There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Lân
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Mều Nhây
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2980 / 63
Cập nhật: 2016-12-18 07:46:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
àng tôi, năm ấy vào đám không có tuồng. Không ngờ lại có cái may cho ông Trạch. "Làng đất tuồng không nhẽ đình đám bỏ tẻ ngắt". Các cụ trong dân họp nhau lại lập một ban tuồng, đón ông Trạch dạy đàn em. Từ ngày ông lên chức "trùm", ông có vẻ sung túc hẳn lên. Các cụ tai mặt, trong "hàng hội" ra vào luôn. Ông trùm rước bàn tĩnh ra nhà ngoài tiếp khách. Ban thờ tổ được ông chăm chút cẩn thận. Lúc nào cũng có mía hoặc kẹo trên đĩa cúng bên bát bình hương nghi ngút khói. Công việc xem ra thập phần hoàn hảo. Chỉ còn cổ động anh em trong làng tập nữa là xong. Việc này chừng khó khăn, ông trùm (mọi người đều gọi ông Trạch là trùm) thường tỏ vẻ lo âu. Ông hỏi tôi:
- Bác liệu xem có đông anh em tập không nào?
Tôi trả lời lấy lòng:
- Thế nào chẳng khá.
Im lặng suy nghĩ một lát, ông bàn tính:
- Hay là thế này! Bác giờ cũng rỗi rãi, ta tập chơi. Nhân thể rủ anh em cùng tập cho vui.
Tôi chẳng thích gì hát tuồng. Và biết các bạn mình cũng chẳng ai ưa. Nhưng không muốn làm cho ông thất vọng, tôi trả lời nước đôi!
- Vâng! Để rồi cháu hỏi chúng nó xem đã.
Ông khẩn khoản dặn đi dặn lại:
- Bác cố giúp hộ nhé?
Về sau hễ thấy tôi sang là ông đon đả mời mọc như khách quý. Mà lần nào cũng vậy, chỉ dăm ba câu chuyện "tào lao"! Ông hỏi ngay:
- Thế nào! Bác đã rủ đông anh em chưa?
Các bạn trong làng chẳng ai tập cả. Họ đều lắc đầu: "Tập tuồng! Cổ lắm! Không hợp thời nữa". Nhưng tôi cũng trả lời để ông vui lòng:
- Cũng khá?
Ông trùm sung sướng lộ ra mặt. Ông ân cần mời tôi ăn một chiếc kẹo lạc. Ông dùng để "hãm" môi khi hút được vài điếu. Gọi nhã nhặn là thừa huệ tô. Ông nói liên miên, toàn chuyện tuồng cả.
Cặp môi thâm hoạt động lên:
- Nội vùng này tôi "cụp" vai Lưu Toàn Định trong vở Thất hiền quyền đấy bác ạ.
Ông ngừng lại rít một hơi thuốc lào. Tiếng lách tách reo ròn như vui sướng. Khói đặc ở mũi, ở mồm, cuồn cuộn bay ra, càng bốc lên cao càng mạnh và mờ nhạt. Ông thở mạnh một cách khoan khoái lên giọng thầy:
- Hát tuồng tiếng vậy mà khó đấy bác ạ. Có tập mới biết. Phải đủ, ái, ố, hỷ, nộ, ai, lạc mới thành một người kép hay.
- Khó thế, chúng tôi tập sao được?
- Ô! sao không tập được? Tôi mà bảo cho đến đầu đến đũa thì mấy chốc mà khá. (ông nịnh khéo) Không?... Bác tinh nhanh thế, tôi biết bác tập được mà!
- Cháu chỉ sợ lúc ra hát ngượng chết.
- Việc gì mà ngượng? Mình có hát nhà nghề đâu mà sợ. Đằng này mình chơi tài tử "a-ma-tơ" kia mà! Khi nào đình đám mới ra hát chơi mấy tối.
Ông hóm hỉnh liếc tôi:
- Cứ gọi là vô số gái cảm.
Đoạn ông cất tiếng cười kha khả.
Cách mấy hôm sau, đến ngày "thử hơi". Hôm ấy ông trùm bận rộn suốt ngày. Phải mượn thêm một người làm đe sai bảo. Ông cho gọi tôi sang chơi. Hỏi những câu vẫn thường hỏi:
- Thế nào! Đã khá chưa? Thôi trăm sự nhờ bác cả.
Tôi trả lời cứng rắn:
- Được, cụ cứ tin ở tôi. Nhiều anh em tập mà.
Đâm lao phải theo lao, đến giờ tôi vẫn phải nói dối. Ông trùm giục rối rít:
- Thôi thế bác đi ngay hộ, bảo anh em đúng sáu giờ tối đến làm lễ tổ rồi ta "thử hơi".
Tôi ra đến cửa, ông còn dặn với:
- Bác đi ngay hộ nhé... A, bác hãy lại xơi điếu thuốc lá đã.
Tôi cắm cổ đi, làm như không nghe tiếng.
Về nhà, tôi dặn mẹ tôi hễ có ai hỏi thì nói dối đi vắng. Hai ba lần ông trùm cho người nhà đến gọi, đều về không.
Chập tối tôi rủ mấy bạn nữa đi xem tập tuồng. Nhà Dụ mọi hôm đối với tôi lặng lẽ thân mật, tối ấy bỗng trở nên ồn ào, xa lạ, bóng người đứng xem lố nhố ngoài hiên, đen thẫm in cả lên bóng đèn "măng-sông" sáng lóa. Bên trong, trên hai dãy phản, các cụ "hàng hội" ngồi uống nước hút thuốc, nom rõ mồn một. Những bộ mặt hoan hỷ cười nói oang oang. Ông trùm ăn mặc chỉnh tề, lăng xăng chạy chỗ này chỗ khác. Trên mặt lộ vẻ lo âu. Chốc lại giục anh người làm:
- Anh sang gọi hộ lần nữa xem sao?
- Cháu đã hỏi mấy lần rồi, bà cụ đều bảo bác ấy đi vắng.
Ông trùm cau có gắt quẩn:
- Cái nhà bác Triệu thế thì còn ra cái gì nữa.
Một anh bạn lấy khuỷu tay huých tôi:
- Kìa lão trùm Trạch hỏi gì anh?
Tôi vội vàng bảo nhỏ hắn:
- Đừng nói to! Mặc ông ấy.
Bỗng cụ chánh hội - người đứng lập ra phường -đứng lên hướng ra ngoài, cất tiếng sang sảng:
- Làng ta là đất tuồng. Thế mà hội hè để tẻ ngắt. Sợ rằng hàng xứ người ta chê bai, nên các cụ bỏ tiền ra nuôi thầy dạy. Vậy anh em ai muốn tập cứ vào thử hơi.
Mọi người im lặng. Ông trùm nói thêm:
- Anh em cứ việc tập, không sợ phí tổn gì cả. Tiền nong đã có hàng hội bỏ ra.
Chùng chình một lát mới có năm, sáu người lớn và vài ba đứa trẻ độ mười bốn mười lăm ăn mặc lam lũ xin vào tập. Họ toàn là những người ngụ cư cả. Các cụ ồn ào bàn tán. Cụ thì bảo: Cứ cho tập, sau sẽ liệu. Cụ thì nhất định không bằng lòng cho dân "ngụ cư". Hai tiếng ngụ cư các cụ nói bằng giọng vô cùng khinh bỉ. Ông trùm chán cảnh, rũ rượi ngồi một xó, hai mắt lờ đờ như tưởng lại những ngày túng thiếu. Rút lại phe các cụ không cho tập cứng lý hơn. Những người "ngụ cư" kia phải đuổi ra ngoài. Ông trùm đứng dậy cố vớt vát:
- Anh em trong làng vào tập đi chứ? Mấy khi đã có dịp may này.
Một anh trong bọn tôi lém lỉnh:
- Thưa cụ có đào không ạ?
- Có, hai cô kia.
Vừa nói, ông vừa vui vẻ chỉ hai cô con gái ngồi e lệ sau bóng tối cột nhà. Từ nãy vẫn không ai để ý. Nhìn kỹ thì té ra: một cô con ông Sáu Suyễn thịt lợn; và một cô con ông Quyền Run bán rau, ngày thường vẫn gánh hàng đi chợ, gầy gò và lem luốc. Tối ấy hai cô cũng đỏm dáng hơn ngày thường chút ít.
Chờ đã lâu, không thấy có ai, ông trùm xoay ra nói khích:
- Làng ta không ai dám tập à?
Vẫn anh bạn lúc nãy nói xen:
- Có! Có anh Triệu.
Ông trùm hấp tấp chạy lại phía chúng tôi, vồ vập hỏi:
- Đâu? Đâu? Bác Triệu đâu?
Tôi hốt hoảng bứt tay bạn, chạy vụt ra ngoài ngõ, lẩn vào trong bóng tối. Ông trùm đuổi theo tôi không kịp, đứng lại nguyền rủa:
- Thế có phải đồ chúng nó nhãi ranh không cơ chứ?
Tôi nghe rõ mồn một, vừa hối hận vừa thương ông và cái nghề của ông nữa.
Người Kép Già Người Kép Già - Kim Lân Người Kép Già