Nhiều sự thất bại trên đời là do người ta không nhận ra người ta đang ở gần thành công đến mức nào khi họ từ bỏ.

Thomas Edison

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 165
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
22. Tôi Biết Đó Là Sarin
ôi biết đó là sarin”
“Ikuko Nakayama” (ngoài 30)
Cô dứt khoát nói rõ từ đầu: không tên, không địa chỉ, không tuổi. Cô muốn tôi giấu đi mọi chi tiết nhận dạng. Cô vẫn vô cùng sợ các tín đồ giáo phái Aum, đặc biệt khi cô lại sống gần một trung tâm huấn luyện của giáo phái này. Cô nói có thể sẽ lôi thôi nếu cô bị dò ra.
Cô tầm ngoài ba mươi tuổi và đã kết hôn, nhưng chưa có con. Sau khi học xong đại học cô làm việc tại một công ty bình thường một thời gian rồi nghỉ ở nhà làm nội trợ. Nhưng mới đây, cô vừa được cấp phép dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Cô rất thích công việc này đồng thời thấy nó đầy thử thách.
Trong số tất cả các nạn nhân sarin tôi từng phỏng vấn, cô là một trong số rất ít người giữa cơn khủng hoảng đã nghi ngờ rằng có thể là sarin. Trong khi phần lớn mọi người bị lôi cuốn vào ác mộng và hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra thì cô Nakayama là cá nhân hiếm hoi thật sự nhận ra triệu chứng từ sớm: “Co đồng tử! Chắc là sarin rồi!” Chuyện trò với cô, tôi ngạc nhiên về sự bình tĩnh, cung cách lý tính cùng những nhìn nhận thận trọng của cô. Năng lực quan sát cùng trí nhớ của cô cũng gây ấn tượng không kém, không nghi ngờ gì những phẩm chất này đã giúp cô trở thành một giáo viên ngôn ngữ giỏi.
Cô cự tuyệt chấp nhận thế giới của giáo phái Aum Shinrikyo, thế giới của cô khác với nó về cơ bản: “Đây không phải là sợ, chính xác như thế,” cô nói, nhưng dù là gì thì có vẻ như cô vẫn cần thêm chút thời gian nữa để rũ hết nó đi.
o O o
Tháng Ba vừa rồi, khi xảy ra vụ hơi độc, tôi rất bận, dạy đến bốn năm ngày một tuần. Thực ra đó là lý do khiến tôi bị trúng độc sarin.
Học sinh hôm ấy của tôi làm việc ở một công ty tại Otemachi, nên tôi phải đi tuyến Marunouchi. Lớp học bắt đầu lúc 9 giờ. Vâng, khá sớm, nhưng phần đông họ muốn học xong trước giờ đi làm.
Sáng ấy, tôi rời nhà quãng 8 giờ, đáp chuyến tàu điện ngầm 8 giờ 32 từ ga Ikebukuro. Đi chuyến đó thì tôi sẽ vừa kịp lớp học lúc 9 giờ. Xuống tàu ở Otemachi, leo lên cầu thang, hoàn toàn vô sự.
Ga Ikebukuro là ga cuối của tuyến Marunouchi, những đoàn tàu vắng tanh đang nằm chờ khởi hành ở hai bên thềm ga. Hôm ấy, đoàn tàu ấy chờ ở bên tay trái và nhiều người đã lên trên toa. Đoàn tàu mà những người đang xếp hàng ở bên tay phải chờ lên vẫn chưa tới. Tôi tự nhủ mình vẫn kịp lên lớp nếu đáp chuyến tàu sau. Các chuyến thường đến cách nhau chừng hai ba phút. Tôi cảm thấy hơi mệt nên muốn kiếm được ghế ngồi.
Tàu vào ga và tôi lên cửa thứ nhất của toa thứ hai, ngồi xuống ghế bên tay phải. Đoàn tàu bắt đầu chạy tới Shin-otsuka. Buổi sáng, tàu điện ngầm ở Nhật thường yên tĩnh, đúng không? Hành khách không mấy nói năng. Yên tĩnh như đã quen lệ, nhưng nhiều người lại đang ho. “Ô hô,” tôi nghĩ, “ai cũng đang lăn ra cảm rồi đây!”
Thế rồi tuyến Marunouchi dần dần lên trên mặt đất sau Shin-otsuka: Myogadani, Korakuen… đến ga Myogadani, vì cửa ra lại ở cuối đường chạy tàu đi Ikebukuro cho nên không nhiều hành khách xuống ga đó. Duy hôm ấy, khá kỳ, lại đông người xuống. “Lạ thật,” tôi nghĩ nhưng cũng không mấy chú ý.
Mọi người vẫn ho rũ rượi, và nhìn trong toa sáng rực lên – hay đó là cái mà lúc ấy tôi cho là sáng, dù sau này nghĩ lại thì đó là màu vàng, đúng hơn là màu ngọc trai phớt vàng. Trước đó tôi từng bị ngất vì tụt huyết áp, và cảm giác này giống như thế. Ông phải tự mình trải qua thì mới rõ được.
Dần dần trong toa bắt đầu thấy ngột ngạt. Đây là một toa xe mới nên tôi nghĩ mùi này có liên quan đến các vật liệu mới hay keo dán hay cái gì đó. Vậy nên tôi quay sang mở cửa sổ. Nhưng không ai khác mở cả. Tôi ngừng lại rồi mở thêm cửa khác nữa.
Hệ hô hấp của tôi vốn yếu, khi bị cảm tôi đau họng và ho dữ dội. Có lẽ cũng do thế mà tôi mẫn cảm với các chất tổng hợp. Vẫn đang là tháng Ba và bên ngoài còn lạnh, nhưng không mở cửa thì tôi không chịu nổi. Tôi không hiểu tại sao các hành khách khác lại có thể chịu đựng được cái mùi lạ lùng ấy. Không, cũng không hẳn lạ lùng.
Mùi này không hăng. Biết tả nó thế nào nhỉ? Nó là cảm giác thì đúng hơn là mùi, một “cảm giác ngột ngạt”. Tôi mở cửa sổ cho thoáng một chút. Đây chắc quãng ở giữa Myogadani và Korakuen. Khi tàu đỗ ở hai ga này, nhiều hành khách xuống nhưng không ai phản ứng gì với việc tôi mở cửa sổ. Không ai nói gì, mọi người đều quá lặng lẽ. Tôi đã ở Mỹ một năm. Và tin tôi đi, nếu chuyện tương tự thế này mà xảy ra ở Mỹ thì sẽ có một cảnh tượng phải biết. Người ta sẽ hét toáng lên: “Đang có cái gì ở đây thế?” và rồi cùng nhau sục sạo tìm nguyên nhân.
Về sau, cảnh sát hỏi tôi: “Mọi người không bắt đầu hoảng loạn ư?” Tôi nghĩ lại chuyện này và đáp: “Ai cũng quá ư lặng lẽ. Chẳng ai thốt lấy một lời.”
Những người xuống tàu đều đứng trên sân ga mà ho. Tôi thấy được họ qua cửa sổ tàu.
Sau ga Korakuen càng ngột ngạt hơn, sắc màu vàng càng gắt hơn. Tôi bắt đầu nghĩ, “Mình hôm nay không dạy được rồi.” Nhưng tôi vẫn nghĩ nên cố hết sức đến lớp. Cho nên tôi ở lại tàu, dù đã quyết định khi tới ga Hongo-sanchome thì sẽ đổi sang toa khác. Lúc ấy trong toa đã vắng đi nhiều, đây đó đã có ghế trống. Điều này quả tình là hiếm thấy! Thường thường các tàu đều bị ních chặt vào giờ này buổi sáng.
Tôi quyết định ra bằng cửa giữa hoặc cuối toa. Tôi không chịu thêm được nữa. Chợt tôi thấy một người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát, đeo găng tay trắng bước vào toa, đi qua cửa đầu toa, hai tay đeo găng nhấc đùm báo lên, như thế này này, rồi mang nó ra. Một nhân viên nhà ga mang thùng nhựa tới để nó vào rồi đi. Hai ba nhân viên nhà ga chạy tới chạy lui. Tất cả chuyện này diễn ra đúng lúc tôi bước xuống tàu. Hình ảnh những chiếc găng tay trắng của người cảnh sát và cách ông ta nâng đùm báo lên đến nay vẫn còn hằn sâu trong óc tôi.
Tàu dừng một lúc lâu. Tôi chuyển xuống hai toa phía sau. Toa xe gần như không có ai, số hành khách ở đấy có thể đếm được trên đầu ngón tay. Tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ. Tôi máy mắt như bị co cơ, tuy không đau nhưng mọi vật đều vàng khè cả.
Chỉ có ba người xuống Awajicho: một phụ nữ chừng hơn hai mươi tuổi, một ông quãng năm chục và tôi. Xem ra chắc phải lạ, khi xuống tàu tôi đã nghĩ, “Của này là sarin đây. Đồng tử của mình đang bị co lại. Đúng thế không nhỉ?” Như một phần của công việc dạy học, hàng ngày tôi đọc kỹ báo và xem thời sự đều. Tôi biết vụ Matsumoto, lúc ấy lần đầu tiên tôi gặp cụm từ “co đồng tử”[12].
Khá lạ lùng là tôi hết sức bình tĩnh. Tôi biết đó là sarin. Đối mặt với một tình huống nghiêm trọng không rõ nguyên nhân, chắc tôi đã huy động toàn bộ kho lưu trữ kiến thức của mình.
Chỉ có ba người trên sân ga: tôi, người phụ nữ trẻ, ông trung niên, điều chưa từng thấy ở sân ga Marunouchi vào giờ này! Người phụ nữ ngồi lên chiếc ghế dài, úp mặt vào hai bàn tay, ấn một chiếc khăn tay vào miệng tựa như đang đau. Ông trung niên cứ nhắc đi nhắc lại, “Có chuyện rắc rối, có chuyện rắc rối,” và đi loanh quanh trên sân ga, rồi nói: “Tôi không nhìn được, tôi không nhìn được!” (Sau này tôi nghe nói ông bị liệt hoàn toàn nhưng tôi không biết có đúng như thế thật không.)
“Thật là điên rồ,” tôi nói. “Chúng ta phải đến bệnh viện.” Không hiểu bằng cách nào tôi đã giúp được người phụ nữ ấy đứng lên, và cùng với người đàn ông chúng tôi đi đến văn phòng nhà ga. Nhân viên nhà ga hình như bối rối nhưng đã cố gọi xe cứu thương. Rắc rối là không ai ở số cấp cứu cầm máy lên. Thật đáng sợ. Chỉ lúc này tôi mới cảm thấy sợ thật sự. Mọi thứ tôi từng tin tưởng từ trước đến nay chợt đổ nhào.
Từ đó trở đi thì hỗn loạn hoàn toàn. Tức là đoàn tàu mà chúng tôi đi khỏi khởi hành muộn so với các “tàu sarin” còn lại, nên đến lúc đó các ga khác đã hoảng loạn hết lên rồi. Tàu tuyến Marunouchi của chúng tôi đã đi được một vòng đến Ikebukuro rồi trở lại, sarin vẫn ở nguyên trên toa.
Nhưng có một điều vẫn làm tôi nghĩ ngợi. Ở ga Ikebukuro, khi làm vệ sinh tàu và đóng cửa, họ luôn kiểm tra bên trong toa xe. Các nhân viên nhà ga luôn kiểm tra xem có ai bỏ quên gì không. Liệu có thể có chuyện họ tình cờ để sót? Giá như họ xem kỹ hơn khắp xung quanh cho.
Không gọi điện được cho cơ quan cấp cứu nên nhân viên nhà ga quyết định tốt hơn là chúng tôi đi bộ. Từ ga đến bệnh viện chỉ đi bộ mất hai mươi phút. Một nhân viên nhà ga trẻ tuổi đi cùng với chúng tôi tới đó. Thật tốt khi chúng tôi đã xuống tàu tại đây. Nếu đến Hongo-sanchome mới xuống, thì chúng tôi đã ở suốt cùng với sarin trong một không gian khép kín và như thế sẽ là một thảm họa[13].
Sau vụ hơi độc tôi nghỉ việc hai tháng. Tôi bị khó thở. Nghề của tôi phải nói nhiều nên đó thật sự là vấn đề nan giải. Dĩ nhiên là tôi giận điên lên chứ. Như tôi đã nói trên kia, thủ phạm khá rõ ràng là đám Aum… Nhưng để nói cho đúng sự thật thì trong tôi lúc này cái cảm giác không muốn nhớ lại chuyện đó nữa còn mạnh hơn cả giận dữ. Trong thời gian nằm bệnh viện rồi ra viện về nhà, tôi muốn biết mọi việc đã xảy ra; tôi ngốn ngấu tin tức trên tivi nhưng giờ thì tôi không chịu nổi nữa. Tôi sẽ đổi kênh, không muốn trông thấy hình ảnh nào của vụ đánh hơi độc nữa. Hết tức giận, hết quan tâm tới những người đã chết hay những người còn đang phải gánh chịu thương tổn. Ngay bây giờ, cứ nghe phong thanh gì về vụ đánh hơi độc thì một cái gì đó lại thắt lấy ngực tôi. Tôi thề, tôi không muốn một cái gì như thế lại xảy ra nữa.
Nghe tin về Aum, càng biết về nền tảng của chúng, tôi càng nhận ra rằng chúng thậm chí còn không đáng để tôi dành thì giờ nghĩ đến. Ít nhất bây giờ tôi không còn hét lên với màn hình tivi nữa. Đám người Aum ấy có một đạo đức hoàn toàn khác, họ nghĩ khác chúng ta, họ hoàn toàn tin vào điều họ làm. Chỉ là tôi không thể tìm được chỗ nào cho lòng khoan thứ. Họ không sống ở thế giới này, họ là người của một chiều kích khác… khi nhận ra như thế tôi đã dẹp được cơn giận dữ của mình đi đôi chút. Dù, dĩ nhiên, tôi vẫn muốn họ bị tuyên án thích đáng tại tòa.
Câu hỏi mà tôi ghét nhất là: “Cô có bị di chứng gì không?” Tôi đang sống tiếp đời mình với lòng tin rằng tôi khỏe mạnh, tôi không có vấn đề sức khỏe nào cần nói đến; dù đây gần như là vụ đầu tiên trong lịch sử y học cho nên chắc là phải còn những điều chưa rõ. Tôi chỉ không thể chịu được ai hỏi tôi như thế. Mà việc tôi không thích bị hỏi liệu có hậu quả di chứng hay không, bản thân nó cũng có thể đã là một kiểu hậu quả di chứng.
Ở đâu đó trong tôi chắc phải có một mong muốn là có thể xua đuổi mọi sự đã xảy ra sang một chiều kích khác, có thể giấu nó vào trong một chỗ nào đó. Nếu có thể thì trục xuất nó khỏi bề mặt quả đất luôn.
Nếu là nửa năm nữa chắc tôi sẽ từ chối phỏng vấn. Nhưng giờ khi ông phỏng vấn tôi, nghĩ lại tôi nhận ra rằng từ dạo ấy mình đã không đi lộ trình ấy nữa. Hongo-sanchome là một trong những địa điểm ưa thích của tôi, nhưng tôi chưa trở lại đó lần nào. Không phải vì tôi sợ… đó chỉ là một vấn đề với tôi mà thôi.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm