No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Thien Huy
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 953 / 6
Cập nhật: 2016-10-31 23:30:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 Tư Đức Và Pháp Trị Của Người Lãnh Đạo Quốc Gia
.1. Tư đức:
Người lãnh đạo quốc gia là người đứng đầu một nước, là đầu não của đất nước, là người có quyền lực cao nhất nắm giữ vận mạng của quốc gia. Vì là người giữ một vai trò quan trọng như thế, nên tư đức của người lãnh đạo rất ảnh hưởng đến sự đi lên hay đi xuống của quốc gia. Nếu người lãnh đạo là người biết đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình, đem hết tài năng và trí tuệ ra lo cho dân cho nước thì đất nước đó sẽ đoàn kết, thịnh vượng, còn ngược lại nếu người đứng đầu quốc gia là người chỉ biết lợi dụng quền lực và địa vị của mình để lo cho mọi sự hưởng thụ dục lạc mà vơ vét tài sản của dân xây cung vàng điện ngọc, bắt dân phải ra chiến trường đi đánh nhau các nước khác để mở mang bờ cõi, thì đó là một ông vua bạo tàn làm cho dân chúng oán than, đất nước loạn lạc, quyền lực của vua sẽ sớm rơi vào tay kẻ khác. Một ông vua hay người đứng đầu một nước nếu không có tư đức thì dù có xảo quyệt và thủ đoạn đến đâu cũng sẽ không thu phục được lòng dân, sẽ thất bại trong quá trình điều hành đất nước.
Trong thời kỳ Ðức Phật còn tại thế - cũng như hiện nay - có nhiều vị vua cai trị bất công. Sưu thuế bị tăng lên quá đỗi và hình phạt rất tàn ác. Dân chúng bị áp bức, bóc lột, tra tấn, giết chóc. Ðức Phật vô cùng xót xa trước những sự ngược đãi vô nhơn đạo ấy. Kinh Dhammapadatthakathà thuật lại rằng Ðức Phật hằng lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhơn đạo. Ý kiến của Ngài được thích dụng trong quy chế xã hội, kinh tế và chánh trị trong thời kỳ ấy. Ngài chỉ cho thấy rằng toàn cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia, như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công. Muốn cho xứ sở được thanh bình thạnh trị thì những người cầm quyền phải công minh, chánh trực. Dưới trí tuệ và lòng từ vô hạn, đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, đức Phật thường khuyên họ phải trau dồi tư đức. Trong bộ chú giải Jàtaka I (Chuyện Tiền Thân), tr. 260, 399, - II, tr. 400; - III, tr. 274, 320; - V, tr.119, 378 có ghi lại mười đức của một vị vua như sau:
1. Phận sự đầu tiên là đức tính khoan dung, quảng đại, từ thiện. Vị quốc Trưởng phải là người không tham tham, không luyến ái tiền bạc của cải, mà phải sẵn sàng đem ra bồi đắp hạnh phúc cho dân lành (Dàna).
2. Phải có hạnh kiểm đạo đức cao thượng (Sìla) là không sát sanh, không dối trá, không gian tham, không lợi dụng kẻ khác, không tà dâm, không nói những điều hư ngụy, không uống vật có chất say. Nghĩa là ít nhất phải giữ Ngũ Giới.
3. Hy sinh tất cả cho việc lợi ích cho dân (Pariccàga). Sẵn lòng hy sinh sự sung sướng, tên tuổi, thanh danh và mạng sống cho quyền lợi của dân.
4. Thanh liêm, chánh trực (Ajjava). Không sợ áp lực và cũng không đặc biệt ưu đãi một ai trong khi thi hành nhiệm vụ. Phải chân thật trong ý muốn và không dối gạt quần chúng.
5. Dễ thương, ôn hòa (Maddava). Phải có đức tánh ngọt ngào, mềm dịu.
6. Khắc kỷ, nghiêm túc trong thói quen (Tapa). Phải sống giản dị, không để bị lôi cuốn trong xa xí. Phải biết mình.
7. Không ghen ghét, không ác ý, không thù hằn (Akkodha). Không tích oán, hiềm thù với ai cả.
8. Không bạo động (Avihimsa). Chẳng những không làm hại ai, mà phải tích cực biểu hiện hòa bình, cố tránh và ngăn ngừa chiến tranh cùng tất cả những gì gây ra bạo động vè giết chóc.
9. Nhẫn nại, tha thứ, châm chế, hiểu biết (Khanti). Phải có đủ khả năng chịu đựng thử thách, khó khăn, nhục mạ và không giận.
10. Không chống trả, không làm cho bế tắc (Avirodha). Nghĩa là không chống lại ý muốn của dân, không ngăn cản một biện pháp nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Nói cách khác, phải một mực hòa hợp với dân.
Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 42, cáp bản tr. 449, đức Phật nói đến mười đức của một vị vua như sau:
1. Thanh liêm và khoan dung.
2. Khéo nghe lời can gián của bầy tôi.
3. Hay thi ân cho dân chúng cùng vui.
4. Việc thu thuế phải y theo pháp định.
5. Việc phòng the phải chỉnh túc.
6. Không để rượu làm rối loạn tinh thần.
7. Siêng năng, không cười đùa cợt nhã, phải giữ gìn uy nghiêm.
8. Phải xét xử theo luật pháp, không thiên vị quanh co.
9. Phải hòa hợp với quần thần không cạnh tranh với họ.
10. Luôn luôn phải để ý đến sức khỏe của thân thể.
Mười đức mà đức Phật chỉ dạy cho các vị vua trong các kinh tạng trên đây là mười tiêu chuẩn xây dựng đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. Trước hết theo như lời Phật dạy vị vua phải có tính thanh liêm và khoan dung, không tham lam, không luyến ái tiền bạc, đây là một tiêu chuẩn cần thiết của một người lãnh đạo. Vua có thanh liêm, mới không sống xa hoa hưởng thụ, không tham tài sắc, địa vị, tiền bạc chỉ sống thanh bạch giản dị; có khoan dung, vua mới có đủ lòng từ thấu hiểu nổi khổ, và hoàn cảnh của mọi người, nhất là người dân bần hàn cơ cực, mới có những cách xử trí khoan dung độ lượng được.
Vị vua đó phải là người hết lòng thương dân, lúc nào cũng đặt quyền lợi của dân lên trên quyền lợi cá nhân mình và phải có những đức tính ôn hòa, mềm mỏng.
Bên cạnh đó vua là người sáng suốt, biết nghe theo lời can gián của tôi trung, không độc đoán làm theo ý mình, không ưu đãi một ai trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Còn việc phòng the, vua phải giữ tiết độ, không đắm say tửu sắc để giữ gìn sức khỏe và không bỏ bê việc nước, lại còn biết hòa hợp với quần thần, không gây xích mích hầu tránh nguy cơ chia bè phái, nhất là phải yêu chuộng hòa bình, tránh bạo động chiến tranh mà gây tang tóc cho đất nước.
Nói chung vị vua đó phải kiện toàn đạo đức trên nền tảng giữ Năm giới cấm của đạo Phật. Một vị vua mà thực hiện đúng như vậy mới được xem là bậc minh quân tài đức, anh minh.
Những tiêu chuẩn về tư đức của một vị vua mà đức Phật chỉ dạy trên đây có phần nào giống với các tiêu chuẩn mà Nho gia đã đưa ra. Vua hiền đức, theo Khổng Tử cho rằng muốn trị nước, trước tiên ắt phải sửa cho “chính danh”. Vì nếu không chính danh thì lời nói sẽ không đúng đắn, dẫn đến thi hành sai. Cho nên nhà cầm quyền xưng danh thì phải đúng với phận nghĩa. Đối với quan hệ vua tôi, Khổng Tử chống việc duy trì ngôi vua theo huyết thống và chủ trương “trọng hiền” không phân biệt đẳng cấp xuất thân của người ấy. Trong việc chính trị, vua phải biết trọng người hiền đức, tài cán và rộng lượng với kẻ cộng sự.(Luận ngữ, Tử Lộ, 2). Ông còn nói nhà cầm quyền phải thực hiện ba điều: bảo đảm đủ lương thực cho dân no ấm; phải xây dựng lực lượng mạnh đủ để bảo vệ dân; phải tạo lòng tin cậy của dân đối với mình” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 7). Như vậy cái cốt yếu nhất trong đạo trị nước theo tư tưởng nhân chính là lấy nhân nghĩa, xuất phát từ lòng chẳng nỡ của các bậc vương giả làm cơ sở. Bên cạnh đó, Mạnh tử kiên quyết chủ trương phế bỏ những ông vua vô đạo. Nếu vua là một kẻ bạo chúa, thì có thể giết để đổi mệnh vua. Trong điều kiện xã hội thời bấy giờ, việc Mạnh Tử công khai quan điểm đòi “truất ngôi vua vô đạo” là sự biểu hiện rõ nét lòng dũng cảm, ý chí khẳng khái và tư tưởng nhân bản của ông. Theo Mạnh Tử, ông vua nhân đức không chỉ là ông vua biết thương dân mà còn là ông vua biết dùng người “quý kẻ có đức, tôn người có học, kẻ hiền tài được ở ngôi, kẻ giỏi được chức vị, nước nhà nhàn hạ, lo sửa sang việc kinh, viêc chính cho phân minh…” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Thượng). Tóm lại trong học thuyết về chính trị xã hội với tư tưởng “nhân chính” và “bảo dân”…có ý nghĩa tiến bộ, phù hợp với yêu cầu và xu hướng phát triển lịch sử xã hội và có phần nào giống với tư đức của một người làm vua mà đức Phật đã đưa ra. Phàm làm vua phải lấy nhân nghĩa làm trọng, phải thương dân, làm mọi việc có lợi cho dân, phải là một ông vua sáng suốt biết trọng dụng người tài đức. Nói chung người làm vua phải là người có tài đức để đủ sức gánh vác giang sơn. Tuy nhiên những tiêu chuẩn của vua mà Khổng Tử và Mạnh Tử đưa ra ở trên chỉ giống một phần tư đức vua mà đức Phật đưa ra thôi, chứ chúng ta thấy rõ ràng trong cái tương đồng vẫn có cái khác biệt. Vì chúng ta biết rằng chủ trương của Nho gia không thấy đề cập đến các yếu tố chỉnh túc việc phòng the, ít uống rượu và giữ gìn sức khỏe, nên hầu như đa số các vị vua chúa, đặc biệt là các vua Trung Hoa họ rất thoải mái vấn đề này, họ có rất nhiều vợ nên thọ mạng ngắn ngủi, đó là hậu quả do không biết tiết độ sắc và tửu. Và bên Nho gia cũng không nhấn mạnh việc vua phải tuân giữ Năm giới như của đức Phật. Vì vậy phần tư đức của một người lãnh đạo theo quan điểm Nho gia vẫn chưa trọn vẹn lắm. Cho nên công bằng mà nhận xét, chúng ta thấy so với các quan niệm tư đức của người lãnh đạo đất nước mà các triết gia khác đã đưa ra thì tư đức mà đức Phật đã chỉ bày cho các vị vua hoàn hảo hơn nhiều.
Đạo Phật khuyến khích nền tảng đạo đức và việc sử dụng quyền lực với ý thức trách nhiệm. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Ngài không chấp nhận bạo lực và hủy hoại sinh mạng. Ngài tuyên bố rằng không có một chiến tranh nào là chiến tranh của công lí. Ngài dạy: "Người thắng tạo căm thù, kẻ thua sống khổ sở. Người nào từ bỏ thắng và bại thì người đó sống an vui và hạnh phúc." Lời dạy của Đức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân đã giúp cho vua A Dục (Asoka), vào thế kỉ 3 TCN, cai trị đất nước của ông. Hoàng Đế A Dục, là một thí dụ điển hình của nguyên tắc đạo đức nầy, đã sống và thực hành Chính Pháp cho tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông quảng bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, cam đoan các thiện ý của ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động. Ông cỗ vũ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không gây sát hại cho mọi loài vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và bình đẳng tương kính giữa mọi đức tin. Ông thường du hành thuyết giảng Đạo Pháp đến người dân ở tận thôn quê. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi, và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.
Tóm lại, trị nước bằng đức trị là quan điểm chính trị trọng tâm của đức Phật, làm vua mà thiếu đức chỉ có thể đưa đất nước đến chổ suy tàn hoại vong vì lòng dân oán than, không ủng hộ. Theo đức Phật, bên cạnh trị nước bằng đức độ, vua còn phải biết trị nước bằng các pháp tắc chuẩn mực, mới có thể hội đủ các yếu tố để đưa đất nước đến chổ bình an và thịnh vượng. Thế nên, đức Phật thường hướng dẫn các vị quốc vương hãy điều hành đất nước bằng đức trị và pháp trị.
3.2. Pháp trị:
Bên cạnh những lời khuyên các vị vua phải bồi dưỡng tư đức, trong kinh Cakkavatti Sihananda Ngài giảng thêm về cách hành xử (pháp trị) của người lãnh đạo như sau:
1. Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình, không thiên vị bất cứ nhóm nào.
2. Người lãnh đạo tốt không bao giờ gieo lòng thù hận trong dân chúng.
3. Người lãnh đạo tốt không bao giờ ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết.
4. Người lãnh đạo tốt phải thông hiểu luật pháp rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền mà phải áp dụng hợp tình và hợp lý.
Theo đức Phật để làm một người lãnh đạo tốt, người đó không chỉ trang bị cho mình các đức tánh cần yếu của một người điều hành đất nước mà đức Phật còn nhấn mạnh ngoài đức độ ra người lãnh đạo còn phải “áp dụng luật pháp” khi cần thiết. Người lãnh đạo biết cách hành xử công bình không thiên vị bất cứ ai, đề cao sự hợp tình, hợp lý và lại rất cứng rắn áp dụng theo luật pháp. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cách làm việc, nếu không hành xử công bình và cứng rắn thì sẽ gây ra rối loạn trong nội bộ vì con người vốn có tâm bất thiện, dễ làm các việc sai trái nếu luật pháp không nghiêm minh. Bên cạnh đó người lãnh đạo phải hành xử như thế nào để không gieo lòng thù hận trong lòng dân chúng để dân chúng thương mến tin tưởng, ai ai cũng hoan hỷ, tâm phục và khẩu phục. Chúng ta thấy cách hành xử mà đức Phật dạy người lãnh đạo có phần nào giống với “pháp trị” của Hàn Phi Tử thời “bách gia phân tranh thời Tiên Trần”. Đối với việc trị nước, Hàn Phi Tử đưa ra quan điểm: “Cái làm cho trị an là pháp luật, cái gây ra loạn là sự riêng tư. Pháp luật đã thiết lập rồi thì không ai có thể làm điều riêng tư được nữa”. Hàn Phi khẳng định, việc trị nước, quản dân không thể dựa theo lễ nghi truyền thống mà phải được thực hiện trên cơ sở những đạo luật cụ thể và chặt chẽ. Bởi lẽ, “…pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”.
Nhờ học thuyết pháp trị, Tần Thuỷ Hoàng đã chấm dứt cục diện bách gia phân tranh thời tiên Tần, thống nhất Trung Quốc và xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đầu tiên tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, cần phải thấy rằng, pháp luật mà Hàn Phi đề cao là thứ pháp luật hà khắc, tàn bạo, khác xa với pháp luật ngày nay; con người phải vì pháp luật, chứ pháp luật không vì con người; mặt khác, pháp luật dù ở vị trí thượng tôn, trên muôn dân, nhưng lại dưới một người (nhà vua). Đó là hạn chế của học thuyết Pháp trị. Nó hạn chế ở chỗ phương pháp đưa ra không sai nhưng người sử dụng nó thiếu đạo đức, nên đã sử dụng nó để bành trướng thế lực của mình, gây chiến tranh đỗ máu, gây oán hận lầm than cho dân chúng, đã tạo nên một thứ pháp luật hà khắc và tàn bạo, nguyên nhân cũng tại vì người sử dụng không có tư đức. Không như đức Phật, Ngài đã khuyên các vị vua biết kết hợp giữa pháp trị và đức trị vì nếu chỉ nghiêng về đức thì những thành phần xấu sẽ lợi dụng lòng nhân của vua để làm loạn, còn nếu quá đặt nặng “pháp trị” mà thiếu đức thì pháp đó sẽ đem đến sự hùng cường của một đất nước nhưng lại mang tính hà khắc và tàn bạo khiến lòng người oán than. Theo đức Phật, người làm vua không để cho một chút tư lợi, tư dục nào xen vào, việc thu thuế má, việc xét xử phán quyết đều y theo pháp luật. Chính trị tuy xây dựng trên tinh thần nhân ái nhưng đối với những kẻ cố tình phạm pháp thì vua phải nghiêm trị. Khi đề cập đến những hậu quả ắt xảy ra nếu người lãnh đạo không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương đã có những điều cảnh giác sau đây:
Thứ nhất, nếu nhà vua không răn cấm những kẻ ác tức là đã đi ngược lại với chính lý, phải theo đúng chính pháp mà trị dân, có theo đúng chánh pháp mới xứng đáng làm vua. Nếu không làm theo chính pháp ắt sẽ bị nhân dân lật đỗ một cách dễ dàng cũng như voi dẫm lên bông sen.
Thứ hai, nếu lấy điều phi pháp trị dân thì dân sẽ làm loạn, quần thần phải chết, bản thân vua cũng chẳng yên, những kẻ địch ở ngoài xâm lược, quốc gia tiêu vong.
Thứ ba, dù có mất ngôi vua, hại đến thân mệnh cũng không làm điều phi pháp. Điều tai hại nhất là dùng những kẻ xiểm nịnh, cũng như người thả voi vào vườn hoa, dùng kẻ xiểm nịnh sẽ có ngày mất ngôi vua. Nếu vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chánh pháp, không gây bè phái, thiên vị thì danh tiếng vua được lừng lẫy. cho nên, nười làm vua phải quên mình mà mở mang chính pháp, tôn trọng chính pháp, dạy người làm mười điều lành, nếu được thế thì quốc gia phú cường, nhân dân an lạc (Tân dịch Phật Giáo Thánh Điển, tr. 1367)
Qua những điều cảnh giác của đức Phật, chúng ta thấy rằng đức Phật nhấn mạnh ba điểm chính mà phàm người lãnh đạo đất nước phải chú trọng:
- Lấy chính pháp trị dân: chính pháp là những đạo lý chơn chánh mà đức Phật giảng dạy, hoặc những luật pháp chuẩn mực của quốc gia đã từng ban hành. Vua phải trị dân đúng theo chánh pháp, nếu không làm theo chính pháp ắt sẽ bị dân lật đỗ một cách dễ dàng như voi dẫm lên bông sen.
- Không được dùng những kẻ xiểm nịnh:vì kẻ xiểm nịnh có tâm địa vô cùng xấu xa, họ luôn dùng miệng lưỡi của họ xu nịnh vua, làm hại những bậc trung thần, ly gián vua tôi … khiến cho triều đình rối loạn, rồi dùng mọi thủ đoạn lật đỗ ngôi vua để lên nắm quyền lực. Cho nên đức Phật cảnh giác điều tai hại nhất là dùng kẻ xiểm nịnh, ví như người thả voi vào vườn hoa, hoa sẽ bị voi dẫm nát, cũng thế triều đình sẽ tan nát nếu dùng kẻ xiểm nịnh.
- Trị nước trên tinh thần bình đẳng: làm vua phải lấy tinh thần bình đẳng làm đầu, đây là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Nếu vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chánh pháp, không gây bè phái, không thiên vị một ai thì danh tiếng vua được lừng lẫy, được lòng dân tin tưởng.
Ba pháp trên là ba pháp trọng yếu của một người lãnh đạo quốc gia, nếu quốc gia nào thực hành nó một cách nghiêm túc, chắc chắn quốc gia đó sẽ phú cường, nhân dân an lạc.
Trong kinh Cakkavatti Sìhanàda sutta (Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, kinh số 26, thuộcTrường Bộ kinh II) Đức Phật cũng dạy thêm, người lãnh đạo quần chúng, người thực thi pháp luật phải là người cầm cân nảy mực, công chánh liêm minh và thông hiểu pháp luật, thực thi pháp luật vì công bằng xã hội, vì tôn trọng pháp luật chứ không phải vì biểu dương quyền lực hay lạm dụng uy quyền; phải làm đúng vai trò và chức năng của mình, không được làm tùy tiện, cẩu thả, không được làm sai quy định pháp luật. Không được kết bè đảng, vi cánh để làm điều phi pháp, hà hiếp bá tánh, thao túng, lũng đoạn trong bộ máy chính quyền, trong cơ quan nhà nước, gây thiệt hại cho quốc gia hoặc gây bất ổn xã hội: Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình (không thiên lệch, vị kỷ vị thân, không tạo bất công do bị tiền tài mua chuộc hoặc vì khiếp sợ uy quyền, thế lực); không gieo lòng thù hận trong dân chúng; không ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết; phải thông hiểu pháp luật rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình và hợp lý.
Quả thật nếu áp dụng thực thi được những lời Đức Phật dạy thì vị quốc chủ là vị vua nhân từ, đức độ, anh minh sáng suốt có sức mạnh của muôn dân, lo gì đất nước không thái bình thịnh trị. Khi mọi người dân đều yêu quê hương đất nước, đều tôn kính, quý mến các nhà lãnh đạo chính quyền, các binh sĩ vì nước vì dân; khi quân và dân đoàn kết gắn bó một lòng, các chủ trương, chính sách nhà nước hợp lòng dân, xã hội an cư lạc nghiệp thì nền chính trị yên ổn, vững mạnh, đất nước hùng cường.
Như vậy, theo Phật giáo, vị vua đức hạnh nên thực hành bố thí (từ thiện). Bố thí ở đây không chỉ đem tài vật ban cho người nghèo mà cũng ban phát bổng lộc cho những người phục vụ nhà vua. Vị vua đức hạnh cũng phải thực hành ái ngữ, nói năng đúng đắn, tử tế. Ông ta không được sử dụng ngôn từ cay nghiệt và độc ác đối với người khác với bất kỳ lý do gì.
Nhà vua phải rèn luyện tính tiết kiệm. Từ artha cariya có nghĩa là tinh thần phục vụ cũng như sự tiết kiệm và sống một đời sống giản dị. Vị vua hay người trị vì tốt cũng thực hành sự bình đẳng. Tức là, trong khi duy trì vị trí tối cao của người trị vì, ông ta không xem bản thân là kẻ tối thượng và dân chúng là kẻ hèn kém, và ông ta cũng học cách thực thi sự công bằng đối với nhân dân của mình mà không sợ hãi hay là như ban phát đặc ân. Một vị minh quân phải học đối xử bình đẳng với mọi người.
Nói chung, bất cứ một người lãnh đạo nào muốn thu phục nhân tâm và muốn thành công trong việc điều hành đất nước của mình thì phải có đầy đủ những tư đức và pháp trị mà đức Phật nêu ra ở trên. Những tiêu chuẩn này là những tiêu chuẩn trị nước chung cho tất cả những ai nắm quyền lãnh đạo, nó phù hợp không chỉ cho những vị vua thời đức Phật mà nó phù hợp cho những người lãnh đạo trong mọi thời đại, mọi quốc gia và mọi tổ chức.
Nhà Nước Theo Goc Nhìn Phật Giáo Nhà Nước Theo Goc Nhìn Phật Giáo - Thiên Huy Chủ Biên