That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Poulp
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 32 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 433 / 0
Cập nhật: 2017-09-25 03:40:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
hững ngày không có Bo, tôi cứ như người đã chết. Sáng ra, vừa mở mắt là liền dắt xe đi làm, không ăn không uống. Ở bệnh viện mọi người nhìn tôi như thể một sinh vật lạ hoặc là một kẻ mới đến kỳ quặc, bởi tôi tranh làm tất cả mọi thứ, không dám để ình ngơi tay, bất kỳ ca sinh nở nào tôi cũng vào đỡ thay đồng nghiệp. Tôi hầu như không giao tiếp với ai, hoàn toàn biến mình thành nô lệ của công việc và thời gian chính là kẻ thù. Giờ nghỉ trưa, một mình tôi với suất cơm bình dân khô khốc, cố nhét cho đầy miệng đến khi phát nghẹn mới thôi.
Chị Hoài là người thân thiết nhất với tôi ở bệnh viện, thấy tôi như vậy chị cũng không muốn làm ngơ, cố tình đến bắt chuyện với tôi: “Dạo này em làm sao thế? Em như một cái máy vậy.”
Tôi cúi gằm mặt vào âu cơm đáp: “Em không sao.”
“Chị biết cả rồi. Chị hỏi thằng Trí, nó nói cho chị hết. Em đừng buồn, đâu sẽ có đó mà.” Có lẽ thấy đôi mắt ngỡ ngàng của tôi nên chị nói thêm: “Không sao, chị không nói với ai đâu mà.”
Tôi vẫn im lặng, tiếp tục cúi đầu, nếu tôi mở miệng nói bất kể điều gì lúc này thì chắc tôi sẽ bật khóc mất. Tôi đang cố gắng kiềm chế lắm rồi và không muốn bất kỳ ai hỏi đến mình nữa.
“Vân, thực sự mất đi con cái là điều đau khổ nhất của mỗi người bố người mẹ, nhất lại là một người mẹ như em. Nhưng em đừng lo, chị tin Bo sẽ về với em.” Chị Hoài nhìn tôi, cười thật dịu dàng. Trong đôi mắt chị không chỉ là nét cười nhu mì mà còn là một niềm động viên an ủi.
Nước mắt tôi bắt đầu rơi nhưng tôi không để chị thấy, cứ để nó câm lặng nhỏ từng giọt, từng giọt xuống thìa cơm trắng tinh mà tôi đang nhét vào miệng. Miếng cơm trắng giờ đây có một vị mặn chát khiến tôi càng khó nuốt hơn, cái vị mặn này sao mà khó chịu đến thế? Nó khiến cổ họng tôi càng thêm nghẹn ứ, nuốt mãi không trôi.
Hồi lâu tôi không lên tiếng, chị Hoài nói tiếp: “Em không muốn nói chuyện với ai, chị hiểu. Chị thực sự yêu mến em nên chị không muốn em cứ tiếp tục đầy đọa mình như thế, sẽ đổ gục lúc nào không hay. Em còn phải chờ Bo về nữa cơ mà. Thằng Trí cũng nhờ chị nói với em như thế đấy. Cố lên em gái!” Nói xong chị đứng lên đi ngay, còn lại mình tôi một góc với sự mặn chát của trái tim.
Tan ca trở về, vẫn theo thói quen tôi ghé qua cửa hàng tạp hóa mua sữa và xúc xích cho Bo nhưng khi anh chủ quán vừa hỏi: “Hôm nay anh mới nhập loại xúc xích mới đấy, cho Bo đổi món xem thế nào.” Thì tôi sực tỉnh, ngây ngẩn nhìn gói xúc xích mà anh chủ quán đưa cho.
“Không anh ạ! Em không mua xúc xích, ở nhà vẫn còn. Em…” Tôi ấp úng không biết mình muốn cái gì, nhìn quanh một lượt thì tôi chỉ bừa vào một gói đồ ăn vặt. “Cho em lấy cái này.”
Tôi lại đờ đẫn đi về nhà, tắm rửa, nấu cơm, ăn cơm. Lúc dọn mâm bát, tôi vẫn vô thức lấy cả bát của Bo, xới cơm rồi để ra bên cạnh, tưởng tượng Bo đang ngồi đó, phụng phịu nhìn bát cơm đầy. Khóe miệng tôi ẩn hiện một nụ cười nhưng rồi mọi thứ như một cuốn phim được gói lại cháy bùng bùng, tôi trở về với thực tại. Xung quanh không có gì, chỉ có một mình tôi, một mình mà thôi, một mình trong căn nhà vắng lặng đến đáng sợ, không một tiếng cười đùa, không một tiếng nói. Tôi cố gắng huyễn hoặc bản thân rằng Bo vẫn ở đây, nó chỉ sang nhà hàng xóm chơi mà thôi, rồi nó sẽ về ngay, lại ríu rít quẩn quanh bên chân tôi khiến tôi phát bận. Thằng bé sẽ dang hai cánh tay bé xíu ra trước mặt tôi và bảo: “Mẹ quay quay Bo đi mẹ!” Tôi sẽ vỗ mấy cái vào mông nó rồi nhấc bổng nó lên cao. Bo sẽ lại cười nắc nẻ.
Tôi bị làm sao thế này, nếu cứ tiếp tục tôi sẽ chẳng nghi ngờ việc mình sẽ mắc bệnh hoang tưởng. Mà hoang tưởng thì đã sao? Hoang tưởng cũng tốt, giống như một kẻ điên, không phải lo lắng gì đến cuộc sống đang diễn ra xung quanh, không phải đau đầu với cơm, áo, gạo, tiền, cứ sống và tưởng tượng theo những gì mình muốn. Người ta chỉ trỏ, **** bới cũng chẳng cần phải bận tâm vì kẻ điên thì đâu cần phải hiểu những thứ vô thường đó, không cần nhìn, không cần nghe, không cần hiểu, không cần lo. Vậy tại sao tôi không thể sống như một người điên? Có thể cười thật lớn khi người ta khóc và có thể ngủ thật ngon khi người ta còn mải tính toán mưu kế để tồn tại trong cuộc sống?
“Cho tôi gặp Bo!” Tôi vẫn kìm lòng không được mà bấm số của Hải, tôi nhớ con quá rồi.
“Cô có nhất thiết phải gọi điện thoại mỗi ngày như thế không? Con trai tôi khỏe, không sứt mẻ chỗ nào, không mất cân thịt nào, được chưa?” Hải trả lời với một giọng hết sức bực bội.
“Tôi muốn nghe giọng nói của thằng bé.”
“Bây giờ tôi không có ở nhà.”
“Anh không có nhà? Bây giờ là mấy giờ mà anh nói là anh không có ở nhà? Anh làm bố cái kiểu gì vậy?” Tôi bực mình quát lên.
“Cô cáu cái gì? Cô là vợ tôi chắc? Hay là mẹ tôi? Tôi làm gì là việc của tôi, nuôi con thế nào cũng là việc của tôi, không mượn cô tham gia. Đừng có làm phiền tôi nữa.”
Và vẫn như mọi lần, Hải tắt máy không thương tiếc. Còn tôi vẫn nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại như hy vọng ánh mắt này có thể thiêu chết được anh ta. Tôi không hiểu anh ta làm bố kiểu gì nữa, anh ta tìm mọi phương cách giành lấy nó để rồi lại tỏ rõ là một người bố vô trách nhiệm. Thúy nói đúng, Hải căn bản chỉ là hiếu thắng, muốn mọi thứ anh ta muốn thuộc về anh ta chứ không phải một sự khao khát được làm bố. Anh ta không xứng, không xứng chút nào. Nghĩ đến đây, một mảng trong tôi lại đau xót, giống như một bức tường mục vữa bị người ta chọc thêm vào mà vẫn phải im lìm chịu đựng. Tôi ôm con gấu bông mà Bo vẫn thường ôm, tắt đèn, nằm lặng lẽ trên giường, hoàn toàn không nghĩ được điều gì. Bóng tối trong căn phòng giống như cõi lòng tôi lúc này, hoàn toàn mù mịt, không định được phương hướng, đến lúc này mà tôi vẫn chưa tìm được ngọn đuốc dẫn dắt của cuộc đời mình. Tôi sẽ mất tất cả chăng?
Sáng ngày hôm sau, trong giờ làm việc thì tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Anh ta nói: “Chào cô, cô có phải là cô Nguyễn Thu Vân không?”
“Vâng, là tôi đây. Xin hỏi anh là ai?”
“Ồ, tôi là Phạm Đức Tiến, luật sư. Tôi được một người giới thiệu để giúp cô giải quyết vụ việc mà cô đang vướng phải. Cô không từ chối chứ?”
Luật sư? Tôi ngây ngẩn mất mấy giây, vội vàng hỏi: “Nhưng ai giới thiệu mới được chứ? Tôi nhớ là tôi đâu có nhờ ai giới thiệu?”
Anh ta hơi cười cười: “À, cái này thì hơi khó nói qua điện thoại, tôi muốn gặp trực tiếp cô để nói chuyện được không?”
Tôi cảm thấy hơi băn khoăn nhưng nghĩ đến Bo và việc tôi đang bị vu oan thì tôi liền đồng ý. Vào thời điểm này, có người giúp đỡ mình quả là không dễ dàng, không thể để lỡ mất, sẽ tìm cơ hội cảm ơn người đó sau.
“Cô ở Nam Định phải không? Nếu cô không tiện hoặc không có thời gian thì tôi sẽ đến chỗ cô, dù sao thì vụ án cũng đang được thụ lí ở đó.” Anh luật sư đề nghị.
“Không cần, tôi có thể lên Hà Nội gặp anh cũng được. Tôi cũng có một số việc cần làm nữa. Ngày mai, trưa ngày mai được chứ ạ?”
“Vậy cũng được, hẹn gặp cô vào trưa mai.”
Trong tôi bỗng bừng sáng lên một niềm hy vọng, vậy là tôi đã có cơ hội, dù gì thì cũng đã có cơ hội rồi. Ngày mai tôi sẽ lên Hà Nội gặp luật sư và tiện thể ghé qua thăm Bo, chắc thằng bé sẽ mừng lắm.
Trưa hôm sau, sau khi xuống khỏi xe khách là tôi đến chỗ hẹn ngay, cũng vừa kịp giờ, may mà xe chạy nhanh. Bước chân vào quán cơm văn phòng, tôi nhìn quanh một lượt, thật sự không xác định được đâu là người mà tôi cần gặp nhưng vừa mới lôi điện thoại ra định bấm số thì đã thấy một người đứng lên vẫy tay: “Cô Vân, ở đây.”
Tôi mỉm cười chạy đến: “Anh là anh Tiến phải không? Sao anh đoán ra là tôi vậy?”
Anh ta cũng cười, nhìn tôi đáp: “Tôi là luật sư mà, đoán thôi. Cô ăn gì, cứ gọi đi.”
Sau khi gọi món xong tôi lại tiếp tục: “Anh trẻ hơn tôi nghĩ đấy.”
Vị luật sư này trông phong độ, trí thức với cặp kính cận, lại còn rất tự nhiên, thân thiện. Anh ta đưa cho tôi một tấm danh thiếp, thì ra anh Tiến làm trong một văn phòng luật sư khá nổi tiếng và uy tín, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng vì có lẽ tiền thù lao cho vị luật sư này không hề nhỏ. Thế nhưng anh Tiến lại tinh tế hơn tôi tưởng, đã nhìn ra sự ái ngại trong đôi mắt tôi. Anh nâng cốc nước uống một ngụm rồi nói: “Đừng vội lo lắng về chuyện phải trả tôi bao nhiêu tiền nếu như tôi giúp cô thắng kiện. Tôi đã nói rồi, tôi được một người giới thiệu đến để giúp cô nên tiền bạc với tôi không phải vấn đề quan trọng, cứ để nói sau.”
“Nhưng ai là người đã có ý tốt giúp tôi như vậy? Tôi đâu có nhờ ai.” Tôi không nén nổi sự tò mò.
Anh Tiến nở một nụ cười như có như không: “Trên đời còn nhiều người tốt lắm cô Vân ạ! Nếu người ta đã cố ý giấu cô thì có nghĩa là không muốn cô phải mang ơn người ta, cô không cần suy nghĩ nhiều.”
“Nhưng ít ra tôi cũng phải biết người đã giúp tôi là ai mới được chứ. Anh có thể nói cho tôi biết được không?”
“Không thể.”
Một cái tên bỗng bật ra khỏi miệng tôi: “Có phải Cường không?”
Anh Tiến nhướng mày nhìn tôi, kiên định lắc đầu. Cũng phải thôi, làm sao có thể là Cường được chứ. Cường ở một tình thế trái ngược tôi, làm sao anh có thể giúp đối thủ được. Anh bây giờ xa lạ với tôi như thế, có lẽ anh rất ghét tôi là đằng khác vì ngày đó không nói một lời mà biến mất. Nhưng vì sao tôi lại cảm thấy thất vọng khi biết người đứng phía sau ngầm giúp đỡ không phải là Cường? Dù đã cố gắng thuyết phục bản thân rằng tôi và anh đã sớm chẳng còn liên quan gì đến nhau nhưng kỷ niệm thì vẫn còn đó, còn tôi thì không muốn quên.
“Cô không sao chứ cô Vân?” Anh Tiến lo lắng hỏi.
“Tôi không sao. Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu?”
Anh Tiến gật đầu: “Vậy bắt đầu từ lúc con trai cô bị bắt cóc đi. Cô có thể thuật lại toàn bộ sự việc đã xảy ra ngày hôm đó cho tôi nghe được không? Từng chi tiết thật cụ thể, dù là chi tiết nhỏ nhất vì có thể chính chi tiết nhỏ ấy sẽ cứu cô đấy. Cứ bình tĩnh nhớ lại.”
Tôi uống một ngụm nước rồi từ từ nhớ lại mọi việc diễn ra chiều ngày hôm đó và kể lại cho anh Tiến nghe. Anh ta chăm chú nghe một cách rất nghiêm túc, không bỏ xót bất kỳ lời nào của tôi, mỗi một chỗ nghi vấn đều hỏi lại rõ ràng hơn để xác minh, đôi khi còn lấy giấy bút ghi chép lại gì đó. Sự cẩn thận này làm tôi hoàn toàn yên tâm hơn ở người luật sư này.
“Vậy cô có biết khoản tiền 300 triệu đó được chuyển vào tài khoản của cô lúc nào không?”
“Trong khoảng thời gian đó tôi rất khủng hoảng nên không có tâm trạng để ý nhiều như vậy. Nhưng ngay khi được biết điều đó thì tôi đã chạy ra ngân hàng hỏi và họ nói rằng số tiền đó được chuyển vào trước hôm Bo bị bắt cóc.” Tôi thành thật trả lời.
“Vậy là mọi việc đã được sắp xếp trước đó. Thế tại sao cô lại nghi ngờ người đứng sau toàn bộ chuyện này là anh Đặng Minh Hải? Cô có thể nói rõ một chút không? Giữa cô và anh ta có mâu thuẫn gì?”
Bị hỏi dồn, tôi bắt đầu bối rối, chỉ trả lời đơn giản: “Vì anh ta là bố đẻ của con trai tôi.”
Anh Tiến tháo kính đặt lên bàn, ngả người ra ghế, khoanh hai tay trước ngực và quan sát tôi. Ánh mắt quan sát như dò xét này tôi đã từng bắt gặp ở Cường, rất đáng sợ, như là đang đọc mọi suy nghĩ trong đầu tôi vậy. Mãi sau, anh Tiến mới hỏi tiếp, một câu hỏi mà tôi không ngờ đến: “Tôi hỏi điều này, có phần hơi tế nhị nhưng mong cô trả lời thành thật. Cậu bé đó có phải là con ruột của cô không?”
Tôi cứng người, đây luôn là câu hỏi mà tôi không muốn nghe nhất, cũng không hề thích bị hỏi. Tôi luống cuống không muốn trả lời.
“Điều này không phải là không quan trọng, có thể dựa vào đó để tìm ra sơ hở nào đó nên tôi khuyên cô không nên giấu, nhất là với tôi.” Anh Tiến nhấn mạnh.
Tôi cắn môi, thừa nhận: “Đúng là thằng bé không phải con ruột của tôi. Nó là con nuôi, tôi nhận nuôi sau khi bạn tôi mất.”
Anh Tiến thoáng ngỡ ngàng, gật đầu ra chiều đã hiểu: “Ra là thế, bạn cô mới là người có quan hệ thật sự với Hải chứ không phải cô. Cho nên cô mới nghi ngờ rằng anh ta vì muốn giành lại con nên mới bày ra chiêu này?”
“Đúng thế!”
“Vậy lúc sinh cháu, anh ta không biết sao?”
“Biết, tất nhiên là anh ta biết, nhưng anh ta không thừa nhận đứa bé là con anh ta, ruồng bỏ bạn tôi để lấy một người khác. Bây giờ chính vợ anh ta cũng bị vô sinh nên anh tay quay sang đòi con của tôi.”
Anh Tiến im lặng, mắt nhìn xa xăm như là đang suy nghĩ về một vấn đề quan trọng nào đó. Không hiểu anh đang nghĩ gì mà gương mặt rất đăm chiêu, chuyện này có liên quan chặt chẽ đến việc tôi bị vu oan sao? Là con đẻ hay con nuôi thì mọi chuyện cũng đâu có thay đổi gì.
“Anh đang nghĩ gì vậy?” Tôi lên tiếng nhắc nhở.
Anh quay lại, gương mặt không biểu lộ điều gì: “À, không có gì. Tức là việc cô nhận cậu bé đó làm con nuôi nằm trong bí mật? Gia đình cô có biết không?”
“Gần đây mọi chuyện mới vỡ lở nên gia đình tôi mới biết. Xin lỗi anh, nhưng chuyện đó thì có liên quan gì đến vụ án?”
“Không hẳn liên quan.” Anh Tiến cười xòa: “Nhưng có thể nó là một cơ sở chăng? Xin lỗi vì đã hỏi quá sâu vào đời tư của cô.”
“Không sao mà.”
“Được, quay lại vụ bắt cóc. Nếu theo như lời cô nói thì đây hoàn toàn là một vụ bắt cóc có âm mưu và được dàn dựng từ trước. Vấn đề đáng nói ở đây là vì sao ba tên bắt cóc kia thà đi tù chứ không chịu khai ra kẻ chủ mưu, chắc cô đã nghĩ đến chứ?” Anh đặt hai tay lên bàn, thực nghiêm túc nhìn vào mắt tôi.
“Phải, đúng là tôi đã nghĩ tới và tôi chắc chắn rằng chúng đã bị mua chuộc bằng một hình thức nào đó.”
Anh Tiến gật đầu: “Chắc chắn là bị mua chuộc nhưng tôi đoán nó không đơn giản chỉ là tiền. Những kẻ đó chẳng đời nào ngồi tù thay người khác vì mấy đồng bạc đâu, phải có một sự ràng buộc khác. Cô không cần lo, cứ giao hết mọi chuyện cho tôi, dù thế nào đi nữa tôi cũng sẽ giúp cô thắng vụ này, nếu không tôi thề sẽ bỏ nghề luôn. Cô tin tôi chứ?”
Thấy nụ cười cùng ánh mắt tự tin của anh Tiến, tim tôi chợt nhói lên một chút vì nhớ đến một người cũng có ánh mắt kiêu hãnh đầy tự tin như vậy. Bất giác, miệng tôi thốt ra một câu hỏi vu vơ: “Luật sư nào cũng sẽ có một ánh mắt như vậy sao?”
Có lẽ câu hỏi của tôi khá khó hiểu nên anh Tiến hơi đờ ra. Nhận ra sự lố bịch của mình, tôi cúi đầu cười: “Đừng để ý, là tôi nói linh tinh thôi. Tất nhiên là tôi tin tưởng anh rồi. Nói thật là ngoài anh ra, bây giờ tôi cũng chẳng biết phải bám víu vào đâu.”
“Tôi là cái phao của cô lúc này phải không. Cô nói thế làm tôi thấy thật sự tự hào đấy.” Anh Tiến tỏ vẻ hài hước nói.
“Mong anh gửi lời cảm ơn đến người đã giới thiệu anh cho tôi. Mặc dù không biết người đó là ai nhưng sẽ có một ngày tôi báo đáp.”
Lúc đó, anh Tiến không nói gì, chỉ lặng lẽ bảo tôi ăn bữa trưa đang bày trên bàn. Mãi cho đến khi ra về, anh mới nhẹ nhàng nói: “Người âm thầm giúp cô chẳng muốn cô phải suy nghĩ quá nhiều đâu nên thay vì suy nghĩ người đó là ai thì hãy giữ sức mà chờ ngày con trai cô trở về.”
Nói xong, anh chào tôi và đứng lên chủ động thanh toán tiền rồi đi trước. Tôi ngồi bần thần trước bàn ăn một hồi rồi cũng đứng lên.
Người Mẹ Trinh Trắng Người Mẹ Trinh Trắng - Poulp