Love is the hardest habit to break, and the most difficult to satisfy.

Drew Marrymore

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 170
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
iữa tháng 3 năm 1978, Tư Long ra lệnh cho chúng tôi lên một phòng trên lầu 3. Phòng này, tù nhân vừa bị chuyển khu hay chuyển trại, bừa bãi rác rưới. Tôi đã viết, Cộng sản "giải phóng" tù nhân chế độ cũ chiều 30-4-1975 thì ngay sáng sớm 1-5-1975 đã có tù mới. Và tù cũ lần lượt bị lùa vào. Thực sự, Chí Hòa đã xao xuyến từ 28-4-1975. Tù nhân nào "đấm mõm" chúa ngục là ra về thơ thới hân hoan. Đến trưa 30-4-1975, cả chúa ngục lẫn tù nhân "tốt số" bỏ Chí Hòa mà chạy. Còn lại đám tù "xấu số" không thể phá cửa ngục, đành đợi cách mạng "giải phóng". Một tù nhân de luxe không được "giải phóng": Ông tướng Trần Quốc Lịch.
Người ta đồn rằng, ở Chí Hòa có nhiều ma, đặc biệt là Con Ma Vú Dài mà nhật báo Hoà Bình của linh mục Trần Du đã khai thác ròng rã mấy tháng. Con ma vú dài, chúng tôi không được hân hạnh… ngắm vú nó. Nhưng, tôi biết chính xác đã nhiều tù nhân tự tử hay chết đòn, chết bệnh ở Chí Hoà. Tại sao biết chính xác? Vì, tôi đã sống chung phòng với một cán bộ cải huấn khám Chí Hòa. Oan hồn, chướng khí dầy đặc vùng tù ngục này. Người ta bảo rằng, chỉ khi nào tất cả cửa phòng giam, cổng khám, mở tung ra một lượt, oan hồn mới phiêu diêu miền cực lạc hay về thiên đàng và chướng khí mới tiêu tan. Cửa phòng giam, cổng khám đã mở tung một lượt. Oan hồn mới, chướng khí mới dầy đặc hơn. Ở Việt Nam, sau mỗi cách mạng thì tỷ số nhà tù tăng lên. Nhà tù thực dân trên quê hương tôi khiêm tốn hơn nhà tù cách mạng, bất kể cách mạng gì. Hãy nói cách mạng vô sản giải phóng con người. Nó giải phóng nhà tù Chí Hòa ra sao?
Các ống nước dẫn lên lầu bị cắt. Tấm bảng để tù nhân giỏi dạy học tù nhân dốt bị gỡ. Cấm dạy dỗ lẫn nhau. Dạy dỗ kiến thức đồng nghĩa với tuyên truyền phản động. Cấm bút. Cấm giấy. Tù nhân lúc nhúc trong phòng giam như đàn gà kỹ nghệ. Cách mạng không sơn lại tường tù. Do đó, tường phòng giam chúng tôi còn đầy máu muỗi, máu rệp, còn đầy tên tù nhân ghi rõ năm tháng tiền giải phóng, còn đầy những lời thề huyết hận giang hồ. Trên một bức tường có vẽ hình con rồng đang lộn bằng gạch non. Vốn thận trọng và sợ trách nhiệm, ông Trưởng phòng Phạm Quang Khai quan sát tỉ mỉ phòng mới. Rồi ông báo cáo vụ con rồng với trật tự. Trật tự báo cáo Tư Long. Chúa ngục Tư Long lồng lộn chạy lên. Hắn điên tiết vì đám tù cũ đã "chơi" hắn. Long là rồng. Chúa ngục Rồng mà tù dám cho rồng lộn thì… phản động quá, xúc phạm nặng nề tới cách mạng vô sản và chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng.
- Trưởng phòng đâu?
Ông Khai le te bước sát tường:
- Tôi đây.
- Ai vẽ con rồng?
- Tôi không biết
- Anh phải biết.
- Chúng tôi vừa lên đây, thấy rồng đã vẽ sẵn, vội vàng báo cáo ngay.
- Anh vẽ.
- Tôi không vẽ.
- Đồng bọn anh vẽ.
- Thưa cán bộ, chúng tôi không vẽ.
- Tôi bảo anh vẽ.
- Tôi đâu dám vẽ.
- Vậy anh biết ai vẽ. Tôi chỉ thị anh kiếm ra ai vẽ nội trong một giờ. Không kiếm ra, cả phòng chịu kỷ luật.
Tư Long hầm hầm bỏ xuống với đám trật tự đầu trâu mặt ngựa. Ông Khai, nhà tỷ phú Phạm Quang Khai, vua tầu dầu chiến lược Phạm Quang Khai bị tên bán vé xe đò át giọng thì ngồi thừ, đau khổ. Đổi đời mà. Con lạc đà có thể chui qua lỗ kim, ông Khai khó mà tìm được thằng nào vẽ con rồng lộn xỏ Tư Long. Ông thở dài thườn thượt, trong khi, anh em quét phòng, chia chỗ nằm. Nước trong phòng không còn một giọt, cầu tiêu ngập phân, thối um, tanh tưởi. Sàn nước nhơ nhớp. Chẳng cần một giờ, Tư Long sai liền trật tự lên dán miếng giấy "niêm phong" phòng và tuyên bố:
- Cúp nước một tuần. Cúp tắm một tuần.
Tưởng tượng một tuần lễ không có nước xối cầu! Anh em nhao nhao cào cấu ông Khai:
- Nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư.
- Con rồng kệ mẹ nó, con c… cũng có sao! Báo cáo, báo cáo…
- Già mà ngu.
- Đọc kinh ra nước đi!
Ôi cha, ông Khai lãnh búa. Đúng là trên đe dưới búa. Chức sắc nhà tù khổ vậy đó. Tội nghiệp ông Khai. Ông đã bị cai ngục đì, còn bị anh em rủa. Đạo đức như linh mục Tự Do, hiền lành như anh Võ Xuân Đình mà cũng chê ông Khai tối dạ. Với Cộng sản thì phải gian dối, thành thật là lãnh đòn. Cái triết lý sống giả khùng của Bẩy Bốp Nguyễn Ngọc Tân hay nhất. Nguyền rủa ông Khai chán chê đâm ra mỏi miệng. Đành chịu đựng một hình phạt hiện thực xã hội chủ nghĩa, một hình phạt mà tôi tin rằng, ở Pháp, Bùi Kim Bảng vẫn nhớ, ở Mỹ, Hoàng Mạnh Hùng, Nguyễn Công Kha chưa quên. Nhưng nhân loại chưa biết. Các vị đại diện tù đòi hỏi nhân quyền chưa biết. Rằng, con người đã có những ngày sống như con vật.
Chúng tôi bị cúp hai lần tắm. Không sao. Nhưng một tuần không rửa mặt, đánh răng, không có nước rửa bát, rửa đít, xối cầu tiêu thì hãi hùng quá. Cai ngục Quỳnh đã dạy: "Chiến đấu từ đau khổ, cố mà học nếu muốn chiến đấu chống Cộng sản". Mấy ai nhập tâm câu này? Thay vì chịu đựng để, nói theo Tố Hữu, "Nuôi đi em cho đến lớn đến già, mầm hận ấy trong lòng xương ống máu. Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu, mà hôm nay em đã nhóm trong lòng", người ta hết than vãn lại gấu ó lẫn nhau. Dân tộc đã trưởng thành sau kinh qua lịch sử nghẹn ngào 30-4-1975, song vẫn còn nhiều người chưa khôn lớn, kể cả người trong tù và người ngoài tù, người trong nước và người ngoài nước. Chúng ta hằng nhắc nhở Phù Sai nằm gai nuốt mật nhớ thù, Câu Tiển nếm phân nuôi hận. Nhắc nhở thôi, chúng ta không thích noi gương… Ba Tầu. Ba Tầu là Ba Tầu, dẫu thù hận ở không gian và thời gian nào cũng đồng dạng, đồng tình. À, chúng ta sẽ chỉ thích anh Ba Tầu Hàn Tín. Mới bị dở nón chào thằng cai ngục đã nghĩ mình khuất thân ghê gớm, đã so sánh mình với Hàn Tín. Có tài năng như Hàn Tín hãy so sánh với Hàn Tín. Nhưng Hàn Tín xin cơm thuở bần hàn chứ không chịu "ăn cắp cháy, ăn vụng thịt, ăn tranh phần cơm heo". Tôi cần "phanh" tôi lại, trở về kỷ luật khốn kiếp mà Cộng sản bắt chúng tôi chịu đựng. Mỗi ngày, chúng tôi, mỗi tù nhân, chỉ được hai ca nước uống. Hai ca khoảng nửa lít. Nước uống cung cấp sáng và trưa. Cơm canh đều đặn. Nửa lít nước một ngày cho một tù nhân sống trong phòng giam 62 người, một người ba gang tay chỗ nằm. Trời đang mùa nắng, mồ hôi thường xuyên toát ra, nửa lít nước kỷ luật! Chúng tôi không dám pha bột, pha sữa, pha mì, không dám đánh răng, rửa mặt. Tự nhiên, cả phòng khen anh Nguyễn Mạnh Côn và tặng anh biệt danh Dr. Anti-Hynos, vì từ khi vào tù, anh Côn khước từ đánh răng. Chúng tôi phải xé áo, xé quần thành những miếng nhỏ. Để lau chén, muỗng sau bữa ăn. Và để chùi đít sau khi đại tiện. Tôi cố nhịn ỉa đến mức tối đa. Tôi thèm táo bón. Bất hạnh thay, vào đúng cơn khốn khó này, nhiều anh em bị bệnh tiêu chẩy. Trưởng phòng Phạm Quang Khai kêu gọi anh em khắc phục… ỉa! Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống chứ không thể nhịn đái, nhịn ỉa. Cầu tiêu ngập gần ngang mức gạch, xây cao che phần không tiện để ra của "kép tù" trên "sân khấu". Rốt cục, các "kép tù" đành ngồi trên hàng gạch xây, coi như "màn nhung" mà "diễn tuồng" đại tiện. Ông anh kết nghĩa Khai Trí của tôi đau khổ nhất. "Ai đau khổ vì bệnh trĩ"? Không khí phòng giam "ngạt ngào" mùi phân tiểu. Chúng tôi thở, chúng tôi ăn, chúng tôi uống, chúng tôi ngủ, chúng tôi ước mơ, chúng tôi hy vọng trong mùi phân tiểu nồng nặc.
Có lẽ, dưói ngọn cờ quang vinh của Đảng và bằng thành tích bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác Lê, các thứ vi trùng đều bị tiêu diệt hết. Nên, tù nhân không được chích ngừa một thứ bệnh gì cả. Cũng tốt thôi. Qua ngày thứ hai, Tư Long cho phép xách hai thùng nước dội cầu. Cầu đã đầy nghẹt, hai thùng nước thấm thía gì! Giá có con lươn anh hùng, lươn dũng sĩ thả vô trước vài tiếng đồng hồ rồi dội mạnh nước là "thông suốt vấn đề khẩn trương" và "hồ hởi phấn khởi" và "đột xuất bay mùi hương cách mạng". Chúa ngục Tư Long gian ác không cho mượn cây gậy thọc cầu. Thành thử phân ì ạch rút như sự tiến bộ ì ạch của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vậy đó, chúng tôi chịu đựng liên tiếp bốn ngàỵ. Thấy không có ai chết, Tư Long "giải phóng" phòng của chúng tôi ngày thứ năm. Chúng tôi xách nước "giải phóng" cầu tiêu", chà sàn nước, rửa phuy… Chúng tôi tắm gội. Vẫn chỉ 8 phút. Lúc ấy mới hiểu hạnh phúc đánh răng và hạnh phúc… rửa đít.
Sinh hoạt của phòng dần dà trở lại bình thường.
Thời kỳ này, chiến tranh biên giới Miên-Việt đã gay go. Các tỷ phú Tầu, các nhà tư sản mại bản không được ra ngoài làm việc nữa. Trần Thành hết nghề nuôi heo. Trương Vĩ Nhiên hết nghề y tá. Trương Vĩ Nhiên độc quyền nhập cảng phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan. Anh ta là chủ nhiều rạp chiếu bóng lớn. Ở đề lao Gia Định, anh gánh cơm cho các phòng khu C-1. Cộng sản chọn có hai nhà tư sản mại bản đưa ra tòa: Lý Sen và Trương Vĩ Nhiên. Lý Sen lãnh án 15 năm. Trương Vĩ Nhiên 20 năm. Đến năm 1982, toàn bộ tư sản mại bản Chợ Lớn được tha hết. Không nghe nói Lý Sen, Trương Vĩ Nhiên có "trúng số" hay không. Những ngày Trương Vĩ Nhiên làm y tá, chúng tôi dễ chịu. Anh đề nghị bác sĩ Việt cộng cho tù nhân giữ hết thuốc tư. Chúng tôi khỏi đăng ký thuốc ở Y Tế, mất công ốm đau phải xin rút thuốc. Tư Long vẫn "ghim" phòng của chúng tôi. Hắn chủ trương "đong đo, cân đếm" tinh vi. Một tù nhân nửa lít nước uống và một lít nước xử dụng dịch vụ cá nhân, mỗi ngày. Tư Long nghiêm cấm trò "tắm gỡ" khi xuống hồ xách nước. Tù nhân chơi màn múc đầy thùng rồi nhấn mạnh cho nước trong hồ tràn ra "tắm gỡ", Tư Long cấm luôn. Hắn cấm đem theo bình múc nước riêng. Cuối cùng, cấm nước nhễu trên hành lang. Những người tình nguyện xách nước hết tình nguyện. Phòng lại ủy cho tổ. Tổ cắt người vác nước. Tư Long bắt vác nước trên vai không được nhỏ một giọt nào. Thành ra, thùng nước không đầy. Tôi nhớ bốn ngày cấm nước, chúng tôi đứng trên lầu nhìn xuống hồ. Thấy bọn trật tự đánh bóng chuyền xong thì nhẩy vào hồ nước đùa rỡn. Tư Long muốn chúng tôi đau đớn. Hắn đã nhầm. Đảng của hắn đã nhầm. Chủ nghĩa của hắn đã nhầm. Nếu đích thực là con người, đắm chìm trong bất cứ một nghịch cảnh nào, con người vẫn tồn tại với đầy đủ ý nghĩa làm người.
Một số anh em được gọi đi lao cải ở trại tập trung. Cai ngục nói rõ đi lao động cải tạo. Tôi dùng chữ được thay chữ bị. Thoát khỏi FG đã hạnh phúc, thoát khỏi Chí Hòa hạnh phúc nhân lên. Vậy thì Chí Hòa không phải là chốn cải tạo trường kỳ, là chốn tù nhân nằm chờ chết mòn bằng bệnh hoạn, bằng tuyệt vọng. Rồi sẽ đi… Những cuộc phiêu lưu mới đang đợi những bước chân sắp tê liệt. Trong số anh em đi lao cải có Phan Thành Trường, Nguyễn Đình Bách, Quang què, Cốc Chính Cương… Thời kỳ này, Cao Dao 1 đã "thống lĩnh" một "ngọn núi" Chí Hòa. Võ Long Triều từ đề lao Gia Định sang. Nguyễn Đan Quế cũng đã có mặt. Họ không vào phòng tôi. Nhóm luật sư "Nhân Quyền" ngự ở khu AH. Tôi không nghe kể tên Huỳnh Thành Vị. Như vậy, Chí Hòa đã nhiều nhân vật. Càng đông càng vui. Khu FG thay đổi toàn bộ cai ngục. Tư Long vẫn còn nhưng hắn không lảng vảng rình mò nữa. Một tên cai ngục mà Đoàn Kế Tường đặt cho hắn cái tên "Đề Xuất" – vì hắn ưa hỏi phòng có đề xuất gì không sau khi điểm danh – đã tặng chúng tôi một bài học đề xuất. Hắn hỏi hoài khiến ông Khai phải… đề xuất:
- Báo cáo cán bộ, phòng chật chội quá.
- Bao nhiêu người?
- Năm mươi nhăm.
- Tôi ghi nhận, sẽ nghiên cứu giải quyết.
Ngay buổi trưa, cửa phòng mở, ông Khai nhận thêm 15 tù nhân hình sự gồm các tội móc túi ăn trộm. Dĩ nhiên, ông Khai lại bị công kích về tội "ngứa mồm" đề xuất. Đoàn Kế Tường ra mặt chống đối ông Khai. Chưa hết đâu, hôm sau, ông Khai tiếp nhận 5 tù nhân hình sự khác. Các tù nhân hình sự được chuyển tới Chí Hòa đều đã nằm ở nhà giam các quận. Mà nhà giam các quận là nơi con người biến thành ròi bọ. Hoàng Mạnh Hùng đã nằm nhà giam quận 3 một tháng. Anh kể những tệ trạng khốn kiếp xẩy ra. Cai ngục ngó lơ, mặc kệ vua tù và triều đình lộng hành. Thảm cảnh ức hiếp, bóc lột tù yếu và bắt cả tù yếu làm công việc "thổi kèn" để thoả mãn thú tính của tù mạnh còn ghê tởm gấp bội những "xen" tôi đã diễn tả về các phòng tạm giữ trong tiểu thuyết của tôi. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, vệ sinh ở các nhà giam các quận thả nổi. Chấy rận lổm ngổm, ghẻ lở kềnh càng. Một tháng tắm một lần. Ốm no bò dậy. Những màn đấm đá tàn bạo. Những màn trốn ngục táo bạo. Vua tù dám mua cai ngục một chai xì-dầu thủy tinh giá cắt cổ. Nó sai đàn em đập chai, nhắm bụng nó mà đâm mạnh. Đừng đâm chết. Bị thương nặng thôi. Cai ngục chở nó tới bệnh viện Đô Thành. Nó… vượt ngục ở đây dễ dàng.
Bị mắc mưu "đề xuất", phòng chúng tôi rộn ràng tiếng văng tục, chửi thề, lổm ngổm chấy, rận, cái ghẻ… Sự tranh giành cơm nước, chỗ nằm sinh động một đời tù Cộng sản. Rồi cũng quen đi vì đã có lần chịu đựng bốn ngày kỷ luật cúp nước. Tôi đã tưởng những mùi thối tha, tanh tưởi của phân tiểu, của máu mủ tù ngục sẽ làm mình quên bất cứ mùi tanh tưởi, thối tha nào bên ngoài, khi tôi ra đời. Rốt cuộc, tôi lại phải tương tư những mùi thối tha, tanh tưởi, hôi hám của tù ngục. Bởi vì, những mùi nồng nặc nhất của tù ngục vẫn thơm hơn những mùi kháng chiến, đấu tranh của đám cai thầu vô lại, của bọn mưu đồ danh phận bằng nỗi bất hạnh của dân tộc và tổ quốc chúng nó.
Phòng chúng tôi đã chẵn 70 mạng. Nước giới hạn, tắm giặt giới hạn, bệnh ghẻ tái phát và tăng trưởng thật lẹ. Tôi bị cảm cúm. Đoàn Kế Tường xoa dầu cù là, cạo gió. Ở "chuồng" lâu ngày, da chúng tôi mỏng và thịt bủng. Những vết cạo gió chẳng cần đợi lâu, hôm sau thôi, đã nhiễm trùng, sưng mủ. Tôi đã trải qua "mùa ghẻ" đề lao Gia Định. Thêm "mùa ghẻ" Chí Hòa. Tất cả tù nhân đều bị một thứ nấm "ăn" ở hạ bộ gây ngứa khó chịu. Hễ gãi mạnh xước da là thành ghẻ mủ ngay lập tức. Bởi vậy, tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng sáng tạo một kiểu gãi thần sầu. Dùng bàn chải đánh răng mà… chà ghẻ! Chà nhẹ nhàng. Bệnh ghẻ nham hiểm như Cộng sản. Ban ngày nó không hành mình, đợi lúc mình nằm ngủ nó mới ngứa. Hòa tấu khúc "đàn Ta-Lư" thường chơi đêm khuya. Âm thanh phóng ra đời sống chỉ là những tiếng "xoàn xoạt" liên tục. Vậy thì, bàn chải gãi ghẻ ban đêm và đánh răng ban ngày! Chúng tôi đã nuốt cái ghẻ. Anh Nguyễn Mạnh Côn ca ngợi ghẻ, nếu ghẻ mọc một mụn duy nhất ở đốt xương sống cuối cùng, gần hậu môn. Anh bảo có thằng cái ghẻ để gãi cũng đê mê lắm. Anh Côn nhận xét đúng. Để móng tay ngón út đùa bỡn với chú cái ghẻ ở đốt xương cùng thì tuyệt cú mèo. Nếu cái ghẻ là những thằng chụp mũ, là những thằng phản phúc, là những thằng hèn mọn bắn sau lưng, núp bóng tối đâm lén ta, chúng nó rất xứng đáng nằm ở đốt xương sống cuối cùng, gần hậu môn ta. Thiếu những thằng này, cuộc đời giảm nhiều thú vị. Ở trong bất hạnh, bạn cần tìm kiếm hạnh phúc. Tôi kiếm hạnh phúc từ ca nước ấm. Giúm muối bỏ vô, tôi lên "sân khấu" ngâm "toàn bộ". Ôi, đang ngứa bạo mà ngâm nước nóng, sướng sao mà sướng. Sướng hơn làm tình, sướng rên mé đìu hiu… Nếu tôi được soi gương lúc tôi thả "toàn bộ" vào nước nóng, tôi sẽ có định nghĩa chính xác về các tĩnh tử nghệt, thộn, đờ đẫn… Phi ghẻ bất thành tù. Gãi trong cơn ngứa đã đời lắm, nhưng xót xa sau cơn ngứa. Ngâm nước nóng trong cơn ngứa, đang ngâm thì đê mê mà ngâm xong thì "hồ hởi phấn khởi." Nhân vật tiểu thuyết của tôi nằm khám Chí Hòa bị ghẻ nước, đã khám phá ra chân lý hạnh phúc. Là đốt nến cho nhễu từng giọt xuống mỗi mụn ghẻ. Sức nóng của giọt nến vừa độ không làm phỏng da nên mỗi giọt nhỏ xuống một mụn ghẻ cơ hồ mỗi giọt sướng nhỏ xuống hồn. Nến không thể dùng cho hạ bộ, cái hạ bộ đen thui, mỏng teo. Phải nước ấm và muối. Nước ấm gây cảm khoái và muối làm se. Cái tứ khoái của cổ nhân cần thêm khoái lấy ráy tai, khoái ngoáy lỗ ghèn, khoái gãi ghẻ, khoái ngâm hạ bộ ghẻ vào nước ấm… Khoái lấy ráy tai, người Việt Nam nào chả biết, chả thích. Khoái ngoáy lỗ ghèn, ít ai biết. Nếu biết, người ta sẽ nghiện. Ở tù, bạn đến phòng nào cũng kiếm ra một vài tài năng lấy ráy tai, ngoáy lỗ ghèn, tẩm quất. Người ta chọn sợi tóc dài nhất trên đầu bạn, nhổ ra, chập đôi, se lại. Có tí an-côn rửa sợi tóc càng tốt, không có chẳng sao. Bạn nằm thẳng cẳng. Người ta vạch mắt bạn, đưa sợi tóc vào cái lỗ ghèn ở đầu con mắt, người ta xoáy sợi tóc. Cảm giác của bạn lâng lâng. Nước mẳt bạn trào ra. Bạn khoái tỉ cao độ, hắt xì hơi. Và bạn sẽ hiểu, trên đời có nhiều lạc thú, những lạc thú thiếu be bét trong cuốn Lạc thú ở đời của ông Lâm Ngữ Đường. Đời bạn, luôn luôn, gặp những lúc muốn hắt xì hơi mà không hắt xì hơi nổi. Bạn khó chịu. Bạn tức tối. Bạn ngước nhìn mặt trời hoài, vẫn không hắt xì hơi. Bạn thèm hắt xì hơi. Một phát thôi, bạn sẽ sảng khoái liền. Bạn ơi, lúc ấy, bạn được ngoáy lỗ ghèn, bạn sẽ hắt xì hơi lu bù. Anh Nguyễn Mạnh Côn đã thử ngoáy lỗ ghèn. Và anh ấy tuyên bố: "Sướng gấp bội say thuốc phiện." Ngoáy lỗ ghèn dễ dàng thôi, muốn lâng lâng thì được lâng lâng tức thời, chỉ cần tốn một sợi tóc. Ngâm hạ bộ ghẻ vào nước ấm, bạn sẽ nhịn uống bột Bích Chi và rồi, chính cái ca nhựa bạn ngâm hạ bộ, bạn sẽ múc nước đánh răng, rửa mặt và uống bột Bích Chi.
Vào thời kỳ ghẻ ngứa tưng bừng này, chúng tôi không được ăn cơm nữa. Chí Hòa luộc bột mì nuôi tù nhân. Mỗi bữa, mỗi tù nhân nhận hai cục bột luộc to bằng nắm tay. Bột mì của Đức Giáo Hoàng tặng bị pha với bột khoai mì xã hội chủ nghĩa. Bột luộc ăn với canh bí rợ nấu muối. Đề lao Gia Định còn chịu khó gọt vỏ bí, chứ Chí Hòa để nguyên vỏ. Tôi sợ nhà bếp lười biếng rửa luôn. Tù nhân phải se giây ni-lông rút từ bị đựng phân bón 2 làm… dao cắt bột thành từng khoanh. Có người cầu kỳ cắt bột nhỏ như con cờ, chan canh vào mà nuốt. Linh mục Nguyễn Văn Tự Do chế một lối súp tù. Ông bấu bột ngâm nước đường. Bột rữa ra, ông khuấy đều mà húp. Đa số cầm cả cục bột ngoạm cho xong chuyện. Tôi cũng ngoạm cả cục. Tay cầm tán đường mía, tay cầm bột luộc, tôi ăn. Ăn để sống. Đôi khi, tự an ủi mình, tự vuốt ve mình cho bớt tủi vì chậm chân không di tản kịp, chúng tôi vừa gãi ghẻ vừa hội thảo:
- Con người ăn nổi mấy bữa một ngày?
- Ba.
- Chúng ta đã ăn ba bữa.
- Đúng.
- Ăn sơn hào hải vị, ăn Hamburger, McDonald, uống Whiskey, Cognac, Coca, Pepsi, Fanta… đi cầu có thơm không nhỉ?
- Thối.
- Chúng ta đã đi cầu cũng thế.
- Lái xe Cadillac, hay Mercedes và nằm tù rồi có chết không?
- Chết hết.
- Thế nào là sống?
- Biết tận cùng của thống khổ.
- Chúng ta đã sống. Đã sống, đã biết sống. Thế đủ rồi. Ai có thể từ sự biết sống của mình, gởi lại cho đời sống điều gì đó càng tốt. Chẳng gửi lại thì thôi.
Như thế, chúng tôi đã ngoạm bột luộc, an phận ngoạm bột luộc. Tuyệt nhiên, chúng tôi không bình phẩm những người may mắn thoát vòng tù tội và đang sung sướng ở nước ngoài. Chúng tôi không hề biết gì về họ. Không hề biết gì về người khác mà phán xét người ta là thái độ của quân vô lại. Có lẽ, tôi không nên điểm mặt vô lại. Tự chúng nó, chúng nó đã chường nguyên mặt vô lại. Xin cám ơn quan tòa Thời Gian.
Cuối tháng 3-1978, bọn sát nhân, bọn trộm cắp bị chuyển trại. Tình trạng hỗn loạn của phòng tôi chấm dứt.
Nhà tư sản mại bản Đào Mậu rồi Tăng Tài được thả. Lệnh tha đọc ngay tại phòng. Chúng tôi hân hạnh tiếp đón thượng khách: Linh mục Nguyễn Quang Minh, nhân vật hàng đầu của vụ án nhà thờ Vinh Sơn. Cùng với linh mục Nguyễn Quang Minh còn có linh mục Chức và vài người nữa. Linh mục Chức nói hơi nhiều, nói gần như ba hoa chích chòe. Ngược lại, linh mục Minh trầm lặng. Ông nằm hàng giữa phòng, cả ngày ngồi trầm tư. Các con chiên quấn quanh linh mục Minh nhờ ông "làm lễ." Tôi đã chứng kiến cảnh linh mục treo mùng ngồi trong, con chiên xưng tội ngồi ngoài, hồi tôi ở chung với linh mục Pham Minh Thiện tại đề lao Gia Định. Nhưng cảnh "rước lễ" ở Chí Hòa, tôi nghĩ, là cảnh "rước lễ" bi thảm và tuyệt vời nhất của lịch sử Thiên Chúa giáo. Nửa đêm, chờ tù nhân ngoại đạo ngủ kỹ, linh mục Nguyễn Quang Minh ngồi dậy. Ông cũng mặc quần xà lỏn, áo sơ-mi như mọi tù nhân. Tôi không biết, không hỏi bằng cách nào linh mục Minh có "bánh thánh" và "rượu lễ." Vốn là tù nhân khó ngủ, thao thức gần sáng mới nhắm mắt, nên tôi đã được nghe nhiều điều lạ xẩy ra ban đêm. Thí dụ những lời báo cáo hồ đồ của tù nhân ở cachot, những tiếng khóc của con nít, những câu hát của nữ tù dưới ô… Và rồi, được chứng kiến cảnh "rước lễ". Ở Chí Hòa, không có tuần tra ban đêm. Khi kẻng báo ngủ điểm, các cửa sắt hành lang khóa kỹ. Những việc vi phạm Nội quy có sợ là sợ những tên bộ đội đào ngũ, những tên cán bộ mất phẩm chất cách mạng nhòm ngó thôi.
Cùng lúc linh mục Minh ngồi dậy, các con chiên cũng lần lượt ngồi hết dậy, vì đã dặn dò "đêm lễ," tất cả đều giả vờ ngủ. Dưới ánh điện vàng, linh mục Nguyễn Quang Minh áo sơ-mi, quần xà lỏn, ngồi khoanh chân thầm thì rao Phúc Âm. Các con chiên tội nghiệp chung quanh đang kính cẩn hướng về Cha của họ. Hình tưởng Chúa Jesus "thấy quần chúng, bèn leo lên núi. Khi ngài đã ngồi thì các môn đồ tớì cùng Ngài. Ngài mở miệng dạy họ:
Phước cho kẻ có lòng nghèo khó, vì nước Trời là của kẻ ấy.
Phước cho kẻ buồn thảm, vì sẽ được yên ủi.
Phước cho kẻ nhu mì, vì sẽ thừa thọ đất.
Phước cho kẻ đói khát về sự công nghĩa, vì sẽ được no đủ.
Phước cho kẻ hav thương xót, vì sẽ được thương xót.
Phước cho kẻ cỏ lòng trong sạch, vì sẽ thấy được Đức Chúa Trời.
Phước cho kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì nước Trời là của kẻ ấy.
Phước cho các ngươi khi người ta lăng nhục, bắt bớ và vu cho mọi điều ác vì cớ ta.
Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các ngươi trên Trời là lớn… 3
Linh mục Nguyễn Quang Minh ở trong hoàn cảnh khốn khó hơn. Quân dữ bốn bề. Ông không có núi mà leo. Ông ngồi giữa căn phòng hôi hám của khu FG Chí Hòa làm sáng danh Thiên Chúa. Chắc chắn, Chúa Jesus đã ban phép truyền âm cho linh mục Minh để ông giảng Phúc Âm cho con tin theo "bí kíp" truyền âm. Vẫn bài giảng bất hủ đó thôi, tôi nghĩ vậy. Ông bác bỏ mọi nghi lễ của Giáo Hội. Nghi lễ vụ hình thức. Hình thức là giả dối. Chúa nghèo, Chúa không giầu. Chúa đi chân đất. Chúa đâu có trình diễn như Đức Giáo Hoàng. Nên Chúa đã là Chúa. Linh mục Nguyễn Quang Minh mang hình ảnh Chúa, tâm hồn Chúa vào Chí Hòa. Ông ngồi một lúc thì dơ tay lên. Lần lượt, các con chiên đứng dậy, rời chỗ nằm của mình, giả vờ ngang qua chỗ Cha, ngồi xuống, há miệng nhận "bánh thánh" rồi giả vờ lên cầu tiêu, rồi trở về chỗ của mình. Linh mục Nguyễn Quang Minh sẽ lên nước Thiên Đàng gặp Chúa Jesus, sẽ kể cho Chúa Jésụs nghe chuyện "sống đạo giữa tù" dưới thế. Các ông cha di tản, vượt biên về hết Địa Ngục, cần báo trước, Địa Ngục có nhiều món hấp dẫn hơn Thiên Đường. Chúa Jesus tìm đến chỗ cùng khổ. Các ông cha tìm đến nước Mỹ sung sướng. Chúa ơi, kẻ ngoại đạo thương Ngài lắm. Ngài bị khá đông chiên ghẻ nhân danh Ngài mà buôn bán, đổi chác…
Linh mục Nguyễn Quang Minh là người khả kính. Ông sống chung với chúng tôi đến cuối tháng 4 năm 1978, thì rời phòng. Từ đó, tôi không được nghe nói gì về ông nữa. Tôi đã đàm thoại với ông hai lần. Cả hai lần, ông đều khẳng định: "ông tin tôi chứ, ông Duyên Anh? Không to tát như người Cộng sản phóng đại. Không có đường hầm, không có đài phát thanh, không có máy in bạc giả, không có súng đạn, không có chống trả gì trong nhà thờ Vinh Sơn cả". Phải, không có gì cả. Linh mục Nguyễn Quang Minh không bao giờ làm phản động. Người Cộng sản đã chọn nhà thờ Vinh Sơn, đã bịa đặt thế. Mục đích của họ là dằn mặt những người Thiên Chúa giáo quá khích hậu thuẫn Đức Cha Thuận về thay thế Tổng giám mục Bình và lấy cớ bắt nhốt một số linh mục và trí thức công giáo. Một số tổ chức chống Cộng sản sau 30-4-75 do các lãnh tụ công giáo lãnh đạo đều bị ghép dính vào vụ nhà thờ Vinh Sơn, kể luôn tướng phục quốc Nguyễn Việt Hưng và Ali Hùng.
Linh mục Minh, linh mục Chức và những người dính líu vụ Vinh Sơn xuống phòng lầu 1 dành cho những tù nhân đã thành án. Nhưng tử tù Vinh Sơn vẫn thoi thóp trên cachot FG. Chúng tôi gặp mặt Ali Hùng lần chót hôm chàng được xuống hành lang xế phòng tôi tắm nắng. Người nhái Ali Hùng đã thành bộ xương cách trí. Mắt chàng trũng sâu, thâm quầng. Người tử tù biết mình chết, biết mình phải chết mà cứ bị kéo dài nỗi sống thảm. Nhân loại vẫn chưa vỡ lẽ Cộng sản đâu. Chúng ta cần "giáo dục" nhân loại: Dưới chế độ Cộng sản, sống đã nhục nhã mà chết càng nhục nhằn. Muốn sống không được sống, muốn chết không được chết. Hình như, nhân loại dần dà mất tính người. Bạn thử công khai giết một con chó nấu rựa mận ở nước Pháp coi, cô đào Brigitte Bardot sẽ điên lên, sẽ nhân danh Hội Bảo Vệ Súc Vật truy tố bạn ra tòa án. Thế nhưng, bọn khủng bổ sát hại "đồng bào" cô ta, cô ta không có ý kiến. Đó là nhân loại, là lương tri, mọi chuyện để bắn phá giáo đường, xúc phạm thánh là trắc ẩn, là xúc động dành cho đồng loại của nó, thời đại của nó.
Một tuần, sau ngày linh mục Nguyễn Quang Minh ra đi, linh mục Nguyễn Văn Tự Do ra đi nốt. Đoàn Kế Tường nóng lòng đi lao cải. Phiên họp cuối tuần nào, Tường cũng xin ghi vào biên bản. "Tôi tình nguyện lao động cải tạo mười năm." Sự tình nguyện của Đoàn Kế Tường trở thành chuyên hài hước. Không ai trả lời Tường cả. Với Tường, ở phòng tập thể hai tháng là thời gian quá lâu. Tường bực bội, gây gỗ lung tung. Người bị Tường gây gỗ thường xuyên là Trưởng phòng Phạm Quang Khai. Song song vụ gây gỗ Tường-Khai là vụ đấu tranh tư tưởng quốc gia, Cộng sản giữa Mai Đức Khôi và Phạm Văn Diện. Tôi nhớ Khôi cụt đã kê tủ đứng vào họng Phạm Văn Diện câu này: "Anh mất mẹ nó phẩm chất cách mạng rồi, đợi bao giờ lấy lại phẩm chất cách mạng hãy đấu tranh với tôi. Cỡ tôi đâu thèm đấu tranh tư tưởng với cựu phường trưởng." Khôi cụt yêu cầu ghi vào biên bản. Và Khôi cụt liên tục "ra làm việc" cả tuần. Trước Khôi cụt, Quang què đã công kích Diện những lần Diện thở giọng Cộng sản trong buổi họp. Nhưng Phạm Văn Diện, nhờ bị Khôi cụt chửi thẳng mặt, được thay thế Phạm Quang Khai nắm chức Trưởng phòng. Diện biết điều, gặp riêng Khôi cụt xin lỗi. Có Diện cai trị, bọn bộ đội đào ngũ ngoan ngoãn. Diện nể nang Tường nên mọi chuyện trong phòng tốt đẹp. Đoàn Kế Tường hết đối tượng công kích thì bầy trò chọc cười Tư Nhì. Ông Tư Nhì chuyên hút thuốc lá nhãn hiệu Lá Vàng 20 điếu gói bằng bao ni-lông. Anh ta nhiều thuốc mà hút tiết kiệm, không đốt liên miên giống chúng tôi. Muốn được Tư Nhì tặng nguyên gói, Đoàn Kế Tường và Dương Đức Dũng phải song ca hai bè một đoạn nhạc của Phạm Duy, theo điệu bài Tiếng đàn tôi.
Ông Tư Nhì ơi
Cả phòng hết thuốc rê rồi,
Ông Tư Nhì ơi!
Mình ông còn Lá Vàng thôi…
Để quên ngày tháng Chí Hòa, Đoàn Kế Tường và Dương Đức Dũng thi hát nhạc sến xem ai thuộc nhiều nhạc sến nhất. Kiến thức nhạc sến của tôi dồi dào vào dịp này. Đoàn Kế Tường có khiếu hài hước, có trí nhớ thật tốt. Tường thuộc nhạc "cách mạng" đủ bài. Bài nào Tường cũng chêm một câu phản động. Thí dụ, bài Cô gái vót chông.
... Còn giặc Mỹ cọp beo
Khi còn giặc Mỹ cọp beo
Em chưa ngừng tay vót chông rào làng
Nhưng mai đây giặc chạy rồi
Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao
Tường hát rất thành khẩn:
… Nhưng nay mai giặc chạy rồi
Thằng Việt Nam lại nhốt thằng Việt Nam…
Một hôm, cả phòng cười lăn lộn. Ông Khai cười rung râu, Tường mượn cuốn lịch tay Quân đội nhân dân của bạn tù xem. Dở trang ghi lộ trình hỏa xa, Tường đọc lớn:
"Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1000 ki-lô-mét. Thành phố Hồ Chí Minh, Chí Hoà, 1 ki-lô-mét. Thành phố Hồ Chí Minh, đề lao Gia Định, 3 kí-lô-mét… Thành phố Hồ Chí Minh, nhà tôi, 100 ngàn ki-lô-mét!"
Ấy đó, niềm vui FG. Chúng tôi buồn như vậy, vui như vậy. Cạnh nỗi buồn, niềm vui còn có khoái gãi ghẻ và khoái ngoáy lỗ ghèn. Mọi việc sẽ bình thường, nếu con người can đảm chịu đựng và cố gắng tìm kiếm sự bí ẩn trong thống khổ.
--------------------------------
1 Đã sang Bỉ năm 1984 và chết ở Bỉ năm 1986. Một người tài giỏi, không thích hợp với bất cứ chế độ nào và ở bất cứ chế độ nào cũng nằm tù.
2 Thân nhân thường mua túi đựng phân bón chứa quà gửi vào cho được nhiều và tiện.
3 Bài giảng trên núi của chúa Jesus theo Thánh Matthew, trong Kinh Thánh, bản tiếng Việt của hội Gideons quốc tế.
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù