In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 165
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
18. Tối Trước Vụ Tấn Công Hơi Độc, Gia Đình Tôi Còn Ăn Tối Cùng Nhau Và Nói ‘Này, Chúng Ta May Mắn Biết Bao’
ối trước vụ tấn công hơi độc, gia đình tôi còn ăn tối cùng nhau và nói ‘Này, chúng ta may mắn biết bao’”
“Tatsuo Akashi” (nay 37)
anh trai của người bị thương nặng “Shizuko Akashi”
Cô Shizuko Akashi đã bị chấn thương nghiêm trọng khi đi trên tuyến Marunouchi. Cô rời vào tình trạng thực vật và hiện vẫn đang phải ở lại để bệnh viện săn sóc. Anh của cô, Tatsuo, làm việc ở một đại lý bán xe hơi tại Itabashi, Bắc Tokyo. Anh đã có vợ và hai con.
Sau khi cô em quỵ ngã, anh và bố mẹ già thay nhau đến thăm Shizuko ở bệnh viện. Với lòng tận tụy đáng khâm phục, anh trông nom đến từng nhu cầu của Shizuko. Là người đứng đầu gia đình, lòng căm phẫn của anh với tội ác vô nghĩa lý này không thể dùng lời mà nói ra được. Chỉ chuyện trò với anh thôi, bạn đã cảm thấy được điều đó ở trên da thịt mình. Đằng sau nụ cười yên lành và giọng nói nhỏ nhẹ của anh là cả một bể đắng cay cùng quyết tâm ngoan cường.
Người em gái chỉn chu, dịu dàng và tận tụy của anh – người chẳng đòi hỏi nhiều hơn một góc hạnh phúc nhỏ bé – đã làm gì để bị bọn người kia quật ngã? Không nghi ngờ gì là Tatsuo sẽ còn luôn tự vấn câu hỏi khó này cho đến ngày Shizuko có thể bước ra khỏi bệnh viện trên chính đôi chân mình.
o O o
Bố mẹ chỉ có chúng tôi, hai anh em cách nhau bốn tuổi. Hai con tôi cũng cách nhau bốn tuổi, và mẹ tôi thường bảo chúng cứ y như bố và cô của chúng vậy. Tôi cho rằng điều này có nghĩa là chúng tôi hay cãi nhau [cười], dù tôi nhớ là cãi nhau cũng không nhiều lắm. Có thể chỉ là vài chuyện vặt – xem tivi kênh nào, ai được miếng bánh cuối cùng… Nhưng mẹ tôi nói bất cứ khi nào Shizuko có kẹo hay cái gì đó có thể ăn thì thể nào con bé cũng bảo, “Cho anh con với ạ.” Mà nhắc đến chuyện này tôi cũng muốn nói là con gái út của tôi cũng như vậy.
Shizuko lúc nào cũng muốn giúp đỡ người khác. Ở nhà trẻ hay trường học, nếu một đứa trẻ khóc lóc, nó luôn đi đến hỏi: “Vì sao bạn khóc?” Bản tính nó cũng rất tỉ mỉ. Nó ghi nhật ký cho tới tận hết cấp hai. Không bỏ qua ngày nào. Nó ghi đầy ba quyển sổ.
Khi hết cấp hai, nó quyết định không học tiếp lên cấp ba mà vào một trường dạy cắt may. Nó nói bố mẹ đã già nên muốn mau tìm việc làm cho bố mẹ nhẹ gánh chứ không học lâu thêm nữa. Tôi nhớ là khi nghe nói thế tôi đã nghĩ, “Em nhiều sức mạnh tinh thần hơn anh.” Nó là một đứa trẻ nghiêm túc. Hay đúng hơn, có vẻ như nó luôn nghĩ chu đáo mọi chuyện. Nó không làm ào ào cho xong một việc gì bao giờ.
Vậy là nó theo học cắt may, rồi kiếm được một chân công nhân nhưng không may, được ba bốn năm thì công ty quản lý kém nên bị phá sản. Nó loanh quanh tìm một công việc cắt may khác nhưng không có kết quả. Nên nó đến làm ở một siêu thị. Hơi thất vọng, nhưng nó không phải kiểu người cứ thế mà tung cánh bứt đi cho rảnh nợ, bỏ bố mẹ lại trong gian khó, hơn nữa đây lại là công việc duy nhất gần cận nó có thể tìm được.
Nó làm ở đây mười năm. Nó đi xe buýt đến siêu thị và chủ yếu làm ở quầy thu tiền. Mười năm trong nghề, nó trở thành một kiểu lão làng. Ngay cả bây giờ, sau hai năm nằm viện, nó vẫn còn có tên trong danh sách nhân viên toàn thời gian chính thức. Và siêu thị cũng đã giúp đỡ rất nhiều sau vụ đánh hơi độc.
Hôm ấy nó định đi dự lớp chuyên đề huấn luyện công nhân viên ở đằng Suginami (Tây Tokyo). Tháng Tư, các học viên mới sẽ tới và Shizuko sẽ xuống giúp hướng dẫn họ. Năm trước nó đã đến lớp chuyên đề và sếp của nó chắc đã lại yêu cầu nó đến nữa.
Trước vụ đánh hơi độc một hôm – Chủ nhật, ngày 19 tháng Ba – chúng tôi đi mua balô cho con trai tôi sắp vào trường tiểu học. Tôi cùng vợ, bố mẹ tôi và bọn trẻ đi mua. Xế trưa một chút, chúng tôi ghé qua siêu thị Shizuko đang làm việc để rủ nó đi ăn trưa ở một quán mì gần đó. Siêu thị luôn bận rộn vào Chủ nhật và thường thì nó không bỏ đi được nhưng hôm ấy thế nào đó nó lại rỗi, và tất cả chúng tôi cùng ăn với nhau.
Lúc ăn trưa nó bảo: “Ngày mai con phải đi Suginami có việc.” Nên tôi nói, “Được, anh sẽ cho em đi nhờ đến ga.” Đằng nào tôi cũng phải đưa bọn trẻ đi nhà trẻ rồi lái xe đưa vợ tôi ra ga. Sau đó tôi đậu xe vào bãi và lên tàu điện ngầm. Tôi chỉ phải làm có mỗi việc là cho nó đi nhờ xe cùng với vợ tôi. Nhưng nó nói, “Như thế lôi thôi cho anh quá. Em sẽ lên tuyến nội hạt đi đến chỗ bắt tuyến Saikyo rồi đổi sang tuyến Marunouchi.” Và tôi nói, “Thế thì lâu lắm. Tốt hơn là em đi thẳng một lèo đến Kasumigaseki rồi đổi sang tuyến Marunouchi.” Nay nhìn lại, nếu tôi không gợi ý cho Shizuko, chắc nó sẽ không phải chịu đau đớn như thế này.
Shizuko thích đi các nơi. Nó chỉ có một người bạn thật sự thân từ thời đi học và hai đứa thường đi nghỉ cùng nhau. Nhưng siêu thị không giống một công ty bình thường, bạn không thể nghỉ thông ba bốn ngày được. Nên nó phải chọn một thời gian lắng khách và tìm ai đó làm thay thì mới có thể lên đường.
Một điều khác nữa, nó thích đến Disneyland Tokyo. Nó đã đến đó vài lần cùng người bạn thân nhất ấy và hễ thu xếp có được một ngày Chủ nhật không phải đi làm là nó lại mời tất cả chúng tôi: “Nào, đi thôi!” Chúng tôi vẫn giữ các bức ảnh hồi đó. Shizuko chỉ thích mấy trò cảm giác mạnh: tàu lượn siêu tốc hay đại loại kiểu ấy. Vợ tôi và hai người già cũng thích cái đó. Nhưng tôi thì không. Cho nên ba người họ đi một vòng tàu lượn đáng sợ đó, còn tôi với con gái út thì lên đu quay bình thường chơi trong lúc chờ họ. Giống như, “Mọi người cứ chơi cho xả láng đi nhé, tôi chờ ở ngay đây.” Ờ, nghĩ đến việc này thì nơi cả nhà chúng tôi thường lui tới nhất là Disneyland.
Khi nào có dịp gì đặc biệt, Shizuko lại mua vài thứ tặng vật. Như ngày sinh của bố mẹ và các con tôi, ngày cưới của chúng tôi. Nó ghi giữ tất cả các ngày đó ở trong đầu. Nó không đụng qua đến một giọt rượu, nhưng vì bố mẹ tôi uống nên nó nghiên cứu nhãn rượu nào được cho là tốt rồi mang một chai đến cho hai cụ. Nó luôn rất cẩn thận, quan tâm đến những người ở xung quanh. Chẳng hạn nếu nó đi nghỉ ở đâu, chắc chắn nó sẽ mang về đồ lưu niệm hay mua bánh kẹo cho các đồng nghiệp ở siêu thị.
Nó thường lo lắng quá nhiều đến mối quan hệ cá nhân với những người cùng làm việc. Tâm hồn nó mong manh như thế đấy; vấn đề nhỏ nhất cũng khiến nó bận tâm đến rất nhiều. Vài nhận xét bâng quơ, những thứ đại khái như thế, cũng làm cho nó nghĩ ngợi.
Shizuko chưa lấy chồng, một phần vì nó cảm thấy quá nặng tình với bố mẹ. Cũng đã có vài dạm mối nhưng hoặc là người đàn ông đó sống quá xa hoặc nó không muốn bỏ bố mẹ ở lại một mình cho nên cuối cùng đều không đi đến đâu. Tôi đã lấy vợ và ra ở riêng nên tôi ngờ rằng nó nhận lấy nghĩa vụ chăm nom bố mẹ. Thời gian ấy mẹ tôi bị đau khớp gối và mẹ phải chống gậy mới đi được… điều đó khiến Shizuko cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng mình có nghĩa vụ. Mạnh mẽ hơn tôi.
Việc kinh doanh của bố tôi cũng đã xếp lại, khiến cho ông không có việc làm, nên tôi ngờ rằng nó đã quyết định cáng lấy gánh tài chính bị hụt đi. Shizuko là một người lao động ham việc. Nó sẽ nói, “Em không cần nghỉ ngơi,” rồi tự ép mình đi làm.
Ngày 20 tháng Ba tôi ghé qua nhà cũ đón Shizuko rồi để nó và vợ tôi xuống ga. Lúc đó chắc vào cỡ 7 giờ 15. Rồi tôi đưa bọn trẻ đi học ngay trước 7 rưỡi và đi bộ đến ga.
Nếu Shizuko và vợ tôi bắt được chuyến 7 giờ 20 thì nó sẽ đến Kasumigaseki ngay trước 8 giờ; từ chuyến Chiyoda đến tuyến Marunouchi phải đi bộ một quãng dài, như thế có nghĩa là nó lên đoàn tàu bị rải sarin. Và điều làm cho sự tình càng thêm tồi tệ là, chắc nó đã lên phải chính cái toa đặt sarin. Mà mỗi năm nó chỉ đi tuyến Marunouchi có đúng một lần để đến lớp huấn luyện chuyên đề ấy.
Nó gục ngã ở ga Nakano-sakaue rồi được đưa đến bệnh viện. Tôi nghe nói chính người nhân viên nhà ga cố hô hấp nhân tạo cho nó đã hít phải sarin và ngã gục trong khi làm việc này. Nhưng tôi không gặp người đó nên không thật biết.
Tôi nghe tin đánh hơi độc qua trụ sở chính công ty mình. Vụ hơi độc xảy ra trên tuyến Hibiya và nhiều nhân viên bị trúng độc cho nên họ gọi để hỏi mọi việc ở đầu phía chúng tôi có ổn cả không. Tôi mở tivi xem chuyện gì đang xảy ra, và chưa từng thấy náo loạn như thế bao giờ.
Tôi điện thoại ngay cho vợ tôi nhưng cô ấy không sao. Rồi tôi gọi cho mẹ tôi vì nếu có rắc rối gì thì Shizuko sẽ gọi cho mẹ. Nhưng không có tin gì cả. “Vậy chắc nó không sao,” tôi nghĩ. “Chắc lúc này nó đang ở lớp chuyên đề rồi.” Nhưng tôi vẫn không yên tâm vì không thể liên lạc với nó. Xem giờ giấc thì đúng là tàu của nó dính nặng nhất. Tôi cố giữ bình tĩnh: tôi biết lo phiền cũng chẳng ích gì. Tôi vừa lấy xe của công ty chuẩn bị đi gặp khách hàng thì nhận được điện thoại từ công ty nói tôi phải liên lạc với mẹ tôi khẩn cấp. Lúc đó vào khoảng giữa 10 rưỡi và 11 giờ. “Cảnh sát gọi nhà ta,” mẹ nói. “Shizuko bị thương trên tàu điện ngầm phải vào viện rồi. Mau đi nhanh lên đi!”
Tôi nhào trở lại công ty, lên tàu đi Shinjuku và đến bệnh viện vào quãng 12 giờ. Từ công ty tôi đã gọi điện nhưng qua điện thoại không thể biết được điều gì nhiều về tình trạng của nó. “Chúng tôi không được nói bất cứ điều gì với người nhà bệnh nhân trừ phi họ đến đây.”
Chỗ tiếp khách của bệnh viện đầy các nạn nhân. Tất cả đang được truyền dịch hay thăm khám. Lúc ấy tôi mới nhận thấy vụ việc này nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn chưa biết nhiều. Tivi có nói gì đó về hơi độc nhưng không chi tiết. Các bác sĩ cũng không giúp được nhiều. Tất cả những gì họ nói với tôi hôm ấy là, “Cô ấy hít phải một hóa chất độc tương tự như thuốc trừ sâu.”
Họ thậm chí còn không cho tôi gặp nó ngay. Ở đấy tôi đang hy vọng được nhìn tận mắt xem tình trạng của nó ra sao nhưng họ không bảo gì tôi, cũng không cho tôi vào khu phòng bệnh. Bệnh viện chen chúc và rối loạn, còn Shizuko thì ở phòng Cấp cứu. Tôi chỉ có thể thăm nó buổi chiều, từ 12 rưỡi đến 1 giờ và tối, từ 7 đến 8 giờ.
Tôi chờ hai giờ đồng hồ – hai giờ mòn mỏi – và rồi tôi đã được thăm nó một chốc. Nó mặc áo choàng bệnh viện và đang nằm trên giường làm thẩm tách. Gan nó khá yếu và cần hỗ trợ để lọc hết độc tố ra khỏi máu. Nó cũng đang được truyền dịch. Mắt nó nhắm. Theo lời cô y tá, nó đang ở “trạng thái ngủ”. Tôi nhoài người để chạm vào nó nhưng bác sĩ giữ tôi lại: tôi không mang găng tay.
Tôi thì thầm vào tai nó: “Shizuko, anh đây!” Nó giật giật người đáp lại, hoặc là tôi nghĩ thế, nhưng bác sĩ nói thực tế không thể có chuyện nó phản ứng với tiếng nói của tôi, chắc chỉ là một cơn co giật trong lúc ngủ. Từ lúc họ mang nó vào đây, nó vẫn co giật suốt.
Nói thẳng ra thì mặt nó trông giống như nó đã chết hơn là đang ngủ. Một mặt nạ dưỡng khí chụp lên miệng nó và mặt nó không có chút biểu cảm nào hết. Không dấu hiệu đau đớn hay khổ sở hay bất cứ cái gì. Điện tâm đồ trên màn hình của nó hầu như không nháy, chỉ thảng hoặc xuất hiện một đốm sáng. Nó đã nguy ngập đến mức này. Nhìn nó tôi gần như không cầm lòng nổi.
“Nói đúng sự thật thì,” bác sĩ bảo tôi, “đêm nay là quyết định đây. Cô ấy đang được chăm sóc toàn diện. Xin hạn chế việc thăm hỏi.” Tôi qua hết đêm ở phòng chờ của bệnh viện đề phòng có chuyện gì xảy ra. Rạng sáng hôm sau khi tôi hỏi, “Em tôi sao rồi?”, tất cả những gì họ có thể nói chỉ là, “Cô ấy hiện đang ổn định.”
Tôi hôm ấy [20 tháng Ba], bố mẹ, vợ và các con tôi, tất cả đều đến bệnh viện. Tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì nên cho các con cùng đến, chỉ để phòng xa. Dĩ nhiên chúng còn quá bé, chưa thể hiểu được tình hình nhưng nhìn chúng tôi thấy bớt căng thẳng, hay đúng hơn là giúp tôi cắt đi được một vài cảm xúc. “Một câu chuyện khủng khiếp xảy ra với cô Shizuko…” Tôi bắt đầu khóc. Đám trẻ buồn rầu; chúng biết là nghiêm trọng; chúng chưa thấy tôi khóc bao giờ. Chúng cố an ủi tôi, “Đừng khóc, bố, đừng khóc bố ơi!” – và rồi chúng cũng khóc nốt. Bố mẹ tôi là người thế hệ trước: những người kiên cường. Suốt thời gian ở bệnh viện, hai cụ kìm nén, nhưng khi về nhà tối đó hai cụ đã khóc thâu đêm.
Tôi nghỉ phép một tuần. Vợ tôi cũng vậy. Cuối cùng, thứ Tư, ngày 22 tháng Ba, bác sĩ cho chúng tôi biết sơ qua tình hình của Shizuko. Huyết áp và hô hấp của nó có khá lên đôi chút và đã ổn định ở một mức độ nào đó, nhưng họ vẫn còn đang theo dõi hoạt động của não bộ. Tình trạng của con bé vẫn có thể xấu đi.
Không có giải thích nào về hậu quả của sarin. Người ta đưa chúng tôi xem phim X-quang chụp đầu nó và bảo, “Não bị trương lên.” Nó có vẻ phình ra thật nhưng lúc đó vẫn chưa thể nói được là do sarin hay do thiếu dưỡng khí kéo dài.
Nó không tự thở được nên phải thở bằng máy hô hấp nhân tạo. Nhưng không thể tiếp tục mãi như thế, nên ngày 29 tháng Ba, họ mở một van thở ở cổ họng nó. Lúc đó em tôi là như thế đó.
Khi Shizuko nằm việc ở Nishi-shinjuku, tôi vẫn đến thăm em hàng ngày. Không sót ngày nào, sau buổi làm, cho kịp các giờ thăm hỏi lúc 7 giờ, trừ phi tôi thật sự mệt mỏi. Sếp tôi luôn cho một ai đó lái xe đưa tôi đi. Tôi sụt cân nhiều, nhưng cứ giữ nếp thăm nom đó trong năm tháng, cho tới ngày 23 tháng Tám, khi nó được chuyển đến bệnh viện khác.
Trong sổ tay ngày tháng của tôi, tôi ghi rằng hôm 24 tháng Ba mắt nó động đậy được. Chúng không mở ra hoàn toàn nhưng đảo quanh từ từ, sau mí mắt nửa hé nửa khép. Ấy là những lúc tôi nói chuyện với nó. Bác sĩ lại nói rằng không phải là nó đang nhìn quanh để nhận biết sự vật. Đấy chỉ là một trùng hợp nữa mà thôi. Tôi được nhắc là đừng quá mong đợi. Trên thực tế, ngày 1 tháng Tư, họ nói: “Cứ theo các dạng tổn thương não bộ do đụng giập và xuất huyết thường gặp ở các ca tai nạn giao thông bình thường mà đánh giá thì hầu như không có cơ may phục hồi nhiều hơn nữa.” Nói cách khác, tuy không là “thực vật” thì Shizuko cũng sẽ bị cột chặt vào giường đến hết đời. Không thể ngồi dậy, không thể nói, hầu như không nhận thức được bất cứ thứ gì.
Thật khó mà chấp nhận. Mẹ tôi chợt bật ra lời: “Lẽ ra nên để Shizuko chết đi. Như thế sẽ đỡ khổ cho bản thân nó cũng như cho các con.” Những lời này thật sự cắt sâu vào lòng tôi; tôi hoàn toàn hiểu mẹ, nhưng tôi biết trả lời bà thế nào đây? Cuối cùng, tôi chỉ có thể nói, “Nếu Shizuko vô dụng mãi mãi thì Trời chắc chắn sẽ để cho nó chết. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Shizuko hiện vẫn đang sống. Vậy là có cơ may nó sẽ khỏe lại, chẳng phải vậy sao? Nếu chúng ta không tin điều đó, thì Shizuko hết hy vọng. Chúng ta phải buộc chính mình tin.”
Đó là phần gay nhất với tôi. Khi chính bố mẹ tôi còn nói ra điều này – rằng thà Shizuko chết đi còn hơn – thì tôi còn biết nói gì nữa? Lúc ấy mới khoảng mười ngày sau khi nó bất tỉnh.
Không lâu sau đó, bố tôi đột quỵ. Ngày 6 tháng Năm họ chẩn đoán ông bị ung thư và chuyển ông vào Trung tâm Ung thư Quốc gia Kashiwa để phẫu thuật. Hàng ngày tôi nhào tới nhào lui thăm nom Shizuko và bố. Mẹ tôi không đủ sức khỏe đi lại ngược xuôi như thế.
Tháng Tám, Shizuko đã được đưa tới bệnh viện khác nơi có một bác sĩ trẻ giỏi điều trị. Và bây giờ nó đã tiến bộ đến mức có thể dịch được cánh tay phải. Dần dần nó đã có thể động đậy. Hỏi nó, “Miệng em đâu?” thì nó sẽ đưa tay phải lên miệng.
Nó nói vẫn còn khó khăn nhưng có vẻ hiểu phần lớn những gì chúng tôi nói. Có điều bác sĩ bảo anh ta không thật tin là nó hiểu được chính xác mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tôi luôn bảo nó, “Anh trai đến thăm em đây,” nhưng nó có hiểu “anh trai” là gì không thì lại là chuyện khác. Phần lớn trí nhớ của nó đã biến mất.
Nếu tôi hỏi nó, “Trước kia em sống ở đâu?” thì nó chỉ có thể trả lời, “Không biết.” Thoạt đầu, tên bố mẹ, tuổi nó, nó có bao nhiêu anh em, nơi nó sinh ra, tất cả đều là “Không biết.” Nó chỉ biết duy nhất có tên mình. Nhưng dần dần, nó đã khôi phục được các chức năng. Hiện thời, nó đang qua hai chương trình điều trị chủ yếu: khôi phục thể chất và khôi phục ngôn ngữ. Nó tập ngồi trên xe lăn, đứng trên chân phải, cử động tay phải, duỗi thẳng chân bị co gập, nói các nguyên âm – a, i, u, e, o.
Nó vẫn còn khó cử động miệng để ăn nên họ cho nó ăn bằng ống qua đường mũi xuống thẳng dạ dày. Các cơ cổ họng nó vẫn còn cứng. Dây thanh đới của nó không có vấn đề gì lắm nhưng các cơ điều khiển chúng không chuyển động được nhiều.
Theo bác sĩ, mục đích cao nhất của quá trình điều trị này là làm cho nó có thể tự đi ra ngoài bệnh viện nhưng nó có làm được thế không thì anh ta không nói. Nhưng tôi vẫn tin bệnh viện và vị bác sĩ ấy, tôi đặt mọi sự vào tay họ.
Hiện tôi đến bệnh viện cách nhật. Hôm nào đến bệnh viện rồi về đến nhà thì cũng phải 11 giờ, điều này khiến tôi phải liên tục thay thời gian biểu, luân phiên hôm đến viện hôm không. Tôi lên cân, chắc vì ăn uống muộn ban đêm, trước khi đi ngủ.
Một tuần ba lần sau giờ làm việc tôi đi một mình. Chủ nhật thì cả nhà cùng đi: cả mẹ tôi nữa. Bố tôi đã được Trung tâm Ung thư cho về nhưng sau những chuyến đi xa ông bị sốt nên không đi cùng chúng tôi được.
Tất cả đè nặng lên vai tôi, nhưng muốn gì thì đó cũng là gia đình tôi. Tôi cảm thấy có lỗi với vợ: nếu không lấy tôi, cô ấy đã không phải chịu đựng tất cả những chuyện này. Và hai đứa trẻ cũng vậy. Nếu em tôi khỏe mạnh, chúng tôi sẽ cùng nhau đi nghỉ hè, đi khắp nơi.
Nhưng ông biết không, lần đầu tiên Shizuko nói, tôi mừng khôn tả. Thoạt tiên chỉ là một tiếng rên – u u u – nhưng nghe thấy, tôi đã khóc. Cô y tá cũng khóc. Và rồi thật kỳ lạ, Shizuko bắt đầu khóc và nói uu aa. Tôi không hiểu thật sự những giọt nước mắt của nó muốn nói điều gì. Theo bác sĩ thì các cảm xúc trong não khi được biểu hiện ra lần đầu tiên sẽ mang hình thức không ổn định là “khóc”. Vậy thì đây là bước thứ nhất.
Ngày 23 tháng Bảy, nó nói những lời đầu tiên trước mặt bố mẹ. Shizuko khóc, “Mẹ.” Đây là điều đầu tiên sau bốn tháng hai cụ nghe nó nói. Cả hai đều khóc.
Năm ấy nó đã có thể cười thành tiếng. Mặt nó có thể cười mỉm tươi tỉnh. Nó cười trước các câu đùa giỡn đơn giản, hoặc khi tôi phát ra tiếng rắm bằng mồm hay thứ gì đó tương tự. Tôi sẽ hỏi, “Ai đánh đấy?” và nó trả lời, “Anh trai.” Nó đã bình phục đến mức ấy. Nó vẫn chưa nói được rành lắm, khó mà hiểu ngay được nó nói những gì nhưng ít ra nó cũng đã nói chuyện được.
“Em muốn làm gì?” tôi hỏi và nó đáp “Đi bộ.” Nó đã phát triển được lại ý chí của mình. Nhưng nó không nhìn được nhiều, chỉ nhìn được chút ít bằng mắt phải thôi.
Tối trước vụ tấn công hơi độc, gia đình tôi còn ăn tối cùng nhau và nói, “Này, chúng ta thật may mắn biết bao. Được cùng có với nhau những tháng ngày vui vẻ”… một phần hạnh phúc khiêm tốn nhất. Ngay hôm sau đã bị những kẻ ngu xuẩn kia phá hủy. Đám tội phạm đó đã đánh cắp niềm vui bé nhỏ của chúng tôi.
Ngay sau vụ thả hơi độc, tôi giận điên lên. Tôi đi dọc hành lang bệnh viện, đấm vào tường và các cây cột. Lúc đó tôi vẫn chưa biết đó là Aum, nhưng dù nó là gì thì tôi cũng sẵn sàng đánh nó tơi bời. Tôi thậm chí không nhận thấy, nhưng mấy ngày sau thì nắm tay tôi đau rần. Tôi hỏi vợ, “Quái nhỉ, sao tay anh đau như thế chứ?” và cô ấy nói, “Mình ơi, tại anh vẫn cứ nện tay vào mọi thứ mà.” Tôi đã điên tiết đến thế đấy.
Nhưng bây giờ, sau gần hai năm mọi sự đã tốt hơn nhiều, nhờ mọi người ở công ty em tôi, các đồng nghiệp của tôi và sếp tôi, các bác sĩ, y tá. Họ đã giúp đỡ rất nhiều.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm