We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
13. Tôi Cảm Thấy Như Đang Xem Một Chương Trình Tivi
ôi cảm thấy như đang xem một chương trình tivi”
Mitsuo Arima (41)
Ông Arima sống ở Yokohama, NamTokyo. Nét mặt ông sáng sủa, quần áo lịch sự và phong cách của ông toát lên vẻ trẻ trung. Ông tự định nghĩa mình là người lạc quan, thích vui nhộn, giỏi thuyết phục người khác nhưng không bao giờ giáo điều. Phải đến tận khi ngồi nói chuyện với ông, bạn mới nhận ra ông đã bước một chân vào tuổi trung niên. Tóm lại, 40 tuổi là một bước ngoặt, tuổi người ta bắt đầu suy nghĩ đến ý nghĩa cuộc đời.
Có vợ và hai đứa con, ông Arima làm việc cho một công ty mỹ phẩm. Ông và các đồng sự lập một ban nhạc chơi cho vui. Ông chơi ghita. Vì những cam kết công việc, ông Arima đã không may bắt tuyến Marunouchi mà thông thường ông ít đi – rồi bị nhiễm hơi độc.
o O o
Thật ra cả tuần trước tôi nằm bẹp trên giường vì cúm. Đây là lần đầu tiên ở tuổi trưởng thành tôi phải ôm giường. Tôi không ốm bao giờ.
Vậy là hôm ấy tôi đã ở đó, trở lại làm việc sau khi vắng mặt, và lý do tôi muốn đến sớm một chút là để bù lại chỗ thời gian đã mất. [cười] Tôi rời nhà sớm hơn thường lệ mười phút.
Tôi luôn được ngồi và có thể thảnh thơi đọc báo trên tuyến Yokohama đi đến văn phòng ở Hachioji, phía Tây, nhưng hôm ấy không hiểu thế nào tôi lại phải đến văn phòng ở khu vực trung tâm Shinjuku dự cuộc học đặc biệt của các giám đốc khu vực. Tôi dự định dành cả buổi sáng ở Shinjuku rồi mới đến văn phòng ở Hachioji.
Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ 45. Tôi rời nhà trước 7 giờ, bắt tuyến Yokosuka lên Shimbashi, rồi tuyến Ginza đến Akasaka-mitsuke, rồi đổi sang tuyến Marunouchi đến Shinjuku-gyoemmae, thời gian đi lại: một tiếng rưỡi. Tuyến Marunouchi thưa khách từ Akasaka-mitsuke cho nên tôi cầm chắc có ghế ngồi. Nhưng hôm ấy tôi ngồi xuống là để ý ngay thấy có mùi acid. Đúng là tàu xe lúc nào chẳng có mùi kỳ cục, nhưng tôi phải khẳng định đây không phải là mùi tàu xe bình thường. Tôi nhớ một bà ở trước mặt tôi đã lấy khăn che mũi nhưng ngoài ra không có gì bất thường cụ thể cả. Tôi thậm chí còn không biết đó là mùi sarin. Chỉ sau này nghĩ lại tôi mới thấy, “A, vậy ra sarin là nó đấy.”
Tôi xuống tàu ở Shinjuku-gyoemmae, vẫn bình thường, trừ việc trời tối đến không thể ngờ nổi, giống như có ai đó đã tắt hết đèn. Khi tôi rời nhà, trời trong sáng, nhưng khi tôi xuống tàu điện ngầm rồi lên mặt đất mọi cái đều mờ mờ ảo ảo. Tôi ngỡ thời tiết đã chuyển xấu, nhưng tôi nhìn lên thì thấy trời không có một gợn mây. Hôm ấy tôi có uống thuốc chống cảm sốt nên đã nghĩ có thể đây là phản ứng của cơ thể với thuốc. Thuốc này khác với loại bình thường tôi vẫn dùng nên có thể đây là một tác dụng phụ của nó.
Nhưng khi tôi đến văn phòng, mọi thứ vẫn tăm tối như thế và tôi cảm thấy bải hoải đến nỗi cứ ngồi mụ mị ở bàn làm việc, đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Cuộc họp sáng đã xong và mọi người đi ăn trưa. Nhưng mọi thứ vẫn tối và tôi không muốn ăn. Tôi cảm thấy mình không còn hơi sức đâu mà chuyện trò với ai. Cho nên tôi yên lặng ăn một mình, mồ hôi đầm đìa. Tiệm mì đang bật tivi, chương trình thời sự 24/24 đưa tin về vụ đánh hơi độc sarin. Những người khác đùa tôi, nói: “Này, khéo anh bị trúng sarin không biết chừng,” nhưng tôi cho rằng đó là tác dụng phụ của thuốc chống cảm sốt nên chỉ cười theo.
Buổi chiều lại bắt đầu họp tiếp nhưng tôi vẫn không thấy khá hơn chút nào cả. Tôi quyết định đi khám ở chỗ bác sĩ chuyên trị cảm sốt. Tôi xin phép nghỉ buổi họp lúc 2 giờ chiều. Đến lúc này tôi bắt đầu nghĩ, “Ngộ nhỡ là sarin thật thì sao?”
Để cho yên tâm, tôi quyết định đến khám chỗ ông bác sĩ gần nhà, người kê đơn thuốc chống cảm sốt mới. Vẫn cứ là trò sấp ngửa phân vân giữa cảm mùa hè và sarin. Nên tôi đã đi cả quãng đường quay về Yokohama, nhưng khi nghe tôi nói đã đi tàu điện ngầm trước khi gặp các triệu chứng này thì ông bác sĩ liền khám luôn đồng tử của tôi và yêu cầu nằm viện ngay lập tức.
Ông đưa tôi đến bệnh viện Trường Cao đẳng Thành phố Yokohama bằng xe cứu thương. Tôi có thể tự xuống xe và đi bộ, nên các triệu chứng của tôi lúc đó là nhẹ. Nhưng đến đêm thì đầu tôi đau nhức. Khoảng nửa đêm thì đau dữ dội. Tôi gọi y tá và cô tiêm cho tôi một mũi. Đầu tôi không đau nhói buốt mà như bị một cái kìm thít chặt và cứng khư trong cả giờ đồng hồ. Có thể sarin là thế này đây, tôi nghĩ, nhưng cơn đau nhanh chóng rút sau mũi tiêm và tôi nghĩ, “Mình sẽ khỏi thôi.”
Nhưng thuốc dãn đồng tử họ tra cho tôi hiệu quả hơi quá tốt, thế là đồng tử của tôi dãn hết cỡ. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, cái gì nom cũng sáng quá… cho nên họ để giấy lên khắp xung quanh giường tôi để chặn ánh sáng chói lói. Nhờ thế nên chỉ nằm viện một ngày nữa thì đồng tử tôi lại trở lại bình thường.
Buổi sáng cả nhà tôi đến thăm. Tôi vẫn trong tình trạng chưa thể đọc báo nhưng tôi biết vụ tấn công hơi độc ấy nghiêm trọng như thế nào. Người chết. Bản thân tôi có thể cũng đã mất mạng. Khá lạ là tôi không cảm thấy chút căng thẳng nào. Phản ứng của tôi là, “À, mình không sao.” Tôi đã ở ngay tâm chấn của cuộc tấn công nhưng thay vì rùng mình trước số người chết, tôi lại cảm thấy tựa như đang xem một chương trình tivi, tựa như đó là vấn đề của ai khác.
Rất lâu sau này tôi mới bắt đầu băn khoăn tại sao mình lại có thể chai lì đến thế. Tôi phải phẫn nộ, sẵn sàng nổ bung ra mới phải chứ. Phải đến mùa thu tôi mới dần hiểu, từng chút từng chút một. Thí dụ nếu ai đó ngã ở ngay trước mặt tôi, chắc tôi sẽ giúp đỡ. Nhưng nếu họ ngã xa mấy chục mét thì sao? Tôi có rẽ khỏi đường mình đang đi để sang giúp đỡ không? Tôi không chắc. Tôi có thể sẽ coi đó là việc của người khác và tiếp tục đi. Nếu dây vào, có thể tôi sẽ đi làm muộn mất…
Từ khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh đến bước chúng ta đã mất đi mọi cảm nhận về khủng hoảng và của cải vật chất là tất cả những gì có ý nghĩa. Ý nghĩ làm hại người là sai dần đã biến mất. Trước đó người ta đã nói nhiều đến điều này, tôi biết, nhưng phải đến vụ hơi độc này tôi mới thật sự thấm thía. Nếu ta nuôi dạy một đứa trẻ với cái não trạng ấy thì sẽ ra chuyện gì đây? Thể tình cho cái chuyện kiểu này được không?
Ông biết không, thật lạ là khi trở lại bệnh viện, giữa lúc mọi người xung quanh đều đang trong cơn hoảng loạn không lối thoát, tôi lại không cảm thấy kinh hoàng chút nào. Tôi rất bình tĩnh và tự chủ. Nếu có ai pha trò về sarin tôi cũng chẳng đoái hoài. Nói vậy để thấy chuyện này có ý nghĩa rất nhỏ với tôi mà thôi. Mùa hè ấy tôi bắt đầu quên đi là đã từng có một “vụ tấn công bằng hơi độc sarin tại Tokyo”. Tôi đọc trên báo bài gì đó về một vụ kiện tụng đòi đền bù thiệt hại và tôi nghĩ, “A phải, lại thế nữa,” tựa như chuyện đó chả có liên quan gì tới tôi hết.
Tôi đã làm việc ở Tokyo mười hai năm, tôi biết hết các cách thức giải quyết kỳ dị của đô thị này. Trên hết thảy, tôi nghĩ từ nay trở đi mọi cá nhân ở xã hội Nhật cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Ngay cả Aum, sau khi đã tập hợp được ngần ấy cái đầu sáng suốt như thế lại với nhau, họ đã làm cái gì, ngoài nhào thẳng vào chủ nghĩa khủng bố hàng loạt? Đó chính là biểu hiện cho thấy cá nhân là yếu đuối đến mức nào.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm