Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1436 / 9
Cập nhật: 2015-07-10 14:33:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
úy Đoan cựa mình thức giấc. Cô bé quay nhìn đồng hồ, ba giờ trưa. Giờ này có lẽ ba má cô bé đã có mặt và đang dự tiệc tại nhà người bạn. Trời hơi oi, thật hiếm những cơn cơn gió nhẹ.
Bên căn nhà gỗ, dường như chị em con Én đang tranh giành nhau vật gì đó. Đoan ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ. Mắt cô bé bỗng sáng lên khi thấy cuốn chuyện “Chú gấu trắng” trong tay con Én.
Con Én nói với thằng Báo:
- Tao kiếm được là của tao chớ.
- Của chị từ hồi sáng tới giờ rồi, bây giờ chị phải cho em coi mới được.
- Nhưng tao chưa coi xong.
- Có mấy cái hình mà coi gì lâu dữ vậy? Ai tin…
Chị Hiền từ trong nhà bước ra:
- Này, làm gì mà ồn lên vậy. Để cho ông nội ngủ một chút chớ.
Con Én:
- Tại thằng Báo đó dì.
Thằng Báo cãi lại:
- Tại chị thì có.
Chị Hiền phân xử:
- Đâu nào, chuyện gì thì nói cho dì nghe rồi dì xử cho…Hai đứa thật lắm chuyện…
Thằng Báo kể:
- Chị ấy lấy được cuốn sách rồi giữ coi từ sáng tới giờ mà không chịu cho con coi gì hết.
- Giữ từ sáng tới giờ thì có, nhưng tao chưa coi gì cả, làm sao cho mầy được.
- Chị xử ức em hoài…
Chị Hiền:
- Đâu? Cuốn sách gì đâu?
Con Én chìa cuốn truyện “chú gấu trắng” ra:
- Hồi sáng sớm này con tìm thấy trong thùng rác đó dì.
Đoan đã hiểu vì sao khi dì Bảy ra ngoài thùng rác tìm cuốn truyện lại không thấy. Con Én đã nhặt được trước đó, đem giữ một chỗ rồi còn đâu.
Chị Hiền lật coi cuốn truyện. Thằng Báo chạy vòng ra sau lưng chị để coi chung. Con Én cũng vậy, đứng phía bên kia. Chị Hiền ngồi giữa hai đứa cháu, cười với chúng và hỏi:
- Sao, bây giờ còn cãi nhau nữa hết? Dì cầm cuốn sách cho cả hai đứa coi… Chịu không?
Con Én:
- Dạ chịu…
Thằng Báo:
- Hay là dì kể luôn truyện trong đó cho tụi con nghe đi dì.
- Phải đó, dì kể cho tụi con nghe đi dì… sách gì mà kỳ quá, con đọc hoài không ra chữ gì hết…
Chị Hiền cười với Én:
- Sách bằng tiếng Pháp đó, làm sao con Én đọc được mà đòi.
- Tiếng Tây đó phải không dì?
- Ừ.
- Con ghét Tây lắm dì à… Cô giáo con dạy vậy đó. Họ ác lắm phải không dì?
- Ừ. Thực dân nào mà hiền được…
- Vậy mà sao dì biết tiếng Tây? Dì học tiếng Tây hả?
- Ừ. Người Pháp thực dân tuy có ác thật nhưng mình học là học cái văn hóa của họ chớ đâu phải mình nô lệ họ. Mà thôi, để dì đọc sơ qua rồi dì dịch cho hai đứa nghe…
Con Én, thằng Báo ngồi im lặng đợi nghe. Đoan cũng muốn biết rõ câu chuyện “chú gấu trắng” nên xích lại gần hơn cửa sổ để nghe cho rõ. Buổi trưa khá im lặng, cô bé có thể nghe rõ giọng kể của chị Hiền:
“Vào mùa đông, trong khi người ta tìm những nơi ấm áp để trú thì những con gấu trắng lại yêu thích tuyết băng. Chúng đùa giỡn, lội xuống nước bắt cá, chạy nhảy trên băng, chẳng biết lạnh là gì.
“Mùa Đông năm ấy, một chú gấu trắng con ra đời. Mẹ chú đặt tên cho chú là GLOUK. Chú sống với mẹ suốt mùa đông trong một cái hang bằng tuyết cho đến mùa xuân mới ra ngoài. Lúc này chú đã đủ lớn để theo mẹ đi đây đó, tập bơi lội, tập săn mồi…
“Một hôm, có một người thợ săn Esquimau xuất hiện…”“
Con Én hỏi:
- Người Ét ki mô là người gì vậy dì?
- Đó là một giống dân chỉ sống ở vùng Bắc cực. Họ làm nhà bằng tuyết và sống quây quần từng làng nhỏ…
- Ngộ ghê…
- Để dì kể tiếp nhé…
“ “… Một hôm, có một người thợ săn Esquimau xuất hiện. Ông ta gặp mẹ con GLOUK đang đùa giỡn. Gấu mẹ thấy ông ta thì biết nguy đến nơi, vội bảo GLOUK chạy trốn. Nhưng chú gấu trắng này chẳng biết sợ là gì cả, cứ đứng lì một chỗ. Người thợ săn đưa súng lên nhắm bắn gấu mẹ. Gấu mẹ không nỡ bỏ trốn một mình, chần chờ ở lại nên bị trúng đạn ngã gục trên tuyết…”“
Thằng Báo chép miệng:
- Tội nghiệp gấu mẹ ghê…
Con Én:
- Gấu con ngu quá chừng đi, thấy thợ săn mà không chịu chạy.
Chị Hiền cười:
- Cũng chưa hẳn là GLOUK ngu đâu…
- Tại sao vậy dì?
- Tại vì từ khi sinh ra đến lúc đó, nó có biết thợ săn là gì mà sợ…
- Nhưng gấu mẹ vẫn đáng tội nghiệp chứ dì?
- Ừ, thì tội nghiệp…
“ “Khi thấy mẹ bị bắn ngã gục, GLOUK mới biết sợ, chú vội vàng bỏ chạy. Nhưng người thợ săn đã rút dây lasso ra, quăng bắt được chú.
“GLOUK được dẫn về làng Esquimau. Người thợ săn định bán chú cho sở thú thì đứa con trai của ông ta ngỏ ý muốn được nuôi GLOUK. Ông ta chiều con nên giao GLOUK cho thằng bé…”“
Đoan sung sướng thấy một thắc mắc của mình đã được giải đáp. Thì ra GLOUK được làm bạn với đứa con của người thợ săn là vì thế. Bên kia căn nhà gỗ, chị Hiền vẫn kể:
“ “Thằng bé có vẻ mến GLOUK lắm đi đâu nó cũng dắt chú theo. Một hôm, thằng bé được mẹ sai đi mua đồ tại một tiệm tạp hóa trong làng. Nó dẫn GLOUK theo cho vui. Lúc về, nó thấy GLOUK có vẻ vui lắm. Thế là những lần sau, nếu có việc đến tiệm tạp hóa nó đều cho GLOUK đi theo…
“Cho đến một hôm, người chủ tiệm tạp hóa vào kho hàng kiểm đếm hàng hóa, ông ta phát giác ra rằng kho hàng của ông ta đã bị một kẻ trộm đột nhập lấy mất khá nhiều đồ ăn. Ông ta để ý rình và rồi, ông ta đã tóm cổ được chú chích…”
Chị Hiền ngừng kể, hỏi hai đứa cháu:
- Dì đố hai đứa biết kẻ trộm là ai?
Con Én:
- Một người Ét ki mô chứ gì?
Thằng Báo:
- Chắc thằng con người thợ săn?
Chị Hiền cười, lắc đầu:
- Chú gấu trắng đó!
Con Én, Thằng Báo cũng ngạc nhiên:
- Chú gấu trắng lại đi ăn trộm à?
- Để dì kể tiếp cho nghe…
“Hôm ấy, cũng như mọi khi. Lúc được người chủ nhỏ dẫn đến tiệm tạp hóa, trong lúc chủ mua đồ ở phía trước thì GLOUK lẻn ra sau, vào kho hàng qua ngõ cửa sổ để tìm cá, tôm trong những cái thùng lớn. Hôm ấy, chú trông thấy một cái thùng lớn hơn hết, chú nghĩ bụng thế nào trong đó cũng có nhiều cá tươi, hẳn phải được một bữa khoái khẩu. Thế là chú mon men tới bên chiếc thùng. Chiếc thùng cao quá, chú phải leo lên một chiếc thùng khác rồi chồm vào… để rồi ùm một tiếng… chú bị lọt tuốt vào trong cái thùng… Bấy giờ chú mới biết đó là một cái thùng rỗng…”
Chị em con Én cùng cười. Thằng Báo:
- Đáng đời chú gấu trắng nhé!
- Tham thì thâm mà.
“… Người chủ tiệm tạp hóa nghe tiếng động chỉ việc rọi đèn tìm kiếm một chút là thấy ngay chú gấu trắng đang ngồi trong cái thùng rỗng. Ông ta xách cổ chú ra phía trước cửa tiệm bắt thằng con trai người thợ săn chạy về gọi ba nó tới. Người thợ săn tới nơi và ông ta đành chịu bồi thường thiệt hại cho người chủ tiệm tạp hóa.
“Sau đó, ông ta nhất định bán GLOUK cho sở thú mặc những lời năn nỉ của thằng con. GLOUK được đưa vào sở thú và tại đây, GLOUK vui mừng vì gặp lại mẹ. Gấu mẹ kể cho GLOUK nghe nhưng chuyện xảy ra cho mình sau khi bị trúng đạn. Thì ra gấu mẹ chỉ bị thương, được băng bó rồi được bán cho sở thú. Hai mẹ con gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi nhưng sung sướng vô cùng… Từ đó, GLOUK và mẹ sống mãi bên nhau…”
Truyện hết, chị Hiền buông cuốn sách xuống. Con Én đón lấy. Thằng Báo không buồn đòi nữa, ngồi bó gối, mắt mơ màng như đang tưởng tượng ra cảnh hai mẹ con chú gấu trắng gặp lại nhau.
Con Én:
- Truyện hay quá dì nhỉ?
- Hay nhất đoạn nào?
- Đoạn hai mẹ con chú gấu trắng gặp nhau phải không dì?
Chị Hiền:
- Và đoạn gấu mẹ không nỡ bỏ con, ở lại để bị bắn ngã nữa…
Con Én:
- Gấu mẹ thương con quá dì nhỉ?
Giọng chị Hiền buồn buồn:
- Cha mẹ nào lại chẳng thương con… Hai đứa thấy không, dù phải sống trong cảnh cá chậu chim lồng, mẹ con gấu trắng vẫn vui như thường… Như thế không phải tình thương còn cần hơn cả sự tự do là gì…
Chị ngưng một chút rồi tiếp:
- Nghe chuyện này rồi hai đứa phải biết thương ba má nghe. Ba má nói gì, hai đứa đều phải nghe theo thì mới mong nên người được. Bao giờ cũng vậy, có cha có mẹ vẫn hơn…
Đoan thấy đôi mắt chị Hiền hơi đỏ lên. Có lẽ chị tủi thân khi nghĩ đến cảnh mồ côi của mình.
Chị Hiền nói đúng. Tình thương mới là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nhưng có cha có mẹ vẫn hơn… Đoan nghĩ lại hoàn cảnh của mình. Ba má còn đó, cưng chiều, lo lắng cho đầy đủ đó, sao cô bé vẫn buồn? Ba má ơi! Phải chi ba má biểu lộ tình thương bằng những lời nói, bằng những cử chỉ trìu mến thương yêu thay vì bằng những món quà đắt giá, những trùm nho thơm ngon, những cân táo ngọt bùi…? Vâng, con chỉ cần xin ba má bấy nhiêu thôi… Nhưng làm sao cho bá má biết được bây giờ?
Ngoài Cửa Sổ Ngoài Cửa Sổ - Nguyễn Thái Hải Ngoài Cửa Sổ