When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3, Óc Hướng-Thượng
« Mỗi ngày đau khổ một chút giúp chúng ta về chiều cầu nguyện hay hơn. » J. COLENS
1. Tinh thần Hướng Thượng và hướng hạ của con người, cứ chung mà nói, ngay trong tâm hồn con người, kể cả hạng người từ lúc còn trong trứng nước, bị nhồi sọ thuyết vô thần, tự nhiên có không nhiều thì ít tâm tình hướng về thiêng liêng, nói đúng hơn về một Đấng Cao Cả, mặc dầu Đấng nầy được quan niệm khác nhau tùy bộ lạc, dân tộc, thời đại, hoàn cảnh. Nếu con người được giáo luyện chu tất về tôn giáo, may tìm được chân giáo, thì tâm tình đạo đức ấy phát triển. Dĩ nhiên khi tâm hồn bị tà giáo lôi cuốn hay làm nô-lệ cho những tư-tưởng dị-đoan, thì tâm tình tôn giáo bị xuyên tạc, đi lạc đường, làm động cơ xô đẩy con người vào mê tín hoặc bị dập tắt đi. Nhưng kinh nghiệm lịch sử nhơn loại cho biết loài người rất ít được huấn luyện về tôn giáo chân chính, nên tâm tình tôn giáo tự nhiên có trong con người thường lớn lên cách èo uột. Nó bị sự lướt trớn của các lực lượng ham tiền, háo danh, ham vui, ưa nhàn, đàn áp. Vì lẽ trọng hệ đó, trừ những tâm hồn chân tu, đa số nhơn loại khi tĩnh tâm làm công việc thánh thiện mà người Kytô giáo gọi là « cấm phòng » để kiểm-thảo các tư-tưởng tâm tình, ước vọng, hành vi ngôn ngữ của mình, người ta hay thấy mình trên bước đường đời giống y như một con ngựa chạy cúp cổ trên đống vật chất. Có người suốt đời không nghĩ trên đầu có còn cái gì không. Họ « đánh trống lảng » những lời cảnh tỉnh của các nhà đạo đức. Nguy hiểm nữa là họ coi thường, dập tắt đi những tiếng chuông của lương tâm. Cũng có người theo lương tri hay vì chán nản cuộc đời, đôi khi thả hồn trong giới siêu linh. Song vì thiếu niềm tư-tưởng vào một tôn giáo chân chính, sau cùng họ bỏ qua. Về đêm mà có những ý nghĩ đó thì bỏ qua rồi ngủ. Ban ngày mà mơ mộng đạo hạnh thì rồi một chút cũng bị công ăn, việc làm khiến thả trôi đi. Có nhiều tâm hồn cao tuổi lúc chân chồn, gối mỏi, ngoảnh lại đường đời đã qua, thấy công trình vật lộn với cuộc sống đầy máu lệ của mình, không còn lại cho mình cái gì vĩnh cửu. Có kẻ buổi tang du còn phải lặn lội tảo tần, hai sương một nắng để chạy từng miếng ăn, manh mặc, y như mới lập gia đình, lúc « ra riêng » không lệ thuộc nền kinh tế gia đình cha mẹ. Trong một bài giảng thuyết ở một giáo xứ nọ, khi giải thích câu « ai ham lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? » Tôi thấy có một số ông cụ bà cụ rơi lệ. Họ cảm động không phải tại gì tôi hùng biện mà tại họ lãnh hội được chân nghĩa của danh ngôn trên. Họ thấy cuộc đời phù vân quá. Ở kiếp nhân sinh, nếu người ta không hướng thượng mà chỉ hướng hạ thôi, thì sau cùng tay trắng sẽ còn tay trắng. Người cảm thấy bôn ba trên đường y như một chiếc lá vàng bị quay cuồng trong cơn gió lốc để rồi sau cùng gieo mình đến chỗ nào đó, không để lại một tiếng vang nào cả. Nếu đời người mà vậy thì, thưa bạn có nghĩa gì? Cái nôi với cái hòm được nối liền bởi một gạch rỗng tuếch hay đầy đặc những tội lỗi, thì tội nghiệp cho kiếp nhân sinh lắm.
2. Nguyên nhân khiến con người thích hướng hạ hơn hướng thượng có lẽ tật hướng ngoại. Đọc cuốn « L'ascension de votre âme » của P. Marc, tôi thấy tác giả kể lại một câu chuyện thâm trầm: Một linh mục nọ ngày kia nói với một bác sĩ thời danh: Ông tìm kiếm Thượng Đế, ông khao khát Người, ông hãy lật Phúc-âm của Người ra: « Hãy nghe lời người nói. » Bác sĩ liên tục trong nhiều ngày: buổi mai, buổi trưa, buổi tối, trước khi làm việc dành chỉ ba phút thôi để đọc cuốn kim-thư ấy. Và bác sĩ sau cùng tự thú: « Tôi lóng nghe và trầm nghĩ cách ham hố những ý tưởng của Người ». Mà bạn biết những ý tưởng Chúa Giêsu gieo rắc trong phúc âm, toàn là những ngọn gió thiêng nâng lòng con người lên, giải thoát con người khỏi sự thúc phọc của vật chất ô trọc. Nhờ đâu bác sĩ trên được gặp ánh sáng Phúc âm: nhờ trở về với nội tâm, nhờ thinh lặng, suy xét và cố gắng sống theo tinh thần hướng thượng. Trong chương « Trầm mặc » tôi đã nhấn mạnh với bạn, đức thinh lặng là lá bùa thần diệu để tạo nhân cách. Ở đây bạn hãy chụp lại nó. Nó vẫn linh nghiệm trong sự tạo tâm hồn hướng thượng. Hướng thượng có thể ví như nhìn vào một hồ trong bể cạn để trông những con cá lội. Cơn lốc vật chất làm tâm hồn tao loạn có thể sánh với cặn cáu xao động làm ta khó thấy cá lội. Bàn tay nhúng vô hồ để làm cho nước êm lại, cặn lóng xuống, cá được thấy rõ rệt. Ta có thể ví hướng thượng là bàn tay trấn áp cơn lốc vật chất để tâm hồn tìm gặp những chân lý siêu việt. Trong đạo xử thế, bạn đã dư biết lời nói hùng biện mà thinh lặng cũng hùng biện. Nhiều trường hợp lời nói khéo xử dụng chinh phục nhân tâm mà nhiều trường hợp làm thinh « nói » nhiều hơn, có hiệu quả hơn thuyết nữa. Lắm lúc lời nói bị coi là dạy đời, là con đẻ của già hàm, là lỗ mội của lòng tự ái bồng bột, là dấu hiệu của kiêu căng. Lời nói đáng khiếp nữa, là nhiều khi « vạch sườn » cho thiên hạ biết rõ mình, mà như vậy là nguy lắm. Ở đời người ta biết mình, coi chừng người ta ghét hơn là thương. Sự thinh lặng đã cần thiết cho đạo xử thế như vậy, nó còn cần thiết cho tinh thần hướng thượng gấp đôi. P. Marc nói: « Tất cả những tâm hồn vĩ đại đều là con của thinh lặng và trầm nghĩ ». Quả thực là một minh triết. Chúa Giêsu ra đời có rùm beng như bao nhiêu hoàng tử đâu. Trước khi truyền giáo. Người có um sùm sống đời đế vương đâu. Người lánh mình. Người yêu mến Chúa cha. Đối với nhân loại, Người bác ái. Người cầu nguyện. Người phụng sự, người làm việc trong thinh lặng. Người chết cách ốc nhục. Nhiều tâm hồn thường đồng thời tưởng người chết là hết chuyện. Nhưng cái chết của người không phải là tiếng vang rớt bõm vào hư vô mà là cái rục rã của hột giống tốt. Người xâm chiếm nhân tâm. Ngày nay cha P. Marc nói hình ảnh của Người ở khắp mọi nơi: « Trong nhà cửa, ở thánh đường, nơi mồ mả, trên tay của kẻ qua đời, trong lòng kẻ sống. Kỷ niệm của người tràn đầy lịch sử, văn chương và nghệ thuật. Các bậc thiên tài thì ghi tên trong sách vở còn người tạc danh trong tâm hồn ». Gương Chúa Giêsu là gương số một của ta để có tâm hồn hướng thượng. Trước hết để thinh lặng, phải giúp tâm hồn giải thoát tánh tham lam. Tiếng tham lam tôi dùng đây xin bạn đừng chỉ hiểu là tật xấu của nhám tay, không trọng đức công bằng. Tôi muốn hiểu tham lam với ý nghĩa rộng hơn là không an phận, không sống đơn giản, mà lòng lúc nào cũng nghe thiếu thốn, thèm khát của đời, danh tiếng, lời khen và luôn muốn người đời biết rõ mình.
Của đời, dĩ nhiên, một phần nào, cần thiết cho cuộc sống vật chất hay tâm linh của con người. Người ta muốn sống cuộc đời đầy đủ phải thực tế, lấy của đời làm phương thế chiếm đoạt những mục đích siêu linh. Nhưng không nên vì các lẽ đó mà để đầu óc ham muốn mồi vật chất quá lẽ. Có nhiều người suốt đời tận lực tìm đủ mưu cơ bòn tro đải trấu, trang băng sát cạnh về tiền bạc. Chịu thua ai cái gì chớ gì chớ tiền bạc thì nhứt định một xu con không để ai ăn qua. Trong hạng người nầy lại có kẻ láo vô số. Họ có trăm phương ngàn cách che giấu tiền bạc. Họ gia mạt ăn mặc như ăn mày, làm việc bất kể sống chết miễn sao ngày càng giàu. Tôi biết một ông lão nọ thọ tám mươi bốn tuổi, một ông lão gọi được là sắc sảo về mặt tranh hơn tranh thua về lời ăn tiếng nói, nhứt là về tiền bạc. Ông giàu có hạng trong làng, cho vay quanh năm, nhưng lúc nào cũng than mạt. Bạn gặp ông trong câu chuyện, ông sớm muộn không quên trách cuộc đời đồ khổ, làm ăn thất lợi. Ai túng tiền đến hỏi ông, mà phải thân với ông lắm mới hỏi ông được, ông bảo chạy mượn hỏi dùm. Ai hỏi sớm mai thì trưa chiều hay bữa sau gì đó thì có, có chắc chắn nhưng không bao giờ có liền. Bạn biết mánh lới của ông chớ. Đất ông cò bay thẳng cánh, trong thời giặc bỏ hoang mênh mông, nhưng ông lại vác chuối con đi trồng sát ranh đất nhà ông. Trời ôi! đã gần đất xa trời rồi mà sao ông còn làm tôi mọi của phàm quá. Thì ra, thưa bạn, không nên khinh của đời, nhưng nô lệ nó quá, đổi nó bằng giá mắc thế nào, sau cùng nó cũng bỏ ta cách bạc bẽo. Lòng ham hố danh vọng, chức quờn lại càng phổ biến hơn. Trong « Rèn nhân cách » tôi đã nói bất cứ ai trên đời kể cả người ngu xuẩn nhứt, đều lấy mình làm quan trọng. Óc huyền-ngã ấy thường đi quá lố. Nó xô đẩy thiên hạ cảm thấy nhục nhã, có thể quyên sinh, nếu đời hiểu lầm chỉ trích, mạt sát mình. Họ không chịu nổi sự sống âm thầm, ẩn náu trong bóng tối. Sự vạch trần mình cho xung quanh am tường, cơ hồ là một bản tính thứ hai của họ. Có kẻ chỉ vì muốn khoe tài đức, chẳng những làm những chuyện trẻ con buồn cười, mà còn làm những tội ác. Mà phải chỉ hạng bình dân, thất học có đầu óc non nớt vậy đâu. Ngay trong giới trí thức đầu óc luôn bận rộn vì những vấn đề khoa học, chánh trị kinh tế, văn nghệ, cũng vẫn ham mê lời khen cùng thiện cảm của kẻ khác. Bỉ ổi nữa là kẻ làm việc thiện, việc tôn giáo mà cũng làm với ngụ ý quảng cáo cá nhân của mình. Cơ hồ họ muốn đổi việc thiêng liêng ngay bằng những tràng pháo tay, bằng những lời khen, tan mất liền theo nước bọt. Những diễn giả, nói đúng hơn những giảng giả nào tuyên truyền những chân lý tôn giáo mà giàu óc hiếu danh tất nhiên thấm thía ý nghĩa bạc bẽo của lời khen. Tánh hướng ngoại hay tự quảng cáo, chẳng những làm người ta thất vọng mà còn làm tâm hồn náo động vì hồi hộp lo âu, hối tiếc, bực tức hay vui mừng thái quá. Nó cũng ảnh hưởng đến ngoại diện làm người ta có gương mặt vút vắt, đôi mắt láo liêng, ưa già hàm và hay ưa ra những cử chỉ liếng xáo nói lên một tâm hồn háo thắng, non nớt. Phải nhận rằng cho đặng chiến thắng được tánh ham nổi tiếng, tật tự xông hương cho mình, người ta phải được giáo luyện chính đáo về đức điềm đạm. Tự nhiên ta ít ưa chịu cực, suy xét nên ta có xu hướng phán đoán tha nhân, sự vật, sự đời theo hình thức bên ngoài. Người nói nhiều, nói khéo, giỏi lòe lẹt, bịp bợm mà dịu ngọt, được khen là bặt thiệp, khôn ngoan. Những kẻ trầm mặc, ít nói, ăn ngay ở thật, lại bị chê lù khù, quê kịch. Có khi bị coi là sái trí, khật khùng, vô dụng nữa. Những gì bên ngoài ồ ạt, ầm ỹ, nhiều màu sắc hấp dẫn, có khi rất tồi tàn, miễn được nhiều người áp dụng, đều được coi là hợp thời, là đẹp. ở thời nầy những kẻ chạy sát thời trang, những người thích ăn mặc nhiều màu rằn ri, vằn vện là những người chịu sự quản trị cách ngoan ngoãn của óc hướng ngoại.
Tâm hồn mà để bị náo động, ước vọng cứ đặt vào sự quay cuồng của vật chất, thì làm sao tìm được chân, thiện, mỹ, phúc ẩn náo trong sự đời, trong nội tâm. Hầu hết những việc lớn, việc trường tồn trong vũ trụ đều phát xuất từ thinh lặng hay phải thinh lặng lắm mới khám phá được. Ta thấy vũ trụ chuyển động, vạn vật thay đổi hình thức, chỗ ở. Xuân, hạ, thu, đông mang màu sắc khác nhau. Nhưng muốn nhận cách thức điều khiển huyền bí của con tạo, ta phải trầm mặc suy nghĩ. Nhiều việc đời ta thấy cho là thất bại.
Tội của nhân tổ Adong chẳng hạn. Nhưng nếu trầm tư theo ánh sáng của Đức tin ta thấy nguyên tội có ích phần nào cho nhân loại. Trong mùa Phục sinh, khi hát kinh: « Exultet », Người chân giáo gọi nguyên tội là hữu phúc (Felix culpa). Chúng ta đừng quên đây là culpa là việc ác, việc chạm Thượng đế và hại người. Mà sự trầm mặc khám phá ra trong nó được sự tốt đẹp. Câu thất bại là mẹ thành công, chỉ nói lên một phần nào ý nghĩa thẳm sâu của mấy tiếng tội hữu ích: félix culpa. Trường hợp của nhân tổ sa ngã không phải chỉ thất bại thường mà thất bại nặng, là làm tội ác. Ở đời, thưa bạn, có biết bao nhiêu việc xem bề ngoài là thất bại, nhưng bên trong ẩn núp mầm giống thành công. Đã đành hành động mà không suy trước tính sau, mà thiếu nguyên tắc, phương pháp, phương thế, bất kể bàn tính với kẻ khôn ngoan, để cứ hì hục thất bại mãi, thì thất bại là mẹ của thành cái gì chớ chưa chắc thành công. Nhưng phải biết thấy cái thuận trong cái nghịch, cái thiện trong cái ác, cái lợi trong cái hại mới là Người Bản Lĩnh, hiểu theo nghĩa sâu sắc và già giặn. Mà cho đặng vậy phải trầm mặc rút lui về với nội tâm để thấy những điều mà mắt người náo động vì thế lợi không thấy được. Những cao quí nhứt trên đời như đức bác ái, lòng trắc ẩn, tình vợ chồng, tình mẫu tử, nghĩa sư đệ, tình tâm giao đều được ẩn tàng trong một lớp hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ bên ngoài. Phải đập cái vỏ hào nháng ấy mới khai quật được những yếu tố xây dựng chân giá trị con người. Ai giựt mình chận thuyền đời lại giữa sóng cồn vật chất, vạch đám mây mù của ước vọng, tham lam ngất đầu lên, lắng hồn trong tin tưởng ơn thiêng, sẽ được những giờ phút hướng thượng vô giá.
3. Nhưng tác vi chánh yếu nhứt phải làm sau việc hướng thượng là cầu nguyện. Hướng thượng mới có tánh chất tiêu cực là đem tinh thần trở về yên ổn, còn cầu nguyện làm cho tinh thần hít lấy những sinh khí. Ở đây tôi không bàn sự cầu nguyện hiểu theo nghĩa chuyên môn của những bậc thâm tu trong chân giáo. Thật phước thay những tâm hồn mà các tác vi, ngôn phong, cử chỉ kể cả những việc như ăn uống, thở ra vào, đều được thần-hóa, nói đúng hơn Ki-Tô-Hóa (Divinisés ou Christifiés) bằng cầu nguyện. Trong đạo Thiên chúa, nhiều Đấng tinh tu có sẵn cả một chương trình tự thánh hóa và họ không để phút nào của đời họ mà không có một chứa đựng thiêng liêng. Thánh nữ Tèrésa chẳng hạn. Còn bọn phàm chúng ta hay hành động theo cá tính biến đổi. Vui thì hoạt động hăng say; buồn bỏ sập sụi. Có khi theo tinh thần đạo đức. Có khi làm lấy lệ, không nhằm một mục đích siêu linh nào cả. Đời chúng ta, tiếc thay kể ra có biết bao nhiêu lỗ trống. Mà kiếp phù sinh về mặt đạo lý y như cái rổ sảo thì phải coi như là bỏ đi. Tôi hy vọng có dịp bàn với bạn về sự cầu nguyện chuyên môn nầy trong cuốn « Tinh Hoa Tôn giáo ». Ở đây tôi muốn xét sự cầu nguyện thông thường mà bất cứ ai cũng làm được để bồi bổ tâm hồn và giúp nó dồi giàu nhuệ khí. Không kể những hiệu quả trực tiếp của kinh nguyện như khi cầu nguyện mà thành công ngó thấy: đui đặng thấy, què đặng đi, câm đặng nói. Cũng không kể những hiệu quả do kinh nguyện mà mắt phàm không thấy và loài người hưởng thụ cách lãnh đạm, có khi bạc ơn oán trách Thượng Đế nữa. Tôi muốn nhấn mạnh một góc cạnh hiệu quả của kinh nguyện là khi cất lòng lên cùng Thượng Đế (Thượng Đế chớ không phải phàm nhân bị óc mê tín tôn lên ghế Thượng Đế) tâm hồn con người nghe khoáng đạt hơn; lạc quan hơn. Nó giải thoát khỏi những trói buộc của bối rối, lo âu thắc mắc, nghi nan, phiền muộn, hoang mang, thất vọng ý chí thâm cường dũng. Ngày nay không còn mấy nhà thông thái thông hiểu bản chất của khoa học mà dám chân thành tin rằng khoa học càng tiến, chân tín ngưỡng càng lui. Tôi nhấn mạnh chân tín ngưỡng chớ không nói mê tính. Pasteur đi nhà thờ mỗi sáng, Prudbon hạ bút: « Bất cứ người vô thần nào trên đầu giường chết của mẹ mình cũng kêu: Trời ôi ». Bougaud nói: « Kinh nguyện là lời hứa hẹn của sự bất lực mà hy vọng ». Còn bác sĩ Alexis Carrel thì chủ trương càng cầu nguyện con người càng minh mẫn. Người Bản Lĩnh trên biển phong trần của cuộc đời vừa biết tận dụng nhân lực (Thực hiện triết lý nỗ lực) mà cũng biết khai thác nguồn thánh sủng, nghĩa là nhờ cậy thần lực. Kinh nguyện là cây gậy thần mà thế nhân dùng chống chọi với những chướng ngại gặp hằng ngày trong cuộc sống nhiêu khê, phiền toái. Besslères nói chí lý: « Quì gối trước Thượng Đế là phương thế hay nhứt để đứng thẳng trước mọi người ». Chúa Giêsu kia là Thượng Đế hóa nhân mà trong phút thảm sầu đến rịn mồ hôi máu còn ngửa đầu cầu nguyện Chúa Cha, thì tại sao bọn người phàm tục chúng ta quá kiêu căng chỉ biết có sức mình. Bác sĩ Franki, giám đốc một Viện dạy môn thần kinh bệnh ở tại Vienne, chủ trương con người muốn có sức khỏe tinh thần phải căn cứ vào khoa học mà vẫn nhận chân ảnh hưởng của lòng tin nơi Thượng Đế. Ngần ấy gương, cũng đủ giúp cho bạn và tôi thấy tinh thần hướng thượng và thế lực của kinh nguyện là cần thiết cho cuộc nhân sinh. Loài người thì yếu đuối: chính Pascal đã đại diện thú nhận nhân loại và cây sậy. Nhưng loài người hay kiêu ngạo. Gặp những chướng ngại vật; loài người nếu không thất vọng mà đổ cho vận đen, thì quá khích tin tưởng năng lực « có một nắm » của mình. Song xét cho kỹ chuyện, nhiều khi đáng lo mười con người lo có một, có lúc lo trật lất, hoang phí thời giờ, sức khỏe, của tiền và ác quả đến cứ đến. Bạn có buồn cười không khi thấy một đứa bé cãi mẹ nó, xô tay mẹ nó ra, bước vào một đám gai rậm, nhón gót tránh gai nhưng bước ngay mép một con độc xà sắp thói nó. Đứa bé ấy cũng khôn đấy: nó tránh gai. Nhưng nó khôn một mà không biết khôn hai. Trên đường đời biết bao phen ta hành động đối với Thượng Đế y như đứa bé đấy đối với mẹ nó. Ta khôn để giựt cái dĩa, mà dại quên cái mâm. Tại sao ta không chạy đến Thượng Đế? Tại sao không xét rằng nếu một bà mẹ là một phàm nhân mà khi dẫn đứa con nhỏ mình đi chơi gần bờ sông, gần rừng rậm, lúc nào cũng sợ nó té chết hụt hay bị cọp tha còn Thượng Đế là thân phụ toàn trí của nhân loại mà khi sáng tạo con người không biết quan phòng từng ly từng tý con người sao? Kể ra chúng ta quá đoản trí mà cũng quá bạc ơn. Không phải mỗi lúc cầu nguyện là chúng ta đòi cho kỳ được Thượng Đế làm theo ý muốn ta. Ta cứ cầu nguyện cậy, tín, mến người rồi để Người lo lắng cho ta. Cái lợi mà tôi muốn bạn nhắm một cách thiết thực là giải thoát tâm hồn nặng như chì vì sầu não, khỏi những trói buộc của lòng hướng hạ. Nào ta thử thầm lặng ngã đầu đọc mấy lời nầy của Đấng Cứu thế, coi lòng có lâng lâng như cánh hạc không: « Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến... Xin Cha cho chúng con hằng ngày dùng đủ, tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ tha nợ chúng con, lại chớ để chúng con sa chước cám dỗ mà chữa chúng con khỏi sự dữ. »
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh