It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
à có thể tiếp tục nằm đây nếu muốn," ông bảo Millicent Kramer sau khi bà uống chút nước.
"Tôi không thể lúc nào cũng nằm thế được!" bà bật khóc. "Chỉ là tôi không thể chịu được nữa! Tôi từng nhanh nhẹn đến thế, từng năng động đến thế - nếu là vợ của Gerald, thì phải như thế. Chúng tôi từng đi khắp nơi. Tôi từng cảm thấy tự do biết bao. Chúng tôi từng đến Trung Quốc, chúng tôi từng đi khắp châu Phi. Giờ thì thậm chí bắt xe buýt đến New York tôi cũng không thể, trừ phi nốc đầy đến tận mang tai thuốc giảm đau. Tôi cũng chẳng hữu hảo gì với mấy thứ giảm đau đó - chúng làm tôi hoàn toàn phát điên. Mà đằng nào thì cơn đau cũng trở lại trước khi tôi kịp đến đích. Ôi, tôi xin lỗi. Tôi vô cùng xin lỗi. Ớ đây ai cũng có khó khăn cả. Chuyện của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt và tôi xin lỗi vì đã đem nó ra chất thêm gánh nặng cho ông. Có lẽ ông cũng có chuyện của riêng mình."
"Miếng dán nóng có tác dụng gì không?" ông hỏi.
"Ông biết thứ gì sẽ có tác dụng không?" bà đáp. "Âm thanh của giọng nói đã biến mất ấy. Tiếng người đàn ông khác thường mà tôi yêu. Tôi nghĩ mình có thể chịu đựng được hết thảy điều này nếu ông ấy còn ở đây. Nhưng không có ông ấy thì tôi không thể. Tôi chưa từng thấy ông ấy yếu ớt dù chỉ một lần trong suốt cuộc đời - thế rồi bệnh ung thư nó đến và nghiền nát ông ấy. Tôi không phải Gerald. Ông ấy sẽ thống lĩnh mọi lực lượng trong tay và hành động - thống lĩnh mọi điều ông ấy có và làm bất cứ điều gì cần làm. Nhưng tôi thì không thể. Tôi không thể chịu đựng đau đớn thêm nữa. Nó lấn át mọi thứ. Lắm lúc tôi nghĩ mình chẳng thể sống thêm một giờ nào. Tôi tự nhủ hãy lờ nó đi. Tôi tự nhủ chẳng sao hết. Tôi tự nhủ, 'Đừng nghĩ đến nó nữa. Nó là một bóng ma. Một sự khó chịu, không hơn. Đừng phục tùng sức mạnh của nó. Đừng hợp tác với nó. Đừng để nó dụ dỗ. Đừng đáp lại. Hãy phóng qua. Hãy lao qua. Dù là nó hay mình kiểm soát: lựa chọn vẫn là của mình!’ Mỗi ngày tôi tự nhắc lại với mình hàng triệu lần, như thể chính tôi là Gerald đang nói, và rồi bất chợt nó trở nên tồi tệ đến mức tôi phải nằm thẳng xuống sàn ngay giữa siêu thị và mọi lời nói ấy đều trở nên vô nghĩa. Ôi tôi xin lỗi. Tôi ghét cay ghét đắng nước mắt."
"Tất cả chúng ta đều ghét mà," ông bảo bà, "nhưng dù sao chúng ta vẫn khóc."
"Lớp học này có ý nghĩa rất lớn với tôi," bà nói. "Cả tuần tôi chỉ chờ đến ngày đi học. Hào hứng như một đứa trẻ mới đi học," bà thú nhận, và ông nhận ra bà đang nhìn ông với một sự tin tưởng thơ trẻ, như thể thực sự bà là một đứa bé đã kiệt sức - còn ông, cũng như Gerald, có thể sửa chữa bất cứ điều gì.
"Bà có mang thuốc gì cần uống bên mình không?" ông hỏi.
"Sáng nay tôi uống rồi."
"Uống lần nữa đi," ông bảo bà.
"Tôi phải hết sức thận trọng với mấy viên thuốc đó."
"Tôi hiểu. Nhưng hãy nuông chiều bản thân một chút và uống thêm một liều nữa đi. Một liều thì cũng chẳng hại gì nhiều đâu, và nó sẽ giúp bà qua được đỉnh điểm cơn đau. Nó sẽ giúp bà trở lại giá vẽ."
"Phải mất một giờ thuốc mới có tác dụng. Khi ấy hết giờ học rồi."
"Bà cứ tự nhiên ở lại vẽ sau khi những người khác về. Thuốc ở đâu?"
"Trong ví của tôi. Trong xưởng vẽ. Cạnh giá vẽ của tôi. Trong cái túi cũ màu nâu có dây đeo vai đã sờn."
Ông mang thuốc lại cho bà, và với phần còn lại của cốc nước, bà uống thuốc, một loại thuốc phiện có khả năng giảm đau trong ba, bốn tiếng đồng hồ, một viên thuốc lớn hình thoi màu trắng khiến bà thư giãn trong dự cảm mình sẽ đỡ đau ngay khi nuốt. Lần đầu tiên kể từ khi bà bắt đầu đi học ông có thể thấy rõ rệt rằng, hẳn bà phải quyến rũ biết bao trước khi đời bà bị sự thoái hóa của chiếc cột sống già nua ấy chiếm lấy.
"Bà cứ nằm đây cho tới khi thuốc có tác dụng nhé," ông nói. "Rồi vào lớp sau."
"Tôi thành thật xin lỗi vì tất cả chuyện này" bà nói khi ông rời đi. "Chỉ là đau đớn khiến ta cô độc quá." Và đến đây lòng can đảm lại nhường bước, bỏ lại bà úp mặt vào tay nức nở. "Thật hổ thẹn."
"Chẳng có gì đáng hổ thẹn ở đây."
"Có chứ, có đấy” bà khóc. "Cái sự không thể tự chăm sóc bản thân, cái nhu cầu thảm hại cần được an ủi..."
"Trong hoàn cảnh này, chẳng gì trong số đó đáng hổ thẹn, dù chỉ một chút."
"Ông sai rồi. Ông không biết đâu. Sự phụ thuộc, bất lực, đơn độc, sợ hãi... tất cả đều khủng khiếp và đáng hổ thẹn. Cơn đau khiến ông sợ hãi chính mình. Cái tha tính tối thượng của nó thật kinh khủng."
Bà ấy xấu hổ khi thấy mình đã thành ra như vậy - ông nghĩ - bị làm cho xấu hổ, nhục nhã, tầm thường đến mức gần như chẳng thể nhận ra chính mình nữa. Nhưng ai trong số bọn họ lại không thế chứ? Tất cả họ đều thấy xấu hổ khi thấy mình đã thành ra thế nào. Chẳng lẽ ông lại không như vậy? Xấu hổ vì những thay đổi về thể chất. Vì sự suy giảm khả năng đàn ông. Vì những sai lầm đã bóp méo ông và vì những cú sốc - cả tự mình gây ra lẫn từ bên ngoài tới - đã làm ông biến dạng. Thứ mang lại cho quá trình suy giảm mà Millicent Kramer phải chịu đựng một tầm vóc vĩ đại kinh hoàng - dù nó sẽ nhỏ lại nếu đem so với sự lạnh lẽo của cuộc đời ông - chính là chứng đau bất trị. Thậm chí ngay cả ảnh chụp mấy đứa cháu, ông nghĩ, những bức ảnh mà ông bà nào cũng bày ra khắp nhà, có lẽ bà cũng không buồn ngó tới nữa. Chẳng còn gì nữa ngoài cơn đau.
"Suỵt," ông nói, "suyt, yên lặng nào" và trở lại chỗ cái giường cầm tay bà một chút trước khi trở lại lớp. "Bà chờ thuốc giảm đau có tác dụng, rồi khi nào sẵn sàng hẵng quay lại lớp vẽ nhé."
Mười hôm sau bà tự tử bằng thuốc ngủ.
Cuối khóa học mười hai tuần hầu như ai cũng muốn đăng ký học khóa thứ hai, nhưng ông thông báo rằng kế hoạch có thay đổi và phải tới tận mùa thu tới ông mới có thể dạy lại.
Khi bỏ chạy khỏi New York, ông đã chọn bờ biển này làm nhà vì ông luôn thích bơi giữa những ngọn sóng và chống lại chúng, và vì những liên tưởng từ thời thơ ấu hạnh phúc ông từng có trên dải bãi biển Jersey này, và vì, ngay cả khi Nancy không đến ở cùng ông, ông chỉ cách cô có một tiếng đồng hồ, và vì sống trong một môi trường thư giãn, thoải mái chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe của ông. Đời ông chẳng còn người phụ nữ nào ngoài con gái. Sáng nào trước khi đi làm cô cũng gọi cho ông, ngoài ra điện thoại của ông hiếm khi đổ chuông. Còn tình cảm của hai đứa con trai từ cuộc hôn nhân đầu tiên thì ông đã thôi theo đuổi; ở bên mẹ họ hay bên họ, ông chưa từng làm điều gì đúng đắn, và để chống lại những lời buộc tội cứ lặp đi lặp lại này cùng phiên bản lịch sử gia đình trong mắt hai con trai ông, sẽ đòi hỏi một lượng hiếu chiến khổng lồ, vốn đã biến mất khỏi kho vũ khí của ông. Tính hiếu chiến đã được thay thế bằng một nỗi buồn mênh mang. Nếu trong nỗi cô đơn của những buổi tối đằng đẵng của mình, ông có đầu hàng cám dỗ mà gọi điện cho một trong hai đứa thì sau đó thể nào ông cũng thấy buồn hơn, buồn và kiệt quệ.
Randy và Lonny là nguồn gốc của cảm giác tội lỗi sâu thẳm nhất của ông, nhưng ông không thể cứ giải thích hành động của mình cho họ mãi. Hồi cả hai còn thanh niên, ông đã cố giải thích thường xuyên - nhưng hồi đó thì họ quá trẻ và quá phẫn nộ nên không hiểu, giờ thì lại quá phẫn nộ và quá già. Mà có gì mà hiểu kia chứ? Với ông điều này thật không thể giải thích - sự phấn khích sinh ra từ việc luận tội ông mà họ có thể nằng nặc bám lấy một cách nghiêm túc đến thế. Ông làm những việc ông đã làm theo cùng cách họ làm những việc họ đã làm. Liệu cái cung cách không tha thứ kiên định ấy có đáng tha thứ hơn chút nào không? Hay bớt gây ra hiệu ứng có hại hơn? Ông chỉ là một trong số hàng triệu đàn ông Mỹ, là một bên của một vụ ly dị làm tan vỡ gia đình. Nhưng ông có đánh mẹ họ không? Ông có đánh họ không? Ông không thể chu cấp cho mẹ họ ư, hay không thể chu cấp cho họ? Đã ai trong số họ phải năn nỉ xin tiền ông chưa? Đã bao giờ ông khắc nghiệt? Chẳng phải ông đã đưa ra với họ mọi lời đề nghị mà ông có thể? Còn tránh được gì nữa? Ông có thể làm gì khác nữa để họ thấy dễ chấp nhận ông hơn ngoại trừ cái điều ông không thể, là duy trì hôn nhân và sống chung với mẹ họ? Họ có thể hiểu điều đó hoặc không - và buồn thay cho ông (và cho họ), họ không hiểu. Họ không bao giờ hiểu được rằng khi ấy ông cũng mất cùng một gia đình như họ. Và chắc chắn vẫn còn nhiều điều ông không hiểu. Nếu vậy, chuyện cũng chẳng đỡ buồn hơn. Chẳng ai nói được rằng ngần ấy nỗi buồn vẫn không đủ để chia đều cho mỗi người bọn họ và rằng ngần ấy ăn năn vẫn không đủ để ông được bắt đầu cái tẩu khúc [7] câu hỏi ấy để thử bào chữa cho câu chuyện đời mình.
Ông không nói gì với họ về chuỗi nhập viện liên miên của mình vì sợ điều đó sẽ khơi dậy quá nhiều sự mãn nguyện thù hận. Ông đoan chắc mình mà chết thì họ sẽ mừng vui, và tất cả là vì những ký ức ban sơ ấy mà dù lớn thêm bao nhiêu tuổi họ cũng sẽ không bao giờ tha thứ chuyện ông rời bỏ gia đình đầu tiên để khởi tạo gia đình khác. Chuyện rồi rốt cuộc ông cũng phản bội gia đình thứ hai vì một nhan sắc kém ông hai mươi sáu tuổi mà, theo Randy và Lonny, bất cứ ai ngoài cha họ cũng nhận ngay ra là "con điên" từ cách đó một dặm - một người mẫu, đúng thế đấy, "một người mẫu không có óc" ông gặp khi cô được hãng của ông thuê để làm một công việc buộc cả đội, gồm cả hai bọn họ, phải đến tận Caribê công tác vài ngày - chỉ củng cố thêm cách nhìn của họ về ông: một gã thích phiêu lưu tình ái thiếu chín chắn, nông nổi, vô trách nhiệm, giả nhân giả nghĩa. Với tư cách một người chồng, thậm chí với người vợ có một không hai như Phoebe, người mà vì bà ông đã giũ bỏ mẹ họ, ông là kẻ lừa đảo. với tư cách bất cứ gì không phải một con chó dái, ông đều là thứ đồ giả từ trong ra ngoài. Còn chuyện ông trở thành "nghệ sĩ" khi về già, thì, đối với hai đứa con trai đó, đúng là trò hề lớn hơn hết thảy. Khi ông bắt đầu thói quen vẽ nghiêm túc hằng ngày, Randy đã đặt cho cha mình một biệt danh nhạo báng: "tay thợ vụng vui vẻ."
Để đáp lại ông cũng chẳng bảo mình đúng về mặt đạo đức hay đã suy xét hoàn hảo. Cuộc hôn nhân thứ ba của ông được thiết lập trên khát khao vô bờ bến về một người đàn bà ông chẳng định dính líu gì ngoài một khao khát vốn chưa từng đánh mất sức mạnh bịt mắt và dắt mũi ông, ở tuổi năm mươi, chơi trò trống bỏi. Trong suốt sáu năm trước đó ông đã không còn ngủ với Phoebe, nhưng ông không thể trưng cái sự thật thầm kín đó ra với hai đứa con trai làm lời giải thích cho cuộc ly dị thứ hai. Ông không cho rằng thành tích mười lăm năm làm chồng của Phoebe, mười ba năm làm người cha sống chung nhà của Nancy, làm em trai của Howie và con trai của cha ông từ lúc sinh ra, lại đòi hỏi ông đưa ra một lời giải thích như thế. Ông không cho rằng thành tích hơn hai mươi năm làm trong ngành quảng cáo ông lại đòi hỏi ông đưa ra một lời giải thích như thế. Ông không cho rằng thành tích làm cha đẻ của Lonny và Randy lại đòi hỏi một lời giải thích như thế!
Thế nhưng bức tranh họ mô tả cách ông kiểm soát bản thân trong suốt cuộc đời thậm chí còn không phải một bức biếm họa, mà, theo quan điểm của ông, là một bức chân dung về những gì không phải là ông, một sự mô tả họ cứ bám lấy hòng hạ xuống mức thấp nhất mọi thứ đáng giá, vốn hiển nhiên với hầu hết những người khác, ông tin thế. Hạ xuống mức thấp nhất sự tử tế của ông, rồi cường điệu những khuyết điểm, vì một lý do mà vào những ngày cuối đời này chắc chắn không còn giữ được sức nặng như cũ. Với cha mình, ngoài bốn mươi tuổi họ vẫn là những đứa trẻ y hệt như cái thời ông rời bỏ mẹ họ, những đứa trẻ từ bản chất đã không thể hiểu rằng, luôn có hơn một lời giải thích cho hành vi của con người - những đứa trẻ, tuy vậy, lại mang dáng vẻ và sự cuồng nộ của những người đàn ông, và ông không bao giờ có thể duy trì nổi một tuyến phòng thủ vững chắc trước sức hủy diệt của họ. Họ đã cố ý muốn người cha vắng mặt phải đau khổ, và ông đã đau khổ, trao cho họ cái quyền ấy. Đau khổ vì những việc làm sai của mình là tất cả những gì ông có thể làm để khiến họ hài lòng, để trả cái giá của mình, để nuông chiều sự chống đối điên rồ của họ như một người cha tốt nhất.
Lũ khốn xấu xa chúng mày! Bọn ngu mặt dày chúng mày! Hai đứa oắt con chỉ thích kết tội người khác. Liệu mọi chuyện có khác, ông tự hỏi, nếu ta khác đi và làm mọi chuyện khác đi? Có đỡ cô đơn hơn thế này không? Dĩ nhiên là có! Nhưng ta đã làm thế! Ta đã bảy mươi mốt tuổi rồi! Ta đã tạo nên con người ta như thế. Ta đã làm những việc như thế nên mới đến được đây, và chẳng cần nói thêm gì nữa!
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm