Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Ninh Hạ
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 916 / 4
Cập nhật: 2016-06-27 09:57:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giữa Hà Nội Tìm Mai
1.
Tin từ Baltimore, Maryland (2/30).
Sau một thời gian nằm bệnh vì chứng ung thư não phải giải phẫu, mù mắt trái, nhà thơ Mai Trung Tĩnh đã qua đời lúc 9 giờ 25 ngày 20 tháng 2 năm 2002 tại Nursing Home của thành phố Baltimore, Maryland. Hưởng thọ 65 tuổi…
Trong ký ức mù mờ tháng ngày vật vả tù đày, những chuyện, những người như bị phủ lấp giam kín, cất kỹ dưới tầng tầng lớp lớp phù sa tiềm thức, quên lãng. Cho đến một thời khắc bất ngờ nào đó, bỗng vỡ bùng sáng tỏ. Hiển hiện rõ ràng như đang xẩy ra ở đây bây giờ. Đậm cả mùi không gian và màu thời gian. Mai Trung Tĩnh, người bạn thường quên và chợt nhớ mà những kỷ niệm chừng phôi pha bỗng đến với tôi như vậy đó vào một buổi sáng rất lạnh. Một buổi sáng mùa đông Chicago muốn lẩn trốn. Một buổi sáng ở Mỹ, nặng nề với muộn phiền riêng, ngất người những âu lo. Một buổi sáng tiếc nhớ những sớm mai mù sương lãng đãng se lạnh, bạn bè mấy đứa câu giờ nhâm nhi từng giọt cà phê nóng rực đậm mùi ở quán nghèo bên vỉa đường Sàigon. Hạnh phúc ở đâu? Trong căn phòng tiện nghi này hay nơi góc phố quê hương? “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người tới chốn lao xao.”
Tin chẳng vui, lại rất đỗi thương tâm của bạn, quặn thấm trong tôi sự phi lý mong manh của kiếp phù sinh. Phan Nhật Nam từ Minesota gọi về cho biết, vừa đi thăm Mai Trung Tĩnh. Anh không còn “Tĩnh”, mà đã từ lâu hôn mê trên giường bệnh. Anh đang đi dần vào cõi chết. Có lúc chợt trở về cõi thế, anh tỉnh táo nhận ra bạn bè đứng ngồi quanh giường bệnh. Đủ tĩnh để trả lời thắc mắc của Lê văn Phúc về ý nghĩa bút hiệu Mai trung Tĩnh. Mai Trung Tĩnh? Yên tĩnh trong rừng mai.
Vương đức Lệ, Lê văn Phúc, Hoàng song Liêm và những người bạn thủy chung muốn cho anh niềm vui hay như một phúng điếu sống để anh có thể nhìn và cảm trước lúc tử biệt. Một tập thơ được xuất bản. Góp những bài thơ nổi tiếng của anh từ những thi tập 40 BÀI THƠ, NGOÀI VƯỜN ĐỊA ĐÀNG, NHỮNG BÀI THƠ XUÔI...
Tôi bỗng nhận ra Yên tĩnh, từ ngữ phản ảnh đúng nhân cách và phong cách của Nguyễn thiệu Hùng, tên khai sinh của nhà thơ điềm đạm. Anh mơ được yên tĩnh trong rừng mai. Trong đời sống thực, ở đâu lúc nào anh cũng đã là người yên tĩnh. Rất yên tĩnh. Không khấy động ai. Năm 1963 động viên vào quân trường Thủ Đức một khoá thế mà bao chục năm tôi không hề biết. Trước đó vào năm 1961-1962 anh cùng với Vương Đức Lệ nhận giải thưởng văn chương toàn quốc với bộ môn thơ, nghĩa là đã khá nổi tiếng trong giới văn chương nghệ thuật. Thế mà các bạn đồng khóa ít ai biết đến anh. Anh quả thật quá yên tĩnh. Vào thời gian đó tôi có đọc thơ anh thỉnh thoảng trên tạp chí Sáng Tạo, nhưng tôi nhớ anh không phải vì những vần thơ năm chữ, bảy chữ hay những bài thơ xuôi tự do phảng phất hiện sinh, mà vì bút hiệu rất thơ rất lạ cuả anh, Mai Trung Tĩnh.
Trước 1975, những người mặc đồ trận đi giày sô, nhất là những người sống ở đơn vị xa gia đình như chúng tôi, đêm đêm theo dõi tiếng nói êm ngọt nũng niụ của xướng ngôn viên trong chương trình Dạ Lan. Từ lính đến quan, rất nhiều người tương tư tiếng nói quyến rũ Dạ Lan, như Mị Nương si tình tiếng sáo Trương Chi. “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Nghe tiếng chẳng thấy người. Sống với nhau mấy năm ở Vĩnh phú (Bắc việt) cùng trại cải tạo, cùng nhà, tôi cũng không hề nghe anh hoặc có người cho biết Trưởng ban Chương Trình của Đài phát thanh quân đội, người phụ trách chương trình Dạ Lan nổi tiếng đó từ 1965 đến1972 là Mai Trung Tĩnh. Mấy năm gần nhau tôi thấy anh chẳng có mảy may dáng dấp của một sĩ quan mà đặc sệt là một nhà giáo như nghề nghiệp thật của anh trước khi vào lính. Với đôi kính cận gọng đồi mồi nặng nề, tôi thường đùa. Thuở sinh tiền ông hẳn to con và đẹp trai”
“Tôi ngẩng cao đầu nhìn bốn phía
Chẳng cạnh bờ nào cho ngón tay tôi bấu vịn
Cuộc đời thản nhiên trơn như vết dầu loang
Đẩy tôi đi trên nhưng đường vô định.”
Mai Trung Tĩnh
Trong khốc liệt triền miên bom đạn, chẳng phải riêng anh mà cả mấy thế hệ Việt nam có ai chọn được cho mình một hướng đời hữu định. Thế nên…
2.
Tin từ Baltimore (tiếp).
Tháng 5năm 1975 Mai Trung Tĩnh bị tập trung cải tạo. Sau năm 1990 ông vào tù lần thứ hai trong vụ Diễn đàn tự do của Giáo sư Đoàn Viết Họat cho đến năm 1994. Tổng cộng 11 năm…
Từ Sơn La núi rừng bọc phủ, chúng tôi đột ngột bị áp tải về Vĩnh Phú để tránh vụ tiến đánh cuả Trung cộng doc biên giới Việt Hoa năm 1979. Ở trại K5 Tân Lập Vĩnh phú, tôi gặp Mai Trung Tĩnh. Tôi và anh khác đội nhưng ở chung nhà giam. Tôi ở đội bếp. Anh chưa già nhưng bệnh, nên được sung vào đội già yếu bệnh tật. Thay vì đi lao động ngoài trại, đội của anh được xuống nhà bếp làm việc nhẹ như nhặt rau, gọt vỏ khoai mì hay đan lát. Ngày hai buổi, ngoài khẩu phần lương thực, các anh được thêm một miếng cơm cháy bằng ba ngón tay gọi là để bồi dưỡng. Ở tù cộng sản thì ai cũng phải đói rã ruột. Khốn nỗi anh không chịu được đói nên bạ gì ăn đó. Đã bệnh lại càng bệnh thêm. Rất thương! Vào một ngày nắng lạnh trước Tết. Cả trại bàn tán xôn xao tin sắp có đợt tha. Tôi dửng dưng. Loại binh chủng ngành nghề an ninh, biệt kích, tình báo như chúng tôi, cứ chuyển trại vào sâu vùng hiểm hóc thì vội vã chuẩn bị. Chắc chắn thế nào cũng có tên. Lệnh tha trong lúc hạn tù chưa vượt quá mười năm thì đừng có mà mong.
Nhưng ở đời có những chuyện không tin mà có thật. Tôi có đứa cháu, con người bạn cùng đơn vị, thuộc loại tù nhí, rất trẻ. Mới hai mươi mấy tuổi, đẹp trai, nhanh nhẹn dễ thương mà lại hoa tay viết chữ rất đẹp. Tù vì theo Phong trào Phục quốc sau 1975. Vào trại được tên cán bộ giáo dục, một trong mấy chức phận quyền uy, tin cậy chọn làm thư ký kiêm tà lọt. Sai làm đủ mọi thứ việc. Ngược laị cũng nhận được nhiều đặc ân. Không ở buồng giam, không dầm mưa giãi nắng lao động khổ sai. Áo quần sạch mới, không tả tơi rách vá chằn đụp. Tù mà được như vậy đã là tiên. Chiều hôm đó cậu ta xuống bếp lãnh phần ăn tối, ra dấu gọi tôi ra góc nhà. Lấm lét nhìn trước sau, cười vui.
“Chú có tên tha đợt này.”
“Xạo.”
“Thật. Chú đừng nói với ai. Chết cả chú lẫn cháu.”
Tự nhiên tôi có linh cảm là sự thật.
“Sao cháu biết? Có chắc không? Đừng làm chú mừng hụt nghe!”
“Cháu đang chép danh sách. Có tên chú và tên con.”
Thấy tôi ngẩn người. Như đã chuẩn bị, nó đọc rõ tên vợ tôi, địa chỉ nơi về. Nói xong nó mừng khóc. Tôi cười nghẹn.
“Cám ơn cháu.”
“Nhớ nghe chú. Đừng nói cho ai. Tuần sau mới công bố.”
Tin thì có tin, nhưng tôi vẫn rất hồi hộp.
Mấy ngày sau thì một số lớn những người được tha, trong đó có tôi, được tên cán bộ quản giáo đội gọi lên cho biết bán chính thức và lại dặn dò đừng cho ai biết. Nhưng mọi người đã biết. Trại xôn xao hy vọng. Mai Trung Tĩnh đến gặp tôi. Lén gửi thư dặn đem về cho vợ. Hàng chục anh em khác cũng tin cậy gửi gắm. Họ biết chắc bằng cách nào tôi cũng tìm cách dấu diếm những lá thư để đưa lọt về gia đình.
Thời gian sau đó khi về Saigon, hơn tháng trời, tôi và đứa con gái mười ba tuổi trên chiếc xe đạp cà rịch, ngày ngày tìm đến những địa chỉ khắp cùng ngõ ngách. Trao thư tận tay những người vợ, người mẹ, người cha, người tình. Saigon, Thủ đức, Biên Hoà. Nơi xa xôi thì gửi theo bưu điện.
Qua việc làm này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện buồn vui tủi nhục của những bạn bè cùng cảnh đang còn kẹt trong tù, mà ngày về thì biết đến bao giờ. Tôi đã có ý định ghi lại những nghịch cảnh gia đình xã hội này, nhưng cuối cùng không thực hiện vì trân trọng những đau thương đổ vỡ riêng tư.
Một ngày trước khi tha, tôi và Thanh Tâm Tuyền, cùng một người bạn trẻ rất khí khái, vốn là học trò của chúng tôi, có bữa ăn đạm bạc chia tay. Thanh Tâm Tuyền lại giao thêm cho tôi một trách vụ hiểm nghèo khác là đem ra những bài thơ của anh sáng tác trong thời gian ở tù, viết trên những dung giấy nhỏ. Nhiều bài thơ này đến với những người hâm mộ trong thi tập “Thơ ở đâu xa” đã được Cơ sở Văn xuất bản tại Mỹ năm 1999. Đem lén cả hàng chục lá thư gửi về gia đình lại thêm thơ lậu của Thanh Tâm Tuyền, qua mặt cán bộ ra khỏi trại là một điệp vụ”căng thẳng. Có kẻ lén báo, cán bộ nhân lực, tức là an ninh trại, chận xét tại cổng nhưng tôi đã chuyển giao cho anh bạn trẻ Phan cảnh Phùng trước đó không lâu. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.
Lúc ngồi với nhau, Thanh Tâm Tuyền cười nói.
“Biết đâu ngày mai không phải là chú mà là tôi.”
Không phải Nguyễn Đức Tâm mà là Dư văn Tâm, tên thật của nhà thơ tự do. Lời nói ỡm ờ này không ngờ lại đúng một phần. Nếu đúng thật thì quá tội cho tôi. Lúc đọc lệnh tha cả hai Tâm đều trúng số và có thêm Nguyễn Thiệu Hùng, Mai Trung Tĩnh. Một buổi sáng cuối năm lạnh nhẹ và sương mù. Bên bờ nhánh sông Thương hiền hoà. Chúng tôi, có cả Mai Trung Tĩnh và Thanh Tâm Tuyền, ngồi tụm hút thuốc rê, chia nhau gô trà mộc thơm và nóng đậm. Ôi tuyệt vời những giây phút đầu tiên, tạm gọi là tự do, sau bao nhiêu năm tù đày. Chúng tôi ngồi chờ ca nô xuôi sông Thương, vượt sông Hồng chở về trại chuyển tiếp Ấm thượng, một xóm chợ bên bờ sông Hồng. Để sáng hôm sau, đáp tàu hoả xuôi về Hà nôị. Ngày mai ra sao? Dẹp qua một bên. “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết.” (Xuân Tâm). Nhiều năm xa vời quá khứ, Mai Trung Tĩnh đã có những câu thơ dự đoán tài tình cho niềm hạnh phúc giây phút và tương lai âu lo của chúng tôi hôm nay.
Hạnh phúc chẳng đăng quang
Tương lai đôi cánh mỏi
Tôi nghe tôi não nề
Đã qua tầm tay với
(Mai trung tĩnh)
3.
Tin từ Baltimore (tiếp). Mai Trung Tĩnh tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng, sinh năm 1937 tại Hà nội, tốt nghiệp Cử nhân văn khoa tại Saigon.
Mấy toa tàu cũ kỹ lắc lư chở hơn bốn mươi người được tha từ ga Ấm Thượng về đến ga Hàng Cỏ Hà nội. Tất cả được lùa nhốt trong nhà đợi. Đi tiêu tiểu phải xin phép. Chuyến tàu thống nhất tám giờ tối nay sẽ trả chúng tôi về miền Nam yêu dấu nay đã đổi chủ thay ngôi. “Hương âm hối cải mấn mao thôi.” Ngày về tóc đã bạc phai mái đầu.
Trong sân ga lạ, tôi được giao nhiệm vụ sắp hàng anh em, điểm số.
“Thưa cán bộ thiếu mất một anh.”
“Bỏ mẹ! Anh đùa với tôi đấy à. Anh kiểm lại xem. Lúc lên tàu tôi đếm đủ. Không nhẽ rớt xuống đường. Đếm lại!”
“Thưa cán bộ đúng là thiếu một.”
“Có biết thiếu ai không?””
“Thưa biết.”
“Ai?”
“Dạ. Nguyễn Thiệu Hùng.”
Tôi vọt miệng nói tiếp.
“Tôi nghe nói anh ấy có bà cô ở đối diện ga. Chắc anh ấy tranh thủ ghé thăm.”
Tôi trấn an.
“Cán bộ đừng lo. Đúng giờ tàu vào Nam chắc chắn anh ấy sẽ có mặt thôi.”
Tôi biết rõ, vì trước khi lên tàu Mai Trung Tĩnh có nói nhỏ với tôi.
“Vô kỷ luật. Ông nại cho vào tù ở thêm cho biết thế nào là nễ độ.” Tên cán bộ răn đe. “Anh đi ngay ra khỏi ga, túm đầu anh ấy về ngay cho tôi.”
“Dạ. Tôi không rành đường sá, nhỡ lạc không về kịp chuyến tàu thì bỏ bu.”
“Đi. Tôi bảo đi là cứ đi. Đừng lôi thôi.”
Một ý thoáng qua nhanh. Tôi nài nỉ.
“Hay là cán bộ cho anh Dư Văn Tâm cùng đi. Anh ấy là dân Hà nội chính cống.”
“Được. Nhớ tìm được về ngay nhé. Khẩn trương!”
“Vâng!”
Tôi chạy đến chỗ ông Thanh TâmTuyền.
“Mình đi thăm Hà nôị ba sáu phố phường.”
“Đi thế nào được. Chúng nó giam lỏng.”
“Cứ theo tôi. Thế mới tài!”
Ông không tin. Tôi cười kể cho ông nghe. Ông vội vã khoác chiếc áo măng tô màu đen. Đội nón công nhân kiểu Lê nin. Nón này là bảo vật tôi để lại cho ông kỷ niệm chia tay. Không ngờ hai anh em cùng đưọc tha. “
“Anh đem tôi đi tham quan Hà nội.”
“Ông Hùng thì sao?”
“Dẹp qua một bên. Lo bò trắng răng. Đến giờ tàu chạy thì ông ấy mò về.”
Thanh Tâm Tuyền hoá xác. Thường ngày thong thả chậm chạp, giờ đi như chạy. Đường phố dường như quá quen thân cho dẫu bao tang thương biến đổi. Ông bương bả đi trước, tôi chạy theo. Không nói với nhau nhưng tôi biết ông đang xúc động trở về nơi chốn cũ. Tấp vào một quán phở bên kia đường để thưởng thức tô phở Bắc chính hiệu. Gọi mỗi đứa một cốc càphê. Thế là nhất. Mấy năm đói khát thèm ăn, tô phở làm chúng tôi thất vọng đã đành, mà ông chủ quán, thuộc loại bộ đội giải ngũ, trong bộ đồ lính cũ, lại càng làm cho tôi phát ngấy.
“Phở ở đây mới là phở. Trong lam các anh nàm sao sánh được.”
Tô phở phất phơ hai lát thịt nhỏ, mỏng dính. Nước dùng bột ngọt đậm chát. Phét. Chúng mày lấy đâu ra thịt. Bố khỉ! Tôi chửi thầm. Ông đói dài mấy năm còn chả thấy ngon, huống hồ..!
“Các bác được đảng khoan hồng nhớ về lao động…”
Hắn nói chưa dứt câu. Chận ngang, tôi nói đểu.
“Thôi nhờ ông anh tốp lại! Mấy năm nghe chán rồi. Biết rồi khổ lắm nói mãi! Vào đây đớp phở mì chính (bột ngọt) chứ không phải nghe ông lên lớp. Tính tiền!”
Ông Thanh Tâm Tuyên thấy tôi sửng cồ, vội vàng đứng dậy ra khỏi quán. Bác Nguyễn Tuân ơi! Chúng bán Phở Bắc như thế này là chúng nó làm nhục ông rồi!
Chúng tôi, những thằng tù khổ sai biệt xứ mới được thả, đi giữa đường phố Hà nội trong túi cũng xu hào rủng rĩnh. Đã gần mười năm toàn thắng thế mà những bộ đồ lính, tấm vải dù làm võng, của chúng tôi đem theo từ ngày Saigon thất thủ vẫn còn là món đồ đắt giá hợp thời trang. Dân Hà nội chen lấn qua song cửa nhà ga tranh nhau mua. So với tô phở giá năm đồng, chiếc áo lạnh jacket nhà binh tôi bán bảy trăm. Miếng vải dù, tưởng vất đi cũng có người mua đến chín chục. Ông Thanh Tâm Tuyền dẫn tôi đi như chạy trên Phố Thuốc Bắc rực mùi cao đơn hoàn tán. Lần đến ngôi nhà cũ nát, tường vôi loang lỗ. Căn phố hẹp tối tăm, nhiều gia đình cùng ở, ngăn chia nhau bởi những tấm màng vải nhàu bẩn. Người cô già mù lòa vẫn nhận ra tiếng nói của đứa cháu, sau bao năm trời chia cách. Ôm chầm. Cô khóc, cháu sụt sùi. Và tôi, người chứng kiến những giây phút cảm động nhất của một cuộc kỳ ngộ, bước ra hàng hiên lau vội nước mắt.
“Anh đưa tôi đi xem Hồ Hoàn kiếm và phố Hàng Đào.”
Từ giã người cô, ra khỏi nhà, tôi đề nghị.
“Thong thả.”
Ông chận bà già bưng mẹt bán bánh giầy kẹp chả chiên. Món ăn đã biến mất trong trí nhớ của tôi.
“Cho chúng cháu hai cái.”
Ông thích thú nói với tôi.
“Ăn đi. Đặc biệt Hà nội.”
Đi qua những con đường loang lỗ rêu phong, dễ chừng từ thời Pháp thuộc đến nay chẳng hề tu bổ. Nước cống rãnh tràn ướt lối đi rác bẩn. Những ngày giáp tết, đường phố chen chúc bụi bặm người lam lũ, xám xịt. Nam nữ áo quần bộ đội, dép nhưa nón cối. Ôi! Đâu Hà nội dáng kiều thơm của Quang Dũng? Ôi! Đâu áo dài tha thướt, đâu tóc dài thả gió lê thê của nhạc sĩ Hoàng Dương, Anh Bằng, VũThành? Và rồi phố Hàng Đào với những thiếu nữ khuê các của Nhất Linh, của Khái Hưng? Trước mắt tôi chỉ là một phố nhỏ lạc hậu so với Saigon thân yêu của tôi mười năm trước đó. Hình ảnh sau cùng đổ vỡ thảm thương trong mơ tưởng của tôi. Hồ Gươm một hồ nước đọng và tháp rùa rêu bẩn, trơ trẽn phất phơ một ngọn cờ.
Cám ơn Mai Trung Tĩnh. Nhờ ông tôi có dịp thăm Hà nội, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tôi phục ông. Trông ông hiền lành thế mà liều tận mạng. Nhiều anh em không dám rời chỗ nằm, sợ tàu đến bất tử hụt chuyến đi. Ông đếch cần. Thích là làm. Tôi nghi ngờ tên Hùng của ông từ lâu. Tôi nhầm. Ông đúng là người hùng của tôi hôm đó.
Tôi đi thăm buổi chiều
Nghe giọng đời mỏi mệt
Trong dáng điệu quanh co
Tế bào chừng muốn liệt
(Mai Trung Tĩnh)
4.
Tin từ Baltimore (tiếp).
Năm 1990 ông vào tù lần thứ hai trong vụ Diễn đàn tự do của giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Năm 1995 ông và gia đình đến định cư tại Baltimore, Maryland và nhận được giải thưởng của tổ chức Human Rights dành cho những văn nghệ sĩ bị tù đày.
Trước ngày đi Mỹ, vợ chồng anh có mời tôi ăn cơm tối tại nhà với mấy người bạn cùng trại giam. Lần đầu tiên tôi biết chị và vẫn nhớ hình ảnh người đàn bà nhanh nhẹn, khoẻ mạnh và đảm đang. Nghe tin anh lai bị bắt. Một lần nữa anh lại chứng minh cho tôi, anh thật sự là Hùng từ nội tâm can đảm và bản lĩnh, khác với phong cách yên tĩnh bên ngoài. Bao nhiêu năm tù đày khổ nhục cơ cực đến thế mà vẫn không ngán không sợ. Vẫn tham gia phong trào đấu tranh trong lòng kẻ thù. Chết không đáng sợ, nhưng thật kinh hãi nếu phải trở lại chốn lao tù. Mà chuyện này chắc chắn phải tới với anh. Biết thế mà vẫn dấn thân. Khó vô cùng. Tôi phục anh! Tôi phục anh! Hàng ngàn người sống nhục sống hèn trong tù, trong nước, qua tới đây trở thành những anh hùng chống cộng, và chống những người không chống cộng như mình. Còn anh lại khác!
Tôi thương bằng hữu bỗng trở thành kẻ tử thù
Hay chết giữa công trường một sớm mai
(Mai Trung Tĩnh)
5.
Tin từ Baltimore (tiếp theo và hết).
Mai Trung tĩnh đã hôn mê cho tới lúc thở hơi cuối và gia đình quyết định làm lễ hỏa táng. Tang lễ cử hành khá trọng thể với nhiều thân hữu của ông.
Nguyễn từ Oklahoma gọi về rất buồn. Than phiền vì đám tang của Hùng rất đơn côi, hiu quạnh. Tôi không tin. Báo chí loan tin như thế. Khá trọng thể với nhiều thân hữu. Ở đâu không nói, nhưng anh ở ngay khu vực đông đúc của các giới văn học nghệ thuật Việt nam. Nhiều người biết anh, lẽ nào thờ ơ đến thế. Để chính xác, trước khi viết những giòng này tôi gọi chị Quỳnh Anh của tờ Kỷ Nguyên Mới ở Washington D.C. Chị cho tôi số điện thọai của anh Lê Đức Vượng tức nhà thơ Vương Đức Lệ. Người bạn chí tình hiếm có của Mai Trung Tĩnh, từ những ngày vui cũ, cho đến những lúc tù đày và bệnh tử. Anh cho biết. Tiễn đưa một người bạn, một chiến hữu, một thi hữu, giờ cuối cùng bên huyệt đạo, ngoài thân nhân chỉ có ba người. Vương Đức Lệ, Hoàng Song Liêm, Lê Văn Phúc.
“Triệu người quen có mấy người thân.
Khi qua đời có mấy người đưa”
(Vũ Thành An).
Tôi, còn tại thế với tất cả dung tục của một kiếp người. Tôi và những bạn bè của tôi của anh, không hiểu anh cho nên buồn lòng với những điều không như anh ấp ủ. Anh chọn Yên Tĩnh làm tên. Anh toại nguyện. Lúc đến, lúc ở, lúc đi.
Nghịch Lý Nghịch Lý - Ninh Hạ Nghịch Lý