Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ồi hôm sau tin về các đồng nghiệp cũ đến, những người ông từng cùng làm việc và cùng ăn trưa hồi tất cả còn cùng làm ở hãng. Một là chuyên viên giám sát sáng tạo tên Brad Karr, nhập viện bấy lâu vì trầm cảm muốn tự tử; một là Ezra Pollock, bảy mươi tuổi, ung thư giai đoạn cuối; và người thứ ba, sếp của ông, một đại gia lịch thiệp, thông thái luôn nắm thóp các khách hàng béo bở nhất của công ty, kẻ đã thích ai thì chiều như mẹ chiều con mọn, người bao nhiêu năm trời bị hành hạ bởi những cơn đau tim và hậu quả của một lần đột quỵ, và là chủ nhân của bức ảnh khiến ông sửng sốt khi thấy xuất hiện trên mục cáo phó của tờ Times: "Clarence Spraco, sĩ quan phụ tá của Eisenhower thời chiến, nhà cải cách ngành quảng cáo, qua đời ở tuổi 84."
Ngay lập tức ông gọi điện cho vợ Clarence lúc ấy đang ở nhà nghỉ hưu của họ trong khu Berkshires.
"Chào Gwen," ông nói.
"Chào anh. Anh thế nào rồi?"
"Tôi khỏe. Chị sao rồi?" ông hỏi.
"Cũng ổn hết rồi. Bọn trẻ đến. Có nhiều người ở bên tôi. Tôi - cũng được giúp đỡ nhiều nữa. Tôi có thể kể với anh nhiều chuyện lắm. Kể ra thì tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần, theo một cách chẳng giống ai bao giờ. Lúc về nhà tôi đã thấy ông ấy nằm chết trên sàn, và đó là một cú sốc khủng khiếp. tới lúc đó ông ấy đã chết được vài giờ. Có vẻ như chết vào giờ ăn trưa. Tôi ra ngoài ăn trưa, và thế đấy. Anh biết không, với ông ấy kết cục như vậy lại hay. Nó đột ngột, nên ông ấy không phải chịu thêm một cơn đột quỵ nữa rồi lại bị nó hành cho yếu sức đến mức phải nhập viện."
"Lần này là đột quy hay đau tim vậy chị?" ông hỏi.
"Là nhồi máu cơ tim."
"Trước đó anh có thấy ốm mệt gì không?"
"À, huyết áp của ông ấy - chậc, ông ấy gặp rất nhiều rắc rối với huyết áp. Rồi thì cuối tuần trước ông ấy thấy không khỏe lắm. Huyết áp lại tăng."
"Uống thuốc cũng không đỡ à?"
"Họ đã cho ông ấy uống thuốc rồi chứ. Ông ấy uống đủ loại thuốc. Nhưng có lẽ động mạch của ông ấy đã tổn thương nhiều quá rồi. Anh biết đấy, mấy cái động mạch già nua hỏng hóc ấy mà, mà cũng phải đến lúc cơ thể hết chịu nổi chứ. Và lúc đó là thời điểm ông ấy kiệt sức. Mấy đêm trước ông ấy còn bảo tôi, 'Tôi kiệt sức quá.’ Ông ấy muốn sống, nhưng chẳng ai có thể làm gì để giữ ông ấy sống lâu hơn nữa. Tuổi già là một trận chiến, anh ạ, không với cái này thì với cái kia. Một trận chiến không khoan nhượng, xảy ra đúng vào lúc ta yếu nhất và ít khả năng tham chiến nhất."
"Hôm nay trên mục cáo phó có một bài rất hay ca ngợi anh ấy. Họ công nhận anh ấy là một người đặc biệt. Tôi ước gì mình có cơ hội nói với họ vài điều về khả năng nhận ra giá trị của đồng nghiệp tuyệt vời ở anh ấy. Hôm nay trông thấy ảnh anh ấy," ông nói, "tôi lại nhớ một hôm cách đây đã nhiều năm tôi đi ăn trưa cùng một khách hàng ở khách sạn Bốn Mùa, khi ấy chúng tôi đang đi cầu thang xuống sảnh thì tình cờ gặp Clarence. Khách hàng của tôi đang trong tâm trạng cởi mở và ông ta nói, 'Clarence, anh khỏe không? Anh biết giám đốc nghệ thuật trẻ này chứ?' Clarence đáp, 'Biết chứ ơn trời tôi quen biết được cậu ấy. Ơn trời hãng của tôi biết được cậu ấy.' Clarence nói như vậy hết lần này đến lần khác, và không phải chỉ với tôi."
"Ông ấy đánh giá anh cao nhất đấy, anh ạ. Từng từ ông ấy nói đều là thật lòng. Tôi nhớ," bà tiếp, "ông ấy đã phát hiện ra anh ngay từ cả năm trước khi anh về hãng. Ông ấy về nhà, kể tôi nghe về anh mãi. Clarence luôn có mắt phát hiện tài năng sáng tạo, và ông ấy đã nhấc anh ra khỏi đám thử việc và biến anh thành một giám đốc nghệ thuật trước cả khi anh hoàn thành giai đoạn khổ sai phải làm sách quảng cáo phát không."
"Anh ấy rất tốt với tôi. Tôi luôn coi anh ấy như một vị tướng."
"Dưới trướng Eisenhower ông ấy chỉ được làm đến đại tá thôi."
"Với tôi anh ấy luôn là tướng. Tôi có thể tâm sự với chị hàng nghìn điều trong đầu mình lúc này." Lời khuyên của Clarence rằng phang thư ký trong nhà cô ta thì hơn là ở văn phòng không phải là một trong số ấy.
"Anh cứ nói đi. Khi anh nói về ông ấy, cảm giác sẽ như thể ông ấy vẫn còn đây," Gwen nói.
"À, có một hồi hai ba tuần liền đêm nào chúng tôi cũng phải làm việc liên tục đến quá nửa đêm, có khi còn đến mờ sáng, để giành được hợp đồng với Mercedes-Benz. Đó thực sự là một con cá lớn, và chúng tôi làm việc như điên, nhưng vẫn hụt. Khi mọi chuyện kết thúc Clarence nói với tôi, 'Tôi muốn anh đưa vợ đến London làm một kỳ cuối tuần dài. Tôi muốn hai người ở tại Savoy vì đó là khách sạn yêu thích của tôi, và tôi muốn anh cùng Phoebe ăn tối tại Connaught. Cứ tính chi phí cho tôi. Ngày ấy, đó là một món quà khổng lồ, và anh ấy đã tặng cho tôi ngay cả khi chúng tôi đã vuột mất khách hàng. Tôi ước gì mình có thể nói điều đó với báo chí, nói tất cả những chuyện như thế."
"À, báo chí cũng tuyệt lắm," Gwen nói. "Thậm chí ở tận đây. Trên tờ Berkshires Eagle hôm nay cũng có một bài về ông ấy. Bài dài, ca ngợi ông ấy lắm, kèm cả một bức ảnh tuyệt vời nữa. Họ khai thác rất nhiều những gì ông ấy từng làm hồi chiến tranh và cả chuyện ông ấy là người trẻ nhất quân đội từng được phong hàm đại tá. Tôi nghĩ biết được những công nhận ấy, Clarence sẽ thấy thích thú và hài lòng."
"Chà, nghe giọng chị, lúc này, có vẻ ổn."
"Ừ, dĩ nhiên, giờ thì đã ổn - tôi bận rộn và có rất nhiều người bầu bạn. Khi nào phải ở một mình thì mới tới phần khó kìa."
"Chị dự định thế nào? Chị vẫn tiếp tục ở lại Massachusetts chứ?"
"Ừ, hiện tại cứ thế đã. Chuyện này tôi từng bàn với Clarence rồi. Tôi bảo, 'Nếu ông đi trước tôi, tôi định sẽ bán nhà rồi về lại New York.' Nhưng bọn trẻ không muốn tôi làm vậy, tụi nó nghĩ tôi nên dành cho mình một năm để tĩnh tâm đã."
"Có lẽ chúng nó đúng đấy chị. Người ta hay hối hận, đôi khi thế, về những việc họ vội vã làm."
"Có lẽ vậy," bà đáp. "Thế Nancy sao rồi?"
"Nó ổn."
"Cứ nghĩ đến Nancy hồi nhỏ là tôi lại mỉm cười. Nó thật trong sáng. Tôi vẫn nhớ hai cha con anh cùng nhau hát bài 'Hãy mỉm cười' ở nhà chúng tôi. Hồi ấy mình còn sống ở Tuttle Bay. Đó là một buổi chiều cách nay đã lâu lắm. Anh dạy con bé hát bài đó. Khi ấy nó chừng sáu tuổi là cùng. 'Hãy mỉm cười, dù tim ta đau đớn' - Lời bài hát thế nào ấy nhỉ? -'hãy mỉm cười dù tim đã vỡ tan...' Anh còn mua cho nó cả đĩa của Nat 'King' Cole nữa. Nhớ không? Tôi thì nhớ."
"Tôi cũng nhớ chứ."
"Thế nó nhớ không? Nancy nhớ không?"
"Tôi chắc là nó cũng nhớ. Gwen, trái tim và suy nghĩ của tôi luôn ở bên chị."
"Cám ơn anh. Rất nhiều người đã gọi điện. Hai hôm nay điện thoại liên tục. Rất nhiều người đã khóc ông ấy, rất nhiều người đã bảo với tôi rằng ông ấy có ý nghĩa ra sao với họ. Giá như Clarence được chứng kiến những điều này. Ông ấy biết rõ giá trị của bản thân với công ty, nhưng anh biết đấy, ông ấy cũng cần được trấn an giống như mọi người khác trên đời."
"Ôi, anh ấy cực kỳ quan trọng với tất cả chúng tôi. Thôi, mình sẽ còn nói chuyện nhiều hơn," ông nói.
"Được rồi. Tôi rất cảm ơn vì anh đã gọi."
Phải mất một lúc ông mới có thể trở lại nói chuyện điện thoại bằng giọng có thể tin là không ủy mị. Vợ Brad Karr cho ông biết Brad đang điều trị tâm thần tại một viện ở Manhattan. Ông có 'thể gọi trực tiếp đến phòng bệnh của Brad, vừa bấm số vừa nhớ lại cái thời họ cùng nhau làm cái quảng cáo để đời ấy cho hãng cà phê Maxwell House, cái thời họ chỉ là hai thằng nhóc hai mấy tuổi đầu, cùng nhau khởi nghiệp, làm thành một đội gồm một copywriter, một giám đốc nghệ thuật, và cùng nhau phá kỷ lục tỉ lệ khán giả ghi nhớ quảng cáo sau một ngày phát. Họ đạt 34 phần trăm, con số cao nhất trong lịch sử Maxwell House. Hôm đó là tiệc Giáng sinh của nhóm, và Brad biết Clarence sẽ đến, đã nhờ gã bạn nối khố của mình làm mấy cái huy hiệu bằng bìa ghi số "34" rồi đưa mọi người đeo. Clarance đã ghé qua chỉ để chúc mừng và thậm chí còn cài lên một chiếc, và con đường sự nghiệp của họ chính thức rộng mở.
"A lô, Brad hả? Chiến hữu cũ gọi từ Bờ biển Jersey đây."
"Xin chào. Chào ông."
"Đồng chí dạo này thế nào? Mấy phút trước tôi vừa gọi đến nhà ông. Lâu lâu tự dưng muốn nói chuyện với ông quá, và Mary bảo ông đang nằm viện. Nên tôi gọi đến đây. Tình hình sao rồi?"
"Chậc, cũng ổn cả. Như cách mấy chuyện thế này vẫn diễn ra."
"Ông cảm thấy thế nào?"
"À, thấy để ở thì còn có nhiều chỗ khá hơn."
"Ở đó tệ lắm à?"
"Nó còn có thể tệ hơn ấy chứ. Ý tôi là, tình cờ thế nào chỗ này lại khá tốt. Cũng được. Đi nghỉ thì tôi khuyên không nên đến đây, nhưng nếu không thì cũng ổn."
"Ông ở đó được bao lâu rồi?"
"Tầm một tuần." Theo lời Mary Karr thì Brad đã ở đó được một tháng, và đó là lần nhập viện thứ hai trong vòng một năm, mà giữa hai lần thì mọi chuyện cũng chẳng lấy gì làm tuyệt hảo. Brad nói rất chậm và run - có lẽ do ảnh hưởng của thuốc - và trĩu nặng tuyệt vọng. "Tôi mong sẽ được ra sớm," ông ấy nói.
"Ông làm gì cả ngày ở đó?"
"À, lấy giấy cắt hình búp bê. Đại loại thế. Đi tới đi lui lành lang. Cố gắng giữ tỉnh táo."
"Gì nữa?"
"Trị liệu. Uống thuốc. Tôi cảm thấy như mình là cái kho chứa đủ thứ thuốc trên đời."
"Ngoài thuốc chống trầm cảm ra còn phải uống gì nữa không?"
"Có chứ. Nhưng hầu như vẫn là thuốc trấn thống. Không phải loại giúp lấy lại bình tĩnh, mà là chống trầm cảm luôn. Cũng có tác dụng, chắc thế."
"Ông có ngủ được không?"
"Ồ có. Ban đầu thì có vấn đề một chút, nhưng giờ họ đã giải quyết xong phần đó rồi."
"Ông có hay nói chuyện với bác sĩ không?"
"Có." Brad bật cười, và lần đầu tiên nói nghe có vẻ đúng kiểu ông ấy. "Gã chả được tích sự gì. Nhưng gã tử tế. Gã bảo mọi người cứ phấn chấn lên rồi mọi chuyện sẽ ổn."
"Bradford này, nhớ cái hồi ông cáu Clarence chuyện gì đó rồi dọa thôi việc không? Tôi đã bảo ông đừng có đi. Ông đáp, 'Nhưng tôi đã từ chức rồi.’ ‘Thì hủy cái đơn từ chức ấy đi,’ tôi nói. Rồi ông làm thật. Có ai khác ngoài Clarence và có hãng nào ngoài hãng của chúng ta chịu đựng nổi mấy trò dở chứng ấy của một copywriter? Ông đã dọa thôi việc hai lần, theo như tôi nhớ. Và ở lại thêm mười năm."
Ông lại khiến Brad bật cười lần nữa. "Ờ, tôi lúc nào cũng điên thế đấy," Brad nói.
"Chúng ta đã làm việc cùng nhau nhiều năm. Những giờ bên nhau vô tận, hàng trăm hàng trăm, có khi còn hàng nghìn hàng nghìn giờ im lặng bên nhau trong văn phòng của tôi hoặc của ông cố giải quyết mọi chuyện."
"Điều đó thật đặc biệt," Brad nói.
"Tôi dám đặt cược luôn. Ông đặc biệt. Và đừng quên điều đó."
"Cám ơn, chiến hữu."
"À thế còn chuyện ra viện thì sao?" ông hỏi Brad. "Ông nghĩ khi nào được ra?"
"Ôi thực sự thì tôi cũng không biết nữa. Tôi đoán chắc tầm vài tuần. Từ khi vào đây đến giờ tôi thấy đỡ trầm cảm hơn hồi ở ngoài. Tôi thấy gần như tĩnh trí lại rồi. Chắc tôi cũng sắp hồi phục."
"Tin tốt quá. Tôi sẽ còn gọi cho ông. Tôi mong sớm được trò chuyên với ông trong tình trạng tốt hơn."
"Được rồi. Cảm ơn vì đã gọi điện," Brad nói. "Cảm ơn rất nhiều. Ông gọi thế này tôi mừng lắm."
Gác máy xong ông tự hỏi: Brad có biết là mình không? Có thật ông ấy cũng nhớ mọi chuyện như tôi nhớ? Nếu chỉ nghe giọng như thế thì tôi không thể hình dung được có bao giờ ông ấy ra được khỏi đó.
Rồi cuộc điện thoại thứ ba. Ông không thể ngăn mình gọi, dù việc biết tin Brad nhập viện, Clarence chết và chứng kiến cơn đột quỵ hủy hoại Phoebe đã khiến ông trầm tư mất một lúc. Cũng như khi Gwen nhắc ông nhớ lại chuyện mình đã dạy Nancy hát bài "Hãy mỉm cười" như Nat 'King' Cole. Cuộc điện thoại lần này ông gọi cho Ezra Pollock, không ai nghĩ ông ta sống qua được tháng này, nhưng, thật ngạc nhiên, khi Ezra nhấc máy, giọng ông ta nghe như một người đang hạnh phúc toại nguyện và ngạo mạn chẳng khác bình thường là mấy.
"Ez," ông nói, "đang có quả gì đấy? Nghe giọng anh phấn chấn quá."
"Cứ nói chuyện là tôi lại phấn khởi vì nói chuyện là trò giải trí duy nhất của tôi."
"Thế là anh không bị trầm cảm à?"
"Không hề. Tôi làm gì có thì giờ mà trầm cảm. Tôi hoàn toàn tỉnh táo tập trung." Ezra cười lớn rồi tiếp, "Giờ thì tôi đã hiểu thấu mọi chuyện."
"Bao gồm cả bản thân?"
"Ừ, tin hay không thì tùy. Tôi đã trút sạch mấy chuyện vớ vẩn khỏi mình và rốt cuộc cũng sắp đi vào việc chính: tôi vừa khởi thảo cuốn hồi ký về ngành quảng cáo. Trước khi ra đi ta phải đối mặt với sự thật, Ace ạ. Nếu còn sống, tôi sẽ viết cái gì đó tử tế."
"Ừm, đừng quên cho vào đoạn anh bước vào phòng tôi nói, 'Này, hạn chót kinh hoàng của anh đây - sáng mai thứ đầu tiên tôi cần là có phác thảo kịch bản đó trong tay.'"
"Có tác dụng đấy chứ hả?"
"Anh mẫn cán lắm, Ez ạ. Có lần tôi hỏi sao cái loại bột giặt chết tiệt ấy lại dịu nhẹ đến thế với làn da nhạy cảm của phụ nữ, anh đã ném cho tôi hai mươi trang về tinh chất lá lô hội. Lần đó chiến dịch của tôi đã giành được giải thưởng dành cho giám đốc nghệ thuật, và đó là nhờ những trang ấy. Lẽ ra giải ấy phải là của anh. Khi nào anh khỏe hơn mình sẽ đi ăn trưa nhé, rồi tôi sẽ mang cái tượng ấy cho anh."
"Nhất trí luôn," Ez nói.
"Còn cơn đau thì thế nào? Có đau lắm không?"
"Có chứ, tôi có đau. Nhưng đã học được cách xử lý. Tôi có đủ thứ thuốc đặc chủng và những năm bác sĩ. Năm. Một bác sĩ chuyên khoa ung thư, một bác sĩ chuyên khoa niệu, một bác sĩ nội khoa, một y tá túc trực đặc biệt, và một nhà thôi miên chuyên giúp tôi vượt qua những cơn buồn nôn."
"Nôn vì cái gì, liệu pháp trị liệu à?"
"Ừ, và bản thân bệnh ung thư cũng khiến ta buồn nôn nữa. Tôi nôn vô tội vạ luôn."
"Đó đã là điều tồi tệ nhất chưa?"
"Đôi khi tuyến tiền liệt của tôi có cảm giác như tôi đang cố tống nó ra ngoài."
"Không cắt bỏ được à?"
"Cắt cũng chẳng tích sự gì. Quá muộn rồi. Vả lại đấy là đại phẫu. Cân nặng tôi thấp. Huyết áp tôi thấp. Đại phẫu như thế sẽ khiến tôi yếu ớt, đã thế còn phải ngưng điều trị. Người ta bảo bệnh sẽ tiến triển chậm thôi, đúng là đại bốc phét," Ezra nói. "Nó tiến triển như chớp. Hồi giữa tháng Sáu tiền liệt tuyến của tôi còn chưa có gì, thế mà đến giữa tháng Tám đã quá muộn không cắt bỏ được nữa. Nó thực sự nhanh. Thế nên hãy để mắt tới cái tuyến đó của mình, anh bạn ạ."
"Tôi rất tiếc phải nghe tất cả những điều này. Nhưng nghe thấy giọng lưỡi anh vẫn như xưa tôi mừng quá. Anh vẫn là anh, chỉ là có thêm mấy chuyện đó thôi."
"Tôi chỉ còn muốn viết cuốn hồi ký này thôi," Ez nói. "Tôi đã nói về nó quá lâu rồi, giờ thì phải bắt tay vào viết. Tất cả mọi chuyện từng xảy ra với tôi trong ngành này. Nếu viết được cuốn hồi ký này, tôi sẽ có thể kể cho mọi người biết tôi là ai. Nếu viết được nó, có chết tôi cũng sẽ ngậm cười. Còn anh thì sao, vẫn làm việc vui vẻ chứ hả? Anh có đang vẽ không? Hồi xưa lúc nào anh cũng bảo nghỉ hưu sẽ vẽ. Có không?"
"Có, có chứ. Tôi vẽ hằng ngày. Cũng hay," ông nói dối.
"Chậc, anh biết không, trước đây tôi chưa bao giờ có điều kiện mà viết cuốn sách này. Vừa nghỉ hưu là tôi bị tắc mạch ngay lập tức. Nhưng khi bị ung thư thì hầu hết mảng bám đều đã tan đi đâu hết. Giờ tôi có thể làm bất cứ gì mình muốn."
"Thật là một liệu pháp dã man dành cho chứng tắc mạch ở nhà văn."
"Phải đấy," Ez nói, "tôi cũng nghĩ vậy. Tôi không khuyên dùng cách này đâu. À mà này, có khi tôi qua được lần này đấy. Rồi mình sẽ đi ăn trưa và anh sẽ đưa tôi cái tượng. Nếu tôi qua được lần này, bác sĩ bảo tôi sẽ lại có thể sống bình thường."
Nhưng nếu ông ấy đã phải có cả một y tá túc trực đặc biệt thì có vẻ khó có khả năng bác sĩ lại nói điều gì như thế. Hoặc cũng có thể họ cần phải nói cho ông ấy lạc quan, hoặc ông ấy tưởng tượng ra họ nói thế, hoặc có lẽ chỉ là lời phát ra từ sự ngạo mạn của ông ấy, cái sự ngạo mạn tuyệt vời, bất khả diệt hủy của ông ấy. "Chà, tôi mừng cho anh đấy, Ez," ông nói. "Nếu có khi nào muốn nói chuyện với tôi thì gọi số này nhé." Ông đọc số cho Ez.
"Tốt," Ezra nói.
"Lúc nào tôi cũng ở nhà. Nếu anh có hứng thì cứ gọi, gọi cho tôi. Bất cứ lúc nào. Nhé?"
"Tuyệt. Sẽ gọi."
"Được rồi. Rất tốt. Chào anh."
"Chào. Tạm biệt lúc này thôi đấy," Ezra nói. "Nhớ đánh bóng cái tượng."
Hàng giờ sau ba cuộc điện thoại nối tiếp nhau ấy - và sau những lời động viên sáo rỗng và phù phiếm biết trước mình sẽ nói, sau nỗ lực hồi sinh tính dí dỏm già nua bằng cách hồi sinh - ký ức về cuộc đời của ba đồng nghiệp, bằng cách tìm lời động viên những kẻ tuyệt vọng và đem họ lại từ miệng vực - giờ điều ông muốn làm không chỉ là gọi điện nói chuyện với con gái, người ông đã thấy ở bệnh viện với Phoebe, mà còn muốn hồi sinh tinh thần của chính mình bằng cách gọi điện chuyện trò với cha mẹ. Nhưng những gì ông vừa biết được chẳng là gì nếu đem so sánh với cuộc tấn công dữ dội không thể tránh được là cái kết của cuộc đời. Nếu như ông biết được nỗi khổ sở gớm ghê của từng người đàn ông, đàn bà ông tình cờ quen biết trong suốt ngần ấy năm đi làm, biết được câu chuyện của từng người về những ân hận, và mất mát, và khắc kỷ, về sợ hãi và hoảng loạn, và cô đơn, và lo âu, nếu như ông biết được tất cả những gì cuối cùng họ phải lìa xa, những gì một thời từng tuyệt đối thuộc về họ và họ, một cách có hệ thống, đã bị hủy diệt như thế nào, thì hẳn ông đã phải ôm điện thoại từ sáng đến đêm, gọi ít ra là cả trăm cuộc nữa. Tuổi già không phải là một trận chiến; tuổi già là một cuộc thảm sát.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm