Số lần đọc/download: 1823 / 55
Cập nhật: 2016-06-03 15:59:33 +0700
Chương 1: Kết Thúc Với Tháng Tư
S
ự Chết hiện thực sắc nét, có hình khối, với âm động, mùi vị riêng biệt của Saigon. Với Saigon. Cảnh Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37... do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi nhanh xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Ðạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Saigon đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hỏa ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn Việt gian CS từ Ðồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Ðịnh bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác bay đến các mục tiêu đã được phái đoàn CS trong Ban Liên Hợp Quân Sự điều nghiên kỹ từ 28 tháng 1, 1973. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn. Cuộc hành hình kéo dài từ 4 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO (Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ), ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.
Ðống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc “Năm Trăm Trần Hưng Ðạo” của Ngân Hàng Quốc Gia VN; giấy bạc Ðô-la của ngân khố Mỹ. tất cả cùng trộn lẫn với thịt da, thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung tóe dưới ánh lửa bập bùng loang lổ của kho xăng, đài kiểm báo, trại gia binh, nơi để máy bay, hiện thực đầy đủ cảnh địa ngục vô vàn nơi trần thế - giữa Tân Sơn Nhất - Cửa ngỏ thoát hiểm của Saigon hoàn tất đóng chặt.
Những viên tướng đã ra đi, những sĩ quan cấp tá cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Nguyễn Văn Thành còn lại. Thành (có biệt hiệu “Thành Mọi” bởi nước da ngâm đen quá độ) ra chỗ đậu tàu, anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, thấy rõ những vị trí pháo của binh đội CS.. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Phải chỉ một mình anh - Trung úy Nguyễn Văn Thành, “Thành Mọi - Thành Thiếu Sinh Quân”. Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh..
Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian.
Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Ðám đông chạy về phía Building Brink, khu Ðồn Ðất, nhà thương Grall, nơi có cơ sở Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ..Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính, không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình.Ở đâu? Ở ngoài, chỗ tượng Thủy quân lục chiến..
Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng quí giá, thức ăn đắt tiền. Anh cũng nhập vào đám đông xô đẩy đó trong giờ phút vỡ toang mối nối thời - không với những động tác, việc làm bất định, bất ngờ, vô nghĩa, vô ích. Anh kiểm soát lại số phim đang còn trong máy, trong túi, đi băng qua lối ngang trong thương xá, ra ngõ quán Thanh Vị, quẹo phải, men theo hàng hiên tiệm kem Ðô Chính. Súng nổ.. Súng Aka và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Ðô Chính. Anh tiếp tục làm “nhiệm vụ”, đưa máy hình lên.. Ðộng tác quen thuộc, thuần thục từ bao năm, anh và các bạn, những phóng viên chiến trường của báo chí miền Nam hằng thực hiện nơi những chốn sự chết, lửa đạn vây bủa. Ðồng một lúc anh chợt nhói đau - Ðây là lần cuối cùngÐây là giờ cuối cùng. Hình như một nhân vật trong Doctor Zhivago cũng đã kêu lên như thế. Anh chỉ nhớ loáng thoáng bởi đang có cảm giác người cạn ly rượu hành quyết trước khi bị bịt mắt, dẫn đi bắn. Anh chạy theo đám lính CS với hai thanh niên cầm cờ đỏ. Thật ra chỉ là một mẫu vải màu đỏ. Loại hàng may áo dài.
Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Anh cúi gập người, nôn khan. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Ðộc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long.
Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác bàn chân quay vòng không chủ đích. Xe đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Ðũi, nơi các bạn anh hôm qua (nay đã trở thành xưa cũ) hằng vui vầy, sống động.. Ðịnh rẽ vào Yên Ðỗ về Phú Nhuận, nhưng không hiểu từ đâu thúc giục, anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa dòng âm động dồn dập như Saigon đang hồi tẩm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài của những người vừa chết.
Giã từ Trần Công Hạnh, Tiểu Ðoàn 2 trước trại Nguyễn Trung Hiếu với cảm giác đây là lần cuối với bạn, kèm mặc cảm có lỗi khi hỏi Hạnh có ý định buông súng bỏ đi hay không. Hạnh trả lời mệt nhọc nhưng kiên chắc: Anh hỏi tôi còn có thể đi đâu khi nguyên cả tiểu đoàn theo lệnh tôi đang tiếp tục chiến đấu! Anh vào cư xá Chí Hòa, chứng kiến lúc Chuẩn Tướng Hậu vất tung tấm bản đồ phòng thủ căn cứ với lời gầm phẫn uất: Ðồ chó đẻ!! khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.
Viên thiếu úy quen mặt nói với anh lời quyết liệt: “Em không đầu hàng, em với trung đội sẽ ra bến tàu, tiếp tục chiến đấu.” Thái, Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Ðường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Ðằng, tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! Con chết đây cha ơi! Vànhững trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.
Sau nầy, anh biết thêm, trên đường anh đi qua trưa 30 tháng Tư, 1975 - Ðường Bắc Hải, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Ðặng Sĩ Vĩnh (em của Bà Hà Thượng Nhân, Trung Tá Phạm Xuân Ninh, niên trưởng của giới báo chí quân đội Miền Nam) Khóa 1 Nam Ðịnh là sĩ quan của ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường dây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Ðặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Hai người cùng trao đổi đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng: “Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước” Trung Úy Vinh trả lời: ”Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng.”
Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẩn bị từ trước. Trung Úy Ðặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Ðại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!