đức. Vợ con đi Mỹ trước cả 1975, anh ta ở lại chiến đấu. Tồi đồng ý với anh ta nhiều điểm. Đặng Hải Sơn, nghị viên đơn vị Tùng Nghĩa, không tái tranh cử vì không thích làm bù nhìn nữa. Anh ta tâm sự một câu đáng suy nghĩ: "Phải ra Cam Ranh, nhìn thông non Đà Lạt mà Trần Thiện Khiêm và bè lũ bán cho Nhật, nó chặt ngọn, chặt gốc vất lại, chỉ lấy một khúc giữa thôi, khi ấy không yêu nước sẽ thấy yêu nước." Đặng Hải Sơn về Sàigòn làm báo, chủ trương cơ sở xuất bản Hải Âu với Trần Dạ Từ. Anh ta cùng quan điểm với Hoàng Mạnh Hùng. Tôi rất quý mến Đặng Hải Sơn. Anh ta trầm tính, sâu sắc 4. Đoàn Kế Tường và Dương Đức Dũng kể và vẽ sơ đồ cachots đề lao Gia Định, Chí Hòa thật chi tiết cho tôi nghe. Nhờ đó, tôi mô tả cachot FG không sai mấy.
Bạn tù tôi đã sống với họ, đã vui buồn cùng họ từ Gia Định rồi lại sống với họ, vui buồn cùng họ bên Chí Hòa còn có năm người. Chẳng biết hôm nào chúng tôi vĩnh biệt nhau.
° ° °
Giữa tháng 11 năm 1978, cai ngục Thuận đem đến một danh sách. Hắn ta đứng ngoài hành lang đọc lớn:
- Nguyễn Mạnh Côn.
- Có.
- Đặng Hải Sơn.
- Có.
- Nguyễn Thái Hà.
- Có.
- Vũ Mộng Long.
- Có.
- Chuẩn bị đồ cá nhân.
Cả phòng xôn xao. Khai Trí, Phạm Quang Khai, Nguyễn Công Kha thở phào. Vì thoát lao cải. Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng buồn hiu. Vì danh sách thiếu tên mình. Cửa phòng mở. Đằng Giao hớt hãi vào:
- Tôi cũng đi.
- Không đọc tên ông mà.
- Thằng Thuận bảo tôi về chuẩn bị hành lý.
Thu xếp hành lý thật nhanh. Chúng tôi còn thì giờ tạm biệt nhau, ông Khai bắt tay tôi:
- Ông đi may mắn.
- Cám ơn ông.
Đoàn Kế Tường ôm lấy tôi, khóc như con nít. Tôi nhớ lời hai của Đoàn Kế Tường ở Trả lại em yêu của Phạm Duy, bèn rống lên lấy khí thế cơ hồ Kinh Kha qua Dịch Thủy:
… Anh sẽ ra đi về tận miền Bắc
Anh sẽ ra đi
Chẳng mong ngày về
Trả lại em yêu
Chí Hòa chật chội
Kỷ luật Tư Long
Ngón đòn cu Phách
Buổi chiều thăm nuôi
Ngóng hoài em tới
Nuốt nhanh miếng thịt
Nuối tim con mình…
Cai ngục Thuận đã trở lại. Chúng tôi rời phòng. Giã từ AH. Giã từ phòng giam đã giúp mình thoát chết bệnh đau màng óc. Tôi đeo bị, xách giỏ, bước xuống dưới, ngồi xếp hàng cạnh phòng của các tù nữ. Ở đâv, đã có một nhóm tù ngồi đợi lệnh. Sau khi gom đủ số tù nhân các khu ghi trong danh sách, cai ngục Thuận dẫn chúng tôi sang khu BC.
Cai ngục khu BC tiếp nhận chúng tôi, điểm sổ, điểm danh, ký tên vào danh sách rồi đưa chúng tôi lên lầu 3.
Tôi biết thêm BC. Chí Hòa bát giác hay Chí Hòa bát quái có bốn khu, tôi đã đặt chân lên ba khu. BC chỉ là chỗ dừng chân, lâu nhất chứng hai tuần lễ. Từ đây, tôi sẽ bị tống đến một chân trời lao cải nào đó. Ở phòng mới BC toàn tù nhân lạ và chung một tội: Phản động. Chung một tội không phải là chung một tâm sự. Trong lịch sử chống cộng sản ở Việt Nam, chưa giai đoạn nào "phồn thịnh" như giai đoạn này. Đủ tầng lớp quần chúng chống cộng sau 30-4-1975. Trí thức có. Bình dân có. Nông dân có. Công nhân có. Nghèo có. Giàu có. Ông già có. Niên thiếu có. Phụ nữ có. Sinh viên có. Học sinh có. Thậm chí, lơ xe đò, phu nhà đòn cũng nức lòng tham gia các tổ chức chống cộng sản. Tù nhân chính trị hiện hành đông hơn tù nhân sĩ quan và viên chức chế độ cũ trình diện học tập cải tạo. Chẳng ai biết, chẳng ai đếm xỉa đến cái khối tù nhân chính trị vô danh này. Thế giới thường băn khoăn cho số phận mấy ông công chức cao cấp phủ Tổng thống. Và muốn cứu các tù nhân… tư tưởng nàv! Để giải trí cho đỡ buồn thì can thiệp với Nhà Nước cộng sản thả ông sư vượt biên, ông cố đạo vượt biên, ông nghị sĩ hay ông bộ trưởng đều phúc đức cả. Những kẻ chiến đấu đích thực không cần ai can thiệp xin tha. Chiến đấu là chấp nhận thiệt thòi. Anh lơ xe đò, anh phu nhà đòn, chắc chắn, không bao giờ thèm quan tâm cái tước vị Chủ tịch hay Tổng thống. Nhưng vào tù, các anh khổ hơn những ông chiến đấu với âm mưu Chủ tịch, Tổng thống. Hiển nhiên, các anh ấy sẽ bị liệt vào giai cấp "con bà phước." Chung một tội mà không chung một tâm sự là vậy.
Ổn định chỗ nằm xong, Đằng Giao hỏi tôi:
- Mình sẽ đi đâu, ông thầy?
Tôi lắc đầu:
- Chịu.
- Tôi thèm đi xa.
- Tận nơi nào?
- Sơn La, Lào Kay..
- Nếu chúng ta là sĩ quan, là viên chức cao cấp, là nghị sĩ, là dân biểu. Bọn mình là nhà văn, nhà báo độc lập, thiếu "hân hạnh" thăm Lăng Bác. Chỗ xa nhất, theo tôi, mình có thể đến là Gia Lai, Kontum.
- Trại Gia Trung.
- Có cả chục trại ở Gia Lai, Kontum. Được nhập trại Gia Trung, mình sẽ gặp các ông Doãn Quốc Sĩ, Mặc Thu, Thái Thủy, Thanh Thương Hoàng, Trịnh Viết Thành, Chóe, Tô Ngọc…
- Tôi muốn mình đến một nơi nó cấm mình thư từ về và nhận thư từ đến. Kéo dài thêm sự vô vọng của vợ con, tôi nản quá.
- Bạn ơi, tôi cũng muốn vợ con tôi coi như tôi đã chết.
Không có tù nhân nào bất hạnh hơn tù nhân không được xét xử, không có án phạt. Chúng tôi mòn mỏi. Vợ con chúng tôi mòn mỏi. Tôi cảm tưởng tôi tù trong, vợ con tôi tù ngoài. Sự trừng phạt của hận thù khiếp đảm quá. Tôi đã viết bài thơ tặng nó.
Gửi cho anh đôi mắt
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết nhìn sự trơ trẽn ngục tù
và nó thấy nó bọ hung lầm lũi
Gửi cho anh cái mũi
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết ngửi mùi tanh tưởi cachot
và nó thấy nó côn trùng câm nín
Gửi cho anh cái miệng
để anh ráp trên khuôn mặt hận thù
Nó sẽ biết ăn thực phẩm trâu bò
và nó thấy nó nghìn năm rác rưởi
Gửi cho anh cái lưỡi
để anh ráp vô họng hận thù
Nó sẽ biết tập tành nói chuyện thương yêu, lãng mạn, mộng mơ
và nó thấy nó xụt xùi muốn khóc
Gửi cho anh bộ óc
Gửi cho anh trái tim
Gửi cho anh ái tình
Gửi cho anh cuộc đời dạt dào cảm xúc
Gửi cho anh con người hào hoa đích thực
Gửi cho anh
gửi tặng hận thù
(Thư Tù, trong tuyển tập Poèmes de prison).
Gửi tặng thù hận hay gửi tặng những kẻ nuôi dưỡng thù hận dân tộc, thù hận con người?
- Tôi xuống tinh thần rồi, ông thầy ạ!
- Xuống tinh thần nguy hiểm lắm.
- Chết là cùng.
- Chết dai dẳng, chết không đúng ý mình muốn. Mà chết vô ích. Ngu sao chết, sống để nhìn chứ. Bạn ơi, coi như mình chết thì được, chết thật thì không nên. Niềm bí ẩn của đời sống thường đến thật chậm. Bạn biết chúng ta sống bao nhiêu ngày trong tù chưa?
Đằng Giao tính nhẩm:
- 31 tháng, tức là 930 ngày.
Tôi nói:
- Cổ nhân phán: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Ta cứ coi rằng một ngày tù của cổ nhân bằng một ngàn ngày tù cộng sản của ta, thì 930 X 1000, ta đã nằm tù 930,000 năm rồi bạn ạ! Ta nhập cõi từ khuya, lo chi chuyện sống chết.
Đằng Giao cười méo xệch:
- Ông thầy an ủi tôi hay an ủi ông thầy?
Tôi chớp mắt:
- Ta an ủi nhau, Đằng Giao ạ!
Quả thật, chúng tôi đã trải qua 930,000 năm ở Sở Công An, ở đề lao Gia Định, ở Chí Hòa. Có gã tù nhân nào đó đã ngạo nghễ nói: "Mười năm tù như một giấc ngủ trưa." 930,000 năm chỉ là 930,000 giấc ngủ trưa. Thu nó lại, 930 ngày mới bằng một góc giấc ngủ trưa. Có chi phải ồn ào cái nỗi tù đầy của mình nhỉ?
Chúng tôi ở BC đã đuợc một tuần, sinh hoạt như AH. Đằng Giao bị chỉ định làm Trưởng phòng. Mỗi sáng nhìn sang AH, tôi thấy quần áo phất lia. Bèn hiểu là Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng hỏi thăm mình. Ở BC, nhìn xuống hồ tắm, tôi thấy rõ bộ trưởng Ngô Khắc Tĩnh hơn. ông vốn thấp, mặc quần xà lỏn, áo thung, ông càng thấp, ông Thợ Lặn 5 hết ngụp lăn trong danh vọng quyền bính mà lặn ngụp trong ngục tù. Ngắm ông xách hai thùng nước bỗng tội nghiệp ông vô cùng.
Đến ngày thứ 10, một cán bộ hồ sơ đến phòng, mở rộng cửa "làm việc" với chúng tôi. Chiếc bàn gỗ kê sát cửa. Anh ta gọi tên từng tù nhân và yêu cầu tù nhân bước gần bàn, đứng nghiêm, đọc sơ yếu lỷ lịch của mình để anh ta xem hồ sơ ghi đúng hay sai. Mỗi tù nhân riêng một hồ sơ đựng trong một tấm bìa. Đằng Giao, Nguyễn Mạnh Côn "can tội văn nghệ sĩ phản động," cán bộ hồ sơ xác nhận đúng. Anh ta nói thêm:
- Các anh đi lao động cải tạo đúng 3 năm thì về. Còn vài tháng nữa thôi, án phạt tính từ ngày các anh bị bắt.
Đến lượt tôi khai "can tội nhà vàn phản động" cán bộ hồ sơ lắc đầu:
- Anh nghề nghiệp "nhà văn phản động", can tội đảng viên Duy Dân trốn trình diện học tập, trong tổ chức chống phá cách mạng hiện hành. Nhưng anh cũng đúng 3 năm là được tha.
Tôi bàng hoàng giây lát. Rồi tôi xét lại Hai Nghiêm và lão cán bộ của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Trung ương 6. Cộng sản không bao giờ nói thật. Cộng sản chơi trò giả đạo đức rất tài. Tôi quên mất lời khuyên của người công an chấp pháp miền Nam đã "làm việc" với tôi lần đầu tiên ở Sở Công An: "Trong tù, tuyệt đối không tin ai." Nhưng mà tội gì thì tội, không được xét xử, không có án phạt thì ngày về xa lơ xa lắc. Tôi không tin lời anh cán bộ hồ sơ nữa. Đằng Giao càng không tin. Tù nhân tự hào là mình từng đi guốc vào bụng cộng sản, mình đã nằm tù cộng sản năm 1948 là Nguyễn Mạnh Côn, thì tin tưởng ra mặt.
Trật tự đem cơm trưa hôm ấy là con trai của nhà thơ phúng biếm nổi tiếng một thời, can tội trộm cắp. Cậu ta cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ rời Chí Hòa sáng sớm ngày mai.
- Đi đâu?
- Cháu không biết.
- Gần hay xa.
- Còn tùy.
- Tùy gì?
- Tùy thực phẩm ăn đường. Nhà bếp đang lo luộc bột. Hễ các chú được phát ít thì đi gần, phát nhiều thì đi xa.
Cậu con trai của nhà thơ nói đúng. Sáng sớm hôm sau, trước giờ kẽng báo thức, chúng tôi được lệnh rời phòng. Vệ binh võ trang giải chúng tôi xuống sân vòng ngoài. Tôi không còn thấy bên trong Chí Hòa. Vĩnh biệt nó, vĩnh biệt FG, AH, BC. Chúng tôi bị chia thành bốn nhóm, đứng xếp hàng đôi. Kẽng báo thức điểm một lúc thì bốn chiếc xe vận tải chuyên chở súc vật chầm chậm chạy vào. Rồi xe quay đầu lại. Nhóm chúng tôi đầu danh sách nên được "chiếu cố" trước. Cán bộ hồ sơ, hôm nay, mặc đồng phục công an nhân dân, đeo súng ngắn. Vệ binh rất đông, kè kè AK nạp đạn.
- Nguyễn Mạnh Côn.
- Có.
- Lên xe!
Người ta phát cho mỗi tù nhân một cục bột luộc khá lớn. Đi gần thôi, tôi nghĩ thế. Tù nhân ném hành lý lên sàn xe rồi leo sau. Không có thang. Mỗi chiếc xe tải nhồi nhét 50 thằng tù. Chở heo, tối đa, 30 con. Đằng Giao và tôi lên xe sau cùng. Trần xe và thành xe đan lưới sắt lợp vải bố. Cửa sau là song sắt lớn, hàn xì vững chắc. Tù nhân lên xe xong, cửa khóa chặt và vải bố buông kín. Tuy nhiên, vẫn có thể he hé vải bố nhìn ra. Tôi thấv, trên nóc ca-bin xe sau tôi, một vệ binh ôm súng ngồi. Trong ca-bin, một vệ binh khác. Ngoài ra, còn một chiếc jeep gắn đại liên. Đảng và Nhà Nước cộng sản võ trang hùng hậu dẫn độ đám tù ốm đi học tập cải tạo.
- Ông thầy đoán thử, nó đưa mình về nghĩa địa nào? Đằng Giao hỏi.
- Lát nữa sẽ biết. Tôi nói.
- Thử cho đở buồn.
- Nếu xe ra đường Lê Văn Duyệt, rẽ trái là mình đi Kà Tum, Trảng Lớn.
- Rẽ phải?
- Lại đợi đến bùng binh đường tầu. Rẽ phải, ta về miền Tây, ta vô trại Vườn Đào ở Cai Lậy hay xuống Năm Căn, Cái Đước… Đi thẳng rồi rẽ trái, ta xuôi chiều Phan Thanh Giản ra xa lộ Biên Hòa. Hễ qua cầu Đòng Nai, ta ra miền Trung. Mà một cục bột, tôi cho rằng, mình ghé Rừng Lá thôi.
- Có thể Long Thành, Suối Máu chăng?
- Với cộng sản, cái gì cũng có thể.
Xe đã chuyển bánh lạo xạo trên lớp đá răm. Lát sau, nó qua cổng khám lớn Chí Hòa mà cách mạng vô sản gọi là Trại cải Tạo Trường Kỳ. Bây giờ mới thực sự giã biệt Chí Hòa, nơi chốn mà nô lệ hay độc lập, cách mạng nhân vị hay cách mạng vô sản, chỉ thấy người Việt Nam bắt nhốt người Việt Nam, chỉ thấy người Việt Nam đọa đày người Việt Nam. Xe đang chạy từ từ. Đường Hòa Hưng đây. Tôi hé tấm bố, cố tìm một cách vô vọng xem có thấy vợ con mình ngơ ngác đứng trên hè phố đợi chuyến xe tù ngang qua. Cảnh tượng đìu hiu vô cùng. Tấm bảng quán Ly Tao của danh ca Ngọc Long đã hạ. "Kẻ đi, người lại dáng lao xao." Đằng Giao và tôi căng mắt nhìn Saigon. Xe rẽ bên phải. Chúng tôi thoát Kà Tum, Trảng Lớn. Xe qua bùng binh đường tầu, chạy thẳng luôn. Chúng tôi hết về miền Tây. Xe rẽ xuôi chiều Phan Thanh Giản. Tôi phải nhường chỗ cho anh em khác. Cũng chẳng thích ngắm thêm nỗi ưu phiền giăng mắc kín thành phố thân yêu cũ.
Tôi đã vỡ lòng cay đắng ở sở Công An. Tôi đã nhập môn thống khổ ở đề lao Gia Định. Đau thương của tôi, tôi rấm ở Chí Hòa, kể như đã chín. Đã chín những hệ lụy trong cái tĩnh của nhà tù. Còn những hệ lụy nào nữa, sắp phơi ra cái động của trại tập trung. Tôi sẽ mang về cái gì hay chẳng bao giờ mang về cái gì. Tôi sẽ tồn tại hay tôi sẽ bị hủy diệt. Điều đó không quan trọng, không cần thiết. Sự quan trọng là biết sống và dám uống tới giọt đắng cuối cùng của cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng sống với hy vọng được thưởng thức giọt đắng cuối cùng của cuộc sống. Để khôn lớn và để không thẹn làm người.
Ivry sur Seine
Tháng 5-1987
--------------------------------
1 Thơ Tù, Nam Á, Paris 1984.
2 Poèmes de prison. Les Editions de Caux, Thụy Sĩ, sắp xuất bản.
3 Việt Cộng gọi quần Jean là quần bò.
4 Đặng Hải Sơn vượt ngục Sa-Ác TH-6 năm 1980, thành công, vẫn sống "lưu vong" tại Saigon.
5 Bút hiệu viết báo của Ngô Khắc Tĩnh, ông đã khoe như vậy.
6 Amnesty International và International Pen, trong những thư gửi cho nhà cầm quyền Việt Nam can thiệp trả tự do cho tôi, đều được trả lời: Duyên Anh không phải là nhà văn. Và họ đã khước từ phái đoàn AI xin gặp tôi tháng 8-1978. Nhưng trong Giấy Ra Trại, họ vẫn ghi tôi can tội "nhà văn phản động".
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù