Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7834 / 17
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 -
ng Thuần tức tối nhìn thằng con trai đang hất mặt lên trời rồi đập bàn quát:
- Đồ phá của! Lần này tao cho mày cuốc bộ chớ không đưa xe khác cho mày đâu.
Ông lừ mắt:
- Mày làm mất hay bán tháo bán đổ để lấy tiền ăn chơi chỉ có trời biết. Nhưng dù mất hay bán, tao cũng không bỏ ra một xu nào.
Phước làm thinh đưa mắt nhìn bà Trinh như cầu cứu. Bà nhỏ nhẹ nói như năn nỉ với chồng:
- Xe mất thật mà. Ông có mắng thì mắng tôi nè! Vì đi công chuyện cho tôi nên mới mất xe đó. Dầu gì chuyện cũng lỡ rồi. Con nó đâu có muốn thế.
Ông Thuần hừ một tiếng khô khốc:
- Lúc nào bà cũng bao che cho nó. Đúng là con hư tại mẹ mà. Mẹ con bà xéo cho khuất mắt tôi đi!
Bà Trinh ngập ngừng:
- Nếu không có xe làm sao thằng nhỏ đi học được. Trường tuốt trên tận Thủ Đức chớ có phải ở Sài Gòn đâu.
Ông Thuần cau có:
- Đi xe đạp, xe buýt gì đó mặc nó. Học ba năm chưa xong giai đoạn một. Chỉ giỏi món ăn chơi. Vậy thì học làm gì nữa? Nghỉ học rồi kiếm một chân cu ly, gác cổng mà làm cho biết giá trị đồng tiền.
Phước vò cái đầu hớt cao gần như cạo giọng khiêu khích:
- Nếu ba mẹ muốn, con xin chiều. Con giám đốc mà làm cu ly, gác cổng kể ra cũng hiếm.
Ông Thuần cười nhạt:
- Hiếm đâu có nghĩa là không có. Bắt đầu ngày mai tự mày nuôi lấy thân, tao hết trách nhiệm với thứ đốn mạt như mày rôi đó.
Nhìn bà Trinh, Phước khinh khỉnh:
- Mẹ nghe rõ nhé! Không phải tại con bỏ học mà tại ba ép. Đã ra đời làm cu ly, gác cổng để kiếm ăn thì ở lại ngôi nhà như cái ngục này làm chi nữa.
Nói dứt lời Phước nghênh ngang bỏ ra sân, bà Trinh te tái chạy theo:
- Trời ơi! Con đi đâu vậy? Ba giận mới nói thế. Con xin lỗi một tiếng thì đã sao?
Phước ngang ngược:
- Con không có lỗi, sao phải xin chứ?
Bà Trinh vỗ về:
- Ba con ngoài cứng trong mềm, con xuống nước một chút cho yên nhà giùm. Mày làm găng đâu có lợi. Nghe lời mẹ đi con!
Phước mím môi:
- Tại con thương mẹ và ngoại thôi. Nếu không con bỏ nhà từ lâu rồi.
Bà Trinh bá vai Phước nài nỉ:
- Mẹ biết. Ngoan đi con!
Lầm lì bước trở vào nhà, Phước bước tới trước mặt ông Thuần:
- Xin lỗi ba, lúc nãy con đã sai mà không chịu nhận.
Ông Thuần ngọt nhạt:
- Cậu vừa được nhắc tuồng nên mới trở vào xin lỗi tôi đó à? Mẹ con cậu càng lúc càng tệ. Tôi không chịu nổi nữa rồi. Mau cút đi!
Phước nhún vai nhìn mẹ rồi bỏ lên lầu. Giọng ông Thuần rên rỉ:
- Chẳng lẽ cả cơ nghiệp của tôi sẽ rơi vào tay một thằng người như nó? Đúng là oan nghiệt. Đúng là hoài công phí sức cả một đời.
Bà Trinh bênh vực:
- Sao ông lại nói thế? Con trai đứa nào không nghịch ngợm.
- Nghịch ngợm! Bà làm như nó còn nhỏ lắm vậy. Với thằng Phước phải dùng từ quậy phá, báo cô mới chính xác.
- Ông lại có ấn tượng với thằng nhỏ. Dầu gì sau này vợ chồng già mình cũng nhờ tới nó. Đừng mỗi chút mỗi rầy làm nó mặc cảm.
Ông Thuần bĩu môi:
- Chỉ người biết tự trọng mới có mặc cảm. Thằng phá của ấy làm gì có mặc cảm
Nhìn thẳng vào mắt vợ, ông gằn từng tiếng:
- Ông cho bà hay, nếu nó cứ tiếp tục sống như bây giờ, tôi sẽ tước bỏ quyền thừa kế của nó đó. Liệu mà dạy dỗ nó, may ra còn kịp.
Bà Trinh giẫy nãy:
- Ông nói lạ thật! Ngoài thằng Phước ra, còn ai thừa hưởng tài sản này mà ông đòi truất quyền thừa kế.
Ông Thuần lạnh lùng:
- Bà nghĩ thế là lầm!
Rồi mặc cho vợ nhìn mình trân trối, ông đứng dậy bước ra ga ra.
Bước lên chiếc Mazda đời mới, ông lái xe thẳng tới nhà bà Tuyên.
Ngần ngừ một phút, ông đưa tay bấm chuông. Con bé Tâm thò đầu ra ngạc nhiên
- Thưa dượng Hai...
Ông Thuần nhếch mép thay cho nụ cười xã giao:
- Có cô Tuyên ở nhà không?
- Dạ có ạ. Mời dượng vào nhà!
Vừa nói Tâm vừa mở rộng cổng. Ông Thuần bâng quơ:
- Không ngờ cháu vẫn còn nhớ tôi.
Gãi đầu, Tâm cười cười:
- Trông dượng vẫn y như trước không già đi chút nào.
Ông Thuần có vẻ thích thú vì lời khen tặng đó:
- Còn cháu thì đã thành một thiếu nữ xinh đẹp rồi.
Tâm thật thà:
- Nhưng cháu ngốc lắm nên bị cô Tuyên mắng suốt ngày.
Ông Thuần hấp háy mắt:
- Khó ai làm vừa lòng được cô ấy. Bởi vậy cháu đừng nghĩ mình ngốc.
Từ nhà trong bà Tuyên bước ra, hất hàm:
- Ông lại nhăng cuội gì với con khờ ấy thế?
Ông Thuần ngồi xuống salon:
- Tôi bảo trên đời có nhiều người cứ tưởng mình khôn ngoan hơn tất cả. Thật tội nghiệp họ!
Bà Tuyên khinh khỉnh:
- Vâng! Đúng là thật tội nghiệp họ...
Lấy trong túi áo ra một hộp thuốc lá mạ vàng, ông Thuần từ tốn mở nắp hộp gắn lên môi một điếu rồi chậm rã châm hút.
Phà một hơi khói, ông hỏi:
- Cậu Tuấn sắp về rồi, em có dự định gì chưa?
Bà Tuyên khít mũi:
- Chắc hẳn ông tới đây không phải để hỏi tôi điều đó?
Ông Thuần nhẹ nhàng:
- Nhưng đó là điều tôi quan tâm. Dầu sao Tuấn cũng là em vợ tôi mà.
Môi bà Tuyên mím chặt lại:
- Đúng là trơ trẽn! Mụ Trinh mà nghe ông nói thế chắc mụ ấy cảm động lắm.
Thở dài, ông Thuần trầm giọng:
- Đừng nhắc tới bà ấy nữa! Chúng tôi vừa cãi nhau xong.
Mắt bà Tuyên ánh lên tia châm chọc:
- Chị Trinh mà dám cãi tay đôi với ông à? Thật khó tin!
Phác một cử chỉ, ông Thuần nhỏ nhẹ tâm sự:
- Bà ấy không cãi nhưng lộ vẻ bất bình vì nghe tôi nói về việc thừa kế sau này. Thú thật thằng Phước không xứng đáng lắm.
Bà Tuyên cười khan:
- Sao ông lại kể chuyện này với tôi?
Ông Thuần hơi nghiêng người về phía bà:
- Em biết rất rõ mà.
Mặt bà Tuyên đanh lại:
- Đó là lý do anh tới đây à?
Ông Thuần ngập ngừng:
- Ngọc Điệp đã nói gì với em về đứa con của chúng tôi?
Ngắm những ngón tay sơn màu hồng quân của mình, bà Tuyên ngắc ngứ:
- Cô ấy chẳng nói gì cả.
Liếc ông một cái, bà nhấn mạnh:
- Nhưng chắc Ngọc Điệp sẽ không để nó nhận anh đâu.
Ông Thuần liếm môi:
- Tại sao vậy? Tôi thừa khả năng lo cho nó mà.
Bà Tuyên ngậm ngùi:
- Anh thông minh nhưng không nhận ra Ngọc Diệp rất hận chúng ta sao? Trước đây Điệp luôn hãnh diện nghĩ rằng cô ta là mối tình cuối cùng của anh, nào ngờ anh là người đàn ông không có mối tình cuối. Điệp cảm thấy sỉ nhục vì bị phản bội bởi người tình và người bạn thời còn đi học. Cô ấy có cách trả thù riêng của mình. Cách này làm anh đau đớn khốn khổ.
Ông Thuần cau mày:
- Ngọc Điệp đâu có quyền đó. Dù pháp luật không công nhận tôi vẫn là cha của đứa nhỏ mà.
Bà Tuyên lắc đầu:
- Rất tiếc! Anh không thể thể hiện chức năng làm cha của mình. Ngọc Điệp sẽ đưa đứa nhỏ sang Mỹ trong năm nay.
Ông Thuần buột miệng:
- Nó chịu đi à?
- Đi Mỹ mà. Ai lại không chịu?
Ông Thuần hạ giọng:
- Em nhất định phải giúp đỡ tôi giữ nó lại. Cả gia sản của tôi đang chờ nó làm chủ đấy.
Bà Tuyên cười nhạt:
- Giúp anh, tôi sẽ được gì cơ chứ?
Ông Thuần nhanh nhẩu:
- Em muốn gì, cứ đề nghị thẳng thắng đi.
Mím đôi môi mỏng, bà Tuyên rít lên qua kẻ răng:
- Anh hào phóng làm tôi phải phát ghen lên đây này.
Ông Thuần gượng gạo:
- Tôi vì núm ruột của mình chớ có vì Ngọc Điệp đâu. Dầu không được thằng con trai nối dõi, tôi vẫn có được đứa con gái, nó là máu thịt của tôi chớ không phải như thằng Phước. Nếu ngày xưa biết Ngọc Diệp có con, tôi đã không để cô ấy đi Mỹ.
Bà Tuyên nhếch môi:
- Anh tưởng Điệp đồng ý bỏ chồng con để ở lại với anh sao? Anh tưởng cô ta chịu làm vợ lẽ của anh à? Hừ! Vậy mà lâu nay tôi ngỡ anh hiểu con người của Ngọc Điệp lắm.
Ngừng lại để thở, bà Tuyên nói tiếp:
- Tại sao hai mươi năm trước Diệp giấu kín chuyện có thai, dù cô ta thừa biết anh rất ham có một đứa con? Anh cố nghĩ thử xem!
Ông Thuần làm thinh, một lát sau ông bảo:
- Tôi không biết ngày xưa Ngọc Diệp nghĩ gì. Nhưng tôi tin tôi sẽ giữ lại được đứa con. Em làm ơn cho tôi địa chỉ của Ngọc Điệp.
Bà Tuyên gạt ngang:
- Xin lỗi, tôi không thể!
Ông Thuần ngẫm nghĩ:
- Vậy tôi sẽ tự tìm.
Rít một hơi thuốc, ông lảng đi:
- Mẹ con em dạo này thế nào? Sao gặp tôi thằng Lâm luôn lầm lì khó chịu vậy?
Bà Tuyên xụ mặt:
- Nó có thể cười với kẻ thù của ba nó sao? Hừ! Thằng Phước cũng có bao giờ cười với tôi đâu. Thậm chí nó còn bêu rếu tôi với đám gái ở vũ trường nữa kìa.
Bà nhếch mép:
- Cái thằng con hoang ấy vậy mà số đỏ. Nó tiêu xài còn hơn ông hoàng trong khi đó con ruột của anh lại cực khổ trăm bề.
Ông Thuần nuốt tiếng thở dài:
- Tôi sẽ không để nó khổ nữa. Nhưng phải làm sao để con bé chấp nhận tôi đây? Tội nghiệp! Rồi nó phải chịu một cú sốc về sự thật cuộc đời mình. Nó hồn nhiên, trong sáng thế kia, nhắm nó chịu nổi hay không?
Bà Tuyên nhún vai:
- Anh có vẻ quan trọng hóa vấn đề quá rồi. Thích ứng là tính chất của con người. Con bé ấy đâu phải cành vàng lá ngọc mà anh sợ nó bị tổn thương.
Ông Thuần sa sầm mặt:
- Em hơn thua với cả đứa bé đáng tuổi con cháu mình. Đúng là tệ.
Bà Tuyên thản nhiên:
- Tôi hơn thua với bất cứ ai dính dáng tới ông.
Ông Thuần lắc đầu ngao ngán:
- Đàn bà thật kinh khủng!
- Nhưng anh đâu thể thiếu chúng tôi. Trái lại anh xem chúng tôi như trò chơi. Bây giờ đã tới lúc anh nhận hậu quả rồi đấy.
Ông Thuần đứng dậy:
- Tôi về đây!
Bà Tuyên cao giọng:
- Tâm à! Mở cửa!
Rồi bà khinh khỉnh ngồi lại sa lon nhìn ông bước ra đường, chẳng thèm buông một tiếng chào dù là giả dối.
Ông Thuần giận dỗi phóng xe tới tiệm phở với hy vọng là giờ này Minh Thi có ở đó. Từ cô bé, ông sẽ hỏi ra chỗ ở hiện nay của bà Diệp. Đó là lý do để ông tìm Thi. Một lý do hết sức chính đáng.
Ngừng xe phía bên kia đường. Ông Thuần thong thả băng ngang lộ và bước vào quán. Giờ này đã vắng khách, chưa ngồi xuống bàn ông đã nhận ra Minh Thi thấp thoáng tuốt phía trong. Cô bé đang loay hoay với giá với rau thơm thì phải.
Tự nhiên ông chạnh lòng, nỗi xót xa làm ông quặn đau. Cất giọng thật dịu dàng ông khẽ gọi Minh Thi.
Cô bé quay ra, mắt tròn xoe:
- A! Bác Thuần!
Bước ra, lau hai bàn tay vào cái tạp dề. Thi ríu rít:
- Sao bác ăn sáng muộn thế?
Ông Thuần mỉm cười:
- Bác tới để trò chuyện với cháu chớ không phải để ăn sáng.
Thi ngạc nhiên:
- Nhưng về vấn đề gì?
- Nhiều vấn đề lắm, có điều chủ yếu chỉ xoay quanh một người.
Thi buột miệng:
- Dì Út của cháu?
Ông Thuần gật đầu:
- Chúng ta có thể tới một quán café nào đó không nhỉ?
Minh Thi ngập ngừng nhìn đồng hồ rồi gật đầu:
- Vâng! Nhưng phải chờ mẹ cháu về đã.
Ông Thuần tươi ngay nét mặt:
- Xe bác đậu bên kia đường. Bác sẽ đợi cháu bên ấy.
Dứt lời ông bước đi. Minh Thi hối hận ngay. Cô không hiểu sao vừa rồi mình lại dễ dàng đáp ứng lời mời của ông Thuần đến thế. Có phải tại cô tò mò muốn biết chuyện tình yêu ngày xưa của dì Út và ông ấy không? Dù ông Thuần đáng tuổi cha chú, nhưng nếu cô dễ dãi như vừa rồi chắc chắn ông ấy sẽ coi thường.
Nhưng ông Thuần nói chuyện với cô vì dì Út mà. Cô có giữ kẽ không khi nghĩ như vừa nghĩ.
Đắn đo mấy phút cô bước tới dặn dò người phụ việc rồi vào trong thay quần áo. Cô rất sợ cái mùi bò bám theo mình dù từ lúc tới đây đến giờ cô chưa phải nấu tô phở nào.
Vừa chải xong mái tóc Thi đã nghe giọng mẹ ngoài quầy.
Máng cái giỏ xách lên vai. Thi làm ra vẻ tự nhiên:
- Con về đây!
Bà Loan hỏi ngay:
- Sao về sớm thế?
Minh Thi ngập ngừng:
- Con đi shop với Yến Thư.
- Thế nó đâu?
- Dạ nó đang vá xe ở ngã tư ạ.
Bà Loan không hỏi thêm gì nữa. Thi thở phào và chạy vội ra đường, cô thấy phục mình đã nói dối như thật.
Nhảy chân sáo xuống lề, cô đến chiếc xe màu trắng của ông Thuần, chiếc xe này cô và dì Út đã đi một lần, nên cô nhớ và biết ông Thuần có nhiều băng nhạc rất hay. Đi xe hơi đời mới, vào quán café có máy lạnh với một bậc tiền bối râu tóc bạc phơ cũng oai lắm chứ. Minh Thi tự nhiên ngồi kế ông ở hàng ghế trước.
Ông Thuần thân mật:
- Mẹ có hỏi Thi đi đâu không?
Cô gật đầu:
- Có! Và cháu đã nói dối.
- Sao thế?
Thi nhún vai:
- Mẹ và dì Út không hạp nhau, cháu không muốn gặp phiền phức.
Ông Thuần im lặng, Thi cũng không nói năng gì. Một lát sau ông Thuần hỏi:
- Chắc mẹ cháu khó tánh lắm?
Thi lắc đầu:
- Đâu có! Mẹ chỉ hay cằn nhằn khi gặp chuyện không hài lòng thôi. Khổ nỗi hình như những gì liên quan tới dì Út đều làm mẹ khó chịu. Bởi vậy...
Ông Thuần dò dẫm:
- Thế cháu có hợp với dì Út không mà đâu dì Út cũng kéo cháu theo hết vậy?
Minh Thi nói:
- Không biết dì Út thế nào chớ còn cháu thì... Chậc! Khó nói quá. Đúng ra cháu chưa hiểu nhiều về dì mình. Nhất là cái trò ú tim của dì ấy.
Ông Thuần nhíu mày:
- Trò ú tim à? Nghĩa là sao chớ?
Minh Thi rất vô tư:
- Dì ấy đang chơi trò ú tim với người yêu cũ nào đó, cháu không biết là ai. Bác là bạn của dì Út, bác có quen ông ta không?
Ông Thuần gật đầu:
- Bác có quen.
Thi đóng kịch thật tài
- Ai vậy bác?
Ông Thuần tủm tỉm:
- Cháu tò mò giống dì mình quá.
Minh Thi nhí nhảnh:
- Vâng! Đó là tật của phụ nữ mà.
- Đợi ngồi bên ly café rồi bác sẽ nói.
Thì dài giọng đoán:
- Ông ấy chắc là một người đặc biệt?
- Sao cháu lại nghĩ thế?
- Nếu không, dì Út đâu vượt đại dương ngàn dặm để trở về vì ông ta.
Ông Thuần ngập ngừng:
- Theo bác, dì cháu về vì lý do khác.
Minh Thi ngạc nhiên:
- Lý do gì vậy bác?
Ông Thuần không trả lời mà hỏi.
- Ngọc Điệp đang lo giấy tờ cho cháu đi Mỹ phải không?
Thi tròn mắt:
- Bác cũng biết nữa à?
Ông Thuần gật đầu:
- Thế ý cháu ra sao?
Minh Thi thở dài:
- Cháu không thích nhưng dì Út cứ ép. Hết nói ngon nói ngọt đến giận dữ làm căng. Dì ấy tìm cho cháu một đấng phu quân hờ để đi Mỹ cho nhanh. Hổm rày cháu trốn ông ta muốn chết.
Ông Thuần hỏi:
- Ba mẹ cháu không có ý kiến gì sao?
Minh Thi đều giọng:
- Ba mẹ cũng không thích, nhưng chả biết sao cháu có cảm giác hai người để mặc cháu cho dì Út ép buộc. Điều này làm cháu buồn vô cùng.
Ông Thuần ngừng xe trước quán "Mắt biếc" Thi kêu lên khi nghĩ tới Lâm:
- Vào quán này hả bác?
- Cháu không thích sao?
Thi cắn môi:
- Cháu ngại gặp người quen mình sẽ không được tự nhiên khi nói chuyện.
Ông Thuần sốt sắng:
- Vậy chúng ta vào quán khác.
Minh Thi nhìn đồng hồ:
- Mất công lắm. Cháu không còn nhiều thời gian đâu.
Ông Thuần lắc đầu:
- Cháu giống mẹ Ở chỗ thay đổi ý kiến nhanh hơn chong chóng.
Thi cười cười:
- Bác biết cả tánh của mẹ cháu nữa à?
Ông Thuần bối rối:
- Bác quên! Cháu giống tính dì cháu mới đúng.
Hai người vào quán. Khách không nhiều nhưng toàn bọn trẻ ra dáng con nhà giàu. Thi đảo mắt một vòng và thấy Như Ý đang ngồi phì phèo thuốc lá với ba tên nhóc đầu nhuộm vàng hoe.
Thấy cô, con nhỏ câng câng cái mặt trông thật khó ưa. Tỉnh như không, Thi ngồi xuống nói với ông Thuần.
- Trong quán này, bác là bậc lão bối đấy.
Ông Thuần thản nhiên:
- Bác biết! Bọn con trai đang ganh tỵ với bác kìa.
Bỗng dưng Thi thấy ngại, lúng túng cô vào đề:
- Bác muốn nói hỏi gì về dì của cháu?
Ông Thuần từ tốn:
- Chúng ta chưa uống café mà.
Thi chớp mắt:
- Phải tranh thủ thời gian thôi bác ơi.
Ông Thuần chợt hỏi:
- Tại sao cháu không thích đi Mỹ? Tại vì dì Út hay vì lý do nào khác?
- Tại cháu không muốn rời xa ba mẹ và hai anh mình.
- Gia đình đối với cháu quan trọng đến thế sao?
Minh Thi gật đầu, Ông Thuần hỏi tiếp:
- cháu có người yêu chưa?
Mặt Thi đỏ ửng lên. Cô ấp úng:
- Bác hỏi về dì Út đi chứ!
- Hỏi về cháu cũng có nghĩa là hỏi về dì Út. Thế cháu có biết tại sao dì Út nhất định buộc cháu đi Mỹ nhưng ba mẹ lại không có ý kiến gì không?
- Cháu không biết.
Nhìn ông Thuần bằng đôi mắt hoang mang, Thi hỏi nhỏ:
- Có phải bác là người yêu cũ của dì cháu không?
Ông Thuần thở dài:
- Ai cũng có một thời cháu à. Nhưng phải nói bác vào Ngọc Điệp là một đôi nhân tình thì đúng hơn.
Minh Thi thắc mắc:
- Tình nhân và người yêu khác nhau ở chỗ nào hả bác?
Ông Thuần ngẫm nghĩ:
- Tình nhân có những quan hệ sâu hơn, có những ràng buộc, có những bí mật phải giấu giếm chớ không quang minh chính đại như người yêu.
Thi gật gù:
- Nghĩa là hai người vụng trộm với nhau?
Ông Thuần chép miệng:
- Biết sao hơn khi cả hai đều đã có gia đình
Minh Thi tròn mắt:
- Ủa! Vậy là... vậy là...
Ông Thuần ngậm ngùi:
- Hồi đó dượng Út cháu vượt biên để lại dì Út và đứa con trai được bốn tuổi. Bác đã gặp dì cháu khoảng thời gian dì cháu cô đơn, đau khổ nhất. Mối tình ấy kéo dài mấy năm, sau đó dì cháu đã sang Mỹ với chồng.
- Bác không giữ dì Út lại sao?
Ông Thuần nhếch môi:
- Lúc ấy bác nghĩ là giữa hai người không có gì ràng buộc nên đã để cô ấy đi.
Thi bắt bẻ.
- Vậy bác đâu có... có yêu dì Út đến mức không có dì ấy bác sẽ chết như người đời vẫn nói.
Ông Thuần bật cười:
- Đúng vậy! Tình yêu của người lớn không mãnh liệt như những bọn trẻ. Ở tuổi của cháu, người ta vẫn nghĩ mình sẽ chết nếu không được yêu hay chia tay với người yêu. Thật ra làm gì có chuyện đó. Người ta sẽ buồn sẽ nhớ nhưng rồi cũng sẽ quên đi để có những tình yêu mới.
Minh Thi lắc đầu:
- Cháu lại nghĩ khác. Dì cháu không quên như bác, nên đã quay về...
Ông Thuần khoát tay:
- Ngọc Điệp quay về không phải vì bác mà vì cháu. Cô ấy rất muốn cháu đi Mỹ.
Minh Thi nhìn ông ngờ vực:
- Sao bác biết?
Ông Thuần ngắc ngứ:
- Bác không nói được.
Minh Thi bồn chồn vì đôi mắt của ông. Cô không thể nói với ông cô ghét trò úp mở như cô từng nói với Yến Thư, nhưng tại sao ông lại ỡm ờ thế kia nhỉ?
Minh Thi còn suy nghĩ, ông Thuần đã trầm giọng:
- Bác rất mừng khi cháu thích ở Việt Nam hơn. Nhìn thấy cháu, bác như nhìn thấy Ngọc Điệp ngày xưa...
Minh Thi bỗng rùng mình. Cô ấp úng:
- Bác còn nói gì nữa không? Cháu về à!
Ông Thuần nài nỉ:
- Còn sớm mà! Ngồi với bác thêm chút nữa. Nãy giờ ly cốc tai của cháu vẫn còn nguyên đấy.
Thi liếm môi:
- Nhưng thật ra bác muốn hỏi gì nữa?
- À! Bác cần biết chỗ ở hiện nay của dì Út. Nếu có số điện thoại thì càng tốt.
Thi ngập ngừng:
- Cháu không hiểu dì Út có muốn cho bác biết hay không.
Ông Thuần ra vẻ thành thật:
- Cô ấy không muốn. Nhưng bác rất cần gặp.
- Dì Út mắng cháu biết.
- Bác không để chuyện đó xảy ra đâu. Cháu giúp bác đi!
Minh Thi đành nói tên khách sạn, số phòng cho ông Thuần rồi nằng nặc đòi về. Trực giác cho ông thấy ông Thuần mượn cớ tìm hiểu dì Út để tìm hiểu cô.
Lên xe, cô cảnh giác ngồi nép về phía cửa. Ông cũng không hỏi chuyện nữa. Hai người trôi đi với những suy nghĩ riêng tư.
Buổi sáng đã quạ Giờ này không biết Lâm đang làm gì. Hơn bao giờ hết, Minh Thi chợt nhớ anh quay quắt.
Ngàn Năm Mong Chờ Ngàn Năm Mong Chờ - Trần Thị Bảo Châu