Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 165
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
9. Sau Hôm Xảy Ra Vụ Hơi Độc, Tôi Yêu Cầu Vợ Ly Hôn
au hôm xảy ra vụ hơi độc, tôi yêu cầu vợ ly hôn”
Mitsuteru Izutsu (38)
Izutsu làm nghề nhập khẩu tôm cho một công ty thương mại lớn, nhưng trước vốn là thủy thủ. Tốt nghiệp Đại học Thương mại Hàng hải, anh từng dong buồm trên khắp cái hải trình nước ngoài cho tới khi cú suy thoái nghiêm trọng trong ngành vận tải tàu biển thuyết phục anh đột ngột bỏ dở nghiệp đi biển ở tuổi 30 để đảm nhiệm công việc bàn giấy ở một công ty nhập khẩu tôm. Sau bảy năm, anh chuyển sang làm chuyên gia về tôm ở công ty hiện nay.
Nhập khẩu hải sản lãi hơn thịt nhưng giá bán trên thị trường rất dao động khiến nó thành ra một ngành kinh doanh nhiều rủi ro, được ăn cả ngã về không. Nó đòi hỏi một lượng kha khá kinh nghiệm về nước ngoài. Izutsu chưa bao giờ bị cuốn hút đặc biệt vào kinh doanh tôm, nhưng niềm yêu thích với các việc dính dáng tới nước ngoài đã mở cửa cho anh đến với ngành buôn bán hải sản. Thật ra hai năm trước, khi anh bỏ việc lần gần đây nhất, anh đã muốn mở công ty riêng và đến công ty này với hy vọng huy động được vốn. “Bây giờ quả bong bóng Nhật đã vỡ thì không thể quá lạc quan được,” họ bảo anh. “Nhưng có lẽ anh sẽ muốn xem xét khả năng làm việc cho chúng tôi một thời gian chăng?” Và thế là anh trở thành người làm công ăn lương. Không phải ai cũng xin việc theo cách này.
Điều này có nghĩa là quan điểm của anh khác biệt một cách tinh tế so với một nhân viên công ty thông thường. Nói chuyện với anh, bạn sẽ cảm thấy tinh thần độc lập mạnh mẽ của anh. Anh nói thẳng điều mình nghĩ nhưng không độc đoán. Đơn giản là anh có cách nghĩ riêng và thích suy nghĩ mọi sự đến tận cùng.
Hồi học đại học anh đã tập judo, và vẫn giữ được phong độ. Bề ngoài trẻ trung, anh ăn mặc tươm tất và rất thích cà vạt đẹp. Tóm lại anh là một cá nhân nổi bật – và một buổi sáng trên đường đi làm tình cờ đã bị trúng hơi độc.
o O o
Tôi hiện đang sống ở Shin-maruko, nhưng trước đây tôi sống ở Yokohama thuộc Sakuragicho. Công ty tôi ở Kokkai-gijidomae, ngay trung tâm Tokyo nên tôi luôn đi chuyến Tokyo. Giờ làm bắt đầu lúc 9 giờ 15 nhưng nói chung tôi cố đến công ty yên ổn, sớm sủa lúc 8 giờ. Vào giờ ấy các chuyến tàu không quá đông, công ty lại chưa có ai, nên tôi có thể yên lặng làm một số việc. Tôi dậy lúc 6 giờ, mắt tôi nó cứ tự động mở như thế. Tôi là người hợp với buổi sáng cho nên không giống với cú đêm lắm. Tối tôi đi ngủ lúc 10 giờ trừ lúc có việc phải làm nốt. Nhưng những đêm “không có việc cần làm nốt” không nhiều. Có việc phải làm thêm giờ, các bữa tối bàn công chuyện, và tôi cũng hay ra ngoài uống với mấy người ở cùng công ty nữa.
Hôm ấy tôi dậy hơi muộn hơn thường lệ. Tôi lên tuyến Tokyo chỉ trước 7 giờ một chút, đến Naka-meguro khoảng 7 giờ 15, lên tuyến Hibiya đến Kasumigaseki và đổi tàu sang tuyến Chiyoda. Tôi trúng hơi độc sarin ở ga nằm giữa Kasumigaseki và Kokkai-gijidomae.
Tôi luôn lên toa đầu khi đổi tàu ở Kasumigaseki. Như thế xuống tàu là tôi đã ở ngay cửa ra gần công ty nhất. Khi sang tuyến Chiyoda thì chuông đã reo, nên tôi chạy vội cho kịp, nhưng con tàu vẫn đứng yên. Tôi thấy hai nhân viên nhà ga đang lau chùi sàn toa trước mặt. Chất lỏng từ trong một cái hộp rò rỉ, loang ra như nước… Đoàn tàu dừng tại chỗ trong khi các nhân viên lau sạch chất lỏng kia. Sự chậm trễ này cũng có nghĩa là tôi đã kịp lên tàu.
Không, không phải bằng chổi lau. Họ đang lau sạch sàn bằng giấy báo. Tàu phải chạy tiếp càng sớm càng tốt cho nên họ không có thì giờ đi lấy chổi lau. Một nhân viên mang hộp rò nước ra khỏi toa tàu và cuối cùng tàu cũng lăn bánh. Mãi sau này tôi mới biết hóa ra người nhân viên mang cái hộp đi về sau đã chết. Còn người kia thì chết vào ngày hôm sau.
Chúng tôi bị kẹt lại khoảng năm phút ở ga. Suốt năm phút đó hai nhân viên nhà ga vẫn làm vệ sinh toa ngay trước mặt tôi. Toa không đặc biệt đông nhưng không có chỗ ngồi nên tôi chỉ đứng nhìn họ làm. Nghĩ lại tôi cho rằng đã có mùi gì đó nhưng lúc ấy tôi không để ý. Dường như chẳng có gì khác thường cả. Tuy vậy, tất cả các hành khách đều ho, tựa như ai đó để lại cái gì và nó đang bốc hơi lên vậy. Nhưng ngay như thế cũng không ai đứng lên đổi chỗ ngồi. Sau khi tàu chạy, tôi nhìn thấy sàn vẫn bẩn, bèn tránh xa vài bước.
Tôi không để ý thấy có gì khác thường cho tới khi xuống tàu ở Kokkai-gijidomae. Nhiều người đang ho nhưng tất cả chỉ có thế. Tôi không để ý lắm. Tôi cứ thế đi đến công ty. Tivi vẫn luôn bật để chúng tôi có thể theo dõi tỷ giá hối đoái. Tôi đang xem dở tin tức thì có gì đó rất lạ xảy đến. Hình như một vụ náo loạn lớn nào đó đang xảy ra. Màn hình chủ yếu chiếu cảnh ga Tsukiji và khu vực quanh đó.
Tôi vừa đi công tác Nam Mỹ về hôm trước. Hôm sau là lễ Xuân Phân nên chẳng có lý do gấp gáp nào khiến tôi phải đến công ty cả, nhưng tôi đã vắng mặt một thời gian dài nên nghĩ mình nên xem qua có những việc gì đã ùn lên. Nhưng công ty tối om. Chuyện gì thế nhỉ? Tôi tự hỏi. Ở đây luôn tối như thế này sao? Khi tôi xem tường thuật trên tivi, trong một lúc tôi không nghĩ đó chính là chuyến tàu mình đã đi, nhưng dần dần tôi bắt đầu thấy khó chịu: co đồng tử là một triệu chứng, hình như thế. Ai cũng bảo tôi cần đi bệnh viện.
Đầu tiên tôi đến gặp một bác sĩ mắt gần đấy và khám con ngươi. Đồng tử không chuyển động trước bất cứ cường độ ánh sáng nào chiếu vào tăng lên hay giảm đi. Vài cảnh sát đến xét nghiệm và họ được đưa tới bệnh viện Akasaka gần đó. Một số nạn nhân sarin khác cũng đang ở đây, họ đứng thành hàng để đo huyết áp và các thứ đại loại. Bệnh viện Akasaka vẫn chưa có thuốc gì điều trị, nhưng người ta đã truyền dịch cho tôi trong một tiếng rưỡi, rồi bảo, “Những ai đã cảm thấy ổn thì xin về nhà, ngày mai đến khám lại.” Họ không thử máu hay gì hết. Giờ nghĩ lại thì thấy Bệnh viện Akasaka chẳng làm một xét nghiệm tử tế nào cho tôi cả.
Lúc ấy họ đã xác minh khá rõ ràng đây là một vụ đầu độc sarin. Tôi cũng biết đó là thứ mình bị nhiễm. Người ta đã nói đến cái đó trên tivi và cũng chính đoàn tàu ấy, toa tàu ấy… Ở bệnh viện Akasaka, người ta ít nhòm ngó đến tôi, nên tôi nghĩ có lẽ mình nên về nhà mà chết. [cười thành tiếng] Nhưng lúc ở trên tàu tôi đứng, sau đó lại chuyển xuống cuối toa, cho nên tôi vẫn khá an toàn. Những người ngồi cùng một toa mà không chuyển chỗ thì đều nằm bệnh viện một thời gian dài. Tôi nghe thấy điều này từ một nhân viên điều tra đến quanh quẩn ở đó để thu lượm thông tin.
Độ co đồng tử của tôi không cải thiện mấy suốt một thời gian. Tôi đến bác sĩ mắt ở bệnh viện Akasaka trong chừng mười ngày. Nhưng họ không chữa chạy được gì cho tôi mấy.
Sự thật là hôm bị đánh hơi độc, tôi đã làm việc một lèo ở công ty cho đến tận 5 rưỡi. Tôi thấy mệt không ăn trưa nổi, dĩ nhiên, không thấy thèm ăn chút nào. Tôi bị một trận vã mồ hôi lạnh, lên cơn run và ai cũng bảo nom tôi tái mét. Nếu bị ngã sụp xuống thì hẳn tôi đã thu xếp công việc mà về nhà rồi, đằng này tôi lại chẳng ngất nghiếc gì cả… Ai cũng nói chắc tôi bị sốt mùa hè. Tôi vừa ở Nam Mỹ về nên đó có thể là một kiểu dị ứng gì đó, họ nói vậy. Nhưng mắt tôi không nhìn tập trung được, đầu tôi nhức. Nhờ trời công việc của tôi chủ yếu là bàn bạc qua điện thoại, còn việc đọc thì tôi có thể để một trong các nhân viên nữ làm.
Hôm sau là ngày lễ nên tôi chỉ nằm dài nghỉ ngơi. Mọi cái hình như vẫn tối, và tôi thấy chẳng còn chút sức lực nào. Ban đêm không thể ngủ nhiều. Hình như tôi đã rên rỉ. Tôi nằm mơ và nửa chừng thức giấc. Tôi sợ nếu ngủ tiếp mình có thể sẽ không bao giờ thức dậy nữa.
Bây giờ tôi sống một mình nhưng lúc đó tôi đã có gia đình. Một người vợ và lũ trẻ con. Xin lỗi vì đã dài dòng với mấy chi tiết tẹp nhẹp này. [cười] Nhưng, thôi được rồi, lúc ấy tôi còn ở với gia đình nhưng có lẽ cũng chẳng khác nào sống một mình cả…
Quay lại chuyện ban nãy, tôi treo bộ quần áo mặc dở ngày hôm ấy vào tủ và đám trẻ bắt đầu kêu là mắt chúng ngứa. Tôi có hai nhóc thì mắt đứa thứ hai bị đau. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, nhưng cho là chỉ cần vứt bộ quần áo đi thì sẽ không còn ai đau nữa nên tôi quăng quần áo vào thùng rác cùng với mọi thứ khác, vứt cả đôi giày của tôi.
Cuối cùng, người thì chết, người thì chịu các hậu quả đáng sợ cho nên tất nhiên là phải thấy giận bọn gây tội rồi; nhưng tôi, chắc là tôi cảm thấy có một chút khác so với những người giận dữ đến mức thành kiến không chịu đi tàu điện ngầm nữa. Giận dữ, cũng có, nhưng các triệu chứng của tôi tương đối xoàng nên thái độ giận dữ của tôi khách quan hơn. Nó không mang tính cá nhân.
Nghe thì có vẻ lạ lùng, nhưng dường như tôi hiểu khá nhiều về cái món cuồng tín tôn giáo này. Tôi luôn thông cảm với khía cạnh đó của mọi chuyện. Tôi không muốn quẳng phắt nó đi. Từ lúc còn bé tôi đã luôn luôn thích các chòm sao và những câu chuyện huyền thoại, do đó ban đầu tôi mới muốn làm thủy thủ. Nhưng khi người ta bắt đầu tổ chức và lập ra các giáo phái này nọ thì tôi không đi theo. Tôi không hứng thú với các giáo phái, nhưng tôi tin là nếu nói những chuyện kiểu đó một cách nghiêm túc thì cũng không hẳn là xấu. Tôi hiểu được đến vậy.
Nhưng ông biết không, thật kỳ lạ, dạo ở Nam Mỹ tôi đã được một nhân viên Sứ quán Nhật tại Colombia mời đi karaoke rồi hôm sau đó suýt quay lại đúng chỗ đó nhưng tôi nói, “Thôi, thử cái gì mới đi.” Và đúng hôm ấy, quán karaoke này bị đánh bom. Tôi nhớ khi về nhà đã nghĩ, “Ít nhất Nhật Bản cũng là một nơi an toàn” và hôm sau tôi đi làm thì xảy ra vụ đánh hơi độc. [cười] Thật buồn cười. Nhưng nghiêm túc mà nói, khi tôi ở Nam Mỹ hay Đông Nam Á, cái chết không cách bao xa cả. Tai nạn là chuyện thường tình ở đó, không như ở Nhật ta.
Thành thật mà nói, sau hôm xảy ra vụ hơi độc, tôi yêu cầu vợ tôi ly hôn. Thời gian này, quan hệ giữa chúng tôi không còn tốt đẹp nữa và trong khi ở Nam Mỹ tôi đã suy nghĩ khá nhiều rồi. Tôi định khi về nhà sẽ làm cho rõ ràng và nói thẳng ý mình, nhưng rồi tôi vấp phải vụ hơi độc. Tuy vậy, ngay cả sau khi tôi đã trải qua mọi chuyện đó, cô ấy vẫn chẳng nói năng với tôi.
Sau khi bị nhiễm hơi độc, tôi điện thoại từ công ty về bảo với vợ chuyện đã xảy ra, các triệu chứng của tôi và mọi thứ, nhưng gần như tôi không nhận được phản ứng nào của cô ấy. Có thể cô ấy không thật sự hiểu tình hình, không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng ngay cả thế, hừm, lúc đó tôi biết là chúng tôi đã đi tới một lối rẽ. Hoặc cũng có thể tình trạng của tôi lúc đó đã khiến tôi bị kích động, có lẽ là như thế. Có lẽ vì thế mà tôi đã hoàn toàn thẳng thắn và nói tôi muốn ly hôn. Có thể nếu vụ sarin này không xảy ra thì tôi đã không nói chuyện ly hôn sớm như thế. Tôi chắc sẽ không nói gì cả. Dù thế nào thì nó là một cú sốc lớn, đồng thời giống như một giọt nước tràn ly.
Gia đình tôi đã lộn xộn như thế quá lâu, đến lúc đó thì tôi vẫn không tự coi mình là rất quan trọng. Không phải khả năng chết không có thật, mà, giả dụ tôi chết đi, chắc tôi đã có thể chấp nhận theo cách của riêng mình rằng đó chỉ là một kiểu tai nạn.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm