When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Doom 007
Upload bìa: Doom 007
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6978 / 116
Cập nhật: 2016-03-06 21:42:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
GỰA CHỨNG NGỒI NGOAN NGOÃN DƯỚI bàn học. Ngồi ngoan vì bị ngồi ngoan chứ không phải ngồi ngoan vì muốn ngồi ngoan. Điều đó chứng tỏ rằng ngựa chứng vẫn còn thiên lương, và giáo dục gia đình vẫn cần thiết cho sự dẫn dắt tuổi trẻ. Khi tuổi trẻ chưa phủ nhận cái quyền uy của gia đình thì chưa có gì đáng lo ngại. Ngựa chứng lầm lì hơn cả bao giờ. Chúng tách riêng sự có mặt của chúng với bạn bè của chúng. Ở lớp học. Ở sân trường. Tôi biết ngựa chứng chưa hiểu nổi tình của tôi đối với chúng nó. Tôi chưa chinh phục được ngựa chứng. Chúng vẫn tưởng tôi sợ hãi, khiếp nhược. Để chứng minh hùng hồn rằng thầy giáo cũng có sức mạnh của thầy giáo, một số đồng nghiệp của tôi đã thị uy ngay tại lớp những buổi học đầu niên khóa: “Các anh đừng lơ mơ, hồi học trường sư phạm, tôi nổi tiếng dao búa. Anh nào thích đánh nhau, cứ việc ra sân, chúng ta cởi quần áo phân tài cao thấp.” Quyền lực không giải quyết được việc chi cả. Quyền lực để chế ngự chứ không phải để chinh phục. Mà giáo dục là để chinh phục tâm hồn.
Bọn thằng Phong, ngồi ngoan dưới bàn học nghĩ về tôi ngồi trên bục gỗ không giống những Trần Tâm Thành, Nguyễn văn Lành. Nó chỉ mới ngừng khiêu khích, nhục mạ tôi và đã gọi tôi bằng “giáo sư” một cách miễn cưỡng.
- Anh hiểu bài giảng hôm nay chứ, anh Phong?
- Thưa giáo sư, tôi hiểu.
- Có thắc mắc gì không, anh Thiện?
- Thưa giáo sư, không.
- Muốn tôi kể chuyện tướng cướp Rory Calhoun trở thành tài tử màn bạc Mỹ không, anh Luyện?
- Không ạ!
- Anh có cần giảng lại những bài anh vắng mặt không, anh Du?
- Tôi đã đọc sách ở nhà rồi, thưa giáo sư.
Ngựa chứng không nói, nếu tôi không gợi chuyện. Lối trả lời của chúng lạnh lùng và chứa đựng hằn học. Nhưng lớp học đã yên lặng, mọi người được làm việc điều hòa. Ngựa chứng đã có chỗ nằm ấm cúng để thức khuya. Chúng sẽ biết đêm dài. Bây giờ, tôi chỉ cần chờ đợi một đêm thức khuya của chúng nó. Tôi tiếp tục dạy thêm học trò của tôi và các trường tư trong tỉnh những ngày Chúa Nhật, ngày Lễ. Từ chối những lời mời mọc nồng hậu của vài tư thục. Mỗi buổi tối, tôi kèm cặp một số học trò vì hoàn cảnh phải thôi học. Tôi thương họ là tôi thương tôi, thương xót những năm tháng nghèo khổ ngày xưa. Giáo dục vốn không vụ lợi cho cá nhân mình. Thầy giáo chẳng khác gì người truyền giáo, chẳng khác gì ông già nhặt hạt mận chôn bên vệ đường. Ông già không sống lâu để hưởng bóng mát cây mận. Những người trẻ sẽ hưởng bóng mát, sẽ được bứt trái mận chín mà giải khát giữa đường nắng cháy khô cổ. Và có ai tìm hiểu tại sao cây mận mọc tươi tốt, đơm hoa, kết trái bên vệ đường đâu.
Nỗi băn khoăn của tôi không do ngựa chứng tạo ra nữa. Ngựa chứng sẽ bị đồng hóa bởi bầy ngựa lành trong tầu ngựa của chúng ta. Tôi được rảnh tâm dàn xếp chuyện tình cảm riêng tư giữa tôi và cô học trò Phan kim Liên. Nàng gởi thư đều cho tôi. Ông già Năm là người phát thư riêng của nàng. Tôi đọc thư tỏ tình của Kim Liên, lòng dậy lên những xót xa. Xuân hồng niên thiếu của tôi đã phôi pha. Tuổi vừa lớn trải kín lối đi làm cuộc đời và tháng năm cô đơn, nghèo khổ. Mộng mơ còn đó nhưng mộng mơ không gởi vào đôi mắt thiếu nữ nào. Tôi chưa dám yêu ai vì cứ sợ không ai yêu mình. Kim Liên là người con gái đầu tiên yêu tôi. Và tôi đón nhận tình yêu đó. Nàng cho tôi sống lại tuổi vừa lớn của tôi với những xao xuyến, bâng khuâng của kẻ mới ngắt bông hồng tình ái thứ nhất. Tình yêu giữa hai người trai gái có chi là xấu hổ nếu họ hướng về mục đích tốt đẹp. Thầy giáo giống thầy tu ở tác phong, đạo đức chứ không giống cả trái tim. Trái tim thầy giáo rung động mãnh liệt nhất vì tình yêu. Tôi đã thực sự rung động vì Kim Liên. Ở một nơi nào đó không phải ở tỉnh lỵ mà mối cuộc đời đều tự nhốt mình vào chiếc lồng son lễ giáo, chắc chắn, tôi sẽ hôn môi Kim Liên say đắm, đôi môi đọng đầy nước mắt của tôi. Nhưng ở nơi này, ở tỉnh lỵ mà tăm tiếng và tai tiếng dễ nổi ngang nhau, thầy giáo không được phép công khai yêu học trò của mình dù tình yêu đưa tới hôn nhân. Yêu trộm mà bị dư luận khám phá, tội lỗi càng ghê gớm. Nhà giáo chịu đựng hơn nhà tu điều đó. Nhà tu có luật cấm, chứ nhà giáo sống tự do tình cảm. Thế mà nhà giáo phải tự đặt luật cho mình để ngăn cấm mình. Nếu tôi không ngăn cấm tôi, cứ việc yêu Kim Liên và lấy nàng làm vợ ngay ở đây thì tôi phải bỏ nghề dạy học trước khi kết hôn với nàng. Tôi không muốn bỏ cái đam mê của tôi. Tôi không giả dối nghĩ rằng tôi không yêu Kim Liên. Song tôi cần phải giả dối với lòng tôi. Để cho niềm tin của học trò không bị mất nơi thầy giáo. Để những đồng nghiệp trẻ của tôi không bị nhục mạ, khiêu khích bởi đám ngựa chứng trong sân trường. Để hình ảnh ông thầy mãi đáng kính, đáng trọng vọng trên bục gỗ. Có những sự giả dối giúp ích cho nhiều người. Đó chính là một sự hy sinh âm thầm. Đôi khi, sự hy sinh gây ra ngộ nhận và kẻ hy sinh bị hàm oan đau đớn.
Tình yêu của Kim Liên nồng cháy và thiết tha đến nỗi, những bài luận quốc văn nộp cho tôi cũng là những bức thư tình ướt át. Nguyễn văn Lành đã gặp bài luận tình đầu tiên. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Người ta lại phá thầy, hả?
Tôi cười. Nó mím môi:
- Hết bọn thằng Phong tới bọn quỷ cái?
Tôi không giấu giếm Nguyễn văn Lành. Kể hết. Nó suy nghĩ giây lát, rồi nói:
- Chị ấy lãng mạn quá!
Tôi hỏi:
- Nếu Lành làm thầy giáo, bị rơi vào trường hợp này, Lành nghĩ sao?
Lành đáp:
- Con sẽ dạy học ở làng và ở làng không có học trò lãng mạn.
- Nếu có thì sao?
- Thì người ở làng con sẽ cấm chỉ đứa học trò lãng mạn ấy.
- Nếu người làng không cấm chỉ?
- Chắc chắn là con bị đàm tiếu. Học trò đâu được lăng nhăng với thầy giáo.
Tôi vỗ vai Lành:
- Thí dụ thầy lăng nhăng với Kim Liên, em nghĩ gì về thầy?
Lành chớp mắt:
- Con nghĩ thầy không làm thế đâu. Mấy năm trước đã xảy ra chuyện này. Ông thầy dạy trường tư bị phụ huynh đàm tiếu dữ lắm. Họ không cho con em học ổng. Rốt cuộc, ổng phải bỏ lên Sài Gòn.
Tôi nuốt nước miếng cho tâm sự vướng nơi cổ tôi trôi xuống:
- Em đốt bài luận tình của Kim Liên đi, Chị ấy có thể tự tử vì xấu hổ nếu em tiết lộ với bạn bè. Thầy tin em. Ta không làm điều xấu là đủ. Chẳng nên làm ai buồn.
Lành nói:
- Nhỡ chị Liên cứ viết hoài?
Tôi xoa tay:
- Thì em lại mất công đốt. Hết niên học, thầy sẽ tính.
Lành nhìn tôi, đôi mắt nó long lanh tình thương:
- Thầy sẽ tính chi?
Tôi đặt tay lên mái tóc lởm chởm của nó:
- Sẽ xa em.
Lành sửng sốt. Đôi mắt nó vẩn lên những sợi khói ưu tư. Giọng nó chìm vào nỗi lo lắng:
- Thầy sẽ xa các con?
Tôi gật đầu:
- Đành vậy.
Chợt Lành ngó tôi, Đôi mắt bỗng tan biến những sợi khói ưu tư. Khuôn mặt tươi lên một chút.
- Thưa thầy…
- Em muốn nói gì nữa?
- Con nghĩ…
- Em không nên nghĩ lại. Khi người ta đã đóng cái đinh vào cột, nhổ ra, cái đinh vẫn bị eo và cột đã có vết đóng. Em hiểu chứ?
- Dạ.
- Ít nhất, thầy cũng ở đây hết niên học. Sang năm, em đâu còn học với thầy.
- Con cần học thầy mãi mãi, học ở thầy nhiều thứ.
- Em đã học đủ rồi, bạn bè em đã học đủ rồi, trừ bọn thằng Phong, thầy cố gắng làm cho bọn chúng nó giống các em để thầy có thể yên lòng ra đi.
Lành gục xuống bàn khóc. Tôi để mặc nó khóc. Rồi nó sẽ nguôi ngoai. Chuyện Kim Liên yêu tôi chỉ Kim Liên, Ông già Năm, Lành và tôi biết. Lành tiếp tục đốt những bài luận tình. Và tôi, tôi mơ hồ thấy một vết đen nhỏ trên manh áo trắng muốt của tôi. Đến một buổi tối, nhằm đúng ngày Lành về quê thăm gia đình, Kim Liên bất chấp tất cả, nàng tìm tới tôi. Nàng khóc. Nàng trách móc tôi vô tình. Tôi xin lỗi Kim Liên và cho nàng hiểu rằng tôi yêu nàng tha thiết. Tôi trình bày hoàn cảnh của tôi.
Nàng hỏi:
- Bao giờ anh mới dám yêu em?
Tôi nói:
- Bao giờ tôi dời tỉnh này và Liên lên đại học. Tôi hứa người tôi cưới làm vợ sẽ chỉ là Liên. Nhưng Liên cũng phải hứa đừng gây xáo trộn nghề dạy của tôi, ít ra trong thời gian tôi còn ở đây.
- Như thế, em khổ quá.
- Nhiều người khổ hơn Liên. Ta cần chịu khổ để tránh mọi việc mọi đổ vỡ tan tác.
- Vậy thì em đành chờ đợi.
Liên về. Từ bữa đó, nàng không viết thư nhờ ông già Năm trao cho tôi và làm luận tình nữa. Ông già Năm ngạc nhiên. Lành ngạc nhiên. Lành vui vẻ vì nó tưởng bóng mây đen đã tan. Còn ông già Năm, hễ gặp tôi, là cứ nhắc lại câu nói cũ kỹ: “Thiệt tình, thầy không giống những ông thầy trẻ khác.” Và cuối cùng, ông chép miệng: “ Tội nghiệp cô Liên!” Họ chẳng biết thêm điều gì. Tỉnh ra, tôi đã dạy ở ngôi trường này được sáu tháng. Sáu tháng trời mà tưởng chừng như sáu niên học đằng đẵng. Tôi lớn lên, kinh nghiệm dồi dào. Tự hào cái mớ kinh nghiệm của tôi. Bước đầu không hụt hẫng, vấp ngã, sẽ không bao giờ hụt hẫng, vấp ngã. Giữa cái Tốt và cái Xấu chỉ cách nhau một sợi tóc. Nếu ta coi sợi tóc như bức tường cao, đầy chông gai, ta sẽ thoát hiểm. Tôi đang đứng trước biên giới sợi tóc. Và tôi biết tôi sẵn sàng bị quyến rũ để bước qua sợi tóc. Không ai dám nói mình chế ngự được tình yêu. Thường thường, người ta đều bị tình yêu khuất phục. Tình yêu làm người ta phấn khởi, yêu đời và tâm hồn ngập ứ mộng mơ. Nhưng tình yêu còn làm cho người ta điên dại, mù quáng, mặc dù, nhà giáo rất dễ điên dại, mù quáng vì tình yêu học trò, vì vòng tay học trò.
Để khỏi bị vòng tay Kim Liên ôm chặt lấy cái thiên chức của mình, tôi vội vàng nộp đơn xin thuyên chuyển đi nơi khác, rất xa tỉnh lỵ miền Tây yêu dấu này. Tôi sẽ giữ lời hứa với Kim Liên. Khi tôi dám để vòng tay cô học trò của tôi ôm chặt lấy tôi, lúc đó, nàng phải không còn là học trò. Tỉnh lỵ, ngôi trường, học trò cũ đã trở thành dĩ vãng. Một dĩ vãng độ lượng và không khắc nghiệt với tình yêu. Một dĩ vãng bình thản, trống vắng, vì người của dĩ vãng, những Lành, Phong, Thành, Thiện, Du, Luyện... mải leo dốc vật chất hiện tại, cũng sẽ độ lượng. Đơn xin thuyên chuyển của tôi làm ông hiệu trưởng ngạc nhiên.
- Toa bỏ cuộc hả, Định?
- Đâu có, xong cuộc rồi.
- Tại sao toa lại xin đi?
- Sau này, anh sẽ hiểu.
- Cho moa biết lý do được không?
- Vấn đề tâm cảm.
- Bao giờ đi?
- Gần hết niên học. Tôi lấy cớ ra Trung chấm thi. Anh chuyển đơn lên Bộ gấp. Thủ tục rườm rà đấy, anh lưu ý giùm.
- Ở đây, phụ huynh và học trò thương mến toa, toa đi sẽ phụ lòng họ.
- Chính vì không muốn làm phụ lòng tin cậy của họ mà tôi phải đi.
- Dạy thêm năm nữa, Định ạ! Học trò đệ tam ao ước niên học tới được học toa.
- Họ không phá phách đâu. Thầy mới sẽ dễ dạy và, bất kể, thầy già hay thầy trẻ, sẽ được học trò kính yêu.
- Toa đi, moa tiếc lắm.
- Tôi cũng lưu luyến ngôi trường và tỉnh lỵ này. Tôi không giữ đúng lời hứa, mong anh cảm phiền. Xin anh một điều: Anh đừng nói cho ai biết tôi nộp đơn xin thuyên chuyển.
- Sợ Bộ từ chối.
- Tôi xin hoản chuyển cho một đồng nghiệp miền Trung, Bộ sẽ chấp thuận.
- Toa lạ thật!
Đơn của tôi được chuyển lên Bộ hoàn toàn bí mật. Sinh hoạt của tôi ở các lớp học vẫn bình thường. Bọn thằng Phong không còn phá phách bạn bè và thầy giáo nữa. Chúng nó làm việc. Thế thôi. Tôi chưa chinh phục nổi chúng nó. Điều đó chẳng cần thiết. Miễn là chúng nó không để tuổi trẻ của chúng nó phải sám hối sau này. Ngày tháng bỗng trôi nhanh. Tôi có cảm tưởng thế. Từ nay tới hôm từ giã ngôi trường ăm ắp kỷ niệm này, không hiểu còn những chuyện gì xẩy ra. Tôi hy vọng nắng sẽ hiền, gió sẽ ngoan, lòng người sẽ lắng lại, bình yên. Để tôi buồn man mác chất chở kỷ niệm thương yêu vào hành lý.
Ngựa Chứng Trong Sân Trường Ngựa Chứng Trong Sân Trường - Duyên Anh Ngựa Chứng Trong Sân Trường