How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 484 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
nh Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được truyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đâu không khiến mà chân cứ rút về thành tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm lính trinh sát mỗi khi được chính uỷ sư đoàn hỏi chuyện.
Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người đã tham gia cách mạng từ khi tôi còn chưa đẻ, nhà hoạt động công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu, một trong những người lãnh đạo và chủ chốt của Hội truyền bá quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn Hoá Cứu Quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, người được cử đi dự đại hội Tân Trào và đứng tên trong danh sách Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Và cuối cùng là trưởng ban tổ chức ngày Đại Lễ của đất nước: 2-9-1945.
Cách đây khoảng 15 năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp tết lại thấy anh đảo lên Hà nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên xô. Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động ngạc nhiên hỏi anh:
- Anh kiếm đâu ra gạo nếp cho chúng em thế?
Anh cười:
- Anh sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn lại có cả thóc và rơm cho nông dân vay.
- Hiện nay anh đang làm gì ở đó?
- Anh nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu, thấy bản dịch in sai nhiều quá.
Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó?”. Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể muốn tìm hiểu về công trình Lễ Đài Độc Lập, năm đó tôi nhất quyết phải về quê thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết.
Vừa đi tàu, vừa ô-tô xe đạp.
Sáng 26 tết tôi có mặt ở thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở Văn Hoá và Hội Văn Nghệ Tỉnh, hỏi địa chỉ của anh.
Tôi thực sự ngạc nhiên thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ.
“Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến xương hay Tiền Hải gì đó...”
May tôi gặp được một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó nổi tiếng, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu trạc tuổi chú lui tới hỏi thế nào cũng có người biết.” Tôi theo anh bạn thơ trẻ ra quán thịt chó, và phải cắn răng lại vì số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đã đứng tuổi để chiếc xe “cúp”, trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ đứng bật dậy, nói với tôi:
- Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc ông biết.
Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ:
- Cậu nhớ đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc!
- Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn.
Anh bạn trẻ đi đến gặp ông ta, nói cái gì đó và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và tươi cười hỏi:
- Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ được bao nhiêu tuổi ạ?
Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn bận nhếch nhác: quần áo bà ba nâu, chân dép lốp, râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên:
- Cám ơn đồng chí - tôi cười - Cũng thất thập cổ lai hy rồi đồng chí ạ!
- Trước cụ có làm công tác ở đâu không ạ?
- Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà nội... về hưu đã gần được chục năm rồi.
- Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?
- Tôi có quen biết gì với ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ, công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gần tôi đưa tôi mười ngàn bạc gửi biếu ông ấy mà giao hẹn phải đưa tận tay, tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...
Anh cán bộ cười:
- Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về tới đó cũng vất vả đấy...
Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở:
- Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt mười lăm năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù ở Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy ông ta vẫn thuộc diện đối tượng... Cách đây mấy năm, ông ta lén sang Nam Định không có giấy đi đường đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy đi đường rồi bắt giam bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về...
Tôi tỏ ý sợ hãi, gãi đầu gãi tai:
- Chà... Biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... Đem tiền về trả lại thôi...
Anh cán bộ xuề xoà:
- Không sao đâu, cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu bây giờ ở trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi chỉ đường cho cụ.
Anh cán bộ chấm ngón tay vào ly rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...
Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường như cũng bớt xa... Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp 1, 2 xã Vũ Công - nơi anh Đang tá túc - tôi vào cái quán bên đường, uống ly rượu cho ấm bụng. Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu mời tôi và nói:
- Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đây, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tần tiện khét tiếng cái xã Vũ công này. Mới cách đây mấy hôm, ông ấy đèo sau xe cái giỏ tre ràng buộc rất kỹ. Ông ấy kể với tôi, tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phì phì, bò vào nhà. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên huyện bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá.
Tôi phì cười:
- Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mi-ni những mười mấy cây số để đồi lấy mấy lạng mỡ lá... Vui thật!
Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ mới nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt lại hiện ra trong trí nhớ tôi: “Cuộc đời vui quá không... buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm ly rượu nữa, giọng hào hiệp:
- Ly này tôi đãi cụ! Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về, phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ Tam Xà!
Tôi cười ngất.
Anh Đang ở gian đâu hồi nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi:
- Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết...
Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra gần sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần áo lao động mầu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như hai vòng cùm sắt, chắc chắn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng xuống hình chữ C viết nghiêng... Tôi chợt nhớ cách đây không lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể: Hồi mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ được Đảng cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như một công tử loại một của Hà Thành, thắt cà-vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất cứ một nhà tư sản Hà nội nào giàu có vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh, là trao tận tay cho Cách mạng... Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ không con, không còn không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ - Chẳng hiểu để làm gì - Như người bõ già trong chuyện Hương Cuội của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên... Miên man nghĩ vậy và tôi bật phì cười.
- Anh Đang!
Tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt nhìn tôi rất lâu. Gương mặt già nua với mái tóc bạc húi cao, cằm mép lốm đốm những chân râu hạt vừng, vụt rạng rỡ hẳn lên. Anh cười để lộ hai hàm răng vàng xỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng...
- Phùng Quán? Chú về đây từ lúc nào thế!
Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ... Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng khoảng năm mét vuông, chất kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, trên vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may ô thủng nát, quần lao động vá víu, cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc vỏ hộp dầu cao su Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc kêu lên reng reng nghe rất vui tai.
Sau đó, tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc. Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm xầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu - “Trâu gõ mõ, chó leo thang” - Anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xa. Tác dụng thứ hai quan trọng không kém... Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong cong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ đơn độc... Chính giữa gian trái kê chiếc tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như chiếc khoá của nhà kho. Trên nóc tủ xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà nội người ta thường quẳng vào đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được củng cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng. Và một xấp quần áo cũ làm gối... Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Mặt bàn lát bằng nan tre. Anh nói giọng Lão Trang:
- Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn lại hai chân nó là một con người.
Trên mặt bàn xếp kín những chai lọ, vỏ đồ hộp, hai cái đèn dầu làm bằng lọ mực Cửu Long, vài con dao làm bằng mẩu lưỡi liềm gẫy, và ba bốn cái bát hương, nắp đậy là những viên gạch vỡ. Anh chỉ nắp đậy, giới thiệu với giọng trang trọng của thuyết trình viên giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng nghệ thuật:
- Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của các sành sứ cổ. Sức nặng và độ bàn của nó làm cho tất cả các loại chuột, mối, gián phải kính nể.
Bây giờ thì tôi đã hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì.
Dưới bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nút, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh cong queo, mẩu giây thép han rỉ... Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lượt bụi tro...
Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. anh giải thích:
- Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang - Anh cười - Chịu khó một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng... Trong việc dở nào cũng có việc hay và ngược lại.
- Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn...
- Thôi khỏi cần, chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn, ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam xuất khấu hẳn hoi, quà của Hội nhà văn gửi biếu vào dịp tết năm ngoái... Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi.
Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khoá tủ tìm chai rượu. Tôi liếc mắt nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách vở ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ bia lon, và nhiều chồng các loại vỏ bao thuốc lá.
Anh lúi húi lục tìm một lúc khá lâu mới lôi được chai rượu cam còn già nửa.
- Đây rồi! Bây giờ già hoá lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia.
Tôi cười, nói:
- Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quý tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quý cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quý.
Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi:
- Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà em không biết. Trên nhà em, các bạn đến chơi, hút các loại thuốc lá ngoại hảo hạng, vỏ bao vất lung tung, vợ em ngày nào cũng phàn nàn vì phải dọn nhặt đem đốt.
Anh kêu lên:
- Thế có tiếc không. Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô ấy, có vỏ bao thuốc lá ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy...
- Hàng đối lưu? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Để tôi dọn cơm ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học.
Tôi ngắm nhìn bao quát căn nhà độc thân của anh, hỏi:
- Hơn mười lăm năm qua anh đã sống ở gian buồng này à?
- Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị ra đó trông coi giúp như nhân viên của trại. Ở đó có một gian nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với việc trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai tạ ba thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà nội biếu các chú. Khi tôi bất tay vào dịch cuốn lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu ầm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn.
Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy đặt lên miệng xô miếng gỗ dán:
- Đây là bàn ăn - Anh giới thiệu, và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng - còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt thế này mà đem quẳng bụi tre... tôi nhặt về cọ rửa sạch sẽ lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời nhà Minh.
Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm, sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào mỗi đĩa, giới thiệu thực đơn đãi khách:
- Đây là chả thịt cóc băm viên. Đây là chả thịt nhái... Có cả mì chính, hạt tiêu nhá! Mười mấy năm nay nhờ bồi dưỡng thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khỏe, còn khỏe hơn cả chú.
Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặt, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc:
- Ba năm trở lại đây tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường đổ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh tuý của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm.
- Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?- Tôi hỏi.
- Ấy, chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp, mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc nhái. Cũng có khi đổi một vỏ bao lấy ba con cóc hoặc năm con nhái, các loại khác hai cóc, ba nhái, bởi vậy tôi mới gọi là hàng đối lưu, chú hiểu chưa... Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao thuốc lá là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp... Hôm nào chú về tôi gửi biếu cô, chú Cung, mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!
Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt, anh hỏi:
- Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây vào lúc tết nhất sắp đến nơi?
- Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà nội, chúng em rất lo, không biết anh đau ốm gì, liệu anh có còn sống không? Vê đây thấy anh vẫn khoẻ mạnh, em rất mừng... Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi lại gì cho thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được...
Tôi lấy anh xem một số tư liệu liên quan đến ngày Đại Lễ 2-9-1945, vừa sao chụp được:
- Từ lâu, em vẫn mơ ước viết một cái gì đó, một thiên trường ca chẳng hạn, về công trình Lễ Đài Độc Lập thật tráng lệ, thật hào hùng... Anh là trưởng ban tổ chức Ngày Độc Lập như trong tư liệu hiện còn lưu giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỷ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất... Mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin...
Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tóm gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành... Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:
- Thấp thoáng thế mà đã bốn mươi bẩy năm trôi qua... - Anh chợt nói - Tôi còn nhớ như in hôm đó là ngày 28 tháng 8... Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một... Năm đó, tôi bước vào cái tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp phiên cuối cùng tại Bắc Bộ Phủ để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào... Tôi tính rất nhanh trong đầu: Tháng 8 có 31 ngày, như vậy chỉ còn có 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhấc trong một phút, hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua để tổ chức được một ngày Đại Lễ như vậy, trong khi đó mình chỉ có hai bàn tay trắng...
- Ông Đang ơi! Ông Đang!... Tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh.
Tôi nhìn ra thấy hai chú bé trạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn nhỏ máu tươi.
- Ông có đổi rắn nước không ạ?
Anh Đang bỏ bát đũa ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước. Rồi hỏi:
- Các cháu định đổi như thế nào?
- Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số.
- Các chú đừng có giở thói bắt chẹt! - Giọng nói và thái độ của anh đã chuyển hẳn sang giọng của dịch vụ đổi chác - Mỗi con rắn này chỉ trị giá bằng hai con cóc. Nhưng thôi thì ông đành chịu thiệt vậy, mỗi con bằng một vỏ bao ba số, các chú có chịu đổi thì đổi, không đổi thì thôi!
Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói:
- Chúng cháu đổi ạ!
Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói:
- Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng.
Anh cầm cái vỏ bao xem lại, cười:
- Được, ông sẽ đổi cho cái vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì nhà nước không phải chịu thua thiệt.
Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà. Mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời:
- Thịt rắn còn bổ hơn thịt cóc. Tối nay tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ, ăn vào chú sẽ thấy tăng lực gấp đôi, có thể đạp xe một mạch lên đến bến phà Tân Đệ.
Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp chơi mấy “pô” làm kỷ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói:
- Hiện tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký, thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây... Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo tuyên ngôn của ông Hồ viết... Còn hay mất, nếu còn thì bây giờ ở đâu. Hoặc ông định sửa hai câu trong bản tuyên ngôn, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa đi in mất rồi. Là trưởng ban tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh của đất nước này... Như chú biết đấy, hiện nay trong bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như bảo tàng Lịch sử, không có bản Tuyên ngôn Độc lập... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đâu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đêm coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật...
Anh im lặng một lúc lâu rồi ngẩng lên nhìn tôi, nói tiếp:
- Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không? - Không đợi tôi đoán, anh nói luôn - Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai mà chẳng được ở đây cũng như ở trên Hà nội... Những lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ chết ở nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền nhà trường, các thầy cô giáo, các cháu học sinh. Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...
Tôi theo anh ra đứng lên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa Đông Bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một bụi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt:
- Đấy, dưới chân bụi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó trước khi nhắm mắt xuôi tay...
Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là vì bị cảm lạnh. Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung mang về tặng anh:
Mắt già rộng chớ
Rắc mãi phong lưu
Góp nhặt đem về thúng cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần
bò xéo
cuối thôn...!
Ngọn Tre Vật Vã Cuối Trời Đông Ngọn Tre Vật Vã Cuối Trời Đông - Sưu Tầm