We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tựa
huyện xưa, Trang-Vương sai mật thám nghiên cứu tình thế nước Trần để đánh. Mật thám về tâu: Không nên đánh Trần quốc. Trang-Vương hỏi: Tại sao? Mật thám thưa: « Nước Trần đã thủ kiên cố lại chứa chất nhiều của cải. Đánh tất thua. » Ninh-Quốc liền đáp: « Nếu vậy thì nên đánh Trần quốc lắm. Nước ấy nhỏ mà thành hào cao sâu thì dân bị kiệt lực, nhỏ mà tàng trữ nhiều của cải thì thuế nặng, vua bị thù ». Trang-Vương nghe Ninh-Quốc hữu lý, đánh Trần, thắng.
Còn chuyện nay? Lúc làm Tổng thống, có lần Théodore Roosevelt dượt quyền với một Đại úy. Sĩ quan nầy đánh dập mắt trái của ông. Mắt đau rát quá, về sau mờ. Nhưng Roosevelt nén nỗi thống khổ, không hề cho viên Đại-úy hại mình biết.
Một giáo sư toán đã đứng đầu sổ danh nhân thế giới hiện nay, người có hồi chánh phủ cùng nhân dân Đức coi như thần, người đã khai sinh một học thuyết làm chấn động giới triết học, được non nghìn quyển sách nghiên cứu, diễn giảng, bạn biết người ấy là ai chắc? Albert Einstein. Được người đời đưa lên tận mây xanh như vậy, nhưng cha đẻ « thuyết tương đối » sống làm sao? Sống đơn giản lắm. Ông coi bao nhiêu lời ca tụng của thiên hạ thua chiếc vĩ cầm của ông. Đi đâu Einstein rất ít đội nón, mặc đồ cũ mèm, lòng vô tư, có diện tướng an lạc.
Đọc mấy chuyện trên, thưa bạn, chắc bạn có những nhận xét nầy: là Ninh-Quốc biết thấy cái thuận trong cái nghịch. Roosevelt biết trọng lòng dễ sợ của người dưới. Einstein sống đơn giản. Người ta gọi những bực nầy là kẻ có óc Già Giặn. Họ sống hạnh phúc, họ khéo xử thế, họ đắc lực chung qui nhờ bộ óc đã trui. Muốn đi theo vết chân của họ, chúng ta phải nỗ lực rèn đúc tâm hồn « bản lĩnh ». Bởi lòng người khó đo hơn sông biển, ruột xã hội có những hóc kẹt ác, bởi có nhiều phận sự hay cuộc lập thân thường không thành công cách đơn sơ, nên con người, muốn sâu sắc xử đối với kẻ xung quanh, đề phòng những mưu cơ, ăn chịu những thử thách, thất bại, phải khôn ngoan, trầm tĩnh, cẩn thận, lạc quan, can đảm, nói tắt là phải già giặn.
Hẳn bà Dorothy Carnegie có lý khi viết quyển Don't grow old grow up để nhấn mạnh sự cần thiết của đức tánh căn bản nầy. Nó là nồng cốt của nhiều nhân đức khác. Nó là chìa khóa của đạo hạnh, luyện tâm, xử gia, xử thế, và hoạt động. Chiếc đũa tiên để sống ấy, người ta có quan tâm tạo cho mình không? Hình như ít lắm. Đức Giêsu dạy ai không tái sinh làm con trẻ, sẽ không đặng vào thiên quốc. Trong quần chúng, lắm kẻ hiểu lầm chất triết lý nhân sinh thẳm sâu của huấn từ ấy. Đấng Cứu-Thế muốn con người tự tâm hồn nên vô tội, hiền lương, thanh khiết, khiêm từ, sốt sắng, nhẫn nại, bác ái, chịu khó v.v... tức là có bản lĩnh. Vả lại mục đích của luyện thân là làm sao cho ngày càng từng trải, con người bên trong càng lão luyện để làm nên những việc có ích cho bản thân, gia đình, quốc gia, chớ đâu phải lo bảo trì sự trẻ trung hiểu theo nghĩa non nớt mãi để rồi chuốt lấy những hối tiếc. Thực ra ai cũng muốn được gọi là già kinh nghiệm vì trong thực tế ai cũng cảm thấy làm việc gì mà đầu óc non nớt dễ thất bại. Nhưng ở thời nầy vì cơn lốc mê say vật chất xô đẩy, nên nhiều dân tộc, nhiều phong trào thích « vui vẻ trẻ trung ». Trong chức vụ, kẻ cao tuổi bị chê là « hết xài », quàng rờ, lạc hậu. Đức nghiêm trang có khi bị coi là kiểu cách, là khó tánh, ít bặt thiệp, quê mùa. Còn da mồi tóc bạc thì thôi: đã không được kính trọng lại bị coi như cái gì mà ai thấy cũng phải trốn. Đàn bà không sợ chi bằng cái già đã đành, mà đàn ông cũng rộn rịp làm cho trẻ. Người ta thoa phấn cho da mặt trẻ. Người ta lựa màu áo quần, lối trang sức cho thân thể ra vẻ trẻ. Đừng quên thời xuân xanh, cái đáng khen là sự mỹ miều của thân xác, còn cái đáng lo là sự non nớt, khờ dại của tâm não. Về đường tinh thần, tuổi trẻ phải chuẩn bị cho tuổi già, người thanh niên phải thu trữ kiến thức, phải sống kỹ đời sống, rút khôn trong những lần dại, để lúc cao niên chu toàn nghề làm người của mình.
Đức già giặn khẩn thiết như thế, mà không phải tự nhiên ai cũng có hay hễ già cả thì tất nhiên già giặn. Có lẽ phần đông chúng ta nhận thấy riêng trong sự phán đoán hay trong việc làm lắm khi chúng ta non nớt, mặc dầu chúng ta đã khá tuổi. Chúng ta ít kiểm điểm hạnh kiểm của mình mà hay chê kẻ khác háo thắng, thiếu khôn ngoan, nghèo nhân đức, không khiêm tốn. Nghe một việc quấy, một tật xấu của tha nhân, chúng ta vội tin người thuật lại, liền chỉ trích. Nhiều chuyện đời, nếu xét kỹ, đơn giản lắm. Chúng ta hấp tấp làm cho nó ra phiền toái, bi đát, nguy nan. Làm lớn có nhiều trường hợp chúng ta phải biết hi sinh một để lợi mười, phải biết thu tâm người dưới, sáng suốt tự quyết, chúng ta lại câu nệ hẹp hòi, nô lệ dư luận khiến công ích bị thiệt hại. Thấy một người cầm hộp á phiện, nói gì không biết chúng ta liền nói người ấy có tật « bắn khí » hay dạy kẻ khác làm quen với nàng tiên nâu. Làm giáo sư hay giám thị, chúng ta in trí, xem tướng học sinh, đoán tính tình, tương lai, công tội, đoán không phải theo tâm lý học hay diện tướng học, mà theo lòng ích kỷ, theo óc tây vị nô lệ tình dục. Trước một công việc gì ta không chịu cân đo lợi hại, thất bại, đâm ra bi quan. Lâm vào một hoàn cảnh nguy nan, liệu không giải thoát được mà chẳng biết ăn chịu đau khổ, cứ oán hận người, trách số phận, chán đời, bỏ bê phận sự. Đó là chưa nói những tật đa ngôn, tánh thắc mắc, thói khoe khoan. Tất cả, thưa bạn, tất cả đều làm cho chúng ta thất bại. Nói tắt đều làm tâm hồn chúng ta còn « xốp » chưa được trui rèn già giặn.
Trong cuốn Người Bản Lĩnh nầy chúng tôi nêu cho bạn lý tưởng già giặn. Những vấn đề được trình bày theo lối tùy bút. Chúng là những bí quyết thực hành, chỉ liên hệ với nhau trong lý tưởng làm người. Hi vọng đọc nó, con người bạn sẽ dần dần cường dũng. Đó là phần thưởng thỏa mãn cho người viết cùng bạn đây. Mà chắc đó cũng là nguyện vọng của bạn vì nó làm cho đời bạn lên hương.
HOÀNG-XUÂN-VIỆT
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh