Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Lạc Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 214 / 14
Cập nhật: 2019-11-12 00:07:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25 - Bất Ngờ Trong Tháng Chạp
ôm sau là một ngày trống trơn và ủ rũ. Không ai muốn cố gắng lo cho một ngày Giáng Sinh vắng Mary. Chỉ có những quà tặng cho Carrie và Grace đã được cất giấu và mặc dù hôm sau mới là Giáng Sinh, cả nhà vẫn mở hộp quà nhỏ do Mary gửi về.
Nhà trường đóng cửa nghỉ trọn tuần nên Laura biết là cô nên dồn thời gian để lo học, nhưng cô không thể nào đụng tới sách vở. Cô nói:
- Học bài ở nhà chẳng còn chút thú vị gì khi không có Mary cùng học.
Bữa trưa đã qua và căn nhà hoàn toàn ngăn nắp nhưng hình như vắng hoe khi trên chiếc ghế đu không có Mary. Laura đứng nhìn ngơ ngẩn quanh phòng tựa hồ đang cố kiếm một thứ gì bị mất. Mẹ đặt tờ báo của nhà thờ xuống nói:
- Phải nói là Mẹ không quen nổi với việc không có nó ở nhà. Bài thơ nàycủa một nhà truyền giáo rất hay nhưng Mẹ phải đọc lớn cho Mary nghe để bù lại một thời gian dài Mẹ không thể đọc một mình.
- Con mong là Mary không đi đâu!
Laura buột nói nhưng Mẹ nhắc là không nên như thế. Nó đang học hành rất tiến bộ và thật kỳ lạ là nó học được nhiều tới thế, nào may máy, nào chơi đàn và còn làm nổi những xâu chuỗi thật đẹp.
Hai mẹ con đều nhìn về chiếc bình nhỏ làm bằng những hạt chuỗi li ti xanh, trắng gắn với nhau rất chắc bằng những sợi dây kim loại tinh vi do Mary làm để làm quà Giáng Sinh cho cả nhà. Chiếc bình được đặt trên bàn giấy gần Laura. Cô bước tới vuốt nhẹ ngón tay trên các hạt chuỗi xung quanh khi Mẹ tiếp tục nói:
- Mẹ chỉ hơi lo về việc không biết xoay sở ra sao để có tiền may cho nó một số quần áo cần dùng trong mùa hè và gửi cho nó một số tiền nhỏ để chi xài. Nó đang rất cần một tấm bảng để học chữ Braille. Mấy thứ đó tốn kém lắm.
Laura hăm hở nói:
- Còn hai tháng nữa là con tròn mười sáu rồi. Có thể con sẽ có chứng chỉ vào mùa hè tới. Mẹ nói:
- Nếu vào năm tới mà con được đi dạy một khóa thì mình có khảnăng đón Mary về nghỉ hè ở nhà. Nó đi xa như thế nên rất cần có một thời gian về nhà và tốn kém cũng chỉ gồm chi phí đi xe lửa thôi. Nhưng mình không thể đếm gà trước khi trứng nở.
Laura thở ra:
- Cách nào thì con cũng phải học cho tốt hơn.
Cô thấy xấu hổ vè sự rảnh rang buồn chán của mình khi Mary kiên trì hoàn chỉnh một công trình với những hạt chuỗi li ti mà cô không thể nhìn thấy. Mẹ lại cầm tờ báo lên và Laura cúi xuống cuốn sách nhưng cô chưa thể xốc mình lên nổi khỏi sự bơ phờ. Carrie nhìn qua cửa sổ và thông báo:
- Ông Boast đang tới! Có một người kháccùng đi! Bâygiờ ông ấy đã đến cửa rồi!
Mẹ nói:
- Ông ấy kìa.
Laura mở cửa và ôngBoast bước vào, nói:
- Mọi người khỏe hết chứ? Đây là ông Brewster.
Đôi ủng của ông Brewster, chiếc áo khoác dầy và những bàn tay của ông chứng tỏ ông là một chủ trại. Ông không nói nhiều. Mẹ lên tiếng khi mang ghế tới cho hai người:
- Anh khỏe không? Anh Ingalls đang loanh quanh đâu đó trong thị trấn. Còn chị Boast ra sao? Tôi rất buồn khi chị ấy không cùng đi với anh.
Ông Boast nói:
- Tôi không dự trù tới đây. Chúng tôi chỉ ghé lại chốc lát để nói với cô tiểu thư này.
Cặp mắt đen của ông hướng về phía Laura. Cô hết sức kinh ngạc. cô ngồi thẳng người khi nghe Mẹ nhắc, hai bàn tay khoanh trước bụng và những chiếc giầy đưa về phía sau giấu kín dưới váy, nhưng hơi thở như nghẹn lại. Cô không thể nghĩ ra ông Boast muốn nói điều gì. Ông tiếp tục:
- ÔngLew Brewster đang đi kiếm một giáo viên cho ngôi trường mới dựng ở địa phương của ông ấy. Tối qua ông ấy tới dự buổi Triển Lãm Học Đường. Ông ấy thấy rằng Laura chính là người giáo viên mà ông ấy cần và tôi cũng nói với ông ấy rằng ông ấy không thể chọn tốt hơn được.
Tim Laura dường như nhảy khỏi lồng ngực và rớt xuống đất. Cô nói:
- Nhưng cháu chưa đủ tuổi.
Ông Boast nói với cô một cách nôn nóng:
- Ui dào, Laura, có ai hỏi tuổi của cháu đâu mà cần nói đến tuổi. Vấn đề là cháu sẽ dạy tại trường đó nếu ông Thanh tra chịu cấp chứng chỉ cho cháu.
Laura không lên tiếng được nữa. Cô nhìn Mẹ và Mẹ hỏi:
- Trường đó ở đâu, thưa ông Brewster?
Ông Brewster đáp:
- Cách đây mười hai dặm về phía nam.
Tim Laura nặng chịch. Ở xa nhà như thế giữa những người lạ, phải dựa hoàn toàn vào bản thân và không có một sự giúp đỡ nào. Cô không thể về nhà cho đến khi khóa học chấm dứt. Đi và về mười hai dặm là quá xa. Ông Brewster tiếp tục nói:
- Đây là một khu vực nhỏ, chưa hoàn tất việc định cư ở xung quanh. Chúng tôi chưa có khả năng mở các khóa học kéo dài hơn hai tháng và số lương mà chúng tôi có thể trả nổi là hai mươi đô-la một tháng cộng thêm nuôi ăn. Mẹ nói:
- Tôi thấy số lương đó có vẻ hợp lý rồi.
Laura nghĩ vậy là được bốn mươi đô-la. Bốn mươi đô-la! Cô không ngờ nổi rằng cô có thể kiếm được món tiền lớn như thế.
M ẹ nói thêm:
- Tôi biết là anh Ingalls sẽ dựa theo ý kiến của anh, anh Boast.
Ông Boast nói:
- Lew Brewster và tôi quen biết nhau từ hồi ở miền Đông. Đây là một dịp tốt cho Laura nếu cháu chịu làm.
Laura căng thẳng tới mức không lên tiếng được. Cô cố để không lắp bắp:
- Dạ. Cháu rất mừng nếu có thể đi dạy được.
Ông Boast nói khi cùng ông Brewster đứng lên:
- Vậy thì chúng tôi phải lo tiền cho kịp. Williams đang ở trong thị trấn. Nếu chúng tôi gặp được ông ấy trước khi ông ấy lên đường trở về thì ông ấy sẽ tới và trắc nghiệm cháu ngay bây giờ.
Hai người chào Mẹ và vội vã bước ra. Laura hổn hển:
- Trời ơi, Mẹ! Mẹ thấy con có qua nổi cuộc trắc nghiệm không?
Mẹ nói:
- Mẹ tin là con qua được. Đừng quá căng thẳng hay hoảng sợ. Không có cơ may nào như vậy đâu. Cứ coi như đây là một cuộc thi trắc nghiệm ở trường và con sẽ làm tốt.
Chỉ một lát sau Carrie lại kêu lên:
- Bây giờ chắc là ông ta…
Mẹ nói gần như gắt:
- Ông ta đó.
- Ông ta đang tới… mà không có tiếng động, Mẹ…
Mẹ nói:
- Đừng huyên thuyên nữa.
Carrie kêu lớn:
- Đúng là đi thẳng tới từ cửa hàng sắt Fuller!
Tiếng gõ cửa nổi lên. Mẹ bước tới mở cửa. Một người to lớn, mặt tươi tỉnh, thân mật tự giới thiệu với Mẹ rằng ông ta là Williams, thanh tra giáo dục trong hạt. Ông nói với Laura:
- Thì ra là cô gái này muốn có một chứng chỉ! Vậy thì không cần thiết phải có một cuộc thi trắc nghiệm. Tối qua tôi đã có dịp nghe cô rồi. Cô đã trả lời tốt tất cả các câu hỏi. Nhưng tôi thấy trên bàn của cô đang có sẵn bảng và bút nên mình cũng thử dùng một chút.
Họ cùng ngồi xuống bên chiếc bàn. Laura giải vài đề toán, đánh vần, trả lời những câu hỏi về địa lý. Cô đọc một đoạn hùng biện của Marc Antony về cái chết của Ceasar. Cô cảm thấy thoải mái được ngồi nhà cùng ông Williams trong lúc cô phác họa sơ đồ cấu trúc các câu văn trên tấm bảng và phân tích thật nhanh. Sau một vài câu, ông Williams tỏ ra hài lòng. Ông nói:
- Không cần phải kiểm tra cô về môn sử. Tối qua tôi đã nghe cô tường trình về sử rồi. Tôi sẽ giảm bớt của cô một số điểm vì tôi không thể cấp chứng chỉ cao hơn mức điểm hạng ba cho cô trước năm tới. Tôi có thể mượn dùng bút mực không?
M ẹ chỉ cho ông ta thấy:
- Có sẵn tất cả trên bàn giấy. Ông ngồi xuống bàn giấy của Bố, trải ra một tấm chứng chỉ chưa có chữ ghi. Khoảng thời gian đó không có một tiếng động nhỏ, ngoại trừ tiếng ống tay áo của ông chà xát trên mặt giấy. Ông chùi sạch ngòi bút bằng tấm khăn lau bút, đóng nắp lọ mực và đứng lên, nói:
- Chứng chỉ của cô đây, cô Ingalls. Ông Brewster nhờ tôi nhắn lại cô rằng trường khai giảng vào ngày Thứ Hai tới. Ông ấy sẽ đến đón cô vào Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật tùy theo thời tiết. Cô đã biết trường ở cách phía nam thị trấn này mười hai dặm chứ?
Laura đáp:
- Dạ, thưa ông. Ông Brewster có nói rõ.
Ông nói một cách thân mật:
- Thôi, chúc cô may mắn.
Laura trả lời:
- Cảm ơn ông.
Khi ông ta chào Mẹvà bước đi, tất cả quây lại đọc tấm chứng chỉ:
BỘ GIÁO DỤC Dakota Hạt Kingsbury
Chứng Chỉ Giáo Viên
Chứng nhận rằng: Cô Laura Ingalls đã được chính tôi kiểm tra trắc nghiệm học lực về các môn: ĐỌC, VIẾT, CHÍNH TẢ, TOÁN, NGỮ PHÁP TIẾNG ANH, ĐỊA LÝ, LỊCH SỬ và đã chứng tỏ có đủ năng lực chuyên môn cùng tinh thần đạo đức để được cấp phát:
CHỨNG CHỈ CẤP BA
Được phép dạy tại mọi chi nhánh các trường cộng đồng thuộc toàn hạt trong các khóa học mười hai tháng
Ngày 24 tháng 12 năm 1882
Geo. A. Williams Tổng Thanh Tra Học Đường Hạt Kingsbury – D.T
Kết quả kiểm tra: Đọc 62, Viết 75, Lịch Sử 98, Ngữ Pháp Tiếng Anh 81, Toán 80, Địa Lý 85.
Laura vẫn cầm tờ giấy đứng ở giữa phòng khi Bố bước vào nhà. Bố hỏi:
- Gì vậy, Laura? Trông con giống như đang bị tờ giấy đó cắn.
Laura nói:
- Bố ơi! Con là giáo viên rồi.
Bố nói:
- Cái gì! Caroline, chuyện gì vậy? Laura đưa cho Bố tờ giấy chứng chỉ và ngồi xuống:
- Bố đọc đi. Ông ấy không hỏi con bao nhiêu tuổi.
Bố đọc tấm chứng chỉ trong lúc Mẹ kể vềtrường học.
- Anh sướng điên lên mất!
Bố ngồi xuống, đọc lại thật chậm tấm chứng chỉ. Bố nói:
- Tuyệt vời! Thật tuyệt vời vì nó mới mười lăm tuổi.
Bố nói một cách thật sôi nổi nhưng giọng Bố bỗng dịu xuống vì lúc này Laura sắp đi xa rồi. Laura không nghĩ nổi điều gì khi sẽ tới dạy ở một trường học cách xa mười hai dặm và chỉ trơ trọi một mình giữa những người lạ. Cô không muốn nghĩ thêm về việc đó nữa. Cô không muốn đi. Nhưng cô tự nhủ càng nghĩ ít tới chuyện đó càng hay, vì cô cần phải đi và cô cần phải đối mặt với bất kỳ điều gì sẽ xảy tới.
Cô lên tiếng:
- Bây giờ thì Mary có thể có mọi thứ cần dùng và sẽ được về nhà vào mùa hè tới.
Cô hỏi Bố:
- Ôi, Bố! Bố nghĩ là con… con có thể dạy được không?
Bố nói:
- Được, Laura. Bố tin chắc là con làm được.
Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên - Tập 7 - Thị Trấn Nhỏ Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên - Tập 7 - Thị Trấn Nhỏ - Laura Ingalls Wilder Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên - Tập 7 - Thị Trấn Nhỏ