Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Dịch giả: Phạm Vũ Thịnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3323 / 151
Cập nhật: 2015-07-20 15:37:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tony Takitani
ên thật của Tony Takitani chính là như thế: Tony Takitani.
Bởi cái tên ấy, lại thêm mái tóc xoăn và khuôn mặt trông như tượng mà người ta thường nghĩ Tony là một đứa trẻ lai. Hồi đó chiến tranh vừa mới kết thúc, có nhiều đứa trẻ mang trong mình dòng máu của lính Mỹ. Nhưng cả cha và mẹ của Tony Takitani đều là người Nhật chính gốc trăm phần trăm. Cha của cậu, Shozaburo Takitani, là một nghệ sĩ nhạc Jazz chơi kèn trombone khá thành công, nhưng bốn năm trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra, anh buộc phải rời Tokyo vì một vụ rắc rối liên quan đến một người phụ nữ. Nếu buộc phải rời thành phố, Shozaburo suy tính, thì mình sẽ đi xa hẳn, vì thế mà anh đã vượt biển để đến Trung Hoa. Khi đó, anh không mang theo một thứ gì ngoại trừ cây kèn trombone.Vào thời ấy, Thượng Hải chỉ cách Nagasaki một ngày đi tàu thủy. Ở Tokyo, và nói chung ở cái nước Nhật này, Shozaburo chẳng có cái gì mà anh cảm thấy phải khổ sở khi để mất. Anh ra đi mà không có chút gì luyến tiếc. Anh chỉ hoài nghi không biết Thượng Hải, với những quyến rũ tinh tế của nó, có phù hợp với cá tính của anh hơn là Tokyo hay không. Anh đứng trên boong tàu, con tàu đang rẽ sóng về phía sông Dương Tử, lần đầu tiên anh nhìn thấy những đại lộ thanh lịch của Thượng Hải lấp lóa trong nắng mai và nghĩ ngợi như thế. Ánh nắng dường như hứa hẹn với anh về một tương lai hết sức xán lạn. Lúc đó, anh mới có hai mươi mốt tuổi.
Anh đã sống một cuộc sống dễ chịu trong suốt thời kỳ chiến tranh xảy ra—tính từ khi quân đội Nhật xâm chiếm Trung Hoa đến trận Trân Châu cảng, rồi đến vụ ném hai trái bom nguyên tử. Anh chơi kèn trombone trong những câu lạc bộ ban đêm ở Thượng Hải trong khi những cuộc chiến đấu đang diễn ra ở tận nơi xa xôi nào đấy. Shozaburo Takitani là người chẳng bao giờ thích dính líu đến chuyện thời thế, hay thậm chí có một chút bận tâm về nó. Anh chẳng muốn gì hơn là được chơi cây kèn trombone của mình, ngày ăn ba bữa và có một vài người đàn bà cặp kè. Anh là một người khiêm tốn nhưng đồng thời cũng lại là một kẻ kiêu ngạo. Hoàn toàn sống theo chủ nghĩa vị kỷ nhưng anh bao giờ cũng đối xử với những người xung quanh một cách dễ chịu và tử tế, vì thế mà hầu như ai cũng thích anh. Trẻ, đẹp, lại là một nhạc sĩ tài hoa, đi đến bất cứ đâu, anh cũng nổi bật giống như một con quạ trong một ngày tuyết trắng trời. Shozaburo không đếm xuế những người đàn bà mà anh đã ngủ cùng. Gái Nhật, gái Tàu, lại cả gái Bạch Nga, gái điếm, những phụ nữ đã có chồng, những cô nàng mỹ miều và cả những cô nàng nhan sắc chỉ thường thường bậc trung, anh đều đã từng ăn nằm với họ: anh làm chuyện ấy với bất cứ ai mà anh thấy thích. Với tiếng kèn vô cùng ngọt ngào và cái dương vật phi thường cực kỳ sung mãn, thời kỳ này, Shozaburo đã trở thành một nhân vật hấp dẫn của đất Thượng Hải.
Shozaburo được trời phú cho một cái tài—mặc dù anh không nhận ra điều ấy—đó là khả năng tạo dựng được những mối quan hệ bạn bè rất “có lợi”. Anh có mối giao hảo với những sĩ quan cấp cao trong Quân đội. những nhà triệu phú và nhiều nhân vật có ảnh hưởng thuộc đủ loại, những người có thể kiếm được những món lợi nhuận khổng lồ từ chiến tranh thông qua những đường dây mờ ám. Nhiều người trong số họ luôn giắt súng bên trong áo khoác và không bao giờ ra khỏi một toà nhà mà không liếc thật nhanh sang hai bên đường phố. Không rõ vì lý do gì mà Shozaburo và họ lại “kết” nhau. Và bọn họ dành cho anh sự quan tâm đặc biệt mỗi khi có chuyện gì xảy ra.
Nhưng đôi khi tài cũng khiến người ta gặp hệ luỵ. Khi chiến tranh kết thúc, những mối quan hệ của Shozaburo khiến Quân đội Trung Hoa chú ý và anh bị giam giữ trong một thời gian dài. Ngày lại ngày, những người khác phải vào tù vì những lý do tương tự như Shzaburo bị đưa ra khỏi phòng giam và bị tử hình mà không cần xét xử. Chỉ thấy quản tù xuất hiện, lôi bọn họ ra giữa sân và bắn bọn họ vỡ sọ bằng loại súng lục tự động. Shozaburo tin là mình sẽ phải chết trong tù. Nhưng viễn cảnh về cái chết không làm anh thấy có gì phải sợ hãi nhiều. Bọn họ sẽ bắn một viên đạn xuyên qua não anh và thế là hết. Chỉ mất một vài tích tắc đau đớn là cùng. Bằng ấy năm qua, ta đã được sống theo cách mà mình muốn, anh nghĩ. Ta đã được làm tình với hàng tá đàn bà. Ta đã được ăn rất nhiều những thứ ngon lành, và đã có nhiều khoảng thời gian tốt đẹp. Hầu như chẳng còn gì trong cuộc đời này khiến ta phải cảm thấy hối tiếc vì mình đã bỏ lỡ. Thêm nữa, ta không có quyền ai oán vì mình bị giết. Đó là điều phải đến, thế thôi. Hàng trăm nghìn người Nhật Bản đã chết trong cuộc chiến này, và nhiều người trong số đó còn bị giết chết theo những cách thức còn khủng khiếp hơn rất, rất nhiều.
Trong những ngày chờ đợi đến lượt mình bị đem đi xử tử, Shozaburo chỉ còn biết nhìn qua chấn song khung cửa sổ bé tí những cụm mây trôi và vẽ lên bức tường bẩn thỉu của phòng giam những khuôn mặt và cơ thể của những người đàn bà mà anh đã từng ân ái còn đọng lại trong trí nhớ. Thế nhưng cuối cùng, hóa ra duy chỉ có anh và một tù nhân Nhật Bản nữa là thoát chết, được thả tự do và được trở về Nhật Bản. Đến khi ấy, người được thả tự do cùng với anh, một sĩ quan cao cấp, đã gần như mất trí. Shozaburo đứng trên boong tàu, nhìn những đại lộ Thượng Hải đang khuất dần, khuất dần, lòng thầm nghĩ: Ôi cuộc đời, ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được mày cả.
Người ngợm gầy rộc, chẳng còn có của cải gì nữa, Shozaburo Takitani trở về Nhật Bản vào mùa xuân năm!946, chín tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Đến lúc đó, anh mới biết ngôi nhà của cha mẹ anh đã bị thiêu rụi trong trận không kích lớn ở Tokyo hồi tháng ba, năm 1945 và họ đều đã chết. Người anh duy nhất của anh đã mất tích, không để lại một dấu vết nào trên chiến trường Miến Điện. Nói tóm lại là giờ đây Shozaburo hoàn toàn trơ trọi trên thế gian này. Song đó không phải là một cú sốc lớn đối với anh; nó cũng không làm anh phải quá rầu rĩ. Cố nhiên, anh cũng cảm thấy có một chút trống trải, nhưng anh tin rằng, con người ta sớm muộn gì cũng thành trơ trọi như thế cả. Anh đang ở độ tuổi ba mươi, đã qua cái tuổi cho phép người ta được thở than về sự cô đơn rồi. Anh có cảm giác bỗng nhiên trong một lúc mình đã già thêm đến mấy tuổi. Nhưng chỉ có thế. Không có một cảm xúc nào sâu xa hơn khuấy động trong anh.
Dẫu sao thì Shozaburo cũng đã sống sót và giờ thì anh phải bắt đầu nghĩ xem mình sẽ tiếp tục sống như thế nào.
Bởi vì anh chỉ biết duy nhất có một loại nghề nên anh đã cất công đi tìm những người bạn cũ của mình, tập hợp thành một ban nhạc Jazz nhỏ và bắt đầu chơi tại các doanh trại lính Mỹ. Khả năng xã giao tốt đã giúp anh trở thành bạn của một viên thiếu tá Mỹ thích nhạc Jazz—một người Mỹ gốc Ý đến từ bang New Jersey có khả năng chơi kèn clarinet rất cừ. Cứ có thời gian rỗi, hai người lại tụm lại với nhau. Là người phụ trách Cục hậu cần, viên thiếu tá có thể có tất cả những đĩa nhạc mà mình muốn, được chuyển tới từ chính nước Mỹ, và Shozaburo có thể đến doanh trại của viên thiếu tá, nghe những bản nhạc jazz vui tươi của Bobby Hackett, Jack Teagarden và Benny Goodman, nhờ đó anh có thể tự học được nhiều đoạn nhạc của họ. Viên thiếu tá chu cấp cho anh đủ loại thức ăn, sữa, rượu, những thứ khó kiếm lúc bấy giờ. Không tệ, Shozaburo nghĩ, sống như bây giờ quả là không đến nỗi tệ.
Năm 1947, anh kết hôn với một người em họ xa bên ngoại. Họ tình cờ gặp nhau trên phố và ngồi uống nước với nhau, kể cho nhau nghe tin tức về họ hàng, về những chuyện ngày trước. Rồi họ quyết định chung sống với nhau—có thể là vì lúc đó cô gái đã có bầu. Chí ít thì đó là điều mà Tony Takitani nghe cha mình kể lại. Mẹ của cậu là một người phụ nữ xinh đẹp và thâm trầm nhưng không phải là người khỏe mạnh. Một năm sau ngày cưới, chị sinh Tony và ba ngày sau đó thì chị qua đời. Đơn giản như thế đó. Và cũng đơn giản như thế, chị được hoả táng, một cách chóng vánh và lặng lẽ. Chị không bị một biến chứng phúc tạp nào, ũng không phải nếm trải một đau đớn đang kể gì cả. Chị chỉ tan nhòa thành hư vô, thế thôi, như thể có ai đó lui về phía hậu trường một vở diễn và vụt biến.
Shozaburo không biết đúng ra mình cần phải biểu lộ như thế nào về chuyện này. Anh là người xa lạ với những cảm xúc như vậy. Anh dường như không có khả năng thấu hiểu rốt cục thì cái chết là gì, cũng như chẳng thể kết luận được cái chết của vợ anh có ý nghĩa gì đối với anh. Tất cả những gì anh có thể làm là chấp nhận toàn bộ sự việc này, như thể đó là một việc đã rồi. Và vì thế mà cuối cùng anh có cảm giác có một cái gì đó nông dẹt, một vật thể có hình đĩa chẹn trong lồng ngực anh. Nó là cái gì, vì sao nó lại ở đó, chính anh cũng nào biết. Vật thể đó chỉ nằm đúng chỗ của nó, vậy thôi, và nó cản anh nghĩ thêm bất cứ điều gì nữa về những gì đã xảy ra. Trọn một tuần sau khi vợ mất, anh không nghĩ ngợi về điều gì cả. Thậm chí anh còn quên bẵng đứa trẻ mà mà anh đã để lại bệnh viện.
Viên thiếu tá đã ở bên cạnh Shozaburo; ông đã làm tất cả những gì có thể để an ủi anh. Gần như ngày nào họ cũng ngồi bên nhau trong doanh trại uống rượu. “Cậu phải bình tâm lại đi,” ông khuyên anh như thế. “Có một việc mà cậu nhất thiết phải làm là nuôi thằng bé nên người”. Những lời nói ấy vô nghĩa đối với Shozaburo, anh chỉ im lặng gật đầu. Rồi một hôm viên thiếu tá bất ngờ đề xuất ý kiến: “Này, tại sao cậu không để mình làm cha đỡ đầu cho thằng bé nhỉ? Mình sẽ đặt tên cho nó nhé”. Ôi trời, Shozaburo nghĩ, minh quên bẵng cả việc đặt tên cho thằng bé.
Viên thiếu tá gợi ý lấy tên của chính mình—Tony—để đặt cho thằng bé. Tất nhiên, Tony không phải là cái tên dành cho một đứa trẻ Nhật Bản nhưng ý nghĩ ấy chẳng hề gợn lên trong đầu viên thiếu tá. Khi Shozaburo trở về nhà, anh ghi lại cái tên Tony Takitani vào một mẩu giấy rồi dán lên tường. Anh cứ nhìn chằm chằm vào cái tên ấy suốt mấy ngày liền sau đó. Không tệ. Không tệ. Cuộc chiếm đóng của Mỹ tại Nhật có lẽ sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, anh nghĩ, thế nên biết đâu cái tên kiểu Mỹ ấy lại có lúc thuận tiện cho thằng bé.
Thế nhưng đối với Tony Takitani, mang cái tên ấy chẳng phải là hay ho gì lắm. Những đứa trẻ khác ở trường học thường gọi cậu là “đồ con lai” và mỗi khi cậu phải nói tên mình cho mọi người biết, người ta thường đáp lại cậu bằng một cái nhìn bối rối hoặc đầy ác cảm. Có người cho cái tên ấy là một trò đùa chẳng ra làm sao cả, người khác lại bộc lộ sự giận dữ. Đối với một số người, nhìn thấy thằng nhóc có cái tên Tony Takitani đó chẳng khác nào nhìn thấy những vết thương cũ bị khơi lại.
Những trải nghiệm như thế chỉ khiến cậu bé trở nên khép kín với thế giới. Cậu chưa từng kết thân với ai cả, nhưng điều này cũng không làm cho cậu thấy khổ sở. Cậu cảm thấy hoàn toàn tự nhiên khi chỉ có một mình: điều đó giống như một tiền đề để bắt đầu cuộc sống. Cha của cậu luôn bận rộn với những chuyến du diễn cùng ban nhạc. Hồi Tony còn nhỏ, có một bà quản gia giúp chăm sóc cậu bé vào ban ngày. Nhưng đến những năm học cuối cấp phổ thông thì cậu có thể tự xoay xở mà không cần đến bà quản gia đó. Cậu có thể tự nấu nướng, khoá cửa nhà vào ban đêm và ngủ một mình. Với Tony, điều này còn dễ chịu hơn là có ai đó lúc nào cũng để ý đến mình.
Shozaburo Takitani không bao giờ tái hôn nữa. Anh có rất nhiều bạn gái nhưng dĩ nhiên, anh không đưa bất cứ ai trong số họ về nhà mình. Giống như cậu con trai, anh đã quen với việc tự chăm sóc cho chính mình. Hai cha con không khác xa nhau như người ta hình dung. Nhưng họ là kiểu người đã sống trong cô độc như một thói quen, nỗi cô độc ấy ở mỗi người có trọng lượng ngang nhau, thế nên chẳng ai chủ động mở lòng cho người khác. Cũng chẳng ai cảm thấy có nhu cầu phải làm điều đó. Shozaburo Takitani không thích hợp với vai trò của một người cha còn Tony Takitani cũng không phải là một cậu con trai của một ông bố theo nghĩa đầy đủ.
Tony Takitani thích vẽ. Cậu có thể ngồi lì hàng giờ trong phòng của mình chỉ để vẽ. Cậu đặc biệt thích vẽ những hình máy móc. Với cây bút chì vót nhọn, cậu có thể hoàn thành những bức vẽ rõ ràng, chính xác và đặc biệt tỉ mỉ về những chiếc xe đạp, những chiếc đài, những cỗ máy và những thứ đại loại như thế. Nếu vẽ một cái cây, cậu nhất định phải khắc hoạ từng đường gân của chiếc lá. Đó là cách vẽ duy nhất mà cậu biết. Không giống như những môn học khác, điểm môn mỹ thuật của cậu bao giờ cũng nổi trội và cậu thường nhận được giải nhất trong những cuộc thi vẽ của nhà trường.
Bởi thế, đối với Tony Takitani, việc theo học trường mỹ thuật sau khi tốt nghiệp trung học và sau đó nữa trở thành hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ là điều hoàn toàn tự nhiên. Anh chẳng bao giờ thấy cần phải đắn đo, cân nhắc đến những khả năng khác.Trong khi đám bạn cùng lứa với anh phải khổ sở về việc lựa chọn hướng đi cho đời mình thì anh vẫn cứ tiếp tục làm công việc vẽ những bức tranh về máy móc mà không hề nghĩ ngợi đến bất cứ một cái gì khác nữa. Đó lại là thời kỳ mà phần lớn giới trẻ đang bày tỏ sự phản kháng của mình đối với giới cầm quyền bằng sự giận dữ và bằng cả bạo lực thế nên không một người cùng thời nào nhận thấy những bức vẽ rất thực tế của Tony có một chút giá trị gì. Những giáo sư ở trường mỹ thuật nhìn những tác phẩm của anh với một nụ cười nhăn nhó. Bạn cùng lớp với Tony chê những bức vẽ đó thiệu nội dung tư tưởng. Còn bản thân Tony thì lại không thể hiều những tác phẩm đầy nội dung tư tưởng của họ thì có giá trị gì. Đối với anh, những bức vẽ ấy thật non nớt, xấu xí và không chính xác.
Thế nhưng ngay sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật thì mọi thứ đối với Tony đều thay đối. Nhờ tính thực tế cao độ của bút pháp hiện thực trong những bức vẽ của mình, Tony không hề gặp bất cứ khó khăn nào khi tìm việc. Không ai có thể sánh được với anh về mức độ chính xác khi vẽ những loại máy móc và những công trình kiến trúc phức tạp. “Trông chúng còn thật hơn cả vật thật nữa”, ai cũng nhận xét như vậy. Những phác thảo của anh còn tỉ mỉ hơn cả ảnh chụp và rõ nét đến mức mọi lời giải thích đều hoá ra thừa. Vậy là bỗng nhiên anh trở thành một người vẽ minh hoạ mà ai cũng cần. Việc gì anh cũng nhận—từ vẽ bìa cho những tạp chí về ô tô đến vẽ quảng cáo. Anh thích thú với công việc và kiếm được cũng khá. Không phải lạm chi cho bất cứ một sở thích nào, đến năm ba mươi lăm tuổi, anh đã tích góp được một gia sản nhỏ. Anh mua một ngôi nhà lớn ở Setagaya, một khu giàu có ở ngoại ô Tokyo đồng thời sở hữu một vài căn hộ cho thuê. Có một kế toán viên giúp anh quản lý chuyện này.
Đến lúc này, anh cũng đã có quan hệ với một vài phụ nữ. Thậm chí anh đã từng sống chung với một người trong số họ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện hôn nhân, chưa bao giờ cảm thấy có nhu cầu cưới xin. Chuyện cơm nước, cửa nhà, giặt giũ, anh đều có khả năng tự xoay xở được. Nếu khi nào bận công bận việc thì anh lại thuê một người giúp việc lo cho chuyện nhà. Chưa bao giờ anh thấy thèm có một đứa con. Anh không có nét quyến rũ đặc biệt như cha mình, anh cũng không có một người bạn thật sự nào, người có thể tìm đến anh để xin một lời khuyên hay thổ lộ những điều bí mật, thậm chí chỉ là để uống rượu cùng. Nhưng quan hệ giữa anh với những người anh gặp thường ngày hoàn toàn bình thường. Anh chẳng có gì để ngạo mạn hay tự phụ. Chưa bao giờ anh phải nói lời xin lỗi hay ra điều coi thường ai cả và hầu như những ai biết anh cũng đều quý mến anh. Anh đến thăm cha mình khoảng chừng hai ba, năm một lần, không quá, và chỉ vì một vài vấn đề liên quan đến công việc mà thôi. Khi đã xong công việc, cả hai người đều chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Cứ thế, cuộc đời của Tony trôi đi, lặng lẽ và yên bình.
Thế rồi đến một ngày, không hể có tiên cảm nào cả, Tony Takitani yêu. Đó là một cô gái làm thêm cho một nhà xuất bản và hàng tuần, nàng đến văn phòng của anh để chọn tranh minh họa. Nàng hai mươi hai tuổi, một cô gái kín đáo với nụ cười dịu hiền. Khuôn mặt nàng khá tuơi tắn nhưng khách quan mà nói, cô gái không đẹp lắm. Tuy nhiên, ở nàng có một điểm gì đấy khiến trái tim của Tony rung dộng mãnh liệt. Lần đầu tiên nhìn thấy nàng, ngực anh như căng ra, anh dường như không thể thở được nữa. Anh thậm chí không thể hiểu được điều gì ở nàng đã gây ấn tượng đối với anh mạnh mẽ đến như vậy.
Điểm tiếp theo thu hút sự chú ý của anh là trang phục của nàng. Nói chunganh không bao giờ chú ý đặc biệt đến chuyện ăn mặc của người khác nhưng cách chọn trang phục của cô gái này có một điều gì đấy thật quyến rũ, khiến anh có một ấn tượng sâu sắc; thậm chí, có thể nói, chính điều đó đã khiến anh ngây ngất. Xung quanh anh cũng có nhiều phụ nữ ăn mặc thanh lịch, và còn nhiều hơn thế là những người chọn trang phục để gây ấn tượng nhưng cô gái này thì khác. Hoàn toàn khác biệt. Cách ăn vận của nàng hoàn toàn tự nhiên và duyên dáng đến độ có thể mường tượng nàng giống như một con chim tự choàng lên mình một lớp lông vũ đặc biệt trước khi chuẩn bị cất cánh bay đến một thế giới khác. Chưa bao giờ anh nhìn ngắm một người phụ nữ trong trang phục của mình với một niềm say đắm đến vậy.
Sau khi nàng rời khỏi, anh ngồi lặng bên bàn, bần thần, chẳng làm được việc gì cho đến tận lúc chiều muộn và căn phòng hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Ngày hôm sau, anh gọi điện đến cho nhà xuất bản nơi nàng làm việc và lấy một lý do gì đấy khiến nàng phải trở lại văn phòng của anh. Khi công việc của hai người kết thúc, anh mời nàng đi ăn trưa. Vừa ăn, hai người vừa trò chuyện với nhau. Mặc dù họ cách biệt nhau đến mười lăm tuổi nhưng thật lạ lùng, cả anh và nàng đều thấy giữa hai người có nhiều điểm chung. Họ đồng tình với nhau về mọi chủ đề. Đó là điều mà anh chưa từng được trải nghiệm trước đó, và cả nàng cũng thế. Thoạt đầu, nàng có phần hơi căng thẳng nhưng rồi dần dần nàng lấy lại cân bằng, cuối cùng thì nàng cũng bật cười và trò chuyện hoàn toàn thoải mái.
“Em ăm mặc rất đẹp”, Tony nói lên cảm xúc của anh khi hai người chia tay.
“Em thích thời trang”, nàng trả lời, kèm theo một nụ cười bẽn lẽn. “ Phần lớn tiền kiếm được em đều dành để mua váy áo”.
Sau hôm đó, họ có thêm vài buổi hẹn hò nữa. Họ chẳng chọn một chốn đặc biệt nào để hò hẹn mà chỉ tìm một nơi yên tĩnh để ngồi bên nhau trò chuyện cả hàng giờ liền—về quá khứ của họ, công việc của họ, về suy nghĩ và cảm xúc của họ đối với chuyện này chuyện nọ. Chẳng bao giờ họ cảm thấy mệt mỏi bởi những cuộc chuyện trò đó. Cứ như thể họ đang lấp đầy sự trống rỗ੮g của nhau.
Đến lần gặp gỡ thứ năm, anh ngỏ lời cầu hôn với nàng. Nhưng nàng đã có bạn trai, hai người đã để ý đến nhau từ hồi học trung học. Theo thời gian, mối quan hệ giữa anh ta và nàng trở nên nhạt dần, nàng thừa nhận điều ấy, và giờ đây, mỗi khi gặp nhau, họ lại có thể cãi vã về những điều ngớ ngẩn nhất. Thực sự thì ở bên anh ta, nàng không thể cảm thấy thoải mái và thú vị như khi ở bên Tony Takitani, nhưng dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là nàng có thể cắt đứt mối quan hệ này một cách đơn giản được. Dù sao đi nữa, nàng cũng có những lý do ràng buộc. Vả lại, giữa Tony và nàng lại có khoảng cách đến mười lăm năm tuổi đời. Nàng hãy còn trẻ, lại chưa từng trải. Nàng không rõ sự cách biệt tuổi tác đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của hai người trong tương lai. Nàng nói với Tony rằng nàng cần thời gian để suy nghĩ.
Mỗi ngày chờ nàng suy nghĩ là mỗi ngày Tony Takitani sống trong địa ngục. Anh không thể làm việc được. Anh chỉ ngồi uống rượu, uống một mình. Chưa bao giờ sự cô độc lại trở thành một gánh nặng khủng khiếp đối với anh như lúc này, nó là cội nguồn của nỗi thống khổ trong anh, là một ngục tù đày đọa anh. Trước đây, chưa bao giờ mình để ý đến điều đó, anh nghĩ. Anh nhìn chằm chằm vào những bức tường dày, lạnh lẽo xung quanh mình với ánh mắt tuyệt vọng và thầm nhủ: nếu nàng từ chối lời cầu hôn của mình, có lẽ mình chỉ còn biết tìm đến cái chết mà thôi.
Anh muốn gặp nàng, để nói với nàng anh thật sự đang cảm thấy thế nào. Cuộc đời anh đã trở nên cô đơn ra sao kể từ khi đó. Anh đã đánh mất bao nhiêu điều qua từng ấy năm tháng. Và nàng đã giúp anh nhận ra điều đó như thế nào.
Nàng là một cô gái thông minh. Nàng đã có tình cảm với Tony Takitani. Ngay từ buổi ban đầu gặp gỡ, nàng đã nghĩ nhiều đến anh, và mỗi lần hò hẹn lại làm nàng cảm mến anh hơn. Tình cảm đó có hẳn là “tình yêu” không, nàng không rõ. Nhưng nàng có cảm giác ở anh có một điều gì đó tuyệt vời sâu xa và nàng nghĩ mình sẽ hạnh phúc nếu gắn bó đời mình với anh. Và vậy là cuối cùng họ cũng lấy nhau.
Với đám cưới ấy, Tony Takitani đã chấm dứt thờ kỳ cô độc của đời mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên anh làm là tìm nàng. Và khi nhận ra nàng đang nằm ngủ bên cạnh mình, anh cảm thấy nhẹ lòng. Khi nàng không ở bên, anh cảm thấy lo âu và đi khắp nhà để tìm nàng. Đối với anh, khi không còn cô độc nữa, anh lại thấy có một điều gì đó rất lạ. Chính bởi vì cuộc đời anh đã thôi hết những ngày cô độc nên anh lại thấy lo sợ nếu như phải trở lại tình trạng cô độc như thế. Anh sẽ phải làm gì khi đó? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh anh mãi. Đôi khi nỗi sợ hãi đó khiến anh toát mồ hôi. Nhưng rồi dần dà anh cũng quen với cuộc sống mới và khả năng vợ anh biến mất bất ngờ dường như trở nên xa vời hơn, nỗi âu lo của anh bởi vậy cũng lắng xuống. Cuối cùng thì anh cũng yên tâm và đắm chìm trong niềm hạnh phúc mới mẻ và êm đềm.
Một hôm, nàng bảo nàng muốn nghe để biết loại nhạc mà bố chồng mình đang chơi là gì. Nàng hỏi Tony: “Anh có nghĩ là ông sẽ thấy ngại nếu chúng ta đến nghe ông chơi nhạc không?”
“Có lẽ là không”. Anh trả lời.
Họ đến câu lạc bộ ban đêm Ginza, nơi Shozaburo Takitani đang biểu diễn. Đây là lần đầu tiên kể từ hồi nhỏ Tony Takitani đến nghe bố mình chơi nhạc. Shozaburo vẫn chơi những bản nhạc mà ông đã từng chơi từ thuở nào, vẫn là những bài hát mà Tony đã nghe không biết bao nhiêu lần qua băng đĩa từ khi còn là một cậu bé. Phong cách của Shozaburo vẫn dịu dàng, thanh nhã, ngọt ngào. Đó không phải là nghệ thuật mà chỉ là một thứ âm nhạc do một nhạc công chuyên nghiệp thành thục biểu diễn, vậy thôi, và điều đó có thể đem đến cho đám đông khán giả một cảm giác dễ chịu.
Thế nhưng, chẳng mấy chốc, có một cái gì bắt đầu làm nghẹt hơi thở của Tony Takitani, cứ như thể anh là một cái ống hẹp mà bùn đặc cứ âm thầm tích đầy, không thể nào hãm lại, và anh cảm thấy khó ngồi yên được nữa. Anh không thoát khỏi cảm giác cứ gợn lên trong anh rằng thứ nhạc mà anh đang nghe đây chỉ hơi khác một chút so với thứ nhạc mà anh nhớ là bố mình đã từng chơi. Tất nhiên, anh đã nghe thứ nhạc ấy cách đây nhiều năm, và nói cho cùng, anh đã lắng nghe nó bằng đôi tai trẻ thơ, nhưng sự khác biệt này, đối với anh, cực kỳ quan trọng. Một sự khác biệt rất tinh vi nhưng có tính cốt yếu. Anh những muốn đi lên bục sân khấu, nắm lấy tay bố mình mà hỏi: “Điều gì vậy, thưa bố? Đã có điều gì thay đổi?” Nhưng anh lại không làm điều như thế. Anh chẳng bao giờ có thể lý giải cái gì đang ở trong đầu mình. Thay vào đó, anh lại chỉ ngồi yên bên bàn của mình và uống rượu, uống nhiều hơn thường lệ, cho đến khi bố mình biểu diễn xong. Khi tiết mục kết thúc, anh và vợ vỗ tay rồi trở về nhà.
Cuộc sống của vợ chồng Tony rất đỗi êm đềm. Chưa bao giờ họ cãi vã nhau, đã có biết bao nhiêu những giờ khắc hạnh phúc họ được ở bên nhau, họ cùng nhau đi dạo, đi xem phim, đi du lịch. Công việc của Tony Takitani vẫn tiếp tục tiến triển và nàng cũng tỏ ra rất đảm đang quán xuyến việc nhà. Với một người còn trẻ tuổi như thế, đó là điều đáng phục. Tuy nhiên, có một điều khiến Tony hơi băn khoăn, ấy chính là nỗi đam mê mua sắm hàng thời trang của nàng. Cứ đứng trước một bộ trang phục nào đấy là nàng lại cảm thấy không cưỡng lại được ham muốn của mình. Lúc ấy, ánh nhìn trong mắt nàng thật lạ lùng, thậm chí giọng nói của nàng cũng dường đổi khác. Khi lần đầu tiên phát hiện ra điều này ở nàng, Tony cứ nghĩ có thể là do nàng đột nhiên thấy mệt. Anh đã nhận thấy điều đó trước khi họ lấy nhau nhưng phải đợi đến tuần trăng mật của hai người, hiện tượng ấy mới bắt đầu bộc lộ sâu sắc. Nàng đã mua một số lượng đáng kinh ngạc quần áo trong chuyến du lịch châu Âu của hai người. Ở Milan và Paris, nàng đã đi hết cửa hiệu thời trang này đến cửa hiệu thời trang khác, từ sáng đến tận tối khuya, cứ như một kẻ bị ma ám vậy. Họ chẳng thăm thú được thắng cảnh nào cả. Thay vì đến thăm Duomo hay bảo tàng Louvre thì họ lại đi xem những cửa hiệu của các hãng thời trang Valentino, Missoni, Saint Laurent, Givenchy, Ferragamo, Armani, Cerutti, Gianfranco Ferré. Bị mê hoặc trước những bộ đồ, nàng vơ hết tất cả những gì lọt vào mắt mình và Tony cứ lẽo đẽo theo sau thanh toán hoá đơn. Anh thật sự lo lắng khi những con số nổi trên thẻ tín dụng cứ tụt dầ, tụt dần.
Cơn sốt của nàng vẫn không thuyên giảm khi họ trở về Nhật Bản. Nàng vẫn tiếp tục mua những bộ đồ mới, gần như là hàng ngày. Số lượng áo xống trong số đồ riêng của nàng tăng vọt. Để chứa chúng, Tony phải dùng đến vài cái tủ trưng bày lớn. Anh cũng làm luôn cả một cái giá để đựng giày của vợ. Nhưng ngay cả như thế, vẫn không đủ chỗ cho tất cả mọi thứ. Và cuối cùng, anh phải dành cả một căn phòng được thiết kế lại như một buồng riêng mới cất được tất cả váy áo, giày dép của vợ. Trong căn nhà lớn của mình, họ có những căn phòng dự trữ và tiền bạc không phải là vấn đề. Thêm nữa, nàng trông rất lộng lấy trong những trang phục mà mình mua và bao giờ nét mặt nàng cũng ngời lên hạnh phúc khi mua được một bộ đồ mới, thế nên Tony quyết định không than phiền. Không ai là hoàn hảo cả, anh nhủ thầm như vậy.
Tuy nhiên, khi số lượng quần áo của nàng đã trở nên quá lớn, đến mức một căn phòng đặc biệt dành cho nó vẫn không đủ được thì Tony Takitani bẳt đầu có chút nghi ngờ. Một lần, khi nàng đi vắng, anh đi đếm xem vợ mình có bao nhiêu bộ váy. Anh ước tính rằng nàng có thể thay trang phục hai lần một ngày mà vẫn không bị mặc trùng trong khoảng thời gian gần hai năm. Nàng bận bịu mua đồ mới đến độ chẳng có thời gian để mặc chúng nữa. Anh băn khoăn không hiểu liệu vợ mình có vấn đề gì về tâm lý hay không. Nếu là như vậy, anh thấy cần phải có động tác để kìm hãm thói quen của nàng lại.
Một buổi tối, sau khi ăn xong, anh quyết định nói lên điều khó nói ấy: “Anh muốn em cắt giảm một chút chuyện mua sắm quần áo”, anh nói, “đó không phải là vì vấn đề tiền nong. Anh không nói đến điều ấy. Anh không phản đối em mua những gì mình thấy cần và anh rất hạnh phúc khi nhìn thấy em xinh tươi như thế, nhưng thật sự em có cần nhiều những chiếc váy đắt tiền như thế không?”
Vợ của anh cúi mặt xuống, ngẫm nghĩ một lát. Rồi nàng nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Anh nói đúng, vâng. Em không cần nhiều váy áo đến như thế. Em hiểu. Nhưng dẫu biết thế, em vẫn không thể kìm lòng mình được. Khi nhìn thấy một cái váy đẹp, em lại nghĩ mình nhất địnhਠphải mua nó bằng được. Khi ấy, những ý nghĩ như mình có cần đến nó hay không, hay mình đã có quá nhiều rồi hay không, hoàn toàn bị gạt khỏi lý trí của em. Em chỉ không thể kìm lại lòng mình được”. Nàng hứa sẽ cố gắng tự kiềm chế. “Em biết nếu vẫn cứ tiếp tục mua sắm như vậy thì chẳng mấy chốc, cả nhà mình sẽ chất đầy quần áo của em”.
Và thế rồi nàng giam mình trong nhà cả tuần, cố gắng tránh xa những cửa hiệu thời trang. Khoảng thời gian ấy là khoảng thời gian cực hình đối với nàng. Nàng có cảm giác như đang đi trên bế mặt của một hành tinh yếm khí. Ngày nào nàng cũng ngồi trong căn phòng chất đầy áo quần, lấy xuống lần lượt từng bộ đồ để nhìn ngắm chúng. Nàng vuốt ve lớp vải, hít lấy mùi thơm của nó, uớm những bộ đồ lên người và ngắm mình trong gương. Nhưng càng nhìn ngắm những bộ đồ như thế, nàng lại càng muốn có một bộ đồ mới. Nỗi ham muốn có một bộ đồ mới, đối với nàng, đã trở thành một cảm giác nặng nề. Đơn giản là nàng không chịu nổi cảm giác đó.
Nhưng nàng là người yêu chồng mình sâu sắc. Và nàng tôn trọng anh. Nàng biết là anh đúng. Nàng gọi điện cho một cửa hiệu thời trang quen thuộc của nàng và hỏi chủ hiệu xem có thể cho nàng đem trả lại một chiếc áo khoác và váy mà nàng đã mua tại cửa hiệu trước đó mười ngày nhưng chưa từng mặt. “Vâng, được, thưa bà,” người ta trả lời nàng như vậy. Nàng là một trong số những khách hàng đặc biệt của cửa hiệu; và họ có thể dành sự ưu ái đó cho nàng. Nàng đặt chiếc áo khoác và bộ váy vào trong chiếc Renault Cinque và lái xe đến quận Aoyama, một quận sang trọng. Ở đó nàng trả lại bộ đồ đã mua và nhận lại tiền. Xong việc, nàng hối hả chạy ra xe, cố gắng không nhìn vào bất cứ một cái gì khác nữa rồi phóng thẳng về nhà. Nàng có một cảm giác gì đó, như là một sự nhẹ bỗng, khi đem trả lại những gì mình đã mua. Phải, nàng tự nhủ, mình không cần những thứ ấy. Mình đã có đủ áo khoác và váy xống để mặc đến hết đời rồi. Nhưng khi dừng lại đợi đèn đỏ đổi màu thì chiếc áo đó, bộ váy đó lại choán ngợp tâm trí nàng. Nàng có thể nhớ lại đến từng chi tiết của chúng: màu sắc, nếp cắt, chất vải. Nàng có thể mường tượng rõ rệt về chúng, như thể chúng đang hiện hữu trước mặt nàng. Một lớp mồ hôi toát ra trên vầng trán của nàng. Tay tì lên bánh lái, nàng thở một hơi dài và sâu, mắt nhắm nghiền lại. Và ngay khi nàng mở mắt ra, nàng nhận thấy đèn giao thông đã bật xanh. Hoàn toàn theo bản năng thôi thúc, nàng nhấn ga.
Một chiếc xe tải lớn đang cố gắng vượt qua ngả tư đường trong lúc đèn đang ngả vàng với tốc độ tối đa đã đâm sầm vào bên hông chiếc Renault của nàng. Nàng không hề cảm giác thấy một điều gì cả.
Chỉ còn lại Tony Takitani với cả một phòng đầy những bộ váy mang cỡ số 2 và một trăm hai mươi đôi giày. Anh không biết phải làm gì với chúng. Anh không định giữ tất cả những bộ váy áo của vợ mình suốt cả phần đời còn lại, bởi vậy anh gọi cho một người trong giới buôn bán và đồng ý bán tất cả số mũ cùng đồ phụ tùng kèm theo với cái giá đầu tiên mà vị thương gia ấy đưa ra. Vớ và những đồ lót, anh buộc lại thành chùm và đem đến lò đốt rác trong vườn để đốt. Còn đối với váy và giày của nàng thì bởi số lượng của chúng quá nhiều nên anh vẫn để chúng lại ở nơi trước đây của chúng. Sau đám tang vợ, anh tự giam mình trong phòng và cả ngày chỉ ngồi nhìn trân trân vào những giá mắc quần áo.
Mười ngày sau, Tony Takitani đăng một mẩu quảng cáo trên một tờ báo. Anh muốn tìm một người giúp việc nữ, có cỡ quần áo số 2, chiều cao khoảng chừng 5,3 foot, đi giày cỡ số 6, tiền lương khá, điều kiện làm việc thuận lợi. Bởi mức lương anh đưa ra cao một cách bất thường thế nên có đến mười ba phụ nữ xếp hàng tại xưởng làm việc của anh ở quận Minami-Aoyama để phỏng vấn. Năm người trong số đó rõ ràng đã nói dối về cỡ quần áo của mình. Trong số tám người còn lại, anh chọn được một người mà vóc dáng gần giống vợ anh nhất, một phụ nữ độ hai lăm, hai sáu tuổi với khuôn mặt không có gì đặc biệt. Cô ta mặc một chiếc áo cánh trắng đơn sơ và một chiếc váy bó màu xanh da trời. Trang phục và giày dép của cô ta đều nền nã và sạch sẽ nhưng đã cũ.
Tony Takitani nói với người phụ nữ được tuyển lựa: “Công việc không có gì khó nhọc cả. Cô chỉ cần đến văn phòng hàng ngày từ chín giờ sáng cho đến năm giờ chiều, trả lời điện thoại, giao các bản minh hoạ, thu thập tài liệu giúp tôi, in sao các bản vẽ—đại loại là những công việc như thế. Chỉ có duy nhất một điều kiện. Tôi vừa mới mất vợ, và vợ tôi để lại rất nhiều quần áo của nàng ở nhà. Phần lớn những gì mà cô ấy để lại đều còn mới nguyên hoặc hãy còn như mới. Tôi muốn cô mặc những đồ của vợ tôi như một thứ đồng phục trong khi cô làm việc ở đây. Tôi biết hẳn là cô cảm thấy điều này thật lạ lùng, nhưng tin tôi đi, tôi không có động cơ sâu xa gì cả. Điều đó chỉ giúp tôi có thời gian để quen với ý niệm là vợ tôi đã mất. Nếu có cô ở bên trong trang phục của vợ tôi, thì tôi chắc chắn cuối cùng mình cũng sẽ ngộ ra rằng cô ấy không còn nữa”.
Người phụ nữ trẻ cắn môi ngẫm nghĩ về lời đề nghị đó. Đó là một yêu cầu, đúng như anh ta nói, lạ lùng—thực sự nó quá đỗi lạ lùng đến độ cô không hoàn toàn hiểu nó. Cô hiểu là vợ của anh ta vừa mới qua đời. Và cô cũng hiểu người vợ của anh ta đã để lại rất nhiều quần áo của mình. Nhưng cô thật sự không rõ tại sao mình lại cần phải làm việc trong trang phục của vợ anh ta. Theo suy nghĩ thông thường thì cô có thể đoán rằng anh ta yêu cầu cô ăn mặc như thế có lẽ vì cơn cớ sâu xa hơn là chỉ muốn được vừa mắt. Nhưng cô nghĩ người đàn ông này không phải là người có tâm địa xấu. Chỉ cần nghe cách anh ta nói chuyện cũng có thể thấy được điều đó. Có thể cái chết của người vợ đã có một tác động gì đó đến tâm trí anh nhưng anh ta không phải loại người vì những điều như thế mà đi đến chỗ làm hại người khác. Và dù sao thì cô cũng đang cần một công việc. Cô đã đi tìm việc từ lâu rồi, tiền trợ cấp thất nghiệp của cô sắp hết và có lẽ cô chẳng bao giờ tìm được một công việc được trả công khá như thế này.
“Tôi nghĩ là mình hiểu”, cô nói. “Và tôi nghĩ là mình có thể làm được những gì mà ông yêu cầu. Nhưng, trước hết, tôi không biết là liệu ông có thể cho tôi xem những bộ quần áo mà mình sẽ phải mặc được không. Tôi nên kiểm tra xem liệu chúng có thật sự phù hợp với cỡ của mìn”.
“Tất nhiên là được,” Tony Takitani trả lời và anh đưa người phụ nữ ấy về nhà mình,chỉ cho cô ta xem căn phòng chứa quần áo của vợ mình. Cô chưa bao giờ nhìn thấy nhiều áo váy chất đống tại một nơi như vậy, ngoại trừ trong các quầy hàng. Bộ váy nào cũng rất đắt tiền và đều là loại cao cấp. Cũng khó có thể chê được điểm gì về gu thẩm mỹ. Nhìn chúng mà mắt dường như cứ lóa lên. Người phụ nữ cảm thấy ngộp thở. Tim cô đập rộn ràng. Giống như thể nó đang trong cơn hưng phấn dục tình, cô nhận ra như thế.
Tony Takitani để người phụ nữ ở lại một mình trong phòng. Cô như bị hút vào những bộ váy áo và mặc thử một vài bộ. Cô cũng đi thử một vài đôi giày nữa. Tất cả đều vừa khít cứ như chúng được làm cho cô vậy. Cô ngắm nhìn hết bộ váy này đến bộ váy khác. Cô miết tay lên lớp vải và hít lấy hương thơm. Có đến cả hàng trăm chiếc váy treo trên mắc. Tự bao giờ mắt cô đã đọng đầy nước và chỉ chực trào ra. Cô không biết làm sao để cầm lại. Cơ thể cô giờ đây được bọc trong chiếc váy của người phụ nữ đã chết, cô chỉ biết đứng lặng, sụt sịt, cố gắng nén lại tiếng khóc bật ra từ cổ họng. Không lâu sau đó, Tony Takitani trở về để xem cô đang làm gì.
“Tại sao cô khóc?” anh hỏi.
“Tôi cũng không biết nữa”, cô gái lắc đầu nói. “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều bộ váy đẹp đến vậy. Có lẽ điều ấy đã làm tôi buồn. Tôi xin lỗi”. Cô lấy khăn mùi xoa để lau nước mắt.”
“Nếu cô thấy ổn thì ngay ngày mai, cô sẽ bắt đầu công việc tại căn phòng”, Tony nói, đúng phong cách của một người làm kinh doanh. “Hãy chọn lấy những bộ váy và những đôi giày mà cô sẽ dùng trong một tuần và đem về nhà mình”.
Người phụ nữ phải mất nhiều thời gian để chọn ra những bộ váy đáng giá để mặc trong sáu ngày. Sau đó cô lại chọn giày để đi cho tương ứng. Cô gói ghém tất cả vào một chiếc va ly.
“Hãy lấy cả một cái áo khoác nữa. Nếu cô không muốn bị lạnh”. Tony Takitani nói.
Cô chọn một chiếc áo khoác dệt bằng len cashmere 1 có màu xám ấm áp. Nó nhẹ tênh như thể được làm từ lông vũ. Cô chưa từng cầm trên tay một chiếc áo khoác nhẹ như vậy trong đời.
Khi người phụ nữ rời khỏi, Tony Takitani quay trở vào buồng của vợ mình, đóng sập cửa lại và cứ ngồi đó, đưa mắt nhìn vẩn vơ những bộ váy. Anh không hiểu tại sao người phụ nữ lại bật khóc khi nhìn thấy chúng. Đối với anh, những chiếc váy đó giống như những cái bóng mà vợ anh để lại. Những chiếc bóng mang cỡ số 2 của vợ anh lơ lửng ở đó trên những giá treo dài, lớp này chồng lên lớp kia, cứ như thể có ai đó đã gom lại và treo lên đó những vật mẫu về những khả năng vô hạn (hay chí ít là những khả năng vô hạn xét về mặt lý thuyết) hàm ẩn trong sự tồn tại của con người.
Những chiếc váy đó đã từng gắn chặt với cơ thể của vợ anh, người đã đem lại cho chúng hơi ấm của sự sống và làm cho chúng được vận động. Song bây giờ, những gì treo trước mắt anh lại chỉ là những cái bóng âm u, bị cắt lìa khỏi những cội rễ của sự sống, trở nên nhòa nhạt, hoàn toàn trống rỗng về ý nghĩa. Những sắc màu phong phú của chúng múa nhảy trong không gian như những hạt phấn hoa tung bay lên, làm nhòa mắt anh, bịt kín tai anh, lấp chặt lỗ mũi anh. Những đường ren, những hàng cúc, những gầu vai, những túi áo rồi cả những chiếc thắt lưng cứ điên cuồng hớp lấy bầu không khí của căn phòng, làm nó loãng dần, loãng dần cho đến khi anh cảm thấy ngạt thở. Không biết bao nhiêu viên băng phiến làm tỏa ra một thứ mùi dày đặc giống như âm thanh của cả triệu con côn trùng có cánh nhỏ xíu. Giờ đây, anh cảm thấy căm ghét những bộ váy đó, cảm giác ấy đến với anh một cách bất ngờ. Anh ngồi sụp xuống, dựa lưng vào tường, hai tay khoanh lại và anh nhắm nghiến mắt. Lại một lần nữa, nỗi cô đơn rỉ thấm vào trong anh, như một thứ nước canh âm ấm. Tất cả đã hết, anh nhủ thầm. Mình có làm gì đi nữa thì tất cả cũng đã hết thật rồi.
Anh gọi điện đến cho người phụ nữ mà anh đã chọn và nói với cô ta hãy quên công việc đó đi. Không có việc gì dành cho cô nữa, anh bảo vậy và nói lời xin lỗi.
“Sao lại thế?” Người phụ nữ hỏi, đầy sửng sốt.
“Tôi xin lỗi nhưng giờ đây sự thể đã thay đổi,” anh nói. “Cô có thể giữ lại những bộ đồ và những chiếc giày mà cô đã mang về nhà. Tôi chỉ muốn cô hãy quên câu chuyệ này đi và xin đừng kể với bất kỳ ai về nó”.
Người phụ nữ không hiểu nổi điều này và cô càng nài hỏi thì lại càng vô vọng.
“Tôi hiểu”, cuối cùng thì cô đành phải nói vậy và dập máy.
Ban đầu, cô thấy tức giận đối với Tony Takitani. Nhưng rồi không lâu, cô cảm tưởng rằng có thể mọi chuyện đã diễn ra theo hướng có lợi hơn cả đối với cô. Toàn bộ việc này đã khác thường ngay từ đầu. Cô thấy buồn vì mất việc, song lại nghĩ mình có thể tìm được một việc khác.
Cô mở gói đồ mà cô đã mang từ nhà Tony Takitani về, vuốt chúng lại phẳng phiu rồi treo lên tủ quần áo của mình. Những đôi giày thì cô đặt lên giá ở trước cửa. So với những thứ đồ cô mới đem về này thì quần áo và giày dép của cô trông tối tàn đến thảm hại. Cô có cảm giác dường như chúng là một loại vật chất khác, được tạo từ những chất liệu theo kích cỡ khác. Cô thay bộ đồ đã mặc để đi phỏng vấn bằng một chiếc quần jean và một chiếc áo dạ. Cô ngồi bệt xuống sàn nhà, uống một cốc bia lạnh. Nhớ lại căn phòng ngập những áo quần mà cô đã nhìn thấy ở nhà Tony Takitani, cô buông một tiếng thở dài. Nhiều bộ váy đẹp quá, cô nghĩ. Và cái “phòng” đó, nó còn lớn hơn cả căn hộ của mình. Cứ thử hình dung xem người ta phải bỏ bao nhiêu thời gian và tiền bạc để mua tất cả số váy áo đó! Thế mà người phụ nữ làm cái việc ấy giờ đã chết. Mình không rõ phải cảm thấy thế nào nếu như phải chết và đành bỏ lại nhiều bộ váy áo đẹp đến thế.
Ban bè của cô đều biết rõ cô là kẻ nghèo, thế nên họ đều ngạc nhiên khi mỗi lần gặp gỡ lại thấy cô diện một bộ váy mới—bộ nào trông cũng tinh tế và đều là hàng hiệu.
“Cậu kiếm một chiếc váy như thế ở đây vậy?” Họ hỏi cô.
“Tôi đã hứa là sẽ không tiết lộ”, cô lắc đầu trả lời. “Hơn nữa, nếu tôi kể ra chắc gì các cậu đã tin tôi”.
Cuối cùng thì Tony Takitani đã gọi một người chuyên kinh doanh quần áo cũ đến mang đi tất cả những gì mà vợ anh để lại. Tay buôn đó chỉ trả Tony bằng 20% số tiền y đáng phải bỏ ra để mua chúng nhưng tiền nong đối với Tony không phải là điều quan trọng. Anh có thể cho không tất cả những thứ đó, chỉ cần là chúng được đem đến một ੮ơi nào đó mà anh sẽ không bao giờ phải nhìn thấy chúng nữa.
Thỉnh thoảng, Tony lại vào căn phòng trống trơn đó và ngồi lặng ở đấy một vài tiếng đồng hồ. Anh cứ ngồi không như vậy, chẳng làm gì cả, chỉ để cho đầu óc trống rỗng. Anh ngồi trên sàn nhà, nhìn trân trân vào những bức tường trơ trụi, vào những cái bóng của bóng người vợ đã quá cố. Nhưng theo ngày tháng trôi qua, anh mất dần khả năng nhớ lại những vật đã từng ngự trị trong căn phòng. Ký ức về những sắc màu, những mùi hương đã phai đi gần như ngay trước khi anh nhận ra nó đã biến mất. Thậm chí những xúc cảm sống động mà anh từng nâng niu cũng rơi rụng, tựa hồ chúng đã đi ẩn dật đâu đó khỏi vùng lý trí của anh. Như thể một làn sương trong gió nhẹ, những ký ức của anh biến dạng, và cứ mỗi lần biến dạng, chúng lại trở nên mờ nhạt hơn. Mỗi mảnh ký ức giờ đây giống như cái bóng của một cái bóng của một cái bóng khác. Điều duy nhất còn xác thực đối với anh là cảm giác trống rỗng.
Đôi khi anh không thể nào nhớ lại khuôn mặt của vợ mình. Nhưng những gì mà anh nhớ lại được lại là hình ảnh người phụ nữ ấy, một người hoàn toàn xa lạ, sụt sùi rơi nước mắt khi nhìn những bộ váy áo mà vợ anh để lại trong phòng. Anh nhớ khuôn mặt chẳng có gì đặc biệt của cô ta, nhớ đôi giày mà lớp sơn đã bị tróc của cô. Lâu dần, anh quên hết tất cả những điều đó, kể cả tên của cô ta, chỉ con có hình ảnh của cô, thật lạ lùng, anh không thể nào quên được.
Hai năm sau khi vợ của Tony Takitani qua đời thì cha của anh cũng mất vì ung thư gan. Shozaburo Takitani hầu như không phải chịu nhiều đau đớn, thời gian mà ông phải nằm viện cũng ngắn. Ông chết như thể chỉ là đang nằm ngủ vậy.Theo nghĩa ấy, ông đã sống một cuộc đời như có phép màu phù hộ cho đến tận phút cuối. Ngoài một ít tiền mặt và một số giấy chứng nhận cổ phần, Shozaburo chẳng để lại thứ gì đáng gọi là tài sản cả. Chỉ có cây kèn của ông và một bộ sưu tập lớn những đĩa nhạc jazz cũ. Tony Takitani xếp những đĩa nhạc đó vào những chiếc hộp mà công ty dịch vụ chuyển nhà cho anh và chất chúng vào trong căn phòng bỏ trống Bởi vì chúng có mùi mốc nên anh thường xuyên phải mở cửa sổ căn phòng để mùi của chúng bay đi. Nếu không, anh sẽ chẳng bao giờ muốn đặt chân vào nơi ấy.
Một năm trôi đi như thế, và rồi những chiếc hộp đựng những đĩa nhạc bắt đầu khiến anh bận tâm mỗi lúc lại nhiều hơn. Thường thường, cứ nghĩ chúng đang hiện diện ở đó, anh lại thấy mình như đang nghẹt thở. Có đôi lần, anh choàng dậy lúc nửa đêm và không thể nào tiếp tục ngủ được nữa. Những ký ức của anh trở nên nhập nhoà nhưng chúng vẫn còn đó, vẫn ở cái nơi trước kia chúng từng ngự, với tất cả sức nặng mà ký ức có thể tích tụ lại.
Tony Takitani gọi cho một người kinh doanh băng đĩa và muốn bán cho anh ta bộ sưu tập này. Vì bộ sưu tập có nhiều đĩa nhạc có giá trị đã không tái bản từ lâu nên người ta trả cho anh một số tiền đáng kể—đủ để mua một chiếc xe hơi loại nhỏ. Nhưng đối với anh, tiền bạc cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Khi những đĩa nhạc đó biến khỏi ngôi nhà mình thì Tony Takitani thực sự hoàn toàn trơ trọi.
Hải Ngọc dịch theo bản Anh ngữ “Tony Takitani” do Jay Rubin chuyển ngữ từ tiếng Nhật, đăng trên The New Yorker, số ngày 15-4-2002.
--------------------------------
1 cashmere: loại vải len rất mềm và đắt tiền được làm từ lông dê vùng cao nguyên Kashmir.
Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo - Haruki Murakami Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo