Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1029 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 -
hú e dè bước vào căn phòng dành riêng cho những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, tất cả mọi thứ đều sạch sẽ tinh tươm. Hoa ngồi dậy khi thấy Phú, cô mừng rỡ reo lên:
– Anh Phú, giờ anh mới tới thăm tui.
Phú ngượng nghịu cười, rồi quay ra gọi bà Sáu:
– Má ơi! Đây nè!
Bà Sáu dớn dác nhìn quanh rồi đặt xâu bánh ít lên bàn:
– Trời đất, bệnh viện mà sang quá, chắc là tốn tiền lắm đây! Có một mình con nằm ở đây thôi sao?
Hoa cười rồi gật đầu:
– Dạ.
– Đẹp quá, sang quá mai mốt lấy tiền đâu mà trả cho người ta.
Phú nhăn mặt cản lời mẹ:
– Má!
– Ờ, thì thôi, có mấy cái bánh ít bác đem vô cho con, con có ăn thì ăn.
– Con ăn chớ, trời ơi! Mấy hôm nay em thèm gần chết phải bánh ít bột mì hôn bác?
– Ờ, cái đồ rẻ tiền đó mà, chỉ sợ con không muốn ăn nữa thôi.
– Má lại nữa rồi!
– Thì tao có sao nói vậy làm gì mà bay cứ la tao chằng chằng vậy.
– Má vô thăm Hoa mà má cứ mắc mỏ hoài, người ta đang bệnh không nên để người ta lo buồn sầu não.
– Ờ, thì... thì tao quên.
Hoa sợ bà Sáu giận, nên cô cầm xâu bánh ít rứt ra một cái rồi lột bỏ lá cắn ăn háo hức:
– Bác thấy con mê bánh ít bột mì lắm mà, nhiêu đây sợ không đủ cho con ăn thì có!
Bà Sáu có phần vừa ý, bà nhoẻn miệng cười vui vẻ trở lại:
– Ờ, bánh của bà Ba đầu chợ đó, vừa dẻo vừa thơm, ăn chục cái cũng chưa đã, Hoa này!
– Dạ.
– Con thấy trong mình ra sao rồi rồi nghe nói họ đang trị cái bệnh mất não gì của con thì phải.
Phú phì cười chữa câu nói của mẹ:
– Là mất trí nhớ chớ mất não làm sao mà sống.
– Ờ, trí nhớ. Rồi con có nhớ gì không? Chuyện hồi xưa đó, cha mẹ anh em ruột thịt, con ở đâu, nhà con có bao nhiêu người, cha mẹ con là ai vậy.
Hoa bối rốì vì một loạt câu hỏi của bà, cô chưa kịp trả lời thì bà Sáu lại nhanh nhảu nói:
– Con đã nhận lại cha mẹ chưa, còn cái cậu lịch sự đó là ai vậy, có thiệt là quen với con không? Chậc, bác cứ lo lo làm sao, sợ người ta giả bộ tử tế, rồi làm hại con, thời buổi bây giờ nghe người ta nói lừa đảo nhiều lắm, ứ hự! Nếu như không nhớ gì được thì thôi, đi về đi con trị cái gì mà trị, đã hổng nhớ là hổng nhớ trị làm sao mà cho nhớ được.
Phú nhăn nhó ngắt lời mẹ:
– Má thiệt! Bác sĩ nói trị được là trị được, bây giờ người ta còn trị được bệnh cùi nữa là, huống chi là cái bệnh mất trí nhớ của Hoa, má đừng có nói lung tung làm cho Hoa nản chí, cái bệnh này nghe nói phải trị lâu lắm, lại phải có người quen chăm sóc giúp cho Hoa nhớ lại mới được.
Bà Sáu hậm hực hỏi:
– Người quen là ai? Cái thằng lịch sự đó à, bay tin nó quá hén, nó nói nó quen với con Hoa là quen sao, hông chừng nó gạt con Hoa để con Hoa tin nó thì có.
– Má, anh Kiệt không phải là hạng người đó đâu.
– Sao mà con dễ tin người quá vậy!
Đúng lúc ấy Kiệt đẩy cửa bước vào:
– Chào dì, chào cậu, dì cà cậu mới lên à?
Phú gật đầu:
– Ờ, tui với má tui được tin của anh nên lật đật lên đây.
– Tui định hỏi xem bao giờ anh lên thì cho người đi đón, chỉ sợ thành phố đông người anh và dì tìm không ra.
Bà Sáu làm ra vẻ rành rẻ vì sợ Kiệt cười mình quê mùa:
– Ơi! Lo gì không biết thì hỏi người ta cũng ra, còn không thì kêu xe ôm chở cái rẹt là tới chớ gì.
– Dạ, bệnh viện này cũng dễ kiếm, dì và anh Phú cũng giỏi quá.
– Xì, hồng giỏi bị người ta gạt sao?
Phú sợ mẹ lại lỡ lời làm phiền lòng người ta anh bèn cắt ngang:
– Anh Kiệt, bệnh của Hoa người ta nói sao vậy anh?
– Cô ấy có tiến triển nhiều lắm nếu được uống thuốc và điều trị sớm có lẽ cô ấy đã bình phục lâu rồi Phú thở ra:
– Cũng tại tui không lo được cho Hoa nên cô ấy mới tới nông nỗi này.
– Anh đừng nói vậy, mấy năm qua, anh lo cho cô ấy nhiều rồi, nếu không có anh chắc gì cô ấy được như ngày nay.
Bà Sáu gật gù:
– Ờ, cậu nói cũng đúng đó, hổng có thằng Phú vớt nó về thì nó chết mất đất rồi, đâu có còn mà cho cậu nhận người quen.
– Dạ, cháu biết, cháu rất cám ơn bác.
– Cậu chỉ là quen với nó thôi, chớ có phải cha mẹ gia đình của nó đâu, nên tui hổng có nhận lời cám ơn của cậu.
– Nếu như cậu nói nó là cô Ngân gì đó sao cậu không cho ba má nó hay?
– Dạ, con đang chờ người xác minh thân phận của Hoa, đồng thời con muốn cho cô ấy nhớ tất cả mới để cho cô ấy gặp lại người thân. - Sao lại vậy?
– Dạ, bác không biết đâu, má của cô ấy đã một lần chết đi sống lại khi cô ấy mất tích, cho nên con muốn tất cả mọi thứ phải rõ ràng chắc chắn mới để cho ba má cô ấy biết tin, hiện giờ cô ấy đang trong tình trạng quên mất quá khứ của mình, điều này chỉ làm cho ba má cô ấy đau lòng thêm.
Bà Sáu lầm bầm:
– Chớ không phải cậu có khuất tất gì, cho nên mới không thể công khai tin tức cho người ta.
Nghĩ rồi bà nói:
– Thì tùy cậu thôi, giờ cậu nói cậu quen với con Hoa tôi biết thiệt giả ra sao.
– Cháu biết bác đang nghĩ gì nhưng bác cứ yên tâm cháu không làm hại Hoa đâu.
– Tui cũng mong là vậy, dù sao nó cũng ở với tui được ba năm, tôi coi nó như con ruột mình.
Phú nghe má mắc mỏ Kiệt thì đứng dậy kéo Kiệt ra ngoài:
– Mình ra ngoài uống nước đi.
Kiệt gật đầu chào bà Sáu rồi theo chân Phú:
– Anh đừng trách má tui nghe, má tui nói vậy chớ không có ý gì đâu.
– Anh đừng lo, tui biết mà, chẳng qua vì bác Sáu lo cho Hoa mà thôi.
– Cũng phải, má tui thương Hoa lắm anh Kiệt à. Có anh lo cho Hoa tui cũng yên tâm, ba năm qua chỉ vì tui không lo cho cô ấy mới kéo dài tình trạng mất trí nhớ như vậy, giờ thì có anh lo tui cũng mừng cho cô ấy.
– Anh tin tôi là tôi cám ơn anh lắm rồi, thật ra Hoa chính là Ngân, cô ấy ngày xưa là bạn gái của tôi, chúng tôi đã dự tính kết hôn với nhau nhưng chẳng may cô ấy đi biển chơi rồi bị sóng cuốn mất cho đến ngày nay. ngay lần đầu tiên gặp cô ấy và anh trong quán nước, tôi đã không tin vào mắt mình, tôi luôn nghĩ đến anh và cô ấy. Tôi không tin trên đời này lại có người giống người dường ấy, đến khi gặp lại cô ấy và nghe anh kể cho biết thân thế của cô ấy thì tôi càng tin chắc hơn, là tôi đã tìm thấy cô ấy.
– Tui biết trước sau gì cũng có ngày nay, cô ấy cũng trở về với người thân của mình, cô ấy rồi sẽ xa tui, nhưng tui không buồn đâu, nếu như cô ấy tìm được gia đình của mình thì đó cũng là niềm vui của tôi.
– Cám ơn anh rất nhlều.
– Tui giao cô ấy cho anh, mong anh chăm sóc cho cô ấy, dù sao anh cũng hơn tui, anh có thể lo cho cô ấy đầy đủ và chu đáo.
– Anh là ân nhân cứu mạng cho Ngân, tôi sẽ nhớ ơn anh suốt đời.
– Có gì đâu Hai người đàn ông im lặng trầm tư, mỗi người tâm trạng khác nhau, mặc dù cả hai cùng nghĩ về một người con gái.
Phú bịn rịn ngồi bên cạnh Hoa, anh mong ước sao thời gian đừng trôi qua nữa, anh không muốn xa rời Hoa trong lúc này.
– Phú về thiệt hả?
– Ừ!
– Phú bỏ tui à?
– Không có, tui chỉ để Hoa ở lại đây trị bệnh cho khỏe.
– Tôi ở đây có một mình buồn lắm.
– Biết sao được, làm sao tui ở lại với Hoa! Tui còn công chuyện, còn phải đưa má về Hoa ráng ở lại trị bệnh, anh Kiệt tốt lắm, anh ấy sẽ lo cho Hoa.
Hoa đăm chiêu tư lự:
– Hoa cũng không nhớ ra là mình đã quen với anh Kiệt ra sao, mối quan hệ của mình với anh ấy thân thiết cỡ nào nhưng mình cứ luôn mơ thấy anh ấy, mình thấy mình và anh ấy rất gần gũi, thân mật, mình nghĩ chắc là anh ấy không lừa dối mình, vã lại...
– Vã lại thế nào?
Hoa cắn môi rồi nói khẽ:
– Ở bên cạnh anh ấy mình thấy rất yên tâm.
Phú nén buồn gượng nói:
– Như thế thì Phú cũng yên tâm để Hoa ở lại với anh ấy. Thôi Phú về đây, hôm nào Phú lại đến thăm Hoa.
Phú khép cánh cửa phòng bệnh sau lưng mình, mà cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì đó rất quý giá và quan trọng đối với mình.
Đã đến lúc này Phú phải trả cô ấy về với cuộc sống thực của cô ấy, chỉ cầu mong sao cho cô ấy khỏe mạnh và hạnh Phúc.
Bà Sáu thở dài, rồi lên tiếng hỏi khẽ con trai:
– Bay không vui sao lại để cho con Hoa ở lại.
– Má à, chúng ta không thể giữ cô ấy cho chúng ta, cô ấy còn có gia đình, còn có cuộc sống riêng của cô ấy, cô ấy không thuộc về chúng ta.
– Nói gì thì nói, má cũng thấy tức cho con, cứ để cho nó ở với chúng ta như vậy thì đã sao? Nó cũng ăn, cũng ngủ cũng khỏe mạnh đó.
– Nói thế sao được hở má, còn gia đình cô ấy, họ cũng nhớ thương mong chờ, má nghĩ coi cỡ như con giống như cô ấy má có lo không?
– Ý bậy!
– Chúng ta không thể ích kỷ mà để cho cô ấy mất mát thiệt thòi, thất đức, bất nhân lắm.
– Ờ! Con nói cũng đúng, nhưng mà...
– Thôi, má đừng nhắc mãi chuyện đó nữa, má có muốn con đưa má ra siêu thị coi cho biết không?
– Ờ, đi thì đi nào gìờ mà cũng không có biết siêu thị là cái gì, lỡ lên thành phố rồi, tội gì không đi cho biết?
Chẳng mấy chốc hai mẹ con háo hức dạo quanh các khu phố sầm uất buôn bán náo nhiệt.
Hoa hiếu kỳ đi quanh căn nhà, tất cả mọi thứ trong nhà đều đẹp đẽ sang trọng, cô sờ lên bộ ghế salon êm ái, rồi ghé ngồi xuống nhún nhảy:
– Thích thật!
Kiệt trìu mến nhìn cô:
– Để anh đưa em lên phòng.
–!!!
– Nếu như em không thích cái gì thì cứ nói với anh, anh sẽ đổi lại, căn nhà này anh cũng mới mua, được chừng một năm nay. Từ ngày em mất tích anh thấy hụt hẫng, chẳng có tâm trí đâu để làm việc, gần một năm sau anh mới xin vào công ty làm cho đến ngày nay, anh chỉ biết vùi đầu vào công việc cho quên nhưng lúc nào hình bóng của em cũng hiện diện trong lòng anh.
–!!!
– Ngân, giờ đây đã gặp được em, anh sẽ không để mất em nữa.
Ngân ngập ngừng rồi hỏi:
– Lúc xưa... tôi muốn nói lúc tôi và anh quen nhau như thế nào?
Kiệt mỉm cười rồi dịu dàng đáp:
– Em rất nhõng nhẽo hay làm nũng với anh.
Hoa đỏ mặt không dám nhìn vào ánh mắt của Kiệt:
– Thật thế à?
– Ừm, em còn hay bắt nạt anh. Lúc nào cũng bắt anh làm theo ý của em, tuy nhiên em cũng rất yêu anh. Ngân thật sự em không nhớ gì về anh hay sao?
Ngân nhớ lại những hình ảnh mà cô thấy được trong hồi ức của mình, cô ngập ngừng rồi nói:
– Có tôi cứ luôn thấy anh trong những giấc mơ của tôi và cả trong những cơn đau đầu.
– Thấy thế sao?
– Phải, tôi nghĩ chắc là tôi có quen anh.
– Thế em còn thấy những gì nữa?
– Tôi... không thấy gì ngoài anh.
– Anh hiểu vì tình yêu mà em dành cho anh thật sâu đậm, nên lúc nào hình bóng của anh cũng được em giữ lại trong ký ức, điều đó không có gì là lạ, anh sẽ cố gắng giúp cho em lấy lại trí nhớ của mình, có lẽ năm đó lúc em chìm xuống biển, đầu em đã bị va chạm mạnh, nên mới ảnh hưởng tới não, bác sĩ nói tình trạng này sẽ qua khỏi nếu như em uống thuốc đều đặn và được trị liệu đúng phương pháp em sẽ khỏe mạnh lại.
– Vậy sao?
– Phải! Nhưng sao em có vẻ không vui vì điều đó.
Hoa trầm ngâm rồi nói:
– Tôi cũng không biết nữa nhưng tôi yêu cuộc sống hiện tại của mình, tôi không thích cảnh người xe nhộn nhịp như thế này, càng không muốn xa căn nhà nhỏ của bác Sáu và anh Phú.
–!!!
– Vả lại tôi có cảm giác những gì mà tôi đã quên đó không nên nhớ lại, nếu thật sự những ngày tháng xưa đem lại cho tôi hạnh phúc vui vẻ thì trí nhớ của tôi đã không tẩy xóa nó, chắc chắn là tôi đã trải qua nỗi đau rất lớn, nên bây giờ cho dù có cố gắng nhưng ký ức vẫn từ chối không cho tôi nhớ gì cả.
– Nhưng em đã nhớ về anh.
– Có lẽ đó là những kỷ niệm tốt đẹp nên ký ức của tôi đã không từ bỏ nó.
– Bạch Ngân.
Ánh mắt say đắm của Kiệt khiến cho Ngân bối rối, cô thấy tim mình như đập dồn lên, hai má của cô hừng nóng, cô cúi đầu lí nhí:
– Anh muốn nói gì với em?
– Anh cũng không biết mình nói gì với em lúc này, anh chỉ muốn được gọi tên em, được thấy em là anh sung sướng lắm rồi, em biết không, có nhiều hôm giật mình tỉnh giấc nửa đêm vì anh mơ thấy em lại rời xa anh, anh sợ hãi thảng thốt, nỗi sợ bóp nghẹt trái tim anh, khiến cho anh không thể nào thở nổi, anh cuống cuồng chạy vào phòng và đến khi nhìn thấy em yên giấc trên giường anh mới tỉnh táo hoàn hồn lại!
– Anh... anh yêu em thế sao?
– Phải! Hơn ba năm qua anh sống mà không biết mình đã sống như thế nào, ăn ngủ rồi làm như một cỗ máy vô tri, vô cảm. Bạch Ngân, anh xin em đừng bao giờ lìa xa anh được không?
Ngân xúc động vì tấm chân tình Kiệt dành cho mình, cô cảm nhận được tình yêu mà anh dành cho cô qua từng lời nói, từng cử chỉ nó như một vầng hào quang phủ trùm lên cô, khiến cho cô choáng ngợp, đồng thời cũng khiến cho cô nhận ra trái tim của mình đang run lên hòa cùng một nhịp với anh.
Vòng tay anh đã choàng qua người cô, hương hơi của anh làm cho cô ngây ngất bồi hồi, cô thấy như mình như vừa trở về chính căn nhà của mình thật an toàn và cũng thật bình yên.
– Anh yêu em! Anh rất nhớ em, đừng bao giờ xa rời anh nữa.
– Anh Kiệt! Em không nhớ là ngày xưa em có yêu anh hay không nhưng ngay từ lúc gặp anh cho đến tận lúc này, em có cảm giác rất gần gũi với anh, em cũng không muốn xa anh.
Vòng tay của Kiệt siết chặt hơn, anh sung sướng thì thầm bên tai nàng:
– Đúng là em rồi, những lời nói thật ngọt ngào ngày xưa, Bạch Ngân, em đã trở về anh sẽ không để mất em nữa.
Chiếc xe vừa dừng trước cửa, bà Phong ngỡ ngàng khi nhận ra người khách ghé đến thăm mình, bà nhíu mày lên tiếng:
– Là cậu Kiệt phải không?
– Bác còn nhớ cháu à?
Bà thở dài ngượng ngần:
– Cậu vào đi có gì không? Tôi không nghĩ là cậu còn đến thăm tôi.
– Bác không được khỏe à?
– Làm sao mà khỏe được chứ, từ ngày con Ngân nó đi tôi chẳng còn muốn sống nữa, tôi thật hối hận vì ngày xưa đã chia rẽ cậu và nó, chúng tôi chỉ vì quyền lợi của mình mà quên mất hạnh phúc của con gái, hơn ba năm nay lúc nào tôi cũng ân hận, tôi hận mình, tại sao lúc ấy tôi lại ép nó lấy người không yêu.
Kiệt cúi đầu ngồi nghe bà than vãn, anh chạnh lòng khi nhìn gương mặt tiều tụy hốc hác của bà, mới chỉ ba năm mà tóc của bà đã bạc trắng, hai mắt trũng sâu lơ láo như người dại, nỗi đau mất con đã khiến cho bà trở nên hình hài đáng thương dường ấy.
– Bác thật hối hận, nếu như bác không ép buộc nó thì giờ đây nó van còn sống bên bác. Giờ thì nó không còn nữa, cả một chút hình hài, một chút kỷ vật cũng không có.
Nói rồi bà nghẹn ngào khóc, tiếng khóc của người mẹ làm đau xé lòng người nghe, Kiệt không muốn kéo dài giây phút đau khổ cho bà, anh lên tiếng:
– Bác đừng buồn nữa, cháu đến đây là muốn đem tin vui đến cho bác.
Bà lắc đầu sụt sùi:
– Đối với bác chẳng có tin nào có thể làm cho bác vui được nữa.
– Có đó, cháu tin là bác nghe xong sẽ rất vui.
Bà Phong sững sờ không tin vào tai mình, bà trân trối nhìn Kiệt không cả chớp mắt, bà run giọng hỏi:
– Thật không?
– Làm sao cháu dám nói dối với bác chuyện quan trọng như thế?
– Không thể nào, làm sao có chuyện đó, Kiệt à, đừng gạt bác tội lắm cháu.
Kiệt nắm tay bà lay nhẹ như khẳng định lời nói của mình:
– Cháu sẽ đưa bác đi gặp Ngân!
– Đi! Đi ngay đi!
– Nhưng...
Bà cuống quýt chau mày:
– Còn nhưng cái gì? Hay là cháu gạt bác thật.
– Không phải, cháu chỉ muốn bác chấp nhận với cháu một điều.
Bà nhìn Kiệt rồi rối rít gật đầu:
– Được được, một trăm điều bác cũng nhận.
Kiệt thở phào rồi chậm rãi bày tỏ ý kiến của mình.
Ngày tháng đi qua, càng ngày Ngân càng tỉnh táo khỏe mạnh lên, bà Phong mừng như người vừa chết đi sống lại mặc dù Ngân không nhớ lại toàn bộ sự việc ngày trước nhưng điều đó lại là điều mà bà mong muốn...
– Ngân à!
– Dạ...
– Con ăn chè này đi, chè đậu đỏ mà con rất thích ngày xưa đó.
– Giờ con cũng rất thích.
– Ừ, vậy thì ăn đi con.
Bà âu yếm nhìn con háo hức bưng chén chè thì vuốt nhẹ tóc con bà hỏi:
– Ngon không con?
– Dạ ngon.
– Ngân này, con còn nhớ... gì ngoài những điều con nói với má không?
– Dạ không, mà má muốn con nhớ gì nữa hở má?
Bà bối rối lắc đầu:
– Ờ không, má chỉ hỏi vậy thôi.
Kiệt chờ cho Ngân quay đi chì còn lại có mình và bà Phong anh mới nói với bà:
– Bác đừng gặng hỏi Ngân nữa, như thế chỉ khiến cho Ngân thêm hoang mang, không tốt qua quá trình hồi phục của Ngân, bác sĩ nói đó cũng là hiện tượng tâm lý thường xảy ra não của cô ấy đã chối bó những hình bóng tồi tệ không vui trong quá khứ của cô ấy, nó không muốn cho cô ấy nhớ lại những ngày tháng đau khổ mà cô ấy đã từng trải qua với Tùng, đó cũng là điều chúng ta mong muốn, xem như cô ấy chưa từng sống qua khoảng thời gian đen tối ấy.
– Bác hiểu rồi, bác sẽ không hỏi nó nữa, bác thật hồ đồ.
– Bác đừng quá lo, cháu hứa sẽ chăm sóc cô ấy cho chu đáo.
– Bác cám ơn cháu, thật ra trong lòng bác cứ nơm nớp lo sợ có một ngày nào đó nó nhớ lại.
– Không đâu bác, con nghĩ chắc tự bản thân cúa cô ấy cũng không muốn nhớ lại chuyện đó, nếu như cuộc sống hiện tại luôn hạnh phúc thì cô ấy sẽ quên hẳn cái đoạn quá khứ đau buồn đó.
– Bác cũng mong là thế, bác muốn con mau chóng thành hôn với nó như thế bác sẽ an tâm hơn, đồng thời cũng giúp cho nó ổn định tâm lý.
– Con cám ơn bác!
Ngân cặp tay Kiệt cùng anh dạo qua các gian hàng sầm uất, cô thích thú với những món quà mà Kiệt mua cho mình, anh đưa cô dừng lại trước cửa hàng chưng bày áo cưới rồi hỏi:
– Đẹp không em?
– Đẹp quá!
Ngân trầm trồ rồi bước qua cửa kính, những chiếc áo cưới trắng muốt thu hút Ngân đến mê mẫn, Ngân choáng ngợp vì những chiếc áo cưới lộng lẫy đang kiêu hãnh phô bày trước mắt cô.
– Em thích kiểu nào nhất?
– Kiểu nào cũng đẹp, kiểu nào em cũng thích.
– Vậy thì chúng ta mướn hết tất cả.
–!!!
– Được không? Màu trắng này, màu hồng này, mày vàng này kể cả bộ áo dài lễ phục kia, em mà mặc thì không khác gì công chúa.
– Anh nói vậy là sao?
– Là anh xin hỏi cưới em.
Ngân ngẩn ngơ nhìn Kiệt:
– Anh đã đợi quá lâu rồi nếu như em không gặp tai nạn thì giờ này chúng ta đã là vợ chồng với nhau, anh đã thưa với ba má và ba má cũng đã đồng ý.
Ngân trở về nhà với tâm trạng bất an, cô không hiểu vì sao cô lại không vui mừng vì lời cầu hôn của Kiệt trái lại cô cứ thấy hoang mang lo lắng. Tại sao vậy! Ngân ôm đầu vì không tìm ra lời giải. Căn phòng chìm vào trong bóng chiều ảm đạm, cô không buồn bật đèn, mà đứng lặng thầm nhìn ra bầu trời đang dần biến đổi, cô nhìn vào khung hình trên tường. bức hình mà cô đã chụp chung với Kiệt ngày xưa, gương mặt của anh thật hạnh phúc, ánh mắt rạng ngời niềm vui, anh như đang cười với cô, nụ cười thật quyến rũ, thật đam mê say đắm và ngay trong cái khoảnh khắc ấy cô chợt thấy gương mặt của anh biến dạng, đôi mắt trở nên hung dữ căm hận, nó long lên như xoáy vào cô, như muốn dằn xé cô ra, cô sợ hãi thụt lùi về sau nhung đôi mắt ấy vẫn đuổi theo cô, cả gương mặt của người đàn ông dữ tợn ấy cứ chăm chăm như muốn giết chết cô, đầu của cô lại đau nhói lên, đồng thời gương mặt của người đàn ông ấy càng lúc càng hiện rõ hơn trong trí nhớ của cô, dường như anh ta đang rít lên những lời nguyền rủa đến chói tai, trông anh ta thật đáng sợ, gương mặt như quỷ dữ, nhăn nhó, trợn trừng, Ngân sợ hãi muốn hét lên mà tiếng hét cứ nghèn nghẹn nơi cổ, và ngay trong lúc đó cô chợt thấy đau như nhấn cô chìm xuống đến chín tầng địa ngục, cô ôm đầu cố chạy trốn, cố vùng vẫy để thoát ra khỏi gương mặt ác quỷ ấy.
– Ngân! Ngân!
Ngân choàng tỉnh rồi sợ hãi òa khóc, bà Phong xót xa gọi con:
– Con sao vậy, má nghe con ú ớ như bị ai bóp chặt cổ, con có sao không?
– Má!
Ngân ôm chầm lấy bà nức nở khóc:
– Con sợ lắm má ơi, con thấy có người muốn giết con, anh ta... anh ta rất dữ, anh ta đánh con, chửi con!
– Nào có ai đâu! Bình tĩnh lại đi con.
Bà ôn tồn vỗ về con gái:
– Không có gì phải sợ, có lẽ con chỉ tưởng tượng thôi.
– Không đâu má là thật đó, có một gã đàn ông muốn giết con, anh ta anh ta ghê lắm, gương mặt của anh ta rất dữ, chỉ chực giết con. Con sợ lắm.
Bà Phong lo sợ trước những câu nói hoảng loạn của Ngân, bà biết cô đang nói về ai, cô đã nhớ lại, bà thở dài đau xót:
– Không thể nào, nó lại nhớ đến chuyện cũ của nó và thằng đó!
– Má, anh ta là ai vậy, tại sao anh ta lại hung dữ dường ấy, con có quen với anh ta sao?
Bà Phong gượng cười trấn tĩnh con gái:
– Đừng có nghĩ lung tung, con có quen ai ngoài thằng Kiệt đâu, có lẽ đó chỉ là những hình ảnh trong giấc mơ của con.
– Không đâu má, lúc trước con cũng thường thấy anh Kiệt như thế, giờ lại là người đàn ông đó, con có quen anh ta sao? Tại sao ký ức của con lại ghi lại hình ảnh của anh ta.
Bà Phong bối rối chưa biết giải thích sao thì vừa may Kiệt đến. Anh đã cứu nguy cho bà:
– Kiệt đó à!
– Dạ!
Ngân hỏi anh:
– Anh chưa về nhà sao?
– Ừm, anh đi nửa đường thì chợt nhớ anh để quên cặp hồ sơ chỗ của em, nên anh vội vòng lại.
Bà Phong nói với Kiệt:
– Con ở chơi nói chuyện với Ngân, để bác lấy thêm chè cho con ăn.
– Dạ.
Chờ cho bà Phong đi khuất Kiệt mới hỏi Ngân:
– Ngày mai anh đưa em đi chọn nhẫn nhé?
Ngân e lệ gật đầu:
– Anh định cuối tháng này thì tổ chức cưới, em thấy sao?
– Anh nói với ba má được rồi, em không có ý kiến.
– Lúc nãy trên đường trở về anh cứ nghĩ mãi đến việc đó nên mới quay trở lại.
– A, thì ra là anh nói dối má.
Kiệt mỉm cười, âu yếm ôm Ngân vào lòng:
– Vì em anh có thể phạm hết tất cả mọi tội lỗi trên thế gian này.
– Không được nói thế.
– Em không muốn thì anh sẽ không làm nhất nhất mọi chuyện anh sẽ nghe lời em.
– Ngân này!
– Dạ.
– Đám cưới xong chúng ta đi đâu chơi hở em.
– Đi đâu cũng được, miễn sao có anh là em đi đâu cũng vui.
Cả hai say sưa vẽ nên một tương lai thật hạnh phúc êm đẹp, Ngân cũng quên mất những hình ảnh đáng sợ mà lúc nãy cô còn lo lắng hỏi mẹ.
Chẳng mấy chốc mà đã tới ngày thành hôn của Kiệt và Ngân, bà Phong chỉ mời một ít người quen và bà con dòng họ, vì bà đã có dụng ý trước nên số khách mời được bà chọn lọc kỹ càng, những người khách được mời chỉ là những người làm ăn chung với bà và chưa một lần biết Ngân.
Ngân chờ cho người thợ tháo xong chiếc voan cưới trên đầu cô mới ngã lưng xuống giường, Kiệt bước vào phòng anh âu yếm ngồi xuống bên nàng anh ân cần hỏi:
– Em mệt không, anh có đem cho em ly nước trái cây, em ngồi lên uống cho khỏe, là anh tự làm đó.
Ngân cảm động ngồi dậy bưng uống:
– Còn một số bàn nữa là tàn tiệc, họ cũng chuẩn bị ra về rồi, em không cần ra, cứ nằm nghĩ cho đỡ mệt.
– Anh à?
– Chuyện gì vậy!
– Em muốn hỏi anh, sao em không thấy bạn bè đến dự tiệc cưới của chúng ta, anh không mời họ sao?
Kiệt mỉm cười dịu dàng nói:
– Có, anh có mời nhưng bọn họ về không kịp, anh cũng không có ai là bạn thân, còn nhóm bạn của em cũng không nhiều họ lại có gia đình xa, có lẽ vì thế mà họ không đến dự.
– Thật đáng ghét, em muốn gặp lại họ để nhắc lại kỷ niệm xưa, trong trí của em chẳng lưu lại được việc gì chỉ toàn là hình ảnh của anh.
Kiệt sung sướng ôm vợ vào lòng:
– Như thế là đủ rồi, anh cũng không muốn cho em gặp ai cả, anh ghen lắm.
Ngân đấm vào ngực chồng phụng phịu:
– Anh đáng ghét lắm!
Huyền hớn hở tuôn từ trên lầu xuống gọi Tùng:
– Anh Tùng ơi! Thế nhưng chẳng thấy bóng dáng anh đâu, Huyền cầm xấp hình trên tay buồn thiu:
– Anh ấy đi đâu rồi! Vừa về tới nhà đã ra ngoài mà không rủ mình theo. Bà Toàn lên tiếng khi thấy Huyền ngồi một mình ở phòng khách:
– Thằng Tùng đi đâu rồi con?
– Con cũng không biết nữa.
– Cái thằng, vừa về đến nhà đã ra ngoài rồi, thôi cứ để nó đi, mấy năm ngồi xe lăn nó cũng cuồng chân, giờ đi được cứ để cho nó đi, bác thấy nó khỏe mạnh lại bác cũng yên lòng, tất cả cũng nhờ có con, bác không biết lấy gì để cám ơn con.
– Bác đừng nói thế, con cũng vì anh ấy mới chăm sóc cho anh ấy.
– Bác hiểu tâm ý của con, phải chi...
Huyền nghe bà nói thì chạnh lòng, cô cúi đầu thở dài:
– Hơn ba năm nay anh ấy vẫn không hề quên.
– Nhưng dù sao thì người mất thì cũng đã mất, tại sao nó lại cố chấp như thế, bác thật rất phiền lòng khi thấy nó đối xử với con như thế lần này bác nhất quyết không thể chìu theo ý của nó.
– Bác! Con xin bác khoan hãy nói gì với anh ấy.
– Tại sao lại khoan, đã hơn ba năm rồi, giờ nó cũng đã mạnh mẽ, chẳng lẽ nó để con chờ đợi nó đến suốt đời?
– Là do con tự nguyện, không phải do anh ấy, con không muốn miễn cưỡng anh ấy như thế chỉ làm cho anh ấy chán ghét con thôi.
Cả hai không biết rằng Tùng đang đứng ở ngoài nghe rõ câu chuyện của họ, anh chờ cho mẹ đi khuất mới bước vào:
– Anh về rồi đó à?
– Ừm!
– Em chờ anh mãi không biết anh đi đâu.
– Có việc gì không?
Huyền có vẻ phật ý khi thấy Tùng thờ ơ trước sự lo lắng của mình, cô hờn lẫy nói:
– Không.
– Không thì thôi anh vào phòng đây! Không cần anh đưa về chứ?
–!!!
– Sao?
–!!!
– Sao em không nói?
– Em nói gì chứ? Nói là em lo lắng cho anh, nói là em muốn được luôn thấy anh bên em, nói là không muốn thấy anh buồn phiền, để rồi thấy anh nhăn nhó khó chịu!
– Huyền! Có phải em đã thấy mệt mỏi khi ở bên anh?
Huyền buồn bã lắc đầu:
– Em không mệt mỏi.
– Em đừng nói dối nữa, hơn ba năm rồi!
Huyền thẩn thờ:
– Phải, hơn ba năm rồi nhưng tình yêu mà em dành cho anh không phôi phai theo thời gian, em có thể chờ đợi, có thể vì anh mà chờ đợi - Huyền ngậm ngùi nói tiếp - Có đôi lúc em cũng muốn bỏ cuộc trước thái độ hững hờ lạnh nhạt của anh, em rất tủi thân, rất buồn nhưng em vẫn không thể nào sống được khi mà không có anh ở bên cạnh em, hơn ba năm qua em tự buộc cho mình cái trách nhiệm, cái bổn phận phải lo lắng phải chăm sóc cho anh, phải chia xẻ và cảm thông với nỗi buồn và cả nỗi vui của anh. Anh Tùng! Thật ra em không mệt mỏi mà là anh mệt mỏi, có phải thế không?
–!!!
Ánh mắt của Huyền vời vợi nỗi đau khó tả:
– Anh đã mệt mỏi vì bị em bám sát, bị em làm phiền có phải thế không? Em hiểu tình cảm là không thể cương ép hay van nài xin xỏ được, nhưng em vẫn cứ nắm níu hy vọng một ngày nào đó em sẽ có anh, có thể là vì anh cảm nhận được tình yêu chân thành của em, có thể anh thấy được ở em, có một phần phân nửa của anh mà anh không thể thiếu.
– Quả thật là anh không nghĩ có một ngày nào đó, em sẽ xa anh, anh biết anh có lỗi với em, càng thấy em tận tụy quan tâm cho anh, anh càng áy náy, cứ như có một sức ép đè nặng lên anh, anh cảm thấy mệt mỏi lắm, anh không muốn chịu đựng cái áp lực đó.
Huyền bần thần nhìn sững Tùng. Mãi một lúc sau cô mới buồn bã lên tiếng:
– Thì ra em đã gây cho anh nhiều áp lực như thế!
– Anh xin lỗi! Anh không muốn làm tổn thương em, nhưng anh cũng không muốn lúc nào anh cũng mang tâm trạng của một người mắc nợ.
Huyền chua xót hỏi:
– Mắc nợ ư?
– Phải, anh cứ luôn thấy anh mắc nợ em và không biết làm sao, làm cách nào để trả nợ cho em mà không phải...
– Không phải sao?
– Không phải đáp lại tình cảm của em.
Huyền thấy như có ai đó vừa tát vào mặt mình, cái tát không đau nhưng lại làm cho cô xót xa như muối xát vào lòng, cô cúi đầu, cắn chặt lấy vành môi để không khói bật lên tiếng nấc nghẹn cay đắng.
– Em hiểu!
–!!!
Mãi một lúc sau cô mới ngước lên nhìn Tùng, ánh mắt của cô ươn ướt ngấn lệ, Tùng không có đủ bình thản để đối mặt với đôi mắt ấy, anh quay đi thở dài:
– Em hiểu em phải làm gì, em chúc cho anh tìm được điều mà anh mong muốn, hãy giữ sức khỏe, em về đây!
– Ừm!
Tùng rất muốn gọi cô lại, rất muốn chạy theo ôm lấy thân hình mảnh mai nhỏ bé của cô vào lòng mà nói với cô những lời dịu dàng, trìu mến nhưng anh đã cố dằn lòng để đứng lặng bên cứa nhìn dõi theo cái dáng lầm lũi của cô xa khuất.
– Huyền! Anh xin lỗi em, anh chỉ muốn tốt cho em thôi, anh không đem lại hạnh phúc cho em đâu.
Bà Toàn bước ra với ánh mắt trách hờn bà nói với con trai:
– Sao con lại làm thế?
Tùng thở dài:
– Con không muốn cô ấy cứ mãi bỏ phí tuổi xuân của mình bên con.
– Con không thấy con làm thế là quá tàn nhẫn với nó sao, mấy năm qua nó chăm sóc cho con giờ con khỏe mạnh lại thì con rũ bỏ nó, con không nghĩ cho nó sao? Cũng vì có nó mà con mới được như ngày nay.
– Má, không hiểu được đâu.
– Con muốn má hiểu điều gì nữa, con Ngân nó đã chết hơn ba năm nay rồi, con còn muốn chờ đợi điều gì ở nó nữa, người chết thì đã chết, còn người sống vẫn còn phải ăn uống nghỉ ngơi và yêu ghét, sao con lại muốn cho người sống cũng như người đã chết.
– Má!
– Đừng để cho mình phải hối hận, cuộc đời con người rất ngắn ngủi đừng bao giờ đánh mất cơ hội dành cho mình, đừng để cho nó đi.
– Con không làm khác được, má có biết vì sao con đồng ý đi chữa bệnh không, vì con muốn Huyền không còn cái cớ gì để nắm níu và ở lại bên con.
– Con nói vậy là sao?
– Mấy năm qua con hiểu tâm ý của Huyền dành cho con, con đâu phải gỗ đá!
Đã nhiều lần con khuyên cô ấy rời xa con nhưng cô ấy cứ viện dẫn lý do vì muốn ở lại chăm sóc cho con, cô ấy không thể bỏ con khi con đang bệnh tật, con không muốn cô ấy buộc đời mình vào con.
– Má không biết con chê nó ở chỗ nào? Nó không đẹp hay là không đoan trang thùy mị.
– Con không chê cô ấy nhưng con không muốn làm cô ấy khổ.
– Con còn nhớ đến con Ngân à?
Tùng thở dài, ánh mắt của anh rũ buồn, anh đáp:
– Cho đến giờ phút này con cũng không tin là Ngân đã chết, con luôn thấy như cô ấy đang ở đâu đó quanh đây.
– Tùng! Má hiểu con thương nó, nhưng làm sao mà có chuyện đó, nếu vậy thì ba năm qua cũng có người gặp nó. Vả lại nó còn cha mẹ, chẳng lẽ nào nó lại không về thăm họ sao!
Nghe mẹ nói Tùng chợt nghĩ ra một ý, sao anh không nhớ tới điều đó, đã hơn ba năm qua, anh không đến nhà Ngân để hỏi tin tức về cô ấy!
– Má nói con mới chợt nhớ ra, đã lâu con không đến thăm ba má con bên ấy.
Bà Toàn vội cản con:
– Con sang bên đó làm gì? Họ không tiếp con đâu, rồi lại sinh chuyện.
– Má, cho dù thế nào cũng là đạo nghĩa, con phải sang thăm ba má con và xin lỗi họ.
– Con đã xin lỗi họ bao nhiêu lần rồi, có phải chưa đâu, nhưng mà họ đâu có thèm quan tâm đến con.
– Cũng phải thôi má à, là lỗi của con, nếu như má, má có tha thứ cho con dễ dàng thế không, ba má con chỉ có mỗi mình Bạch Ngân là con, họ cưng chìu yêu thương cô ấy lắm, thế mà khi gả về cho con, con đã khiến cho cô ấy phải tự tử, con là một thằng tồi!
Thấy con dằn vặt đau khổ thì bà Toàn khuyên nhủ:
– Chuyện đã qua rồi nhắc lại làm gì, má không muốn con sang bên ấy cũng vì không muốn họ làm tổn thương con.
– Phải chi lúc ấy con đừng nông nổi, đừng quá khắc nghiệt với cô ấy, thì cô ấy đã không uất ức mà đi tìm cái chết, chỉ tại con dồn ép có ấy đến đường cùng, càng nghĩ con càng không thể tha thứ cho mình.
Con cũng nhận sự trừng phạt rồi, mấy năm trời tàn tật, phải ngồi trên xe lăn chẳng lẽ không đủ trả nợ cho nó sao?
– Làm sao có thể so sánh như thế được con còn mạnh sống trong khi đó cô ấy thì không biết chết sống thế nào, nếu như còn sống, cô ấy sống ra sao với sức vóc mảnh mai yếu đuối, không có tiền không có nhà, không cả người thân má nghĩ đi.
– Má hiểu! Nhưng con đòi sang bên đó má không đồng ý, chẳng ích lợi gì không chừng họ còn đánh mắng cho con một trận thì có.
– Con cũng mong họ đánh mắng con để con thấy tội lỗi của mình nhẹ đi.
– Con khờ dại quá, vã lại sau khi em Ngân nó mất tích, má và ba cũng đền bồi cho họ nhiều rồi, cả khu đất để xây khách sạn, cả mấy mẫu cao su, còn bao nhiêu hợp đồng làm ăn ba con cũng nhường cả cho họ, giờ họ mới ung dung sống sung sướng như vậy, ba má cũng đâu có hẹp hòi, con đừng sang bên đó nữa, chỉ khiến cho con đau lòng thêm thôi!
Thấy mẹ ra sức cản ngăn Tùng đành thôi, không nói đến chuyện đó nữa.
Ngôi Sao Định Mệnh Ngôi Sao Định Mệnh - Ted Brusaw, Siegfried Knappe