Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
24. Nếu Anh Không Bao Giờ Trông Thấy Mặt Cháu Anh Thì Sao Nhỉ?
ếu anh không bao giờ trông thấy mặt cháu anh thì sao nhỉ?”
Hiroshige Sugazaki (58)
Ông Sugazaki là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Quản lý Xây dựng Myojo, một nhánh của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Meiji. Một người Kyushu điển hình, xuất thân từ hòn đảo chính nằm xa nhất về phía Tây của nước Nhật, nơi có tiếng là sản sinh ra những người con tham vọng và bộc trực – nếu không muốn nói là bướng bỉnh. Ông Sugazaki bẩm sinh không thích bất cứ điều gì “quanh co”. Ông luôn nóng tính, điều đó có thể giải thích tại sao ông từng chuyển trường năm lần. Là con của một nhà nấu rượu sake nhưng vì lý do nào đó ông hầu như không uống rượu.
Ông thấp nhỏ nhưng dẻo dai và gọn gàng, mang một vẻ quyết đoán, bạn có thể nghe thấy sự tự tin trong giọng nói của ông. Trí nhớ của ông tốt đến đáng sợ. Như viên cảnh sát đa nghi lập biên bản lời khai của ông đã nói: “Khi ai đó nhớ được một điều với các chi tiết sống động như vậy thì ông phải ngờ là có chuyện gì đó không ổn.” Ông là chủ gia đình và là một ông bố nghiêm khắc từng khiến cho ba đứa con gái răm rắp nghe lời đến mức chưa một lần cãi lại. Thật không ai làm được như ông.
Tôi không muốn tạo ấn tượng rằng ông là người hoàn toàn cứng ngắc; ông cũng có mặt khá thoải mái. “Ngày trước,” ông nói, “tôi từng rất nghiêm túc nhưng về sau tôi đã mềm ra như một người bình thường. Ở công ty, tôi cố không tự chứng tỏ, mà hạn chế vai trò của mình – như ngọn đèn giấu mình vào ánh sáng ban ngày chói chang vậy.”
Sau vụ đánh hơi độc, ông Sugazaki được nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Tim phổi ông đã ngừng hoạt động. Cả bác sĩ lẫn gia đình ông đều chấp nhận khả năng ông đã chết, nhưng sau ba ngày hôn mê ông đã trở lại với cuộc sống một cách kỳ diệu. Một cuộc vật lộn thực sự giữa sự sống và cái chết.
o O o
Tôi dậy lúc 6 rưỡi, ăn điểm tâm qua loa và rời nhà vào quãng 7 giờ 5 phút. Tôi bắt tuyến Toyoko đi Naka-meguro và như vậy mất nửa giờ. Tàu không quá đông nhưng gần như không bao giờ tôi tìm được ghế ngồi. Nếu gặp được tàu tốc hành thì tôi luôn chuyển sang. Tôi là một người luôn gấp gáp.
Nếu có ghế ngồi, tôi sẽ đọc sách báo. Tuy từ vụ thả hơi độc đến giờ tôi không đọc nhiều… Tôi thích sách lịch sử. Bữa ấy, tôi đang đọc cuốn Những Chiến đấu cơ Thần Phong. Từ lâu tôi đã mơ ước được bay và tôi vẫn thích thú với máy bay. Suốt trên tuyến Toyoko, tôi lật sách đọc miên man, đó là một cuốn sách tuyệt vời. Điều này giải thích vì sao tôi không để ý thấy tàu đã đến Naka-meguro.
Chúng tôi xếp hàng ba trên thềm ga của tuyến Hibiya. Tôi thường đứng ở hàng gần với toa thứ ba tính từ đầu xuống nhưng mải mê với cuốn sách, tôi đã tụt xuống cách đó khá xa, ở quãng toa thứ sáu.
Cửa vừa mở, tôi đã ngoặt sang phải và có được chỗ ngồi. Nhưng một phụ nữ đến chen vào, người thứ tư trên một ghế dành cho ba người nên hơi chật. “Thôi được,” tôi nghĩ, “tốt hơn là lấy sách ra bây giờ. Nếu không người ta lại nghĩ sai là lát nữa anh sẽ bắt đầu sờ soạng.” Tôi lấy sách ra đọc tiếp. Chỉ còn mười hay hai chục trang mà tôi muốn đọc xong cuốn sách trước khi xuống tàu. Nhưng ở Hiro-o, nhìn lên tôi thấy người đàn ông mặc áo da ấy ngồi ngay bên trái tôi. Tôi vẫn cắm cúi với quyển sách nhưng gần đến Hiro-o thì cái áo thật sự bắt đầu tác động đến thần kinh tôi. Các áo da thường có mùi là lạ, đúng không? Kiểu như mùi thuốc sát trùng hay chất tẩy sơn móng tay. “Mùi cha này kinh quá,” tôi nghĩ và chằm chằm nhìn thẳng vào mắt hắn. Hắn trân trân nhìn lại tôi, với cái vẻ “Ông-có-vấn-đề-hả, thưa ông?”
Nhưng cái áo đúng là bốc mùi khủng khiếp nên tôi cứ nhìn tiếp, có điều hình như hắn không nhìn lại tôi nữa. Hắn nhìn qua tôi đến một cái gì ở bên phải tôi. Tôi quay lại nhìn thì thấy cái gì đó cỡ chừng cuốn sổ tay nằm ở chân của người thứ hai ngồi bên phải tôi. Nó giống một cái gói bằng chất dẻo. Theo tin tức nói thì nó được bọc trong tờ báo nhưng thứ tôi nhìn thấy thì là chất dẻo, và một cái gì đang tràn ra từ đó.
“A, vậy là cái này làm cho chỗ này có mùi đây,” tôi nghĩ nhưng vẫn cứ ngồi yên đấy. Vào lúc này, người thứ ba ở bên phải tôi đã đi. Tôi để ý thấy điều này chắc là ở quanh quẩn Hiro-o hay Roppongi.
Không lâu sau mọi người đều nói, “Mở cửa sổ ra đi – mùi ghê quá.” Vậy là họ mở cửa sổ. Tôi nhớ là mình đã nghĩ, “Trời lạnh buốt thế kia, các người không mặc xác được cái mùi này sao?” Rồi một bà cụ đến ngồi xuống cạnh tôi. Chỗ dưới chân bà ướt hết nên bà đứng lên đi sang chỗ đối diện, xéo thẳng qua vũng sarin.
Không còn ai ở cuối toa. Mọi người chuyển hết lên đằng đầu và nói, “Mùi ghê quá! Mùi ghê quá!” Lúc này chúng tôi sắp tới Roppongi. Đầu tôi bắt đầu quay cuồng. Tôi nghe thấy thông báo, “Chặng dừng tới là Roppongi,” và nghĩ thầm, “Hôm nay chắc mình bị tụt huyết áp thật rồi.” Triệu chứng cũng khá giống thế: hơi buồn nôn, không thể nhìn rõ, mồ hôi vã ra.
Nhưng tôi vẫn không hề nghĩ cơn choáng váng này là do cái mùi kia. Tôi vẫn đinh ninh đó là do tụt huyết áp. Họ hàng tôi nhiều người là bác sĩ nên tôi đã quen với mùi cồn y tế hay thuốc sát trùng. Tôi nghĩ chắc nhân viên y tế nào đã đánh rơi một gói gì đó rồi nó rò rỉ ra. “Nhưng tại sao không ai nhặt nó lên?” tôi nghĩ. Lúc ấy tôi hơi cáu. Thật thà mà nói, đạo đức chúng ta đến nay đã bị sa sút. Nếu khỏe hơn một chút, tôi đã tự mình nhặt rồi quăng nó ra ngoài sân ga rồi.
Nhưng đi qua ga Roppongi, tàu chạy chậm lại, tôi biết có cái gì đó không ổn. Cơn tụt huyết áp tồi tệ đến mức tôi đành phải quyết định xuống ở Kamiyacho nghỉ một lát, có lẽ đành để hai ba chuyến tàu chạy qua. Nhưng khi tôi cố đứng lên thì không nổi. Chân tôi như không còn. Tôi túm lấy quai nắm và gần như đu lấy nó.
Tôi lần từng quai nắm lết cho tới khi đến cây cột gần cửa. Cuối cùng tôi bước ra khỏi tàu, tay chìa sẵn về phía bức tường xa xa của sân ga Kamiyacho, chuẩn bị tự đỡ lấy mình. Tôi nhớ là đã nghĩ, “Nếu không đến được bức tường kia mà sụp xuống thì mình sẽ ngã vỡ đầu.” Rồi bất tỉnh.
Thật ra tôi chưa rời tàu. Cái tôi nghĩ là bức tường thì thực tế là sàn toa, lạnh toát dưới bàn tay tôi. Họ đăng một bức ảnh của tôi lên các báo khổ nhỏ cho nên tôi có thể thấy chuyện gì đã xảy ra.
Họ cũng quay video tôi. Tôi xuất hiện trên tivi, nằm lăn ra như thế trên sàn toa. Tôi nằm thẳng cẳng và ít nhất mất nửa giờ. Đẹp và sõng soài. [cười] Rồi các nhân viên nhà ga mang tôi đi. Ông có thể xem cảnh này trong các băng video.
Tôi đến Bệnh viện Omori của Đại học Toho, nhưng không biết vào lúc nào. Có thể là chiều hôm 20 tháng Ba ấy, khi tôi tỉnh lại một lúc trước khi lại ngất đi.
Khi tôi dần hồi phục, người ta bảo tôi đã khỏe, có thể chuyển sang khu điều trị thông thường. Hôm ấy là ngày 23 tháng Ba nhưng tôi vẫn đinh ninh tin rằng đó là hôm sau ngày thả hơi độc [21 tháng Ba]. Tôi không nhận thức được gì cả. Nhưng mà không nhận thức được gì lại là thiên đường. Hư vô đích thực.
Tôi chưa từng trải nghiệm cảm giác sắp chết hay cái gì đó giống như thế. Có điều, tôi thề là đã nghe thấy âm thanh ầm ầm mơ hồ của những giọng nói theo gió đến từ một nơi nào đó rất xa, tựa như tiếng bọn trẻ reo hò cổ vũ ở một trận bóng chày, một cái gì giống như thế, nhưng âm âm không rõ rệt, thỉnh thoảng bị gió cắt đứt mất.
Thật ra vào khoảng thời gian đó, một trong ba cô con gái của tôi có thai ở tháng thứ tư. Tôi rất lo lắng chuyện đó. Nó sẽ là đứa cháu đầu tiên của tôi. Cô em dâu tôi đi vào bảo tôi: “Nếu anh không bao giờ trông thấy mặt cháu anh thì sao nhỉ?” Cho đến lúc đó ai nói bất kỳ cái gì tôi cũng không phản ứng, nhưng khi nghe câu này thì ngay lập tức tôi đã tỉnh lại. Trước đó con gái tôi luôn ở bên tôi, nói, “Bố cố lên! Đừng chết!” nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng rầm rì mơ hồ. Nhưng “Nếu anh không bao giờ trông thấy mặt cháu anh thì sao nhỉ?” – đó là những lời duy nhất chạm đến tôi. Cháu tôi sinh tháng Chín, và nhờ nó tôi đã trở lại với cuộc đời.
Tôi bất tỉnh ba ngày liền và sau đó các đầu mối của trí nhớ tôi gần như không gắn lại được với nhau. Hễ ai đó bảo tôi cái gì thì nửa giờ sau tôi đã quên tuốt tuột. Cái này hình như là đặc điểm của trúng độc sarin. Chủ tịch công ty đến thăm tôi vài lần nhưng tôi không nhớ là ông từng ở đây hay chúng tôi đã nói chuyện gì. Tôi hy vọng là không lạnh nhạt với ông. Họ nói ông đã ghé chục lần mà tôi chả nhớ gì hết.
Phải đến khoảng ngày thứ tám trí nhớ tôi mới bắt đầu kích hoạt lại. Cũng phải tới chừng lúc đó tôi mới có thể ăn thức ăn thực sự. Tôi không có các triệu chứng về mặt thể chất, không đau mắt, không nhức đầu, không đau đớn gì khác, không ngứa ngáy. Tôi không để ý thấy là mắt tôi nhìn là lạ.
Chắc tôi không nên nói điều này, nhưng phải nói là tất cả các cô y tá đều đẹp! Đến nỗi tôi bảo với vợ: “Cô y tá tên-thế-thế đẹp quá đi mất. Người ta bảo phụ nữ đẹp thường lạnh nhưng cô này lại rất tốt.” Một thời gian sau khi đã hồi phục, tôi chắc là với tôi mọi người trên thế giới này đều thành ra đẹp hết. [cười]
Nhưng tôi lại thấy đêm bệnh viện thật đáng sợ. Nằm trên giường, cọ vào khung giường, tôi cảm thấy như một bàn tay lạnh toát, ẩm ướt đang sắp kéo tôi vào trong bóng tối. Ban ngày luôn có người gần bên cho nên hoàn toàn ổn nhưng đêm đến, khi tôi cố ngủ, chân hay tay tôi sẽ chạm vào khung giường và cái bàn tay lạnh lẽo ấy lại kéo tôi xuống dưới. Tôi càng lấy lại được ý thức, các ký ức của tôi càng móc nối tốt hơn và nỗi sợ kia càng trở nên tồi tệ. Tôi không nhận ra đó là chứng ảo giác: tôi chắc chắn rằng có một người chết ở trong phòng bệnh thì thào, “Đi với ta! Đằng này, đằng này…” Đáng sợ, nhưng tôi không thể nói điều đó với ai. Thường lệ tôi là ông chủ trong nhà, nên tôi không thể cho phép mình sợ hãi. [cười]
Tôi biết mình cần ra viện càng sớm càng tốt. Nếu tôi không ăn được thức ăn bệnh viện, tôi bảo vợ gói những gì thừa lại vứt đi, làm như vẻ tôi đã bình phục. Bằng cách này tôi đã thuyết phục được bệnh viện và được ra viện trong mười một ngày. Lẽ ra tôi phải ở đó ít nhất là mười lăm ngày.
Nhưng về nhà thì vẫn thế. Cứ bước lên một tấm thảm tatami, cứ chạm phải cái gì lành lạnh là cơn sợ hãi ấy lại nổi lên. Ngay cả khi tắm, tôi cũng không tự tắm được một mình, tôi quá sợ. Vợ tôi phải kỳ lưng cho tôi. “Ở đây với anh cho tới khi anh đi ra,” tôi bảo bà ấy. “Anh không muốn là người ra cuối cùng.” [cười]
Thậm chí đến giờ một số nạn nhân vẫn sợ phải đi tàu điện ngầm. Lúc đầu tôi cũng sợ. Công ty nghĩ tôi ngại đi tàu điện ngầm nên bảo tôi đi tàu siêu tốc. Họ còn biếu tôi thẻ đi thường xuyên nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn được chiều chuộng và cũng không muốn lẩn tránh. Tôi trở lại làm việc ngày 10 tháng Năm, và ngay hôm đầu đi làm tôi đã bắt chính chuyến tàu 7 giờ 15 tuyến Hibiya từng là mục tiêu của vụ thả hơi độc ấy. Tôi thậm chí còn cố tình phải lên được chính cái toa ấy – đúng cái ghế ấy. Khi tàu qua Kamiyacho, tôi ngoái nhìn qua vai và tự nhủ, “Chuyện đã xảy ra ở chỗ này đây.” Vào lúc ấy, tôi cảm thấy hơi buồn nôn nhưng đã cố chịu được và nhờ thế tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Mọi lo sợ của tôi đã được quét sạch.
Những người bị chết vì hít phải sarin chắc không biết là mình sắp chết. Xét cho cùng thì vào những giây phút cuối, họ lại bất tỉnh. Họ không có thì giờ nhìn vợ nhìn con. Không ai có thể nhìn thấy trước được rằng lại có điều gì đó giống như thế xảy ra – phải có cách nào tốt hơn để nói về việc này – ý tôi muốn nói là: những người này, họ đã bị hy sinh vì cái quái gì cơ chứ?
Tôi muốn kẻ đang tâm làm chuyện này, dù hắn là ai, sẽ bị trừng trị ở mức cao nhất. Tôi nói cái này nhân danh những người đã chết. Tôi có thể nói thế vì tôi đã trở lại với cuộc đời – nhưng giết những người kia thì họ có thể nhận được cái gì chứ? Không phải thế này; không phải thế kia; tôi không biết tí nào về chuyện đó: các đệ tử của tôi làm mà – tất cả các thứ đó chỉ là nói bậy nói bạ. Giết người như giết kiến, tất cả chỉ thuần túy vì những lý do ích kỷ, duy ngã, thậm chí chỉ vì một cơn nổi hứng. Không thể tha thứ được. Tôi cầu nguyện cho những người đã mất được yên nghỉ.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm