Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1177 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 -
ỳ Nghỉ Lễ Noël
Stevie đã sống ở London suốt nửa cuộc đời nên bao giờ khi về đến đây nàng cũng thấy vui.
Không phải Stevie không yêu New York. Thành phố đó lại có ý nghĩa khác đối với nàng và chiếm một vị trí khác trong trái tim nàng. New York là thành phố nơi Stevie sinh ra và sống thời thơ ấu cho đến năm mười bốn tuổi, khi mẹ nàng kết hôn với ông Derek và họ chuyển sang sống ở London. New York còn là nơi Stevie sống tám năm gần đây nhất của cuộc đời nàng, là nơi nàng nuôi dạy Chloe và cải tạo lại tòa nhà Romany Hall, khai trương cửa hiệu Jardine trên Đại lộ Số Năm. Nàng luôn nghĩ New York là thành phố của những thách thức mới và về một mặt nào đó, là nơi tái sinh của nàng.
London đối với Stevie là nơi nàng đã hưởng tình yêu và cuộc sống vợ chồng với Ralph, nơi nàng sinh các đứa con, nơi chồng nàng qua đời, và cuối cùng là nơi nàng bắt đầu bước vào nghề kinh doanh. Đấy cũng là nơi nàng trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện và là nơi từ một thiếu nữ nàng đã trở thành phụ nữ. Do đó, nhìn theo một cách nào đó, London cũng là nơi của những thách thức cũ.
Đối với Stevie, London còn là nơi tàng trữ vô vàn dấu tích và bùa chú của quá khứ. Mỗi lần nhớ đến thành phố này, trong lòng nàng trỗi dậy bao nhiêu kỷ niệm, một niềm thương yêu lớn lao và một nỗi buồn tiếc khó nguôi. Tâm trí Stevie thường tập trung vào những địa điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với nàng, bởi những liên tưởng về quá khứ, và nàng tưởng như mình trở lại sống những năm tháng của cái quá khứ đó.
Trong lúc ngồi bên bàn giấy trong phòng làm việc của nàng trên gác cửa hiệu Jardine trên phố Bond ở London, Stevie bỗng thấy mình nghĩ về những ngày xa xưa tại đây và về những địa điểm nàng đặc biệt yêu quý...
Đấy là hồ Whitestone ở Hampstead vào một ngày xuân trong sáng với nắng nhạt. Nàng cùng Ralph thường đem các con ra chỗ ven hồ, cho chúng thả những chiếc thuyền gấp bằng giấy, rồi hai vợ chồng đưa chúng đến quán giải khát ở gần Briar Lodge.
Briar Lodge! Đấy là tòa nhà gạch lớn nằm trên phố Hampstead Heath, nơi mẹ nàng và ông Derek đã sống một nửa cuộc đời hôn nhân của họ. Cũng chính tại đây Stevie đã sống hai năm cho đến khi nàng cưới Ralph vào tuổi mười sáu.
Stevie ngồi nhìn ra phía xa một lúc, nhớ lại khuôn viên và tòa nhà ở Briar Lodge. Nơi đây đã từng là một ốc đảo tình yêu, chan chứa sự đầm ấm và niềm mến khách, và nàng cảm thấy rất gắn bó với nó, yêu từng góc nhỏ, ngọn cây trên đó.
Mẹ Stevie đã trang trí tòa nhà bằng những thứ đồ cổ duyên dáng, những tấm thảm cổ đã phai mầu, và những bức họa đáng yêu. Những cuốn sách của ông Derek, hàng ngàn cuốn ngự trị trên toàn bộ, xếp chặt bao nhiêu cái giá trong phòng đọc sách. Các giải thưởng về nghệ thuật và những vật kỷ niệm về các vai diễn trên sân khấu được ông trân trọng và gìn giữ, tạo nên niềm kiêu hãnh cho phòng làm việc của ông. Stevie luôn coi Briar Lodge là ngôi nhà chỉ có tiếng cười và niềm vui.
Các con trai Stevie hồi còn nhỏ rất thích chơi trò trốn tìm trên các gian sát mái. Chỉ cần nhắm mắt vào là nàng tưởng như đang sống lại những năm tháng đó. Như nhìn thấy ba đứa con trai nàng ngày ấy, nghe thấy chúng kêu khóc khi bị đứt tay. Tất cả những kỷ niệm đó mỗi lúc lại đưa nàng sâu thêm vào quá khứ.
Khu vườn của tòa nhà trên phố Heath lại là một ốc đảo khác đối với nàng, nhất là vào những tháng mùa xuân và mùa hạ. Mùa xuân, cây cối xanh um, như mời mọc nghỉ ngơi. Mùa hạ, những cây hoa hồng và nhiều loại hoa khác nở rực rỡ trên nền bãi cỏ xanh, tỏa hương thơm ngát.
Rất nhiều cây táo tạo thành một mái dù che nắng cho những bửa ăn picnic. Bây giờ nhớ lại những bữa ăn ngoài trời đó, Stevie vẫn thấy nước bọt ứa ra khi nghĩ đến những lát bánh mì mỏng kẹp cá hồi hun khói, món rau tươi trộn với những khoanh trứng luộc thái mỏng, những lát dưa chuột, rau cải xoong với mứt dâu, rồi nước trà chanh, được rót ra từ chiếc bình ông Derek mang theo.
Cái ngày ông Derek và mẹ nàng bán tòa nhà Briar Lodge cách đây mười bảy năm là một ngày buồn đối với Stevie. Sau đó họ dọn đến một căn hộ trông xuống Công viên Regent, nơi họ hiện đang sống. Tuy căn hộ rất rộng với nhiều phòng lớn, nhưng trông nom dễ dàng hơn so với tòa nhà to và cổ lỗ trước kia.
London còn có những địa điểm khác để lại nhiều kỷ niệm êm đẹp đối với Stevie. Một trong những địa điểm đó là Quảng trường Cavendish, nơi lần đầu tiên nàng nhìn thấy, mà cũng là ngẫu nhiên thôi, bức tượng khác thường của Jacob Epstein, nhan đề Đức Mẹ và Hài Đồng. Thoạt đầu nàng mê ngay và tự đặt nhiệm vụ phải tìm cho ra tên bức tượng và cả tên tác giả.
Stevie chú ý đến bức tượng là vào một buổi trưa mùa xuân, sau khi Ralph qua đời ít lâu, lúc nàng đi ngang qua quảng trường để đến phố Oxford. Trời đột ngột đổ mưa khiến nàng phải đứng lại và lục túi xách tìm khăn choàng đầu. Thắt xong hai đầu chiếc khăn, Stevie tình cờ quay đầu và nhìn thấy bức tượng. Nàng sửng sốt, thấy nó quá đẹp. Bức tượng được đặt ngay sát bức tường bên trên vòm cổng vào Deans Mews, tức là lối ra của Quảng trường. Do cách bức tường một đoạn, bức tượng như lơ lửng giữa không trung.
Bức tượng to bằng người thật và hướng lên trời. Stevie như bị thôi miên, đã tiến lại gần ngắm nó trong làn ánh sáng dìu dịu của mùa xuân.
Do cách bố trí bức tượng trên cao và hơi nghiêng về phía trước, nên nước mưa rơi xuống, đọng lại ở hai tròng mắt. Stevie có cảm tưởng Đức Bà đang khóc. Nước mắt chảy xuống má, rồi nhỏ giọt xuống đầu Chúa Hài đồng.
Lúc này Stevie mường tượng lại hình ảnh bức tượng và nàng nhớ rằng trưa hôm đó nàng đã quên cả trời mưa, cứ đứng ngây người chiêm ngưỡng. Mãi lúc khăn choàng trên đầu và áo vét ướt đẫm, nàng mới chịu chạy đi tìm taxi. Bức tượng đã để lại một ấn tượng hết sức sâu sắc khiến sau đấy nàng còn nhiều lần quay lại Quảng trường và đến Deans Mews, chỉ cốt để ngắm tác phẩm điêu khắc tuyệt diệu của Jacob.
Stevie thầm nghĩ, trong chuyến sang London lần này thế nào mình cũng phải đến đó xem lại, trước khi trở về New York vào tháng Giêng. Và nàng bỗng ngạc nhiên tại sao sáng nay mình nhớ lại nhiều kỷ niệm trong quá khứ đến thế?
Phải chăng vì Stevie không muốn nghĩ đến hiện tại. Nói cụ thể là nàng không muốn nghĩ đến Nigel, con trai cả của nàng. Nói cho cùng, hôm nay là thứ hai, ngày hai mươi ba tháng Mười Hai, đúng hai ngày trước lễ Noel, và nàng hoàn toàn không muốn gây chuyện xích mích.
Tuy vậy vào ngày đó Nigel cũng không có mặt tại cửa hiệu trên Phố Bond. Cô thư ký riêng của Nigel, tên là Angela, cho Stevie biết "ông chủ” đã đi Amsterdam cùng với Gilbert Drexel, một trong những chuyên gia về kim cương của hãng Jardine. Stevie chợt nghĩ, phải chăng hai người đi tìm đá quý cho ông Vua A Rập Kandreas.
Stevie dự định sau lễ Noel sẽ gặp Nigel và giải quyết vấn đề.
Chiếc đồng hồ chuông Pháp của hãng Le Roy và Con ở Paris, đựng trong hộp do William và Mary chế tác, đặt ở góc phòng đánh chuông. Stevie ngẩng lên nhìn: mười hai giờ. Nàng nhớ đã nhận lời ăn trưa với ông Derek sau đây nửa tiếng. Nàng đứng dậy, vào phòng tắm nhỏ để soát lại trang điểm trước khi đi gặp cha dượng ở nhà hàng Harry’s.
Khi bước xuống bậc thang gác cuối cùng của cửa hiệu Jardine, Stevie đứng lại một lát, nghĩ xem nên đi bộ hay gọi taxi. Hôm nay rất lạnh nhưng trời khô ráo, bầu trời xanh biếc và nắng vàng rực rỡ. Stevie quyết định đi bộ đến phố South Audley, bất chấp gió thổi lạnh buốt. Đấy là phố có nhà hàng Harry’s.
Quấn chặt quanh người tấm áo choàng bằng vải len đỏ, Stevie bước chân thoăn thoắt trên đường phố Bond. Vài phút sau nàng đã ngoặt sang phố Grosvenor. Vẫn bước nhanh như thế, nàng hướng về phía Quảng trường Grosvenor, để đến phố South Audley.
Stevie rất thích đi bộ trong những thành phố nàng yêu mến, và bởi đã sống một thời gian dài ở London, nên nàng thông thuộc phố xá ở đây hơn bất kỳ một thành phố nào khác. Đặc biệt nàng rất thích đi bộ qua khu Mayfair, nơi có những tòa nhà cổ và những khách sạn đồ sộ, những chuồng ngựa lát sỏi với những ngôi nhà nhỏ và những bãi trống trồng cây xung quanh.
Khoảng mười phút sau, khi đẩy cánh cửa nhà hàng Harry’s để bước vào, Stevie nhìn thấy cha dượng đứng tựa vào quầy rượu, đang uống nước. Nhìn thấy Stevie, ông Derek lập tức đặt cốc xuống, bước ra đón và giúp nàng cởi áo choàng.
”Hôm nay trông chị rất tươi tắn, Stevie ạ," Ông nói lúc hai người đã ngồi bên chiếc bàn nhỏ ở góc nhà hàng. Rồi ông mỉm cười nhìn nàng chăm chú. “Như bông hoa đang nở. Hẳn công việc đang thuận lợi.”
Stevie cười vang và cảm ơn, “Cả dượng cũng tươi không kém, dượng Derek ạ.”
“Dượng đã quyết định một điều khủng khiếp," ông Derek dướn người về phía trước, tâm sự. “Dượng quyết định tập vở Sư tử trong mùa Đông. Mùa thu sang năm mới công diễn cho nên phải đến cuối mùa xuân này mới bắt đầu tập. Vì vậy dượng còn được nghỉ lâu và đang tính lao vào một công việc nào đấy.”
“Con rất mừng cho dượng. Con biết dượng say mê nghệ thuật đến chừng nào. Nhưng mẹ con nghĩ về chuyện đó thế nào ạ?"
“Bà ấy cũng muốn dượng làm như thế. Chỉ có điều bà ấy lo dượng bị kiệt sức sau một đợt công diễn quá dài vở Becket, rồi tiếp đến đợt đóng vai trong bộ phim. Nhưng dượng đã lại sức và hiện rất khỏe. Bà ấy cũng biết như vậy.” Ông ngừng nói khi thấy tiếp viên nhà hàng đến hỏi họ dùng thứ gì. ”Stevie, chị thích dùng gì? Một ly Bellyni chứ?" Ông Derek gợi ý.
"Vâng, cảm ơn dượng.”
Khi tiếp viên đi ra, ông Derek nói tiếp, “Nếu vở diễn thành công ở London, dượng tin chắc mấy ông bầu sẽ đem nó sang New York, diễn ở Đại lộ Broadway.”
“Con rất thích thấy vở được diễn ở đây trước, vì dượng sẽ được ở lại London thêm một thời gian nữa. Con tin rằng nếu phải xa London mẹ con sẽ nhớ nó lắm.”
"Dượng cũng nghĩ thế. Nhân nói về mẹ, chị hãy kể về chiếc trâm cài mà chị có nhắc đến khi nói chuyện trên điện thoại ấy.”
“Đấy là một thứ rất đáng yêu, do Jeanne Boivin chế tác, có lẽ vào thập niên 30. Con nghĩ cái trâm cài ấy rất hợp với mẹ con, tuy cách chế tác cầu kỳ nhưng không quá mức. Nó bằng bạch kim, bên trên gắn những hạt kim cương nhỏ. Trên cái trâm cài ấy có chạm khuôn mặt của Nữ Hoàng Anne, nhưng làm khéo nên trông rất mảnh mai. Tất nhiên đồ trang sức này có chữ ký của người chế tác và rất đắt giá. Ông André kiếm được nó cũng do một sự tình cờ.”
“Còn kia có phải cái trâm hình lá cây ông André tặng chị hôm sinh nhật không?"
“Vâng, từ hôm ông ấy tặng, con luôn cài nó. Cái trâm này thích hợp với bất kỳ kiểu y phục nào, ban đêm cũng như ban ngày. Cái trâm cài con nói lúc nãy do Boivin chế tác cũng vậy. Nó thích hợp với mọi cách ăn mặc, với mọi thời gian, nói chung là với mọi thứ.”
"Dượng muốn nhìn thấy nó. Nghe chị nói, dượng nghĩ đó sẽ là món quà tuyệt vời tặng bà Blair nhân lễ Noel. Hôm nay ăn xong, dượng sẽ đi cùng với chị đến cửa hiệu Jardine xem nó trước.”
"Những khối óc vĩ đại dễ gặp nhau. Cháu cũng đã tính như thế từ lúc còn đang trên đường tới đây.”
Ông Derek gật đầu rồi hỏi, “Con có thích quà sinh nhật Miles tặng con không?"
Stevie ngạc nhiên nhìn ông, "Sao dượng biết chuyện ấy ạ?”
Ông Derek cười, tất nhiên là dượng và mẹ biết. Miles nói riêng với dượng và bà ngoại nó, nhưng dặn phải giữ kín.”
“Đấy là một bức chân dung rất đẹp vẽ con Chloe. Có vẻ Miles vẽ rất nhanh, theo nó nói là thoắng một cái. Miles đúng là họa sĩ tài ba, dượng có nghĩ như thế không ạ? Đôi khi con tự hỏi, vì sao nó nhận làm thiết kế trang trí cho sân khấu, mặc dù nó làm rất tốt.”
“Bức chân dung Chloe nó vẽ, dượng cho là tuyệt tác. Còn tại sao nó thích vẽ thiết kế trang trí cho sân khấu thì quả dượng cũng chưa lý giải được. Nhưng cái chính là hãy để nó làm thứ gì nó thích. Và hãy để nó sống vui vẻ. Dượng nghĩ thế.” Ông Derek chăm chú nhìn vào mắt Stevie, “Từ lúc con bay sang đây hôm thứ sáu, con đã gặp Gideon chưa?"
“Ôi, mặt trái của chiếc huy chương, có thể nói như thế. Vâng, con gặp nó rồi...” Nói đến đây Stevie ngừng bặt giữa chừng.
Tiếp viên bưng khay trên có hai ly Bellyni đến.
Sau khi cụng ly, Stevie nói tiếp, "Hôm qua con và Chloe ăn trưa cùng với Gideon. Con e nó không khoẻ và cứ tình hình này sẽ suy sụp mất. Đúng như Miles nói, hôm gặp Gideon lần cuối cùng, nó thấy anh sinh đôi của nó xanh xao quá.”
“Gideon có để lộ ra gì không? Có tâm sự với mẹ nó không? Có nói nó buồn phiền chuyện gì không?"
“Không ạ, thưa dượng. Với lại có mặt Miles ở đó nên con không tiện hỏi. Dù sao thì Gideon cũng đã hai mươi bảy tuổi. Đủ sức tự chăm lo cho bản thân rồi. Nếu có gì làm nó phiền muộn thì con tin là nó sẽ có cách khắc phục. Gideon là đứa rất biết cách thích ứng.”
“Chị nghĩ thế là đúng," ông Derek tán thành, và không muốn đi quá sâu vào vấn đề, ông chuyển sang chuyện khác. Ông nói, "Ta xem thử thực đơn có những gì nào, rồi gọi chứ?"
"Con biết gọi những món gì rồi, và lần nào đến đây con cũng lấy đúng những món ấy. Xalat thập cẩm, rồi risotto pimareva.”
“Còn dượng thì lấy món cá và ít mì ống. Vào đây ăn không thể bỏ qua món mì ống. Hay con có ăn thử một chút xem sao không?" Ông mỉm cười nhìn Stevie rồi lại chăm chú xem bảng thực đơn.
Lúc ông ngẩng đầu lên, Stevie nói, “Người làm con lo ngại không phải Gideon mà là cha chồng con, ông Bruce.”
“Ông Bruce?" ông Derek ngạc nhiên nhìn nàng. ”Ông ấy làm sao?"
“Thú thật là con chưa dám chắc. Hôm thứ bảy con có gặp và trao đổi một chút với bác Gibert Drexel về một loạt công việc cần giải quyết. Bác ấy bảo rất lo ngại về cụ chủ. Bác ấy nhấn mạnh chữ “rất". Gilbert kể rằng cụ Bruce rất yếu và không làm việc gì được nữa, có thể vì bệnh gút lại tái phát chăng. Bác Gilbert kể rằng cha chồng con gần đây lại năng đến cửa hiệu, điều này làm bác ta rất ngạc nhiên vì cụ Bruce đã nói sẽ thôi không ra cửa hiệu nữa.”
“Lạ đấy nhỉ!" ông Derek lẩm bẩm. Ông thầm nghĩ phải chăng ông già Bruce nghi ngại gì đó về Nigel, cháu đích tôn của ông ấy? Nhưng ông Derek không nói ra điều này mà chỉ hỏi, “Gilbert có kể gì thêm với chị nữa không, Stevie?"
“Bác ta chỉ nói rằng có vẻ cha chồng con đang lo lắng điều gì đó.” Stevie lắc đầu. “Bác ta có vẻ quan tâm nhiều đến thái độ của cha chồng con và nói đi nói lại mấy lần. Con hỏi, vậy bác cho rằng ông Bruce đã già và lẫm cẫm hay sao, thì bác ta bảo không phải thế. Bác ta còn nói thêm rằng ông Bruce còn khỏe chán, vẫn có thể làm việc được.”
”Chà.” ông Derek có vẻ nghĩ ngợi, và ông nói rất khẽ, “Tất nhiên ông Bruce ngoài tám mươi rồi, nhưng dượng đoán hẳn con đã có gặp ông ấy phải không, Stevie?"
“Chưa ạ. Nhưng mai con sẽ đến nhà ăn bữa trưa với cha chồng con. Bao nhiêu năm nay, lễ Noel nào cũng vậy, dượng ạ. Đã thành lệ của gia đình nhà chồng con.”
“Ông Bruce có vẻ là người không bao giờ để người khác tác động, " Rồi ông Derek nói tiếp, ông ấy xử sự như thể sẽ không bao giờ chết ấy.”
Ông Derek nói câu đó có vẻ miễn cưỡng phải nói ra. Stevie không thể không bật cười, nàng nói, “Nếu như có ai sẽ bất tử thì người đó chính là dượng. Hình ảnh của dượng được ghi vào bao nhiêu cuốn phim nhựa, và như thế có nghĩa dượng sẽ không bao giờ chết.”
Ông Derek nhìn nàng rồi cũng cười, nhưng không bình luận gì.
Stevie nói tiếp, “Khi con bảo con lo cho cha chồng là con định nói không phải về tình trạng sức khoẻ, mà về cách xử sự của ông Bruce. Con chưa hiểu vì lý do gì mà cụ vẫn cố mò đến của hiệu, để làm gì không biết?"
“Dượng tin rằng trưa mai gặp con, ông Bruce sẽ kể cho con biết.”
“Vâng, con cũng nghĩ thế.”
“Nhưng con gọi món ăn đi chứ?" ông Derek nói rồi nhấc ly Bellyni nhấp một ngụm. Chính ông cũng đang băn khoăn về cách xử sự kia của ông Bruce. Phải chăng con chim già linh cảm thấy điều gì đó mà người khác không thấy?
Nghị Lực Người Đàn Bà Nghị Lực Người Đàn Bà - Ted Brusaw, Siegfried Knappe