There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
11. Chuyện Tai Tiếng Thì Ai Cũng Thích
huyện tai tiếng thì ai cũng thích”
Hideki Sono (36)
Anh Sono làm việc ở quận thời trang Aoyama, chi nhánh Tokyo của một hãng sản xuất thời trang thiết kế cao cấp. Anh thuộc bộ phận bán hàng. Sau khi bong bóng kinh tế vỡ và tình trạng giàu có của Nhật Bản những năm 1980 sa sút đi, phần lớn công việc liên quan đến thời trang rơi vào những ngày gian khó, hay như anh Sono nói. “Chúng ta đã tỉnh ra.” Mệt mỏi vì những thái quá của thập niên trước – các ông già cà rỡn với gái trẻ, bỏ cả gia sản ra trau chuốt mẽ ngoài, bán áo quần hàng hiệu giá cao ngất trời – anh hình như còn phần nào nhẹ cả người khi kinh tế đã tuột dốc. “Giờ thì cuối cùng chúng ta cũng có thể trở lại bình thường.”
Tuy anh nói mình “sinh ra để làm nghề bán hàng,” nhưng Sono chẳng có vẻ gì giống một người bán hàng bám nhằng nhẵng lấy khách mà ta thường thấy. Anh có vẻ điềm tĩnh và hướng nội. Anh không mấy quan tâm tới rượu chè, những tour du lịch hay trò đánh golf nhưng golf rất quan trọng đối với việc bán hàng, nên anh không thể không chơi mà được. Anh ra sân golf, mở túi đồ lề lâu ngày không sờ đến ra và hỏi người cùng chơi: “Này, tôi cần đến cây gậy nào bây giờ?” Anh là dân chơi golf đến cỡ đó thôi.
“Với cung cách xã hội hiện nay, ai cũng chỉ chạy theo tiền, tôi có thể hiểu đại khái tại sao thanh niên có thể bị thu hút bởi một thứ mang tính chất tâm linh nhiều hơn như tôn giáo. Nói vậy không phải vì bản thân tôi cũng thế.” Anh phải gánh chịu một số hậu quả khá nghiêm trọng từ vụ đánh hơi độc nhưng không nung nấu nỗi giận dữ hay khinh miệt cá nhân nào với những thủ phạm thuộc Aum. Anh không hiểu vì sao.
“Tôi làm việc trong ngành may mặc nhưng bản thân tôi gần như lại chẳng quan tâm chút nào đến quần áo,” anh nói, “Tôi thấy một bộ, nói ‘Tôi lấy cái này,’ rồi mua. Tôi không mất công cho chuyện đó.” Nhưng nếu thế thì làm sao anh lại thành một người ăn mặc sành như vậy được cơ chứ, nhỉ?
o O o
Vợ tôi và tôi sống riêng. 24 tuổi chúng tôi lấy nhau, thế là đã được mười ba năm rồi. Chúng tôi sống ở Chiba. Tôi rời nhà đi làm vào khoảng 7 rưỡi và bắt chuyến tàu lúc 8 giờ 15 trên tuyến Chiyoda. Chẳng cần nói cũng biết trên tuyến Chiyoda, tôi không được ngồi bao giờ. Tôi đứng suốt bốn lăm phút. Thỉnh thoảng đến ga Otemachi tôi mới ngồi được một chút. Tôi vẫn thấy buồn ngủ nên hễ có chỗ là tôi ngồi. Có chỗ ngồi là được thêm mười lăm phút ngủ.
Ngày 20 tháng Ba, tôi rời nhà sớm nửa giờ. Tôi có chút việc muốn xử lý trước khi vào giờ làm. Đang là mùa trình diễn, vì thế mà có lắm thứ việc lắt nhắt phải giải quyết, chưa kể những việc chúng tôi phải làm ở bộ phận bán hàng. Lúc đó còn gần như là thời điểm phải bắt đầu báo cáo số liệu – cả tháng vừa qua mặt hàng nào bán được bao nhiêu cái. Chúng tôi có định mức – mức hàng chúng tôi buộc phải bán hết – dựa trên dự toán ngân sách công ty. Tôi phải gửi số liệu lên Bên giám đốc trong tuần rồi đích thân giải trình ở một cuộc họp vào tuần sau.
Thực ra thì ngày 20 tháng Ba là ngày vợ tôi thôi việc tại cái công ty cô ấy đã làm suốt sáu năm trời. Vợ tôi làm biên tập viên tại một tạp chí quảng cáo, một công việc thật sự yêu cầu cao đến mức vắt kiệt sức vợ tôi cho nên cô ấy muốn bỏ. Bây giờ cô ấy làm copywriter, biên tập viên tự do. Hôm ấy cũng là sinh nhật vợ tôi. Đó là lý do vì sao tôi nhớ các sự kiện xảy ra hôm 20 tháng Ba rõ như thế.
Tôi luôn lên toa đầu tiên từ phía đầu tàu. Như thế lúc xuống tàu tôi sẽ ở gần cửa ra nhất, cửa này đưa tôi ra tới bên tòa cao ốc có cửa hiệu Hanae Mori ở Omote-sando. Hôm ấy không ngờ tôi lại được ngồi suốt từ ga Shin-ochanomizu. Tôi dậy sớm và khá phờ phạc nên đã nghĩ, “A, được ngơi đây!” Tôi vừa ngồi xuống là ngủ luôn. Đến ga Kasumigaseki thì tôi tỉnh dậy, sau bốn điểm đỗ tàu. Tôi cảm giác như sắp ho và vì thế mà thức dậy. Có một mùi gì đó là lạ. Nhiều người đang chuyển xuống toa dưới. Họ đang đóng mở các cửa ngăn giữa hai toa.
Khi mở mắt ra, tôi thấy một nhân viên nhà ga mặc đồng phục xanh lá cây đi ra đi vào. Sàn xe cũng ướt. Vệt ướt cách tôi khoảng năm mét. Bọn tội phạm đã chọc thủng các túi sarin rồi xuống ở ga Shin-ochanomizu. Nhưng dù gì tôi cũng đã ngủ mất nên không thấy gì cả. Cảnh sát hỏi đi hỏi lại tôi chuyện đó nhưng không nhìn thấy tức là không nhìn thấy. Họ nghĩ lời tôi nói nghe có vẻ đáng ngờ. Tôi đang đi đến Aoyama, mà trụ sở của Aum lại ở đúng Aoyama.
Tàu chạy tiếp đến gas au, Kokkai-gijidomae, và đến đó tất cả chúng tôi đều phải xuống. Về việc này, trên loa không đưa ra một lời giải thích nào, chỉ thông báo: “Tàu sắp tạm ngừng phục vụ – mời tất cả hành khách xuống tàu.” Nhưng trên đoạn từ Kasumigaseki tới Kokkai-gijidomae tôi cảm thấy đau ghê gớm. Tôi ho. Tôi không thở được. Khi chúng tôi tới Kokkai-gijidomae, ở gần tôi còn có những người ngay đến cử động cũng chịu. Các nhân viên nhà ga đã phải khiêng một bà trạc năm mươi tuổi đi. Có lẽ chừng chục người còn đang ở trên tàu, vài người dùng khăn tay che miệng, ho.
“Hừ, có chuyện gì ở đây thế nhỉ?” tôi nghĩ, nhưng tôi phải đi làm. Tôi còn cả núi việc phải làm. Bước xuống sân ga, ai biết được có bao nhiêu người đang nằm bẹp ở đây? Các nhân viên nhà ga đã tập hợp tất cả những người cảm thấy khó chịu lại, phải đến năm chục người. Hai hay ba người hoàn toàn bất động, một hai người nằm sõng soài trên sân ga.
Nhưng khá lạ lùng, không khí không hề căng thẳng. Dù vậy tôi cũng cảm thấy rất lạ. Tôi hít nhưng không có hơi vào. Tựa như không khí đã cạn hết. Nhưng tôi vẫn có thể đi lại nên tôi nghĩ mình ổn. Thay vì đến nhập với đám “cảm thấy khó chịu” kia, tôi đón chuyến tàu tiếp theo. Nó đến ngay lập tức nhưng ngay khi lên tàu thì chân tôi bắt đầu run. Mắt tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Đột ngột như thể đêm đã ụp xuống vậy. “Chết tiệt,” tôi nghĩ, “lẽ ra mình nên ở lại đó với những người kia.”
Khi đến ga Omate-sando, tôi hỏi nhân viên nhà ga, “Không hiểu sao tôi lại cảm thấy hơi choáng váng… có gì xảy ra trên tàu điện ngầm không?” Ông ta nói, “Hình như có một vụ nổ ở Hachobori.” “Cũng có cái gì không ổn với đoàn tàu tôi vừa xuống,” tôi nói nhưng điều này lại được giải thích là “có thứ gì đó hoặc xăng bị đổ trên tàu.” Thông tin bát nháo hoàn toàn. Rồi tôi đi đến văn phòng trưởng ga và bảo họ, “Tôi thấy kinh khủng quá, tôi hầu như không thể nhìn thấy gì,” nhưng lúc đó tin tức vẫn chưa tới ga Omate-sando. Họ trả lời là, “Sao ông không ngồi xuống một lát nhỉ? Ông có muốn uống cái gì mát mát không?” Họ rất tốt, nhưng chẳng hiểu cái gì cả.
“Vô dụng thôi,” tôi nghĩ và không nói nữa, bỏ ra ngoài rồi đi lên mặt đất. Hôm ấy là một ngày quang đãng tuyệt đẹp nhưng tôi thấy mọi cái đều tối sầm. “Ôi, chuyện này không hay rồi đây.” Tôi đi đến một bệnh viện gần công ty nhưng vào đây tôi thật không thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra. “Đây chắc chắn là một ca cấp cứu: tôi vừa xuống tàu điện ngầm và…” Ông biết không, tôi cố hết sức nói cho rõ nhưng họ lại không hiểu ngay được là tôi muốn nói gì. Tôi gọi điện đến công ty: “Tôi cảm thấy không được khỏe lắm, tôi sẽ đến muộn một chút.” Cuối cùng tôi chờ ở đó ba tiếng đồng hồ. Ba tiếng mà họ chẳng làm con khỉ gì hết! Tôi thở mỗi lúc một gấp, tôi nhìn mỗi lúc một mờ đi… Tôi không nén được nữa nên gọi điện thoại cho Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm, chỉ để nhận lấy vài câu giải thích kiểu như vậy. Cuối cùng, họ đã tập hợp xong những người đang cảm thấy khó chịu trên sân ga. Tôi tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra với họ. Nhưng tôi không gọi điện thoại được.
11 giờ thì có thông báo rằng đó là sarin. Cuối cùng thì bác sĩ cũng đã nhòm đến tôi! Họ đã biết tình hình. Ngay lập tức là truyền máu, nằm viện. Tôi là bệnh nhân nhiễm sarin đầu tiên đến đó nên các bác sĩ tỏ ra hào hứng. Họ xúm xít lại quanh tôi, chọc chọc gõ gõ khắp nơi trên người tôi để tìm triệu chứng, rồi to nhỏ với nhau: “Thấy không, tác dụng của nó là thế đấy.” Tôi ở đó ba ngày.
Lúc ấy tôi quá mệt nên ngủ rất ngon nhưng ba tháng sau đó thì thật gian nan. Tôi mệt liên miên suốt. Cứ cố làm gì là lại mệt phờ. Mắt tôi coi như đã tiêu tùng, nhìn tập trung vào điểm nào đó là mờ tịt ngay còn tầm nhìn thì rất hẹp. Công việc buộc tôi phải lái xe nhiều, nhưng sau chiều tối là tôi không nhìn thấy gì cả. Bình thường thị lực tôi vốn tốt nhưng nay tôi thậm chí còn không nhận ra được các biển báo trên đường phố. Và nếu tôi không đọc được trên màn hình máy tính thì làm sao có thể tiến hành công việc được đây.
Có lẽ tôi còn hơi hâm hâm nữa kìa. Thật đấy. Tôi đi khắp nơi nói với mọi người, “Người kia có cái gì kìa. Rồi xem, thế nào cũng sắp có chuyện lạ lùng xảy ra đấy.” Tôi đi mua vài thứ đồ lề giúp sống sót ở các cửa hàng bán đồ cắm trại. [cười] Sau này trở lại bình thường, tôi nghĩ sao mình dở hơi đến thế cơ chứ… nhưng lúc đó tôi vô cùng nghiêm túc. Thế đấy, giờ thì tôi làm gì với con dao phòng thân kia đây?
Kỳ quặc làm sao, nhưng tôi không cảm thấy chút gì giống như tức giận cả. Dĩ nhiên nghĩ đến những người đã chết thì tôi có tức giận. Tôi thực sự rất buồn khi nghĩ đến các nhân viên nhà ga vì dọn sarin mà chết. Nếu họ không ở đấy thì tôi chết là cái chắc. Nhưng tôi không cảm thấy có oán thù hay chua chat cá nhân nào với bọn gây ác. Cảm giác giống như tôi bị tai nạn vậy. Có lẽ ông đang chờ một câu trả lời khác thế chăng?
Nhưng dù thế nào, tôi cũng không chịu được việc báo đài đưa tin về Aum. Tôi thậm chí còn chẳng muốn ghé mắt xem qua nữa. Vâng, ông có thể nói chuyện đó càng khiến tôi mất tín nhiệm với giới truyền thông. Nói tóm lại, chuyện tai tiếng thì ai cũng thích cả. Giới truyền thông chỉ thích nói câu “Ôi, thật đáng tiếc!” Thậm chí tôi còn bỏ cả đọc tạp chí nữa.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm