Thất bại thực sự duy nhất chính là không dám khởi sự.

Harold Blake Walker

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9, Óc Bặt Thiệp
« Người ta không thể hoàn toàn con người nếu không có óc xã hội. » H. PRADEL
Nền tảng của đức lịch sự là đức bác ái. Quê kệch và môi mép là quân thù của bặt thiệp, nhờ bặt thiệp nhân-vị-tính được đề cao và xã-hội-tính được phát triển. WATERSTONE
1. Không thể tưởng tượng một người bản lĩnh mà quê kệch trong cuộc xã giao. Người bản lĩnh, như trong mấy chương trước ta biết là người rất tôn trọng nhân-vị-tính của mình cũng như của người, là người lúc nào cũng lo phát huy xã-hội-tính của mình và đoàn thể để thành công.
Theo định nghĩa triết lý của Aristote, con người ai cũng biết, là con vật có lý trí. Có thể nói đơn sơ hơn, con người gồm phần xác và phần hồn. Hai yếu tố nầy cấu thành một thực tế mà người thời đại ta nói như cơm bữa là « nhân vị ». Xét về mặt đối nội và đối ngoại của nhân vị, ta thấy mỗi nhân vị có hai phần: nhân-vị-tính và xã-hội-tính. Nhận vị tính là tính cách của một cá nhân hiện hữu trong xã hội, độc lập, duy nhứt, chuyên biệt. Còn xã hội tính là tính cách hướng xã của từng cá nhân trong cuộc giao tế xã hội. Người ta có thể hiểu xã hội tính theo một nghĩa rộng là tính cách chuyên biệt của hợp đoàn cá nhân gồm những nhân vị để tạo thành một pháp nhân. Khi tôi ở trong rừng sâu, tôi vẫn là nhân vị, tôi có nhân vị tính, tôi cũng có xã hội tính hiểu theo nghĩa hẹp là tự nhiên tôi muốn sống với kẻ khác và vì nhu cầu vật chất hay tinh thần tôi cảm thấy cần sống với xã hội. Đó là tôi có óc hưỡng xã. Tôi và bạn cùng một số người nào đó, hội họp lại để làm một khối người, khối người ấy tuy gồm những nhân vị của chúng ta, nhưng với tư cách pháp nhân có những đặc tính đặc biệt của nó mà có thể nhân vị không có khi ở cô lập. Về phương diện tâm lý chẳng hạn, theo Gustave Le Bon, cá nhân hợp thành đoàn thể có những lối tư tưởng, ăn nói, hành động phát xuất do cái « hồn của đoàn thể » do sự sống chung. Những nhận xét trên giúp ta am hiểu chân lý nầy là mỗi cá nhân của chúng ta là một thực hiện tình yêu của Thượng đế quan phòng trong chương trình tình yêu vô bờ bến của Người. Chúa Giêsu là Thượng Đế giáng trần đã thần hóa nhơn loại, đã kết hợp những cá nhân lại thành một thân thể mầu nhiệm mà người là đầu và tất cả chúng ta là chi thể. Cái mà người ta gọi là nhơn loại, đại đồng, bốn bể là anh em là cái mà Thượng đế đã đặt định trong chương trình đời đời của Người và Đức Giêsu lúc nhập thể thể hiện cùng phổ biến.
Sở dĩ tôi thảo luận cùng bạn những vấn đề có tánh chất triết lý trên là để dọn đường cho câu chuyện dưới đây của chúng ta.
Bặt thiệp mà tôi đề cập cùng bạn, xin bạn đừng hiểu cho như phép lịch sự mà người ta hay quen quan niệm là phương thế lấy lòng người để thành công, thành công hiểu theo nghĩa làm giàu hay được một lợi nào đó.
Bặt thiệp cũng phải chỉ là một mớ công thức xã giao mà người ta dùng trong thời văn minh, ở những chỗ văn minh giữa những người văn minh để tỏ ra mình có học thức, giàu có, vinh sang, không thua người.
Bặt thiệp cũng không phải là những cung cách xã giao mà người nầy trả cho người kia như một thứ nợ sau khi được người ta tiếp đãi tử tế.
Bặt thiệp cũng không phải là lối sống chỉ dành riêng cho chỗ đông người, chỗ có kẻ lạ; cũng không là một thứ xa xỉ phẩm của kẻ ăn không ngồi rồi, của các bà sang trọng, các cô của xã hội thượng lưu.
Thưa bạn, phải hiểu bặt thiệp trước hết là một tinh thần hướng xã và hợp xã căn cứ trên lòng quý mến nhân vị của tha nhân và nhứt là quí mến Thượng đế nhập thể trong tha nhân. Trong cuốn L'Eveil du Sens social, Henri Pradel có dẫn hai định nghĩa nầy của Georges Guyau và của Jaonen về óc hướng xã. Theo Guyau óc hướng xã là ý thức rõ rệt, dẻo dai, lắm lúc bắt buộc và trịnh trọng của sợi dây nối kết con người và xã hội Ki-tô và những bổn phận mà sợi dây ấy đòi buộc. Còn Jaonen nói óc hướng xã là xu hướng nhận thức và thực hiện nhanh chóng như do bản năng trong một cảnh hướng cụ thể đều phục vụ công ích cách thiết thực. Hai định nghĩa nầy rất chí lý. Ngay trong bản chất con người như tôi đã nói, có vừa nhân vị tính vừa xã hội tính. Người là con vật xã hội. Người dù muốn dù không tự nhiên có xu hướng về cuộc sống quần đoàn. Bạn ở mãi trong phòng kín một mình, không chịu được phải tìm kẻ xung quanh để giao thiệp. Tôi vẫn không thích và không thể ở trong một căn phòng cách cô độc năm nầy qua năm kia dù căn phòng ấy sơn son thếp vàng, có cao lương mỹ vị. Con người tự nhiên « thèm » tha nhân, thấy cần tha nhân. Hơn nữa khi ai cũng cảm thấy cần kẻ khác và nhứt là nhận thấy trong kẻ khác có một thực thể siêu hình là nhơn loại, nhận thấy toàn thể nhân loại có đời sống cộng đồng trong tinh thần nhiệm thể, nên óc hướng xã có nghĩa là óc phục vụ, hi sinh. Cái tinh thần co rút cá nhân trong tháp ngà, thờ lạy nhân vị của mình, cái tinh thần bài ngoại cách quá khích, chỉ tôn trọng có dân tộc mình là tinh thần phản nhân bản, ích kỷ. Đã làm gương cho nhân loại, tinh thần bốn biển chung chợ, Ki-tô-giáo đã văn minh hóa mọi rợ, giải phóng người nô lệ, gội rửa các chế độ quân chủ và điều chế chế độ dân chủ. Cũng căn cứ vào tinh thần nầy mà một phần tử trong cộng đồng nhơn loại chịu ảnh hưởng Ki-tô giáo không ghét cá nhân của một người thù nào dù người ấy có làm hại cho công giáo, tam điểm mà chỉ bài xích là thuyết xấu từ bản chất thôi. Tôi có nghe một người đệ tam cao cấp nói với tôi: « Phải đã kích từng cá nhân bọn thực dân, kêu chúng bằng thằng. » Tôi phục lòng ái quốc cùng chí tranh đấu của ông ấy nhưng tôi cho ông kém óc hướng xã và không ý thức cộng đồng nhơn loại. Người bản lĩnh khi họ bặt thiệp lo nghĩ rằng các cá nhân trong nhơn loại vì có chung một nhiệm thể nên chia sớt đời sống với nhau. Một chi thể nào bệnh là toàn nhiệm thể cảm đau. Làm ích cho một phần tử là toàn thân sung sướng. Ý thức được tinh thần đó nên André Gide mới buông ra những lời đầy ý nghĩa nầy: « A! giá mà hết mọi người công giáo trở thành những Ky-tô-nhân thì bây giờ mọi vấn đề đều được giải quyết ». Phải đó, một số công giáo dân và đại đa số người ngoài công giáo chỉ lo cuộc sống ích kỷ của cá nhân, gia đình, dân tộc, nên thế giới phải lăm le bên lò thuốc súng mà không biết viễn tượng ngày mai sẽ ra thế nào.
2. Ở trên có chỗ tôi nói về óc hợp xã, vậy óc nầy khác với óc hướng xã thế nào? Óc hợp xã là tinh thần của người ý thức được óc hướng xã và nỗ lực chịu giáo dục về tâm tánh để sống ăn khớp với xã hội. Vậy khi bàn về đức bặt thiệp tôi muốn bạn nhấn mạnh tinh thần hợp xã. Người thì ai cũng có mầm hướng xã nhưng không phải mọi người đều hợp xã đâu.
Có lẽ bạn nhận thấy một số người điển hình nầy trong cuộc sống hằng ngày.
a) Người tốt bụng, không bao giờ có ác tâm chỉ trích, thù hại ai, ưa khách nhưng mỗi lần tiếp khách tỏ ra quê kệch. Gương mặt buồn, tay bắt lạt lẽo sao đó, nên bị khách hiểu lầm là thiếu lịch sự. Kể ra thì hạng người nầy có căn bản bác ai làm hồn cho phép lịch sự. Song tại thiếu xã dục nên họ không biết đủ những cung cách làm đẹp lòng khách.
b) Có người rất tuân thủ đức kiêm ái, kính trên nhường dưới. Mà bất kỳ gặp ai cứ lạnh lạt, điềm tĩnh. Mời ai ăn không nhiều lời. Biết lo phục vụ khách mà không hay nói cười. Thứ người nầy ai biết tánh thì mến sâu. Nhưng bởi óc xét nhận con người hay vụt chạc nên buổi sơ giao họ hay bị hiểu lầm là khinh người, hoặc quạu quọ v.v...
c) Có hạng người tự bản chất giả dối, trong bụng không muốn ai ăn uống gì hao tốn của mình, khinh người nữa, nhưng bên ngoài, ối thôi, môi mép và môi mép. Họ chào. Họ cười. Họ lăn xăn bắt tay. Họ siết tay. Họ nhìn âu yếm. Họ niểng đầu, họ nhăn mặt sao đó, tỏ ra cảm thông. Họ hỏi thăm lung tung. Họ mời mọc lăng nhăng. Nhưng lòng họ là cáo già. Cách chung họ chỉ bịp được những tâm hồn nông cạn. Còn những con người từng trải gớm lối xã giao của họ như cùi.
Đức hợp quần rất cần thiết cho con người thể hiện óc hướng xã để vừa tỏ tinh thần bác ái với tha nhân vừa mưu cho mình những thành công lương thiện. Muốn có đức nầy nhứt định phải được giáo luyện. Trong nhiều tác phẩm trước nhứt là trong « Rèn nhân cách », tôi đã than phiền về lối giáo dục không chuẩn bị con người ra xã hội. Ở đây vì sự quan trọng của vấn đề, tôi nói thêm vài ý căn bản. Trong cuộc sống xã hội người ta có thể tha thứ sự dốt nát. Vả lại có khi người ta không bàn đến hay thương xót người kém văn hóa. Nhưng nhứt định mất dạy, thô lỗ thì không ai chịu được. Tuổi xuân nào sớm muộn rồi cũng ra cuộc đời, ở đó có trăm nghìn lối sống, gặp trăm ngàn thứ tâm hồn tế nhị khác nhau. Vậy mà tuổi xuân không được đầy đủ uốn nắn về xã dục. Tôi nói không được đầy đủ để nói rằng trong gia đình, ở học đường người ta cũng có dạy, nhưng hình như, nhứt là ở thời đại nầy, người ta lo đẩy mạnh nền giáo dục chủ tri, quảng cáo sự chụp giựt cấp bằng nên sự giáo luyện về tâm đức làm cho lấy có. Đầu năm 1960 tôi đọc vài tờ nhựt báo và báo chí, thấy ở Việt nam có sự than tiếc về « phong trào » thiếu niên phạm pháp. Mà ở Mỹ, ở Pháp và nhiều nước khác cũng vậy. Không lạ gì đâu: ai gieo gió thì gặp bão. Trong « Người Chí Khí » tôi nói con nít mới lớn lên là một tên mọi rợ, trong nó tàng trữ cái mầm giống của con người hạ. Nhà giáo dục là cha mẹ và thầy giáo có nhiệm vụ vừa tiêu cực giúp chúng chế ngự con người hạ đó, vừa tích cực đào luyện cho chúng những đức tánh nên người. Nhà giáo dục non tay ấn, tuổi trẻ không để ý gì sự tự luyện thì con người hạ của thiếu niên chỉ còn bị rào bởi cái lưới lễ giáo, dư luận. Chừng nào có cơ hội thì chúng xé lưới nầy mà làm xằng. Chúng chọc gái. Chúng ăn mặc kiểu kép hát. Chúng đánh lộn. Chúng ăn cắp. Chúng du hí. Chúng trốn học. Một phần, tại không ai giúp chúng chế ngự con người hạ đầy chất man rợ, con đẻ của nguyên tội, một phần, tại người lớn trong gia đình và xã hội « dạy » chúng. Tôi bàn rộng vấn đề nầy trong « Con đường giáo dục mới ». Ở đây xin mời bạn nghĩ một điểm nầy. Ngày nay người lớn chúng ta than phiền thiếu niên chọc gái, nghĩa là chúng ta muốn nói tình yêu sao sớm quá và dậy cách sai quấy trong chúng. Mà một phần tại chúng ta. Trong gia đình nhứt là ở thành phố ngày nay cha mẹ lấy làm văn minh ở chỗ tỏ lòng âu yếm với nhau công khai, đùa giỡn nhau trước mặt con cái. Ông cha ăn mặc trống trải để đi tắm. Bà mẹ theo thời trang ăn mặc lõa lồ. Khách người lớn đến nhà ăn mặc như thiếu vải, tán đủ thứ chuyện tình. Radio cơ hồ như ngày đêm rót vào tai con nít những chuyện tình cải lương, hát bội. Tôi biết kết cùng chuyện tình là đạo đức. Nhưng phải lớn tuổi mới thấy được kết cùng ấy. Mà sợ lớn có khi không thấy được nữa. Thiếu niên nhứt, là con nít chưa sạch máu đầu, lòng trắng như tờ giấy mới, có biết gì bề trái của xã hội, có hiểu gì sự éo le của tình duyên để học khôn. Chúng xin ăn, khi sắp ngủ, khi ngồi học khi chơi khi mơ mộng đều thường nghe những nhân vật xấu trong tuồng kịch la ó cách thô bỉ những tiếng ân ái, chọc ghẹo, lừa bịp, năn nỉ v.v... Con người hạ của chúng như bông gòn và sự lớn lên của chúng như dầu săng, còn các gương xấu ấy như lửa. Nên chúng thiên về đường xác thịt bậy và sớm chẳng lạ gì. Nói không phải tôi chủ trương đả đảo tuồng kịch có đề tài tình. Không. Người ta có thể sửa xã hội bằng cách ngạo cười bề trái của xã hội. Người xưa chẳng đã nói: « Người ta sửa phong tục bằng cười cợt: castigat ridendo mores. » Nhưng cha mẹ phải khôn ngoan giúp con cái mình khỏi sớm nhiễm những gì có thể làm cho lòng thú của chúng chồm dậy. Tôi chỉ mới nói ảnh hưởng của Radiô, còn nào điện ảnh, tiểu thuyết khiêu dâm, báo chí bươi móc đời tư tồi bại của thiên hạ v.v... Óc hướng xã của con người ngay khi còn măng trẻ mới mọc lên đã bị theo đường tà. Cách chung chúng ta thấy tinh thần hợp quần ít được giáo luyện đúng đắn. Chúng ta phải tự luyện bằng những kinh nghiệm nhiều khi rất đau xót. Có người gần suốt đời người vẫn thấy xã giao lúng túng. Một phần tại không thói quen bặt thiệp mà nhứt là tại lúc thanh niên lòng ích kỷ không được trấn áp. Ai trong chúng ta mà không tự nhiên ích kỷ. Ngay từ lúc nhỏ đứa bé đã biết la khóc để đòi bú, vài tháng là biết đòi vật nầy vật nọ, trọng trọng là giành đồ chơi với đứa bên cạnh, có khi ôm cả đống đồ chơi nào banh, ngựa cây, súng giả, hòn bi mà còn tóm luôn búp bê, gà, ngỗng bằng cao su. « Cái tánh » tham nếu không trừ được thành « tật » tham. Mà đã là tham thì còn nói gì hi sinh lúc xã giao với người xung quanh.
Trong khi xã giao, người có óc hợp quần hiểu theo nghĩa đúng đắn, không phân biệt cá nhân của kẻ mình giao tiếp. Vẫn tôn trọng chức vị, nhưng trong thâm tâm phải chủ trương rằng tất cả mọi người đều đồng đẳng và bình đẳng trước mặt Thượng đế. Gặp ai ta vui vẻ chào hỏi, dù buồn khổ trong lòng đến đâu ta vẫn bắt tay hay cúi đầu niềm nở không phải tại vì người đó có chức vị cao, có lắm tiền, có duyên dáng, nhan sắc mà chỉ tại họ là một nhân vị ta phải quí trọng, họ là một phần tử trong đại gia đình nhơn loại ta phải coi như huynh đệ. Hiểu lịch sự như vậy không thể nào ta xã giao mà khinh người, mà môi mép bên ngoài để lường gạt, vụ lợi. Tôi sẽ bàn cùng bạn riêng những cách thi hành đức hợp quần trong cuốn « Đức bặt thiệp ».
3. Dưới đây tôi đề cập những bí quyết đức ấy.
a) Cha mẹ hãy lưu ý tạo ngay trong nội gia đình bầu khí tận tình yêu mến nhau. Tình gia đình ấy không phải căn cứ ở môi mép mà được diễn lộ trong những việc làm hi sinh. Tôi mượn lời nầy của Chesterton để gởi bạn: « Chính gia đình là cái lò đào luyện cho ta trước hết tinh thần thích nghi với cuộc sống ngoài xã hội. » Cha mẹ nên tránh những cuộc cãi vả, những cử chỉ dằn dao, dằn thớt. Các cuộc đấm cú, dĩ nhiên là không nên bao giờ để xảy ra. Con nít ở bên cha mẹ như giấy chậm gần nước. Hễ cha mẹ bặt thiệp, biết xử với nhau và với chúng cách lịch sự thì chúng sẽ nên người dễ gieo thiện cảm sau nầy trong xã hội. Tôi vẫn biết có những trường hợp cây lành sanh trái dữ. Nhưng thường ơn là con dữ tại cha mẹ không hiền.
b) Một xã hội thuận tiện nữa để luyện đức bặt thiệp là học đường. Ngày nay dù lạc quan với thế hệ đến đâu cũng phải dè dặt nói rằng trong ruột học đường đang có cuộc khủng hoảng trầm trọng về đức dục. Ở trường công thì giữa những điều đáng khen có xen vô bịnh dịch nầy là một số giáo viên, giáo sư, giảng sư ỷ mình chắc chắn về lương bổng nên coi việc rèn người như việc không hồn, trả nợ quỉ thần. Trong trường tư, có một vài nơi hình như đại loạn. Ngoài ra bao nhiêu điều tốt đẹp, thỉnh thoảng có lối xử thế ngọt như đường mà mục đích tối hậu là làm giàu của hàng ngũ giám đốc, nhà giáo. Còn không ít học viên ăn nói tay đôi với kẻ thế cha mẹ mình dạy dỗ mình. Có một số học viên lấy làm văn minh, hợp thời ở chỗ ăn mặc kép hát, ăn nói với nhau như kẻ mất dạy đứng bến xe. Xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục, xin những vị có nhiệm vụ ở học đường nỗ lực tạo một bầu khí tĩnh yên trong sạch dưới hiên trường. Tình yêu ấy được diễn lộ ra trong những nếp sống cộng tác, hi sinh để chuẩn bị cho thế hệ đương lên đức bặt thiệp, tối cần cho họ khi họ lao mình vào cuộc lập thân ngoài ngưỡng cửa cuộc đời. Henri Pralel bảo đừng quá lý thuyết mà phải tạo bầu khí. Thưa những nhà giáo dục dưới hiên gia đình hay học đường, lời khuyên trên là minh triết. Tuổi trẻ như sáp, quí vị dùng gương lành ảnh hưởng chúng thì chúng sẽ giống khuôn tốt đẹp của quí vị. Bầu khí hợp quần mà chúng quen sống, chúng sẽ giữ và phổ biến sau nầy trong gia đình của chúng và trong xã hội mà chúng giữ những nhiệm vụ công cộng.
c) Người tập đức bặt thiệp hãy tự ám thị rằng càng bặt thiệp ta càng tỏ ra là người và cá nhân ta càng nẩy nở.
d) Sống theo tinh thần sách « Gương Chúa Giê-su » tức là tinh thần nhẫn nhịn những khuyết điểm của tha nhân. Ta xử bạc với Thượng đế biết bao mà người còn nhịn ta vậy sao ta quá gay gắt với đồng loại.
e) Đừng tự cô lập hóa bằng tánh thắc mắc với xã hội. Mình muốn thiên hạ đáng mến, mình hãy đáng mến trước và phải đáng mến mới được mến. Không nên bỏ mất đời sống nội tâm, chạy xạo, chia trí, nhưng ăn cái gì mà thui thủi ăn một mình, ngồi đâu mà như phật đúc, nói như sợ mất lời, thì bạn lần lần mất hết và nhân vị tính ngày càng cằn cỗi đi.
f) Sau hết là nỗ lực vui vẻ trong bất cứ trường hợp nào khi tiếp xúc với tha nhân. Điều nầy rất khó vì đời ai cũng có những chiều thu trong cõi lòng. Nhưng càng cố gắng, đức bác ái càng đâm bông kết quả trong ta và người xung quanh càng mến ta nhờ đó ta dễ đắc lực trong bổn phận hằng ngày.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « BẶT THIỆP THỰC LÀ BÁC ÁI, LÀ TỎ RA ĐÃ THUẦN THỤC, CHỚ KHÔNG PHẢI MÔI MÉP, LƯỜNG GẠT ĐỂ LẤY TÚI NGƯỜI TA. »
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh