A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
Ở một bên mộ có hai chiếc xẻng dựng thẳng đứng, lưỡi xẻng ngập trong một đống đất lớn. Ông cứ nghĩ đấy là do phu đào huyệt để lại để chốc nữa lấp huyệt. Ông những tưởng, cũng như trong tang lễ của mẹ ông, những người tới dự tang lễ chỉ cần bước tới hố huyệt ném một nắm đất lên nắp quan tài, rồi tất cả sẽ ra đi hết ra xe hơi riêng. Nhưng cha ông đã yêu cầu giáo sĩ làm theo nghi lễ Do Thái truyền thống, theo đó việc chôn cất sẽ phải do tang quyến chứ không phải nhân viên nghĩa trang hay ai khác tiến hành. Vị giáo sĩ đã báo trước với Howie, nhưng Howie, chẳng hiểu sao, lại không nói với ông, nên ông rất ngạc nhiên khi anh trai mình, bảnh bao trong bộ com lê đen, sơ mi trắng, cà vạt đen và giày da đen bóng, bước tới nhấc một chiếc xẻng lên khỏi đống đất rồi bắt đầu xúc đầy một xẻng. Rồi Howie trịnh trọng tiến đến đầu huyệt mộ, đứng đó một lúc trầm tư, rồi, hơi nghiêng chúc xẻng xuống một chút, để đất từ từ chảy xuống. Khi đáp xuống nắp quan tài gỗ, nó tạo ra một âm thanh độc nhất vô nhị cứ thế ngấm vào sự hiện tồn của con người.
Howie trở lại sục lưỡi xẻng vào đống đất hình kim tự tháp cao chừng mét hai đang sập xuống. Họ sắp phải lấp hết số đất ấy trở lại huyệt cho đến khi mộ của cha bằng với nền nghĩa trang ở đoạn đó.
Phải mất gần một tiếng đồng hồ mới xúc hết chỗ đất. Trong số bạn bè và họ hàng, những người già không cầm nổi xẻng được đỡ tới ném những nắm đất lên quan tài, và bản thân ông cũng chẳng làm được gì khá hơn thế, nên công việc nặng nhọc kia được chất lên vai Howie, bốn đứa con trai của Howie và hai con trai ông - sáu đứa bọn chúng đều là đám thanh niên tráng kiện đang ở độ tuổi cuối hai đầu ba. Chia thành hai đội họ đứng bên đống đất và, từng xẻng một, chuyển nó trở lại huyệt đào. Vài phút một lần hai đội đổi phiên, và có một lúc ông thấy dường như nhiệm vụ này sẽ không bao giờ kết thúc, dường như họ sẽ mãi mãi ở đó mà chôn cha ông. Điều tốt nhất ông có thể làm để cùng đắm mình vào sự trần trụi nghiệt ngã của lễ mai táng này như anh trai, các con và các cháu mình là đứng bên rìa huyệt nhìn đất bọc lấy quan tài. Ông nhìn cho tới khi đất dâng tới phần nắp, chỉ được trang trí bằng hình khắc Ngôi sao David, và rồi ông lại nhìn cho tới khi đất bắt đầu phủ kín nắp quan tài. Cha ông sắp phải nằm đó, không chỉ trong quan tài mà còn dưới sức nặng của ngần ấy đất, và ngay lập tức ông hình dung thấy miệng cha như thể không hề có quan tài ở đó, như thể lượng đất họ trút xuống huyệt đang lắng thẳng xuống cha ông, ngập đầy miệng, làm mù mắt, lấp nghẽn mũi, bít chặt tai. Ông muốn bảo họ hãy thôi đi, yêu cầu họ đừng trút thêm đất xuống nữa - ông không muốn họ lấp mặt cha và bịt hết mọi ngả đường cha hấp thụ cuộc sống. Tôi đã luôn nhìn ngắm khuôn mặt ấy từ thuở lọt lòng - đừng tiếp tục chôn khuôn mặt cha tôi nữa! Nhưng họ đã tìm thấy nhịp điệu của mình, đám thanh niên tráng kiện đó, và họ sẽ không thể dừng mà cũng chẳng muốn dừng, ngay cả khi ông có lao mình xuống huyệt mà đòi ngưng màn chôn lấp này lại cũng không. Giờ thì chẳng gì ngăn được họ nữa. Họ sẽ cứ tiếp tục làm, sẽ chôn luôn cả ông nếu như thế là cần thiết để hoàn thành việc chôn cất ấy. Howie đã đứng tránh sang một bên, trán rịn đầy mồ hôi, nhìn sáu anh em họ ấy hùng hục hoàn thành công việc, mục tiêu trước mắt được xúc đi với một nhịp điệu kinh hoàng, không phải như những tang quyến đang mang gánh nặng của một nghi lễ cổ xưa mà như đám công nhân kiểu cũ đang bỏ nhiên liệu vào lò.
Lúc này nhiều người già đã sụt sịt và ôm lấy nhau. Kim tự tháp đất đã biến mất. Giáo sĩ bước lên phía trước và, sau khi cẩn thận xoa phẳng mặt đất bằng đôi bàn tay để trần, dùng một cái que vạch lại các chiều của huyệt mộ lên nền đất tơi.
Ông đứng xem cha mình biến mất khỏi thế giới từng xăng ti mét một. Ông buộc phải theo dõi nó đến tận phút cuối. Cứ như thể một cái chết thứ hai, kinh khủng chẳng kém gì cái chết trước đó. Bất chợt ông nhớ tới cơn lũ cảm xúc từng nhận chìm ông sâu, sâu mãi xuống tầng tầng lớp lớp đời mình hồi ở bệnh viện, cha ông lần đầu tiên bế từng đứa cháu mới sinh, trầm tư ngắm Randy, rồi Lonny, rồi cuối cùng là Nancy với cùng một ánh mắt đầy biểu cảm của niềm hân hoan bối rối.
"Ba không sao chứ?" Nancy hỏi, choàng tay quanh người ông trong lúc ông đứng đó nhìn những đường thẳng chiếc que vẽ nên trên đất, trông như vẽ cho một trò chơi trẻ con. Ông siết chặt thêm vòng tay cô quanh mình và nói, "Ừ, ba ổn." Rồi ông thở hắt ra, thậm chí còn bật cười nói tiếp, "Giờ thì ba đã biết bị chôn tức là thế nào. Đến tận hôm nay mới biết." "Cả đời con chưa từng trông thấy điều gì lạnh người đến vậy," Nancy đáp. "Ba cũng thế," ông bảo cô. "Đến lúc phải đi rồi," ông nói, và rồi ông cùng với Nancy và Howie đi đầu, đoàn người đưa đám chầm chậm rời khỏi đó dù ông vẫn chưa thể nào xóa sạch khỏi mình mọi điều vừa trông thấy và nghĩ suy, tâm trí cứ xoay vòng trở lại ngay cả khi đôi chân đã bước xa.
Vì trong lúc lấp mộ trời gió suốt, ông có thể cảm nhận rõ vị của bụi đất bám đầy vòm miệng mình sau khi họ rời nghĩa trang về New York.
Trong vòng chín năm tiếp theo, sức khỏe của ông vẫn ổn định. Hai lần bạo bệnh đánh lén ông, nhưng không như thằng bé giường bên hồi ấy, ông đều thoát nạn. Thế rồi đến 1998, khi huyết áp ông bắt đầu tăng cao và chuyển liệu pháp thuốc cũng chẳng tác dụng, các bác sĩ khẳng định ông bị hẹp tắc động mạch thận, may là đến thời điểm đó nó mới chỉ gây ra một chút suy giảm chức năng thận, vậy là ông lại nhập viện để phẫu thuật. Và một lần nữa vận may vẫn ở lại với ông, vấn đề được giải quyết bằng cách đưa stent [4] qua một ống thông cắm ngược lên từ một lỗ chích trên động mạch đùi rồi qua động mạch chủ đến chỗ tắc.
Hồi ấy ông sáu mươi lăm, vừa mới nghỉ hưu, và đã ly dị đến lần thứ ba. Ông bắt đầu được hưởng chương trình Medicare [5], bắt đầu nhận bảo hiểm xã hội, và cùng luật sư bàn thảo chuyện viết di chúc. Viết di chúc - đó là phần tốt đẹp nhất của việc già đi và có lẽ của cả việc chết đi nữa, cứ bắt đầu viết và, khi thời gian trôi đi, cập nhật và sửa chữa và cẩn thận xem xét tới việc viết lại di chúc mới. Vài năm sau ông thực hiện lời hứa với bản thân ngay sau vụ tấn công ngày 11 tháng Chín là chuyển từ Manhattan tới làng hưu trí ở Starfish Beach trên Bờ biển Jersey, chỉ cách vài dặm là tới thị trấn duyên hải, nơi trước đây hè nào gia đình ông cũng dành một thời gian tới nghỉ. Starfish Beach là một khu dân cư gồm toàn những ngôi nhà condo ốp gỗ một tầng quyến rũ, cửa sổ lớn và cửa kính trượt dẫn tới một hiên rộng ngoài trời phía sau; tám unit gắn kết thành một tổ hợ bán nguyệt bao lấy một vườn cây bụi và một cái hồ nhỏ. Những công trình dành cho năm trăm cư dân cao tuổi sống trong những tổ hợp đó, trải rộng trên một trăm mẫu, bao gồm sân tennis, một khu vườn công cộng rộng rãi kèm nhà ươm cây, trung tâm thể dục, bưu điện, trung tâm giao lưu cộng đồng có phòng họp, xưởng gốm, xưởng mộc, một thư viện nhỏ, một phòng vi tính ba máy và một máy in chung, và một phòng lớn để diễn thuyết, biểu diễn và chiếu ảnh của những đôi mới đi nước ngoài về. Ở giữa làng còn có một bể bơi nước nóng ngoài trời, kích thước chuẩn Olympic, và một bể bơi nhỏ hơn trong nhà, một nhà hàng lịch sự nho nhỏ cũng có mặt trong trung tâm mua sắm khiêm tốn nằm cuối con phố chính của làng, cùng với hiệu sách, tiệm rượu, cửa hàng quà tặng, ngân hàng, một văn phòng môi giới, một văn phòng bất động sản, văn phòng luật sư và một trạm xăng. Siêu thị thì chỉ lái xe một đoạn ngắn là tới, và nếu còn đi được, như hầu hết những người sống ở đây, bạn có thể dễ dàng đi nửa dặm tới lối đi lót ván bên bờ biển rồi xuống bãi biển bao la, ở đó luôn có nhân viên cứu hộ trực suốt mùa hè.
Ngay khi chuyển đến làng này, ông đã biến phòng khách đầy nắng của ngôi nhà ba phòng thành một xưởng nghệ thuật, rồi, sau những cuộc đi bộ bốn giờ bốn dặm trên lối đi lót ván hằng ngày, ông dành hầu hết thời gian để hoàn thành khát vọng đã có từ lâu bằng cách sung sướng vẽ miệt mài, lệ thường này đã sản sinh ra toàn bộ niềm phấn khích ông hằng trông đợi. Ông chẳng nhớ những gì ở New York ngoại trừ Nancy, sự hiện diện của cô chưa bao giờ thôi làm ông hạnh phúc, nhưng cô, giờ đã là bà mẹ ly hôn của hai đứa con bốn tuổi, chẳng còn được bảo vệ theo cách ông hy vọng nữa. Sau cuộc ly hôn của con gái, ông và Phoebe - cũng bị lo âu đè nặng như ông - đã vào cuộc và, riêng rẽ, dành nhiều thời gian cho Nancy hơn cái thời cô đi học đại học xa tận Trung Tây. Ở đó cô đã gặp tay thi sĩ mà sau này cô lấy làm chồng, một sinh viên cao học ra mặt coi khinh văn hóa thị trường mà cụ thể là dòng tác phẩm của cha cô, gã, ngay khi phát hiện ra mình không còn đơn giản là một nửa của cặp tình nhân thâm trầm, sâu sắc chỉ thích đọc sách và nghe nhạc thính phòng trong thời gian rảnh mà đã trở thành bố của một cặp sinh đôi, đã cảm thấy cái lộn xộn của việc tồn tại bên trong một gia đình trẻ thật không sao chịu đựng - đặc biệt đối với một kẻ cần trật tự và yên tĩnh để hoàn thành tiểu thuyết đầu tay - và đổ lỗi cho Nancy vì đã cổ súy thêm cho thảm họa vĩ đại này bằng chuỗi than vãn không dứt về chuyện gã ngăn cản bản năng làm mẹ của cô. Sau giờ làm việc và vào dịp cuối tuần càng ngày gã càng vắng mặt nhiều hơn khỏi sự hỗn loạn trong căn hộ tí hin của họ, sự hỗn loạn gây ra bởi đủ thứ nhu cầu của hai sinh vật tí hon ầm ĩ kêu gào, mà chính gã đã điên rồ đẻ ra, và khi cuối cùng gã cũng vùng dậy và từ bỏ cả nghề xuất bản lẫn việc làm cha, gã phải chuồn một mạch về Minnesota cho tĩnh tâm trở lại, phục hồi khả năng suy nghĩ và trốn được càng nhiều trách nhiệm càng tốt.
Nếu mọi chuyện theo đúng ý cha cô thì Nancy và cặp sinh đôi cũng đã chuyển tới bờ biển này. Cô có thể đi tàu điện Jersey đi làm hằng ngày, để con cho vú em hay người trông trẻ trông với giá chỉ bằng một nửa dịch vụ ở New York, và ông có thể ở gần để thăm nom đưa đón tụi nhỏ đi học, ngắm chúng chơi trên bãi biển, vân vân. Hai cha con có thể ăn tối cùng nhau mỗi tuần một lần rồi cuối tuần lại cùng nhau đi dạo. Cả nhà sẽ được sống bên bờ biển tươi đẹp này và tránh xa mối đe dọa từ Al Qaeda. Ông từng bảo Nancy ngay hôm sau ngày tòa tháp đôi bị phá hủy, "Tận đáy lòng ba muốn được tồn tại. Ba phải đi khỏi đây thôi." Vậy là chỉ mười tuần sau, vào hạ tuần tháng Mười một, ông đi thật. Cái ý nghĩ rằng con gái và cháu ngoại ông đang trở thành nạn nhân của một cuộc khủng bố hành hạ ông suốt những tháng đầu ở bờ biển, mặc dù ngay khi tới đó, ông đã chẳng còn lo lắng cho bản thân và giũ bỏ được cái cảm giác mình đang hứng lấy hiểm nguy vô nghĩa, vốn đeo đẳng ông mỗi ngày, kể từ khi thảm họa đó lật nhào cảm giác của mọi người về an ninh và mang tới sự bất an không thể xóa nhòa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Như thường lệ - và như hầu hết mọi người khác - ông không muốn cái chết đến sớm hơn phút nào so với số trời quy định.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm